Tác động của văn hóa nước ngoài tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam và hướng tới tiếp thu các giá trị văn hóa quốc tế kết hợp với các giá trị truyền thống để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập - 13




và doanh nhân trong con mắt xã hội cũng được nâng lên đáng kể. Qua những giao lưu văn hóa này, kinh nghiệm và kiến thức của doanh nhân Việt Nam cũng được tăng lên nhiều. Sự cọ sát với thương trường quốc tế đã tôi luyện các nhà lãnh đạo Việt Nam nói chung, các doanh nhân Việt Nam nói riêng, và giúp họ hạn chế dần nhược điểm trong giao tiếp với đối tác nước ngoài.

Muốn xây dựng bất cứ một công trình hay một giá trị tinh thần nào, trước hết cần trông vào chính nội lực của bản thân mình. Thực tế đã chứng tỏ, con người Việt Nam có một nguồn nội lực vô cùng phong phú. Chỉ cần biết cách động viên, tạo điều kiện phát triển, nguồn nội lực này sẽ được phát huy, để trở thành động lực cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới. Vì vậy, khi xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cần khai thác ở mức tích cực nhất những giá trị tinh thần tiến bộ của doanh nghiệp Việt Nam và các nhà quản lý trong doanh nghiệp Việt Nam.

III. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ


1. Một số khuyến nghị đối với nhà nước

Nhà nước Việt Nam cần tạo lập một môi trường lành mạnh để phát triển văn hóa trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Trước hết, cần tạo lập môi trường pháp lý về kinh doanh với những quy định trong các văn bản luật và dưới luật khẳng định tầm quan trọng của kinh doanh trong xã hội, đảm bảo những quyền hạn và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và doanh nhân, chấm dứt vĩnh viễn tình trạng nghi ngờ, coi rẻ hoạt động kinh doanh như thời bao cấp. Ngoài ra, nhà nước cũng cần có những quy định rõ ràng, minh bạch và xây dựng những cơ chế xử lý nghiêm ngặt các trường hợp kinh doanh thiếu văn hóa, gây tổn hại đến các giá trị văn hóa dân tộc để khích lệ các doanh nghiệp làm giàu chính đáng và vận hành kinh doanh vì mục tiêu phát triển con người và xã hội. Thứ hai, cần tạo lập môi trường pháp lý về văn hóa với những quy định phù hợp, thống nhất, hướng dẫn các doanh nghiệp, các thương nhân kinh doanh có đạo đức, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, của các khách hàng, của đất nước, của dân tộc. Nhà nước cũng cần thiết lập cơ chế

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.


Tác động của văn hóa nước ngoài tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam và hướng tới tiếp thu các giá trị văn hóa quốc tế kết hợp với các giá trị truyền thống để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập - 13



cạnh tranh công khai, lành mạnh giữa các doanh nghiệp để đảm bảo tính văn hóa trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập hóa kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, việc tiến hành hoạt động đẩy mạnh xây dựng, xúc tiến các chương trình giao lưu kinh tế đi đôi với giao lưu văn hóa của nhà nước là rất cần thiết. Mỗi sản phẩm kinh doanh đều là kết tinh của trình độ phát triển văn hóa của mỗi dân tộc. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích giao lưu kinh tế mở đường cho giao lưu văn hóa, và giao lưu văn hóa thúc đẩy giao lưu kinh tế. Đồng thời, nhà nước cũng cần có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh việc xuất khẩu những mặt hàng có bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp có nhiều điều kiện hơn để tiếp xúc, học hỏi các giá trị văn hóa quốc tế, đồng thời phát huy, mở rộng và xuất khẩucác giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam ra nước ngoài.

Một xã hội chỉ có thể phát triển bền vững khi mức độ phát triển của văn hóa tương đồng với sự phát triển về kinh tế. Việt Nam là một nước có truyền thống văn hóa lâu đời nhưng lại quá ỷ lại vào vốn sẵn có của mình, không quan tâm đến việc giữ gìn và học hỏi các yếu tố mới trong văn hóa, dẫn đến nhanh chóng bị tụt hậu. Do đó, việc giáo dục ý thức và khơi dậy lòng tự hào dân tộc về văn hóa nói chung, vai trò của văn hóa trong kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân nói riêng cho người Việt Nam cần được chú trọng phát triển. Lịch sử đã chứng minh, mỗi khi ý thức và lòng tự hào dân tộc được nâng cao, người dân Việt Nam có thể kết thành các làn sóng sức mạnh và làm nên nhiều kỳ tích. Do đó, cần khai thác các giá trị dân tộc và biến chúng thành sức mạnh để phát triển kinh tế.

Nhà nước cũng cần khuyến khích các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa trong hoạt động kinh doanh, hướng các doanh nghiệp tạo dựng các hệ thống giá trị văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, bền vững, có tính nhân văn cao và tương thích với văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, nhà nước cần nêu cao ý thức xây dựng văn hóa trong hoạt động kinh




doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải lấy các giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng, đồng thời kết hợp tiếp thu, học hỏi các giá trị văn hóa nước ngoài nhằm mục đích gia tăng năng lực cạnh tranh, phục vụ các lợi ích và mục tiêu phát triển chung của cộng đồng, của xã hội.

2. Một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp

Việc quan trọng đầu tiên các nhà lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện là xây dựng và củng cố văn hóa doanh nhân, lấy văn hóa doanh nhân làm nòng cốt để phát triển văn hóa doanh nghiệp và các hệ thống giá trị văn hóa trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình, từ đó có phương hướng tiếp thu các giá trị văn hóa quốc tế, kết hợp với các giá trị truyền thống dân tộc một cách hiệu quả, tương thích với các nguồn lực khác trong doanh nghiệp. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần chú trọng giáo dục, không ngừng củng cố và phát huy các nội dung của văn hóa trong doanh nghiệp mình. Sự thiếu hiểu biết về văn hóa nước ngoài thường gây tâm lý bất lợi cho doanh nhân Việt Nam trên bàn đàm phán, dẫn đến tình trạng bị động, cứng nhắc trong ứng xử, dễ bị thua thiệt trong kinh doanh. Vì vậy, công tác giáo dục văn hóa trong kinh doanh, cung cấp những kiến thức về văn hóa nói chung, và văn hóa trong hoạt động kinh doanh nói riêng cho các doanh nhân Việt Nam hiện nay cần được đặc biệt lưu ý. Người có trình độ chuyên môn cao, lại hiểu biết truyền thống lịch sử của dân tộc, thấm nhuần các giá trị văn hóa truyền thống, am tường văn hóa dân tộc khác chắc chắn sẽ có phong cách giao tiếp ứng xử linh hoạt, phù hợp và những quyết định kinh doanh đúng đắn, hiệu quả. Điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong công việc tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ bạn hàng với đối tác nước ngoài.

Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư, nghiên cứu tác động của yếu tố văn hóa đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình, từ đó xây dựng, điều chỉnh và phát triển văn hóa trong hoạt động kinh doanh một cách thích hợp. Khoa học về quản lý kinh doanh gần đây đã đưa ra một trào lưu tri thức mới, lấy yếu tố con người - nguồn nhân lực làm trung tâm của việc quản lý và vận hành kinh doanh hiệu quả. Các nhà quản lý ngày nay nhận thức sâu sắc và đúng đắn hơn về kết quả




của thành công doanh nghiệp chủ yếu không có nguồn gốc từ vốn hay công nghệ mà phụ thuộc vào những con người trong tổ chức đó. Trong thời đại ngày nay, doanh nghiệp muốn thành công cần có chính sách quản lý hướng tới con người, coi con người là trung tâm, chứ không phải chỉ là phương tiện để đạt được lợi nhuận cho doanh nghiệp. Để đạt được sự liên kết, đồng tâm nhất trí giữa các thành viên trong doanh nghiệp, giữa nhân viên và khách hàng, giữa nhân viên và cổ đông cần xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp vững chắc, có khả năng bảo vệ lợi ích cho từng cá nhân, chứ không phải chỉ bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp không thể phát triển được nếu thiếu nhân tố con người và nền tảng văn hóa. Văn hóa không có điểm đầu và điểm cuối, nên việc xây dựng và phát triển văn hóa trong hoạt động kinh doanh là một sự liên tục, đòi hỏi một quá trình lâu dài và phức tạp. Doanh nghiệp cần nghiêm túc nhìn nhận lại cơ cấu tổ chức, phong cách quản lý, điều lệ doanh nghiệp, chính sách nhân sự,... xây dựng chính sách đầu tư cho con người thích hợp. Để gắn bó các nhân viên lại với nhau và với công ty, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng triết lý kinh doanh, xây dựng hệ thống giá trị tinh thần cho các thành viên trong tổ chức.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chiến lược để phát triển văn hóa trong từng loại hình hoạt động kinh doanh như trong đàm phán, marketing, tiêu dùng,... Muốn xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, mỗi doanh nghiệp cần có sự đầu tư cho phát triển từng lĩnh vực trong kinh doanh của doanh nghiệp mình, như đàm phán, marketing, tiêu dùng .Cần ý thức rõ ràng rằng, trong bất cứ lĩnh vực nào, văn hóa tự nó cũng đã tồn tại. Điều doanh nghiệp cần làm là hiểu rõ văn hóa của chính mình, để tận dụng được những điểm mạnh, giảm nhẹ điểm yếu, trên cơ sở đó bổ sung những giá trị học hỏi được từ bên ngoài. Chính vì vậy, điều các doanh nghiệp cần làm là tìm ra thế mạnh, nhất là từ văn hóa trong phong cách đàm phán, marketing, tiêu dùng,... như tính linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo, cần kiệm và ý thức được những mặt hạn chế như trình độ chuyên môn, thiếu kinh nghiệm do ít cọ xát với bên ngoài, tâm lý sùng ngoại .Trên cơ sở những hiểu biết đó, mỗi doanh nghiệp sẽ định ra phương hướng, biện pháp để củng cố những điểm mạnh và khắc phục




điểm yếu, nhằm xây dựng một hệ thống giá trị văn hóa trong hoạt động kinh doanh vững mạnh, toàn diện, không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho cả xã hội.

3. Một số khuyến nghị khác

Ngoài các khuyến nghị trên, một số công tác khác cũng cần được chú trọng xây dựng để nâng cao vai trò của văn hóa trong các hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề thông tin và giáo dục về văn hóa, vai trò của văn hóa trong kinh doanh, văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp cần được tăng cường. Các hội thảo, tọa đàm về tác động của văn hóa tới hoạt động kinh doanh và vấn đề văn hóa trong kinh doanh của các doanh nghiệp cần được các cơ quan sự nghiệp chú trọng tổ chức nhiều hơn nữa để cung cấp cho các doanh nghiệp các kiến thức cần thiết và nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Công tác tuyên truyền này cần được đẩy mạnh, với những nội dung thiết thực, để doanh nghiệp có thể vận dụng vào công việc của mình.

Ngoài ra, cũng cần đưa các nội dung về văn hóa, văn hóa trong kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp,... vào chương trình giảng dạy của các trường đại học. Trong nội dung giảng dạy của các trường đại học Việt Nam, trừ một vài trường đại học như Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế quốc dân, các vấn đề về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh,... chưa thực sự được coi trọng. Trong khi đó các vấn đề này từ lâu đã trở thành một nội dung giảng dạy bắt buộc tại các trường đại học ở các nước phát triển như Anh, Mỹ,... Một thực tế khác là nhiều doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong khi đội ngũ sinh viên ra trường có hiểu biết rất ít về văn hóa trong các hoạt động kinh doanh thì sẽ tiếp thu và thấu hiểu các giá trị văn hóa của doanh nghiệp chậm hơn, có cái nhìn thiếu toàn diện và sâu sắc về ý nghĩa của việc củng cố và phát huy hệ thống giá trị văn hóa trong hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp họ đang công tác. Việc đưa văn hóa doanh nghiệp và các nội dung liên quan vào chương trình giảng dạy chính thức góp phần cung cấp các kiến thức nền tảng cho thế hệ làm kinh tế sau này. Như vậy, lớp doanh nhân trong tương lai sẽ ý thức nhiều hơn về vấn đề này và chú trọng xây dựng và phát triển các hệ thống giá trị văn hóa trong hoạt động kinh doanh của Việt Nam sau này.




Trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa ý thức rõ ràng về vấn đề văn hóa trong kinh doanh, thì việc phổ biến các tài liệu về văn hóa, ảnh hưởng của văn hóa đến kinh doanh, phát huy vai trò của văn hóa trong hoạt động kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp,.... cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Các cơ quan xúc tiến thương mại như phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có thể phối hợp với các cơ quan thương vụ ở nước ngoài để xuất bản các cuốn sách giới thiệu về vai trò của văn hóa trong kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp,... các chỉ dẫn về văn hóa trong hoạt động kinh doanh của nước ngoài và kinh nghiệm phát triển văn hóa trong kinh doanh của các quốc gia trên thế giới. Trên thế giới, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp đã trở thành một công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Sự thành công của các doanh nghiệp là một minh chứng rõ ràng cho vấn đề này. Tuy nhiên ở Việt Nam, số doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này còn rất ít ỏi. Trong thời gian gần đây, với sự tuyên truyền rộng rãi của các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhưng không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Một số trung tâm tư vấn tư nhân nắm bắt được nhu cầu này, đã quảng cáo tư vấn xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tuy nhiên chương trình và nội dung không thống nhất, và việc tư vấn cũng chưa có nhiều kết quả đáng ghi nhận.



KẾT LUẬN


Thế kỷ XXI là thế kỷ mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi với bên ngoài, tạo đà cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, việc gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO và mở cửa nền kinh tế đã buộc các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các doanh nghiệp nước ngoài, thêm vào đó là sự mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa,... và xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng đã tạo điều kiện du nhập các nền văn hóa khác nhau với các phong cách kinh doanh, tiêu dùng, sinh hoạt,... khác nhau. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, tầm quan trọng của văn hóa trong hoạt động kinh doanh cũng ngày càng được khẳng định vững chắc hơn. Phát triển kinh tế bền vững chỉ có thể đạt được trên nền tảng một xã hội có văn hóa. Chính vì vậy, thành công trên thương trường ngày nay cần có sự hiểu biết về văn hóa truyền thống quốc gia mình, văn hóa quốc gia đối tác, và các khác biệt về văn hóa, vận dụng linh hoạt các giá trị văn hóa tích cực vào hoạt động kinh doanh để hình thành năng lực cạnh tranh riêng cho doanh nghiệp mình. Cũng như vậy, muốn đứng vững trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, nhà kinh doanh không thể chỉ tự trang bị bằng kiến thức, công nghệ,... mà còn cả một nền tảng văn hóa vững chắc cho chính bản thân nhà lãnh đạo và cho doanh nghiệp. Đã đến lúc nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng cần phải quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn nữa để nâng cao ý thức văn hóa và kiểm soát trật tự trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Văn hóa là một lĩnh vực hết sức đa dạng. Vai trò của văn hóa và vấn đề văn hóa trong kinh doanh, cũng như văn hóa doanh nghiệp tương đối phức tạp. Do gặp




nhiều hạn chế trong quá trình nghiên cứu, khóa luận này còn có nhiều thiếu sót. Trong thời gian tới, với sự giúp đỡ về mặt kiến thức cũng như phương pháp của các giảng viên Đại học Ngoại thương, cũng như có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về mặt nghiên cứu, em hi vọng có được bước phát triển mới về nhận thức để hoàn thiện thêm khóa luận này.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Hoàng Trọng và Hoàng Phương Thảo, Quản trị chiêu thị, nhà xuất bản Thống kê 1996.

2. Phillip Kotler, Thấu hiểu tiếp thị từ A đến Z, nhà xuất bản Trẻ - 2005


3. GS.TS. Nguyễn Thị Mơ, Hoàng Ngọc Thiết, Giáo trình pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại, nhà xuất bản Giáo dục - 2005.

4. Sanjyot P. Dunung, Kinh doanh ở Châu Á, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 1998.

5. Nguyễn Hiến Lê, Kinh dịch, đạo của người quân tử, nhà xuất bản Văn học - 1994.

6. Matt Haig, Sự thật về 100 thất bại thương hiệu lớn nhất của mọi thời đại, nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh - 2005.

7. Donald Hendon, Sự thật về những thất bại trong tiếp thị sản phẩm, nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh - 2005.

8. Fons Trompenaars và Charles Hampden-Turner, Chinh phục các làn sóng văn hóa, nhà xuất bản Tri thức - 2006.

9. Adam M. Brandenburger và Barry J. Nalebuff, Lý thuyết trò chơi trong kinh doanh, nhà xuất bản Tri thức - 2007.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/09/2022