Tổ Chức Thực Hiện Pháp Luật Về Quyền Tác Giả

1.2.2. Tổ chức thực hiện pháp luật về quyền tác giả

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, có chất lượng cao là tiền đề cho hoạt động quản lý nhà nước. Tổ chức thực hiện pháp luậtlà bước quan trọng tiếp theo của quản lý nhà nước.

Theo Lênin, “sự quan trọng của pháp luật không phải nằm ở chỗ chúng được ghi trên giấy, mà là ở chỗ được đem ra thi hành”[51,tr.31]. Nếu không có những hoạt động triển khai, tổ chức, thực hiện thì những quy định của pháp luật cũng chỉ nằm trên giấy, không có tác động gì đến thực tiễn cuộc sống.

Tổ chức thực hiện pháp luật quyền tác giả của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là khâu trung tâm trong quá trình quản lý nhà nước về quyền tác giả, là cầu nối giữa quy định của pháp luật quyền tác giả với các quan hệ quyền tác giả phát sinh trong đời sống xã hội. Vì vậy, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức thực hiện pháp luật quyền tác giả không chỉ phụ thuộc vào hệ thống cơ quan, cơ chế hoạt động, con người của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà còn phụ thuộc vào sự phù hợp của hệ thống quy định pháp luật quyền tác giả với thực tiễn xã hội.

Tổ chức thực hiện pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả bao gồm những nội dung dưới đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về quyền tác giả

Khi có quy định mới, hoặc quy định sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tác giả, về quản lý nhà nước bằng pháp luật về quyền tác giả; phải tổ chức các đợt tập huấn, sinh hoạt chuyên đề pháp luật,học tập, trao đổi thông tin pháp luật cho cán bộ quản lý và tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Cán bộ được học tập, tập huấn mới nắm vững nội dung quy định mới để thực hiện trong quá trình thực thi công vụ về quản lý nhà nước, còn cá nhân nắm được các quy định mới để tuân thủ thực thi theo yêu cầu của pháp luật. Hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật có thể được thực hiện ngay trong quần chúng nhân dân qua các

buổi tuyên truyền, tư vấn tại cơ sở, hoặc qua đài, báo, internet, phương tiện thông tin đại chúng.

Cần nghiên cứu, áp dụng các chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật thích hợp với từng đối tượng tiếp nhận. Ý thức pháp luật được hình thành trước hết từ trình độ hiểu biết, kiến thức pháp luật rồi mới nâng lên thành nhận thức, trách nhiệm đối với pháp luật và chuyển hóa thành hành vi tuân thủ pháp luật.

b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Luật pháp quy định sự bảo hộ không chỉ dành cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà còn dành cho cả những người góp phần phổ biến các tác phẩm đó đến công chúng. Việc bảo hộ tốt quyền lợi của những cá nhân, tổ chức này sẽ gián tiếp bảo hộ quyền lợi của tác giả. Ở góc độ khác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân, tổ chức này cũng là bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước bên ngoài lãnh thổ quốc gia thông qua các cam kết song phương và đa phương.

Pháp luật quy định chi tiết những biện pháp tự bảo vệ quyền, và những biện pháp xử lý hành vi xâm phạm.

Quản lý nhà nước bằng pháp luật về quyền tác giả tại Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - 4

Chủ thể quyền sở hữu nói chung, chủ thể quyền tác giả nói riêng có quyền áp dụng các biện pháp sau đây:

- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;

- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định những biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

- Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

c) Hướng dẫn việc cung cấp, hợp tác, đặt hàng, sử dụng và đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm

Khai thác quyền tác giả đối với tác phẩm là một trong những biện pháp kinh tế để thu được lợi nhuận từ việc sử dụng tác phẩm đó. Chủ thể có nhu cầu khai thác quyền tác giả có thể lựa chọn giao kết hợp đồng với tác giả theo các hình thức: hợp đồng đặt hàng, hợp đồng hợp tác, hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả... Pháp luật quy định chi tiết, cụ thể đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm một số quyền nhân thân và quyền tài sản. Khai thác quyền tác giả cũng là một trong các hoạt động thuộc quản lý quyền tác giả, chính vì vậy pháp luật cũng đã có những quy định cụ thể để định hướng, hướng dẫn nhằm khuyến khích các chủ thể đầu tư, kinh doanh, và cũng

đảm bảo lợi ích nhất định cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

d) Quản lý, khai thác các quyền tác giả đối với tác phẩm thuộc về sở hữu nhà nước.

Đối với tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước, pháp luật quy định rõ việc sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước chỉ được phép khi có sự đồng ý chủ sở hữu quyền tác giả; tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước cũng phải tôn trọng các quyền nhân thân, khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền. Ngoài ra pháp luật cũng quy định việc chuyển giao quyền tác giả, và trách nhiệm

quản lý quyền tác giả đối với tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước cho một số cơ quan, đơn vị có chức năng.

đ) Quản lý hoạt động cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Đặc trưng của quyền tác giả là quyền phát sinh tự nhiên, không phụ thuộc vào bất cứ một thủ tục pháp lý nào. Việc đăng ký quyền tác giả có tác dụng giúp ích cho các chủ thể quyền tác giả trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Nếu đã đăng ký bảo hộ quyền tác giả, cá nhân đã đăng ký bảo hộ chỉ cần xuất trình văn bằng bảo hộ mà không có nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp pháp sinh tranh chấp, trừ khi có chứng cứ ngược lại.

Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là một thủ tục hành chính không bắt buộc, hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký quyền tác giả chủ yếu gói gọn trong quy trình đăng ký quyền tác giả bao gồm các hoạt động: tiếp nhận, thụ lý hồ sơ, cấp, cấp lại, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký, thống kê và công bố dữ liệu đăng ký. Cơ quan quản lý nhà nước về đăng kí quyền tác giả chỉ xem xét hồ sơ hợp pháp, đúng quy trình thủ tục quy định, không xác minh tác phẩm có phải do chính tư duy của tác giả đăng ký sáng tạo ra hay không, tác phẩm có sao chép từ một tác phẩm khác hay không.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký quyền tác giả là hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan sau khi có căn cứ phát hiện ra vi phạm từ đơn yêu cầu của các cá nhân, tổ chức; từ viêc giải quyết khiếu nại tố cáo về quyền tác giả; từ bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, và từ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan có thẩm quyền.

e) Quản lý hoạt động giám định về quyền tác giả; hoạt động đại diện, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả

Cùng với sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của các quan hệ xã hội, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung; về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp. Hoạt động giám định

về quyền tác giả là hoạt động vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong quá trình giải quyết tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan. Hoạt động giám định quyền tác giả được pháp luật quy định và hướng dẫn rất chi tiết, đây là hoạt động quan trọng giải quyết vấn đề nguồn chứng cứ hợp lệ, chỉ có kết luận giám định được ban hành bởi chủ thể có chức năng giám định được nhà nước thừa nhận, mới được coi là nguồn chứng cứ hợp pháp, trợ giúp cho thẩm phán giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan tại Tòa án.

Hoạt động đại diện quyền tác giả cũng là một trong những hoạt động tích cực, góp phần quản lý quyền tác giả. Pháp luật quy định về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, chức năng của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, có chức năng thực hiện việc quản lý quyền tác giả: đàm phán cấp phép, thu chi và phân tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.Hiện nay tại Việt Nam có 4 tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan gồm: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam; Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam; Hiệp hội quyền sao chép Viêt Nam. Ngoài đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, pháp luật cũng quy định về dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Ngoài ra pháp luật cũng quy định về hoạt động tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; theo đó, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật với chức năng:

- Tư vấn những vấn đề có liên quan đến quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan;

- Đại diện cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo uỷ quyền;

- Tham gia các quan hệ pháp luật khác về quyền tác giả, quyền liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo uỷ quyền.

g) Hợp tác quốc tế trong quản lý, thực thi bảo hộ quyền tác giả

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc bảo hộ quyền tác giả không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, mà còn liên quan đến tác giả, các chủ sở hữu quyền là người nước ngoài và các tác phẩm của họ. Đặc biệt trong điều kiện giao lưu quốc tế, nhất là về văn hóa, nghệ thuật và khoa học, ngày càng trở nên rộng lớn hơn và đã trở thành yếu tố không thể thiếu được trong quá trình phát triển của quốc gia đó. Pháp luật bảo hộ quyền tác giả Việt Nam không thể đứng ngoài quỹ đạo này, thông qua hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, Việt Nam có thể tiếp thu chọn lọc các giá trị chuẩn mực quốc tế trong việc xây dựng pháp luật, học tập những kinh nghiệm của các nước đi trước, để làm cho hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả hình thành đồng bộ, tương thích với pháp luật quốc tế, tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích tiềm năng sáng tạo, bảo vệ tài sản trí tuệ của công dân, bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập khu vực và quốc tế.

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập mở rộng quan hệ quốc tế, với nhiều thành phần, nhiều đối tượng tham gia quan hệ, các lĩnh vực của đời sống văn hóa, nghệ thuật, khoa học cũng phát triển đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước lại chưa có nhiều kinh nghiệm, hệ thống pháp luật lại chưa thực sự hoàn chỉnh…nên tranh chấp, khiếu nại, tố cáo diễn ra là điều khó tránh khỏi.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của mình các cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo phát sinh trong hoạt động thương mại quyền tác giả. Tổ chức cho các bên trong tranh chấp căn cứ vào pháp luật để hòa giải, thương lượng giải quyết tranh chấp trên cơ sở mong muốn của các bên, nếu các bên không đạt được mong muốn,

thỏa thuận không thành thì các bên có thể yêu cầu cơ quan có trách nhiệm giải quyết theo thủ tục hành chính hay thủ tục tố tụng. Với yêu cầu về khiếu nại, tố cáo thì cơ quan quản lý nhà nước giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định.

Việc giải quyết đúng đắn, kịp thời, khách quan các tranh chấp và khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả có vai trò cực kỳ quan trọng. Việc này không những bảo vệ kỷ cương, pháp luật trong quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại về quyền tác giả, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, kinh doanh đối với thị trường và môi trường đầu tư. i,Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm là một nội dung quan trọng của quản lý nhà nước bằng pháp luật về quyền tác giả. Đây là hoạt động nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh trên thực tế.

Hoạt động này được thực hiện thông qua các hoạt động cụ thể sau:

- Các chủ thể quản lý phải thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả để kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm.

Thông qua việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả của các đối tượng có liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước xem xét một cách cụ thể các hoạt động của các đối tượng này có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không. Trong quá trình kiểm tra phát hiện có các hành vi vi phạm thì phải kiên quyết xử lý kịp thời nhằm khôi phục và thiết lập trật tự trong hoạt động quản lý của Nhà nước. Đồng thời qua kiểm tra, thanh tra nếu thấy có những sai sót trong hoạt động quản lý của các chủ thể quản lý thì nhanh chóng sửa sai, chấn chỉnh kịp thời để phục vụ tốt hoạt động quản lý về quyền tác giả.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện bởi các chủ thể quản lý. Các cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quyền tác giả bao gồm:

Thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ Trung ương đến địa phương có nhiệm vụ thanh tra, xử lý vi phạm về quyền tác giả, giải quyết các

tranh chấp về quyền tác giả. Các cơ quan quản lý thị trường thuộc ngành thương mại là cơ quan kiểm soát hàng hóa liên quan đến quyền tác giả lưu thông trên thị trường. Cơ quan công an, cảnh sát cũng tham gia vào hoạt động bảo hộ quyền tác giả theo thẩm quyền của mình. Hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển là lực lượng kiểm tra tại cửa khẩu, biên giới về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa liên quan đến quyền tác giả. Các cơ quan thuế thuộc ngành tài chính, thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền của mình đối với các hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ liên quan đến quyền tác giả.

- Xử lý nghiêm minh các vi phạm đã được phát hiện, bất cứ cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm cũng đều phải bị xử lý theo pháp luật, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, mọi người sống và làm việc theo pháp luật.

Cùng với việc ban hành và triển khai thực hiện pháp luật về tác giả thì hoạt động xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả sẽ góp phần bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực hiện trong thực tế. Thông qua xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả cũng là một hình thức đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm pháp luật về quyền tác giả, làm lành mạnh các quan hệ pháp luật về quyền tác giả, thúc đẩy và tăng cường sự quản lý của Nhà nước. Xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả còn là yếu tố bảo đảm tính công bằng, sự bỉnh đẳng trước pháp luật. Việc xử lý chính xác và kịp thời các hành vi vi phạm sẽ bảo đảm cho các thiết chế luật pháp được thực hiện nghiêm túc nhất, bảo hộ quyền tác giả một cách có hiệu quả.

- Xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chặt chẽ, hợp lý, không gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức.

Việc phát hiện và xử lý vi phạm về quyền tác giả được xây dựng theo những quy trình nhất định, tránh sự tùy tiện, bảo đảm việc xử lý phải khách quan, chính xác. Khi xem xét giải quyết đều dựa trên quan điểm toàn diện và xử lý theo đúng các quy định của pháp luật để vừa nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý, vừa bảo vệ các quyền lợi và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/09/2023