sống con người với thiên nhiên xung quanh. Nhưng ở tầng nghĩa thứ hai, núi cũng như sông, đó là những hình ảnh mang tính chất tượng trưng rõ nét. Núi là nhân chứng của những cuộc đi, sông là điểm tìm về với những nỗi niềm, nhớ nhung: ngày ra đi thì nói “ngày xuống núi”, khi trở lại thì lại nói “trở về bên sông quê hương”… Núi tượng trưng cho sự chở che, bao bọc; sông, suối là mạch nguồn cho sự sống. Núi ngóng đợi người đi, sông tắm mát cho tâm hồn khi trở lại quê hương. Núi và sông tạo thành Đất Nước ấm áp vẹn tròn.
Từ những từ ngữ giản dị, tưởng chừng đã rất quen thuộc trong thơ Dương Thuấn lại giàu xúc cảm, vẫn mang đến những biểu hiện tươi mới, sinh động, thú vị, tạo nên những ẩn ngữ, những hàm nghĩa mới. Dương Thuấn kể về lớp lớp người con bản Hon ra đi, vì chí hướng hoặc tìm kế sinh nhai với cuộc hành hương với thái độ ngậm ngùi:
Thế rồi núi không còn mọc
Thế rồi chim phượng chẳng bay về Còn chúng tôi dần dần khôn lớn
Núi Chẻ Dả ngóng lớp lớp người ra đi…
Hình ảnh núi không còn mọc, chim phượng không bay về, trẻ con dần khôn lớn, dần ra đi, chỉ còn núi Chẻ Dả như một chứng nhân sau bao năm tháng dài mong ngóng, mòn mỏi, vẫn đợi những đứa con quê hương trở về. Câu thơ trầm, buồn và nặng ưu tư. Ngôn ngữ không hề có sự trau chuốt công phu, không hề thấy bóng dáng của những “kỹ thuật” nhưng vẫn tạo được nhiều ám ảnh. Ví như khi nói về tình yêu, quan niệm của nhà thơ được cụ thể hóa:
Đàn ông có ba quả tim Một quả cất để ở nhà
Một quả mang trong lồng ngực Một quả đem giấu ở vườn hoa.
Xuyên suốt hàng ngàn trang thơ của Dương Thuấn có đôi khi xuất hiện buồn, sầu nhưng là cái buồn của đại ngàn, của những dòng sông quanh năm chảy xiết:
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ Nông Quốc Chấn - Sự Kết Hợp Truyền Thống Và Tinh Thần Thời Đại
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 17
- Thơ Dương Thuấn - Khát Vọng Hướng Về Nguồn Cội
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 20
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 21
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
Ơi con sông dài như giấc ngủ của rừng Bao khúc uốn quanh co ghềnh thác ì ầm
Có chỗ lặng lờ cho bản nhà sàn soi bóng
Chị đi lấy chồng nơi khác vẫn nhớ dòng sông...
Những lúc cô đơn, chán nản, khi một mình tha hương giữa phố phường, trong những đêm mất ngủ, anh lại nhớ những ngày còn ở núi. Ở Dương Thuấn ta nhận ra có sự đối nghịch, trong những khi đau đớn thì giọng thơ lại thiên về sự đùa cợt. Đằng sau cái ngạo mạn khinh bạc là một nỗi cô đơn không dễ gì khoả lấp:
Đêm nay đô thành ta đạp đổ Ta là chàng trai núi khinh đời
Ta chẳng cần đô thành em đã biết hay chưa Chẳng cần biết em qua bao ngôi nhà bị đổ…
Cái cuối cùng, cái kết thúc, và cái bắt đầu tưởng như cách xa vời vợi cũng lại chỉ gần trong thóang chốc. Trong nỗi man mác buồn, thơ Dương Thuấn vẫn thể hiện một vẻ đẹp dù mơ hồ nhưng tha thiết: Mùa thu ta lại lên đỉnh đồi/ Ta thả xuống những câu thơ áo trắng. Nhiều khi tác giả nói như kể chính là những triết lý sâu xa về con người, cuộc sống; nhiều khi anh thể hiện sự dụng công khá rõ, tứ thơ vận động qua sự nhắc lại liên tục một câu thơ hay một đoạn thơ, trong những bài: Tết đến, Kìa thảo nguyên đẹp thế, Đi tìm bóng núi, Với Bàn Tài Đoàn, Ơi cô gái Ba Na xinh đẹp, Ôi nắng vàng như mật...
Điều quan trọng phía sau những ngôn từ, giọng điệu, hình ảnh ấy, Dương Thuấn đã tìm ra được một giọng nói của riêng mình, như anh từng ấp ủ: Người sinh ra trên núi/ Cầm dao tự phát lối cho riêng mình… Dương Thuấn đã khéo léo dung hòa giữa cái truyền thống và hiện đại, giữa cái cách tân và những nét đẹp giản dị. Thơ Dương Thuấn giàu rung cảm, thấm đẫm tình đời, tình người, đôn hậu như cách nói của Huy Cận: Yêu đời biết mấy cho bưa/ Đến khi nằm xuống còn chưa hết tình… Quê hương, bản làng, con người xứ núi đã tạo cho Dương Thuấn một mối giao cảm bền bỉ, sâu nặng. Phía sau những con chữ, những vần thơ ấy chính là hình ảnh nhà thơ, hình ảnh bản làng, dân tộc Tày của anh. Dương Thuấn vẫn miệt mài viết và dấn thân, viết cho thế hệ mình, cho cuộc sống giản dị xung quanh như một sự sẻ chia nỗi lòng, một cách đền ơn. Trải qua hành trình gần 30 năm sáng tác, Dương Thuấn vẫn giữ trong mình cái khát khao vừa dung dị vừa thiêng liêng, trọn
vẹn nghĩa tình: Đi đâu rồi cũng trở về/ Nước múc gáo/ Gạo vẫn đong bằng đấu/ Bên bếp mắt lại nhìn đau đáu/ Đêm dài lửa ấm có em…
Có thể nói, trong nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam từ 1945 đến nay, những tác giả như Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn đã và đang tạo được những bản sắc riêng cho thơ ca của mình cũng như ghi dấu ấn sâu đậm cho thơ các dân tộc Tày. Ba tác giả mang đến cho độc giả ba giọng điệu, ba cách nhìn cuộc sống, họ giống nhau ở con đường đi (gắn bó với cội rễ văn hoá dân tộc mình), giống nhau ở đích đến (ấy là những sáng tác dành cho “chín phương bè bạn, mười phương thương nhớ”). Nhưng chỉ những cái chung ấy chưa thể để lại dấu ấn sâu đậm cho từng nhà thơ trong bản hoà âm đa thanh, đa sắc. Cái “tạng” của mỗi nhà thơ, cái gốc văn hoá mới khiến họ trở thành phong cách riêng, độc đáo. Nông Quốc Chấn với nhiều đề tài phong phú nhưng lúc nào cũng bộc lộ một cách nhiệt thành niềm tự hào, trân trọng văn hóa dân tộc; Y Phương viết bằng một khát vọng và niềm tin nhiều như sông như suối, muốn “đục đá kê cao quê hương” Tày của mình; còn Dương Thuấn lúc nào cũng đau đáu một khát khao “đi tìm bóng núi” và “hát những lời cho quả sai”. Qua ba tác giả, độc giả có thể hình dung một phần về diện mạo văn học Tày cũng như văn học dân tộc thiểu số hiện nay. Ngoài ra, đội ngũ thơ dân tộc Tày nói riêng và thơ dân tộc thiểu số nói chung còn rất nhiều những tác giả đã và đang đạt được những thành tựu đáng ghi nhận cho phép chúng ta kì vọng vào một sự phát triển ngày một mạnh mẽ hơn.
KẾT LUẬN
1. Thơ dân tộc Tày có bề dày truyền thống và những thành tựu nổi trội so với các dân tộc thiểu số khác với những tên tuổi: Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Triều Ân, Y Phương, Mai Liễu, Ma Trường Nguyên, Triệu Lam Châu, Dương Thuấn... Việc nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về thơ dân tộc Tày nói riêng cũng như thơ các dân tộc thiểu số nói chung sẽ góp phần tìm hiểu, soi sáng một bộ phận văn học trong bức tranh văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, từ đó có cái nhìn tương đối đầy đủ, toàn diện về những đặc điểm nổi bật, độc đáo của thơ ca dân tộc Tày trên các bình diện đội ngũ, nội dung và hình thức nghệ thuật, những phong cách sáng tạo độc đáo.
2. Trên hành trình phát triển của thơ dân tộc thiểu số, dân tộc Tày có số lượng tác giả, tác phẩm đông đảo với nhiều thành tựu vượt trội. Nghiên cứu các tác phẩm của bốn thế hệ nối tiếp nhau trong thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay có thể thấy ba xu hướng biến đổi (xu hướng truyền thống, xu hướng dân tộc và hiện đại và xu hướng hiện đại hóa) từ đó giúp lý giải cặn kẽ hơn sự ra đi và trở về như một quy luật có ý thức của nhiều tác giả khi muốn khẳng định vị thế, tầm vóc dân tộc mình.
Trong quá trình nghiên cứu về thơ hiện đại dân tộc Tày, chúng tôi chú ý đến cái bản sắc độc đáo khác biệt với các dân tộc thiểu số khác và khác biệt với dân tộc Kinh, bởi “mỗi dân tộc có đặc tính của mình, chỉ riêng mình mới có, còn các dân tộc khác thì không có” [57, tr.7-8]. Với góc nhìn văn học sẽ cho ta hiểu thêm về giá trị nghệ thuật của những tác phẩm ấy; và với góc nhìn văn hóa sẽ giúp ta hiểu rõ, thấu đáo về tính lịch sử, cho phép giải thích sự thay đổi, những thành tựu độc đáo ấy vừa mang tính quy luật, vừa đậm bản sắc dân tộc. Cảm hứng sáng tạo của thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay có sự thay đổi qua hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1945- 1975 có sự tập trung cao với cảm hứng chính là cuộc chiến đấu của đồng bào miền núi, giai đoạn sau 1975 là sự phân hóa phức tạp khiến thơ dân tộc Tày đa sắc màu hơn với ba cảm hứng chính: quê hương, con người, tình yêu.
Trong những tác phẩm thơ dân tộc Tày, nét đẹp của đời sống tinh thần, phong tục, tập quán của cuộc sống ngày thường đã đi vào một cách tự nhiên, chân thực,
phong phú, sinh động, cụ thể; bộc lộ sự tự hào về đời sống tinh thần giàu có, ấm áp nghĩa tình của những con người miền núi. Chính nội dung này đã góp phần quan trọng trong việc làm nên giá trị độc đáo, đặc sắc riêng cho những tác phẩm thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay. Qua thơ của các nhà thơ dân tộc Tày, chúng ta nhận ra những tầng sâu văn hóa về con người, sinh hoạt… một cách tự nhiên. Họ viết về những con người xung quanh bằng một tình cảm thiết tha mà mang nhiều ý nghĩa lớn lao, qua đó gửi gắm một chiều sâu nhân bản. Đó là hình ảnh người mẹ được nhắc đến rất nhiều, như là sự trở lại với những con người không tên tuổi, nhưng cuộc đời của họ mãi mãi đọng lại trong niềm cảm thương, sự kính trọng và lòng yêu thương vô bờ; là người lính áo chàm với những nét mộc mạc, giản dị nhưng đẹp nhất là tinh thần chiến đấu và một tâm hồn dung dị. Thơ dân tộc Tày còn thể hiện sự đắm say, tha thiết, sự tôn thờ tình yêu với cách bộc lộ đậm chất núi rừng của những con người hồn nhiên, nồng nàn, mạnh mẽ, thuần khiết “như lá cây rừng, như dòng suối chảy”. Những câu, những ý tình được diễn tả trong thơ họ mộc mạc, bình dị mà vẫn đậm chất thơ, một chất thơ vút lên từ sự say đắm của những tâm hồn nơi vùng cao.
3. Ở phương diện nghệ thuật biểu hiện, chúng tôi phân tích những biểu hiện nghệ thuật của thơ dân tộc Tày trong mối liên hệ biện chứng giữa kế thừa truyền thống văn học dân gian và sự cách tân đổi mới. “Viết ra những điều không ai hiểu được là cách viết dễ nhất, đồng thời cũng là vô trách nhiệm nhất” như lời của nhà phê bình người Đức Schopenhauer đã nói. Có lẽ, viết mộc mạc, dung dị, dễ hiểu, gần gũi là một trong những ưu điểm lớn đầu tiên đáng được ghi nhận của thơ dân tộc Tày nói riêng cũng như thơ dân tộc nói chung. Ngôn từ, kết cấu, hình ảnh, giọng điệu… của nhiều tác phẩm thơ dân tộc Tày trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển đã vượt lên khỏi sự tả, sự kể đơn thuần để thăng hoa, để gợi, để biểu cảm và thực sự mang đến cho người đọc những bài thơ không chỉ hay, ý nghĩa về đề tài, nội dung mà còn đẹp, thú vị trong cách biểu hiện.
Ngôn từ đồng thời đóng vai trò là các biểu tượng văn hóa, diễn tả cảm xúc của con người trong từng thời đại, từng vùng đất. Một trong những điểm khác biệt của văn học dân tộc thiểu số với văn học miền xuôi đầu tiên phải kể đến là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay với đặc trưng rõ nhất là sự mộc mạc
như cách nói hàng ngày với chủ yếu là giọng kể; có sự trong sáng, giản dị, phần nhiều là những cách nói truyền thống của người vùng cao, bộc bạch chân tình, thẳng thắn trước cuộc sống đời thường và đôi khi có những ngôn ngữ được chọn lọc công phu tạo nên những ẩn ngữ, đa nghĩa. Có thể nhận thấy ba giọng điệu chính trong thơ dân tộc Tày. Đầu tiên phải kể đến là giọng kể, tả của những lời ăn tiếng nói hàng ngày nhưng qua đó bộc lộ những ý nghĩa sâu xa, những triết lý, dù có lúc đơn giản, thô sơ nhưng đúng với cách tư duy, cách nghĩ và tâm hồn con người miền núi. Giọng điệu thứ hai cũng không kém phần độc đáo đó là những âm điệu thiết tha, đằm thắm kiểu tâm tình: ru, than, ngọt ngào, xuất hiện đặc biệt trong những bài thơ có chất độc thoại, nói với chính mình nhưng cũng là để nói với cuộc sống và con người xung quanh bằng âm điệu nhẹ nhàng, tình cảm. Giọng điệu thứ ba, kiểu này đặc sắc và thu hút được sự chú ý của người đọc hơn hết, đó là sự khỏe khoắn, vui tươi, mạnh mẽ, đúng như tính cách con người miền núi. Ba kiểu giọng này, có lúc mờ, có lúc đậm, có lúc nổi trội, có lúc nhạt nhòa trong thơ dân tộc Tày ở từng thời kỳ, từng chủ đề khác nhau nhưng nhìn chung đã tạo thành một phong cách riêng khi đặt đối sánh bên cạnh những sáng tác thơ dân tộc thiểu số khác, và đặc biệt là trong tương quan với thơ miền xuôi.
Bản sắc văn hóa được thể hiện trong mỗi tác phẩm thơ dân tộc Tày mang đến sự đa dạng trong một chỉnh thể hài hòa. L.A. White định nghĩa văn hóa như là truyền thống ngoại thân xác, trong đó các biểu tượng đóng vai trò chủ đạo. White coi hành vi biểu tượng là một trong những đặc điểm chủ yếu của văn hóa. Ông cũng là người chỉ ra những đặc trưng của văn hóa bằng liên tưởng dòng chảy văn hóa với sự thay đổi, lớn lên, phát triển tương hợp với các quy luật vốn có [111, tr.328]. Những biểu tượng mẹ Hoa, đàn tính, lúa, ngựa trong thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay chứng tỏ sức sống của văn hóa dân gian được lưu truyền đậm nét từ thời kỳ khởi nguyên cho đến thời kỳ hiện đại.
Ở chương cuối cùng của luận án, chúng tôi giới thiệu một cách sâu hơn về phong cách thơ của ba tác giả Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn. Đây là những tác giả thể hiện thành công một cách có ý thức về vai trò của nguồn cội, truyền
thống trong sáng tạo nghệ thuật và thiên chức cao cả của những người cầm bút. Thơ của họ đã lưu giữ, truyền tải văn hóa dân tộc Tày một cách sáng tạo, độc đáo.
4. Thơ dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại đã và đang đạt được nhiều thành tựu, việc nghiên cứu từng dân tộc, khu vực sẽ hoàn thiện bức tranh đa dạng sắc màu trong một chỉnh thể của nền văn học Việt Nam. Bên cạnh việc chỉ ra những thành tựu cũng như hạn chế, cái nhìn khát quát giữa thành tựu thơ dân tộc Tày với thơ dân tộc thiểu số khác và dân tộc Kinh cũng cho thấy rõ sự độc đáo cũng như vị trí thơ dân tộc Tày và đóng góp của nó trong thơ Việt Nam hiện đại.
Nếu có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, chúng tôi sẽ tìm hiểu một số vấn đề còn đang dang dở như sự chi phối của văn hóa vùng tới thơ của từng tác giả, những gương mặt thơ nữ của thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay, nghiên cứu sâu từng thế hệ để nhận thấy sự biến chuyển mạnh mẽ trong quá trình vận động của thơ dân tộc Tày trong ảnh hưởng của văn học/văn hóa Kinh... Chọn đề tài này chúng tôi không có tham vọng sẽ giải quyết toàn bộ những vấn đề liên quan đến thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay, bởi do sự hạn chế về thời gian và tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu. Ngoài ra, sự hạn chế về trình độ khoa học của người nghiên cứu cũng là một thực tế khó tránh khỏi. Vì vậy, chúng tôi mong muốn sẽ có những công trình tiếp tục nghiên cứu về thơ dân tộc Tày nói riêng, thơ dân tộc thiểu số nói chung để có cái nhìn toàn cảnh về một nền văn học còn nhiều vấn đề hứa hẹn chờ người khai phá; cùng với đó là cách tiếp cận mới khiến đối tượng nghiên cứu có thể được soi chiếu từ nhiều góc độ, chiều kích.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1. Nhiều tác giả, Tuyển tập văn học miền núi (in chung), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.
2. Đỗ Thị Thu Huyền, Người hát những khúc ca như sông như suối (về thơ Y Phương, dân tộc Tày), Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 3-2008.
3. Đỗ Thị Thu Huyền, Thơ ca Tày hiện đại qua một số gương mặt tiêu biểu, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5-2008.
4. Đỗ Thị Thu Huyền, Triết lý của những câu thơ củi hái từ con tim (về tác giả Triệu Kim Văn, dân tộc Dao), Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 10-2008.
5. Đỗ Thị Thu Huyền, Những đoản khúc về tình yêu cuộc sống (về thơ Mai Liễu, dân tộc Tày), Tạp chí Văn hóa các dân tộc, số 8-2009.
6. Đỗ Thị Thu Huyền (Tuyển chọn và biên soạn), Dương Thuấn - Hành trình từ Bản Hon, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009.
7. Đỗ Thị Thu Huyền, Đề tài chiến tranh trong thơ dân tộc thiểu số, Tạp chí
Văn nghệ quân đội, số 1-2011.
8. Đỗ Thị Thu Huyền, Sự chuyển biến của thơ dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Kinh (qua trường hợp Y Phương) in trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Những lằn ranh văn học”, Nxb. Đại học Sư phạm tp. Hồ Chí Minh, 2011.
9. Đỗ Thị Thu Huyền, Thơ dân tộc thiểu số 10 năm đầu thế kỷ XXI, Tạp chí
Nghiên cứu văn học, số 5-2012.
10. Đỗ Thị Thu Huyền, Thơ dân tộc thiểu số với đề tài hậu chiến, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 7-2012
11. Đỗ Thị Thu Huyền, Sự biến đổi của thơ dân tộc thiểu số trong quá trình hội nhập và phát triển, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ IV do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức tháng 11-2012.
12. Đỗ Thị Thu Huyền, Nói với con - một tuyên ngôn về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số 2-2013.