Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc - 2

3

phân tích những tác động cụ thể của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, vạch ra những mặt được, chưa được, đề xuất những định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả của FDI để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng bền vững trong thời gian tới.

2.2. Nhiệm vụ

Để đạt được mục đích trên, nhiệm vụ đặt ra của luận án là:

- Luận giải rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trên các phương diện tác động tích cực và tác động tiêu cực.

- Phân tích thực trạng tác động của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, trong đó đặc biệt đi sâu làm rõ những tác động tích cực và những tác động tiêu cực, những vấn đề cấp bách đặt ra cần giải quyết để phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả FDI cho

phát triển kinh tế - xã hội ở Vĩnh Phúc đến 2020 và tầm nhìn 2030.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.

Luận án có đối tượng nghiên cứu là những tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến phát triển kinh tế - xã hội thể hiện thông qua những thay đổi của các mặt đời sống kinh tế - xã hội như tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc làm, môi trường… dưới ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để làm rõ đối tượng nghiên cứu, trong luận án sẽ tiến hành luận giải những vấn đề có liên quan chặt chẽ tới tác động của FDI tới phát triển kinh tế

- xã hội như bản chất, đặc điểm, vai trò của FDI, mối quan hệ giữa FDI với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và những quan hệ kinh tế - xã hội có liên quan.

Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc - 2

4

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về không gian: Luận án tập trung nghiên cứu đánh giá thực trạng tác động của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có tính tới việc điều chỉnh địa giới hành chính của tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3, số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”.

- Thời gian nghiên cứu: Luận án phân tích, đánh giá thực trạng tác động của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc từ 1997 đến năm 2014 theo các phương diện kinh tế, xã hội, môi trường, nhằm đề xuất phương hướng và giải pháp phát huy hiệu quả tác động của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

4.1. Cơ sở lý luận của luận án là quan điểm Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, các văn kiện của Đại hội Đảng VII, VIII, IX, X, XI và các hội nghị Trung ương; Luật Đầu tư, Luật Đầu tư nước ngoài; đồng thời tham khảo, kề thừa những kết quả nghiên cứu của các tổ chức, học giả trong nước và quốc tế về đầu tư trực tiếp nước ngoài và tác động của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Cơ sở phương pháp luận của luận án là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Luận án sử dụng chủ yếu các phương pháp nghiên cứu: trừu tượng hóa khoa học; đi từ trừu tượng tới cụ thể; phương pháp nghiên cứu hệ thống; tổng hợp, phân tích, thống kê, so sánh, đồng thời kết hợp sử dụng các phương pháp tổng kết, phân tích và thực tiễn để tìm ra những đặc trưng của vấn đề nghiên cứu và tính quy luật của đối tượng nghiên cứu. Đồng thời cụ thể qua các chương:

Chương 1: Sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích để đánh giá về quan điểm của các học giả và trường phái lý luận về vấn đề nghiên cứu, từ đó

5

rút ra những vấn đề đã được nghiên cứu đầy đủ và các vấn đề cần nghiên cứu bổ sung và nghiên cứu mới.

Chương 2: Sử dụng phương pháp trừu tượng hóa khoa học để rút ra những khái niệm cơ bản và luận giải những vấn đề lý luận cơ bản về tác động của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ở Việt Nam. Đồng thời sử dụng phương pháp nghiên cứu đánh giá thực tiễn thu hút, sử dụng, phát huy tác động tích cực của FDI tại một số quốc gia và địa phương trong nước để rút ra bài học cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương 3: Sử dụng các phương pháp phân tích, thống kê, tổng hợp, nhằm làm rõ thực trạng tác động cụ thể của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, rút ra những kết quả tích cực, tác động tiêu cực và nguyên nhân.

Chương 4: Sử dụng phương pháp khái quát hóa những vấn đề đã nghiên cứu ở chương hai và chương ba cùng với đánh giá dự báo về bối cảnh và nhu cầu về vốn FDI cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc để rút ra những quan điểm định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả tác động của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội ở Vĩnh Phúc.

5. Những đóng góp mới của luận án

- Luận giải khái niệm tác động của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung làm rõ thêm về tác động hai mặt của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.

- Phân tích, đánh giá và luận giải rõ thêm những tác động cụ thể của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 1997 - 2014, bao gồm các tác động tích cực của FDI tới tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghệ sản xuất, kết cấu hạ tầng, mở rộng kinh tế đối ngoại, nguồn thu ngân sách, việc làm, môi trường cùng một số tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, môi trường các nguyên nhân của những tác động đó.

- Đưa ra những phương hướng và giải pháp chủ yếu để phát huy có hiệu quả tác động của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Những giải pháp đã đề xuất bao gồm:

6

Định kỳ đánh giá hiệu quả của từng dự án và hiệu quả của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Vĩnh Phúc để có chương trình điều chỉnh kịp thời; Tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp đến năm 2020 với tầm nhìn 2030; Phối hợp giữa địa phương với nhà đầu tư trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, lựa chọn dự án đầu tư với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thu hút và sử dụng hiệu quả FDI để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong việc tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả của FDI trong phát triển kinh tế - xã hội.

6. Ý nghĩa thực tiễn của luận án

Luận án góp phần vào việc nâng cao nhận thức về vai trò to lớn, lâu dài của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng. Đề xuất triển khai các giải pháp để đẩy mạnh thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn FDI phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Vĩnh Phúc trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho các đơn vị cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách về FDI, có thể sử dụng tham khảo để giảng dạy các chuyên đề kinh tế về FDI trong các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học.

7. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,

luận án gồm 4 chương, 11 tiết.

7

CHƯƠNG 1


TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN TÁC ĐỘNG CỦA ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH


1.1. KHÁI QUÁT VỀ CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1.1.1. Các công trình nghiên cứu của nước ngoài

Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu của các học giả và tổ chức nước ngoài về vấn đề FDI và tác động của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, địa phương nhập khẩu FDI. Những công trình tiêu biểu trong thời gian gần đây bao gồm:

Tác phẩm của David O.Dapice, “Nền kinh tế Việt Nam: Câu chuyện thành công hay tình trạng lưỡng thể bất thường? Một phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ” [24], bên cạnh trình bày về những tác động tích cực, đã đề cập tới một số những ảnh hưởng khác của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, biểu hiện thông qua xu thế tập trung đầu tư vào các ngành tạo ít việc làm, được bảo hộ cao.

Trong bài phân tích của Institute of International economics “FDI in Developing Countries and Economies in Transition: Opportunities, Dangers, and New Changes”, (Đầu tư nước ngoài tại các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi: Cơ hội, thách thức và những đổi mới) [103], khi phân tích về FDI đối với các nước đang phát triển đã chỉ ra những tác động trái chiều của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội của nước tiếp nhận. Từ phân tích một số điểm nổi bật của đầu tư nước ngoài tại các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi như FDI có được sự tăng trưởng vượt bậc từ những năm 1990, vốn đầu tư nước ngoài FDI chiếm tỉ lệ lớn nhất và là nguồn vốn ổn định nhất trong các dòng vốn tư nhân như dòng nợ, dòng vốn vay ngân hàng thương mại, trái phiếu và các dòng vốn khác, sự phân phối của vốn đầu tư nước ngoài tới các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế

8

đang chuyển đổi là không đồng đều, đã đề cập đến vấn đề tác động của FDI

tới phát triển, bao gồm:

Thứ nhất, tạo ra dòng tài chính phụ thêm của các nhà đầu tư nước ngoài từ đó tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ tại nước nhập khẩu FDI.

Thứ hai, có ảnh hưởng không tốt tới thị trường của nước nhập khẩu FDI do các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các thị trường quốc tế, nơi đang diễn ra cạnh tranh không hoàn hảo, từ đó gây ra những khó khăn, thách đố đối với doanh nghiệp (DN) của nước nhập khẩu FDI.

Thứ ba, vốn đầu tư nước ngoài FDI góp phần thúc đẩy tiết kiệm nội địa và cung cấp thêm hiệu quả trong quản lý, marketing, và công nghệ để nâng cao năng suất lao động.

Thứ tư, sử dụng hiệu quả FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn đối với nước nhập khẩu. Mối liên hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế (Mô hình Maign của FDI và phát triển) được thể hiện thông qua sự gia tăng đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN nước ngoài. Mặc dù FDI có thể có một tác động rõ ràng, tích cực tới sự phát triển của nước tiếp nhận, song cũng có thể tạo ra một số tác động tiêu cực như trở thành nhân tố thúc đẩy sự hình thành tình trạng độc quyền nhóm thông qua thiết lập và mở rộng DN kiểu gia đình, từ đó thu hẹp khả năng gia nhập thị trường của một số DN của nước tiếp nhận.

Từ đó để phát huy vai trò tích cực của FDI, nước nhập khẩu FDI không những cần có chính sách tăng cường thu hút FDI, mà còn phải có chính sách chủ động định hướng FDI theo hướng hiệu quả. Lợi ích và cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài là kiểm soát công nghệ, quyền sở hữu thương hiệu, đạt được qui mô kinh tế nhờ hoạt động hợp tác trong đầu tư và một số tài sản vô hình khác nhận được từ các DN nước ngoài chuyên nghiệp trong quản lý và tổ chức. Tuy nhiên các DN nước ngoài cũng phải đối mặt với những rủi ro, bất lợi trong sử dụng lao động nội địa, chịu ảnh hưởng không nhỏ từ phía các mối quan hệ cộng đồng tại địa phương, thị hiếu và văn hóa truyền thống tại nước tiếp nhận.

9

Bài phân tích của ROBERT E. LIPSEY and FREDRIK SJOHOLM, The Impact of Inward FDI on Host Countries: Why Such Different Answers? (Tác động của FDI lên nước chủ nhà: Tại sao có những tác động khác biệt?) [117], đã đề cập tới nhiều tác động của FDI tới nước chủ nhà. Theo tác giả, nhìn chung thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài có thể được tiếp cận với công nghệ cao hơn, từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà có giá thành thấp hơn, với năng suất cao hơn và kết quả là phúc lợi tiêu dùng cao hơn. Một khả năng khác có thể là đầu tư nước ngoài góp phần làm tăng vốn cổ phần của nước chủ nhà, đồng thời thúc đẩy mức sản lượng đầu ra.

Với những tác động nhất định tất yếu tới sự tăng trưởng kinh tế của nước chủ nhà, Carkovic và Levine [116] đã chỉ ra rằng không một tác động cụ thể nào của FDI được thể hiện rõ trong thời gian dài, ví dụ như khảo sát trong giai đoạn 1960 - 1995 và chỉ có một số tác động nổi bật nhưng mang tính nhất thời trong khoảng thời gian 5 năm liên tiếp. Không có một tài liệu cụ thể nào chỉ ra được những biến số phù hợp hàm chứa tác động của FDI lên tăng trưởng kinh tế.

Nghiên cứu của Todo và Miyamoto khác biệt so với các nghiên cứu khác ở chỗ miêu tả được các biến số của FDI như một con số tuyệt đối của FDI trong một lĩnh vực. Họ đã chứng minh được rằng phương pháp này liên quan chặt chẽ tới thị trường chứng khoán nước ngoài và như vậy nó được ưu tiên hơn cổ phần của họ trong ngành. Kết quả đã chỉ ra một tác động tích cực của FDI lên năng suất lao động tại các DN nội địa sau khi thực hiện quản lý nghiên cứu thị trường và đào tạo lực lượng lao động.

Báo cáo tại hội thảo của OECD: OECD-ILO Conference On Corporate Social Responsibility, Report: The Impact of Foreign Direct Investment On Wages And Working Conditions (Tác động của đầu tư nước ngoài lên tiền lương và điều kiện làm việc) [107], đã khẳng định rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ gần đây. Cổ phiếu toàn cầu của đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng từ 8% trong năm 1990 lên tới 24% trong năm 2006. Sự tăng trưởng mạnh

10

mẽ này đã được cấu thành bởi nhiều thay đổi về chất. Mặc dù một số lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào các nước khối OECD, nhưng tầm quan trọng của mối liên hệ giữa các quốc gia ngoài OECD với đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn gia tăng không ngừng. Báo cáo đã chỉ ra tác động tích cực của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội các nước đang phát triển, bao gồm:

Thứ nhất, FDI đã trở thành nguồn tài chính chủ yếu từ bên ngoài cho các quốc gia đang phát triển. Nhiều nước ngoài khối OECD cũng trở thành các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả và điều này được chứng minh bởi con số tăng lên gần gấp đôi của cố phiếu của họ tại thị trường chứng khoán toàn cầu từ năm 1990 tới năm 2005.

Thứ hai, vai trò ngày càng quan trọng của FDI tại các quốc gia đang phát triển đã mở ra những kỳ vọng mới về tiềm năng nhằm xây dựng một quy trình phát triển tại các quốc gia này, ví dụ như, các nền kinh tế nội địa có thể hưởng lợi từ FDI thông qua việc tạo ra những công việc chất lượng cao, từ đó trả lương cao hơn và điều kiện làm việc cũng tốt hơn các DN trong nước. Tuy nhiên, có một điều không chắc chắn rất đáng lưu tâm và hiện đang tranh cãi là trong thực tế có nên coi các DN nước ngoài có là một nhân tố có tác động điều tiết sự gia tăng của tiền lương và cải thiện điều kiện làm việc hay không.

Báo cáo này tổng kết một số vấn đề liên quan tới vấn đề trên, đó là nghiên cứu khảo sát đầu tiên về những tác động của thị trường lao động của đầu tư trực tiếp nước ngoài và đưa ra những kết quả từ nghiên cứu này của OECD. Nhìn chung, nghiên cứu này chỉ ra rằng các công ty đa quốc gia (MNEs) có xu hướng tăng tiền lương tại các quốc gia mà họ hợp tác đầu tư. Tác động tích cực của tiền lương có xu hướng tập trung vào các lao động được tuyển trực tiếp bởi các DN nước ngoài. Bên cạnh đó cũng có một ảnh hưởng tích cực nhỏ tới tiền lương của lao động nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN này. Những tác động tới gia tăng tiền lương được thể mạnh mẽ hơn ở các quốc gia đang phát triển so với các quốc gia phát triển, có thể do nguyên nhân khoảng cách về công nghệ giữa DN nước ngoài và DN trong nước là lớn hơn so với trong cùng một nước.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/11/2022