Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 15


trưởng, phó lý…cho đến trương tuần. Đói rách , ê chề cũng chính vì cái xã hội đó.

Với ý thức trách nhiệm về ngòi bút của mình Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố đã tập trung nêu bật lên những góc khuất, những vấn đề thời sự bức xúc của xã hội, truy tìm nguyên nhân và tích cực hơn đề xuất các giải pháp, gợi ra cách cải tạo xã hội. Tất nhiên là cải tạo xã hội theo quan niệm của các nhà văn lúc đó, không phải theo hướng cách mạng thay đổi toàn thể chế độ xã hội. Cho nên, chúng ta dễ hiểu, cụ Thượng làng Lão Việt của Ngô Tất Tố, trước khi chết ao ước phái trí thức để ý đến dân quê, “khai hóa cho dân quê”. Cụ mong rằng sau khi cụ nhắm mắt : “ông (nhà văn – Ph.M.) sẽ đem những tội ác của nó (những hủ tục, việc làng – Ph.M.) mà phơi ra bóng mặt trời” [25; 216]. Và nhà văn đáp lại: “Cho được an ủi vong hồn cụ, tôi phải minh oan cho cụ và cho những người như cụ bằng thiên phóng sự này”. Lời cầu khẩn của cụ Thượng cũng chỉ là ảo tưởng. Và sự hưởng ứng của nhà văn cũng chỉ là “phóng sự” mà thôi. Ở các nước khác, như nhà văn Vũ Ngọc Phan đã viết: “Người ta thường căn cứ vào những thiên phóng sự có giá trị để định lại pháp luật, sửa đổi hình phạt, cải tạo xã hội…Không có lối văn nào thiết thực bằng văn phóng sự và không có lối văn nào giúp ích cho việc cải cách cho nhà đương chức, nhà pháp luật và nhà xã hội học bằng các thiên phóng sự [139; 505]. Ở Việt Nam thuộc địa trước đây, không thể mong có được những điều ấy ở chính quyền thực dân phong kiến.

Tam Lang chủ trương “cách mạng xã hội bằng cái thiện chứ không gây tranh đấu giai cấp”. Theo ông người viết văn viết báo đều “ôm ấp một hoài bão, một lý tưởng: cải tạo xã hội với một cuộc cách mạng bằng giấy bút, đả phá mọi áp bức bất công” [142; 88]. Trong Tôi kéo xe, Tam Lang cải tạo xã hội bằng đề nghị dùng xe ba bánh người đạp người (như xe xích lô hiện nay) thay cho xe kéo (ngựa - người). Xe kéo làm nhục quốc thể nên bỏ đi thay bằng


xe người đạp người. “Coi nó lịch sự mà có vẻ nhân đạo hơn vì người đạp cũng được ngồi, không phải co hai chân, cắm cổ cắm đầu mà chạy” [16; 100].

Vũ Trọng Phụng đề xuất giải pháp loại trừ dần nạn mại dâm bằng cách hưởng ứng dự án Sellier, đại khái như: “Đóng cửa các nhà thanh lâu hoặc bất cứ những nơi nào gây ra truỵ lạc, bài trừ bọn người sống về nghề hoa nguyệt (chủ săm, mụ giầu, ma cô, bồi dắt gái…), chăm nom những xưởng kỹ nghệ dùng nhân công đàn bà, con gái, truy nã bọn buôn người xuất dương…Không có những phúc đường dành riêng cho bọn kỹ nữ nữa…Còn đối với nạn hoa liễu, thì cách chiến đấu là: Giáo dục về nam nữ (education sexuelle) bằng trường học, phim ảnh, diễn đàn, truyền đơn, yết thị…Trừng trị rất nặng những kẻ, bất kể đàn ông hay đàn bà, đổ bệnh hoa liễu cho người khác…[9; 170-171]. Nhưng theo nhà văn, thực hành được cũng không phải là dễ như bác sĩ Joyeux đã nêu hai lý do: - Trình độ dân chúng thấp kém - Sự tổ chức về mặt cai trị, tư pháp, cảnh sát và vệ sinh (tức y tế) chưa đủ dùng. Vậy thì đó là công việc của tương lai. “Đến ngày ấy, trong xã hội Việt Nam sẽ có nhiều sự thay đổi, nhiều cuộc “cách mệnh”, nhiều vụ “loạn lạc”. Người ta sẽ bỏ nhà lục xì, giải tán ngạch đội con gái (tức cảnh sát theo dõi gái điếm; chữ Pháp: Police de Moeurs = cảnh sát phong tục), đóng cửa những nhà săm. Tòa án trừng trị bỏ tù những gái ăn sương, bọn ma cô, những người đổ bệnh hoa liễu cho kẻ khác.

Người ta sẽ dạy bảo những điều cần biết về nam nữ giao hợp ở các trường sơ học cho lũ trẻ con đương tuổi dậy thì!” [9; 173-194]. Cuối cùng nhà văn kêu gọi: “Nhưng mà muốn đến được cái chặng đường ấy thì xin những ai có tư tưởng xã hội, có bụng thương đời, trong máu còn đủ nhiệt độ để mà bất bình về những mối bất công, nên sốt sắng lên một chút. Những nhà viết báo, những ông dân biểu - nếu thật lòng muốn giải phóng cho phụ nữ nước nhà thoát khỏi chế độ mại dâm nô lệ, nên sửa soạn kêu đòi cho được cái luật Sellier, một cách cũng sốt sắng như các ngài vẫn kêu đòi tự do.

Vì rằng nếu không một ai nhúc nhích chút nào, thì các nhà cầm quyền ở đây cũng chẳng phải hấp tấp mà làm gì” [9; 175]. Không chỉ nhạy cảm, sắc sảo trong việc tiếp cận, lựa chọn vấn đề, sự việc, các cây bút Tam Lang,


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.

Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố đều rất ráo riết trong việc khám phá phản ánh bản chất của sự việc. Các nhà văn thường từ các hiện tượng lần trở lại nguyên nhân, lý giải hiện tượng và ở một số trường hợp đã đề xuất giải pháp. Viết Đêm sông Hương, Tôi kéo xe, Tam Lang không chỉ dừng lại ở việc phản ánh, tố cáo hiện thực mà đã đi sâu lý giải bản chất xã hội của những cái nghề nhọc nhằn, cực nhục đó. Ngô Tất Tố qua Tập án cái đình, Việc làng cũng đẩy đến tận cùng, vạch rõ thủ phạm gây ra hủ tục và lý giải nguyên nhân tồn tại những hủ tục man rợ ấy. Vũ Trọng Phụng cho thấy nguyên nhân dẫn người nông dân đến tình cảnh phải “bật” khỏi làng quê, bản quán, chạy ra chốn kinh thành để bị đẩy vào vòng bần cùng hóa mới “chết thêm một lần thứ hai nữa” và bị tha hóa biến chất đến tồi tệ, khiến người ta phải “hãi hùng kinh ngạc về loài người”. Ở Lục xì, Kỹ nghệ lấy Tây, ông không chỉ chú tâm phản ánh hiện tượng “mọc” lên một cái nghề mới kỳ quặc mà khẳng định đó là cả một “kỹ nghệ” có tổ chức, có cạnh tranh, mánh lới, có đào tạo, học nghề, thất nghiệp - sản phẩm của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam. Sâu xa hơn, Vũ Trọng Phụng còn lý giải bản chất “sức sống” của cái nghề tuy là “hại” nhưng lại “là một nạn bất hủ”, một “sự hại cần thiết”, cần cho sự duy trì xã hội.

Không dửng dưng vô cảm, hời hợt, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Ngô Tất Tố đã viết bằng cả tấm lòng nhập cuộc và ý thức trách nhiệm của người cầm bút. Chính nhờ thế, phóng sự của các ông có ý nghĩa xã hội, giá trị nhân văn sâu sắc.

Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 15

Tiểu kết chương 2

Trên cơ sở khảo sát sâu kỹ toàn bộ phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang, đặt trong nền chung của phóng sự và văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, rộng hơn, trong bối cảnh xã hội Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX, chương 2 của luận án tập trung phân tích làm sáng tỏ những nội dung thẩm mỹ cơ bản trong di sản phóng sự của ba cây bút tiêu biểu này.

Cầm bút trong một xã hội “khốn nạn”, “ối a bông phèng”, cả ba cây bút “tả chân tuyệt xảo” này đã phát huy tối đa ưu thế của thể phóng sự,


phanh phui, mổ xẻ đến cùng những “ung nhọt” xấu xa nhơ nhớp của xã hội với đủ các tệ nạn: Nạn mại dâm, nạn lừa đảo bịp bợm, nạn cờ bạc, nghiện hút và bao trùm là nạn quan tham bóc lột tàn tệ, nạo vét đến xương tủy của người dân. Những tệ nạn khủng khiếp ấy, tất dẫn đến những hậu quả tồi tệ: sự bần cùng hóa, tha hóa thê thảm của con người và tình trạng suy đồi xuống cấp trầm trọng về đạo đức, phong hóa.

Các phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang có tính chân thực cao: chi tiết sự việc, sự kiện, con người được khai thác triệt để, đào sâu đến tận cùng sự thật. Các tác giả đồng thời là nhân chứng (hoặc thông qua những nhân chứng tin cậy) mắt thấy tai nghe, ghi lại, có khi phỏng vấn, gợi câu hỏi, dẫn dắt câu chuyện, làm cho câu chuyện hấp dẫn sinh động và bộc lộ ý nghĩa sâu xa của nó, đồng thời cũng làm hiện lên chân dung tính cách nhân vật.

Từ thực trạng xã hội ấy, từ tấm lòng, thái độ, trách nhiệm của người cầm bút, các nhà văn phanh phui cái xấu, tố cáo tội ác bọn người có quyền, có tiền, thông cảm với những nạn nhân xã hội, truy tìm nguyên nhân, đề xuất cách giải quyết: Đói khổ nghèo nàn lạc hậu, nhưng nguyên nhân chính là do xã hội, xã hội bần cùng hóa, tha hóa con người. Bước đầu các nhà văn đề xuất giải pháp cải tạo xã hội theo quan điểm của họ lúc đó, tuy ít nhiều còn mang tính chất cải lương: muốn cải tạo xã hội bằng việc thiện, bằng giấy bút chứ “không gây ra đấu tranh giai cấp”, nhưng điều đó cũng thể hiện bản lĩnh, tâm huyết của các nhà văn. Những thành tựu và ý nghĩa xã hội - chính trị sâu xa của phóng sự Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang là hệ quả tất yếu từ quan niệm nghệ thuật tiến bộ của cả ba cây bút.


CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM CỦA PHÓNG SỰ

TAM LANG, VŨ TRỌNG PHỤNG, NGÔ TẤT TỐ


Nằm chung trong phóng sự Việt Nam 1930 - 1945, do vậy, về mặt nội dung cũng như những đặc sắc nghệ thuật của phóng sự Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Ngô Tất Tố sẽ có chung một mẫu số. Mẫu số chung ấy đã được khảo sát ở mặt này, mặt khác, khi lẻ tẻ, lúc khái quát trên những nét lớn.

Đi sâu vào phóng sự Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang, từ góc độ thể loại, chúng tôi thấy, phóng sự của ba tác giả này có những nét nổi trội, độc đáo ở một số phương diện:

3.1. Cái tôi - chủ thể sáng tạo:

Theo chúng tôi, phóng sự với tư cách là một thể loại phải hội tụ một số yếu tố: sự kiện cụ thể, sự kiện hiện tại đang diễn ra không thuộc về quá khứ hay tương lai, sự kiện phải gắn với con người, xã hội hiện tại. Và như vậy tính thời sự, tính chân thực và ý nghĩa xã hội sẽ làm nên giá trị của phóng sự. Điều này cho phép chúng tôi tạm thời không đưa vào diện khảo sát ở đây những tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết phóng sự như Lều chõng của Ngô Tất Tố, Giọt lệ sông Hương của Tam Lang, Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng. Lều chõng là tiểu thuyết về sự giáo dục và khoa cử thời phong kiến triều Nguyễn, làm sống lại không khí xã hội Việt Nam thời xưa trong những kỳ thi cử. Bằng một ngòi bút tài hoa, sắc sảo, Ngô Tất Tố đã dựng lại những cảnh những người, đặc biệt là khắc họa đậm nét tâm lý nhân vật chính. Đào Vân Hạc tiêu biểu cho tầng lớp nho sĩ, ít nhiều giữ được chút “thiên lương trong sáng”. Còn cái chế độ giáo dục và cách tổ chức thi cử lỗi thời, thối nát thì cũng đã qua rồi. Giọt lệ sông Hương (Minh Châu lệ sử) là quyển tiểu thuyết được xuất bản khá sớm (1930). Đây thực sự là một tiểu thuyết. Một câu chuyện tình bi thảm, văn chương còn nhiều câu nhịp nhàng,


biền ngẫu. Nhân vật chính xưng “em”, tức Minh Châu, tự viết về mình. Cũng như một số nhà văn hiện thực khác viết tiểu thuyết, như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tam Lang…Vũ Trọng Phụng xây dựng tiểu thuyết bằng những kết cấu chặt chẽ, chia phần, chia chương, chia đoạn, nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm. Và cái chính là trong những tác phẩm ấy đậm đặc chất phóng sự. Đúng như nhận xét của các tác giả Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (Tập III): “Có thể nói các cuốn tiểu thuyết hiện thực của ta đều thoát thai từ lối văn phóng sự. Có những nhà văn như Vũ Trọng Phụng chuyển từ phóng sự sang tiểu thuyết; nhiều cuốn tiểu thuyết của ông chỉ là những thiên phóng sự được tiểu thuyết hóa. Ngô Tất Tố, tác giả Tắt đèn đồng thời cũng là tác giả “thiên phóng sự được tiểu thuyết hóa: Việc làng. Và Nguyên Hồng tuy chưa viết phóng sự bao giờ, nhưng cuốn Bỉ vỏ, tác phẩm đầu tay của ông, cũng bao hàm rất nhiều tính chất phóng sự” [135; 322]. Vậy nên tách phóng sự và tiểu thuyết phóng sự sẽ có điều kiện làm rõ hơn đặc điểm phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang. Và cái “tôi” được chú ý ở đây là cái “tôi” chủ thể sáng tạo, cái “tôi” nhà văn, nhà báo, không phải cái “tôi” nhập vai, cái “tôi” nghệ thuật hóa.

3.1.1. Cái tôi bản lĩnh, giàu tâm huyết:

Nhạy cảm, sắc sảo dám nói sự thật - Cái sự thật đang được xã hội quan tâm phải được phóng sự phản ánh kịp thời trong tinh thần chính xác, xác thực và trách nhiệm. Cái “tôi” - ngôi thứ nhất nhập cuộc sống, xem xét bản chất vấn đề, nêu lên và đặt giải pháp. Bởi thế người viết phóng sự cần có bản lĩnh và tâm huyết. Tam Lang kể lại trong một bài tự thuật: “Bắt chước Marise Choisy khoác bộ áo đĩ điếm thay y phục nhà văn, tôi lén nhà mang nón áo phu xe, cầm hai càng xe, đưa chiếc xe từ nhà cai xe ra đường, chạy thử kéo khách một chuyến về đêm để cảm giác được nỗi cực khổ nhọc nhằn của kiếp ngựa người, những người phu xe chuyên nghiệp. Đi sâu vào đời


sống của những “người ngựa” này tôi đã lân la sống chung với một phu xe nhà nghề để biết rõ bí mật của nghề, ghi lại, viết thành bài…Đến thiên phóng sự Đêm sông Hương, tôi đã cất công vào Huế lần đầu tiên với dụng ý tìm biết cuộc sống của những gái ăn sương cùng nỗi khổ cực nhọc nhằn của những cô gái Huế nghèo làm nghề bị xã hội coi khinh” [142; 68-69]. Ngô Tất Tố sống ở nông thôn nên mới viết được Việc làng, từng mở hiệu thuốc Thọ y dân quán và viết sách thuốc cho Nhật Nam thư quán ở Hà Nội nên mới viết được Dao cầu thuyền tán. Vũ Trọng Phụng tự đóng vai đứa ở để dẫn chuyện, thuật chuyện về thực trạng đời sống của lớp người dưới đáy xã hội cũ - thế giới của “cơm thầy cơm cô”. Thực ra những cây bút phóng sự khác muốn điều tra, phỏng vấn, tìm hiểu sự việc đều phải nhập cuộc, phải “đi thực tế” bằng cách này cách khác, có khi trực tiếp, có khi gián tiếp. Thạch Lam, trong Hà Nội ban đêm (phóng sự về nạn mãi dâm ở Hà Nội) cũng công nhận mình được mời đi hát bên Gia Lâm. “Tôi thuật lại dưới đây một buổi đi hát mà không bao giờ tôi quên được vì cái buổi hát ấy làm cho tôi hiểu rõ những sự khổ sở của chị em cô đào” [26; 703].

Các phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang tập trung vào những vấn đề bức xúc trong sinh hoạt xã hội: đời sống ở đô thị (Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Lục xì, Đêm sông Hương, Tôi kéo xe…); những tệ nạn, hủ tục thối nát ở thôn quê (Việc làng, Tập án cái đình, Một huyện ăn Tết…); những quan tham, những bọn người…ngợm (Lọng cụt cán, Người…ngợm). Bấy nhiêu vấn đề được phát hiện kịp thời, phanh phui, cảnh báo, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đòi hỏi người viết phóng sự phải có tâm huyết, trách nhiệm bám sát cuộc sống mới nắm bắt được các sự kiện, các chi tiết xác thực cụ thể. Đồng thời cũng phải có bản lĩnh, thậm chí có khi phải dũng cảm để nói lên được những sự thật, không phù hợp, không có lợi cho chính quyền hoặc những kẻ có quyền, có tiền của “thế lực đen”


trong xã hội. Trong Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng đã kể về những ngày làm báo Công dân có xu hướng đả kích quan trường, chống đối Chính phủ bảo hộ với Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang. Ông nêu lên một sự việc “Tôi còn nhớ có một ông tri huyện họ Phạm làm tiền dân không được, nhốt người ta vào nhà lao, đánh cho đến chết. Thư tố cáo gửi về nhà báo rồn rập, chính gia đình nạn nhân lại ký giấy nhận chồng, cha họ bị đánh đến chết và cam đoan chịu trách nhiệm nếu khai sai sự thật. Nhà báo, với mọi sự dè dặt, chụp hình bức thư của gia đình nạn nhân lên và đặt vấn đề với các nhà hữu trách một cách nhẹ nhàng, vậy mà số báo đăng tin ấy vừa ra, viên chánh mật thám làm như trời sập, cho một lũ a dăng đến nhà báo mời cả chủ nhiệm lẫn chủ bút đến để “trả lời” về một việc mà chi tiết sẽ được gợi ra sau.

Vô lý nhất là vừa đề cập đến vụ cố sát của viên tri huyện họ Phạm, viên cò mật thám đập bàn đập ghế và tỏ ra tức bực, như chính y bị nhà báo đả. Hơn thế lại còn bắt phải đình chỉ ngay loạt bài này và viết mấy câu xin lỗi viên tri huyện” [37; 103]. Chính tập phóng sự Lọng cụt cán của Tam Lang đụng đến các quan Nam triều nên đã bị cấm lưu hành, tàng trữ bởi Đạo dụ của triều đình Huế. Như thế đủ biết, người viết phóng sự chỉ nhiệt tình, tâm huyết thôi, không đủ mà còn phải có bản lĩnh đến những nơi cần đến, can đảm nói lên sự thật, phơi bày mặt trái của xã hội bẩn thỉu, nhơ nhớp.

Mở đầu Kỹ nghệ lấy Tây, Vũ Trọng Phụng kể lại việc ngày mới đến Thị Cầu lấy tài liệu, ông đã bị bọn lính lê dương nghi ngờ “ăn trộm ái tình”, nạt nộ: “Tôi xin báo trước anh rằng nếu tôi bắt được quả tang anh làm một chuyện bất lịch sự gì thì mặc lòng là thiệt hại cho tôi hoặc chỉ thiệt hại cho ông bạn đồng ngũ của tôi ở đây, tôi cũng sẵn lòng “hầu hạ” anh ngay”. Và khi thiên phóng sự này được in nhiều kỳ trên báo đã có những lá thư, trong đó có cả của người Pháp gửi tới tòa soạn khuyên ngăn, “báo trước cho nhà báo những sự kiện cáo mà nhà báo sẽ trải qua, nếu cứ tiếp tục đăng thiên

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/12/2022