HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA
NÔNG DÂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
NGÀNH: CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC
Mã số: 9 22 90 08
Có thể bạn quan tâm!
- Nông dân vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư - 2
- Các Công Trình Khoa Học Nghiên Cứu Liên Quan Đến Tác Động Của Cách Mạng Công Nghiệp Lần Thứ Tư Đối Với Nông Nghiệp, Nông Dân, Nông Thôn
- Khái Quát Kết Quả Chủ Yếu Của Các Công Trình Đã Tổng Quan Và Những Nội Dung Luận Án Cần Tập Trung Nghiên Cứu
Xem toàn bộ 214 trang tài liệu này.
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. HỒ TRỌNG HOÀI
HÀ NỘI - 2022
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, tư liệu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định.
Tác giả
Đỗ Thị Phương Hoa
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 6
1.1. Tổng quan các công trình khoa học nghiên cứu liên quan đến đề tài
luận án 6
1.2. Khái quát kết quả chủ yếu của các công trình đã tổng quan và những nội
dung luận án cần tập trung nghiên cứu 25
Chương 2: GIAI CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CÁCH
MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN 31
2.1. Một số vấn đề lý luận về giai cấp nông dân và cách mạng công nghiệp lần
thứ tư 31
2.2. Giai cấp nông dân Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần
thứ tư 42
Chương 3: VAI TRÒ CỦA NÔNG DÂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ -
THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 73
3.1. Khái quát về vùng đồng bằng sông Hồng và đặc điểm của nông dân
trong vùng 73
3.2. Thực trạng vai trò của nông dân vùng đồng bằng sông Hồng trong bối
cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư 81
3.3. Những vấn đề đặt ra đối với việc phát huy vai trò của nông dân vùng
đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư 120
Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NÔNG DÂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TRONG BỐI CẢNH
CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ 132
4.1. Quan điểm 132
4.2. Giải pháp 136
KẾT LUẬN 167
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 168
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 170
PHỤ LỤC 187
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
CMCN 4.0 : Cách mạng công nghiệp lần thứ tư CNH, HĐH : Công nghiệp hóa, hiện đại hóa CNXH : Chủ nghĩa xã hội
HTX : Hợp tác xã XHCN : Xã hội chủ nghĩa
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật kết nối và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản, toàn diện đời sống mọi mặt của thế giới đương đại. Trong bối cảnh đó, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 52 - NQ/TW “về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nghị quyết đã chỉ rõ: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước” [13].
Đặc biệt, cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, trong đó có nông nghiệp; tác động sâu sắc đến các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, trong đó có nông dân. Nông nghiệp hiện nay đang đứng trước những áp lực to lớn do tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, vấn đề gia tăng dân số và do yêu cầu cao của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Do đó, việc ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại của cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0 được coi là xu hướng tất yếu khách quan, là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn đặt ra. Cuộc CMCN 4.0 cũng đem lại cho nông dân nhiều cơ hội thuận lợi để nâng cao vị thế, vai trò và đời sống mọi mặt nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn.
Ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 65% người dân sống ở nông thôn [5, tr.59], trong đó đại đa số là nông dân. Là nhân vật trung tâm của xã hội nông thôn, nông dân chính là chủ thể của mọi quá trình kinh tế - văn hóa - xã hội diễn ra ở nông thôn. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Những chính sách này tác động mạnh mẽ đến vị thế chủ thể của người nông dân. Đặc biệt, ngày 5 tháng 8 năm 2008, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 26/NQTW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết này được coi là một bước ngoặt quan trọng trong việc xác định rõ hơn vị trí trọng yếu của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đã khẳng định:
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp
2
công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước [45, tr.123-124].
Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân chính là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới.
Trong số các vùng lãnh thổ trên cả nước, đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là một vùng đất rộng lớn bao gồm 11 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Bình và Vĩnh Phúc). Đây là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, có nhiều tiềm năng phát triển, có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao, có vai trò thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển. Là một trong hai vựa lúa của đất nước song ĐBSH lại là vùng đất chật, người đông, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa phát triển nhanh chóng dẫn đến lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn dôi dư, thiếu việc làm, thất nghiệp. Bên cạnh đó, đời sống mọi mặt của nông dân trong vùng còn nhiều khó khăn, tình trạng phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội đang có xu hướng gia tăng ở vùng nông thôn.
Trong bối cảnh CMCN 4.0, nông dân vùng ĐBSH đang từng bước nỗ lực vươn lên để làm chủ nền nông nghiệp công nghệ cao, làm chủ nông thôn mới văn minh, hiện đại. Cuộc CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến nhận thức, phương thức lao động sản xuất, đời sống chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường sống của nông dân trong vùng. Cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại cho nông dân vùng ĐBSH rất to lớn nhưng thách thức mà nó đặt ra cũng không hề nhỏ. Nông dân vốn là lực lượng yếu thế, dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi trong nền kinh tế thị trường, trong bối cảnh toàn cầu hóa và CMCN 4.0. Sự bất ổn trong đời sống của nông dân tất yếu sẽ dẫn đến sự bất ổn trong đời sống chính trị - xã hội. Từ đó đặt ra yêu cầu cần phải nâng cao trình độ mọi mặt, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân vùng ĐBSH, tạo điều kiện nâng cao vị thế vai trò của nông dân để họ có thể đứng vững trước vòng xoáy của toàn cầu hóa và CMCN 4.0.
Chính vì những lý do kể trên, tác giả đã chọn vấn đề: “Nông dân vùng đồng
3
bằng sông Hồng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” làm đề tài Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở lý luận về giai cấp nông dân và giai cấp nông dân trong bối cảnh CMCN 4.0, luận án phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện vai trò của nông dân vùng ĐBSH và đề xuất những quan điểm cơ bản và những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò của nông dân vùng ĐBSH trong bối cảnh mới.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến nông dân vùng ĐBSH trong bối cảnh CMCN 4.0.
- Xây dựng khung lý thuyết để nghiên cứu vai trò của nông dân vùng ĐBSH trong bối cảnh CMCN 4.0.
- Đánh giá thực trạng thực hiện vai trò của nông dân vùng ĐBSH trong bối cảnh CMCN 4.0.
- Đề xuất những quan điểm cơ bản và những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò của nông dân vùng ĐBSH trong bối cảnh CMCN 4.0.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Vai trò của nông dân vùng ĐBSH trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần
thứ tư.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nội dung: Đề tài “Nông dân vùng đồng bằng sông Hồng trong bối
cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” có nội dung nghiên cứu khá rộng. Luận án xác định tập trung làm rõ vai trò của nông dân vùng ĐBSH trong bối cảnh CMCN 4.0, biểu hiện cụ thể:
+ Thứ nhất, nông dân là một trong những chủ thể quan trọng tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh CMCN 4.0. Vai trò này thể hiện tập trung trên ba phương diện: nông dân là lực lượng lao động trực tiếp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; góp phần thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng đến nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn; là bộ phận quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp.
4
+ Thứ hai, nông dân là một trong những chủ thể quan trọng góp phần xây dựng đời sống chính trị ở nông thôn trong bối cảnh CMCN 4.0. Vai trò này thể hiện tập trung trên ba phương diện: nông dân góp phần quan trọng trong thực hiện dân chủ cơ sở nông thôn; tham gia giám sát hoạt động của hệ thống chính trị; tham gia giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
+ Thứ ba, nông dân là một trong những chủ thể tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường ở nông thôn trong bối cảnh CMCN 4.0. Vai trò này thể hiện tập trung trên ba phương diện: nông dân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng văn hóa - xã hội - môi trường nông thôn; tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa - xã hội nông thôn; bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
- Phạm vi không gian: Vùng ĐBSH gồm 11 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Luận án xác định nghiên cứu chủ yếu ở 3 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam. Đây là các tỉnh và thành phố nằm trong danh mục các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy hoạch đến năm 2020, định hướng nghiên cứu quy hoạch đến năm 2030 (Ban hành kèm theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng chính phủ). Đồng thời, đó cũng là các tỉnh và thành phố trong vùng đạt được nhiều thành tựu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.
- Phạm vi thời gian: từ sau Hội nghị Trung ương 7 khóa X ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (năm 2008) đến nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Cơ sở lý luận của luận án: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam cùng những thành tựu nghiên cứu về giai cấp nông dân trong bối cảnh CMCN 4.0.
Các phương pháp nghiên cứu của luận án:
Luận án sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử với các phương pháp nghiên cứu cụ thể như:
- Phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp logic và lịch sử được sử dụng trong chương 1 (Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án) để phân tích cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn về đối tượng nghiên cứu của luận án, từ đó rút ra những giá trị tham khảo của các công trình khoa học và những “khoảng trống” mà