+ Tất cả phí vận chuyển, thông quan và dịch vụ đảm bảo giao hàng đều được nhà điều hành kho ngoại quan thanh toán với nhà cung cấp quốc tế, như thế người nhập khẩu sẽ nhận được dịch vụ trọn gói từ Cửa đến Cửa với mức chào giá cạnh tranh và họ chỉ đơn giản là chờ tại cơ sở mình để nhận vàng.
+ Bên cạnh việc chứa vàng, kho ngoại quan còn có thể được dùng để tích trữ các loại hàng hoá khác như kim cương, đá quý và hàng trang sức nhằm hỗ trợ các công ty quốc tế muốn đến Tp. Hồ Chí Minh để tham gia triển lãm tại Hội chợ Triển lãm Nữ trang Việt Nam hàng năm và/ hoặc thực hiện các hoạt động thương mại riêng cho hàng hoá của họ.
Một số hạn chế còn tồn tại:
+ Công suất sử dụng của các kho ngoại quan vàng vẫn còn hạn chế và chưa được khai thác triệt để.
+ Về lý thuyết chi phí nhập khẩu từ kho ngoại quan vàng thấp hơn so với nhập trực tiếp từ nước ngoài và thời gian cũng được rút ngắn đáng kể. Song nhiều doanh nghiệp lâu này vẫn có các nguồn nhập riêng với giá rẻ hơn và thời gian nhập thậm chí nhanh hơn. Do đó khi có nhu cầu, các doanh nghiệp đều tự nhập ở nước ngoài chứ không thông qua kho ngoại quan.
+ Các nhà cung cấp quốc tế vẫn ngại để hàng vào kho ngoại quan ở Việt Nam vì nguyên nhân chính là thị trường còn rủi ro, không ổn định.
5. Đánh giá về chính sách quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng trong thời gian qua
Chính sách quản lý vàng trong những giai đoạn vừa qua đã có những thay đổi đáng kể, phù hợp với quá trình chuyển hưởng nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Chính sách quản lý vàng trong thời gian qua đã thu được những thành công đáng kể trong vịêc ngăn chặn dập tắt những cơn sốt giá vàng, góp phần tích cực hỗ trợ ổn định giá vàng và hỗ trợ điều hành tỷ giá, ổn định giá trị đồng Việt Nam. Bên cạnh những thành công trên, thực tế hoạt động thì trường vàng hiện nay cũng bộc lộ một số tồn tại đáng quan tâm cần phải có biện pháp khắc phục kịp thời. Như chính sách quản lý vẫn còn cồng kềnh, phức tạp và gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động chưa có
định hướng rõ ràng và vẫn trong vòng luẩn quẩn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thị trường vàng vẫn chưa rõ ràng và chưa có sự đồng bộ.
5.1 Những thành tựu và kết quả đạt được
Hiện nay chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng ở Việt Nam ngày càng được thông thoáng. Từ chỗ cấm kinh doanh (Quyết định 37, 38), hạn chế chỉ cho kinh doanh vàng trang sức (Quyết định 139), tới chỗ được kinh doanh tất cả các loại vàng chỉ cần giấy phép của NHNN, nay điều kiện cũng đã đơn giản hơn rất nhiều NHNN chỉ cấp giấy phép đối với nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động sản xuất vàng miếng, các hoạt động còn lại đều không phải có giấy phép.
NHNN và các cơ quan hữu trách sau một thời gian đã có những bước tiến mới trong điều hành kinh doanh vàng như:
Đã triển khai việc sử dụng kho ngoại quan vàng giúp cho việc nhập khẩu giảm được nhiều chi phí và thời gian
Đã kịp thời quản lý việc triển khai hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản sau một thời gian đi vào hoạt động nhằm bình ổn thị trường vàng và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Đã cho phép huy động vàng không kỳ hạn – huy động được một lượng vàng đáng kể từ trong dân.
Đang xây dựng một dự thảo thành lập sàn giao dịch vàng chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng đang ngày cảng mở rộng đồng thời vẫn đảm bảo được quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Kinh doanh vàng ngày càng phát triển nhanh giúp Việt Nam phát triển và hoà nhập với môi trường kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên trong thời điểm mới triển khai các sản phẩm kinh doanh vàng, không thể tránh khỏi những bất cập ảnh hưởng đến thị trường vàng và quyết định của các nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi các cơ quan hữu trách cần phải có những biện pháp kịp thời để ổn định thị trường vàng và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư.
5.2 Những hạn chế còn tồn tại
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng còn tồn tại một số hạn chế như sau:
Hệ thống pháp lý quy định việc kinh doanh vàng chưa chặt chẽ, đầy đủ và hợp lý.
Văn bản quy định về quản lý hoạt động kinh doanh các loại vàng còn phức tạp: hiện có 2 Nghị định điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng (vàng tiêu chuẩn quốc tế và vàng không phải là tiêu chuẩn quốc tế).
Quy định này đã gây khó khăn cho người thực hiện, đồng thời cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế:
+ Việc đưa ra khái niệm về vàng tiêu chuẩn quốc tế và coi nó là ngoại hối với mục đích nhằm hạn chế việc sử dụng vàng miếng do nước ngoài sản xuất để cất trữ, thanh toán mang nặng tính quản lý hành chính, hiệu quả quản lý không cao và hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Trên thế giới thông thường các Ngân hàng trung ương chỉ quản lý vàng trong dự trữ ngoại hối nhà nước. Như vậy việc quy định “vàng tiêu chuẩn quốc tế” cũng không phù hợp với thông lẹ quốc tế. Mặt khác việc sử dụng thuật ngữ “vàng tiêu chuẩn quốc tế” cũng không chính xác bởi có rất nhiều loại vàng khác nhau như vàng nguyên liệu, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ... nên có thể gọi vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế, vàng trang sức tiêu chuẩn quốc tế...
Vẫn còn những kẽ hở trong việc quản lý thị trường vàng:
Mặc dù theo Nghị định 174 thì NHNN chỉ quản lý một số hoạt động liên quan đến chính sách tiên tệ, nhưng trên thực té do hoạt động kinh doanh vàng rất phức tạp và đan xen, vì vậy rất khó để bóc tách từng hoạt động để quản lý. Chính vì vậy tại nhiều địa phương, thị trường vàng bị buông lỏng vì cơ quan quản lý thị trường cho rằng nhiệm vụ quản lý hoạt động kinh doanh vàng là của NHNN, trong khi đó thì các chi nhánh NHNN chỉ quản lý những hoạt động theo quy định của Nghị định 174, mà những hoạt động này tại hầu hết các tỉnh (trừ một số tỉnh, thành phố lớn) lại không có. Vì vậy các Chi nhánh NHNN cũng không quản lý thị trường vàng.
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG TẠI VIỆT NAM
1. Dự báo về giá vàng trong thời gian tới
Dự báo giá vàng trong ngắn hạn là một vấn đề hết sức phức tạp và thay đổi hàng ngày do trong ngắn hạn giá cả biến động phụ thuộc vào nhiều yếu tố đặc biệt là yếu tố tâm lý. Để dự đoán được giá vàng trong ngắn hạn thì phải dựa nhiều vào phân tích kỹ thuật và theo dõi sát sao tình hình diễn biến của thị trường. Giá cả trong ngắn hạn có thể biến đổi thất thường, tuy nhiên đằng sau nó, xu hướng vận động giá cả trong trung và dài hạn lại mang tính quy luật.
Trong trung và dài hạn, giá vàng phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản như giá trị của vàng, quan hệ cung cầu, sức mạnh của đồng USD, mức độ rủi ro của thị trường (lạm phát, chính trị...), giá dầu thô thế giới, sự phát triển của các thị trường thay thế (thị trường chứng khoán, bất động sản...). Dựa vào các yếu tố này, các chuyên gia cho rằng, giá vàng hiện không có nhiều lý do để tăng quá mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên trong dài hạn, giá vàng vẫn có xu hướng tăng khả quan do áp lực lạm phát nhưng vẫn chưa được coi là một phương tiện dự trữ hàng đầu. Theo Tiến sĩ Martin Murenbeeld, Trưởng ban Kinh tế tại Uỷ ban các nền Kinh tế phát triển Dundee ở Toronto đã đưa ra các kịch bản giá vàng trong năm 2010 và 2011. Theo kịch bản này, thì giá vàng sẽ có khả năng biến đổi như sau:
Bảng 3.1: Các kịch bản của giá vàng trong năm 2010 và 2011
Đơn vị USD/Ounce
Mức giá trung bình 2010 | Mức giá nửa cuối năm 2010 | Mức giá trung bình năm 2011 | |
Kịch bản A – xác suất 10% | $ 1015 | $ 915 | $ 858 |
Kịch bản B – xác suất 40% | $ 1140 | $ 1170 | $ 1230 |
Kịch bản C – xác suất 50% | $ 1221 | $ 1326 | $ 1425 |
Mức giá xác suất trung bình | $ 1170 | $1126 | $ 1293 |
Có thể bạn quan tâm!
- Các Văn Bản Pháp Lý Điều Chỉnh Hoạt Động Kinh Doanh Vàng
- Quản Lý Nhà Nước Về Hoạt Động Kinh Doanh Vàng Trên Tài Khoản
- Thực Trạng Hoạt Động Xuất Nhập Khẩu Vàng Tại Việt Nam Trong Thời Gian Qua
- Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam - 12
- Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam - 13
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
Nguồn:http://www.mineweb.com/mineweb/view/mineweb/en/page33?oid=102737&s
n=Detail&pid=33
Nhìn vào bảng trên, có thể nhận thấy rằng có 2 xu hướng biến động giá trong các kịch bản này, đó là xu hướng tăng (kịch bản B và C) và xu hướng giảm (kịch bản A). Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng xác suất xảy ra biến động giảm của giá vàng trong thời gian tới sẽ chỉ là 10%, trong khi đó mức tăng nhẹ của giá vàng trong nửa cuối năm 2010 dao động quanh vùng 1170 USD/Ounce và 1230 USD/Ounce có xác suất chiếm tới 40%. Tuy nhiên, theo phân tích của nhà kinh tế này thì giá vàng hoàn toàn có khả năng tăng tới 1326 USD/Ounce vào nửa cuối năm 2010 và 1425 USD/Ounce năm 2011, xác suất của khả năng này là cao nhất, lên tới 50%.
Đối với thị trường vàng trong nước, biến động giá vàng Quý 1 năm 2010 hầu như là giảm và thị trường khá trầm lắng. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tuyên bố kế hoạch bán ra thị trường 191,3 tấn vàng, tương đương giá trị 6,9 tỷ USD. Trong khi đó, sau Tết, nhu cầu vàng vật chất từ những thị trường có sức tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ bao giờ cũng giảm mạnh. Cung tăng, cầu giảm sẽ khiến giá vàng giữ ở mức thấp. Mãi lực của thị trường vàng trong nước cũng không mạnh do tâm lý nghe ngóng của giới đầu tư. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa sàn vàng, hạn chót là 30/3, các nhà đầu tư vàng (phần nhiều là nhà đầu tư lớn) trên sàn chuyển sang tập trung tất toán tài khoản, tính toán lỗ lãi. Các nhà đầu tư khác cũng có tâm lý nghỉ ngơi, nghe ngóng.
Theo nhận định của đại diện SJC, trong dài hạn, giá vàng vẫn có xu hướng tăng khả quan do áp lực lạm phát. Nếu lạm phát bùng phát thì giá vàng có cơ hội chinh phục trở lại ngưỡng cao kỷ lục 1.226 USD/ounce năm 2009.
Các chuyên gia cho rằng, giá vàng năm nay sẽ giảm do nguyên nhân chính là đồng USD trên thế giới đang đà hồi phục mạnh, mà giá vàng thường biến động tỷ lệ nghịch với giá ngoại tệ này.
2. Mục tiêu đổi mới cơ chế hoạt động kinh doanh vàng
Trên cơ sở thực trạng thị trường vàng đã được trinh bày tại Chương 2, trên cơ sở nhận định thị trường vàng Việt Nam, thế giới trong tương lai và để phù hợp vớí
điều kiện nền kinh tế Việt nam, mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý vàng trong giai đoạn hiện nay là:
2.1 Từng bước tự do hoá thị trường vàng
Trong thời gian qua, chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được nới lỏng từng bước, tuy nhiên đến nay vàng vẫn được coi là hàng hoá đặc biệt, là ngoại hối mang tính chất tiền tệ, hoạt động kinh doanh vàng vẫn phải thực hiện theo cơ chế quản lý riêng và NHNN vẫn được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá, nền kinh tế ngày càng mở cửa hội nhập và vai trò của tiền tệ vàng ngày càng giảm, thì tất cả các hoạt động kinh doanh vàng vẫn phải thực hiện theo cơ chế quản lý riêng và vẫn do NHNN quản lý là chưa phù hợp. Mục đích của việc tự do hoá thị trường vàng một mặt để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài, mặt khác tiến trình này cũng là bước đi cần thiết để phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO.
2.2 Phát triển sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, hướng tới xuất khẩu
Đảng ta đã chủ trương thực hiện chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại với mục tiêu “hướng về xuất khẩu”, từng bước mở rộng thị trường, hướng tới hội nhập. Đây là định hướng quan trọng làm cơ sở ban hành các chính sách quản lý phù hợp và định hướng cho hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Có thể nói rằng sức cạnh tranh của sản phẩm vàng trang sức Việt nam còn quá thấp, nền sản xuất của ta đang ở trình độ chênh lệch lớn không chỉ với các nước phát triển mà ngay cả với các nước đang phát triển trong khu vực. Như vậy cần phải xác định rõ ngành kim hoàn Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì khi tham dự vào thị trường thế giới để có biện pháp phát huy mặt mạnh và khắc phục những hạn chế. Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ, khơi dậy các tiểm năng thuộc mọi thành phần kinh tế đòi hỏi phải có các giải pháp và chính sách phù hợp. Sức cạnh tranh của sản phẩm là sự tích hợp của 3 yếu tố:
Sự ổn định môi trường kinh tế vĩ mô
Sự thông thoáng của môi trường kinh doanh
Sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp
Đối với nhân tố môi trường kinh tế vĩ mô, Chính phủ phải tạo ra các cơ chế chính sách phù hợp, trên cơ sở đó tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng. Bản thân các doanh nghiệp phải tiến hành đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
2.3 Huy động sử dụng nguồn vốn dưới dạng vàng có hiệu quả để phát triển nền kinh tế
Theo Hiệp hội vàng thế giới, năm 2008 Việt Nam đã nhập khoảng hơn 70 tấn vàng và trở thành quốc gia nhập khẩu vàng lớn nhất thể giới. Mặc dù lượng vàng này cũng có tái xuất, nhưng chắc chắn đây là một tiềm năng rất lớn cần phải đưa vào khai thác và sử dụng. Đây còn là một đòi hỏi để thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là huy động nội lực nền kinh tế cho đầu tư và phát triển. Nếu sử dụng hiệu quả nguồn vốn này sẽ góp phần:
Đáp ứng nhu cầu vàng vật chất cho các nhà sản xuất với chi phí thấp hơn đi vay đồng Việt Nam hoặc vay ngoại tệ từ nước ngoài với lãi suất cao.
Tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ do sử dụng nguồn vàng tại chỗ, không phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải có một cơ chế huy động sử dụng có hiệu quả, an toàn và tránh được rủi ro.
3. Một số đề xuất nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam
3.1 Đề xuất với chính sách quản lý xuất nhập khẩu vàng
Việt Nam như đã biết là nước nhập khẩu vàng rất lớn, đó là chưa kể đến khối lượng nhập lậu vàng tiêu tốn rất nhiều ngoại tệ mà việc sử dụng vẫn chưa hiệu quả, chủ yếu nằm trong khu vực dân cư. Thiết nghĩ NHNN và Vụ ngoại hối cũng như các ban ngành liên quan nên xem xét kỹ lợi hại để việc xuất nhập khẩu vàng được linh hoạt và đáp ứng được những lợi ích sau:
Giá vàng trong nước sẽ đi dần về hướng tương đương và biến động sát với thế giới hơn do đó các doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng sẽ linh động hơn trong việc mua bán vàng:
Trong khi hiện nay trong một số thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn thế giới rất nhiều, người dân và nhà đầu tư không muốn giữ nhưng doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn phải mua vào. Nếu được phép xuất khẩu, doanh nghiệp kinh doanh sẽ hiệu quả hơn. Ngược lại, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới thì các đơn vị kinh doanh vàng sẽ phải tính toán hạ thấp giá vàng bán ra để cạnh tranh và nhập khẩu về khối lượng khác với giá thấp hơn, vì thế người dân sẽ được lợi và tiến dần đến cân bằng với giá thế giới.
Nếu xuất khẩu vàng được khai thông, sẽ huy động được một lượng vốn bằng vàng lớn trong dân cư và mang về nguông ngoại tệ lớn trở thành vốn đầu tư trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Chính phủ cũng nên mở rộng loại vàng được phép xuất khẩu thành vàng thỏi hay vàng miếng thay vì chỉ là vàng nguyên liệu hoặc như nữ trang hiện nay. Bởi khi nhập giá đã cao do thị trường nước ngoài đã phải biến vàng thỏi thành vàng nguyên liệu để xuất cho Việt Nam, rồi nếu được phép xuất, phía Việt Nam lại phải nấu vàng miếng lại thành vàng nguyên liệu rồi mới được xuất đi. Quy định này gây tốn kém nhiều chi phí cho các ngân hàng và doanh nghiệp muốn xuất khẩu vàng.
3.2 Đề xuất về chính sách tỷ giá
Sự ổn định của thị trường tài chính đối với giá vàng là vô cùng quan trọng. Một dẫn chứng điển hình đó là vào tháng 06/2008, USD bị hút quá mnạh làm tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do và thậm chí liên ngân hàng biến động hết sức hỗn loạn. Giá USD ngày 19/06 trên thị trường tự do lên đến 19.500 đồng khiến giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 800.000 đồng/lượng, giới đầu cơ đã nhân cơ hội này để tung ra những tin đồn tiêu cực nhằm trục lợi. Khi tỷ giá được điều chỉnh thì giá vàng biến động theo chiều hướng ngược lại (thấp hơn giá quy đổi gần 700.000 đồng/lượng) mặc dù giá thế giới lại đi lên. Đa số những người mua vàng nhỏ lẻ sợ tâm lí giá vàng còn lên nữa nên đã mua vàng vào và lỗ nặng sau đó khi NHNN điều chỉnh tỷ giá và có những biện pháp khống chế. Điều này đã gây tổn thất rất nhiều, do đó, việc ổn định chính sách tỷ giá là một điều kiện hết sức cần thiết góp phần làm bình ổn biến động giá vàng.