Nhận Xét Về Thực Trạng Các Dạng Hành Vi Xâm Phạm Quyền Nhân Thân Của Cá Nhân Về Hình Ảnh

Tại Australia, việc quay phim chụp ảnh cảnh sát và các cơ quan công quyền là được phép. Theo tuyên bố của Lực lượng cảnh sát New South Wales trước các đơn vị truyền thông, “công dân nước này có quyền chụp ảnh hoặc quay phim cảnh sát và các sự cố liên quan đến nhân viên cảnh sát được quan sát từ một không gian công cộng, hoặc từ một nơi tư nhân với sự cho phép của chủ sở hữu hoặc người cư ngụ ở đó [37]. Tuy vậy, sự va chạm giữa các nhân viên thực thi công vụ và những người quay phim chụp ảnh họ vẫn liên tục xảy ra. Tại Australia, việc cảnh sát đe dọa công dân khi bị họ quay phim chụp ảnh khá phổ biến và trở thành vấn nạn đau đầu với các quan chức luật pháp. Chủ tịch Hội đồng tự do dân chủ NSW, Cameron Murphy cho biết: “Cảnh sát sợ bị quay phim khi họ đang hành động vượt quá quyền hạn của mình hoặc đang làm điều gì đó không hợp lý và tiêu cực. Chúng tôi có rất nhiều sự cố về việc cảnh sát tịch thu máy ảnh của nhà báo. Điều đó vượt quá thẩm quyền của cảnh sát” [37], ông Murphy nói. Thêm vào đó, ông khuyến khích hành động quay phim chụp ảnh những người làm công vụ: “Tôi hy vọng rằng các công dân sẽ chụp ảnh khi họ nhìn thấy một cảnh sát hành động không xứng với hình ảnh của một sĩ quan cảnh sát" [37].

Một số thành phố ở Mỹ đã được xem xét để trang bị những “con mắt theo dõi cảnh sát” trong những năm gần đây. Các máy quay này sẽ được đặt ở những nơi có thể theo dõi hoạt động của những người làm công vụ và phục vụ cho việc minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan công. Tuy nhiên, những người dày dặn kinh nghiệm trong nghề đều có khả năng để khuất ra khỏi “con mắt theo dõi” cũng như yêu cầu người dân ngừng quay phim chụp ảnh mình. Trong một số trường hợp, lực lượng thực thi công vụ sẽ phối hợp với nhau để tắt các camera gắn tại các điểm công cộng nhằm tránh bị lọt ra ngoài giới truyền thông về hình ảnh họ sử dụng vũ lực quá mức trong khi thực hiện nhiệm vụ an ninh của mình.

Như vậy, quyền và lợi ích của các công dân Mỹ hay Australia trong việc quay phim chụp ảnh các nhân viên công vụ sẽ được đảm bảo chỉ khi công dân luôn tỏ ra lịch sự, làm đúng những gì pháp luật quy định và không can thiệp sâu vào công việc của họ. Những sự việc dẫn đến tranh chấp hoặc ẩu đả do vi phạm quyền tự do cá nhân, quyền tự do báo chí đều được đưa ra tòa và xét xử. Trong nhiều trường hợp, người dân đúng và được trắng án, trong khi các nhân viên công vụ hay cảnh sát sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc xâm phạm quyền tự do của công dân. Còn nếu công dân là người quay phim, chụp ảnh sai thì công dân đó cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi sai trái của mình.

Như vậy, pháp luật quốc gia khác có những điểm khác biệt so với luật Việt Nam ở chỗ: Luật Bằng chứng của Mỹ chỉ quy định một bằng chứng trong phiên tòa dân sự phải được bảo mật, không thể cho công chúng xem nên việc quay phim chụp hình cũng được xem là bị cấm. Còn trong phiên Tòa hình sự, việc quay phim, chụp ảnh sẽ có thể làm ảnh hưởng đến quyết định của Tòa án.Các phóng viên pháp đình chỉ được phép dùng tranh vẽ nhân vật để minh họa cho bài báo.

Pháp luật Anh cũng khác pháp luật Việt Nam tại Điều 41 Đạo luật pháp lý hình sự năm 1925 quy định, không ai được phép chụp bất cứ một tấm ảnh nào tại Tòa án hoặc chụp ảnh chân dung của những người tại Tòa án như thẩm phán, hội thẩm, nhân chứng hoặc các bên trong vụ án, bất kể đó là vụ án dân sự hay hình sự.

Như vậy, pháp luật các quốc gia khác nhìn chung là không cho phép việc chụp hình tại các phiên tòa dân sự, chỉ cho phép dùng hình vẽ để đăng hình lên báo làm ảnh minh họa. Còn ở Việt Nam thì việc đăng hình các bị can ngay từ giai đoạn điều tra, bị cáo tại các phiên tòa là khá phổ biến. Do đó, vấn đề đặt ra là chúng ta cần làm gì để đưa vấn đề này theo đúng chiều hướng hợp pháp, hợp lý của nó.

2.2. Nhận xét về thực trạng các dạng hành vi xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân về hình ảnh

Từ việc phân tích các dạng hành vi xâm phạm điển hình về quyền nhân thân của cá nhân về hình ảnh trên đây chúng ta có thể thấy mức độ đa dạng của các hành vi xâm phạm.

Thứ nhất: Là về hành vi sử dụng hình ảnh với mục đích thương mại không được sự đồng ý của chủ thể có hình ảnh đang diễn ra ngày một nhiều hơn, với nhiều cách thể hiện khác nhau, từ hình thức tờ rơi, quảng cáo, áp phích cho đến các tờ bìa trang báo, các trang thông tin điện tử với mục đích gián tiếp hoặc trực tiếp thu lợi nhuận mà đối tượng chính vẫn tập trung vào các diễn viên, ca sỹ hay người nổi tiếng.

Thứ hai: Là về hành vi phát tán hình ảnh cá nhân nhằm mục đích xâm hại tới danh dự, nhân phẩm uy tín của người đó đang trở hành một vấn đề nổi cộm trong đời sống nhân dân, nhất là khi những phương tiện máy quay phim, máy chụp ảnh ngày càng tinh vi và hiện đại hơn thì những hình ảnh nhằm mục đích “bôi nhọ” danh dự, uy tín của cá nhân ngày càng xuất hiện với tần suất lớn hơn, chúng ta chắc sẽ không còn lạ gì với những hình ảnh sex, clip của những hot girl bị lan tràn trên các trang báo mạng hoặc những hình ảnh đã được cắt xén, thêm bớt để làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của cá nhân.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.

Thứ ba: Là về hành vi sử dụng hình ảnh xâm phạm đến bí mật đời tư đang là một đề tài mà chúng ta nhắc đến từ thời gian trước xong cho đến thời điểm hiện tại nó vẫn đang là một vấn đề gây bức xúc dư luận. Khi hàng loạt các hình ảnh về cuộc sống đời tư của các ca sỹ bị tung lên các diễn đàn báo mạng. Những hình ảnh đời tư của những cặp đôi đồng tính, cuộc sống của người nổi tiếng, thậm chí ngay cả những người dân bình thường đang bị xâm phạm khi những hình ảnh thuộc bí mật đời tư của họ bị công khai ra bên ngoài.

Thứ tư: Là về hành vi xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân vi phạm pháp luật dân sự chuyển hóa sang vi phạm pháp luật hình sự đang diễn ra ngày càng nhiều hơn. Khi mà một bộ phận giới trẻ đang có những suy nghĩ tiêu cực về tình yêu, tình bạn. Sự đố kị, ghen tuông trong tình yêu, dẫn đến việc các bạn trẻ đã không kìm chế nổi được bản thân gây ra những tình hướng éo le. Khi đưa những hình ảnh, clip xấu với mục đích “đe dọa, tống tiền, tống tình” đã và đang làm ảnh hưởng đến danh dự của người yêu, gia đình và chính bản thân các bạn.

Quyền cá nhân đối với hình ảnh theo pháp luật Việt Nam - 8

Thứ năm: Là về thực trạng sử dụng hình ảnh trong lĩnh vực báo chí:

Theo Điều 31 BLDS năm 2005, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình, việc sử dụng ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý. Vậy khi bị cáo ra tòa có bị mất đi quyền này không thì luật chưa quy định rõ. Quy định tại Điều 28, 36, 37, 38 và 39 Bộ luật hình sự chỉ hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền dân sự của bị can, bị cáo như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định, cấm đi khỏi nơi cư trú... Không có quy định nào tước bỏ quyền đối với hình ảnh của một người, dù đó là kẻ phạm tội. Như vậy, bị cáo vẫn có quyền đối với hình ảnh của mình.

Tuy nhiên, Luật Báo chí quy định, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai. Cơ quan báo chí được phép đăng, phát ảnh những cuộc họp công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã tuyên án...Khoản e Điều 7 Nghị định 02/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản quy định:

Phạt tiền với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể [8, Điều 7].

Như vậy, Nghị định 02 đã gián tiếp cho phép đăng ảnh của “Người đã bị khởi tố hình sự”. Còn nếu theo Luật Báo chí, đối với những người phạm tội trong các vụ án không phải là trọng án thì không được phép đăng ảnh của họ lên báo? Nhưng thế nào là một vụ trọng án? Bộ luật Hình sự chỉ quy định các tội phạm từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng chứ không quy định về “trọng án”. Hơn nữa, nếu theo các quy định về hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền dân sự của bị can, bị cáo thì họ cũng đâu bị tước bỏ quyền về hình ảnh, cho dù phạm tội “Đặc biệt nghiêm trọng”.

Theo thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:

Việc tác nghiệp của báo chí có liên quan đến quyền điều hành của chủ tọa phiên tòa theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tối cao và quyền đối với hình ảnh của các đương sự, bị cáo theo BLDS. Phóng viên muốn quay phim, chụp ảnh phiên tòa phải có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa. Nếu thấy việc chụp ảnh không ảnh hưởng đến quyền của đương sự, bị cáo hoặc người khác thì chủ tọa sẽ chấp thuận. Nếu bị cáo tại ngoại thì phải được sự đồng ý của bản thân họ. Ngay cả trong trường hợp chụp ảnh bị cáo đã bị tạm giam thì tòa cũng phải cân nhắc. Hoặc trong một phiên tòa dân sự xử công khai, hai bên đương sự là giám đốc doanh nghiệp, cán bộ, công chức hoặc là công dân bình thường, việc chụp ảnh, quay phim họ nhất định phải có ý kiến của họ vì việc đăng công khai hình ảnh tại phiên xử có thể làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của họ [31].

Từ thực trạng sử dụng hình ảnh trong hoạt động báo chí trên thì thiết nghĩ chúng ta cần có những cơ chế pháp luật phù hợp để không làm khó cho cơ quan tố tụng cũng như nhà báo, cần có quy định thống nhất về quyền hình ảnh của cá nhân, trong đó có quyền hình ảnh của người vi phạm pháp luật nói chung và bị cáo nói riêng.

Bên cạnh đó có một vấn đề đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dự luận hiện nay là việc đăng hình ảnh của những kẻ móc túi tại các siêu thị ở Việt Nam có được xem là vi phạm hay không? Đây là một vấn đề mà chúng ta vô cùng quan tâm.Vẫn biết rằng việc dán các hình ảnh này tại các trung tâm siêu thị sẽ giúp cho người dân có thể cảnh giác, tránh được những vụ mất cắp không đáng có. Xong, quyền hình ảnh của cá nhân người phạm tội trước đó có được đảm bảo hay không? Vì dẫu họ là người phạm tội xong ở góc độ cá nhân họ vẫn có quyền riêng biệt về hình ảnh của mình. Họ đã phạm tội một lần, không có nghĩa là tất cả các lần sau đó họ đều phạm tội. Chúng ta có thể tìm cách răn đe, thị uy khác, để giúp họ có cơ hội sửa sai và nhìn nhận lại mình tốt hơn. Vậy, việc đăng hình ảnh của họ công khai cho tất cả mọi người được biết có còn hợp lý nữa hay không?

Như vụ dán ảnh 5 người lấy trộm hàng hóa tại siêu thị Intimex Nghệ An (thuộc chi nhánh công ty Cổ phần Intimex Việt Nam tại Nghệ An) đóng trên địa bàn phường Trung Đô, thành phố Vinh (Nghệ An) vào một tấm bản lớn với nội dung dòng chữ: “Các đối tượng lấy cắp hàng hóa tại siêu thị Intimex Nghệ An” [4].

Trong trường hợp trên việc làm của siêu thị Intimex là không đúng, bởi vì nếu dán ảnh như thế thì không khác gì các đối tượng này thuộc vào trường hợp truy nã. Mà theo quy định của pháp luật thì chỉ có thể đăng hình đối với những trường hợp phạm tội nguy hiểm cho xã hội và thuộc vào các trường hợp truy nã.

Quy định về vấn đề này pháp luật ở một số quốc gia khác lại có cách quy định khác Việt Nam như: Trong luật hình sự Đức lại cho phép đăng hình để tìm kiếm nhân chứng, tại Điều 24 luật bản quyền Đức năm 1907 còn cho phép các cơ quan có thẩm quyền được phép công khai đăng hình của cá nhân mà không cần sự đồng ý của người đó vì lý do bảo vệ pháp luật hoặc an ninh công cộng.

Hơn nữa có một vấn đề đặt ra hiện nay là pháp luật Dân sự Việt Nam chưa quy định rõ về vấn đề “đồng ý” trong việc sử dụng hình ảnh của một cá nhân? Vì nếu đồng ý được hiểu là sự thỏa thuận giữa người sử dụng hình ảnh của cá nhân với cá nhân có hình ảnh đó thì theo chúng tôi, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân vào bất kỳ mục đích nào mà không xin phép đều bị coi là hành vi vi phạm quyền cá nhân về hình ảnh dù việc sử dụng hình ảnh đó có thể đem lại lợi ích cho chủ sở hữu của hình ảnh. Hơn nữa Điều 31 BLDS năm 2005 nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Khi có việc này xảy ra thì tất nhiên phải bồi thường thiệt hại về tinh thần nhưng một vấn đề đặt ra là nếu trong trường hợp không gây thiệt hại thì sao?

Trên đây là toàn bộ thực trạng về các dạng hành vi xâm phạm điển hình đối quyền cá nhân về hình ảnh. Vậy, muốn tìm hiểu rõ hơn về các dạng hành vi xâm phạm này cũng như các phương pháp bảo vệ quyền cá nhân về hình ảnh thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các trách nhiệm do vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh.

Chương 3

TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM QUYỀN NHÂN THÂN CỦA CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HÌNH ẢNH

3.1. Các trách nhiệm do vi phạm quyền nhân thân của cá nhân về hình ảnh

Như chúng ta đã biết: Trách nhiệm pháp lý dân sự là một loại chế định của pháp luật, là một loại hình trách nhiệm pháp lý nói chung. Với tính chất là một chế định của luật dân sự, là tổng thể các nguyên tắc và quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh do có hành vi vi phạm pháp luật dân sự, xâm phạm tới lợi ích hợp pháp của một hoặc một số các chủ thể (bên bị vi phạm) từ phía một hoặc một nhóm chủ thể (bên vi phạm). Vậy trách nhiệm do vi phạm quyền nhân thân của cá nhân về hình ảnh là một dạng của trách nhiệm dân sự, nên nó cũng mang những đặc điểm, thuộc tính của trách nhiệm dân sự.

Với nghĩa thông thường thì trách nhiệm do vi phạm quyền nhân thân về hình ảnh của cá nhân được hiểu là nghĩa vụ của bên vi phạm pháp luật về quyền cá nhân về hình ảnh đối với cá nhân bị xâm phạm quyền cá nhân về hình ảnh trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Theo đó bên vi phạm quyền cá nhân về hình ảnh phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm quyền cá nhân về hình ảnh của mình gây ra. Cũng giống như các trách nhiệm dân sự khác thì cơ sở để truy cứu trách nhiệm do vi phạm quyền nhân của cá nhân về hình ảnh bao gồm dầy đủ các yếu tố là: Hành vi của chủ thể xâm phạm hình ảnh của cá nhân, hành vi đó phải là hành vi có lỗi, hành vi đó gây thiệt hại cho quyền nhân thân về hình ảnh của cá nhân trên thực tế và điều quan trọng là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại về hình ảnh và hậu quả đã diễn ra. Trách nhiệm do vi phạm quyền nhân thân của cá nhân về hình ảnh bao gồm: Trách nhiệm xin lỗi hoặc công khai xin lỗi và trách nhiệm đền bù tài chính.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/12/2023