Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài


tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm quản lý, nâng cao tay nghề người lao động,v.v. Đây là một trong những ưu điểm mà các hình thức đầu tư khác không có được.

Thứ năm, các dự án FDI mang tính lâu dài. Đây cũng là một điểm để phân biệt hình thức FDI với hình thức đầu tư gián tiếp (FPI). FPI có tính thanh khoản cao hơn so với FDI. Do trong hình thức FPI, nhà đầu tư bỏ vốn để tiến hành các hoạt động giao dịch chứng khoán ở nước nhận đầu tư nên họ có thể dễ dàng thu lại vốn đầu tư ban đầu bằng việc đem bán các chứng khoán đó.

3. Các nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài


Có rất nhiều nhân tố gây tác động đến lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào một quốc gia, tuy nhiên, chúng ta có thể xếp chúng vào các nhóm lớn như sau: Các yếu tố thuộc môi trường kinh tế, các yếu tố thuộc môi trường chính trị, các yếu tố thuộc môi trường pháp lý.

3.1. Các yếu tố thuộc về môi trường kinh tế


Môi trường kinh tế luôn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động của nhà đầu tư. Do nhà đầu tư luôn luôn theo đuổi mục đích tối ưu hóa lợi nhuận, họ thường nghiên cứu rất kỹ môi trường kinh tế của nước nhận đầu tư trước khi quyết định bỏ vốn vào dự án đầu tư. Trên cơ sở các nghiên cứu đó, nếu nhà đầu tư thấy có thể thu được lợi nhuận, họ sẽ vạch ra chiến lược, kế hoạch đầu tư phù hợp để thu được tỷ suất lợi nhuận cao nhất, nếu nhà đầu tư thấy môi trường kinh tế không hấp dẫn, họ sẽ tiếp tục tìm hiểu điều kiện kinh tế của các quốc gia khác để có thể lựa chọn được địa điểm đầu tư tối ưu.

Môi trường kinh tế bao gồm rất nhiều yếu tố được chia thành các yếu tố kinh tế vĩ mô (các chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tỷ giá hối đoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế, cán cân thương mại quốc tế, cán cân thanh toán quốc tế, tỷ lệ lạm phát,…) và các yếu tố kinh tế vi mô như (dung lượng thị trường, thu nhập, thói quen tiêu dùng,…). Mỗi yếu tố lại có những tác động và có vai trò nhất định đến môi trường đầu tư, kinh doanh của một quốc gia.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.


3.2. Các yếu tố thuộc môi trường chính trị

Tác động của luật đầu tư năm 2005 vào đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam - 3


Môi trường chính trị được xem là tổng hòa các yếu tố như thể chế chính trị, xu hướng chính trị, thái độ chính trị của các thành phần kinh tế và mức độ ổn định về chính trị của một quốc gia.

Nhà đầu tư có quyết định đầu tư hay không phụ thuộc vào mức độ ổn định về chính trị của quốc gia đó so với các quốc gia khác trên thế giới. Trên thực tế, môi trường chính trị và môi trường kinh tế là hai yếu tố không tách rời nhau, có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau. Sự ổn định về mặt chính trị là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đồng thời sự phát triển kinh tế sẽ là tiền đề, tạo cơ sở vững chãi để thiết lập một chế độ chính trị ổn định. Các nhân tố trong môi trường chính trị cùng với các yếu tố trong môi trường kinh tế sẽ có ảnh hưởng mạnh đến quá trình ra quyết định của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một quốc gia dù có thể mức tỷ suất lợi nhuận rất cao, nhưng tình hình chính trị luôn bất ổn với những cuộc chiến tranh, bạo động, biểu tình thì nhà đầu tư nước ngoài không thể yên tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí, họ còn lo ngại không thể thu được lợi nhuận về từ các dự án đầu tư do bị hạn chế bởi những thay đổi về chính trị trong quá trình đầu tư. Đương nhiên, trong trường hợp này, để bảo đảm lợi ích của mình, hầu hết các nhà đầu tư sẽ lựa chọn phương án là tìm kiếm một thị trường đầu tư khác ổn định hơn về mặt chính trị để họ có thể chắc chắn thu hồi được lợi nhuận từ nguồn vốn mình bỏ ra.

Mức độ ổn định về chính trị thể hiện ở chỗ: bộ máy chính quyền hoạt động có hiệu quả không, có được người dân tin trưởng và ủng hộ không, người dân có đồng lòng đi theo sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền hay không,… Một nền chính trị ổn định là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài an tâm đầu tư.

Sự can thiệp của Chính phủ nước nhận đầu tư cũng ảnh hưởng đến hoạt động của nhà đầu tư. Sự can thiệp kịp thời, hợp lý và đúng mức của Chính phủ có thể đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và đương nhiên được nhà đầu tư ủng hộ và tán thành. Ngược lại, không nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào một quốc gia mà Chính phủ can thiệp quá sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp cũng như hoạt động của các nhà đầu tư. Sự can thiệp quá mức và bất hợp lý của Chính phủ sẽ hạn chế quyền tự do sản


xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Do đó, để có thể điều tiết nền kinh tế một cách hiệu quả, Chính phủ cần phải dung hòa lợi ích của quốc gia và lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài để các họ an tâm bỏ vốn.

3.3. Các yếu tố thuộc môi trường pháp lý


Tính hấp dẫn của lĩnh vực đầu tư ở mỗi quốc gia trước hết phải được thể hiện ở hệ thống luật pháp có liên quan đến đầu tư ở nước đó. Trước khi tiến hành đầu tư, nhà đầu tư rất quan tâm đến hệ thống pháp lý, cơ chế, chính sách về FDI tại địa điểm mà họ dự định đầu tư. Hơn thế nữa, nhà đầu tư còn tìm hiểu rất kỹ về tính đầy đủ và đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính chuẩn mực, rõ ràng, minh bạch, công bằng và ổn định của hệ thống pháp lý cũng như các quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư.

Các yếu tố này có tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để có thể tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngoài việc xây dựng một thể chế pháp luật hoàn chỉnh, hoàn thiện và hiệu quả, nước nhận đầu tư cần phải có những cơ chế, biện pháp cụ thể để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Tóm lại, các yếu tố thuộc môi trường kinh tế, chính trị và pháp lý là ba nhóm yếu tố cơ bản có ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nói cách khác, hoàn thiện hệ thống pháp lý, cải thiện môi trường kinh tế, ổn định tình hình chính trị chính là những biện pháp căn bản để tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

4. Tác động của FDI đối với nước nhận đầu tư là nước đang phát triển


4.1 Tác động tích cực


a. FDI là nguồn quan trọng bù đắp sự thiếu hụt về vốn - ngoại tệ


Hầu hết các nước đang phát triển đều rơi vào cái “vòng luẩn quẩn” đó là: thu nhập thấp dẫn đến tiết kiệm thấp, tiết kiệm thấp khiến cho đầu tư thấp và hậu quả cuối cùng lại là thu nhập thấp. Tình trạng “luẩn quẩn” này chính là điểm nút khó


khăn nhất mà các nước này phải vượt qua để hội nhập vào quỹ đạo tăng trưởng kinh tế hiện đại. Nhiều nước lâm vào tình trạng trì trệ, nghèo đói bởi lẽ họ không thể lựa chọn và tạo ra được điểm đột phá chính xác một mắt xích của “vòng luẩn quẩn” này. Trở ngại lớn nhất để thực hiện điều đó là vốn đầu tư và kỹ thuật. Vốn đầu tư là cơ sở tạo ra công ăn việc làm trong nước, đổi mới công nghệ, kỹ thuật, tăng năng suất lao động,… từ đó tạo tiền đề tăng thu nhập, tăng tích lũy cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, để tạo vốn cho nền kinh tế nếu chỉ trông chờ vào vốn tích lũy nội bộ thì hậu quả khó tránh khỏi đối với các nước đang phát triển là họ sẽ tụt hậu xa hơn so với mặt bằng phát triển chung của thế giới. Do đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là một “cú hích” để đột phá cái “vòng luẩn quẩn” trong nền kinh tế. FDI còn là một nguồn vốn quan trọng để khắc phục tình trạng thiếu vốn mà không để lại gánh nặng nợ nần cho nền kinh tế. Không như vốn vay, nước đầu tư chỉ nhận được phần lợi nhuận thích đáng khi công trình đầu tư hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, FDI có thể giúp nước nhận đầu tư cải thiện trình độ khoa học công nghệ thông qua quá trình chuyển giao công nghệ, giúp nước nhận đầu tư có thể tiếp cận với công nghệ nguồn tiên tiến, hiện đại. Hơn thế nữa, FDI còn có lợi thế hơn vốn vay ở chỗ: thời hạn trả nợ vốn vay thường cố định và đôi khi quá ngắn so với một số dự án đầu tư, còn thời hạn của FDI thường dài và linh hoạt hơn.

Theo mô hình lý thuyết “hai lỗ hổng” (Two-gap model)5 của Cherery và Strout, có hai cản trở chính cho sự tăng trưởng của một quốc gia, đó là:

o Tiết kiệm không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, gọi là lỗ hổng tiết kiệm (saving-gap).

o Thu nhập của hoạt động xuất khẩu không đủ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu – gọi là lỗ hổng thương mại (Trade-gap).

Hầu hết ở các nước đang phát triển, hai lỗ hổng này rất lớn. Do FDI góp phần làm tăng khă năng xuất khẩu của nước nhận đầu tư, thu một phần lợi nhuận từ các công ty nước ngoài, thu ngoại tệ từ các hoạt động dịch vụ phục vụ cho FDI nên


5 Vũ Thị Thuỷ - Đầu tư trực tiếp nước ngoài: hai mặt của một vấn đề – Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 236 – tháng 1/1998.


ngoài việc là nguồn qua trọng bổ sung sự thiếu hụt về vốn đầu tư trong nước, FDI còn góp phần bù đắp sự thiếu hụt về ngoại tệ.

b. FDI mang lại công nghệ kỹ thuật hiện đại, trình độ chuyên môn, trình độ quản lýtiên tiến

Đây có thể nói là lợi ích căn bản nhất đối với các nước nhận đầu tư. FDI có thể thúc đẩy sự đổi mới kỹ thuật trong các nước nhận đầu tư như là góp phần tăng năng suất của các yếu tố sản xuất, thay đổi cơ cấu của sản phẩm và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển các nghề mới, đặc biệt là những nghề đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao. Vì thế, nó có tác dụng lớn đối với quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng nhanh ở các nước nhận đầu tư.

FDI mang lại kinh nghiệm quản lý, kỹ năng kinh doanh và trình độ kỹ thuật cho nước nhận đầu tư thông qua các chương trình đào tạo, quá trình vừa học vừa làm,v.v. FDI cũng mang lại cho họ những kiến thức sản xuất phức tạp trong khi tiếp nhập công nghệ của nước chủ đầu tư. FDI còn thúc đẩy việc đào tạo kỹ sư, nhà quản lý có trình độ chuyên môn cao ở nước nhận đầu tư để tham gia vào các công ty liên doanh với nước ngoài. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy hầu hết các quốc gia thu hút FDI đều đã cải thiện đáng kể trình độ kỹ thuật công nghệ của mình. Chẳng hạn như đầu những năm 60, Hàn Quốc còn kém về lắp ráp xe hơi, nhưng nhờ tiếp nhận công nghệ của Mỹ, Nhật và một số nước khác mà chỉ trong vòng 30 năm, họ đã trở thành một trong những nước sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

c. Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động từ đó tạo điều kiện tăngtích lũy trong nước

Các dự án FDI không chỉ tạo công ăn việc làm cho người lao động tại nước nhận đầu tư bằng việc cung cấp việc làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn tạo ra cơ hội việc làm trong những tổ chức khác khi các nhà đầu tư nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ từ các nhà sản xuất trong nước, hoặc thuê các doanh nghiệp trong nước thực hiện các hợp đồng gia công, chế biến,v.v.

d. FDI giúp nước nhận đầu tư mở rộng thị trường


Khả năng cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường là hai trở ngại lớn nhất đối với các nước đang phát triển. Các sản phẩm của họ thông thường không thể so sánh được về mặt chất lượng, mẫu mã cũng như giá cả đối với các sản phẩm của các nước công nghệ phát triển. Hơn thế nữa, cho dù các nước này có khả năng sản xuất những sản phẩm có khả năng cạnh tranh thì họ lại gặp khó khăn trong việc thâm nhập thị trường nước ngoài. Hoạt động FDI, đặc biệt là các hoạt động tiến hành bởi các công ty đa quốc gia, mang lại cơ hội cho nước nhận đầu tư vì các công ty đa quốc gia có lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới bởi danh tiếng, uy tín của mình.


4.2. Tác động tiêu cực


a. Chi phí cho việc thu hút FDI


Để có thể thu hút FDI, nước nhận đầu tư phải đưa ra một số ưu đãi đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài trong một thời gian dài như miễn thuế, giảm thuế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin liên lạc,v.v. Như vậy trong một số trường hợp, lợi ích mà nước chủ đầu tư nhận được có thể không bù lại được phần chi phí họ bỏ ra để thu hút được nguồn vốn FDI đó.

b. Nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ


Dưới sự tác động của sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật; máy móc, công nghệ nhanh chóng trở thành lạc hậu. Vì thế, các nhà đầu tư thường chuyển giao những máy móc đã lạc hậu sang nước nhận đầu tư để có thể đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm ở chính nước họ. Việc chuyển giao công nghệ lạc hậu có thể gây ra nhiều thiệt hại cho nước nhận đầu tư như:

o Khó xác định được giá trị thực của những máy móc chuyển giao, nên nước nhận đầu tư thường bị thiệt trong việc đánh giá tỷ lệ vốn góp trong các liên doanh với nước ngoài, từ đó dẫn đến thiệt hại trong khi chia lợi nhuận.

o Gây tổn hại đến môi trường.

o Chất lượng sản phẩm thấp, chi phí sản xuất cao, do đó, các sản phẩm của nước nhận đầu tư khó có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.

o Khiến cho nước nhận đầu tư tụt hậu hơn nữa so với mặt bằng chung của thế giới về mặt khoa học công nghệ.

c. Gây nên sự phụ thuộc của nền kinh tế vào vốn đầu tư nước ngoài.


Việc phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài nói chung và FDI nói riêng có thể dẫn đến việc thiếu chú trọng huy động và sử dụng tối đa vốn trong nước, gây ra sự mất cân đối trong cơ cấu đầu tư (giữa vốn trong nước và vốn nước ngoài). Nó gây ra sự phụ thuộc về tất cả mọi mặt của quá trình sản xuất và lưu thông như vốn đầu tư ban đầu, vốn tái đầu tư, bí quyết kỹ thuật, công nghệ, đầu mối cung cấp vật


tư, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm,v.v. Do đó, nếu tỷ trọng FDI chiếm quá lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển thì sự độc lập, tự chủ của nước nhận đầu tư có thể bị ảnh hưởng, nền kinh tế trở nên lệ thuộc vào bên ngoài, thiếu vững chắc (nhất là khi dòng vốn FDI có sự biến động, giảm sút lớn).

d. Các ảnh hưởng xấu khác


Do sự đãi ngộ về vật chất và tinh thần (đặc biệt là về vật chất với mức lương cao), mà các doanh nghiệp FDI đã mời gọi được nhiều lao động có trình độ, tài trí về làm việc cho mình. Trong khi khu vực kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp của nước tiếp nhận đầu tư có mức lương thấp, điều kiện lao động và chế độ đãi ngộ thiếu cạnh tranh nên không thu hút được nhiều lao động kỹ thuật cao. Đó chính là hiệu ứng “chảy máu chất xám” ở ngay trong một quốc gia.

FDI vào nước tiếp nhận đầu tư kéo theo một lực lượng đông đảo người nước ngoài tới sinh sống, làm việc; cho nên sự xâm nhập văn hoá nước ngoài là không thể tránh khỏi. Truyền thống văn hoá bị pha trộn, lai căng dẫn đến cách sống, suy nghĩ không phù hợp nền văn hoá nước chủ nhà, nhất là trong một bộ phận giới trẻ. Do đó, để hạn chế cần xây dựng một môi trường văn hoá “hoà nhập” nhưng không “hoà tan”, đánh mất bản sắc dân tộc mình.

Ngoài ra, FDI còn có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực khác như mất cân bằng kinh tế vùng, ngành do các nhà đầu tư chỉ muốn đầu tư vào những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao nhất, những vùng có điều kiện tốt nhất. Những ảnh hưởng này thậm chí có thể dẫn đến những bất ổn về mặt chính trị, rất khó để khắc phục.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng của FDI là tốt hay xấu còn phụ thuộc yếu tố chủ quan của nước nhận đầu tư (quan điểm, nhận thức, chiến lược, thể chế, chính sách, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này). Để thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn FDI, nước tiếp nhận đầu tư cần hạn chế, giảm thiểu được những tác động tiêu cực, bất lợi, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài và lợi ích quốc gia, tạo ra lợi ích tổng thể tích cực của việc tiếp nhận FDI cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển của quốc gia mình.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/09/2022