Yêu Cầu Hoạt Động Hướng Dẫn Của Hướng Dẫn Viên Du Lịch


tuyến tham quan mới; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đón, tiễn, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan, vui chơi giải trí, thuyết minh và các hoạt động thanh toán cho đoàn khách theo chương trình; kiểm tra và kiểm soát các dịch vụ theo sự đặt chỗ [36, tr.32]. Đồng thời, HDV còn phải tạo dựng sự thân thiện, cởi mở giữa các thành viên trong đoàn, xử lý các tình huống phát sinh trong khi thực hiện chương trình. Tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn của công ty [28, tr.27].

Để đảm bảo sự hài lòng dành cho khách trong suốt chuyến tham quan cho đến khi kết thúc chương trình “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, người HDV còn có trách nhiệm chăm sóc khách, duy trì tốt với các nhà cung cấp, bạn hàng, tuyên truyền quảng cáo về công ty mình, thu thập các thông tin phản hồi từ phía khách và phát hiện nhu cầu mới, đề xuất các ý kiến cải tiến chương trình và chính sách với nhà cung cấp. Ngoài ra, HDVDL còn có nhiệm vụ khác như: nhiệm vụ hành chính, nhân sự đối với đơn vị mình hoạt động [77, tr.38].

1.4.4. Vai trò của hướng dẫn viên du lịch

Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, người HDVDL phải đảm nhận nhiều vai trò cùng một lúc, thể hiện ở 4 vai trò cơ bản sau [17, tr.41]:

- Vai trò người phục vụ: Đây là vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của HDVDL. HDVDL được doanh nghiệp kinh doanh du lịch giao nhiệm vụ thực hiện chương trình du lịch đã được thỏa thuận. Như vậy, HDV phải thực hiện đúng và tốt thỏa thuận đó mà khách du lịch là đối tượng được phục vụ. Trong kinh doanh nói chung, kinh doanh du lịch nói riêng khách hàng luôn được coi là “thượng đế”. Hơn nữa vai trò phục vụ còn thể hiện trong giao tiếp, ứng xử với khách, trong việc tổ chức các hoạt động vui chơi, thư giãn, trong thời gian rảnh rỗi của chương trình du lịch. Biết lắng nghe, chu đáo và thân tình, cởi mở là thể hiện vai trò người phục vụ của HDV. Và cũng chỉ HDV mới làm cho chất lượng chương trình du lịch, cũng là chất lượng sản phẩm lữ hành hay không, được đánh giá cao hay không, có thể để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách hay không. Vì vậy, vai trò người phục vụ là quan trọng nhất.

- Vai trò marketing viên không chuyên: HDVDL có vai trò của một marketing không chuyên. Bởi vì, họ là người giới thiệu, quảng bá về tuyến điểm du lịch, tiềm năng du lịch cũng như về đối tượng tham quan kì thú, hấp dẫn ở các địa phương và ở khắp đất nước cho KDL. Họ giới thiệu về các đặc sản ở nhiều vùng miền với KDL thông qua các câu chuyện, lời thuyết minh cho khách. Họ vừa tạo sự hấp dẫn, tính tích


cực cho chuyến du lịch, vừa gợi sự hiếu kì, tâm lý chuộng “lạ” của khách. Cũng trong vị thế nghề nghiệp của mình HDVDL có thể tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, tập quán của các đoàn khách, các thị trường khách khác nhau trong quá trình phục vụ để phản hồi lại cho các cơ sở dịch vụ du lịch. Với vai trò này, năng lực nghề nghiệp của HDVDL được chứng tỏ và góp phần gắn kết giữa doanh nghiệp lữ hành với các đối tác là cơ sở dịch vụ du lịch, cộng đồng cư dân địa phương có điểm đến du lịch.

- Vai trò sứ giả: HDVDL được ví như sứ giả, thay mặt cho đất nước, dân tộc, ngành du lịch, địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp,… để đón tiếp, phục vụ và tiễn khách. Từ trang phục, phong cách trang điểm, đức tính cũng như năng lực của HDV đều được khách cảm nhận theo cách của mình và họ hiểu phần nào về đất nước, con người, địa phương qua hình ảnh HDVDL. Do đó, để thể hiện tốt vai trò này, HDVDL phải chuẩn bị và rèn luyện để vừa thể hiện cá tính, kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, vừa thể hiện bản sắc phong tục một cách tự nhiên thông qua nghề nghiệp của mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.

- Vai trò người bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn du lịch: HDVDL không chỉ giới thiệu, quảng bá, phục vụ KDL theo chương trình đã định sẵn mà phải luôn luôn có ý thức trách nhiệm trước đất nước, trước quê hương và cả trước khách du lịch. Khách đến du lịch luôn mang theo những dự cảm và mong muốn tốt lành, mong có chuyến du lịch ấn tượng, thú vị, thân thiện. Song, đôi khi cũng có khách lợi dụng danh nghĩa du lịch để thực hiện hoạt động phi pháp gây tổn hại an ninh quốc gia, an toàn du lịch. Chính vì vậy, HDVDL không những phải thân thiện, nhiệt tình mà còn phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khách và hoạt động du lịch nói chung đồng thời nâng cao cảnh giác, ngăn ngừa và có biện pháp thích hợp chống lại các hoạt động phi pháp không phù hợp với KDL.

1.4.5. Đặc điểm hoạt động của hướng dẫn du lịch

Những phẩm chất tâm lý cơ bản của hướng dẫn viên du lịch - 6

- Về đối tượng tác động: đối tượng tác động của hoạt động HDDL là khách du lịch. Khách du lịch là những người có nhu cầu đi tham quan, giải trí, nghỉ ngơi, chữa bệnh,… tại các điểm du lịch. Chính vì vậy, khách du lịch là đối tượng chính của hoạt động hướng dẫn của HDVDL. Nói cách khác, HDVDL phải đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của KDL và khiến họ hài lòng. Để làm được điều này bên cạnh chuyên môn giỏi HDVDL phải hiểu được đặc điểm tâm lý (quan điểm, suy nghĩ, tâm trạng, tín ngưỡng, tình cảm, thói quen, phong tục, tập quán, thị hiếu, sở thích, tính cách dân tộc,…) ảnh hưởng đến KDL. Ngoài ra, HDVDL cũng cần tìm hiểu thái độ phục vụ


của nhân viên nhà hàng khách sạn, cách cư xử của cộng đồng dân cư địa phương có các điểm du lịch,… đều có tác động đến tâm lý của KDL. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên phải thường xuyên chú ý đến các ý kiến chia sẻ, đóng góp của khách du lịch trong quá trình hướng dẫn để từ đó phát huy những mặt tích cực và tìm cách khắc phục những mặt hạn chế của bản thân [41, tr.92].

- Về mục đích hoạt động: Hoạt động HDDL phải đảm bảo các yêu cầu như: (1) Cung cấp đầy đủ thông tin cho đoàn khách: HDV cung cấp thông tin cho khách du lịch thông qua tiếp xúc với khách, thông qua bài thuyết minh về các tuyến điểm. Nội dung thông tin cung cấp cho đoàn khách gồm các thông tin: thông tin liên quan tới điểm tham quan trong chương trình du lịch; thông tin về doanh nghiệp, các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp; thông tin về nơi đoàn khách tới tham quan: các dịch vụ, giá cả, pháp luật, phong tục, tập quán, thủ tục hành chính và các vấn đề khách mà khách quan tâm; (2) tổ chức hiệu quả hoạt động hướng dẫn tham quan cho đoàn khách: đây được coi là hoạt động chính mang tính đặc trưng của người HDVDL. Công việc hướng dẫn tham quan của đoàn khách thường diễn tại khu vực công cộng, là nơi tập trung một số lượng người rất lớn. Tiếng ồn hay các tác động của ngoại cảnh tại điểm tham quan gây không ít khó khăn cho công việc của HDVDL. Chính vì vậy, HDVDL phải có khả năng tổ chức hoạt động hướng dẫn tham quan một cách khoa học nhằm đảm bảo thực hiện thành công chương trình du lịch; (3) Xử lý các vấn đề phát sinh nhanh chóng, chính xác, thỏa đáng: trong quá trình thực hiện chuyến du lịch, có nhiều vấn đề phát sinh và tình huống phức tạp xảy ra (tai nạn, thời tiết xấu, bệnh tật, gây gổ, đánh nhau, ngộ độc thực phẩm, mất đồ,…) cần có sự giải quyết kịp thời của HDVDL [36, tr. 26].

- Về môi trường, điều kiện hoạt động:

+ Lao động trong môi trường hướng dẫn du lịch có bầu không khí tâm lý vui vẻ, thân thiện, tin cậy, đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ giữa HDVDL với công ty lữ hành, giữa HDVDL này với HDVDL khác, giữa HDVDL với KDL, giữa HDVDL với cộng đồng nơi tham quan du lịch, giữa HDVDL với cơ sở lưu trú, ăn uống, tham quan.

+ Làm việc trong điều kiện cơ động, đón đưa khách khi thì đi máy bay, ô tô, tàu thủy, tàu hỏa; khi thì đi bộ trong thành phố; khi thì leo núi, chui vào hang động,… Do đó, đòi hỏi HDVDL phải có sức khỏe dẻo dai, năng động, linh hoạt, nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm phong phú.


+ HDVDL làm việc trong các mối quan hệ xã hội phức tạp, đa dạng: họ phải thiết lập quan hệ với KDL, với các cơ sở khách tham quan, lưu trú, với nhân viên hải quan, an ninh, phục vụ,… sao cho hiệu quả. Ở đây đòi hỏi kinh nghiệm tổ chức, kinh nghiệm giao tiếp xã hội phong phú, càng từng trải càng tốt.

- Về công cụ của hoạt động: hướng dẫn viên sử dụng ngôn ngữ (tiếng quốc ngữ và ngoại ngữ) của mình để truyền đạt thông tin cho khách du lịch về điểm tham quan du lịch. Trong đó, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ biểu cảm được HDVDL sử dụng chủ yếu trong hoạt động hướng dẫn du lịch. Chính vì vậy, để hoạt động hướng dẫn du lịch diễn ra hiệu quả HDVDL phải biết cách sử dụng từ ngữ ngắn gọn, giàu hình ảnh để diễn đạt câu, giọng nói phải mềm mại, uyển chuyển sao cho phù hợp với từng đối tượng tham quan và sử dụng thuần thục các cử chỉ, điệu bộ, hành vi, diện mạo để tăng cường khả năng hấp dẫn của ngôn ngữ nói [74, tr.50].

Ngoài ra, HDVDL cần phải biết sử dụng các phương tiện như: micro, bút chiếu slide, bộ đàm, que chỉ, bản đồ,… để hỗ trợ hoạt động hướng dẫn du lịch. Bên cạnh phải có một ngôn ngữ tốt, khả năng sử dụng các phương tiện hỗ trợ cho hoạt động hướng dẫn khách du lịch HDVDL còn sử dụng cả nhân cách của bản thân để phục vụ cho hoạt động hướng dẫn. Bài thuyết mình về điểm tham quan sẽ trở nên hấp dẫn, sinh động, cuốn hút với du khách hơn khi mà HDVDL thể hiện sự đam mê, nhiệt huyết, thả “hồn” vào bài nói của mình. Một HDVDL nghiêm túc, tâm huyết, khéo léo, tế nhị, đầy nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng sẽ là hình ảnh tốt để khách du lịch ấn tượng và hòa mình vào các hoạt động du lịch do HDVDL tổ chức. Hay nói cách khách, HDVDL là tấm gương cho tình yêu công việc, yêu những nơi mình đến, yêu những gì mình thuyết minh cho du khách cảm nhận, thích thú, hài lòng và khâm phục [94, tr.482].

- Về sản phẩm hoạt động: Sản phẩm hoạt động mà HDVDL hướng đến đó là thỏa mãn nhu cầu của KDL. Hay nói các khác là đem lại sự hài lòng tối đa sau mỗi chuyến hành trình mà khách đi qua. Sự hài lòng của du khách là vấn đề sống còn cho công việc của HDVDL. Vì khi du khách hài lòng sau mỗi chuyến đi, họ không chỉ muốn quay lại du lịch lần tiếp theo mà còn quảng bá, giới thiệu cho những người thân và bạn bè của họ. Ngược lại, một khi khách bày tỏ không hài lòng về HDVDL thì việc huy động, kêu gọi sự tham gia của du khách vào các hoạt động do HDVDL tổ chức sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại. Bên cạnh đó, du khách sẽ không lựa


chọn doanh nghiệp lữ hành cho chuyến du lịch tiếp theo và khuyên bạn bè, người thân không nên đi đến nơi đó dẫn đến HDVDL sẽ ít khách để hướng dẫn.

Bên cạnh, đem lại sự hài lòng của du khách, HDVDL còn đem lại sự hài lòng cho doanh nghiệp lữ hành. Bởi vì, hình ảnh, thương hiệu, doanh thu của công ty có được tăng lên hay không phụ thuộc vào cách phục vụ chu đáo, tận tâm, hiệu quả của HDVDL với đoàn khách. Đồng thời, HDVDL cũng cần giới thiệu, quảng bá, giới thiệu công ty với đoàn khách để tăng cường sự hiểu biết, tin tưởng và lựa chọn công ty khi có nhu cầu du lịch. HDVDL cần khiêm tốn, lắng nghe, cầu thị trong việc góp ý của du khách đối với công ty và truyền đạt lại công quản lý/lãnh đạo của công ty du lịch để hướng tới sự chăm sóc, phục vụ chất lượng, hiệu quả cao [98, tr.102].

1.4.6. Yêu cầu hoạt động hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch

Hiện nay, có một số tác giả đưa ra quan điểm yêu cầu hoạt động hướng dẫn du lịch của HDVDL như:

* Về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ

HDVDL cần phải biết một cách cụ thể nội dung các hợp đồng được kí kết của đơn vị mình với đơn vị trong và ngoài nước có liên hệ liên kết, hợp tác hay bạn hàng, đồng thời nắm được các chương trình du lịch là những tours mà KDL mua trực tiếp hay thông qua các hãng mô giới trung gian. HDVDL phải nắm vững các quy định của pháp luật đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành cụ thể là những quy định, thủ tục xuất nhập cảnh của KDL quốc tế vào Việt Nam, của người Việt Nam du lịch ra nước ngoài, của người Việt Nam ở nước ngoài [21, tr.32].

HDVDL phải được trang bị đầy đủ các kiến thức về địa lý, cảnh quan, sinh học, môi trường, lịch sử dân tộc, đất nước cũng như những lĩnh vực khác nhau của văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, những tương đồng và khác biệt về văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa các vùng văn hóa của đất nước, phong tục tập quán, lễ hội, kiến trúc, mỹ thuật, tôn giáo, truyền thống và hiện đại, sân khấu, âm nhạc,… cùng với kiến thức về dân tộc học, đô thị học và các kiến thức về du lịch học. Đồng thời, HDVDL phải có hiểu biết về một số nghiệp vụ quản lý kinh tế để dễ dàng trong hướng dẫn và thực hiện các hợp đồng, các quy định về chi phí, thanh toán, tín dụng,… thuận lợi, chính xác vì lợi ích của tất cả các bên liên quan và phù hợp với quy định của pháp luật [17, tr.27]. HDVDL phải có vốn kiến thức tổng hợp, am hiểu mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời


sống xã hội như tình hình kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, pháp luật, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo, mỹ thuật [36, tr.28].

HDVDL không phải là người thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn một cách máy móc, cứng nhắc mà là một nhà lãnh đạo, một nhà ngoại giao, một nhà tổ chức sự kiện tài ba, là người đồng hành tin cậy của khách, là một nhà tâm lý, một nhà sư phạm trong quá trình hướng dẫn khách. Vì vậy, HDVDL phải có tri thức về giao tiếp, ứng xử, tâm lý KDL, tâm lý và văn hóa dân tộc, khả năng bao quát vấn đề, sự linh hoạt, hóm hỉnh và một tâm hồn trẻ trung. Để có được điều đó, HDVDL luôn phải liên tục được trau dồi, học hỏi vì thói quen ứng xử, tâm lý, quy tắc giao tiếp quốc tế có thể thay đổi theo điều kiện lịch sử thay đổi [25, tr.29].

Đối với HDVDL quốc tế do phải phục vụ nhiều đối tượng khách đến từ các quốc gia khác nhau nên HDVDL phải có sử dụng ngoại ngữ của họ. Theo khoản d điều 73 Luật Du lịch quy định đối với HDVDL quốc tế là “Sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ” [45, tr.33]. Do vậy, kiến thức về ngoại ngữ là đòi hỏi bắt buộc, bởi yêu cầu này không chỉ để giao tiếp, giới thiệu mà còn là phương tiện để học hỏi, đọc tài liệu, kiểm tra các văn bản trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới hoạt động HDDL. Sự yếu kém về ngoại ngữ sẽ dẫn tới làm hỏng nội dung và nghiệp vụ HDDL của HDVDL.

Chất lượng chuyên môn của HDVDL phụ thuộc không nhỏ vào kiến thức mà họ tích lũy và vận dụng trong thực tiễn. Những quy tắc xã giao quốc tế cơ bản, tri thức, kinh nghiệm, độ nhạy cảm trong nắm bắt tâm lý và linh hoạt trong xử lý tình huống của HDV chỉ có được thông qua quá trình tự học hỏi, tự hoàn thiện mình và tự trưởng thành sau mỗi chương trình du lịch [98, tr.58]. Kiến thức chuyên môn bao gồm nội dung, phương pháp của hoạt động hướng dẫn; các nguyên tắc cần đảm bảo trong hoạt động hướng dẫn; quy trình thực hiện chương trình du lịch; hiểu biết về các quy định do cơ quan Nhà nước ban hành về du lịch, thủ tục xuất nhập cảnh, các quy chế, thủ tục liên quan đến khách du lịch [95, tr.73].

* Về phẩm chất đạo đức

Trong hoạt động hướng dẫn phẩm chất đạo đức của HDVDL được thể hiện trong giao tiếp ứng xử như sự tôn trọng, lễ phép, lịch sự, biết lắng nghe ý kiến, luôn thông cảm, chia sẻ với du khách, sẵn sàng giúp đỡ họ khi cần thiết [4, tr.18]. Phẩm


chất đạo đức của HDVDL còn được thể hiện ở sự thật thà, trung thực, hết lòng phục vụ doanh nghiệp, phục vụ khách, luôn tôn trọng các phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân cư địa phương, có ý thức bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa và môi trường du lịch; ngoài ra là sự đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi, cách ứng xử thiếu văn hóa ảnh hưởng tới quốc gia dân tộc [74, tr.49]. HDVDL còn có lòng say mê và yêu nghề, cầu tiến, luôn nâng cao năng lực chuyên môn; học hỏi và phấn đấu không ngừng; nhiệt tâm, nhiệt tình, tận tụy, không ngại khó ngại khổ [36, tr. 28].

- Yêu cầu về phong cách:

Trước hết, HDVDL phải là người nhanh nhẹn, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp. HDVDL dẫu được quy định trong các nội dung, thủ tục, thao tác cơ bản nhưng chính các quy định ấy đòi hỏi HDVDL phải thể hiện tác phong nhanh nhẹn trong việc đón, tiễn khách, kiểm tra và chỉ dẫn thực hiện các dịch vụ cho khách. Bằng tác phong ấy, HDVDL tạo cho khách ấn tượng tốt về phong cách làm việc chuyên nghiệp, tạo sự thân thiện và sự hứng khởi trong chuyến đi của HDVDL [36, tr.39]. Do tính chất phức tạp của công việc, HDVDL phải đảm nhiệm nhiều nội dung công việc trong mỗi chuyến tham quan của khách, đòi hỏi HDVDL phải rèn luyện cho mình những tác phong trong công việc như: nghiêm túc, nhanh nhẹn, nhiệt tình, chu đáo, cẩn thận, linh hoạt giải quyết tình huống xảy ra trong quá trình thực hiện chương trình du lịch [33, tr.21].

Bên cạnh tác phong nhanh nhẹn, linh hoạt, HDVDL cũng cần có thái độ cởi mở, lịch thiệp trong giao tiếp với khách và nói chung với tất cả mọi người. Kể từ buổi gặp gỡ làm quen đầu tiên cho tới lúc vẫy chào, chia tay khách, HDVDL cần cởi mở thân thiện với những người mình được phục vụ thái độ cởi mở, lịch thiệp của HDVDL sẽ giúp họ chiếm được cảm tình cũng như điều tin tưởng, quý trọng khách [35, tr.37].

- Về năng lực: Để thực hiện tốt công việc HDDL, HDVDL cần được trang bị các năng lực sau: Năng lực chuyên môn nghiệp vụ; Năng lực giao tiếp; Năng lực kiểm tra, đánh giá [74, tr.50].

Năng lực chuyên môn nghiệp vụ được thể hiện ở khả năng HDVDL nắm vững các tri thức chuyên ngành du lịch và vận dụng các tri thức đó vào các tình


huống và điều kiện hoạt động cụ thể. Đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ được giao, tiết kiệm công sức, tiền bạc và thời gian cho doanh nghiệp.

Năng lực giao tiếp thể hiện ở khả năng HDVDL nắm bắt tâm lý đối tượng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phản hồi, kỹ năng sử dụng các hành vi ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, kỹ năng ngoại ngữ trong giao tiếp. Năng lực giao tiếp còn được thể hiện ở năng lực tư duy ngôn ngữ, cách thức sử dụng từ ngữ ngắn gọn, giàu hình ảnh để diễn đạt câu, khả năng phản xạ nhanh chóng, chính xác với phản ứng của những người xung quanh.

Năng lực kiểm tra, đánh giá thể hiện ở khả năng phân tích, đối chiếu, so sánh kết quả hoạt động nhận được với mục đích, kế hoạch đặt ra của HDV. Thông qua kiểm tra, HDVDL nhận được các thông tin phản hồi từ du khách để kịp thời điều chỉnh hoạt động của mình có hiệu quả.

- Về sức khỏe, ngoại hình

Để hoàn thành công việc hướng dẫn du lịch, HDVDL cần đảm bảo những yêu cầu về sức khỏe như khỏe mạnh, dẻo dai và chịu đựng được áp lực trong công việc [36, tr.30]. Sức khỏe là một yêu cầu cần thiết đối với mỗi HDVDL. Khối lượng công việc HDV phải thực hiện nhiều trong suốt quá trình thực hiện chương trình du lịch, hơn nữa HDVDL phải nói và di chuyển liên tục trên nhiều phương tiện, địa hình khác nhau nên HDVDL phải duy trì đảm bảo sức khỏe tốt, không mắc bệnh mãn tính hay khuyết tật về cơ thể [17, tr.33]. HDVDL cần có sự dẻo dai, sức bền, sức chịu đựng cao do thường xuyên di chuyển, giờ giấc, không ổn định và phải thực hiện nhiều thao tác, hoạt động nghiệp vụ,…[25, tr.41]. HDVDL phải không bị say xe, sợ độ cao, hay bị dị ứng, say sóng. HDVDL không nên có dị tật vì làm cho khách không thoải mái, ngại tiếp xúc, nói chuyện [28, tr.28].

- Yêu cầu khác: Ngoài các kiến thức tổng hợp, tác phong, đạo đức nghề nghiệp và hệ thống các năng lực nghề nghiệp, HDVDL cũng cần phải có một số phẩm chất như ý chí, tính nhạy cảm,… Đặc biệt, HDVDL cần biết cách lựa chọn trang phục, cách trang điểm,… để hình thành ở người HDVDL những chuẩn mực nghề nghiệp [17, tr.25].

Tóm lại, những yêu cầu nói trên đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với các PCTLCB của HDVDL, sẽ được trình bày dưới đây.

Xem tất cả 224 trang.

Ngày đăng: 24/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí