nghiên cứu khoa học. Cục Bảo vệ Môi trường đã cùng với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch xuất bản sách hướng dẫn về du lịch sinh thái, sổ tay hướng dẫn lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong ngành du lịch. Theo các quy định hiện hành, khi thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển du lịch, cần có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Song quy định này hiện nay gần như không được thực hiện. Đối với việc thẩm định các dự án thuộc các ngành khác nhưng được tiến hành tại các khu, điểm du lịch, ngành du lịch cũng không được hỏi ý kiến vì bản thân quy chế quản lý các khu, điểm du lịch hiện nay cũng đang trong quá trình xây dựng cho nên không có cơ chế ràng buộc các cơ quan liên quan phải hỏi ý kiến ngành du lịch. Có những trường hợp, Tổng cục Du lịch được hỏi ý kiến về vấn đề đánh giá tác động môi trường của dự án, nhưng dường như đây chỉ là một hành động mang tính thủ tục, tiếng nói của ngành du lịch không có ý nghĩa. Điển hình cho bất cập này là trường hợp xây dựng nhà máy xi măng Cẩm Phả có công suất lớn nhất Việt Nam (2,3 triệu tấn/năm) nằm trên bờ vịnh Bái Tử Long – Hạ Long, Quảng Ninh [2, 5]. Vì lợi ích kinh tế mà chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý cho triển khai một dự án công nghiệp nặng ngay cạnh một di sản thế giới được UNESCO công nhận. Dự án này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đánh giá tác động môi trường. Tổng cục Du lịch khi được hỏi, đã có ý kiến : “mặc dù vị trí này không nằm trong khu vực di sản thế giới và khu vực đệm của Vịnh Hạ Long, nhưng lại trong khu vực đối diện với cụm di tích Bái Tử Long và các điểm, tuyến tham quan du lịch như : Điểm du lịch Hang Hanh, tuyến du lịch Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long - Đảo Cô Tô.... nên dễ phá vỡ cảnh quan môi trường ở khu vực này”. Tổng cục Du lịch, với lý do nêu trên, đã đề nghị phải cân nhắc kỹ lưỡng các phương án về vị trí, công trình và các giải pháp kiến trúc. Tuy nhiên Dự án vẫn được phê duyệt, triển khai thực hiện mà không hề có ý kiến phản hồi, chỉnh sửa, bổ sung, gây ra bức xúc trong nhân dân và UNESCO cũng đã yêu cầu Việt Nam phải báo cáo về vấn đề này.
Đối với hoạt động quan trắc, theo dõi diễn biến môi trường, ngành môi trường ít khi có thông báo cho ngành du lịch các kết quả theo dõi này để ngành
du lịch có căn cứ tiến hành các hoạt động quản lý. Bản thân ngành du lịch trong phạm vi khả năng của mình cũng chỉ có thể có những đánh giá trên cơ sở quan sát, thiếu năng lực kỹ thuật cần thiết để đánh giá hiện trạng môi trường trong lĩnh vực du lịch theo các thông số kỹ thuật cần thiết. Có thể thấy, thiếu sự phối hợp chặt chẽ là nguyên nhân của việc đánh giá hiện trạng môi trường ngành du lịch không được thường xuyên và đầy đủ.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, ngành môi trường và ngành du lịch cũng ít có sự phối hợp để tiến hành hoạt động này. Điều này khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra khó đạt được hiệu quả vì ngành môi trường không nắm được tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch, việc kiểm tra thiếu toàn diện, còn ngành du lịch thì chỉ có thể kiểm tra những dấu hiệu mang tính cảm quan, không có khả năng về chuyên môn và trang thiết bị để đo đạc, tính toán các chỉ số môi trường, trên cơ sở đó đánh giá chính xác hiện trạng môi trường.
Đối với công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật môi trường trong ngành du lịch. Nhìn chung, chưa có sự phối hợp thực sự, ngoài việc ngành du lịch tổ chức một số khóa tập huấn nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho cán bộ du lịch có sự tham gia của ngành môi trường, tổ chức xuất bản một số ấn phẩm bảo vệ môi trường du lịch, thi viết bài bảo vệ môi trường du lịch thì hai ngành hầu như “mạnh ai nấy làm”, hiệu quả không cao, nhiều khi gây lãng phí không cần thiết.
Đánh giá chung về thực trạng hoạt động phối hợp này, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chưa tạo ra được sự phối hợp thường xuyên. Hoạt động phối hợp hiện nay chỉ được thực hiện trên một số phương diện, thiếu toàn diện và chặt chẽ. Theo kết quả điều tra do Tổng cục Du lịch tiến hành, có tới 84% đối tượng làm công tác quản lý nhà nước và kinh doanh du lịch cho rằng sự phối hợp trên là không chặt chẽ và không hiệu quả. Điều này đã hạn chế hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Nhìn chung, ở góc độ quản lý nhà nước, hoạt động bảo vệ môi trường chưa được tiến hành thường xuyên, đều đặn và rộng khắp theo đúng
yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Để có thể bảo vệ có hiệu quả môi trường trong lĩnh vực du lịch, việc nâng cao năng lực và hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động này là một yêu cầu tất yếu.
Bên cạnh sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước về môi trường và cơ quan về du lịch, hoạt động bảo vệ môi trường du lịch còn cần có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ. Trên thế giới đã có nhiều Chính phủ đã tham gia trực tiếp vào một chiến dịch, một phong trào bảo vệ môi trường du lịch, hoặc chỉ đạo toàn bộ bộ máy nhà nước tập trung cho một hoạt động bảo vệ môi trường du lịch trọng điểm. Cụ thể, Chính phủ Malayxia, khi nhận thấy vấn đề vệ sinh môi trường có thể làm xấu đi hình ảnh của đất nước này trong mắt du khách, đã phát động một phong trào trên toàn quốc mang tên “Văn hóa toilet”[32, 25], trong đó giáo dục người dân thói quen sử dụng nhà vệ sinh công cộng một cách sạch sẽ, thậm chí lấy người Nhật làm tấm gương về việc sử dụng toilet để giáo dục những người dân của mình. Chính phủ Malayxia cũng chỉ đạo thực hiện kiểm tra hệ thống các nhà vệ sinh công cộng hiện có, lắp đặt mới hoặc thay thế nhà vệ sinh không đủ tiêu chuẩn. Đích thân Phó Thủ tường Malayxia đã đi kiểm tra một số nhà vệ sinh công cộng, phát biểu trên báo chí, truyền hình kêu gọi người dân sử dụng toilet một cách có văn hóa. Với hoạt động này Malayxia đã cải thiện đáng kể tình hình vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch, tăng sự hấp dẫn của du lịch Malayxia đối với du khách.
2.2.2. Tình hình thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch
2.2.2.1. Cơ sở lưu trú du lịch
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Pháp Luật Thuộc Lĩnh Vực Khác Có Liên Quan Đến Vấn Đề Bảo Vệ Môi Trường Trong Lĩnh Vực Du Lịch
- Tình Hình Thực Hiện Pháp Luật Môi Trường Có Liên Quan Đến Hoạt Động Du Lịch
- Công Tác Phối Hợp Giữa Cơ Quan Quản Lý Nhà Nước Về Du Lịch Và Cơ Quan Quản Lý Nhà Nước Về Môi Trường Để Thực Hiện Bảo Vệ Môi Trường Trong
- Tình Hình Thực Hiện Các Quy Định Về Bảo Vệ Môi Trường Của Cộng Đồng Dân Cư Và Các Tổ Chức Xã Hội
- Pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam - 12
- Pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam - 13
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
Với mục đích hấp dẫn khách du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch này đã áp dụng những biện pháp nhất định để bảo vệ môi trường, tạo ra ấn tượng cho khách du lịch về cơ sở kinh doanh của mình là sạch và đẹp. Điều này thể hiện rõ nhất ở các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng. Các cơ sở lưu trú này không chỉ thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức quét, lau dọn khách sạn hàng ngày mà còn tạo ra được các khuôn viên đẹp mắt xung quanh cơ sở lưu trú của mình. Các khách sạn lớn đã có các hệ thống xử lý nước thải trước khi
thải ra môi trường xung quanh. Có thể khẳng định sự tồn tại của các khách sạn lớn đã làm thay đổi cảnh quan, môi trường tại các khu, điểm du lịch, tạo ấn tượng sạch đẹp hơn cho các khu du lịch. Tuy nhiên, trong các cơ sở lưu trú không được xếp hạng như nhà nghỉ, nhà trọ, điều kiện vệ sinh môi trường tỏ ra khá thấp kém. Các cơ sở lưu trú này không có hệ thống thu gom và xử lý chất thải riêng. Rác thải, nước thải được đưa thẳng ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, do không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhiều khách sạn lớn tuy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải nhưng không vận hành thường xuyên hoặc không sử dụng hết công suất nhằm giảm chi phí hoạt động. Điều tra do Vụ Khách sạn- Tổng cục Du lịch tiến hành cho thấy có tới 63,93% số cơ sở lưu trú được hỏi không thực hiện xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra hệ thống công cộng [28, 48]. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú du lịch là nơi tiêu thụ một lượng lớn nước và năng lượng. Theo điều tra, các khách sạn 2 sao tiêu thụ điện ở mức 404,4 Kwh/ngày, khách sạn 4 sao tiêu thụ 57,64 Kwh/ngày/buồng, khách
sạn 5 sao là 112 Kwh/ngày/buồng. Về nước cấp, các khách sạn tiêu thụ trung bình từ 1 đến 3,6 m3/ngày/buồng. Không những thế, việc vận hành các hệ thống điều hoà nhiệt độ của khách sạn tạo ra một lượng lớn khí CO2, loại khí chủ yếu gây nên hiệu ứng nhà kính hiện nay.
Một điểm mới trong các quy định về quản lý cơ sở lưu trú hiện nay là vấn đề bảo vệ môi trường đã được đưa vào tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn (Theo Điểm 1 Mục I Phần B Quy định về tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn ban hành kèm theo Quyết định số 02/2001/QĐ-TCDL ngày 27/4/2001 của Tổng cục Du lịch thì tất cả các khách sạn từ 1 sao trở lên đều phải có môi trường, cảnh quan đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, do quy định này còn chung chung nên chưa triển khai cụ thể được và không có căn cứ để xử lý vi phạm. Chỉ có khoảng 58% cơ sở lưu trú được điều tra coi việc thực hiện quản lý rác thải như một chỉ tiêu để bảo vệ môi trường và chỉ có khoảng 8% số cơ sở quan tâm đến đào tạo nhân sự chuyên trách về môi trường.
Nhìn chung, hoạt động bảo vệ môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch mới chỉ mang tính cục bộ và cũng chưa giải quyết hết những vấn đề môi trường nảy sinh trong hoạt động của các cơ sở này.
2.2.2.2. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành
Việc đưa khách đến các địa điểm tham quan du lịch là hoạt động gây tác động lớn đến môi trường du lịch song nhìn chung, các doanh nghiệp lữ hành thường chỉ quan tâm đến việc sử dụng các tài nguyên du lịch để tổ chức các chương trình du lịch, ít chú ý đến những yêu cầu bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp này cũng chưa có những biện pháp quản lý hoạt động của khách tại các điểm đến du lịch để ngăn ngừa các tác động xấu đến môi trường. Hậu quả của cách hoạt động này đã xảy ra và được nhiều phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng cảnh báo, điển hình như trường hợp xảy ra với Vườn Quốc gia Cúc Phương - đã có rất nhiều bài báo phản ánh về sự suy giảm môi trường tại khu rừng này mà nguyên nhân chủ yếu là do khai thác du lịch.
2.2.2.3. Cơ sở kinh doanh vận chuyển khách du lịch
So với hoạt động vận chuyển khách nói chung, hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch có những biện pháp bảo vệ môi trường cao hơn hẳn. Điều này được lý giải bởi yêu cầu đảm bảo sự sạch, đẹp để hấp dẫn khách du lịch. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch thường sử dụng những phương tiện vận chuyển tương đối hiện đại, có nơi để rác trên xe cho khách du lịch. Tuy nhiên, việc thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường thường chỉ bó hẹp trong phạm vi phương tiện vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển khách, vẫn xảy ra hiện tượng rác từ trên phương tiện thải ra đường đi, đặc biệt trên các phương tiện vận tải đường thuỷ, không chỉ các chất thải lỏng mà cả các loại rác thải cũng được đưa thẳng xuống nước. Đã có nhiều trường hợp sau khi du khách ăn xong, nhân viên trên tàu ném thẳng thức ăn thừa, vỏ lon và chai nhựa xuống biển. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa hiện tượng này.
2.2.2.4. Ban quản lý khu du lịch
Luật Du lịch đã quy định “Khu du lịch phải thành lập Ban quản lý khu du lịch”. Các ban quản lý này có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, tôn tạo các danh lam, thắng cảnh thuộc quyền được giao.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều khu vực có các tài nguyên du lịch với các quy mô và giá trị khác nhau. Trên thực tế, đã hình thành rất nhiều các Ban quản lý ở các khu vực có tài nguyên du lịch. Các Ban quản lý này có quy mô hoạt động, địa vị pháp lý, chức năng hoạt động rất khác nhau. Có những Ban quản lý chỉ mang tính chất thời điểm (ví dụ Ban quản lý lễ hội do các địa phương, ngành du lịch, hoặc ngành văn hoá lập ra khi cần thiết), có những Ban quản lý được thành lập ra để quản lý thuần tuý một khu du lịch (Ban quản lý Khu an dưỡng) nhưng cũng có những Ban quản lý thành lập với chức năng nhiệm vụ rõ ràng, quản lý một khu vực lớn như Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Ban quản lý Vịnh Hạ Long… Có những Ban quản lý chỉ thuần tuý quản lý nhà nước, có những Ban quản lý vừa quản lý vừa kinh doanh và cũng có những Ban quản lý chỉ đơn thuần là kinh doanh. Tóm lại, mô hình của các Ban quản lý hiện nay rất đa dạng. Các Ban quản lý này chịu trách nhiệm quản lý mọi hoạt động trong khu du lịch hoặc lễ hội; trong đó có hoạt động bảo vệ môi trường. Trên thực tế, các Ban quản lý này đang đóng vai trò khá tích cực trong việc bảo vệ môi trường tại các khu du lịch. Ban quản lý các khu du lịch và các doanh nghiệp du lịch là những chủ thể trực tiếp khai thác các tài nguyên du lịch để cung cấp dịch vụ cho khách du lịch. Mặc dù chưa có những quy trình bảo vệ môi trường có hệ thống và đầy đủ nhưng với mục đích thu hút khách du lịch, các chủ thể này đã có những biện pháp nhất định để bảo vệ môi trường tại khu vực kinh doanh của mình. Ở một số Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực phát triển du lịch là khu vực mà tài nguyên môi trường được bảo vệ tốt. Ban quản lý đã có những biện pháp nhắc nhở du khách có ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện thu gom rác thải, khoanh vùng để bảo vệ các khu vực có tài nguyên khỏi những tác động xấu từ hoạt động của dân cư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Theo điều tra, 56% số dân cư sống tại các khu, điểm du lịch cho biết họ đã được phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường, 77% du khách được hỏi cho biết họ
có thấy niêm yết công khai nội quy, quy chế bảo vệ môi trường tại khu, điểm du lịch.
Gần đây, một số khu du lịch biển đã áp dụng mô hình giao khoán bãi biển cho một số công ty du lịch hoặc cơ sở lưu trú du lịch quản lý. Theo đó, các đơn vị này đảm nhận việc bảo vệ môi trường trong khu vực được giao khoán. Với cách làm này, vệ sinh môi trường tại nhiều bãi biển được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, từ đó cũng nảy sinh vấn đề là khu vực nằm ngoài những nơi được giao cho các cơ sở quản lý lại không có ai phụ trách, vì vậy rác thải bị đổ dồn không được thu gom, xử lý.
Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường của các chủ thể này chưa được thực hiện có hệ thống và thành một quy trình liên tục, toàn diện. Các Ban quản lý chưa xác định giới hạn phát triển du lịch tại mỗi khu vực trong khả năng tự phục hồi, tự tái tạo của môi trường, việc thu gom rác cũng chưa thực hiện được triệt để. Ban quản lý cũng chưa có các biện pháp hữu hiệu để quản lý hoạt động của du khách khi khách đi sâu vào các khu vực bảo tồn. Những hoạt động chặt cây, bẻ cành, vứt rác bừa bãi vẫn tồn tại. Việc xâm phạm đến đời sống tự nhiên của các loài sinh vật, làm thay đổi tập tính sinh hoạt của chúng hiện nay vẫn chưa có những biện pháp ngăn ngừa. Các hoạt động bảo vệ môi trường đã triển khai vẫn nặng về nghiên cứu, hô hào hoặc mang tính học thuật, thiếu những biện pháp triển khai cụ thể, những đề xuất thực tế để có thể thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch thuộc phạm vi quản lý hoặc nếu có tiến hành thì cũng chỉ là những biện pháp hết sức nhỏ lẻ như thu gom rác, song lại không có biện pháp xử lý.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tính kém hiệu quả trong việc triển khai hoạt động bảo vệ môi trường của các Ban quản lý khu, điểm du lịch hiện nay, trong đó phải kể tới các nguyên nhân sau:
+ Do sự thiếu hụt các quy định về địa vị pháp lý, vai trò, chức năng của hệ thống cơ quan này trong việc quản lý môi trường du lịch. Cơ chế hoạt động, cách thức quản lý và khai thác các khu, điểm du lịch chưa thống nhất. Nhiều
Ban quản lý chỉ quan tâm tới các nguồn thu từ hoạt động du lịch mà không chú ý tới hoạt động bảo vệ môi trường.
+ Các Ban quản lý này thuộc những Bộ, Ngành, cấp chính quyền khác nhau, với sự nhận thức khác nhau về các yêu cầu bảo vệ môi trường, thuộc các ngành chuyên môn và lĩnh vực hoạt động khác nhau khiến họ khó có khả năng áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường một cách đồng bộ.
+ Các Ban quản lý danh lam, thắng cảnh không thuộc hệ thống tổ chức của ngành du lịch. Đó chỉ là các cơ quan mà ngành du lịch cần phối hợp, do có lĩnh vực quản lý liên quan. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa ngành du lịch với các Ban quản lý này hiện nay chưa được xác định rõ ràng, làm hạn chế vai trò tác động của ngành du lịch. Trên thực tế, ngành du lịch cũng chưa chủ động xây dựng hệ thống đồng bộ, có chức năng rạch ròi cho các Ban quản lý khu, điểm, tuyến du lịch. Một số Ban quản lý khu du lịch đã có là do nhu cầu quản lý Nhà nước của các địa phương, ngành, lĩnh vực khác nhau. Hoạt động du lịch diễn ra tại các danh lam, thắng cảnh có gây ô nhiễm, nhưng ngành du lịch chưa có cơ chế bồi thiệt hại về môi trường từ đóng góp của người gây ô nhiễm.
+ Sự phối hợp giữa ngành du lịch và các Ban quản lý danh lam, thắng cảnh, lễ hội diễn ra không đồng bộ, và thiếu cơ chế.
Với tư cách là những đơn vị trực tiếp quản lý các khu vực có tài nguyên du lịch và trực tiếp kiểm soát các hoạt động du lịch diễn ra tại khu, điểm du lịch, các Ban quản lý đã đề cập có khả năng và cần phải đóng một vai trò tích cực trong việc bảo vệ môi trường ngành du lịch. Vai trò này có thể thể hiện qua các hoạt động: kiểm soát các hành vi có thể gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của các cơ sở kinh doanh dịch vụ và khách du lịch tại các khu, điểm du lịch do mình quản lý, kiểm soát các hành vi có thể làm ảnh hưởng đến tài nguyên và hệ sinh thái tại các Khu, điểm du lịch, đề ra các yêu cầu bảo vệ môi trường phù hợp với đặc trưng của Khu, điểm du lịch do mình quản lý, theo dõi các diễn biến môi trường tại khu vực của mình và phát hiện kịp thời các hiện tượng ô nhiễm và suy thoái hoặc các nguy cơ có thể xảy ra ô nhiễm và suy thoái môi trường để đề xuất, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời. Chuẩn bị các phương