Những Vấn Đề Chung Về Pháp Luật Bảo Vệ Tài Nguyên Du Lịch

Trong số các tài nguyên du lịch nhân văn thì các di sản văn hóa có vị trí đặc biệt. Các di sản văn hóa được chia thành di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Còn danh lam thắng cảnh là những nơi có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và thường có những giá trị do con người sáng tạo ra gắn liền với phong cảnh thiên nhiên.

Ngoài các di tích, danh lam thắng cảnh trên thì các công trình kiến trúc nghệ thuật, thư viện, bảo tàng, nhà lưu niệm, rạp hát, công viên, các món ăn truyền thống, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng là những tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch.

- Tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể

Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định:

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu truyền khác bao gồm chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn, truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, lễ hội, bí quyết về thủ công truyền thống, tri thức về y dược cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác [11, Điều 4, Khoản 1].

Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa tập thể của nhân dân diễn ra vào thời điểm cố định trong năm nhằm để kỉ niệm một sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa hay tôn giáo của cộng đồng. Lễ hội có hai phần: phần lễ và phần hội. Ở phần nghi lễ với những nghi thức trang trọng nhằm bày tỏ sự tôn kính với các bậc thánh hiền và thần linh, cầu mong bình an, mưa thuận gió hòa,… Còn phần hội thường diễn ra những hoạt động biểu tượng điển hình của tâm lý cộng đồng văn hóa dân tộc.

Nghề thủ công truyền thống với những sản phẩm độc đáo mang giá trị nghệ thuật, thể hiện sự khéo léo của người lao động, tâm tư tình cảm của họ.

Nghề thủ công truyền thống luôn được bảo tồn, phát huy từ đời này sang đời khác của các gia đình, các làng, các địa phương. Hiện nay du lịch phát triển ở các làng nghề đang ngày một tân tiến, đa dạng.

Các tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể khác như phong tục tập quán, nghệ thuật hát múa, diễn xướng dân gian, trang phục truyền thống dân tộc,… tạo sức hút đối với khách du lịch đều được coi là nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển du lịch. Phát triển các nguồn tài nguyên du lịch quý giá trên tạo điều kiện cho ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung ngày một đi lên hơn nữa.

1.1.2. Sự cần thiết phải bảo vệ tài nguyên du lịch

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.

Từ những phân tích trên cho thấy tài nguyên du lịch có giá trị quan trọng và rất cần thiết cho sự phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Để phát huy ở mức cao nhất các tác dụng của tài nguyên du lịch thì việc bảo vệ nguồn tài nguyên này vừa là đòi hỏi mang tính khách quan vừa là yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch.

Theo cách hiểu phổ thông thì bảo vệ tài nguyên du lịch là việc chống lại mọi sự hủy hoại, xâm phạm đến các loại tài nguyên du lịch để giữ cho tài nguyên du lịch được nguyên vẹn đúng như giá trị của nó. Còn từ phương diện quản lý thì bảo vệ tài nguyên du lịch là việc xác định một cách có căn cứ các nguồn tài nguyên du lịch cần bảo vệ; xác định trách nhiệm của Nhà nước; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả sử dụng và bảo đảm phát triển du lịch bền vững. Nói cách khác, bảo vệ tài nguyên du lịch là việc áp dụng đồng bộ các giải pháp về tổ chức, kinh tế, kỹ thuật, pháp lý nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy có hiệu quả cao nhất giá trị của các tài nguyên du lịch. Bảo vệ tài nguyên du lịch là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức và cá nhân.

Pháp luật về bảo vệ tài nguyên du lịch ở Việt Nam - 3

Sở dĩ tài nguyên du lịch cần phải được bảo vệ là vì những lý do sau:

Thứ nhất, bảo vệ tài nguyên du lịch có ý nghĩa quyết định đối với phát triển du lịch.

Tài nguyên du lịch là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của du lịch. Tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để hình thành các sản phẩm du lịch. Sự phong phú và đa dạng của tài nguyên du lịch đã tạo nên sự phong phú và đa dạng của sản phẩm du lịch. Tài nguyên du lịch càng độc đáo, đặc sắc thì giá trị của sản phẩm du lịch và độ hấp dẫn khách du lịch càng tăng.

Tài nguyên du lịch là cơ sở quan trọng để duy trì và phát triển các loại hình du lịch. Trong quá trình phát triển du lịch, để không ngừng đáp ứng các yêu cầu và thỏa mãn các mục đích của du khách, các loại hình du lịch mới cũng không ngừng xuất hiện và phát triển. Các loại hình du lịch ra đời đều phải dựa trên cơ sở của tài nguyên du lịch. Sự xuất hiện của các loại hình du lịch đã làm cho các yếu tố điều kiện tự nhiên, xã hội trở thành tài nguyên du lịch.

Tài nguyên du lịch là một bộ phận cấu thành quan trọng tổ chức lãnh thổ du lịch. Hệ thống lãnh thổ du lịch thể hiện mối quan hệ về mặt không gian của các yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau cấu tạo nên nó. Các yếu tố đó là khách du lịch, tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đội ngũ cán bộ công nhân viên, tổ chức điều hành và quản lý du lịch.

Tài nguyên du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lãnh thổ du lịch, cũng là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch, tạo điều kiện để có thể khai thác một cách hiệu quả nhất các tiềm năng của nó. Tổ chức lãnh thổ du lịch hợp lý sẽ góp phần tạo nên hiệu quả cao trong việc khai thác các tài nguyên du lịch nói riêng cũng như trong mọi hoạt động du lịch nói chung.

Thứ hai, bảo vệ tài nguyên du lịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình lưu giữ các di tích lịch sử và giá trị bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.

Di tích lịch sử văn hoá là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá

lâu đời của dân tộc, là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hoá, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng, vĩ đại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hoá nhân loại.Với những giá trị như trên, các di tích lịch sử văn hoá là bộ phận đặc biệt trong cơ cấu "tài nguyên du lịch". Các di tích đó, cả về mặt nội dung lẫn hình thức, đều có khả năng tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ. Việc bảo tồn, lưu giữ tài nguyên du lịch góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền khác nhau.

Thứ ba, giữa tài nguyên du lịch với sự phát triển kinh tế - xã hội quốc gia có mối quan hệ tương hỗ.

Phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích cho mỗi quốc gia. Nếu có một nguồn tài nguyên du lịch phong phú có thể giúp quốc gia đó phát triển các loại hình du lịch đa dạng, mạng lại nguồn thu nhập cao, qua đó tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển. Hơn thế nữa, du lịch không những tạo ra của cải và việc làm cho nội bộ ngành Du lịch mà còn cho cả những ngành khác nữa. Vào thời điểm nhiều ngành kinh tế phải đối mặt với những khó khăn về tiêu dùng trong nước thì du lịch không những trực tiếp mang lại doanh thu từ xuất khẩu, mà còn gián tiếp tác động đáng kể thông qua chuỗi giá trị to lớn của ngành.

Mặt khác, du lịch còn giúp giảm nghèo và hỗ trợ phát triển. Du lịch chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển và chính các quốc gia này với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú sẽ được hưởng lợi từ phát triển du lịch. Du lịch ngày càng trở thành một công cụ hiệu quả hỗ trợ phát triển. Có thể nói, du lịch đóng góp quan trọng và phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Một báo cáo của ông Taleb Rifai, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới diễn ra vào ngày 23 tháng 01 năm 2013 tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha đã xác định du lịch là 1 trong 10 ngành góp phần quan trọng vào

“xanh hóa” nền kinh tế toàn cầu. Nếu được đầu tư thích đáng, du lịch có thể là nhân tố then chốt dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng xanh hóa thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm nguy cơ suy thoái môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường cho khách du lịch [33].

Mặt khác, một nền kinh tế - xã hội phát triển thì việc đầu tư cho cơ sở vật chất, kĩ thuật hiện đại cho việc bảo tồn, trùng tu, bảo vệ các nguồn tài nguyên du lịch sẽ có hiệu quả cao hơn. Việc quảng bá hình ảnh du lịch của đất nước cũng sẽ được lan truyền rộng rãi hơn, chuyên nghiệp hơn nữa.

Thứ tư, ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch của đất nước.

Nước ta có một nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nếu con người không biết bảo vệ, giữ gìn nó thì tài nguyên du lịch sẽ ngày bị mai một dần, sẽ mất đi bản sắc riêng của mỗi vùng miền. Đại đa số người dân đều đã có ý thức giữ gìn và phát triển tài nguyên du lịch như tôn tạo di tích đình chùa, giữ gìn nét truyền thống của làng nghề,… Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn các tài nguyên du lịch sẵn có như: một số kẻ xấu đã ăn cắp cổ vật tại các di tích và tiến hành thu gom nhiều vật quý trong cộng đồng để móc nối, buôn bán với các du khách nước ngoài. Ví dụ: ba pho tượng Phật bằng đồng của chùa Chân Tiên trên phố Bà Triệu, thành phố Hà Nội đã bị kẻ gian đột nhập lấy mất [26], hay việc sử dụng sự chủ quan của khách du lịch để móc túi, trộm cắp đồ, lèo kéo khách hàng, những hành vi dụ dỗ khách vào những loại hình văn hóa đồ trụy...

Hay tại nhiều khu di tích, du khách đã viết tên, khắc tên lên các bộ phận di tích một cách bừa bãi. Bụi bặm, khói xăng dầu, rác thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng không ít đến di tích. Mặt khác, trách nhiệm bảo vệ giữ gìn các di tích, tài nguyên

du lịch không được phân công rõ ràng và sự phối hợp giữa nhà chức trách với người sử dụng, khai thác còn lỏng lẻo. Hiện tượng đó dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, vô trách nhiệm hoặc bỏ mặc cho các di tích xuống cấp.

Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cấp các di tích với tư cách là một sản phẩm du lịch chưa được triển khai trong một quy chế chặt chẽ và toàn diện, trong đó có tính đến yếu tố du lịch. Còn phổ biến tình trạng giao khoán cải tạo thậm chí được phó mặc cho những người quản lý, đầu tư tự sáng tạo theo ý mình trong trùng tu, tôn tạo, xây mới bằng các biện pháp chặt cây, phá núi; xây bậc xi măng thay cho vẻ đẹp của đất và đá tự nhiên; thay gạch, bê tông cho các cấu kiện gỗ; dùng sơn công nghiệp thay cho sơn thủ công trong trang trí kiến trúc... làm mất đi vẻ đẹp ban đầu, mất đi những “phần hồn” của các di tích như trường hợp chùa Trấn Quốc, chùa Thiên Phúc (Cửa Nam), chùa Kim Liên, đình Yên Phụ, chùa Hương, đền Voi Phục, phủ Tây Hồ đều ở Hà Nội... Những lỗ hổng trong cách quản lý đó dẫn đến hậu quả khôn lường, không những không có tác dụng thu hút du khách mà ở một chừng mực nhất định còn làm phương hại đến hình ảnh của điểm du lịch, hình ảnh chung về nền văn hoá của cả quốc gia. Nếu không sớm khắc phục, chúng ta sẽ có lỗi rất lớn với lịch sử. Hơn nữa, thực tế còn tồn tại một mâu thuẫn khá lớn giữa nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và yêu cầu của những nguyên tắc, cách thức bảo tồn di tích. Nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản văn hoá chưa thật sâu sắc nên trong nhiều trường hợp cụ thể người ta lại muốn hy sinh văn hoá cho nhu cầu kinh tế.

Vì những lợi ích mà tài nguyên du lịch mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay đòi hỏi các cơ quan chức năng có thẩm quyền và người dân cần nâng cao hơn nữa tinh thần bảo vệ tài nguyên du lịch ở mọi nơi, mọi lúc. Làm được điều này sẽ giúp cho đất nước ta ngày một giàu đẹp, văn minh hơn nữa.

1.2. Những vấn đề chung về pháp luật bảo vệ tài nguyên du lịch

1.2.1. Khái niệm và đặc điểm của pháp luật bảo vệ tài nguyên du lịch

Như trên đã đề cập, bảo vệ tài nguyên du lịch là nhu cầu cần thiết, khách quan, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế đất nước. Bảo vệ tài nguyên du lịch có thể được thực hiện bằng nhiều biện pháp, cách thức khác nhau, như biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch cho người dân; biện pháp khuyến khích đầu tư phát triển tài nguyên du lịch và các biện pháp pháp lý về bảo vệ tài nguyên du lịch..., trong đó biện pháp pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hành vi xử sự của con người đối với tài nguyên du lịch. Quá trình định hướng hành vi bảo vệ tài nguyên du lịch được thực hiện thông qua các quy định có tính nguyên tắc về bảo vệ tài nguyên du lịch; quy định về những hành vi bị cấm; những hoạt động được khuyến khích; về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch... Kết hợp khái niệm “tài nguyên du lịch” với những phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm pháp luật về bảo vệ tài nguyên du lịch như sau: Pháp luật bảo vệ tài nguyên du lịch là tổng thể những quy phạm pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình tác động lên cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác nhằm bảo vệ chúng khỏi sự xâm phạm làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch nói riêng và sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

So với pháp luật bảo vệ các nguồn tài nguyên khác, pháp luật bảo vệ tài nguyên du lịch có những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, pháp luật về bảo vệ tài nguyên du lịch là một bộ phận quan trọng trong pháp luật về du lịch. Tài nguyên du lịch là một trong những yếu tố cơ bản, điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển du lịch. Số lượng tài nguyên vốn có, chất lượng của chúng và mức độ kết hợp các loại tài nguyên khác có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển du lịch. Hiện nay, một số loại tài

nguyên du lịch đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Theo đó, để bảo vệ tài nguyên du lịch cần phải có những quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh. Pháp luật bảo vệ tài nguyên du lịch bao gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến bảo vệ các tài nguyên du lịch nhằm làm cho ngành Du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Chính vì vậy, nó không thể tách rời với pháp luật du lịch.

Thứ hai, phạm vi điều chỉnh của pháp luật về bảo vệ tài nguyên du lịch rất rộng, liên quan đến nhiều loại tài nguyên du lịch khác nhau; nhiều chủ thể khác nhau trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch và được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Chẳng hạn: Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định về các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, xác định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân đối với di sản văn hóa; Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định về bảo vệ các khu rừng đặc dụng, các Vườn quốc gia, khu bảo tồn cảnh quan; quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên;… Giữa các văn bản trên luôn có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau tạo thành hệ thống pháp luật chung bảo vệ tất cả các nguồn tài nguyên du lịch, từ tài nguyên du lịch tự nhiên đến tài nguyên du lịch nhân văn.

Thứ ba, các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ tài nguyên du lịch điều chỉnh rất đa dạng, bao gồm: Nhóm quan hệ phát sinh trong quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch; nhóm quan hệ hình thành trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch; nhóm quan hệ hình thành giữa các tổ chức, cá nhân khác trong bảo vệ tài nguyên du lịch; nhóm quan hệ về các biện pháp xử lý đối với những hành vi xâm hại đến tài nguyên du lịch. Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm bảo vệ các tài nguyên du lịch. Đối với từng nguồn tài nguyên du lịch cụ thể còn có các quy định cụ thể về bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch đó.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/09/2022