Giai Đoạn Kết Thúc - Đánh Giá Quá Trình Giao Tiếp

1.4.3.1.Nhận thức đối tượng giao tiếp

Nhận thức đối tượng giao tiếp có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giao tiếp. Nếu không hiểu biết về đặc điểm đối tượng giao tiếp như: nhu cầu, tính cách, động cơ, trình độ, hoàn cảnh… thì khó có thể lực chọn nội dung, phương thức, phương tiện giao tiếp phù hợp.

Nhận thức đối tượng giao tiếp là quá trình chúng ta tìm hiểu các đặc điểm của đối tượng giao tiếp, xây dựng nên hình ảnh về đối tượng giao tiếp trong đầu óc chúng ta. Hình ảnh về đối tượng giao tiếp bao gồm hình ảnh bên ngoài và hình ảnh bên trong.

Hình ảnh bên ngoài phản ánh các yếu tố bề ngoài của đối tượng giao tiếp như: tướng mạo, ăn mặc, nói năng, nụ cười, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ... Trên cơ sở đó, chúng ta phân tích, đánh giá đưa ra những nhận xét về đặc điểm bên trong của đối tượng giao tiếp như: đạo đức, tính cách, năng lực, động cơ và các phẩm chất nhân cách khác, tức là xây dựng nên hình ảnh bên trong về đối tượng giao tiếp. Cho nên, trong giao tiếp chúng ta không nên coi thường vẻ bề ngoài của mình, từ ăn mặc, trang điểm cho đến đi đứng, nói năng và các cử chỉ điệu bộ khác.

Nhận thức là một quá trình. Quá trình này tiếp xúc từ lần đầu tiên và tiếp diễn ở những lần gặp gỡ sau đó. Tuy nhiên, trong lần gặp đầu tiên diễn ra một hiện tượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với việc xác lập hình ảnh của người này trong con mắt của người kia mà cả đối với việc phát triển mối quan hệ giữa họ, đó là ấn tượng ban đầu.

a. Khái niệm ấn tượng ban đầu

Ấn tượng ban đầu là hình ảnh về đối tượng giao tiếp được hình thành trong lần gặp gỡ đầu tiên.

Đó là những đánh giá, những nhận xét của chúng ta về đối tượng giao tiếp trong lần đầu tiên tiếp xúc.

b. Cấu trúc của ấn tượng ban đầu: Có 3 thành phần

* Thành phần cảm tính

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Bao gồm những đặc điểm bề ngoài của đối tượng giao tiếp. Đây là thành phần cơ bản, chiếm ưu thế trong cấu trúc của ấn tượng ban đầu.

Vẻ bề ngoài của một người không phải luôn phản ánh chân thực bản chất của họ. Điều này rất phức tạp. Thông thường, những người có lý trí và từng trải thường không để ấn tượng ban đầu ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ, đến hành động của họ.

Nhập môn khoa học giao tiếp - 4

* Thành phần lý tính

Gồm những đánh giá, nhận xét ban đầu về những phẩm chất bên trong của đối tượng giao tiếp, như: tính cách, tình cảm, năng lực. quan điểm... Chẳng hạn, “ Anh có vẻ nghiêm túc”, “ Cô ta trông hiền lành và dịu dàng”.

* Thành phần cảm xúc

Bao gồm những rung động nảy sinh trong quá trình gặp gỡ, như: thiện cảm hay ác cảm; hài lòng, dễ chịu hay không hài lòng, khó chịu. Thành phần cảm xúc ảnh hưởng nhiều đến độ bền vững của ấn tượng ban đầu. Nói chung cảm xúc càng mạnh thì hình ảnh về người đối thoại càng khó phai mờ.

Như vậy, ấn tượng ban đầu là hình ảnh mang tính tổng thể về đối tượng giao tiếp, tức được hình thành từ nhiều đặc điểm, nhiều nét khác nhau. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của A. Solomon - nhà tâm lý học Mỹ, thì trong số chúng luôn có một nét là trung tâm, có ý nghĩa nhất và quyết định ấn tượng về người khác ở trong chúng ta (chúng ta thường gọi là “nét gây ấn tượng”). Điều này dễ dàng nhận thấy từ kinh nghiệm của bản thân. Có khi chỉ một lần gặp nhau rồi sau đó chúng ta nhớ mãi một cái nhìn, một nụ cười hay một bàn tay ấm áp với cái bắt tay chặt của người đó.

c. Vai trò của ấn tượng ban đầu

Ấn tượng ban đầu là điều kiện thuận lợi để chúng ta xây dựng, phát triển mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài trong các mối quan hệ giao tiếp.

Ấn tượng ban đầu có ý nghĩa quan trọng trong giao tiếp. Nếu chúng ta tạo được ấn tượng tốt ở người khác ngay trong lần tiếp xúc đầu, thì điều đó có nghĩa là họ có cảm tình với chúng ta, họ mong muốn gặp chúng ta ở những lần sau. Ngược lại, nếu trong lần đầu gặp gỡ mà chúng ta đã có những sơ suất và để lậi ấn tượng không tốt, thì thường chúng ta sẽ gặp khó khăn trong những lần gặp gỡ sau đó và phải mất không ít công sức mới có thể xoá được ấn tượng đó. (Nếu bạn đã lỡ tạo ra ấn tượng ban đầu không tốt thì bạn có cách gì để tạo ra lại ấn tượng tốt cho đối tượng giao tiếp đó?)

d. Quá trình hình thành ấn tượng ban đầu

* Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành ấn tượng ban đầu

- Các yếu tố thuộc đối tượng giao tiếp: Ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ, trang phục...

- Các yếu tố ở chúng ta như: Tâm trạng, tình cảm

Nhu cầu, sở thích, thị hiếu

Tâm thế và sự hình dung về đối tượng giao tiếp

Tâm thế của chúng ta trong giao tiếp là cái mà chúng ta chờ đợi hoặc cho rằng sẽ xảy ra trong giao tiếp. Dưới sự chi phối của tâm thế và nhiều yếu tố khác, chẳng hạn kinh nghiệm, chúng ta tưởng tượng ta đối tượng giao tiếp - con người mà chúng ta sẽ có cuộc tiếp xúc đầu tiên.

“Trước mắt mình là hình ảnh của một nhà khoa học vĩ đại” và “trước mắt mình là một phạm nhân đặc biệt nguy hiểm” sẽ tạo nên một tâm thế và những ấn tượng khác nhau ở cùng một người.

- Tình huống, hoàn cảnh giao tiếp

Yếu tố này cũng ảnh hưởng đến ấn tượng về người khác trong chúng ta

Ngoài một số yếu tố trên, còn có những hiệu ứng trong quá trình hình thành ấn tượng ban đầu như: hiệu ứng cái mới, hiệu ứng hào quang, ngôi sao. . .

* Thời gian hình thành ấn tượng ban đầu

Có thể nói rằng, những giây phút đầu tiên của cuộc tiếp xúc là những giây phút quyết định hình ảnh của chúng ta trong con mắt của người khác.

* Làm thế nào để tạo được ấn tượng tốt?

Muốn gây ấn tượng trong lần đầu tiếp xúc, cần chú ý một số yêu cầu sau:

- Tạo bầu không khí thân mật, hữu nghị

- Bắt đầu bằng cách cùng nói về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm

- Nắm vững thời cơ và giây phút quyết định của cuộc tiếp xúc

Nói chung giây phút đầu tiên là bước khởi đầu then chốt, thường quyết định thành công hay thất bại của quá trình tiếp xúc sau đó. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, chúng ta vừa phải tìm hiểu người đối thoại, tạo sự sẵn sang hợp tác với họ, vừa phải biết chớp thời cơ để đạt mục đích. Điều này chứng tỏ năng lực của chúng ta. Trong trường hợp ngược lại, chúng ta có thể bị đánh giá là “dễ mến nhưng thiếu năng lực”.

1.4.3.2. Tự nhận thức trong giao tiếp

Trong giao tiếp, không những chúng ta nhận thức người khác mà còn tự nhận thức, khám phá bản thân mình (tự nhận thức), tức là tự xây dựng cho mình hình ảnh về bản thân. Tự nhận thức trong giao tiếp là nhận thức về chính bản thân mình, nhận thức được vị trí của mình trong mối quan hệ với những người khác trong quá trình giao tiếp, mức độ ảnh hưởng, uy tín của mình đối với họ…

Tự nhận thức giúp cá nhân điều chỉnh lời nói, hành vi, thái độ của bản thân cho phù hợp với vị trí quan hệ đó để đạt hiệu quả trong quá trình giao tiếp.

Cá nhân phải căn cứ vào mối quan hệ của mình và người cùng giao tiếp, tình huống, hoàn cảnh giao tiếp, căn cứ vào thái độ, ngôn ngữ, hành vi của họ để xác định vị trí, mức độ ảnh hưởng của bản thân. Đồng thời, cá nhân đối chiếu bản thân với người khác, với các chuẩn mực xã hội để nhận thức, đánh giá bản thân mình. Chỉ qua giao tiếp với người khác mà chúng ta biết mình được đánh giá, nhìn nhận như thế nào, nghĩa là hình dung ra mình trong con mắt của người khác, từ đó chúng ta có thể tự điều chỉnh để hoàn thiện bản thân.

Hình ảnh về bản thân là yếu tố đặc biệt quan trọng chi phối hành vi, cách ứng xử của chúng ta. Như vậy, muốn hành vi, ứng xử một cách hợp lý, chúng ta cần nhận thức đúng bản thân mình.

Tự nhận thức trong giao tiếp tạo ra chân dung tâm lý về bản thân, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thức mà con người ứng xử với người khác và chính bản thân mình.

Chân dung tâm lý là hình ảnh mà mỗi người tự xây dựng và hình dung về mình, nó biểu hiện bản chất cũng như các việc làm của chúng ta. Hình ảnh bản thân là thứ khung quy chiếu mà chúng ta soi theo đó để hành động.

* Chân dung tâm lý của bản thân được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau:

- Hình ảnh cơ thể: Ý thức về cơ thể, vóc dáng của mình đẹp hay xấu có thể làm cho chúng ta hãnh diện, tự tin hay khép nép, tự ti, e ngại trong giao tiếp.

- “Cái tôi” chủ quan: Cách mà mỗi người nghĩ về chính mình và cho rằng người khác nghĩ về mình như thế nào?

- “Cái tôi” lý tưởng: Cái tôi mà một cá nhân mong muốn bản thân mình trở thành (các mặt giá trị, lý tưởng, đạo đức…). Cái tôi lý tưởng thường được xây dựng trên biểu tưởng về một mẫu người được ngưỡng mộ hay ước muốn đi theo một lĩnh vực hoạt động có ích cho xã hội.

- Hình ảnh tâm lý theo các vai trò xã hội đang đảm nhận.

* Các khuynh hướng chân dung tâm lý:

- Khuynh hướng sàng lọc: ở đây con người thường tiếp nhận những gì mình thích theo một khung giá trị sẵn có với xu hướng loại bỏ những gì không phù hợp và giữ lại những gì được coi là phù hợp với hình ảnh của mình.

- Khuynh hướng hành động theo sự mong đợi của người thân. Đó là nỗ lực đáp lại khi có người khác (bố mẹ, thầy cô giáo, lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè…) quan tâm mong đợi ở mình điều gì? Đây là xu hướng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy con người phát triển cả về phương diện năng lực, đạo đức lẫn phương diện xúc cảm, tình cảm.

- Khuynh hướng vươn tới cái tôi lý tưởng: Khi ta mong đợi ở chính ta điều gì thì đó là động lực thúc đẩy ta hành động để đi tới đích. Khuynh hướng này có được khi cá nhân xác định được một cách rò ràng chân dung tâm lý của bản thân trong tương lai và có niềm tin vững chắc về khả năng mình có thể vươn tới.

* Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trong giao tiếp

Sự hiểu biết lẫn nhau có ý nghĩa quan trọng trong giao tiếp. Nó là cơ sở để các chủ thể giao tiếp đặt niềm tin vào nhau và xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và ổn định lâu dài. Vì vậy, trong giao tiếp, chúng ta cần biết tạo điều kiện tốt nhất cho sự hiểu biết lẫn nhau.

- Quan tâm đến con người là sự thể hiện tình cảm của con người trong cuộc sống.

“Niềm vui được chia sẻ, niềm vui nhân đôi Nỗi buồn được chia sẻ, sẽ vơi bớt đi một nửa”.

Quan tâm thể hiện ở sự thăm hỏi, thái độ tôn trọng, lắng nghe…

- Hiểu người: Khi giao tiếp với ai ta cần cố gắng hiểu con người về 3 mặt: sức khoẻ, thể chất, mặt xã hội và mặt gia cảnh.

Hiểu người là cơ sở của sự hợp tác để đạt mục tiêu của giao tiếp.

- Luôn tôn trọng con người.

Nhu cầu được tôn trọng là nhu cầu cao cấp của mỗi con người. Phải tôn trọng con người ngay cả khi người đó mắc khuyết điểm.

Chỉ tôn trọng mình là sa vào chủ nghĩa vị kỷ và không thể có những quan hệ cởi mở, gắn kết và hợp tác.

- Bắt đầu bằng cách cùng nói về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm

Không ai được phép tự đặt mình lên trên những người khác, dựa vào các đặc quyền như địa vị, quyền thế, chức tước, sức mạnh, tài năng hay sắc đẹp… Bổng lộc của những đặc quyền ấy giống như người hành khất sẽ mau chóng tan thành cát bụi.

- Thể hiện sự quan tâm đến con người:

Luôn khẳng định con người. Con người thường thích sự khen ngợi hơn là sự chê bai, trách móc. Vậy lời khen tặng và lời nịnh hót khác nhau ở chỗ nào? Chính là ở chỗ một đẳng thành thật tự đáy lòng và hoàn toàn không vụ lợi, còn một đằng chỉ ở ngọn lưỡi, giả dối để kiếm lời. Lời khen phải tự thâm tâm phát ra. Đừng tiếc những lời cảm ơn và khuyến khích.

- Quy tắc định vị: Đó là quy tắc đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, để cảm thông khi ứng xử, đặc biệt là khi cần góp ý với người nào đó.

- Quy tắc giữ chữ tín: Khi hứa với ai điều gì ta phải cân nhắc. Nếu không làm được thì không nên hứa, nhưng nếu đã hứa thì phải giữ lời.

Tục ngữ có câu: “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Nếu trong giao tiếp, chúng ta không giữ được lòng tin của người khác một lần thì họ khó có thể tin tưởng chúng ta những lần tiếp theo, thậm chí là hoàn toàn cắt cứt mối quan hệ xã hội đang có.

Lợi dụng sự bất hạnh của người khác để tự đặt mình lên trên người ta là yếu hèn và thiếu giáo dục.

1.4.4. Các cơ chế ảnh hưởng qua lại trong giao tiếp

1.4.4.1. Lây lan cảm xúc

Sự lây lan tâm lý là quá trình chuyển tỏa trạng thái cảm xúc từ cá thể này sang cá thể khác ở cấp độ tâm sinh lý nằm ngoài sự tác động của ý thức. Chính nhờ có sự lây lan tâm lý mà người ta có được sự đồng cảm với nhau trong giao tiếp.

Lực lây lan tâm lý được truyền đi theo nguyên tắc cộng hưởng, tỷ lệ thuận với số lượng của tập thể và cường độ cảm xúc được truyền.

Sự lây lan tâm lý có thể diễn ra theo hai cơ chế:

- Cơ chế dao động từ từ;

- Cơ chế bùng nổ.

1.4.4.2. Ám thị

Ám thị là dùng lời nói, việc làm, hành vi, cử chỉ tác động vào tâm lý của một cá nhân hoặc một nhóm người nhằm làm cho họ tiếp thu thông tin mà không có sự phê phán.

Ám thị có thể mang tính chất trực tiếp hoặc gián tiếp:

- Ám thị mang tính trực tiếp là tác động trong lúc người này thông báo cho người kia những ý nghĩ khiến người kia phải tiếp nhận và thực hiện không bàn cãi;

- Ám thị gián tiếp thì phải đi theo đường vòng để đạt mục đích trên.

Tính bị ám thị phụ thuộc vào từng người, từng lứa tuổi, giới tính và từng hoàn cảnh. Tính bị ám thị của con người tăng lên khi người ta hoang mang, dao động hoặc đang bị chi phối bởi một nhu cầu mãnh liệt nào đó.

1.4.4.3. Áp lực nhóm

Trong giao tiếp tập thể, phản ứng của một thành viên thường bị chi phối bởi phản ứng của số đông. Hiện tượng này gọi là áp lực nhóm.

Tính áp lực nhóm phụ thuộc vào những yếu tố sau: những đặc trưng của cá nhân phải chịu áp lực nhóm, những đặc trưng của nhóm là chủ thể tạo ra áp lực, mối quan hệ giữa cá nhân với nhóm và hoàn cảnh, nội dung nhiệm vụ, mức độ quan tâm của cá nhân với nhiệm vụ đó.

1.4.4.4. Bắt chước

Bắt chước là sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại các hành động, hành vi, tâm trạng, cách thức suy nghĩ, ứng xử của một người hay một nhóm người nào đó.

Bắt chước là cơ chế quan trọng để hình thành nên chuẩn mực, giá trị của nhóm, của xã hội. Thông qua bắt chước, mỗi cá nhân xây dựng nên cách xử sự của mình phù hợp với chuẩn mực của xã hội.

Bắt chước thường được diễn ra theo quy luật nhất định: bắt chước được thực hiện từ bản chất đến hình thức, từ dưới lên trên theo bậc thang của xã hội…

1.4.4.5. Thuyết phục

Thuyết phục là phương pháp tác động xây dựng trên cơ sở tính lôgic, tính chặt chẽ, xác đáng của các lập luận nhằm làm thay đổi quan điểm, thái độ của người khác hoặc nhằm xây dựng nên quan điểm mới.

Hiệu quả của thuyết phục phụ thuộc vào các yếu tố như uy tín của người thuyết phục, tính chặt chẽ lôgic của lý lẽ đưa ra, một số đặc điểm tâm lý cá nhân, hoàn cảnh diễn ra sự thuyết phục, cách thức thuyết phục…

1.4.4.6. Bầu không khí tâm lý trong giao tiếp

Bầu không khí tâm lý trong giao tiếp được hiểu là tính chất của các mối quan hệ qua lại giữa người với người trong giao tiếp.

Các thành phần tâm lý như sự tương hợp tâm lý, tâm trạng chung của mọi ngời sẽ được vận động trong mối quan hệ qua lại với nhau để tạo ra bầu không khí tâm lý trong giao tiếp.

Cơ sở tâm lý của sự tương hợp là sự đồng nhất tâm trạng, xu hướng, tính cách, khí chất, tình cảm, ý chí và nhận thức của chủ thể và đối tượng giao tiếp.

Một khi đã hình thành, bầu không khí tâm lý trong giao tiếp sẽ được biểu hiện ở khí thế hào hứng hay không, sự thuận hòa - đồng cảm - thiện cảm hay xích mích - lạnh lùng - ác cảm, sự sảng khoái - hồ hởi hay nặng nề - buồn tẻ, thỏa mãn hay không thỏa mãn...

Nhờ các cơ chế trên mà các cá nhân ảnh hưởng, tác động qua lại với nhau về nhận thức, thái độ và hành vi.

* NỘI DUNG ĐỌC THÊM

Giao tiếp là một quá trình nên nó được diễn ra theo các giai đoạn nhất định. Quá trình giao tiếp có các giai đoạn cơ bản sau:

1. Giai đoạn lập kế hoạch giao tiếp

Để thực hiện thành công, hiệu quả quá trình giao tiếp, đầu tiên phải lập kế hoạch cho cuộc giao tiếp, nhất là đối với các cuộc giao tiếp chính thức, quan trọng.

Trong giai đoạn này, cá nhân thực hiện các nội dung công việc sau:

- Xác định mục đích, yêu cầu của cuộc giao tiếp

- Tìm hiểu thông tin về đối tượng giao tiếp

- Xác định nội dung, hình thức giao tiếp

- Dự kiến phương pháp, phương tiện giao tiếp

- Dự kiến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình giao tiếp và biện pháp giải

quyết


- Xác định địa điểm, thời gian giao tiếp

Việc xác định các yếu tố trên càng rò ràng, cụ thể thì cá nhân càng chủ động, tự tin

và khả năng thành công trong giao tiếp càng lớn.

2. Giai đoạn triển khai giao tiếp

a) Mở đầu quá trình giao tiếp

Chức năng cơ bản của giai đoạn này là nhận thức về đối tượng giao tiếp.

Nhận thức cảm tính là hạt nhân của giai đoạn này. Khi mới gặp nhau, con người thường thông qua quan sát để thu thập thông tin ban đầu về đối tượng giao tiếp như: dáng người, ánh mắt, nét mặt, trang phục…Giai đoạn này được coi là giai đoạn định hướng trong giao tiếp. Đối với người lạ, lần đầu tiếp xúc, các giác quan của cả chủ thể và đối tượng giao tiếp đều hoạt động tích cực để tiếp nhận thông tin từ phía bên kia.

Việc thu thập các thông tin ban đầu về đối tượng giao tiếp cũng có sự khác biệt giữa các giới, các lứa tuổi khác nhau. Vì giai đoạn này, hầu hết các thông tin thu thập là thông

qua thị giác nên trong quản lý xã hội, người ta quy định sắc phục cho một số nghề như công an, bộ đội, bác sĩ và ở nhiều cơ quan, công ty hay trường học cũng có quy định về đồng phục để người xunh quanh dễ dàng phân biệt và định hướng trong giao tiếp.

Mở đầu quá trình giao tiếp, có sự tham gia của trực giác, ở đây còn gọi là trực - cảm giác, nghĩa là sau khi nhìn, nghe các dấu hiệu cảm tính từ đối tượng giao tiếp, bằng vốn kinh nghiệm của mình mà cá nhân có sự phán đoán, dự báo tốt hay không tốt về đối tượng đó.

Giai đoạn này tạo ra ấn tượng ban đầu về nhau trong quá trình giao tiếp. Nó có vai trò định hướng, ảnh hưởng trong suốt quá trình giao tiếp. Vì vậy, để quá trình giao tiếp diễn ra thuận lợi và có hiệu quả, cần tạo ra ấn tượng ban đầu tốt đẹp, tức là tạo ra sự thiện cảm, tin cậy của người cùng giao tiếp. Muốn vậy, từ trang phục đến ánh mắt, nét mặt, cử chỉ điệu bộ, giọng nói, tác phong cần tự tin, đàng hoàng, lịch sự, cởi mở, phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh giao tiếp.

b) Diễn biến quá trình giao tiếp

Đây là giai đoạn chính, quan trọng nhất của quá trình giao tiếp. Mục đích của quá trình giao tiếp có đạt được hay không, cuộc giao tiếp thành công hay thất bại được quyết định bởi giai đoạn này.

Trong giai đoạn diễn biến của quá trình giao tiếp, các cá nhân trong sẽ dần bộc lộ sinh động, rò ràng và chân thực bản chất của mình. Giữa chủ thể và đối tượng giao tiếp có sự hoán đổi vai trò thường xuyên cho nhau. Giữa các chủ thể xảy ra sự tri giác lẫn nhau, trao đổi các thông tin, cảm xúc, tác động qua lại với nhau. Mỗi cá nhân tự bộc lộ những ý kiến, tâm tư, tình cảm của mình đồng thời cũng thu thập thông tin, nhận thức và tác động đến người cùng giao tiếp.

Trong quá trình này, các chủ thể sử dụng các cách thức, nghệ thuật, phương tiện giao tiếp để đạt mục đích của quá trình giao tiếp. Kế hoạch giao tiếp được thực hiện nhưng có sự thay đổi một cách mềm dẻo, linh hoạt phù hợp với tình huống, hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.

Để thực hiện thành công quá trình giao tiếp, cần sử dụng hợp lý các phương pháp, phương tiện giao tiếp. Lời nói phải chính xác, rò ràng, biểu cảm, phù hợp với đối tượng, nội dung, hoàn cảnh giao tiếp. Bên cạnh đó, ánh mắt, nét mặt, tư thế, tác phong thể hiện sự tự tin, lịch sự, tôn trọng người cùng giao tiếp.

3. Giai đoạn kết thúc - đánh giá quá trình giao tiếp

Kết thúc quá trình giao tiếp phải làm cho các bên khẳng định lại nội dung quan trọng, chủ yếu của cuộc giao tiếp, để lại ấn tượng tốt đẹp về nhau, mong muốn duy trì và phát triển mối quan hệ đang có.

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 16/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí