1.3.1.2. Các nghiên cứu xây dựng hoặc áp dụng mô hình dự báo lợi nhuận
Do có nhiều phương pháp dự báo khác nhau nên tất yếu cần đối chiếu chúng với nhau để từ đó xác định phương pháp dự báo hiệu quả nhất. Để thực hiện mục tiêu này, hướng tiếp cận phổ biến nhất của các nhà nghiên cứu trên thế giới là áp dụng đồng thời nhiều phương pháp dự báo cho cùng một đối tượng, cùng một phạm vi nghiên cứu không gian – thời gian, sau đó xác định sai số của kết quả dự báo theo một hoặc vài tiêu chí nào đó, từ đó kết luận phương pháp dự báo hiệu quả nhất chính là phương pháp có sai số thấp nhất.
Chẳng hạn, Taylor (2011) đã so sánh phương pháp san bằng số mũ (gồm hai phiên bản là là san bằng số mũ tổng thể và chia tách) với một số phương pháp khác cho dự báo doanh thu bán hàng đa sản phẩm để từ đó thấy rằng cả hai phiên bản của phương pháp san bằng số mũ đều có hiệu quả dự báo cao hơn các phương pháp còn lại. Tương tự, Sahu và Kuma (2014) so sánh nhiều phương pháp dự báo doanh thu khác nhau cho ngành công nghiệp sản xuất sữa ở Chhattisgarh, nhận thấy phương pháp trung bình động giản đơn có hiệu quả dự báo cao hơn mô hình giản đơn (naïve), phương pháp trung bình động nhân đôi, phương pháp san bằng số mũ và bán bình quân. Vahabi và cộng sự (2016) cũng dự báo doanh thu ngành sản xuất ô tô bằng cách áp dụng mô hình tích hợp Anfis và GA, từ đó xác định mô hình GA có khả năng dự báo tốt hơn. Grigaliuniene (2013) so sánh các mô hình chuỗi thời gian trong dự báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ở Baltic, nhận thấy mô hình dự báo đơn giản (naïve) dựa trên số liệu chuỗi thời gian có khả năng dự báo tốt hơn các mô hình ARIMA. Panga và cộng sự (2015) so sánh mô hình Grey-box phi tuyến tính với mô hình tuyến tính và nhận thấy mô hình thứ nhất dự báo dòng tiền tốt hơn không chỉ trong một kỳ mà cả nhiều kỳ.
Trong số các nghiên cứu áp dụng và so sánh các phương pháp dự báo kết quả kinh doanh, một số lại được tiến hành theo hướng cải biến các mô hình dự báo đã có bằng cách tích hợp thêm một vài yếu tố được xem là có khả năng tác động tới kết quả kinh doanh tương lai, sau đó so sánh hiệu quả dự báo của mô hình trước và sau cải biến, từ đó xác định phiên bản tốt hơn của mô hình dự báo, đồng thời xác nhận vai trò của nhân tố được bổ sung tích hợp vào mô hình dự báo. Chẳng hạn, Amstrong và cộng sự (2000) khi nghiên cứu về vai trò của ý định mua sắm của khách hàng trong dự báo doanh thu đã so sánh sai số dự báo của các mô hình có tích hợp ý định mua sắm với các mô hình dự báo thuần túy dựa vào số liệu quá khứ và thấy rằng nhóm mô hình thứ nhất có khả năng dự báo tốt hơn. Schroder và Yim (2016) thử tích hợp yếu tố đặc thù ngành nghề vào các mô hình dự báo khả năng sinh lời của các doanh nghiệp và các phân khúc
thị trường cũng nhận thấy rằng sự tích hợp này giúp cải thiện hiệu quả dự báo cho các doanh nghiệp đơn phân khúc.
Một số nghiên cứu khác lại tập trung xây dựng các mô hình mới trong dự báo kết quả kinh doanh. Hướng tiếp cận của các nghiên cứu này không đơn giản chỉ là tích hợp thêm một vài nhân tố vào những mô hình dự báo sẵn có như các nghiên cứu nêu trên, cũng không nhất thiết đòi hỏi phải so sánh hiệu quả dự báo của mô hình mới được đề xuất với các mô hình đã có (mặc dù hầu hết các nghiên cứu đều có nội dung này nhằm khẳng định tính ưu việt về hiệu quả dự báo của mô hình mới). Điển hình là nghiên cứu của Lee và cộng sự (2016) đã xây dựng được mô hình tích hợp các nhân tố tài chính và nhân tố trình độ kỹ thuật để dự báo tình hình kinh doanh cho các doanh nghiệp công nghệ. Trước đó, Ma và cộng sự (2014) xây dựng mô hình dự báo doanh số bán lẻ trên cơ sở khai thác các thông tin về quảng bá, Mahmoud (2008) đã xây dựng mô hình đa biến cho dự báo hiệu quả tài chính của các công ty bảo hiểm tài sản và nợ ở Ai Cập...
Nhìn chung, tuy các nghiên cứu nêu trên đã áp dụng hoặc xây dựng nhiều phương pháp dự báo khác nhau nhưng đều mắc phải hạn chế chung là mới chỉ dừng lại ở dự báo một số chỉ tiêu tài chính trọng yếu như doanh thu, dòng tiền nhưng chưa tiến tới dự báo lợi nhuận hoặc tỷ suất sinh lời. Đồng thời, kết luận của các nghiên cứu cũng rất khác nhau trong xác định phương pháp dự báo hiệu quả nhất. Nói chung, việc lựa chọn phương pháp dự báo và hiệu quả của mỗi phương pháp dự báo phụ thuộc rất nhiều vào đặc thù của đối tượng nghiên cứu cũng như bối cảnh nghiên cứu, do đó kết luận của những nghiên cứu trên mang tính riêng lẻ, rất khó được khái quát hóa.
1.3.1.3. Các nghiên cứu về nhân tố đặc thù tác động khả năng sinh lời của doanh nghiệp chế biến thực phẩm
Có thể bạn quan tâm!
- Tác động của các nhân tố nội tại tới dự báo khả năng sinh lời của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 4
- Tác động của các nhân tố nội tại tới dự báo khả năng sinh lời của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 5
- Tóm Lược Cơ Sở Lý Thuyết Và Nghiên Cứu Nước Ngoài Điển Hình Về Các Nhân Tố Tác Động Tới Khả Năng Sinh Lời Tương Lai
- Mô Hình Nghiên Cứu Về Tác Động Của Các Nhân Tố Nội Tại Tới Dự Báo Khả Năng Sinh Lời Của Các Dn Cbtp Ny Tại Việt Nam
- Tác động của các nhân tố nội tại tới dự báo khả năng sinh lời của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 9
- Thực Trạng Khả Năng Sinh Lời Của Các Doanh Nghiệp Chế Biến Thực Phẩm Việt Nam
Xem toàn bộ 197 trang tài liệu này.
Trên thế giới đã có khá nhiều nghiên cứu về các nhân tố nội tại có tương quan với khả năng sinh lời của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại các quốc gia khác nhau. Hầu hết các nghiên cứu này thực chất chỉ tập trung vào phân tích mối quan hệ của một số nhân tố nội tại tới khả năng sinh lời trong cùng kỳ, ngắn hạn, không xem xét tác động trễ của các nhân tố đó tới khả năng sinh lời của những kỳ tiếp theo và cũng chưa đặt việc kiểm định nhân tố trong mối quan hệ với lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp. Tuy nhiên các nghiên cứu này lại có thể gợi ý về một số nhân tố tiềm tàng tác động tới khả năng sinh lời tương lai bên cạnh những nhân tố đã được nghiên cứu phổ biến và đề cập ở phần trước như đầu tư dài hạn, cơ cấu vốn hay cơ cấu lợi nhuận, từ đó giúp mở rộng phạm vi các nhân tố nội tại được tích hợp trong dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và nâng cao hiệu quả dự báo. Do đề tài giới hạn phạm vi nghiên cứu là các doanh nghiệp chế biến thực phẩm niêm yết nên việc lược khảo các
nghiên cứu này là cần thiết để từ đó xác định các nhân tố đặc thù của doanh nghiệp chế biến thực phẩm, trên cơ sở đó đề xuất bổ sung các nhân tố mới, đặc biệt là các nhân tố tài chính, vào nghiên cứu các nhân tố nội tại tác động tới khả năng sinh lời của các doanh nghiệp này.
Hiệu quả quản lý tài sản lưu động
Xuất phát từ đặc thù của ngành công nghiệp sản xuất nói chung và chế biến thực phẩm nói riêng, một trong những nhân tố nội tại đã được tích hợp trong các nghiên cứu về nhân tố tác động tới khả năng sinh lời của doanh nghiệp chế biến thực phẩm là hiệu quả quản lý tài sản lưu động. Quản lý tài sản ngắn hạn chủ yếu bao gồm quản lý tiền và các khoản tương đương tiền, quản lý phải thu và đặc biệt là quản lý hàng tồn kho. Bieniasz và Gołaś (2011) đã nghiên cứu về tác động của quản lý tài sản lưu động tới khả năng sinh lời của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Ba Lan và một số quốc gia châu Âu giai đoạn 2005-2009. Hiệu quả quản lý tài sản lưu động được đo lường thông qua các tỷ số tài chính: Vòng quay hàng tồn kho, vòng quay khoản phải thu, vòng quay nợ ngắn hạn, chu kỳ tiền mặt, hệ số thanh toán ngắn hạn, hệ số thanh toán nhanh. Kết quả cho thấy các tỷ số vòng quay hàng tồn kho, vòng quay khoản phải thu, vòng quay nợ ngắn hạn, chu kỳ tiền mặt có quan hệ ngược chiều và có ý nghĩa thống kê với ROA đối với cả 3 nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn, từ đó kết luận rằng hiệu quả quản lý tài sản lưu động đóng vai trò tích cực và quan trọng đối với khả năng sinh lời của doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Đây có thể xem là nghiên cứu toàn diện và đầy đủ nhất về tác động của quản lý tài sản lưu động hay tài sản ngắn hạn tới khả năng sinh lời của doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại tập trung vào những phương diện hẹp hơn của quản lý tài sản ngắn hạn. Mwangi và Nyambura (2015) nghiên cứu về vai trò của quản lý tồn kho đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Kenya. Trong nghiên cứu này, hiệu quả quản lý tồn kho được đo lường dựa trên 4 phương diện: Quản lý chi phí hàng tồn kho (bao gồm chi phí mua và vận chuyển nguyên liệu), gia tăng sản xuất, giảm thiểu tổn thất (trong giá trị của hàng tồn kho) và khả năng cung ứng liên tục. Cả 4 phương diện này đều có quan hệ tích cực và có ý nghĩa đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Kenya. Tuy nhiên, nghiên cứu này lại đo lường các phương diện của hiệu quả quản lý tồn kho và kết quả kinh doanh theo quy ước riêng (thang điểm), không sử dụng các chỉ tiêu tài chính phổ biến để đo lường các yếu tố trên, do đó chưa lượng hóa một cách rõ ràng mối quan hệ giữa hiệu quả quản lý tồn kho với khả năng sinh lời của doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Gần đây, Maja và cộng sự (2017) phát hiện rằng chỉ tiêu tỷ số thanh toán nhanh có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê với khả năng
sinh lời của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Croatia giai đoạn 2005-2014, mặc dù đây không phải là nội dung trọng tâm của nghiên cứu. Trước đó, Bieniasz và Gołaś (2011) cũng sử dụng tỷ số thanh toán nhanh để phản ánh một phương diện của hiệu quả quản lý tài sản lưu động, tuy nhiên không tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa chỉ tiêu này với ROA của nhóm doanh nghiệp vừa và lớn thuộc ngành chế biến thực phẩm tại Ba Lan. Tuy các nghiên cứu này mới chỉ khẳng định tác động có ý nghĩa thống kê của hiệu quả quản lý tài sản ngắn hạn và một số bộ phận của nó tới khả năng sinh lời trong cùng kỳ, chưa xem xét vai trò chi phối của nhân tố này với lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp, nhưng là sự gợi ý quan trọng để từ đó mở rộng nghiên cứu hiệu quả quản lý tài sản ngắn hạn với tư cách là một trong những nhân tố nội tại tiềm tàng ảnh hưởng tới khả năng sinh lời tương lai của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Đa dạng hóa kinh doanh
Trên thực tế, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thể mở rộng kinh doanh sang cả những lĩnh vực khác, do đó các doanh nghiệp này có mức độ đa dạng hóa nhất định trong hoạt động kinh doanh. Lý thuyết về đa dạng hóa trong kinh doanh phát biểu rằng đa dạng hóa theo hướng phát triển các hoạt động kinh doanh hoặc các dòng sản phẩm có sự liên quan, hỗ trợ nhau có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cả doanh nghiệp, từ đó cải thiện khả năng sinh lời tổng thể. Trong khi đó, đa dạng hóa theo hướng mở rộng sang những hoạt động kinh doanh hoặc những sản phẩm không có nhiều sự liên quan với nhau có thể làm giảm hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời tổng thể (La Rocca và Stagliano, 2012). Tác động của đa dạng hóa tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã được nghiên cứu thực nghiệm bởi một số nhà khoa học. Chaddad và Mondelli (2012) nghiên cứu về các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Mỹ đã xác nhận rằng bên cạnh các yếu tố quen thuộc như đầu tư R&D và hàm lượng vốn thì đa dạng hóa cũng là một trong những nhân tố tác động tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này. Tương tự, nghiên cứu của Schumacher và Boland (2004), Eukeria và Favourate (2014) cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại những quốc gia khác cũng khẳng định rằng đa dạng hóa theo hướng phát triển các hoạt động kinh doanh có liên quan đến nhau giúp nâng cao giá trị và khả năng sinh lời của các công ty trên. Cho đến nay, tuy chưa có thêm nhiều nghiên cứu về tác động của đa dạng hóa trên nhiều phương diện khác nhau (về sản phẩm, về lĩnh vực kinh doanh, về khu vực, vùng miền...) tới khả năng sinh lời của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nhưng những nghiên cứu nêu trên đã khẳng định tác động của nhân tố này là có ý nghĩa trên thực tế. Đây cũng chính là gợi ý để mở rộng tích hợp nhân tố đa dạng hóa vào các nghiên
cứu dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, với tư cách là một nhân tố mới, tiềm năng, mang tính đặc trưng của các doanh nghiệp này.
Bên cạnh hai nhân tố nổi bật nêu trên, một số nhân tố khác ít nhiều mang tính đặc thù của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cũng được đề cập trong các nghiên cứu về khả năng sinh lời của các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, hầu hết các nhân tố này đều là những nhân tố phi tài chính với cách thức đo lường phức tạp, không dễ thực hiện trong bối cảnh của các quốc gia đang phát triển vốn gặp nhiều hạn chế về cơ sở dữ liệu, chẳng hạn như nhân tố trình độ nhân viên và giai đoạn phát triển của chuỗi thực phẩm (Furtan và Sauer, 2008). Trong khi đó, các nhân tố quen thuộc như cơ cấu vốn, đầu tư, tăng trưởng, hàm lượng vốn hay hoạt động sáng tạo lại được kiểm định trong rất nhiều nghiên cứu (Azhagaiah và Deepa, 2012; Bhutta và Hasan, 2013; Johnson và cộng sự, 2009; Zouaghi và cộng sự, 2017; Furtan và Sauer, 2008; Gschwandtner và Hirsch, 2016; Notta và cộng sự, 2010). Các nhân tố này cũng đã được tích hợp trong các nghiên cứu về những nhân tố tác động tới khả năng sinh lời tương lai ở phần trước.
1.3.2. Các nghiên cứu trong nước
Tại Việt Nam, cho đến nay các nghiên cứu được công bố về kế hoạch hóa tài chính vẫn còn rất ít, trong số đó các nghiên cứu về dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp thậm chí còn hiếm hoi hơn. Đa phần các nghiên cứu về khả năng sinh lời không đặt trọng tâm vào dự báo, hoặc dự báo chỉ là một hàm ý được suy diễn ra từ kết quả của nghiên cứu. Nhìn chung, căn cứ vào mục tiêu nghiên cứu, các nghiên cứu này có thể được phân chia thành 3 nhóm: Các nghiên cứu kiểm định nhân tố tác động tới lợi nhuận, nghiên cứu dự báo lợi nhuận và nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo lợi nhuận.
Với những nghiên cứu kiểm định nhân tố tác động tới lợi nhuận, trọng tâm nghiên cứu thường là các nhân tố tác động tới chất lượng lợi nhuận hoặc mức bền vững của lợi nhuận, trên cơ sở kế thừa ý tưởng và phương pháp của các nghiên cứu nước ngoài trước đây. Trong đó, đáng kể nhất chỉ có nghiên cứu của Nguyễn Thu Hằng và cộng sự (2014) về tác động của kế toán dồn tích tới mức độ bền vững của lợi nhuận đã đưa ra kết luận tương tự như các nghiên cứu trước đây trên thế giới rằng bộ phận dồn tích và các thành phần được chia nhỏ của nó đều có tác động tới lợi nhuận tương lai nhưng với mức độ bền vững thấp hơn bộ phận thực thu. Tuy nhiên trọng tâm của nghiên cứu này là kiểm định và so sánh mức độ bền vững của 2 bộ phân trên chứ chưa tiến tới tận dụng chúng trong dự báo lợi nhuận tương lai. Tương tự, nghiên cứu của Lê Quang Minh và cộng sự (2013) cũng đánh giá tác động của bộ phận thực thu và lợi nhuận dồn tích tới mức bền vững lợi nhuận của các công ty đại chúng ở Việt Nam giai đoạn 2007-2012 nhưng mô hình nghiên cứu mới chỉ tập trung vào xây dựng công thức là chính. Nguyễn Thị Uyên
Uyên và Từ Thị Kim Thoa (2015) cũng đã phát hiện rằng từng bộ phần của dòng tiền hoạt động và các khoản lợi nhuận dồn tích có ý nghĩa thống kê trong dự báo thu nhập nhưng dòng tiền gộp hoặc khoản dồn tích gộp không thể hiện hết thông tin hàm chứa. Ngoài ra, Bùi Kim Phương và Nguyễn Thị Ngọc Trang (2018) cũng vận dụng khái niệm lợi nhuận dồn tích để đo lường chất lượng lợi nhuận trên cơ sở kế thừa ý tưởng của Dechow và Dichev (2002), sau đó kiểm định tác động của một số nhân tố tài chính tới chất lượng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam trong giai đoạn 2010- 2015. Một nghiên cứu khác cũng vận dụng khái niệm lợi nhuận dồn tích để đo lường chất lượng lợi nhuận được thực hiện bởi Dương Nguyễn Thanh Tâm (2013), trên cơ sở kế thừa phương pháp đo lường của Richardson (2005) và Keefe (2010), qua đó phát hiện các nhân tố thuộc cấu trúc nợ có tác động mang ý nghĩa thống kê tới chất lượng lợi nhuận. Các nghiên cứu này tuy đã chỉ ra một số nhân tố tác động tới khả năng sinh lời của doanh nghiệp nhưng chủ yếu là kế thừa từ các nghiên cứu trước đó của nước ngoài, chưa khám phá những nhân tố mới, đặc thù của bối cảnh Việt Nam – một nước đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á. Mặt khác, ngoại trừ nghiên cứu của Nguyễn Thu Hằng và cộng sự (2014), các nghiên cứu này mới chỉ được kiểm định tác động của các nhân tố tài chính tới lợi nhuận trong cùng kỳ, ngắn hạn chứ chưa xem xét tác động của chúng tới lợi nhuận của các kỳ tiếp theo, nói cách khác là chưa tính tới độ trễ của tác động, trong khi đây lại là cơ sở quan trọng cho dự báo lợi nhuận tương lai. Đặc biệt, các nghiên cứu này nhìn chung chưa đặt việc kiểm định nhân tố tác động tới lợi nhuận trong mối quan hệ với dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác lại hướng tới mục tiêu dự báo kết quả kinh doanh. Các nghiên cứu này thực chất đặt trọng tâm vào dự báo các chỉ tiêu trọng yếu như doanh thu, thực thu... là xuất phát điểm của xác định kết quả kinh doanh, còn việc ước lượng lợi nhuận ròng hoặc tỷ suất sinh lời dự kiến chỉ được triển khai sơ lược và sau cùng dựa vào đó. Chẳng hạn, Vũ Xuân Nam và cộng sự (2013) ứng dụng phương pháp hồi quy bội trong dự báo doanh thu dịch vụ viễn thông tại viễn thông Thái Nguyên, Nguyễn Quốc Oánh và cộng sự (2014) áp dụng phương pháp san bằng mũ trong dự báo doanh thu cho các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam và từ đó tiếp tục ước lượng ra lợi nhuận dự kiến cho các doanh nghiệp này. Cả hai nghiên cứu đều áp dụng những phương pháp phổ biến trong dự báo kinh tế xã hội nhưng chưa cân nhắc hiệu chỉnh cho phù hợp bối cảnh nghiên cứu tại Việt Nam. Đồng thời, như đã nêu trên nội dung dự báo lợi nhuận ròng được thực hiện một cách sơ lược nhằm hoàn thiện nghiên cứu, không phải trọng tâm của nghiên cứu.
Cuối cùng, rất hiếm các nghiên cứu về xây dựng mô hình dự báo lợi nhuận cho doanh nghiệp được công bố tại Việt Nam. Đáng kể chỉ có bài viết của Nguyễn Hoài Nghĩa và Lưu Trường Văn (2015) xây dựng mô hình dự báo lợi nhuận cho các doanh
nghiệp bất động sản bằng phương pháp hệ thống động (system dynamics). Thông qua phỏng vấn sâu chuyên gia và khảo sát bảng hỏi, nghiên cứu đã xác định các nhân tố ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản, trong đó bao gồm một số nhân tố tài chính như tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, tồn kho bất động sản, chi phí xây dựng... từ đó xây dựng mô hình hệ thống động phản ánh mối quan hệ tác động giữa các yếu tố với nhau và tới lợi nhuận. Tuy nhiên, mô hình này mới chỉ thể hiện các mối quan hệ trên một cách định tính chứ chưa lượng hóa chúng nên chưa thể áp dụng trực tiếp để dự báo lợi nhuận trong trường hợp cụ thể. Đồng thời, hầu hết các nhân tố tác động được tích hợp trong mô hình là các nhân tố kinh tế vĩ mô (dân số, GDP, lãi suất ...) hơn là các nhân tố vi mô, các nhân tố tài chính trong mô hình rất hạn chế. Những nhân tố này đa phần mang tính đặc thù của ngành kinh doanh bất động sản nên cũng rất khó mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác. Cho đến nay, hướng tiếp cận này vẫn chưa được khai thác nhiều trong các nghiên cứu về dự báo lợi nhuận tại Việt Nam.
1.3.3. Khoảng trống nghiên cứu
Với các nghiên cứu của nước ngoài, hạn chế chủ yếu nằm ở phạm vi không gian của nghiên cứu. Các nghiên cứu này hầu hết được thực hiện tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển như khu vực Âu – Mỹ. Số lượng các nghiên cứu về dự báo tài chính nói chung và dự báo lợi nhuận nói riêng tại những quốc gia đang phát triển ít hơn nhiều. Do các quốc gia đang phát triển có những đặc điểm kinh tế - xã hội khác biệt với các quốc gia phát triển nên cần thiết phải có những nghiên cứu thực hiện ở những quốc gia này, từ đó so sánh với kết quả của những nghiên cứu trước đó để làm sáng tỏ những yếu tố đặc thù của nền kinh tế đang phát triển tác động như thế nào tới kế hoạch hóa tài chính của những doanh nghiệp tại đó.
Bên cạnh đó, trong số các nghiên cứu trên, nhiều nghiên cứu chỉ đơn thuần kiểm định các nhân tố tác động tới khả năng sinh lời của doanh nghiệp dựa trên số liệu quá khứ, có thể tính tới độ trễ của tác động hoặc không, trong đó những nhân tố nào gây ra tác động có ý nghĩa thống kê tới lợi nhuận các kỳ sau thì được xem là những nhân tố có khả năng tác động tới lợi nhuận tương lai. Tuy nhiên việc kiểm định chưa được đặt trong mối quan hệ với kế hoạch hóa tài chính. Nói cách khác, kết quả kiểm định nhân tố chưa được các tác giả tận dụng để tiến tới xây dựng mô hình dự báo lợi nhuận. Ngược lại, với những nghiên cứu tập trung xây dựng mô hình dự báo tài chính (dự báo lợi nhuận hoặc một chỉ tiêu nào đó có liên quan) thì lại chưa tích hợp nhiều nhân tố tác động từng được kiểm định trước đó. Trong trường hợp mô hình dự báo có tích hợp nhân tố tác động mới thì những nhân tố này hoặc mang tính đặc thù cao nên khó mở rộng áp dụng cho những doanh nghiệp hoặc ngành nghề khác, hoặc đòi hỏi khai thác những thông tin, số liệu không có sẵn nên không dễ tiếp cận dưới giác độ nghiên cứu độc lập, hoặc là những
nhân tố vĩ mô thuộc đặc điểm của nền kinh tế, ngành nghề hơn là nhân tố vi mô, nội tại. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về xây dựng mô hình kế hoạch hóa tài chính còn có hạn chế về mục tiêu nghiên cứu khi hầu hết chỉ tập trung vào dự báo doanh thu hoặc dòng tiền thay vì dự báo lợi nhuận hoặc tỷ suất sinh lời.
Với các nghiên cứu tại Việt Nam, bên cạnh những hạn chế tương tự các nghiên cứu nước ngoài, còn có thêm một số hạn chế khác cả về số lượng cũng như chất lượng nghiên cứu:
Về mặt nội dung, cho đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu thực nghiệm nào về tác động trễ của các nhân tố nội tại tới khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong nhiều kỳ (các nghiên cứu về nhân tố tác động tới lợi nhuận doanh nghiệp tại Việt Nam thường bỏ qua độ trễ của tác động, tức là chỉ xét tác động của chúng tới lợi nhuận cùng kỳ), do đó cũng chưa xác định được những nhân tố có tiềm năng tác động tới lợi nhuận tương lai trên cơ sở thực nghiệm. Đồng thời, chưa có nhiều các nghiên cứu được công bố về xây dựng mô hình dự báo tài chính nói chung và dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp nói riêng tại Việt Nam. Những nghiên cứu này cũng mới chỉ thiết lập điều kiện hoặc định hướng ban đầu cho xây dựng mô hình chứ chưa thật sự hình thành mô hình dự báo lợi nhuận hoàn chỉnh để áp dụng trực tiếp vào thực tiễn.
Về mặt phương pháp, các nghiên cứu chủ yếu sử dụng những phương pháp phổ biến của khoa học dự báo như phương pháp san bằng mũ hay phương pháp hồi quy, tuy nhiên việc áp dụng chưa có sự điều chỉnh, cải biến mô hình để phù hợp với đặc thù của dự báo lợi nhuận (chẳng hạn tích hợp xu hướng đảo chiều về mức bình quân của lợi suất theo thời gian). Các nghiên cứu cũng chưa có nhiều sự so sánh, đối chiếu giữa các phương pháp dự báo để từ đó xác định tính hiệu quả của mỗi phương pháp và lựa chọn phương pháp hiệu quả hơn.
Về mặt phạm vi, các nghiên cứu mới chỉ được tiến hành cho một số ngành nghề hữu hạn, thậm chí có nghiên cứu chỉ giới hạn phạm vi trong một doanh nghiệp cụ thể.
Tất cả những hạn chế trên cho thấy phân tích tác động trong cả ngắn hạn và dài hạn của các nhân tố nội tại tới dự báo khả năng sinh lời của các doanh nghiệp vẫn còn là một khoảng trống nghiên cứu lớn tại Việt Nam. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động và bất ổn đe dọa tới hoạt động của các doanh nghiệp, việc thực hiện những nghiên cứu về tác động của các nhân tố nội tại trong cả ngắn hạn và dài hạn tới dự báo khả năng sinh lời, làm cơ sở thiết lập điều kiện cho dự báo tài chính và kế hoạch hóa tài chính, nhất là kế hoạch hóa lợi nhuận, nhằm lấp đầy khoảng trống nghiên cứu trên càng trở cần thiết.