phụ nữ
Cũng như mọi tác động ảnh hưởng đến người phụ nữ bị VS, tác động từ cộng đồng cũng có cả mặt tích cực và tiêu cực. Theo suy nghĩ của những đối tượng tham gia phỏng vấn, chủ yếu họ chỉ nhìn thấy những tác động tiêu cực từ cộng đồng, có thể cố tình nhưng đôi khi có thể chỉ là sự quan tâm tình cờ nhưng lại vô tình gây tổn thương về mặt tâm lý cho người phụ nữ. “…trước mặt mình người ta cứ làm như vẻ xót xa cho mình nhưng thực tế sau lưng người ta cũng ích kỷ, cũng nói to nhỏ xì xào” (phụ nữ 36T, nông dân, nông thôn).
Hơn thế nữa, nhiều phụ nữ cảm thấy mặc cảm tội lỗi khi nguyên nhân VS do mình, bởi truyền thống của người Việt Nam thì người phụ nữ có chức năng sinh sản mới chứng minh mình là một người đàn bà đích thực, người phụ nữ 28T, VS I, giáo viên, thành thị cho biết như thế. Và có phụ nữ không nghĩ rằng mình có thể sống được với áp lực là một người phụ nữ không thể sinh con, bởi đàn bà không có con thì chỉ giống như “một con cá rô” (phụ nữ 27T, VS II, nhân viên thư viện, nông thôn).
Đó là chưa kể có những người hàng xóm thật sự ác ý với những người phụ nữ bất hạnh “…có cái việc con gà chạy sang mà mình có đuổi thì người ta bảo là: “Mi ăn mi để làm gì để cho gà nhà tau ăn với, mi có con đâu mà phải này nọ”… Người ta cứ lấy việc không có con của mình ra để nhiếc móc, chửi rủa.” (phụ nữ 41T, buôn bán nhỏ, nông thôn).
Điều đó càng làm cho người phụ nữ xa lánh cộng đồng, không có được sự chia sẻ động viên tinh thần cũng như những thông tin hữu ích có thể giúp ích cho sự tiếp cận với dịch vụ điều trị. “. .. Em muốn đi đâu cũng được, đừng ai biết em, đừng ai hỏi em…” (phụ nữ 37T, nông dân, miền núi).
Như vậy, ảnh hưởng tiêu cực của cộng đồng không những làm cho người phụ nữ bị nhấn chìm hơn vào sự khủng hoảng vì thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết của cộng đồng mà có thể làm cho họ mất đi niềm tin ở tương lai và có thể mất đi sự chia sẻ quí giá về thông tin từ những người xung quanh giúp họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ HTSS. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của cộng đồng cũng phải hết sức
thận trọng vì đôi khi nếu không tế nhị, những sự hỗ trợ đó sẽ có tác dụng ngược lại sẽ làm cho tình trạng khủng hoảng tinh thần của người phụ nữ VS lại thêm trầm trọng hơn [93], [134].
Có thể bạn quan tâm!
- Phân Tích Những Ảnh Hưởng Tác Động Đến Người Phụ Nữ Bị Vô Sinh Do Nguyên Nhân Vòi Tử Cung
- Những Ảnh Hưởng Lên Thể Chất Người Phụ Nữ
- Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng của vô sinh do vòi tử cung đến phụ nữ tại Thanh Hóa - 14
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
4.2.6. Bàn luận về những ảnh hưởng từ định kiến của các yếu tố văn hóa, xã hội và tôn giáo gây áp lực lên người phụ nữ
Trong quan niệm của xã hội Việt Nam, chức năng chính của một người phụ nữ là sinh con, thậm chí sinh được con cũng chưa đủ mà phải sinh con trai. Vì thế, một người phụ nữ không sinh được con không được xã hội chấp nhận, luôn bị coi thường.
Kết quả này tương tự như vài nghiên cứu đã được tiến hành tại Việt Nam [5], [7]. Đối với những nước phương Đông, tuy có khác nhau về các vấn đề xã hội, nhân chủng học, kinh tế, địa lý, và ý thức xã hội của từng nền văn hóa, nhưng hầu như đều chung một điểm là yếu tố giới- nguyên nhân VS do người phụ nữ bao giờ cũng là gánh nặng tinh thần đưa đến áp lực buộc người phụ nữ phải có con bằng mọi giá nếu không muốn mất đi vị thế của mình trong gia đình và mất hạnh phúc trong hôn nhân [44], [87], [96].
Định kiến xã hội cho rằng không có con là do thất đức, kiếp trước ăn ở bạc bẽo hoặc vì một lý do nào đấy nên bị thần linh trừng phạt. Xuất phát tử quan niệm này, nhiều phụ nữ phải đi kêu cầu, lễ lạt ở các đền chùa để mong có thể có con như kết quả phỏng vấn đã cho thấy. Cũng có thể có những người không tin vào điều này, tuy nhiên phần lớn các đối tượng nghiên cứu đều cho biết có đi lễ lạt, chùa chiến cầu khấn xin có con chứng tỏ ngoài việc tìm kiếm mọi cơ hội để có con, niềm tin vào quan hệ nhân quả, vào sự chi phối của một đấng tối cao nào đó vẫn ngự trị trong tâm trí những người phụ nữ, kể cả những phụ nữ có trình độ học vấn cao.
Việc quan niệm con cái do các đấng bề trên chi phối, không có con là do bị trừng phạt gặp tương đối nhiều ở những nước châu Á và những nước đang phát triển [84], [87], [93]. Và điều đó càng làm tăng thêm gánh nặng tâm lý lên người phụ nữ, vì họ bị xem như chính là những “thủ phạm” của những “tội lỗi” này.
Hoặc có thể, điều mà làm cho người phụ nữ VS luôn lo lắng và tìm cách giấu diếm ngoài chuyện do vô phúc thất đức nên mới mất khả năng sinh đẻ (phụ nữ 37T, nông dân, miền núi), mà còn định kiến xã hội cho rằng lỗi của người phụ nữ cũng có thể do quan hệ nhân quả, chơi bời hư hỏng mới bị VS do tắc 2 VTC “…người ta bảo mình ngày xưa hư hỏng nên mới bị tắc vòi trứng…”(phụ nữ 29T, giáo viên, nông thôn).
Như vậy, VS không đơn thuần chỉ là một tình trạng không sinh nở được. Những phụ nữ bị VS ở những nước đang phát triển thường liên quan đến sự sỉ nhục của xã hội, khó khăn về kinh tế, bị gia đình, xã hội, cộng đồng xa lánh và thậm chí bị bạo hành, đặc biệt bởi chính những ông chồng của họ [140].
Thông qua 10 cuộc phỏng vấn, sự dồi dào về nguồn thông tin kể cả về những thông tin nhạy cảm nhất được cung cấp cho thấy phụ nữ rất sẵn sàng hợp tác với BS điều trị với hy vọng được chia sẻ và được tiếp nhận những tư vấn cụ thể theo từng trường hợp VS và hoàn cảnh của mình. Đây cũng là một thế mạnh trong nghiên cứu định tính được thực hiện bởi những nhà lâm sàng. Nhận xét này cũng trùng hợp với nghiên cứu từ Katja cho thấy những nhà chuyên khoa vô sinh có lợi thế hơn các nhà tâm lý khác khi tiếp cận đánh giá sự ảnh hưởng về mặt tinh thần của phụ nữ bị VS [82].
Nghiên cứu phỏng vấn sâu khác của Wilkes S. cũng cho thấy sự quan trọng của hệ thống CSSKSS giữa người bệnh và thầy thuốc trong đó lấy người bệnh làm trung tâm sẽ giúp đỡ những cặp vợ chồng VS có được sự tư vấn trợ giúp về tinh thần và có được những quyết định đúng đắn trong từng trường hợp cụ thể [143].
Nhìn chung, rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa về chăm sóc sức khỏe cho những phụ nữ bị VS, không những về mặt điều trị y tế, mà còn những liệu pháp tâm lý trị liệu và đặc biệt cần hơn nữa sự giúp đỡ của cộng đồng để hỗ trợ tư vấn về tâm lý và tinh thần cho người phụ nữ bị VS. Những phụ nữ sống ở nông thôn, thu nhập thấp và sống cùng với gia đình nhà chồng là nhóm phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng VS mà đặc biệt nguyên nhân lại bắt nguồn từ phía họ.
KẾT LUẬN
1. Một số yếu tố nguy cơ trong tiền sử sản phụ khoa có mối liên quan chặt chẽ với VS do nguyên nhân VTC trong nghiên cứu
Sau khi phân tích các yếu tố bằng mô hình hồi qui đa biến, những yếu tố được coi như là yếu tố làm tăng nguy cơ VS do VTC trong tiền sử sản phụ khoa gồm có:
- Phụ nữ có TS mổ lạc NMTC có nguy cơ VS do nguyên nhân VTC gấp 4,6 lần so với những phụ nữ không có TS mổ lạc NMTC có cùng nơi cư ngụ.
- Phụ nữ có TS NPT không bị tai biến có nguy cơ tăng VS do nguyên nhân VTC cao gấp 5,7 lần, bị tai biến sau NPT có nguy cơ tăng gấp 28,3 lần so với phụ nữ không có TS NPT có cùng nơi cư ngụ; Phụ nữ có TS NPT bằng phương pháp hút thai và được dùng kháng sinh sau NPT làm giảm nguy cơ VS do nguyên nhân VTC so với phụ nữ có TS NPT không phải bằng phương pháp hút thai và không được dùng kháng sinh sau NPT có cùng nơi cư ngụ.
- Phụ nữ có TS VSD càng lâu và càng có nhiều đợt viêm cấp thì nguy cơ VS do VTC càng cao. Phụ nữ có thời gian VSD >1 năm sẽ làm tăng nguy cơ VS do nguyên nhân VTC gấp 4,8 lần so với phụ nữ có TS VSD ≥ 1 năm có cùng nơi cư ngụ, phụ nữ có TS VSD từ <3 đợt trở lên giảm nguy cơ VS do VTC xuống còn 0,4 lần so với phụ nữ có TS VSD ≥ 3 đợt trở lên có cùng nơi cư ngụ. Phụ nữ có TS nhiễm Chlamydia làm tăng nguy cơ VS do nguyên nhân VTC lên gấp 12,8 lần so với phụ nữ không có TS nhiễm Chlamydia có cùng nơi cư ngụ.
- Phụ nữ sống ở thành thị có nguy cơ bị VS do nguyên nhân VTC tăng gấp 2,8 lần so với phụ nữ sống ở các vùng khác có cùng các yếu tố nguy cơ.
2. Vô sinh do vòi tử cung ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ
- VS do nguyên nhân người phụ nữ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần và thể chất của người phụ nữ do bản thân người phụ nữ bị áp lực nặng nề về chi phí y tế, mất đi vị trí trong gia đình và xã hội, bị cô lập và tự cô lập trong cộng đồng do không có khả năng sinh con, hôn nhân không bền vững, nguy cơ bị ngoại
tình, đa thê, và ly hôn là rất cao.
- Phụ nữ bị VS hiện nay không được hỗ trợ kể cả bảo hiểm y tế hoặc bất cứ một tổ chức xã hội nào, cũng như không có sự tư vấn giúp đỡ tinh thần riêng biệt trong hệ thống y tế ở Việt Nam. Yếu tố giới luôn là lực cản khiến gánh nặng chi phí không chỉ dồn lên vai người phụ nữ mà luôn cả gia đình của người phụ nữ bị VS.
- Bị áp lực nặng nề từ phía chồng, gia đình và xã hội, thiếu sự động viên, hỗ trợ của những người xung quanh, thiếu sự quan tâm, gặp nhiều ác cảm của cộng đồng, định kiến nặng nề của xã hội và tôn giáo càng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ VS.
- Thiếu vắng sự trợ giúp của hệ thống CSSKSS đặc biệt tuyến y tế cơ sở do đó người phụ nữ bị VS thiếu những thông tin cần thiết, không được trợ giúp về tinh thần, tư vấn phương hướng điều trị cụ thể nên nhiều phụ nữ bị mất phương hướng trong điều trị, dẫn đến việc tìm kiếm những phương pháp điều trị không khoa học, lãng phí thời gian và tiền bạc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tỷ lệ thành công sau này.
KHUYẾN NGHỊ
1. Viêm nhiễm là những yếu tố cần quan tâm hơn nữa cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là tầm soát Chlamydia và điều trị hợp lý. Kiểm soát tốt viêm nhiễm và tư vấn điều trị kháng sinh hạn chế nguy cơ viêm nhiễm trong những trường hợp có can thiệp thủ thuật đối với phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ như DCTC và NPT.
2. Tư vấn, truyền thông và giáo dục tuyên truyền để những cặp vợ chồng bị VS không bị mặc cảm, tự ti, xấu hổ, đặc biệt là người phụ nữ, có thể rút ngắn được quá trình điều trị, tiết kiệm tiền bạc và tăng tỷ lệ có thai. Đặc biệt, tư vấn tuyên truyền cho những phụ nữ bị VS do nguyên nhân VTC không theo đuổi các phương pháp điều trị bằng thuốc nam và đông y làm cho người phụ nữ vừa tốn kém vừa mất đi cơ hội có thai do mất thời gian theo đuổi.
3. Các nhà chính trị và hoạch định chính sách trong y tế cần có sự quan tâm hơn nữa để cân bằng giữa chính sách dân số và nhu cầu có con của những cặp vợ chồng VS. Nên lồng ghép nhiều hơn nữa vào các chương trình CSSKSS ban đầu các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ thông tin cần thiết cho các cặp vợ chồng VS trong bối cảnh nhạy cảm của nền văn hóa và dân tộc khác nhau. Cần có những chính sách y tế hỗ trợ cho đối tượng phụ nữ bị VS, nên xem VS như một bệnh lý mãn tính đối với đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng. Hoặc có thể xem VS là một bệnh lý mãn tính được chăm sóc đặc biệt và được hưởng mức qui định hỗ trợ viện phí đặc biệt như là các bệnh lý đòi hỏi các kỹ thuật cao được chi trả một phần.
4. Cần có nhiều nghiên cứu có tầm cỡ ở nhiều vùng địa lý khác nhau để có được bức tranh toàn cảnh về VS do nguyên nhân VTC trong mối liên hệ giữa các yếu tố nguy cơ, công tác tư vấn truyền thông cũng như dịch vụ y tế phù hợp cho từng vùng địa lý.