Thực Trạng Pháp Luật Về Quản Lý Thuế Tncn Ở Việt Nam

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1


Chương 1 của Luận văn làm rõ những vấn đề lý luận về quản lý thuế TNCN và pháp luật quản lý thuế TNCN xung quanh nội dung: khái niệm, đặc điểm, các yếu tố cấu thành thuế TNCN; khái niệm, mục tiêu, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý thuế TNCN; khái niệm, vai trò, các bộ phận hợp thành pháp luật về quản lý thuế TNCN. Bên cạnh đó, luận văn nghiên cứu pháp luật về quản lý thuế TNCN của một số quốc gia trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Trên cơ sở nêu lên các quan điểm lý luận về quản lý thuế TNCN và pháp luật về quản lý thuế TNCN, Luận văn đã phân tích, tổng hợp những hệ thống quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu khoa học có khảo cứu pháp luật của một số nước trên thế giới, đồng thời chỉ ra những kinh nghiệm quan trọng đối với Việt Nam. Đây là kiến thức nền quan trọng để luận văn đi sâu vào việc giải quyết những nội dung được đặt ra ở các chương tiếp theo của luận văn.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN Ở VIỆT NAM VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN TẠI

THÀNH PHỐ BẮC KẠN, TỈNH BẮC KẠN


2.1. Thực trạng pháp luật về quản lý thuế TNCN ở Việt Nam

2.1.1. Về quản lý đối tượng nộp thuế TNCN

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Luật thuế TNCN có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động đến đa dạng đối tượng thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Muốn quản lý nguồn thuế TNCN hiệu quả thì cần có biện pháp quản lý đối tượng nộp thuế TNCN phù hợp.

2.1.1.1. Quy định về việc xác định đối tượng nộp thuế TNCN

Quản lý thuế thu nhập cá nhân theo pháp luật Việt Nam qua thực tiễn Thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn - 6

Vì là thuế trực thu nên đối tượng chịu thuế TNCN đồng thời là đối tượng nộp thuế. Việc xác định đúng và đủ đối tượng nộp thuế TNCN là thật sự cần thiết nhằm quản lý hiệu quả các nguồn thu nhập, tránh thất thu thuế cho NSNN, đảm bảo mục tiêu công bằng xã hội.

Việc xác định đối tượng nộp thuế được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật thuế TNCN năm 2014 sửa đổi, bổ sung, cụ thể: “Đối tượng nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam”. Có thể thấy, Luật thuế TNCN xác định đối tượng nộp thuế dựa trên nguyên tắc nơi cư trú kết hợp với nguyên tắc đánh thuế theo nguồn phát sinh thu nhập. Một cá nhân được coi là đối tượng cư trú ở Việt Nam phải chịu thuế TNCN đối với toàn bộ thu nhập nhận được, không phân biệt nguồn gốc phát sinh trong hay ngoài nước. Còn đối tượng không cư trú chỉ phải chịu nghĩa vụ thuế đối với phần thu nhập có nguồn gốc từ trong lãnh thổ Việt Nam.

Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú được phân biệt căn cứ vào việc cá nhân đó có đáp ứng được một trong hai điều kiện [36, Điều 2]:

- Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt ở Việt Nam;

- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

Về cơ bản, quy định này đã bao quát được hầu hết cá nhân cư trú có thu nhập, bao gồm cả người Việt Nam, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, khi họ đáp ứng đủ một trong những điều kiện quy định đều phải nộp thuế TNCN. Bên cạnh đó, việc đánh thuế đối với các cá nhân không cư trú góp phần gia tăng đáng kể nguồn thu NSNN, những cá nhân này thường là chuyên gia, người lao động có chuyên môn cao vì thu nhập của họ cao hơn hẳn so với mặt bằng chung nên khoản đóng góp nghĩa vụ thuế cũng lớn hơn.

2.1.1.2. Quy định về quản lý thông tin người nộp thuế TNCN

Việc quản lý đối tượng nộp thuế chủ yếu dựa trên thông tin NNT, những thông tin này sẽ do NNT, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp hoặc do cơ quan thuế thu thập được trong quá trình quản lý thuế.

Thông tin NNT là thông tin về NNT và thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế do người nộp thuế cung cấp, do cơ quan quản lý thuế thu thập được trong quá trình quản lý thuế (Khoản 19 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019). Như vậy, thông tin NNT theo quy định trên mới chỉ đề cập đến giới hạn phạm vi thông tin NNT là những thông tin, tài liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế của NNT chứ chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào làm rõ được thông tin, tài liệu thế nào mới được coi là có liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của NNT. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm cung cấp thông tin của các chủ thể theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, bởi không có tiêu chí cụ thể để xác định đâu là thông tin liên quan đến nghĩa vụ của NNT dẫn đến việc yêu cầu cung cấp thông tin khá cảm tính, khi chủ thể này coi đó là thông tin cần thiết còn chủ thể khác thì không. Thế nên người có thông tin về NNT có quyền từ chối cung cấp thông tin mà họ biết cho CQT khi thấy rằng thông tin đó không liên quan đến nghĩa vụ thuế của NNT.

Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định cụ thể nội dung về thông tin NNT ở Chương XI, từ Điều 95 đến Điều 100. Đây là khung pháp lý giúp các chủ thể nhận thức được giới hạn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân trong vấn đề cung

cấp thông tin. Quy định về thông tin NNT trong những năm gần đây đang dần được bổ sung, hoàn thiện, hỗ trợ đáng kể cho CQT trong việc thắt chặt công tác quản lý. Cụ thể như sau:

Tại Điều 95 Luật Quản lý thuế năm 2019 đã quy định rõ hơn về hệ thống thông tin NNT là tập hợp thông tin, dữ liệu về NNT được thu thập, sắp xếp, lưu trữ, khai thác và sử dụng theo quy định của Luật này chứ không chỉ bao gồm những thông tin, tài liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế của NNT theo quy định tại Điều 69 Luật Quản lý thuế năm 2016 sửa đổi, bổ sung. Điều này nhằm tối ưu hóa việc quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, đảm bảo khả năng bảo mật thông tin NNT, nâng cao trách nhiệm của CQT và các cơ quan phối hợp cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, Điều 95 Luật Quản lý thuế 2019 cũng mở rộng vai trò của thông tin NNT khi được đưa vào ứng dụng trên thực tiễn, đây không chỉ là cơ sở để thực hiện quản lý thuế, đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của NNT, ngăn ngừa, phát hiện vi phạm pháp luật về thuế; mà còn là cơ sở để đánh giá dự báo tình hình, xây dựng chính sách về thuế. Có thể thấy, thông tin NNT là nguồn dữ liệu có giá trị giúp các CQT ở địa phương nắm được thông tin cơ bản về NNT (như hoàn cảnh, thu nhập), kịp thời phát hiện, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật cũng như giải quyết hiệu quả hồ sơ liên quan đến thuế TNCN; đồng thời, giúp cơ quan trung ương phân tích, đánh giá hành vi, mức độ tuân thủ của NNT, chỉ ra đặc trưng của từng nhóm đối tượng nộp thuế, xác định vướng mắc bất cập thường xảy ra trên thực tiễn liên quan đến thực hiện nghĩa vụ nộp thuế... trên cơ sở đó đưa ra chính sách thuế phù hợp với từng giai đoạn, từng đối tượng cụ thể.

Theo Khoản 2 Điều 97 Luật Quản lý thuế năm 2019, NNT có thể cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc thông qua kết nối mạng với các hệ thống thông tin của cơ quan quản lý thuế theo yêu cầu. Như vậy, NNT sẽ có hai phương thức thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin để lựa chọn bao gồm: cung cấp thông tin bằng văn bản và cung cấp thông tin điện tử. Điều khoản này chưa từng được quy định trong Luật Quản lý thuế năm 2016 sửa đổi, bổ sung mà mới chỉ bắt đầu được đưa vào Luật Quản lý thuế năm 2019, cho thấy nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT áp dụng

vào từng khía cạnh nhỏ trong công tác quản lý của Nhà nước. Mặc dù, cung cấp thông tin là trách nhiệm NNT phải thực hiện nhưng Nhà nước vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất để NNT hoàn thành trách nhiệm đó một cách đầy đủ, kịp thời giúp CQT quản lý hiệu quả nguồn thu từ thuế TNCN vào NSNN.

Ngoài ra, Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng đã quy định nhiệm vụ phối hợp của ngân hàng thương mại với CQT trong việc cung cấp thông tin số hiệu tài khoản theo MST của NNT khi mở tài khoản để CQT dễ dàng quản lý việc thu thuế từ các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế thông qua thu nhập phát sinh trong tài khoản ngân hàng [28, Điều 27], trên cơ sở đó tăng cường kiểm soát, quản lý thông tin các đối tượng nộp thuế.

Nói tóm lại, các quy định về quản lý thông tin người nộp thuế trong Luật Quản lý thuế năm 2019 đã có sự bao quát hơn hẳn so với Luật Quản lý thuế năm 2016 sửa đổi, bổ sung; đồng thời, đáp ứng được thực tiễn nhu cầu quản lý và đồng bộ với hệ thống pháp luật nội dung về thuế TNCN.

2.1.2. Về quản lý đăng ký thuế, mã số thuế TNCN

2.1.2.1. Quy định về đăng ký thuế TNCN

Đăng ký thuế TNCN là bước đầu tiên giúp cơ quan quản lý thuế xác định các đối tượng có nghĩa vụ phải nộp thuế TNCN cũng là bước đặc biệt quan trọng với hoạt động quản lý thuế TNCN, thông tin của NNT cung cấp trong tờ khai thuế giúp Nhà nước dễ dàng kiểm soát các nguồn thu nhập chịu thuế góp phần tối đa hóa nguồn thu NSNN. Nhìn tổng thể hệ thống quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019 đã chú trọng đến việc quản lý hoạt động đăng ký thuế hơn hẳn so với Luật Quản lý thuế năm 2016 sửa đổi, bổ sung, vì đây là bước đầu tiên nhưng lại là bước nền tảng nếu muốn quy trình quản lý thuế đạt hiệu quả tối đa. Cụ thể ở những nội dung sau:

Luật Quản lý thuế năm 2016 sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng đăng ký thuế tại Điều 21 bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; Cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN; Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay; Tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về thuế. Quy định này dẫn tới thực trạng không kiểm soát được triệt để các đối tượng nộp thuế

khi tách rời đăng ký thuế với đăng ký kinh doanh, đồng thời đặt gánh nặng cho CQT trong công tác quản lý ở khâu đăng ký thuế. Khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019 đã khắc phục được những hạn chế này khi đã bắt đầu cho phép NNT là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tích hợp thực hiện thủ tục đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông song song với thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương kể từ 01/07/2020; những đối tượng còn lại thì sẽ tiếp tục thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với CQT. Như vậy, số lượng hồ sơ thủ tục đăng ký thuế trực tiếp tại trụ sở CQT sẽ được giảm tải đáng kể giúp CQT tập trung nguồn lực quản lý vào những khâu cần thiết khác.

Xuyên suốt các quy định về đăng ký thuế có thể thấy Luật Quản lý thuế năm 2019 tạo điều kiện tối đa cho NNT là cá nhân thực hiện nghĩa vụ của mình bằng cách tăng cường việc liên thông giải quyết hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế TNCN giữa CQT và chủ thể chi trả thu nhập. Ví dụ như tại Điều 33 tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm đăng ký thuế thay cho cá nhân có thu nhập trong trường hợp cá nhân chưa có MST; đăng ký thuế thay cho người phụ thuộc của NNT kể từ ngày NNT đăng ký giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật trong trường hợp người phụ thuộc chưa có MST. Bên cạnh đó, cá nhân cũng được phép ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập đăng ký thuế thay cho bản thân và người phụ thuộc theo Khoản 3 Điều 32 và ủy quyền thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cá nhân và người phụ thuộc căn cứ Khoản 3 Điều 36. Như vậy, Luật Quản lý thuế năm 2019 đã cho phép người nộp thuế TNCN lựa chọn một trong hai phương thức đăng ký thuế là ủy quyền cho chủ thể chi trả thu nhập hoặc tự đăng ký trực tiếp. Nếu cá nhân chọn ủy quyền thì thủ tục tiến hành sẽ gọn gàng và nhanh chóng hơn vì người có trách nhiệm thực hiện cách thủ tục về thuế cho cá nhân, tổ chức chi trả thu nhập thường là những người có nghiệp vụ thuế tương đối chắc nên họ biết rõ để hoàn thành một thủ tục thì cần những gì và các bước tiến hành ra sao. Nhờ đó NNT tiết kiệm được một khoảng thời gian đáng kể, thay vì phải tự mình tìm hiểu quy trình và tiến hành thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

2.1.2.2. Quy định về mã số thuế cá nhân

Vấn đề cấp, sử dụng, chấm dứt mã số thuế TNCN theo pháp luật quản lý thuế hiện hành được quy định theo hướng cụ thể hóa và bổ sung thêm nhiều điểm mới để dễ dàng đưa vào áp dụng trong thực tiễn.

Điều 21 Luật Quản lý thuế năm 2016 sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng đăng ký thuế gồm:

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

2. Cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN.

3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay.

4. Tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về thuế.

Hiện nay, thay vì chỉ quy định đối tượng đăng ký thuế gồm 4 nhóm đối tượng như trên thì việc xác định đối tượng đăng ký thuế TNCN gắn liền với hoạt động cấp MST, điều này được thể hiện ngay trong tên Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019 là “đối tượng đăng ký thuế và cấp MST”. Đăng ký thuế để được cấp MST, cấp MST để hỗ trợ quản lý thông tin ở bước đăng ký thuế cho nên đây là hai hoạt động có quan hệ mật thiết không thể tách rời.

Nguyên tắc để được cấp MST với từng loại đối tượng cũng được ấn định rõ tại Khoản 3 Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019. Theo đó, cá nhân thuộc diện nộp thuế TNCN thực hiện các thủ tục và hồ sơ đăng ký thuế để “được cấp một MST duy nhất sử dụng suốt cuộc đời cá nhân đó”, MST đã cấp không được sử dụng lại để cấp cho NNT khác. Việc quy định cụ thể về vấn đề cấp, quản lý, sử dụng MST cho người nộp thuế TNCN và những người phụ thuộc có hiệu quả tích cực đối với công tác quản lý thuế, chỉ khi CQT cấp đầy đủ MST cho các đối tượng này thì pháp luật về quản lý thuế TNCN mới có giá trị thực tiễn. Chính bản thân NNT sẽ là người chịu thiệt trước tiên nếu chưa được cấp MST, vì họ sẽ phải tự mình quyết toán thuế, không được hưởng giảm trừ người phụ thuộc, không được hoàn thuế đối với số thuế nộp thừa, bị trích số tiền thuế TNCN nhiều hơn... Bên cạnh đó, việc CQT không cung cấp MST cho người phụ thuộc của NNT như các quy định trước đây dẫn đến tình trạng gian lận khi kê khai người phụ thuộc gây thất thu thuế TNCN, do kê khai

giảm trừ gia cảnh chủ yếu là dựa vào ý thức của mỗi cá nhân nộp thuế, tuy nhiên pháp luật hiện hành đã khắc phục được bất cập này.

Điều 35 Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng bổ sung thêm một vài trường hợp sử dụng MST nhằm tăng tính chặt chẽ, bao quát của hệ thống quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý MST cá nhân. Ví dụ như, Khoản 7 được đưa vào luật nhằm dự liệu tình huống có thể xảy ra trong tương lai để điều chỉnh kịp thời “khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho MST”. Cùng với đó, buộc NNT phải cung cấp MST cho cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc ghi MST trên hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông với cơ quan quản lý thuế; hay yêu cầu tổ chức, cá nhân khác trong việc tham gia quản lý thuế sử dụng MST đã được cấp của NNT khi cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế. Như vậy, NNT phải cung cấp MST cho CQT khi thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp cho cơ quan tổ chức, có liên quan trong bất cứ giao dịch nào yêu cầu có MST. Những quy định này được đưa ra ngoài mục đích tăng cường quản lý các nguồn thu nhập còn giúp NNT sử dụng hiệu quả, đúng cách MST của mình để đảm bảo lợi ích khi thực hiện nghĩa vụ khai, nộp thuế.

Điều 29 Luật Quản lý thuế năm 2016 sửa đổi, bổ sung quy định MST chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp: tổ chức, cá nhân kinh doanh chấm dứt hoạt động; cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật. Khác với quy định mới ở Khoản 1, 2 Điều 39 Luật Quản lý thuế năm 2019 chỉ rõ với mỗi nhóm đối tượng cụ thể sẽ chấm dứt hiệu lực MST khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

- NNT đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thực hiện chấm dứt hiệu lực MST khi thuộc một trong các trường hợp: Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản; Cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

- NNT đăng ký thuế trực tiếp với CQT thì thực hiện chấm dứt hiệu lực MST

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/03/2024