Phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một trong 30 năm chiến tranh giải phóng 1945 - 1975 - 1


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM


VIỆN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG NAM BỘ


NGUYỄN THỊ MỘNG TUYỀN


PHONG TRÀO ĐẤU TRANH

CỦA CÔNG NHÂN CAO SU THỦ DẦU MỘT TRONG 30 NĂM CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG (1945 - 1975)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 244 trang tài liệu này.


Chuyên Ngành:

Phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một trong 30 năm chiến tranh giải phóng 1945 - 1975 - 1


Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại


Mã Số : 62 22 54 05

Tập thể hướng dẫn khoa học:


PGS.TS. Võ Văn Sen PGS. TS. Hồ Sơn Đài


THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – NĂM 2009


MỞ ĐẦU

0.1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI – MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU

Công nhân cao su Thủ Dầu Một là một bộ phận của giai cấp công nhân Việt Nam. Trong lịch sử ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp từ năm 1945 đến năm 1975, công nhân cao su ở Thủ Dầu Một là lực lượng chính trị, là một trong những “đội quân chủ lực” của phong trào cách mạng ở địa phương. Phong trào đấu tranh của công nhân cao su tại đây đã diễn ra sớm, quyết liệt, lâu dài và được thế giới biết đến nhiều nhất. Những cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc của họ mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.

Trong ba mươi năm chiến tranh từ năm 1945 đến năm 1975, mọi diễn biến của phong trào công nhân cao su Thủ Dầu Một đều có ảnh hưởng đến phong trào công nhân cao su toàn xứ. Tìm hiểu phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1975 là tìm hiểu một bộ phận của phong trào công nhân cao su Nam Bộ, qua đó làm sáng tỏ những đặc điểm, vị trí, thành tích đấu tranh và vai trò của họ trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đội ngũ công nhân cao su Thủ Dầu Một ngày một trưởng thành, nhất là sự vững vàng về nhận thức xã hội, về ý thức giai cấp, ý thức cách mạng.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đội ngũ công nhân cao su trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một xưa, nay thuộc hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước là một trong những lực lượng vẫn luôn đi đầu trong việc xây dựng kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở địa phương.

Lê nin – Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân thế giới đã chỉ rõ: “Đối với người công nhân giác ngộ không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ hiểu biết phong trào của chính giai cấp mình, hiểu biết bản chất, mục đích, nhiệm vụ, điều kiện và những hình thức hoạt động thực tiễn của phong trào đó”[75;12].

Chúng tôi chọn đề tài “Phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một trong 30 năm chiến tranh giải phóng từ năm 1945 đến năm 1975” để nghiên cứu, nhằm minh chứng vai trò và ảnh hưởng của đội ngũ công nhân cao su trong cuộc kháng chiến 30 năm. Lịch sử hình thành và phát triển các đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một

xưa chính là lịch sử đấu tranh, lao động sản xuất của đội ngũ công nhân cao su sinh sống trên mảnh đất này. Trong từng thời kỳ, bằng sức lực, lòng quả cảm và sự hy sinh, họ đã chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, đấu tranh chống áp bức bóc lột…. để bảo vệ, xây dựng xứ sở. Họ là những bậc tiền hiền, hậu hiện đáng tôn trọng, đã góp phần lớn công sức của mình vào việc đánh thắng Pháp, đánh thắng Mỹ. Xuyên suốt các thời kỳ lịch sử, đội ngũ công nhân cao su ở xứ sở này tiếp tục truyền thống của cha ông, đem trí tuệ, công sức của mình để tạo dựng hào khí cho một vùng đất năng động, phát triển bền vững.

Việc nghiên cứu này còn nhằm tổng hợp lại những thành quả của đội ngũ công nhân cao su tại Thủ Dầu Một xưa; ghi nhận những đóng góp của họ cho cuộc kháng chiến của Nam Bộ, của cả nước trong giai đoạn lịch sử này. Đồng thời đúc kết, rút ra một số đặc điểm, kinh nghiệm và bài học lịch sử cho sự nghiệp thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở địa phương ngày nay; cung cấp tư liệu cho việc giáo dục lịch sử truyền thống đối với thế hệ trẻ; góp phần gợi nhớ và ghi ơn thế hệ trước, để công nhân ngày nay làm tốt nhiệm vụ kế tục vẻ vang là nỗ lực làm giàu cho đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng.

0.2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ

Đề tài “phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một trong 30 năm chiến tranh giải phóng từ năm 1945 đến năm 1975” là một vấn đề lớn, đã từng là mối quan tâm nghiên cứu của không ít cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước.

Trước đây đã có nhiều công trình nghiên cứu và bài viết về công nhân cao su Thủ Dầu Một dưới nhiều góc độ khác nhau.

Trước năm 1954 có một số sách báo tiếng Pháp như cuốn: Economie agricole de L’Indochine, Hà Nội 1932 của Yves Henry, Problèmes du travail en Indochine. Bureau international du travail, Genève 1937 của Goudal…, các tờ báo: Echo Annamite, báo La volonté indochinoise, báo Climats… và một số báo tiếng Việt như báo Tiếng Dân, báo Phụ Nữ Tân Văn… đề cập đến chế độ mộ phu cao su, chính sách cai trị của thực dân Pháp, hoàn cảnh sống của người công nhân cao su, một số cuộc đấu tranh của công nhân cao su ở các đồn điền Nam Bộ.

Sau năm 1954, các công trình nghiên cứu về giai cấp công nhân Việt Nam ở trong nước trước hết phải kể đến bộ “Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam” (Nxb Sự Thật - Hà Nội, 1958) của Giáo Sư Trần Văn Giàu. Đây là công trình nghiên cứu chuyên sâu về quá trình hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam. Công trình này có giá trị rất lớn không những đối với giai cấp công nhân mà đối với lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng và lịch sử tư tưởng Việt Nam. Trong bộ sách này, tác giả đã chỉ rõ mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn, chủ nghĩa Mác-Lê nin là sức mạnh tinh thần là lý luận khoa học cách mạng vô sản của giai cấp công nhân; Tập sách “Máu trắng máu đào” Nxb Lao Động Mới – Sài Gòn 1963 của Diệp Liên Anh, phản ảnh một số nét về hoàn cảnh sống và làm việc của người công nhân cao su dưới sự áp bức bóc lột của thực dân, tư bản và phong kiến; Cuốn sách “Phú Riềng đỏ” (Nxb Lao Động, Hà Nội 1965) của Trần Tử Bình. Trần Tử Bình, một công nhân cao su cách mạng nòng cốt, đã đặc tả lại tình cảnh của công nhân cao su ở đồn điền Phú Riềng, những phản kháng của công nhân trong những ngày tháng đầu tiên đến sống và làm việc đồn điền đến những hành động đấu tranh quyết tử với giới chủ để giành lấy quyền lợi thiết thực; Ban Sử cận hiện đại, Viện Sử học đã công bố công trình về “Một số vấn đề về lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam” (Nxb Lao Động, Hà Nội 1974); “Giai cấp công nhân Việt Nam và liên minh công nông” (Nxb Sự Thật - Hà Nội 1976) của Lê Duẩn; “Giai cấp công nhân Việt Nam trước khi thành lập Đảng” (Nxb Khoa học Xã hội - Hà Nội 1978) của Ngô Văn Hoà, Dương Kinh Quốc… Các công trình nghiên cứu này góp phần phản ánh một số mặt về đời sống, hoàn cảnh của công nhân cao su dưới chính sách cai trị và sự áp bức bóc lột của tư bản, thực dân và phong kiến ở miền Đông Nam Bộ nói chung và ở Thủ Dầu Một nói riêng. Các công trình nghiên cứu này là nguồn tài liệu quý báu, đã gợi mở cho chúng tôi có cách nhìn đặc thù về phong trào đấu tranh của công nhân.

Sau năm 1975, do yêu cầu giáo dục truyền thống cho đội ngũ công nhân cao su, các lão thành cách mạng đã ghi lại hồi ký, bước đầu tập hợp sự kiện về phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su Thủ Dầu Một nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung như cuốn “Đất đỏ miền Đông” của Lê Sắc Nghi - Công ty cao su Đồng Nai xuất bản năm 1980; cuốn “Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ” (Nxb Lao Động, Hà Nội 1982) của Thành Nam. Các tác phẩm này đã

tạo dựng lại phong trào đấu tranh của công nhân cao su ở miền Đông Nam Bộ diễn ra sôi động trong phong trào đấu tranh chung của giai cấp công nhân và nhân dân cả nước trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Các công trình này đã giúp chúng tôi định hình khá chuẩn một phần cuộc sống kinh tế-xã hội và văn hóa và hình thức đấu tranh của công nhân cao su.

Những năm gần đây được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sông Bé, nhiều công trình nghiên cứu lịch sử truyền thống về công nhân cao su ở địa phương được công bố như cuốn “70 năm lịch sử công nhân cao su Dầu Tiếng” (Nxb Tổng hợp Sông Bé, năm 1990) của Lê Văn Khoa, “Công ty cao su Đồng Phú truyền thống xây dựng và phát triển (1927-1995)” của Đảng ủy và Ban giám đốc công ty do Sở Văn hoá thông tin Sông Bé ấn hành năm 1996. Các ấn phẩm này được công bố từ việc tập hợp thông tin, sử liệu và lời kể của các nhân chứng lịch sử tại địa phương để khắc họa hình ảnh của một đội ngũ công nhân cách mạng triệt để, trong hoàn cảnh khó khăn, kiên trì chiến đấu và chiến thắng. Từ các ấn phẩm này, chúng tôi có sử liệu thực tế về cơ cấu tổ chức công nhân và các hoạt động đấu tranh của công nhân cao su tại địa phương.

Ngoài ra còn có một số tập sách viết về lịch sử truyền thống ở địa phương - những địa bàn có liên quan đến phong trào công nhân cao su như “Truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Huyện Bình Long” do Giáo Sư Huỳnh Lứa chủ biên, (Sở Văn hoá thông tin Sông Bé ấn hành 4-1988); “Sông Bé lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975)” (Nxb Tổng hợp Sông Bé 1990) của Cao Hùng chủ biên… Năm 1993, Công Đoàn ngành cao su Việt Nam đã công bố một công trình nghiên cứu khá toàn diện về phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử: “Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam (1906-1990)” do Giáo sư Huỳnh Lứa chủ biên. Tháng 1 năm 2000, Nxb Nông nghiệp Tp. HCM ấn hành cuốn “100 năm cao su ở Việt Nam” của Đặng Văn Vinh. Đây là một công trình nghiên cứu lớn có nội dung phong phú và sâu sắc. Tác giả viết về lịch sử tiềm năng và phát triển cây cao su thiên nhiên ở Việt Nam, về công nhân cao su Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nghiên cứu nguồn tài liệu này, chúng tôi đã cơ bản nắm chắc đặc điểm môi trường địa lý, quá trình hình thành đội ngũ công nhân cao su, những biến động thành phần công nhân, các hoạt động kinh tế, các hoạt động đấu tranh vì lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc.

Tuy nhiên việc nghiên cứu về phong trào đấu tranh của công nhân cao su ở tỉnh Thủ Dầu Một vào thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1975 còn ít, phân tán, chưa có một công trình nghiên cứu nào đi sâu tìm hiểu trên bình diện toàn cảnh về diễn biến các mặt đấu tranh, các đặc điểm và những kinh nghiệm lịch sử của phong trào công nhân cao su Thủ Dầu Một liên tục hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ từ năm 1945 đến năm 1975. Kế thừa những thành quả nghiên cứu khoa học trên, luận án có cơ sở tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống, tổng thể về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của công nhân cao su Thủ Dầu Một thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1975.

0.3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu của luận án là tập trung nghiên cứu về phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ từ năm 1945 đến năm 1975. Các vấn đề nghiên cứu cơ bản là sự ra đời của đội ngũ công nhân cao su đầu tiên ở Thủ Dầu Một, những điều kiện, diễn biến, hình thức đấu tranh, các đặc điểm và những kinh nghiệm lịch sử của phong trào công nhân cao su Thủ Dầu Một giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975.

Phạm vi nghiên cứu của luận án, về thời gian, được giới hạn từ năm 1945 đến năm 1975. Những vấn đề trình bày trong luận án được sắp xếp theo quá trình phát triển lịch sử, thể hiện tính liên tục từ năm 1945 đến năm 1975, với những đặc điểm riêng, điển hình: Công nhân cao su, ngoài việc giải quyết mâu thuẫn giai cấp bằng cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo để xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, họ còn thể hiện vai trò không thể thiếu trong lịch sử đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, do tính kế thừa của lịch sử và nhằm minh định thời gian 30 năm đấu tranh gian nan của công nhân cao su, nên luận án đã mở rộng phân tích một số vấn đề chủ yếu có liên quan về sự hình thành phát triển các đồn điền cao su, sự ra đời của đội ngũ công nhân cao su và phong trào đấu tranh của công nhân cao su trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Về không gian, luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu tại các đồn điền cao su trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một cũ. Vì nhiều lý do, địa giới hành chính tỉnh Thủ Dầu Một đã nhiều lần thay đổi qua các giai đoạn lịch sử. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, trong tập sách “Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ Lục Tỉnh”, Nxb. Tp. Hoà

Chí Minh, 1994: năm 1945, tỉnh Thủ Dầu Một gồm 7 quận (từ năm 1947gọi là huyện): Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Bến Cát, Dầu Tiếng, Hớn Quản, Sông Bé, Bù Đốp; từ năm 1955 đến năm 1975, địa bàn Thủ Dầu Một cũ được tách ra để thành lập các tỉnh mới như Bình Dương, Phước Thành, Bình Long, Phước Long, rồi Bình Dương và Bình Phước. Tuy nhiên, tổ chức các đồn điền cao su thuộc địa bàn mới trên như Phước Hòa, Dầu Tiếng, Thuận Lợi, Lộc Ninh, Quản Lợi…. vẫn không thay đổi. Vì vậy, để thuận tiện, chúng tôi lấy tên Thủ Dầu Một (tên gọi của tỉnh năm 1945) để chỉ toàn bộ phạm vi nói trên.

Hiện nay, theo phân chia địa giới hành chính, theo sự quản lý của ngành cao su, và lãnh đạo các tỉnh quản lý, các công ty cao su thuộc địa phận tỉnh Bình Dương hiện nay có: Công ty cao su Phước Hoà, Công ty cao su Dầu Tiếng, Viện nghiên cứu cao su; tỉnh Bình Phước có: Công ty cao su Phú Riềng, Công ty cao su Đồng Phú, Công ty cao su Lộc Ninh, Công ty cao su Bình Long.

0.4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN TÀI LIỆU

0.4.1. Phương pháp nghiên cứu:

Kế thừa các công trình nghiên cứu từ trước đến nay, dựa trên cơ sở hệ thống phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic để nghiên cứu, đồng thời kết hợp với các phương pháp nghiên cứu liên ngành khác như phương pháp thống kê, tổng hợp, phân tích, so sánh, phỏng vấn nhân chứng và khảo sát thực địa các vùng cao su.

0.4.2. Nguồn tài liệu:

Nguồn tài liệu được khai thác và sử dụng để thực hiện luận án này gồm:

- Các tác phẩm lý luận của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về giai cấp công nhân, về đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng để làm rõ các luận điểm và các vấn đề nghiên cứu trong luận án.

- Các công trình nghiên cứu sử học có liên quan đến đề tài được công bố trên sách, báo, tạp chí… đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, thư viện Khoa học xã hội & Nhân văn Tp. HCM, thư viện Tổng hợp Tp. HCM, Viện nghiên cứu cao su, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, thư viện tỉnh Bình Dương…

- Các bản báo cáo tình hình, tài liệu tổng kết từng năm của Nam Bộ; của Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ; của Khu 7 và Phân liên khu Miền Đông; Ủy ban kháng

chiến hành chánh tỉnh, tỉnh đội Thủ Dầu Một, Thủ Biên. Các tài liệu này được lưu trữ ở phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quân khu 7, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, Bình Phước.

- Các biên bản hội thảo, hồi ký, lời kể của các nhân chứng lịch sử, tài liệu tổng kết chiến tranh lưu tại Ban lịch sử của Bộ chỉ huy quân sự và phòng lịch sử Đảng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương, Bình Phước; tài liệu khảo sát thực địa và phỏng vấn các nhân chứng còn sống ở công ty cao su Phước Hoà, Công ty cao su Dầu Tiếng, Công ty cao su Bình Long…

Ngoài ra chúng tôi còn nghiên cứu, khai thác nguồn tài liệu trong các công trình lịch sử địa phương và các tác phẩm của người Pháp viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.

0.5. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN

Ngoài các phần Mở đầu, Mục lục, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án có các nội dung chính như sau:

* Chương 1: Công nhân cao su Thủ Dầu Một trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ở chương này, chúng tôi giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành vùng đất và con người Thủ Dầu Một; về sự thành lập, phát triển các đồn điền cao su; sự hình thành và thành phần đội ngũ công nhân cao su Thủ Dầu Một; Phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Thủ Dầu Một trước năm 1945.

* Chương 2: Phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một trong kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1945 đến năm 1954.

Nội dung chương này tập trung trình bày các hoạt động kháng chiến chống Pháp của công nhân cao su ở Thủ Dầu Một nói riêng và chiến trường miền Đông Nam Bộ nói chung. Thành tích của họ đạt được trong thời kỳ này là đã cùng nhân dân địa phương xây dựng cuộc sống tự chủ, gìn giữ chính quyền mới. Thời gian làm chủ vườn cây nhà máy không lâu nhưng đó là triển vọng của cuộc kháng chiến. Giai đoạn lịch sử này, công nhân cao su Thủ Dầu Một đã thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò của mình và góp phần xứng đáng trong sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.

Xem tất cả 244 trang.

Ngày đăng: 29/08/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí