Truyền Thống Yêu Nước Và Đấu Tranh Cách Mạng Của Nhân Dân Các Tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ

trọng và là khu vực có thể kết hợp với các chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nguyên để trực tiếp bao vây, uy hiếp Sài Gòn; đây cũng là chiến trường mà ta và địch giành giật quyết liệt trong suốt cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm.

Địa hình vùng duyên hải Nam Trung Bộ hình thành 3 vùng rõ rệt: rừng núi, đồng bằng, đô thị. Như vậy, với các yếu tố thuận lợi về địa lý tự nhiên là đồng bằng ven biển, trung du, rừng núi liên hoàn, hiểm trở đã trở thành chỗ dựa vững chắc, bảo đảm nguồn hậu cần cho cách mạng, tạo điều kiện cho quân và dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ kết hợp tiến công bằng ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có mạng lưới giao thông phát triển rất thuận lợi: Quốc lộ 1 chạy dọc theo chiều dài của các tỉnh; có hệ thống các sân bay (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh…); các cảng biển quan trọng như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang; các tuyến đường ngang (Quốc lộ 19, 21, 25, 27, …), kết nối các cảng biển, Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các cửa sông, vịnh nơi đây đã trở thành những bến bãi lý tưởng đón những con tàu không số đến các bến Hòn Hèo (Khánh Hòa), Vũng Rô (Phú Yên), Lộ Diêu (Bình Định), Sa Huỳnh, Quy Thiện (Quảng Ngãi) cung cấp nhiều vũ khí cho quân và dân Khu V, Khu VI.

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ là địa bàn cư trú của nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau như: Kinh, Cơ-tu, Ra-glai, Ba-na, Ê-đê, Chăm, Mơ-nông, Mạ, Chu-ru, H‟rê,…, trong đó đa số là người Kinh (chiếm khoảng 90% dân số của khu vực). Tính đến tháng 03 – 1963, dân số các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ là 3.241.034 người, trong đó tỉnh Bình Thuận có 234.264 người; tỉnh Ninh Thuận có 134.375 người; tỉnh Khánh Hòa có 221.718 người; tỉnh Phú Yên có 331.092 người; tỉnh Bình Định có 784.766 người; tỉnh Quảng Ngãi có 648.353 người; tỉnh Quảng Tín có 348.724 người; tỉnh Quảng Nam có 573.742 người [16]. Bên cạnh dân tộc Kinh, có dân tộc Chăm sống rải rác ở miền núi các tỉnh Bình Định, Phú Yên (khoảng 25.281 người), nhiều nhất ở xung quanh thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) và phía Bắc tỉnh Bình Thuận (khoảng 101.964 người). Những dân tộc thiểu số khác sống ở phần đồi núi phía Tây của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đồng bào Chăm đa số

làm nông nghiệp trồng lúa nước, đồ gốm và dệt vải sợi bông, sống tập trung trong Palei Cam (làng Chăm). Mỗi Palei là một đơn vị hành chính của làng, gồm: Hội đồng phong tục và Po Palei (Trưởng làng), trong đó Po Palei là người đóng vai trò rất quan trọng trong Palei. Khi quân đội VNCH dùng vũ lực đàn áp dã man, đốt phá hết nhà cửa nhằm dồn đồng bào Chăm về các khu ấp chiến lược, họ không thể chấp nhận được. Vì vậy, trong phong trào chống, phá ACL ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (1961 – 1965) có sự đóng góp rất lớn của đồng bào Chăm tạo nên nguồn cỗ vũ lớn cho phong trào đấu tranh của nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ những năm sau đó.

Là một bộ phận của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh, con người cư ngụ nơi đây có lòng tự hào và tự tôn dân tộc, có ý chí tự lực tự cường và tinh thần yêu quê hương đất nước, không sợ gian khổ, đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, do đó khi Mỹ và chính quyền VNCH đàn áp, đốt phá nhà cửa của nhân dân nhằm thực hiện “quốc sách” ACL đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ và quyết liệt của người dân nơi đây. Khi Đảng bộ các cấp ra lời kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên chống, phá ACL thì họ đã lập tức tham gia đấu tranh rất quyết liệt.

2.1.2. Truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ

Quá trình khai hoang, lập ấp của cư dân vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã hun đúc nên tính cách con người nơi đây kiên cường, bất khuất, có tinh thần thượng võ, không cam chịu áp bức, bóc lột. Từ cuối thế kỉ XVIII, nông dân vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã vùng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo, trong đó phủ Quy Nhơn là cái nôi của phong trào. Nhân dân vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã góp phần trực tiếp lật đổ ách thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, góp phần đập tan mưu đồ can thiệp và xâm lược của quân Xiêm (1785) và quân Thanh (1789), tạo cơ sở cho sự thống nhất và phục hưng đất nước.

Ngày 01 – 09 – 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam. Nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ đã kiên cường đứng lên chống xâm lược. Trước sự chấp nhận đô hộ của nhà Nguyễn, phong trào chống thực dân Pháp liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi, nhất là từ khi vua Hàm

Nghi ban Dụ Cần Vương (13 – 07 – 1885) kêu gọi các văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên chống giặc, cứu nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 215 trang tài liệu này.

Quảng Ngãi là nơi đầu tiên hưởng ứng Dụ Cần Vương với cuộc khởi nghĩa của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân đánh chiếm tỉnh thành Quảng Ngãi vào đêm 13

– 07 – 1885. Từ sau sự kiện này, phong trào hưởng ứng Dụ Cần Vương diễn ra mạnh mẽ tại Nam Trung Kỳ với nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu. Tại Quảng Nam, tháng 09 – 1885, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu… đem quân chiếm sơn phòng Quảng Nam và tỉnh thành La Qua (Điện Bàn). Ở Bình Định, khởi nghĩa do Đào Doãn Địch, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ lãnh đạo đã gây cho địch nhiều tổn thất. Ở Phú Yên, khởi nghĩa của Lê Đình Phương. Ở Khánh Hòa, có khởi nghĩa do Trịnh Phong lãnh đạo. Ở Ninh Thuận, Phan Lành đã tập hợp lực lượng chống Pháp ở Hòn Bà. Ở Bình Thuận, Ung Chiếm tập hợp nhân dân khởi nghĩa chống Pháp ...

Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ 1961 – 1965 - 6

Sang đầu thế kỉ XX, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản từ nước ngoài dội vào Việt Nam làm nảy sinh các phong trào yêu nước kết hợp với duy tân theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Quảng Nam là nơi khởi đầu của phong trào Duy Tân (1903 – 1908), của Duy Tân Hội (1904 – 1912) và phong trào Đông Du (1905 – 1909), là quê hương mở đầu phong trào Chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, là địa bàn hoạt động sôi nổi của cuộc vận động khởi nghĩa năm 1916 do Thái Phiên - Trần Cao Vân lãnh đạo, vua Duy Tân làm minh chủ.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước và cách mạng ở các tỉnh Nam Trung Bộ nhanh chóng chuyển biến theo lập trường vô sản dẫn đến sự thành lập các đảng bộ cộng sản vào đầu năm 1930.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ bước vào thời kì đấu tranh mới - thời kì đấu tranh để giành các mục tiêu dân tộc, dân chủ theo ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1930 đến năm 1945, phát huy truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo của TW Đảng và Đảng bộ các địa phương, phong trào cách mạng của nhân dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, đều khắp, tiêu biểu nhất là ở Quảng Ngãi trong phong trào cách mạng 1930 – 1931 được Thường vụ Trung

ương Đảng lúc bấy giờ đánh giá là mạnh nhất trong phía Nam Trung Kì3.

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, với tinh thần chủ động, sáng tạo và ý chí quyết tâm cao, Đảng bộ các địa phương đã phát động quần chúng kịp thời chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, trong đó Quảng Nam là một trong bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần 2 (1945 – 1954), Liên khu V có vùng tự do gồm 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi có đội ngũ cán bộ, đảng viên đông đảo và phong trào quần chúng phát triển rất mạnh. Nhân dân Quảng Ngãi có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất. Nơi đây từng đặt trụ sở đầu tiên của đại diện Chính phủ miền Nam Trung phần, Đài phát thanh Nam Bộ, Trường Lục quân, Trường Trung học Lê Khiết, Trường Trung học Bình dân Liên khu V đào tạo bồi dưỡng cán bộ… Đặc biệt, trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), Quảng Ngãi đã thực hiện chính sách ruộng đất ở nhiều nơi, đưa khí thế cách mạng của nông dân lên rất cao, quần chúng ngày càng gắn bó chặt chẽ với Đảng, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã đánh thắng mọi âm mưu lấn chiếm, đánh phá của địch, đẩy mạnh phong trào đấu tranh du kích ở vùng sau lưng địch, bảo vệ vững chắc vùng tự do, cung cấp ngày càng nhiều nhu cầu về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, phối hợp nhịp nhàng với các chiến thắng khác, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, buộc thực dân Pháp phải kí Hiệp định Genève (21 – 07 – 1954) công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi là nền tảng để nhân dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cùng với nhân dân miền Nam tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới chống Mỹ và chính quyền VNCH trong suốt 21 năm (1954 – 1975) - cuộc kháng chiến lâu dài nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.


3 Trích Chỉ thị ngày 18 – 01 – 1931 của Thường vụ Trung ương Đảng

2.1.3. Tình hình các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ trước năm 1961

Ngày 21 – 07 – 1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được kí kết. Theo Hiệp định, nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) làm ranh giới quân sự tạm thời, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam do Pháp tạm thời kiểm soát và quy định đến tháng 07 – 1956, tiến hành tổng tuyển cử tự do để thống nhất Việt Nam. Nhân cơ hội này, Mỹ tiến hành loại bỏ ảnh hưởng của Pháp, can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam. Mỹ từng bước dựng lên một chính quyền thân Mỹ nhằm thiết lập chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Ngày 16 – 06 – 1954, Mỹ ép Pháp và Bảo Đại buộc Thủ tướng Bửu Lộc từ chức và đưa Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ lên thay. Ngày 07 – 07 – 1954, chính phủ mới thành lập do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng. Ngày 08 – 08 – 1954, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đưa ra bốn chính sách lớn: (1) Mỹ viện trợ trực tiếp cho chính quyền VNCH, (2) Mỹ trực tiếp chỉ huy và huấn luyện quân đội VNCH, (3) Pháp rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, (4) Loại bỏ Bảo Đại và những ảnh hưởng của Pháp ở miền Nam. Ngày 08 – 09 – 1954, Mỹ lập ra tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia dưới sự bảo trợ của khối này. Ngày 17 – 11 – 1954, tướng J.L Collins đến Sài Gòn đưa ra kế hoạch 6 điểm của chính phủ Mỹ cho Ngô Đình Diệm để xây dựng chính quyền và quân đội VNCH. Tiếp đó, ngày 29 – 12 – 1954, trước sức ép của Mỹ, Pháp buộc phải kí hiệp ước trao trả chính quyền cho Ngô Đình Diệm. Giữa tháng 05 – 1955, đơn vị Pháp cuối cùng rút khỏi miền Nam. Từ đây, Mỹ tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền VNCH (từ năm 1954 đến năm 1960, Mỹ viện trợ cho chính quyền VNCH khoảng 2 tỷ USD). Theo nhà sử học G.C. Herring, tính đến năm 1961, chính quyền VNCH đứng thứ 5 trong các nước nhận viện trợ Mỹ. Một mặt, Mỹ tăng cường viện trợ để nuôi bộ máy chính quyền và quân đội VNCH; mặt khác, Mỹ dùng chiêu bài “độc lập”, “tự do” để che đậy bộ mặt xâm lược của mình nhằm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành tiền đồn chống Cộng sản ở vùng Đông Nam Á.

Đầu năm 1955, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu mở chiến dịch “tố Cộng” cùng với các cuộc hành quân càn quét, tập trung khủng bố dã man những người kháng chiến cũ, những người yêu nước. Bước đầu tiên, quân đội VNCH mở một số chiến dịch thí điểm ở Khu V như Chiến dịch Phan Châu Trinh (02 – 1955) đánh phá các tỉnh Trung Bộ mà Quảng Nam là trọng điểm. Chiến dịch Giải phóng (04 – 1955) đánh vào Quảng Ngãi và Bắc Bình Định. Chiến dịch Trịnh Minh Thế (05 – 1955) đánh ra toàn bộ các tỉnh Khu V.

Từ giữa năm 1955, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm chính thức phát động giai đoạn 1 chiến dịch “tố Cộng” trên toàn miền Nam, trọng điểm là các tỉnh miền Trung. Để đạt mục tiêu trên, Mỹ và chính quyền Diệm tổ chức bộ máy chỉ đạo “tố Cộng” rất chặt chẽ và thống nhất tổ chức từ Trung ương xuống tận cơ sở là các Liên gia. Bên cạnh việc thực hiện chiến dịch “tố Cộng”, Ngô Đình Diệm ban hành đạo dụ số 2 (08 – 01 – 1955) và chỉ dụ số 7 (05 – 02 – 1955) về “cải cách điền địa”; tiếp theo là đạo dụ số 57 (22 – 10 – 1956), với khẩu hiệu “hữu sản hóa nông dân”, “thẳng tiến cần lao, đồng tiến xã hội”, bảo vệ và duy trì đặc quyền, đặc lợi cho giai cấp địa chủ. Chính quyền Ngô Đình Diệm còn lập ra hàng loạt các căn cứ quân sự ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nhằm khống chế quần chúng và tiêu diệt lực lượng cách mạng.

Ngày 04 – 03 – 1956, Ngô Đình Diệm tổ chức bầu cử để chọn ra Quốc hội lập hiến gồm 123 dân biểu, đứng đầu là Nguyễn Phương Thiệp nhằm hợp thức hóa chính quyền và chính thức lên làm Tổng thống. Ngày 26 – 10 – 1956, Ngô Đình Diệm chính thức công bố Hiến pháp mới của VNCH, lập ra nền “Cộng hòa đệ nhất”. Ngoài ra, chính quyền VNCH còn xây dựng các tổ chức, đoàn thể chính trị phản động như “Đảng Cần lao Nhân vị”, “Phong trào Cách mạng Quốc gia”, “Tập đoàn Công dân vụ”, “Thanh niên Cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới”, “Ủy ban tố cộng” do Đảng Cần lao Nhân vị nắm giữ, chi phối.

Tháng 06 – 1956, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm phát động đợt 2 chiến dịch “tố Cộng” trên toàn miền Nam nhằm “truy tróc cho hết Cộng sản”, mở đầu là ở Quảng Nam - Đà Nẵng làm cho Đảng bộ Liên Khu V và tổ chức Đảng ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ bị tổn thất nặng nề. Từ những năm 1957 – 1959, để tăng

cường đàn áp, khủng bố các cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam, Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật đặt Cộng sản ngoài vòng pháp luật (05 – 1957), ra Luật 10/59 hà khắc, gây bao đau thương tang tóc cho đồng bào miền Nam.

Trước các chính sách phản dân tộc và dân chủ của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhân dân Nam Trung Bộ đứng lên đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève 1954, đòi thống nhất đất nước, chống chính sách “tố Cộng”, đòi các quyền dân sinh dân chủ, bảo vệ lực lượng cách mạng. Để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên chiến trường Nam Trung Bộ, các cấp ủy Đảng đã khôi phục và phát triển hệ thống tổ chức, phát triển cơ sở quần chúng, xây dựng nhiều khu căn cứ địa để làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng. Đó là các căn cứ K20, Khu Sông Đà (Đà Nẵng), Nước Oa, Nước Là, Phước Trà, Tiên Sơn,…(Quảng Nam), căn cứ Trà Bồng, Sơn Hà…(Quảng Ngãi), căn cứ Núi Bà, Hòn Chè (Bình Định), căn cứ Thồ Lồ, Vân Hòa, Hòa Kiến (Phú Yên), căn cứ Đá Bàn (Khánh Hòa), căn cứ Bác Ái (Ninh Thuận), căn cứ Saloun (Bình Thuận)…Những căn cứ này đã hợp thành một hệ thống căn cứ địa ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là trung tâm chỉ đạo cách mạng của các Khu ủy, Tỉnh ủy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy khó khăn, gian khổ. Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời, nhạy bén, sáng tạo của các Khu ủy, Tỉnh ủy các địa phương nên phong trào chống Mỹ và chính quyền VNCH có tính chất bạo lực cách mạng ở miền núi các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ diễn ra quyết liệt và sớm so với các vùng trên toàn miền Nam.

Từ tháng 02 – 1959, theo Nghị quyết 15 của BCH TW Đảng, đã có hàng loạt các cuộc đấu tranh mang tính bạo lực của quần chúng nổ ra ở các địa phương tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Ở Bình Định, từ ngày 06 – 02 đến tháng 06 – 1959, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, nhân dân huyện Vĩnh Thạnh: từ nổi dậy chống dồn dân tiến lên phát động phong trào du kích cục bộ, kết hợp với đấu tranh chính trị để giành và giữ quyền làm chủ núi rừng. Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên của Khu V và toàn miền Nam. Ở Ninh Thuận, từ ngày 07 – 02 đến tháng 04 – 1959, Huyện ủy Bác Ái lãnh đạo nhân dân phá banh khu tập trung Bà Râu và Tầm Ngân, tạo ra ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng trong tỉnh và các huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa. Ở Quảng Ngãi, tháng 08 – 1959, cuộc khởi nghĩa Trà

Bồng và miền Tây Quảng Ngãi bùng nổ và nhanh chóng giành thắng lợi. Chính quyền cách mạng ở các xã được thành lập. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng lan nhanh đến các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long đã giải phóng toàn bộ vùng đất bị địch lấn chiếm. Hơn 40 xã ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi được giải phóng đã tạo nên thế đứng vững chắc cho cách mạng trên địa bàn rừng núi, biến nơi đây thành bàn đạp để tiến công xuống vùng đồng bằng duyên hải. Từ các cuộc nổi dậy của nhân dân Vĩnh Thạnh, Bác Ái, Trà Bồng, phong trào đã nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam thành cao trào cách mạng, tiêu biểu là các cuộc “Đồng khởi” ở Bến Tre, Tây Ninh.

Trong những năm 1959 – 1960, phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ phát triển mạnh mẽ và giành nhiều thắng lợi, tiêu biểu như cuộc tấn công vào Chi khu quận lỵ Hiệp Đức (Quảng Nam), tấn công đồn Tà Lú, Ma Ty (Ninh Thuận), cuộc tập kích trụ sở chính quyền địch xã Hoài Tân (Bình Định).

Tính đến cuối năm 1960, các đồn địch đóng trên vùng cao miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng đều bị tiêu diệt [6], 52 xã ở miền Tây Quảng Ngãi được giải phóng [7]. Tại Bình Định, hầu hết huyện Vĩnh Thạnh, vùng cao huyện An Lão và 3 xã vùng cao huyện Vân Canh được giải phóng [2]. Ở Ninh Thuận, đồng bào các dân tộc miền núi đã tự đứng dậy phá bỏ các khu tập trung ở huyện Bác Ái, Anh Dũng [5]. Cuộc “Đồng khởi” ở Nam Trung Bộ diễn ra sôi nổi và giành được nhiều thắng lợi quan trọng đã đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” những năm 1959 – 1960 đã gợi mở cho quân và dân các tỉnh Nam Trung Bộ nhiều vấn đề quan trọng và bổ ích: Đối với địch, phải nhận thức rõ bản chất tàn bạo của Mỹ - chính quyền VNCH, nhất là kịp thời phát hiện những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù. Với nhân dân, phải luôn dựa và tin vào quần chúng, nhất là đánh giá đúng khả năng cách mạng của dân; quan trọng nhất là phải thật sự bám dân và kiên trì tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Đây là yếu tố quan trọng để TW Đảng, TW Cục miền Nam và Đảng bộ các địa phương kịp thời đề ra những chủ trương, kế hoạch đối phó hiệu quả với “quốc

Xem tất cả 215 trang.

Ngày đăng: 11/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí