Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội - 12

Có thể nói, công tác quản lý doanh nghiệp gần như không thực hiện được, sự phối hợp của các cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành còn hạn chế. Tại các cơ quan chuyên môn, nhân lực cũng như thời gian dành cho công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không nhiều, số lượng doanh nghiệp đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm còn ít so với số lượng doanh nghiệp thực có trên địa bàn. Các vi phạm của doanh nghiệp chỉ được phát hiện khi có thông báo của cơ quan thuế đối với các trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thuế, bỏ trốn, mất tích hoặc khi có phát sinh tranh chấp nội bộ, khiếu nại, khiếu kiện. Rất ít các trường hợp vi phạm của doanh nghiệp được phát hiện từ phía các cơ quan quản lý chuyên ngành, do trách nhiệm quản lý không được quy định rõ ràng.

- Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do nhiều cơ quan cấp Giấy chứng nhận mà lại không có sự kết nối và phối hợp, gây khó khăn về kiểm soát tên doanh nghiệp bị trùng hoặc gây nhầm lẫn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong công tác đăng ký kinh doanh và quản lý doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc, các nguyên nhân chủ yếu do: nhiều quy định của Luật Doanh nghiệp còn chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu luật và chưa theo kịp sự phát triển của xã hội; một số quy định của Luật Doanh nghiệp chưa thống nhất với pháp luật chuyên ngành hoặc phát sinh nhiều quy định (Nghị định, Thông tư) mâu thuẫn với các quy định của Luật Doanh nghiệp và mâu thuẫn với nhau; các chế tài xử lý vi phạm của doanh nghiệp trong các văn bản pháp luật còn thiếu và nếu có thì chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hơn thế, sự am hiểu về pháp luật của doanh nghiệp và ý thức chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp còn hạn chế.

Tiểu kết

Trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày một tăng lên, đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế chính trị của đất nước. Thành phố đã rất chú trọng đến công tác quản lý đối với doanh nghiệp trên địa bàn, tập trung là: công tác hoạch định chiến lược và tạo môi trường pháp lý; ban hành và thực thi các quy định pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ tạo môi trường hoạt động cho doanh nghiệp; kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm. Có thể thấy, thành phố Hà Nội đã đạt được một số thành tựu đáng kể, bên cạnh đó cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai Luật Doanh nghiệp 2005.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

3.1. Quan điểm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

3.1.1. Định hướng phát triển doanh nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020

- Ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ; các sản phẩm truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Khuyến khích thu hút phát triển doanh nghiệp một số ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn; góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ CNH - HĐH, đảm bảo tăng nhanh GTSX, GDP, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách của doanh nghiệp trong nền kinh tế thành phố.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

- Khuyến khích khởi sự doanh nghiệp, phát triển mạnh số lượng doanh nghiệp, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, phát triển các KCN, hỗ trợ di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm.

- Nâng cao sản xuất, chất lượng hàng hoá của doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các ngành nghề sử dụng ít nguyên vật liệu nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị tăng cao.

Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội - 12

- Tăng cường việc hợp tác và chia sẻ công nghệ giữa các doanh nghiệp có qui mô khác nhau, phát triển có hiệu quả các chương trình nghiên cứu có khả năng ứng dụng thương mại.

- Cải thiện việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp.

- Cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo đuợc môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng cho doanh nghiệp.

- Khuyến khích phát triển các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp. Tăng cường công tác điều phối thực hiện các hoạt động trợ giúp phát triển doanh nghiệp, phân định trách nhiệm giữa các sở ban ngành và sự phối hợp giữa các cơ quan. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, phát huy ý chí kinh doanh và làm giàu chính đáng.

3.1.2. Nguyên tắc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp

Một là, phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Quản lý nhà nước phải tôn trọng và tạo điều kiện để vận hành các quy luật khách quan của cơ chế thị trường đối với doanh nghiệp, như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị... Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế sử dụng biện pháp hành chính để can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai là, Nhà nước quản lý doanh nghiệp bằng pháp luật, chấm dứt quản lý bằng các mệnh lệnh hành chính. Pháp luật về doanh nghiệp phải là công cụ để khuyến khích doanh nghiệp tự do phát triển, thể hiện nguyên tắc doanh nghiệp tự do kinh doanh tất cả các ngành, nghề pháp luật không cấm. Công cụ chính sách hành chính của quản lý nhà nước cần được hạn chế trong phạm vi điều tiết vĩ mô, đảm bảo tiến bộ, công bằng trong phân bổ các nguồn lực và phân phối lại kết quả sản xuất kinh doanh.

Ba là, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp phải được phân định rõ ràng gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực, chuyên ngành chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước nào thì cơ quan đó chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đó. Đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành, nghề, thuộc nhiều lĩnh vực chịu sự quản lý của nhiều cơ quan Nhà nước, thì khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nào sẽ do cơ quan quản lý lĩnh vực, chuyên ngành đó chịu trách

nhiệm xử lý. Chấm dứt tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước đổi với doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước, đảm bảo khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì luôn có một cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xử lý. Mỗi sở, ban ngành thành phố có chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật trong các lĩnh vực đó; xây dựng quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình để doanh nghiệp vừa thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo trật tự an toàn xã hội và không xâm phạm lợi ích của bên thứ ba; kỉểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực minh quản lý.

Bốn là, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp không tách rời với các hoạt động giám sát doanh nghiệp của các chủ thể khác, Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong xã hội, chủ sở hữu doanh nghiệp cùng tham gia quản lý, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ quản lý bằng pháp luật, chỉ làm những việc thuộc chức năng quản lý hành chính nhà nước.

3.2. Một số giải pháp cụ thể

3.2.1. Nhóm giải pháp nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh

Thành phố cần ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã đối với doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước thành phố trong việc chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh; trong đó phải phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trước thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực do ngành quản lý theo quy định của pháp luật.

Tăng cường ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác phối hợp, trao đổi thông tin toàn diện về doanh nghiệp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý doanh nghiệp, hệ thống cơ sở dữ liệu hồ sơ đăng ký kinh doanh doanh nghiệp dùng chung để kết nối, chia sẻ dữ liệu pháp lý về doanh nghiệp, tiến tới công khai rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận.

Các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo đúng chức năng, thẩm quyền, thủ tục do pháp luật quy định, bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ. Giải quyết dứt điểm những trường hợp giải thể; đề xuất các biện pháp để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy đăng ký mẫu dấu và con dấu nhằm ngăn chặn kịp thời những trường hợp doanh nghiệp đã giải thể nhưng vẫn tiến hành các hoạt động kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Tăng cường phối hợp trong việc tuyên truyền, phổ biến và quán triệt về các quy định pháp luật cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động của tổ chức đảng và đoàn thể; xây dựng và chỉ đạo điểm các doanh nghiệp điển hình tiên tiến thực hiện tốt các quy định của pháp luật nhằm tuyên truyền, nhân rộng trong khối doanh nghiệp.

UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước thành phố trong việc quản lý và theo dõi tốt “hộ khẩu” doanh nghiệp trên địa bàn về việc chấp hành treo biển hiệu, trụ sở chính của doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp thành phố trong việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn hoặc tiếp nhận phản ảnh để kiến nghị. Hàng năm thành phố nên bố trí kinh phí cho công tác rà soát doanh nghiệp để làm căn cứ cho công tác quản lý và kiểm tra doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.

3.2.2. Nhóm giải pháp tăng cường xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật và đạo đức kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp

Tăng cường hỗ trợ pháp lý dành riêng cho doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử đồng bộ, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp. Cần biên soạn sổ tay “Những nội dung cơ bản cần biết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp” để cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và công khai thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tăng cường tổ công tác hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp ngay sau đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Hỗ trợ miễn phí các doanh nghiệp công bố thông tin đăng ký kinh doanh trên cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Hà Nội.

3.2.3. Nhóm giải pháp hỗ trợ và khuyến khích bên thứ ba tham gia vào quá trình giám sát doanh nghiệp

Thành phố Hà Nội cần tiếp tục cam kết tăng cường công cụ hỗ trợ, công khai thông tin để khuyến khích bên thứ ba tham gia vào quá trình giám sát doanh nghiệp. Khuyến khích thực hiện giám sát nội bộ doanh nghiệp, giám sát của xã hội và các chủ thể khác nhằm hỗ trợ Nhà nước trong quản lý, giám sát doanh nghiệp, đồng thời nhằm giảm bớt rủi ro cho các tổ chức, cá nhân trong giao dịch kinh tế, tạo môi trường minh bạch và an toàn hơn. Các tổ chức, cá nhân có thể tìm kiếm thông tin thông qua các cổng thông tin điện tử

của thành phố Hà Nội, hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và trực tiếp đặt câu hỏi trên chuyên mục “Hỏi - Đáp” của cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội.

Các ngành chức năng có trách nhiệm đăng tải toàn bộ thông tin về việc cấp phép, thu hồi giấy phép, doanh nghiệp bị xử lý vi phạm phát luật ... trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của đơn vị và đăng tải trên công thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai thông tin về quy hoạch trong lĩnh vực ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên trang thông tin điện tử và tại bộ phận “một cửa”. Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và xử lý kịp thời những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đối với những nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

3.3. Kiến nghị

Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, có nhiều mặt khiếm khuyết trong công tác hậu kiểm đã phân tích ở trên là không thể khắc phục ngay được trong điều kiện quản lý kinh tế và xã hội như hiện nay.

Vì vậy, mô hình ‘hậu kiểm’ trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh sẽ phải tập trung vào các hướng:

- Tạo ra hệ thống thông tin thông suốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng.

- Có chế tài xử phạt hữu hiệu và phạt nặng đối với những vi phạm.

- Việc thực hiện (bộ máy và công chức) giám sát phải công tâm, mẫn cán, làm đúng chức trách.

- Tiến hành công tác rà soát tỉ mỉ, lập danh mục một số điểm kiến nghị cần chỉnh sửa Luật, các nghị định hướng dẫn chồng chéo, vô hiệu hóa lẫn nhau, không thực hiện được trong thực tế.

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 17/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí