phải nước Pháp chính thức, đã nhào nặn ra một tâm hồn mới mẻ, cho một dân tộc, trong một thời gian ngắn. Người ta đã nói đến phép lạ của người Pháp ở Á Đông, đã xuất bản một quyển sách nhan đề: “Phép lạ của nước Pháp ở Á Đông”.
Thế phép lạ ấy là gì?
Mà cũng là phép lạ thật, khi chỉ trong một thời gian hết sức ngắn người ta đã đưa trình độ kiến thức của một dân tộc suy thoái đến tận cùng của sự dốt nát, tối tăm dày đặc. Là phép lạ đã đưa một dân tộc có tư tưởng dân chủ, vào cảnh nô lệ tối tăm trong một khoảng thời gian rất ngắn. Ai có thể phủ nhận rằng đó là phép lạ, phép lạ về mặt xã hội, thực hiện một cách đột ngột, một tình trạng mà các dân tộc phải để đến mấy ngàn năm mới đi tới đó – vì ngu tối và tê liệt có phải chăng là điều kiện đầu tiên của hạnh phúc?
Nói đến vai trò giáo hóa, vai trò khai hóa của những ông chủ ở Đông dương thì quả thật, thưa các ngài, đáng tức cười. Người đại diện chính thức của nước Pháp ở Đông dương chỉ biết nói về những công trình tốn kém như ngành đường sắt, về những công trình phá sản đường dây cáp ngầm dưới biển, về bộ máy công chức khổng lồ phải cung phụng, về quốc trái hàng năm nghĩa là khai thác bóc lột đến xương tủy cả Đông dương (chữ khai thác ở đây cũng có nghĩa là bóc lột). Vai trò của họ trước hết là về kinh tế nghĩa là ngấu nghiến lòng tham không đáy. Nhưng đến khi đề cập đến những vấn đề tế nhị hơn như giáo dục, đào tạo trí thức thì nước Pháp tỏ ra ngại ngần. Lẽ ra họ phải mang đến cho chúng ta những nhà nghiên cứu, những nhà sáng tạo, di sản trí thức của họ. Muốn tiến hóa được như những trí thức đó, con người phải được tự do, tự do chọn lựa, tự do tuyệt đối. Vì cưỡng bức sẽ dẫn đến không tiêu hóa được, mà không tiêu hóa thì có thể đưa đến cái chết.
Có một điều tôi muốn nêu lên, thoáng qua thôi, là những người khát khao tìm tòi, đã theo đuổi công việc tìm tòi nghiên cứu xem họ phải làm gì, đang mò mẫm để nhận thức ra bản năng của mình và từ việc nghiên cứu sâu bản thân mình mà tìm ra tâm hồn dân tộc. Những người đó cho đến hôm nay, chưa hề được nhà cầm quyền giúp đỡ động viên một mảy may nào, ngược lại… Tôi có thể khẳng định điều này qua kinh nghiệm
bản thân và chưa có bất cứ một cơ quan hay cá nhân có quyền lực nào đã cải chính được việc đó.
Tôi sở dĩ phải nêu lên vấn đề này là cốt để cho các bạn thanh niên hiểu rằng, trong bất luận hoàn cảnh nào, chúng ta cũng sẽ chỉ có thể dựa vào bản thân mình để vươn lên đạt đến trình độ mà con người ý thức được sức mạnh của mình, bắt đầu nhận thức ra phẩm giá của mình.
Các bạn hiểu rằng, cuộc chiến đấu của chúng ta, để có đủ kiến thức, để biến phẫn nộ về quyền tự hào và phẩm giá, dễ sẽ phải đương đầu với bao nhiêu chướng ngại khác mà người ta sẽ dựng lên những quyền lực ghê gớm trên con đường của chúng ta.
Trên con đường đi đến ý thức về bản thân mình, tuổi trẻ hoạt động sẽ phải gặp những vị thần giả mạo, mà người ta cố tình khua chiêng giống trống để dựng lên, tạo ra một môi trường vinh quang giả tạo thu hút chúng ta. Và quần chúng dễ tin nơi bề ngoài sẽ chạy theo những con người giả tạo đó, mà xa lánh những tâm hồn thực sự cao đẹp, những tài năng đã day công vun đắp. Con đường giải thoát con người quả là gian nan và nhất là ở xứ này, hơn bất cứ nơi đâu, những tâm hồn tự do, cao thượng, kiêu hãnh sẽ còn phải trải qua một đoạn đường dài gian khổ.
Có thể bạn quan tâm!
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 24
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 25
- Phong trào Duy Tân ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ XX 1905 - 1930 - 26
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
Ta phải giải thích việc này như thế nào? Nguyên nhân của việc này là gì?
Các bạn ạ! Đó là sự dốt nát, tình trạng dốt nát, u tối và nặng nề của quần chúng.
Tình trạng dốt nát mạ vàng, rỗng tuếch của giới tri thức hiện nay.
Quảng đại quần chúng cũng như giới trí thức tân thời đã được cái nhà trường “dân chủ dởm” tạo ra, ở các nước Âu châu. Quần chúng cũng như hạng trí thức dớm đó sẽ không biết phân biệt chân với giả.
Tôi nói lên những nhận xét đáng buồn này với các bạn, không cốt để làm tê liệt tấm lòng nhiệt tình, đầy thiện ý của tuổi trẻ, tôi chỉ muốn đó là những bức tường ngăn cách làm rạch ròi giữa những tấm lòng cương nghị, sâu sắc, cần mẫn, quyết tâm hành động đến cùng khác với những tâm hồn rỗng tuếch nhưng kêu to. Tôi muốn những con người như vậy hãy quay phắt lại đi trước những gian nan, chướng ngại đã được phô
bày. Vì những thất vọng, những chán nản của họ sẽ được đời sau ghi lại trong những bản bi hùng ca của những người anh hùng thất trí. Những con người thành đạt phải là những tấm lòng quả cảm tới cùng. Và muốn hình thành một nhân cách, trước tiên là ta phải biết sống mà sống là tranh đấu, là đương đầu, là cảnh giác.
Tôi hiểu: thanh niên hiện nay, quan niệm rằng không có cuộc đấu tranh nào khác hơn là đấu tranh chính trị. Nhưng họ lại hiểu hoạt động chánh trị khác hẳn với các hoạt động ồn ào sôi nổi ở Âu châu. Họ chỉ thấy những lời gièm pha, hùng hồn và rỗng tuếch phơi bày trên các báo hàng ngày ở Đông dương.
Hỡi ơi! Phải chi thanh niên ta có thể hiểu được những gì xảy ra dưới lớp vỏ mỏng, những lời gièm pha hàng ngày, sôi động nhưng rỗng tuếch ấy, thì chắc là họ sẽ rất bất bình mà không còn nôn nả dấn thân vào cái họ gọi là hoạt động chánh trị, đã làm hư hỏng, hoen ố biết bao nhiêu tâm hồn, trên một đất nước mà cuộc sống đã hầu như bị tê liệt, rã rời. Tôi hiểu – không có gì vui khi ta phải nhắc đến chuyện ấy. Tôi hiểu hiện nay thanh niên đang tập trung chú tâm vào cái mà họ gọi là làm chánh trị hay làm quốc sự cho đến nỗi, người nào bị mật thám theo dõi sẽ cảm thấy vô cùng vinh dự và không ngần ngại để khoe khoang.
Tôi hiểu rằng đối với lứa tuổi thanh niên hiện nay đang dò dẫm tìm con đường đi, nếu họ gặp phải chướng ngại mà chánh phủ dựng lên thì thay vì phải đi vòng tránh né thì họ sẽ đem hết sức lực ra để lay chuyển cho được tảng đá chặn đường. Và đối với họ, như vậy là tranh đấu. Không, thưa các bạn, cái mà các bạn gọi là tranh đấu ấy, thực ra là một việc phung phí sức lực để chống lại cái bóng. Các bạn sẽ được gì qua một cuộc đấu tranh như thế, nếu không phải là sự kiệt sức, đẩy bạn đến một trạng thái thấp hèn, luôn luôn kém cỏi, thua sút và sẽ bị con người chỉ đạo cái bóng đen đó sai khiến.
Các bạn phải đấu tranh với cài gì đây?
Phải đấu tranh với môi trường sống của mình, với gia đình mình, chống lại những gì làm tê liệt những cố gắng của chúng ta, chống lại cái xã hội tầm thường đang đè nặng lên ta, chống lại những thành kiến hẹp hòi đang bủa vây quanh hành động của chúng ta, chống lại những tư tưởng yếu hèn, thấp kém đến nhục nhằn, cứ ngày càng hạ
thấp vị trí của nòi giống chúng ta. Cuộc chiến đấu chính là ở đó, mà nó còn nặng nề hơn tất cả những cuộc đấu tranh chánh trị kia. Và chỉ có một cuộc chiến đấu đó mới đưa chúng ta đến thắng lợi thực sự. Những nhà tư tưởng lớn cho đến nay đều khuyên những người muốn theo làm môn đồ phải “bỏ nhà cha mẹ ra đi”.
Và chúng ta cũng vậy, các bạn trẻ, chúng ta phải bỏ nhà cha mẹ ra đi, phải xa lánh gia đình chúng ta, thoát khỏi cái xã hội chúng ta ngày nay, phải lìa xa xứ sở. Phải dấn thân vào cuộc sống đấu tranh, để khơi dậy nguồn sinh lực đang còn tồn đọng trong ta. Chúng ta cần một xã hội có khả năng phát hiện giá trị thực sự của ta, chúng ta cần một môi trường có khả nâng cao tâm hồn và trí tuệ của chúng ta. Chúng ta cần một đỉnh cao để từ đó định tâm lại, chúng ta sẽ lường được sức mạnh của mình, và làm chủ tâm hồn mình, từ đó mới nhìn tổng quát được thế giới chung quanh sống động và chứa chan tình yêu thương, mới hòa hợp được với thế giới.
Giờ đây, chúng ta có thể từ giã đỉnh cao mà ta đã đạt tới, từ giã nơi mà ta đã lựa chọn, để tự lưu đày trong một thời gian ấy, để trở về xã hội, nơi mà ta có thể thi thố hết cả tài năng và sức lực. Nghĩa là, là người Việt Nam, chúng ta sẽ trở về đất nước Việt Nam, sau khi đã nhận thức đầy đủ chân giá trị của mình về phẩm chất cao quý nhất của con người, về những quy luật của tạo hóa, chúng ta trở về nơi mà sự tình cờ run rủi đã đặt ta vào thành nơi chôn nhau cắt rốn, do đó không còn ai hơn ta có thể hiểu được nhu cầu của dân tộc, của đất nước đó đã sanh ra ta và vì lẽ đó mà sức mạnh sáng tạo phong phú trong ta sẽ không trở nên phung phí.
Theo tôi, thanh niên ta ngày nay cần nên tránh nói về Tổ quốc, về chủ nghĩa yêu nước, mà chỉ nên tập trung sức lực để đi tìm tòi cho ra bản ngã của mình khi mà ta đã xác định được bản thân ta, thì hai chữ “Tổ quốc”, “yêu nước” sẽ trở thành những danh từ rộng hơn, cao hơn, quý hơn đối với ta và chúng ta sẽ phải hổ thẹn vì trong lúc còn ngu dốt chúng ta đã dùng hai chữ ấy với những ý nghĩa thấp kém, hèn mạt nữa.
Đến ngày mà tuổi trẻ thanh niên Việt Nam không còn thấy suy tôn những mảnh bằng cấp nữa, bất chấp các thành kiến xã hội, xem thường áo mão cân đai dát vàng của bọn tay sai của thực dân, khinh miệt dáng vẻ bề ngoài trịnh trọng của các vị thân giả, khinh miệt những lời ca ngợi các tài năng giả tạo, những năng lực bất lực.
Đến ngày mà thanh niên Việt Nam ta khinh thường mọi bề ngoài giả dối, mọi lời nói xảo trá, biết ngẩng cao đầu tiến bước trên con đường vương giả mà chính lương tâm ta đã vạch ra cho chúng ta.
Thì ngày ấy chúng ta có thể cùng nhau xem xét những ước mơ cao đẹp nhất của chúng ta. Ngày ấy chúng ta có thể giải bài toán khó về tạo lập một nền văn hóa cho dân tộc chúng ta và một lần nữa chúng ta khôi phục phương châm của các đền chùa chúng ta: “hảy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình mà nâng vị trí của dân tộc ta trên thế giới và những ai đã đóng góp vào việc cải thiện điều kiện sống cho dân tộc chúng ta”.
Nguyễn An Ninh