Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam - 12

3.3 Các đề xuất liên quan đến thị trường vàng nội địa

3.3.1 Ban hành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vàng nữ trang

Hiện nay tại Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về tiêu chuẩn chất lượng, trong lượng của vàng nữ trang. Đây là một kẽ hở mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để hạ tuổi vàng trong khi giá bán không thay đổi. Theo quy định hiện nay của Nhà nước, các sản phẩm của ngành kinh doanh vàng bán ra phải đóng dấu đảm bảo về chất lượng, trọng lượng, ký mã hiệu đã đăng kí với cơ quan chức năng. Tuy nhiên trên thực tế vẫn tồn tại một số loại vàng chưa có một chuẩn mực quốc gia nào về tiêu chuẩn chất lượng, trọng lượng. Điều này gây ra nguy cơ gian lận tuổi vàng, trọng lượng vàng.

Do đó, Nhà nước cần ban hành một hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vàng nữ trang để tạo hành lang pháp lý cho việc cấp giấy chứng nhận vàng nữ trang tiêu chuẩn đồng thời tạo điều kiện cho công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, để hoạt động kinh doanh vàng ở Việt nam thực sự lành mạnh và minh bạch, ngoài những hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của các loại vàng, Nhà nước cũng nên thành lập một tổ chức chuyên trách kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng bạc, kiểm tra chất lượng vàng, chịu trách nhiệm xử lý các vụ khiếu nại của người mua và người bán trong trường hợp có tranh chấp. Điều này sẽ góp phần giúp cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng đi vào hệ thống và thực sự triệt để, hiệu quả. Đồng thời, một khi tiêu chuẩn sản phẩm vàng của nước ta được quản lý tốt thì chất lượng thị trường vàng Việt Nam sẽ ngày một phát triển.

3.3.2 Phát triển vàng tiền tệ và sản xuất vàng theo tiêu chuẩn quốc tế

Hiện nay vàng miếng Việt Nam chưa được chấp nhận lưu thông trên thị trường quốc tế là do hai nguyên nhân:

Việc quy định 1 lượng = 1,20556 Ounce khiến việc quy đổi chậm vì không thích ứng với việc kinh doanh vàng tài khoản quốc tế chỉ sử dụng Ounce.

Uy tín và năng lực của các nhà sản xuất tại Việt Nam.

Việc sản xuất nên được đảm bảo từ một ngân hàng đặc biệt là ngân hàng thuộc nhà nước quản lý chứ không nên thuộc về trách nhiệm riêng của một doanh nghiệp nào đó (như SJC, Bảo Tín Minh Châu) hay một NHTM đảm trách (ACB, AA

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

của Ngân hàng Nông nghiệp...) để có thể đảm bảo được chất lượng và uy tín đối với thị trường nước ngoài, dần tạo được niềm tin khi Việt Nam không phải là một thị trường kinh doanh vàng truyền thống và lâu đời mà còn khá là mới mẻ.

Do vậy, trong khi đợi thời gian để được chấp nhận chất lượng và lưu thông trên thị trường quốc tế thì Nhà nước nên có biện pháp khuyến khích đẩy mạnh lưu thông vàng theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam để sớm có cơ hội gắn kết việc kinh doanh trên thị trường quốc tế giúp việc xuất nhập khẩu được dễ dàng.

Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam - 12

3.3.3 Quản lý hoạt động kinh doanh vàng và tăng cường hoạt động của Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam

3.3.3.1 Quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Hoạt động kinh doanh vàng và các quy định liên quan đến giao dịch vàng hiện nay là chưa đầy đủ, chỉ theo sau nhu cầu của thị trường với những ràng buộc chưa mang tính khách quan Môi trường kinh doanh vàng chính vì vậy đã bị ảnh hưởng không kém. Kinh doanh vàng qua tài khoản đã được phép phát triển nhưng do tồn tại quá nhiều rủi ro và bất cập mà lại chưa có một cơ chế quản lý chung cho hoạt động này, nên thời gian vừa qua hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản đã bị ngừng lại. Do nhu cầu kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, việc lưu thông vàng cần được phát triển lên một tầm cao mới, giúp các nhà đầu tư ngày càng tiếp cận với những sản phẩm kinh doanh hiện đại, NHNN nên phối hợp cùng với Vụ Quản lý ngoại hối và Hiệp hội kinh doanh vàng cùng soạn thảo ra những quy định và chế tài riêng để áp dụng cho các tổ chức kinh doanh vàng trên tài khoản, tránh được rủi ro và thiệt hại cho nhà đầu tư.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngân hàng để phát triển các sản phẩm phái sinh với chi phí thấp để phục vụ nhu cầu trong nước khỏi phải thông qua các tổ chức nước ngoài (Option, Future, Mua bán khống...)

3.3.3.2 Tăng cường hoạt động của Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam

Theo đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế của Đảng và Nhà nước, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đã được thành lập vào ngày 25/02/2002 theo quyết định số 12/2002/QĐ-BTCCBCP. Hiệp hội là một tổ chức nghề nghiệp tự nguyện, có điều lệ riêng, hoạt động phi lợi nhuận, phi chính phủ. Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam

được thành lập dựa trên tiêu chí góp phần xây dựng thị trường kinh doanh vàng lành mạnh, bình đẳng và đúng pháp luật, đồng thời đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên cũng như lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Trải qua gần 7 năm hoạt động, Hiệp hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc và đáng tin cậy của các hội viên. Hiệp hội đã và đang tích cực hoạt động vì sự phát triển của các hội viên nói riêng và của thị trường vàng Việt Nam nói chung thông qua việc làm cầu nối giữa các hội viên với NHNN, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế cùng ngành như Hiệp hội Vàng thế giới...

Hiện nay, Hiệp hội đang gấp rút hoàn thành Đề án chiến lược phát triển thị trường vàng trong dài hạn để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đề án đưa ra các chiến lược phát triển quan trọng, xác định các giải pháp, mục tiêu dài hạn nhằm xây dựng và phát triển ngành vàng bạc đá quý, trang sức tại Việt Nam sớm trở thành một trong những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế. Hiệp hội cũng đang chuẩn bị hoàn tất các thủ tục cần thiết để thành lập Trung tâm giao dịch vàng và Trung tâm kiểm định vàng bạc, đá quý tại hà Nội và TP. HCM nhằm hình thành và phát triển thị trường vàng có tổ chức; đảm bảo lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng; hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng các công cụ phái sinh có hiệu quả để tránh rủi ro khi đầu tư.

3.3.4 Một số giải pháp với hình thức kinh doanh sàn giao dịch vàng

Theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm về phát triển thị trường, hiện tại các sàn vàng là sự phát triển tự phát và không có định hướng. Thị trường đang rất cần định hướng rõ ràng hướng tới những chuẩn tắc quốc tế.

3.3.4.1 Thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia

Hiện hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đang tập trung nghiên cứu kinh nghiệm của các SDGV quốc tế đang hoạt động hiệu quả, kết hợp với nghiên cứu tình hình giao dịch của thị trường vàng trong nước và các cơ chế pháp luật hiện hành để sớm cho ra đời một sàn giao dịch vàng quốc gia. Trước mắt sẽ thành lập SDGV ở Hà Nội và TP.HCM.

Sàn giao dịch này ra đời nhằm hình thành và phát triển thị trường vàng có tổ chức, đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng nhiều và bảo vệ quyền lợi của tất cả các

bên tham gia. Việc thực hiện giao dịch trên SGDVQG giúp đảm bảo lợi ích, giảm chi phí và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. SGDVQG sẽ do nhiều ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng tham gia. Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam quản lý và chịu trách nhiệm, sẽ không hoạt động vì lợi ích riêng của doanh nghiệp mà chủ yếu là làm dịch vụ phục vụ các nhà đầu tư. Do vậy, việc khớp giá, tỷ giá, tỷ giá, giá mua bán vàng trên thị trường sẽ được minh bạch và khách quan nhất.

SGDVQG còn thực hiện chức năng là công cụ phát sinh phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư khi giá vàng thế giới biến động như cấp tín dụng, đáp ứng nhu cầu vàng vật chất... Cũng qua sàn giao dịch này Ngân hàng Nhà nước sẽ có cơ sở để ban hành các quy chế cần thiết cho việc quản lý thị trường vàng giúp cho hoạt động của SDGV linh hoạt hơn, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư.

Lợi ích đối với các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ là rất lớn nếu hình thành được SDGVQG: hạn chế được lượng giao dịch không chính thức, tránh được những rủi ro không đáng có.Thông qua đó, cơ quan quản lý cũng nắm được lượng cung,cầu của thị trường vàng,cung cầu ngoại tệ liên quan đến vàng cũng như lượng tiền giao dịch trên thị trường vàng một cách chính xác, chủ động hơn, để có những điều tiết kịp thời khi biến động xảy ra.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở VN hiện nay, thiết nghĩ mô hình sàn vàng ở VN nên theo hướng: Về tổng quát, mô hình sản vàng VN nên đi từ trung tâm tới Sở giao dịch vàng. Nhà nước (NHNN và Bộ Công Thương) cần đứng ra xây dựng cơ sở pháp lý cho trung tâm giao dịch (bao gồm cơ chế hoạt động của sàn, quy chế giao dịch, tổ chức lưu ký vàng tài khoản và vàng vật chất, hệ thống nhận lệnh, khớp lệnh...); Hiệp hội kinh doanh vàng VN cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng cùng với cơ quan quản lý thống nhất và công nhận một số điều kiện và chuẩn mực giao dịch vàng như hệ thống tài khoản vàng giao dịch, đơn vị hạch toán (là lượng hay oz), điều kiện về vàng trong giao dịch (vàng miếng loại nào, do hãng nào đúc...), điều kiện giao hàng (tối thiểu là bao nhiêu vàng vật chất), các giao dịch nào thực hiện qua trung tâm (giao ngay, giao sau, quyền lựa chọn vàng, giao dịch kiểu margin trading như hiện nay,..); vay vàng thế nào, ứng trước thế nào,... (NHNN kiểm soát đến đâu để khống chế lạm phát...).

NHNN VN, hoặc Bộ Công Thương có thể cho thành lập một trung tâm giao dịch hàng hoá (trong đó có vàng) tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh (như Sở Giao dịch chứng khoán), các NHTM, các công ty môi giới kinh doanh vàng (như các công ty Chứng khoán) là thành viên của Trung tâm giao dịch vàng (sau này là sở giao dịch hàng hoá) và được kết nối với Trung tâm để đặt lệnh của khách hàng/ hoặc quản lý tài khoản cho khách hàng như chứng khoán hiện nay.

Việc phát triển tuần tự và hướng tới chuẩn mực quốc tế sẽ đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư vàng, các DN và ổn định hệ thống tài chính (quốc gia). Việc thành lập Trung tâm (sau đó là Sở giao dịch hàng hoá/ giao dịch vàng) sẽ không ảnh hưởng gì đến các Cty kinh doanh vàng trên tài khoản hiện nay mà chỉ là bước chuyển đổi tài khoản của khách hàng. Mô hình và định hướng phát triển cần phải rõ và kiên định ngay từ bây giờ nếu không để hàng loạt sàn phát triển tự phát và ào ạt thì sau này sửa sai là vô cùng tốn kém cho xã hội và quốc gia. [27]

3.3.4.2 Cần sớm ban hành hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động của SGDV

Ngân hàng Nhà nước cần ban hành quy chế quản lý kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động của các SDGV. Đây có thể coi là điều kiện tiền đề bởi nếu không có quy chế này thì nghiệp vụ phái sinh để hạn chế rủi ro sẽ không thực hiện được. Mặt khác quy chế này ra đời sẽ hạn chế được rất nhiều chi phí cho nhà đầu tư, còn Nhà nước thì có thể huy động được nguồn vốn từ đây để đầu tư cho phát triển, tiết kiệm được ngoại tệ. [28]

Nhìn nhận tương lai của sàn giao dịch vàng nước ta,các nhà kinh tế có đưa ra ba kịch bản sau:

* Kịch bản khả quan nhất: Một khuôn khổ tốt, rành mạch theo pháp luật được đề ra, tất cả các sàn đi vào khuôn phép, hoạt động minh bạch, trong sạch và lành mạnh, tạo niềm tin nơi nhà đầu tư. Cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của sàn ngày càng vững mạnh, luôn được NHTW kiểm tra và đánh giá gắt gao.

* Kịch bản thứ hai: Vẫn giữ nguyên tình trạng hiện nay, có khác chăng là số người lao vào sòng bạc- sàn giao dịch vàng ngày càng nhiều.

* Kịch bản cuối cùng: Toàn bộ các sàn đều bị đóng băng, mất hoàn toàn tính thanh khoản, làm nhiều nhà đầu tư vỡ nợ và tự chịu trách nhiệm về nợ của mình trước pháp luật vì sàn theo hợp đồng không chịu trách nhiệm cho những vụ việc như thế.

Tất nhiên là không ai mong đợi rằng kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy đến với SGDV trong tương lai, tất cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư kinh doanh vàng đều mong muốn kịch bản khả quan nhất sẽ tới đối với SGDV nước ta, tuy nhiên để có thể diễn biến như thế thì rất cần sự chỉ đạo và các biện pháp đúng đắn của Nhà nước và đặc biệt là cách nhìn nhận khác của các nhà đầu tư vàng.

KẾT LUẬN

Vàng là một loại hàng hoả đặc biệt: hàng hoá - tiền tệ. Nó cũng được trao đổi, mua bán trên thị trường như những loại hàng hoá khác, và cũng có thể chuyển hoá thành phương tiện thanh toán, cất trữ giá trị hoặc thước đo giá trị. Khi tình hình chính trị không ổn định, nền kinh tế rối loạn, tiền tệ mất giá, lạm phát phi mã thì vai trò tiền tệ của vàng càng được phát huy cao độ. Ngược lại khi nền kinh tế ổn định thì vai trò tiền tệ của vàng ngày càng giảm, mức độ lợi nhuận trong kinh doanh ngày càng hẹp và vai trò hàng hoá của vàng lại trở nên phát triển.

Thông qua việc phân tích cụ thể thực trạng thị trường vàng và chính sách quản lý vàng của Nhà nước qua từng thời kì, khoá luận đã nêu lên thực trạng cùng những mặt được, mặt hạn chế của thị trường vàng và công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Nhà nước trong suốt những năm gần đây. Nhìn chung, cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, cơ chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng đã có những cải tiến thông thoáng hơn và tạo điều kiện cho thị trường vàng Việt Nam phát triển hơn. Tuy vậy, cơ chế quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng hiện nay vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập như hệ thống chính sách chưa chặt chẽ và đầy đủ, còn mang nặng tính hình thức, chính sách quản lý chưa bắt kịp được với tốc độ phát triển của thị trường vàng dẫn tới nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, đề tài đã nêu ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách quản lý vàng tại Việt Nam trong thời gian tới để vừa có thể quản lý được thị trường vàng, góp phần ổn định tiền tệ, vừa tạo điều kiện để thị trường vàng phát triển, đặc biệt là mô hình kinh doanh sàn giao dịch vàng.

Khoá luận được hoàn thành với sự cố gắng tối đa tìm hiểu thực tế về chính sách quản lý của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng hiện nay. Tuy nhiên do tính chất phức tạp của vấn đề, đồng thời do trong điều kiện có hạn về nhiều mặt, chắc chắn khoá luận cũng sẽ gặp phải một số các khiếm khuyết nhất định. Vì vậy em rất mong nhận được những ý kiến đánh giá và đóng góp quý báu từ thầy cô và các bạn để khoá luận có thể được hoàn thiện hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Tài liệu Tiếng Việt:

1. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997. Ngày hiệu lực 01/10/1998

2. Nghị định số 131/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/08/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối.

3. Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

4. Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/08/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối.

5. Nghị định số 64/2003/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

6. Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11

7. Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN ngày 18/01/2006 về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài

8. Thông tư số 01/1999/TT-NHNN ngày 16 tháng 4 năm 1999 hướng dẫn thi hành Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/08/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối

9. Thông tư số 10/2003/TT-NHNN ngày 16/09/2003 hướng dẫn thi hành Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 174/1999/NĐ-CP

10. TS. Nguyễn Hữu Định (1988), Kinh doanh vàng tại thành phố Hồ Chí Minh: Chính sách và giải pháp, Nhà xuất bản Văn hoá Sài Gòn (2008)

11. “Các văn bản pháp luật về quản lý ngoại hối, vàng bạc và đá quý”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (1999)

12. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Kinh tế chính trị , Nhà xuất bản chính trị quốc gia (2006)

13. Đinh Nho Bảng, ThS. Đào Xuân Tuấn (2001), “Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu khoa học, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

14. Đặng Thị Tường Vân (2008), “Các giải pháp phát triển kinh doanh vàng tại Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 09/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí