Sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản theo pháp luật ở Việt Nam - 14

cách tuyệt đối vì mặc dù người chơi có thể mua bán, trao đổi tài sản ảo trên thực tế nhưng việc đảm bảo duy trì sự tồn tại của tài sản không thuộc về họ. Các tài sản ảo phụ thuộc vào tùy từng trò chơi mà tuổi thọ của phần mềm trò chơi thuộc về nhà sản xuất và nhà cung cấp, dựa trên hợp đồng bản quyền cung cấp trò chơi ký kết giữa 2 bên do đó quyền lợi của người sở hữu tài sản ảo khó có thể được đảm bảo nếu trò chơi đó không còn tồn tại. Trong 3 quyền cấu thành nên quyền sở hữu, chỉ có quyền sử dụng thuộc về game thủ và vì thế không thể coi tài sản ảo thuộc sở hữu của họ. Ngoài vấn đề về quyền sở hữu, việc công nhận tài sản ảo còn gặp trở ngại về mặt pháp lý trong giao dịch. Theo quy định về giao dịch tài sản tại điều 122 Bộ luật Dân sự 2005, người tham gia giao dịch phải có năng lực hành vi dân sự tuy nhiên trên thực tế, nhiều game thủ chưa đạt được điều kiện về độ tuổi tham gia giao dịch nhưng vẫn tiến hành mua bán, trao đổi các đồ vật, nhân vật trong game một cách thoải mái. Có ý kiến của các chuyên gia đề xuất hướng bảo hộ cho các tài sản ảo theo quyền đối nhân, vì biện pháp này sẽ giải quyết xung đột giữa những cá nhân khi thỏa thuận thực hiện 1 công việc. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có những hạn chế nhất định vì không giải quyết được tận gốc vấn đề là bảo hộ cho tài sản ảo. Và chính vì chưa có quy chế pháp lý quy định về vấn đề này nên khi xảy ra tranh chấp trên thực tế giữa những người chơi khi tham gia mua bán tài sản ảo, tranh chấp giữa nhà cung cấp trò chơi với người chơi liên quan đến tài sản ảo … thì không có cơ chế nào để giải quyết vì chưa rõ tranh chấp đó thuộc thẩm quyền của cơ quan nào giải quyết và căn cứ pháp lý nào để giải quyết các tranh chấp đó. Do vậy vấn đề về tài sản ảo và các tranh chấp pháp lý liên quan đến loại tài sản này vẫn là một lỗ hổng lớn trong pháp luật Việt Nam hiện hành.


2.2.2 Phương hướng hoàn thiện pháp luật về quyền tài sản và sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản


Từ những bất cập trong hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền tài sản nói chung và sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản nói riêng đã phân tích ở trên, luận văn đưa ra một số kiến nghị sau đây:

Trước hết cần xây dựng lại các quy định về tài sản và quyền sở hữu trong đó đưa ra chính xác khái niệm tài sản và khái niệm quyền tài sản trong BLDS. Khái niệm tài sản tại Điều 163 chỉ mang tính liệt kê các loại tài sản cơ bản theo quan điểm của các nhà làm luật nhưng cách liệt kê đó không chính xác và đầy đủ (sự thiếu sót của khái niệm tài sản trong BLDS 2005 đã được phân tích tại chương II). Việc đưa ra một khái niệm tài sản đầy đủ và chính xác không phải là một việc đơn giản, đó chính là lý do tại sao các nước có hệ thống pháp luật phát triển không quy định khái niệm tài sản. Chúng ta có thể học tập cách quy định hợp lý của các hệ thống pháp luật khác để quy định về tài sản như sau :

Cách thứ nhất, học tập quan điểm của các luật gia la tinh, chúng ta có thể xem xét tài sản dưới hai góc độ. Theo góc độ vật lý, tài sản chính là vật. Vật được hiểu theo nghĩa rộng là bất cứ tài sản hữu hình nào và vật có thể được phân chia thành vật dịch chuyển được (động sản) và bất động sản. Theo góc độ pháp lý, tài sản chính là các quyền. Tùy theo quyền có thể được thực hiện một cách trực tiếp trên vật hoặc thông qua vai trò của người khác, chúng ta có thể phân loại quyền tài sản thành vật quyền và trái quyền. Do đó, điều 163 BLDS 2005 có thể được sửa đổi như sau [17, trg. 2]:

1. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản

2. Tài sản được hiểu là một quyền có giá trị tiền tệ, bao gồm vật quyền hoặc trái quyền và quyền sở hữu trí tuệ.

Sau đó từ cách quy định khái niệm tài sản nêu trên, chúng ta có thể xây dựng các tiêu chí phân biệt động sản và bất động sản trên cơ sở nêu ra các dấu hiệu để xác định một tài sản là bất động sản như : bất động sản do bản chất, bất động sản do dụng ích và bất động sản do luật định, các tài sản khác không phải là bất động sản thì là động sản. Bên cạnh đó, đồng thời cần phải xây dựng các tiêu chí xác định vật quyền, trái quyền là các quyền tài sản khác ngoài vật quyền. Còn quyền sở hữu trí tuệ là một quyền đặc thù cần phải được ghi nhận một cách độc lập trong Luật SHTT.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Cách thứ hai đó là học tập theo cách quy định về tài sản trong BLDS Pháp, BLDS Việt Nam không cần có một khái niệm tài sản riêng biệt mà cần chỉ cần ghi nhận tài sản bao gồm động sản và bất động sản rồi sau đó quy định cụ thể từng loại tài sản và tính chất của chúng trong các phần tiếp theo của luật.

Cả hai cách quy định như trên đều có tính hợp lý và nếu lựa chọn theo các quy định như vậy, khái niệm tài sản sẽ trở nên khái quát và đầy đủ hơn, sẽ bao quát được các loại tài sản trong đời sống xã hội, đồng thời lại có sự tương đồng căn bản với cách ghi nhận tài sản trong pháp luật của các quốc gia khác trên thế giới. Trong xu hướng toàn cầu hóa, chúng ta không thể hoàn toàn khác biệt so với thế giới mà cần phải có điểm tương đồng nhất định, có như vậy mới có thể hội nhập và tạo thuận lợi cho Việt nam phát triển. Hệ thống pháp luật của chúng ta cũng ra đời muộn hơn chính vì vậy việc học tập, kế thừa và phát huy các quan điểm khoa học của các hệ thống pháp luật tiến bộ trên thế giới là rất cần thiết. Tuy nhiên khi xây dựng pháp luật của riêng mình, chúng ta cũng cần xây dựng được những nguyên tắc chung và pháp luật phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như với phong tục, truyền thống văn hóa của người Việt Nam chứ không thể sao chép y nguyên pháp luật nước ngoài.

Sở hữu chung của vợ chồng đối với quyền tài sản theo pháp luật ở Việt Nam - 14

Thứ hai là BLDS cần phải được sửa đổi theo hướng ghi nhận khái niệm quyền tài sản theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các quyền trị giá được bằng tiền. Trị giá được bằng tiền chính là đặc tính cơ bản của tài sản còn quyền đó có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự hay không phụ thuộc vào bản chất của từng loại quyền và quy định pháp luật của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, pháp luật cần ghi nhận đầy đủ các loại quyền tài sản dựa trên các quy tắc và các học thuyết pháp lý đã được thừa nhận chung trên toàn thế giới. Cụ thể là BLDS cần ghi nhận quyền tài sản bao gồm vật quyền, trái quyền và quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù BLDS 2005 đã có những quy định rải rác ghi nhận về vấn đề này nhưng các quy định đó mang tính tản mát, không mang tính khái quát và còn thiếu. Từ nội hàm khái niệm quyền tài sản như trên, luật cần quan niệm chính xác về vật quyền và các đặc tính cơ bản của vật quyền, đồng thời ghi nhận thêm trong luật các vật quyền đang tồn tại trong đời sống

như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt… Đối với các vật quyền đã có sẵn như quyền địa dịch thì luật cần quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn các loại quyền địa dịch, đặc tính của từng loại quyền địa dịch. Đối với quyền đặc thù như quyền sử dụng đất, BLDS 2005 đã dành riêng phần thứ năm quy định về chuyển quyền sử dụng đất tuy nhiên việc quy định này là không cần thiết mà nên ghi nhận quyền sử dụng đất là một loại vật quyền và quy định trong phần về tài sản. Còn nội dung của việc chuyển quyền sử dụng đất sẽ tuân thủ các quy định chung về hợp đồng và các quy định của luật chuyên ngành. BLDS cũng cần được sửa đổi theo hướng ghi nhận quyền cầm cố, thế chấp, quyền cầm giữ là các vật quyền bảo đảm chứ không phải là biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự như hiện nay.

Riêng đối với quyền sở hữu thì phải ghi nhận đây là một vật quyền cơ bản và cần phải có sự tách biệt giữa chế định quyền sở hữu và chế định chiếm hữu. BLDS 2005 ghi nhận quyền chiếm hữu là một bộ phận của quyền sở hữu mà chưa có sự phân định cụ thể giữa quyền chiếm hữu và tình trạng chiếm hữu. Tuy nhiên cũng ngay trong bộ luật này lại có những quy định thừa nhận xuất phát từ tình trạng chiếm hữu của một chủ thể mà xác lập quyền sở hữu hoặc có quyền chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản – lúc này tình trạng chiếm hữu tài sản chính là xăn cứ để xác lập quyền, như các quy định về xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định chủ sở hữu (Điều 239) ; xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm chưa được tìm thấy (Điều 240)... Nếu công nhận chiếm hữu là một tình trạng thực tế và có cơ chế pháp lý đối với tình tranh chiếm hữu đó thì sẽ các quy định đó sẽ có ý nghĩa trong đời sống thực tế vì tạo ra sự bình yên trong xã hội. Trên thực tế nhiều trường hợp nhiều người đang chiếm hữu thực tế tài sản, có thể vì một lý do nào đó (ví dụ hỏa hoạn, thiên tai, chiến tranh) mà họ không còn giấy tờ chứng minh quyền của họ đối với tài sản mà họ đang nắm giữ thì về nguyên tắc người chiếm hữu phải được suy đoán là có quyền đối với tài sản đó. Nếu có tranh chấp với các chủ thể khác về quyền đối với tài sản thì nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về bên tranh chấp mà không chiếm hữu tài sản. Lúc này việc công nhận tình trạng chiếm hữu thực tế và giá trị pháp lý của nó có ý nghĩa trong việc xác định nghĩa vụ chứng

minh của các bên tranh chấp. Và trong thời gian tòa án giải quyết vụ việc thì bên chiếm hữu sẽ tiếp tục chiếm hữu tài sản cho đến khi tòa án ra phán quyết.

Nếu xây dựng được quan niệm đúng đắn về quyền tài sản, quyền đối vật cũng như quyền đối nhân thì ta sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với tư duy pháp lý của các hệ thống pháp luật khác trên thế giới..

Thứ ba là hệ thống pháp luật Việt Nam cần có quy định hoàn thiện hệ thống đăng ký đăng ký quyền tài sản nhằm 3 mục đích :

Thứ nhất việc đăng ký nhằm công khai quyền của các bên.

Thứ hai việc đăng ký có ý nghĩa đối kháng với người thứ ba.

Thứ ba việc đăng ký có ý nghĩa xác định thứ tự ưu tiên thanh toán.

Thực ra trong pháp luật hiện nay cũng có những hệ thống đăng ký riêng lẻ cho từng loại quyền tài sản đặc thù như hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất ; hệ thống đăng ký quyền sở hữu nhà ở ; hệ thống đăng ký quyền SHTT .v.v... Bên cạnh đó còn có hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tuy nhiên thực ra cách gọi này chưa thực sự phù hợp và chính xác mà việc đăng ký này bản chất cũng chính là đăng ký quyền tài sản của các chủ thể có quyền đảm bảo như quyền đối với tài sản cầm cố, quyền đối với tài sản thế chấp... Hệ thống đăng ký các quyền tài sản trong pháp luật Việt Nam hiện nay còn tản mát, chưa đầy đủ và rối rắm. Chính vì hệ thống pháp luật có nhiều vấn đề phức tạp như vậy nên người dân không thiết tha với việc đăng ký mà chỉ đăng ký vì nghĩa vụ pháp luật, nhiều trường hợp người dân vì tiếc tiền phí và thuế mà không đi đăng ký. Bản thân khi người dân không nhận thức được ý nghĩa của việc đăng ký quyền tài sản thì họ sẽ không muốn thực hiện, lúc này hệ thống đăng ký đối với người dân chỉ là thủ tục hành chính phức tạp, không phát huy được mục đích tồn tại của mình. Nếu Việt Nam xây dựng được hệ thống đăng ký quyền tài sản một cách hoàn chỉnh, có hệ thống và hợp lý thì tình trạng trên sẽ không còn, người dân sẽ hiểu được ý nghĩa, giá trị của việc đăng ký và sẽ tự mình đi đăng ký, nhờ đó sẽ công khai, minh bạch được hệ thống tài sản đồng thời giảm thiểu các tranh chấp về quyền tài sản như hiện nay.

Thứ tư là cần phải có các quy định pháp luật cụ thể hướng dẫn áp dụng BLDS đặc biệt là những quy định liên quan đến việc sử dụng các quyền tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Thứ năm là cần có văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về việc sử dụng tài sản chung của vợ chồng để góp vốn vào doanh nghiệp hoặc cầm cố, thế chấp bằng tài sản chung của vợ, chồng nói chung và bằng quyền tài sản nói riêng. Hiện nay pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định về việc góp vốn của các cá nhân vào doanh nghiệp nói chung cũng như các quy định về việc cầm cố, thế chấp tài sản nói chung và áp dụng cho mọi loại tài sản. Riêng tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng lại mang tính chất đặc thù vì theo quy định của LHN&GĐ 2000 thì nếu vợ, chồng muốn sử dụng tài sản có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận nhưng việc thoả thuận này phải được thể hiện ra sao, các chủ thể khác có liên quan đến việc góp vốn cũng như các bên nhận cầm cố, thế chấp có cần biết tài sản đó là tài sản chung hay riêng của người đó hay không (trong trường hợp tài sản không có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc chỉ ghi tên một người) ? Và thủ tục đối với việc góp vốn và cầm cố, thế chấp tài sản chung của vợ, chồng có gì khác không ? Bên cạnh đó quyền tài sản là quyền đặc thù nên việc đem quyền tài sản đi góp vốn hoặc cầm cố, thế chấp cũng không thể giống với tài sản thông thường được. Chính vì vậy, pháp luật cần có quy định cụ thể về việc góp vốn bằng tài sản chung của vợ, chồng vào doanh nghiệp và quy định về góp vốn bằng quyền tài sản. Thứ hai là pháp luật cũng cần có quy định riêng về việc cầm cố, thế chấp quyền tài sản và quy định về cầm cố, thế chấp bằng tài sản chung của vợ, chồng.


Thứ sáu là từ những vướng mắc liên quan đến việc đăng ký cả tên vợ và chồng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu chung của vợ, chồng dẫn đến vướng mắc trong việc xác định tài sản chung của vợ chồng, để đảm bảo được ý chí của đương sự, cũng như đảm bảo được tính rõ ràng và minh bạch thì giải pháp buộc vợ chồng phải kê khai tài sản khi đăng ký kết hôn là một yêu cầu cần thiết trong quy định của pháp luật. Trong đó các bên có thể liệt kê

những tài sản hiện có mà mình không muốn nhập vào khối tài sản chung và các bên cũng có thể liệt kê những tài sản mà hai người đã cùng tạo lập trước khi kết hôn và những tài sản riêng mỗi bên tự nguyện nhập vào. Việc kê khai phải do chính hai bên thực hiện trước sự thừa nhận của bên kia và cán bộ có thẩm quyền. Việc kê khai chỉ có ý nghĩa giữa vợ và chồng mà có thể không có ý nghĩa đối với người thứ ba. Đối với những cặp vợ chồng đã đăng ký kết hôn (đã ổn định cuộc sống, có con chung và tài sản chung), thì nên tiến hành kê khai những tài sản riêng nào được coi là tài sản chung. Khi vấn đề này được đưa vào Luật, các bên sẽ nhận thấy được tầm quan trọng của việc thực hiện giao dịch dân sự bằng văn bản. Nghĩa là họ biết trước khả năng “mất đi” khối tài sản riêng mới có được trong thời kỳ hôn nhân. Từ đó, khi được tặng cho hoặc thừa kế riêng một khối lượng tài sản thì vợ (chồng) phải lập văn bản để chứng minh nguồn gốc của tài sản đó (nếu họ coi trọng việc phải giữ gìn tài sản đó cho riêng mình). Sau khi kê khai tài sản, bảng kê khai tài sản đó là chứng cứ quan trọng nhất trong việc Tòa án giải quyết xác định và phân chia sản của vợ chồng khi có yêu cầu đặt ra, nhất là khi ly hôn. Chúng tôi cho rằng giải pháp này sẽ áp dụng được cho tất cả các loại tài sản (chung hoặc riêng, có đăng ký hoặc không đăng ký quyền sở hữu, được tạo lập trước hay sau khi đăng ký kết hôn, trước hay sau ngày áp dụng giải pháp mới). Hy vọng rằng pháp luật hôn nhân và gia đình sớm bổ sung kiến nghị này để vấn đề xác định tài sản của vợ chồng có một bước đột phá mới, đỡ đi được phần nào “gánh nặng” cho ngành Tòa án.


Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là các nhà làm luật cần phải xem xét lại các quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về chế độ tài sản của vợ chồng theo hướng tôn trọng nguyên tắc chung của quan hệ dân sự đó là “nguyên tắc tự do cam kết, thỏa thuận”. Nguyên tắc này đảm bảo cho các chủ thể có quyền tự do thỏa thuận xác lập các quyền và nghĩa vụ, miễn là các thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và trái với đạo đức xã hội. Quan hệ giữa vợ và chồng cũng là quan hệ dân sự vì vậy cần phải tuân theo các nguyên tắc chung. Mặc dù lĩnh vực hôn nhân và gia đình là lĩnh vực đặc thù, trong đời sống gia đình, vợ, chồng có trách nhiệm đảm bảo những điều kiện về cả vật chất và tinh thần cho

sự tồn tại và phát triển của gia đình mình nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các cặp vợ chồng bắt buộc phải thực hiện chung một chế độ tài sản. Vợ, chồng có quyền thỏa thuận, quyết định lựa chọn quan hệ tài sản một cách hợp lý, có lợi nhất cho gia đình cũng như cho bản thân họ miễn sao thỏa thuận của họ vẫn đảm bảo duy trì nền tảng vật chất cho sự tồn tại và phát triển của gia đình cũng như thực hiện tốt chức năng nuôi dưỡng giáo dục con cái. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay đã có rất nhiều thay đổi so với những năm đầu của thế kỷ 20. Gia đình không còn bó hẹp với chức năng duy trì cuộc sống của các thành viên mà thực sự đã tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế chung của toàn xã hội. Những quan hệ kinh doanh trong nền kinh tế thị trường đang đòi hỏi vợ, chồng phải có những quyết định nhanh nhạy, sắc bén với thời cuộc nhưng muốn vậy họ cần phải có sự chủ động về tài sản của mình. Với quy định của LHN&GĐ hiện hành chỉ công nhận chế độ tài sản pháp định giữa vợ và chồng không đủ linh hoạt để phù hợp với sự phát triển của các quan hệ kinh tế và dân sự hiện nay. Việc LHN&GĐ 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành công nhận sự thỏa thuận của vợ, chồng trong trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân chính là giải pháp phù hợp nhưng chỉ mang tính cá biệt. Vì vậy, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thỏa thuận cũng như để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, LHN&GĐ 2000 cần được sửa đổi theo hướng “công nhận sự thỏa thuận về quan hệ tài sản giữa vợ, chồng trên cơ sở đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ của vợ, chồng đối với gia đình” nếu vợ chồng không có thỏa thuận thì mới áp dụng các quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ tài sản giữa vợ và chồng.

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 01/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí