Nghiên cứu chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự DMZ ở Quảng Trị - 2


HÌNH


DANH MỤC HÌNH, SƠ ĐỒ

Hình 1.1: Quy trình kinh doanh chương trình du lịch 19

SƠ ĐỒ

Sơ đồ 1.1: Những dung sai trong quá trình hình thành và thực hiện sản phẩm lữ hành 29

Sơ đồ 1.2: Quản lý chất lượng chương trình du lịch 30


1. Lý do chọn đề tài

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 164 trang tài liệu này.


MỞ ĐẦU

Nghiên cứu chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự DMZ ở Quảng Trị - 2

Quảng Trị là một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Trị là mảnh đất anh hùng, nơi đây một thời được xem là “ chiến địa”, “trấn biên”, “phên dậu” của cuộc đối đầu lịch sử giữa hai thế lực: Cách mạng và phản cách mạng, nơi chứng kiến nỗi đau đất nước bị chia cắt dằng dặc hơn 20 năm. Mảnh đất và con người Quảng Trị có biết bao huyền thoại được nhân loại biết ơn và khâm phục. Con người nơi đây anh hùng, bất khuất với những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông rất đỗi thân quen mà giàu chất sử thi, rất đỗi bình dị mà có sức lay động lòng người.

Quảng Trị có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, nhiều danh thắng đẹp nổi tiếng và có những địa danh mang dấu ấn về quá khứ của chiến tranh như: sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, hàng rào điện tử Mcmanara, địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Căn cứ Làng Vây, nghĩa trang Trường Sơn, căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, đường mòn Hồ Chí Minh, Đảo Cồn Cỏ ... Những di tích lịch sử này đã trở thành “thương hiệu” du lịch lịch sử của Quảng Trị.

Những sản phẩm du lịch của Quảng Trị phần lớn được tạo nên bởi những di tích lịch sử, những câu chuyện hào hùng của quân và nhân dân Việt Nam qua các cuộc chiến tranh bảo vệ đất mẹ. Đây chính là điều làm nên sự khác biệt rõ rệt so với sản phẩm du lịch ở các địa phương, vùng miền khác. Bởi thế, từ những năm 1990 đến 1997 chương trình du lịch lịch sử ở Quảng Trị rất nổi tiếng không một nơi nào có được. Đó là chương trình du lịch DMZ - viết tắt từ tiếng Anh Demilitaried Zone (khu phi quân sự) - ngày nay là vùng du lịch được ưu tiên viếng thăm hàng đầu với khách quốc tế khi đến miền Trung.

Trong những chương trình du lịch hoài niệm đến Quảng Trị thăm chiến trường xưa, các cựu chiến binh của Mỹ đã thực sự bị gây ấn tượng mạnh vì những địa điểm nơi đây. Một số cựu chiến binh Mỹ khi tham gia vào chương trình du lịch này cũng đánh giá cao và cho rằng đây là một sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn và là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ.


Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, ngành du lịch Quảng Trị nói chung, việc tổ chức và khai thác chương trình du lịch DMZ nói riêng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Điều này được phản ánh qua số lượng khách du lịch tham gia chương trình này ngày càng giảm, nhiều du khách than phiền, thậm chí thất vọng về chất lượng vận chuyển, chất lượng lưu trú, chất lượng hướng dẫn du lịch của hướng dẫn viên, cách bố trí thời gian giữa các điểm tham quan không hợp lý....Từ đó khi nói đến chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị chúng ta nhận được nhiều nhận định chung là “Giàu tiềm năng nhưng kém chất lượng”. Điều này là do sự “mai một” và “yếu kém” trong việc tổ chức chương trình du lịch.

Bên cạnh đó, việc thiếu đánh giá định kỳ để có phương án điều chỉnh, bồi dưỡng và sáng tạo trong cách làm để chương trình du lịch DMZ luôn hấp dẫn du khách được đánh giá là thiếu sót lớn của công tác nghiên cứu và quản lý. Thông tin phản hồi từ các nhà nghiên cứu, các nhân chứng sống, du khách, đội ngũ tổ chức, quản lý, thực hiện chương trình du lịch theo từng khoảng thời kỳ nhất định là vô cùng quý giá, cấp thiết, giúp cho các nhà quản lý, các nhà kinh doanh du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên sớm phát hiện ra vấn đề, cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm từng bước khắc phục và góp phần nâng cao chất lượng chương trình du lịch và đảm bảo sự phát triển bền vững của chương trình.

Xuất phát từ vấn đề bức thiết đó, trong khuôn khổ của luận văn thạc sĩ chuyên ngành du lịch học, được hội đồng khoa học chấp thuận cho thực hiện đề tài “Nghiên cứu chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị” với mong muốn đóng góp để chương trình này thực sự là một chương trình du lịch văn hoá - lịch sử thú vị, mang ý nghĩa về nguồn rất rõ ràng, đầy tính giáo dục truyền thống.

2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu của đề tài

Chất lượng thực hiện chương trình du lịch luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà kinh doanh dịch vụ du lịch, nó tác động trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và sự sống còn của doanh nghiệp. Thực tiễn nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch cho


thấy đã có rất nhiều nghiên cứu về chất lượng chương trình du lịch cả về phương diện lý thuyết và nghiên cứu trong những trường hợp cụ thể như giáo trình: “Quản trị kinh doanh lữ hành, Nghiệp vụ lữ hành của trường Đại học kinh tế Quốc dân”, luận văn thạc sĩ “Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Sầm Sơn, Thanh Hoá” (Trần Quốc Hưng, 2013), đề tài “nâng cao chất lượng chương trình du lịch dành cho khách nội địa tại Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hồng Gai chi nhánh Hà Nội” (Phạm Thị Vân, 2008) . Hay một số đề tài luận văn, đề tài nghiên cứu cấp Bộ về dịch vụ hoặc chất lượng dịch vụ trong đó có đề cập tới chất lượng dịch vụ hướng dẫn du lịch như đề tài: “Nghiên cứu chất lượng dịch vụ hướng dẫn du lịch chương trình “Hành trình di sản miền Trung”“ (Bùi Thị Tám, 2008); “Phân tích chất lượng dịch vụ hướng dẫn du lịch tại các di tích lịch sử văn hoá tại Hà Nội” (Nguyễn Thị Minh Ngọc, 2008). Tuy nhiên các đề tài đa số chỉ đề cập tới chất lượng dịch vụ hướng dẫn du lịch, đây chỉ là một phần trong toàn bộ chương trình du lịch. Về chất lượng chương trình du lịch, các đề tài chỉ tập trung nghiên cứu chất lượng chung cho các chương trình du lịch tại một công ty lữ hành như đề tài “Một số giải pháp nâng cao chất lượng chương trình du lịch cho khách du lịch quốc tế đến Hà Nội của các công ty lữ hành trên địa bàn Hà Nội” (Lê Thị Lan Hương, 2005) mà chưa có đề tài nào nghiên cứu chất lượng cho một chương trình du lịch cụ thể.

Đối với chương trình du lịch “Vùng phi quân sự ở Quảng Trị” cũng được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nhiều luận văn, nhiều bài viết đề cập đến, tuy nhiên chủ yếu đề cập đến lịch sử của các điểm di tích có trong chương trình DMZ ở Quảng Trị hay nghiên cứu sự phát triển cho loại hình du lịch này như đề tài: “Khu phi quân sự vỹ tuyến 17 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954 - 1967” (Hoàng Chí Hiếu, 2011), mà chưa có đề tài nào thật sự đi sâu vào việc nghiên cứu chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị.

Qua đó có thể thấy việc nghiên cứu chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị là lĩnh vực mới chưa có đề tài nghiên cứu nào trước đây đề cập tới.


3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của đề tài là đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Với mục tiêu nghiên cứu như trên, đề tài tập trung giải quyết các vấn đề sau:

- Hệ thống hoá cơ sở lý luận về chất lượng chương trình du lịch;

- Khảo sát, đánh giá chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị;

- Đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm góp phần nâng cao chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

4.2.1. Phạm vi về nội dung

Đề tài nghiên cứu chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị. Do vậy, tác giả chỉ tập trung xem xét chương trình du lịch đã được thiết kế và chất lượng thực hiện chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị dưới góc độ đánh giá của chuyên gia, khách hàng và hướng dẫn viên.

4.2.2. Phạm vi không gian nghiên cứu

Địa bàn nghiên cứu là vùng phi quân sự ở Quảng Trị (DMZ)

4.2.3. Phạm vi về thời gian

Thu thập tình hình, số liệu phục vụ cho việc nghiên cứu bắt đầu từ năm 2012 trở lại đây, đồng thời đề cập đến những xu hướng phát triển trong những năm tiếp theo.

5. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp trong quá trình nghiên cứu như: nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế, điều tra xã hội học, phỏng vấn, lấy ý kiến chuyên gia, so sánh đối chiếu, phân tích tổng hợp, khái quát hóa, ...


5.1. Khảo sát thực tế

Khảo sát thực tế được tiến hành tại 5 di tích đã lựa chọn là chủ yếu, các di tích khác chỉ mang tính tham khảo. Quá trình khảo sát được chia thành nhiều lần với mục đích và nội dung khác nhau. Trong đó có 5 đợt khảo sát chính được tiến hành vào tháng 1, tháng 2, tháng 3, tháng 6, tháng 12 năm 2014:

- Đợt khảo sát lần 1, lần 2 với mục đích tìm hiểu về tuyến hành trình, các điểm dừng tham quan, các hoạt động của đoàn khách trên xe và tại 5 điểm di tích đã lựa chọn và các điểm dừng dùng cơm của đoàn khách.

- Đợt khảo sát lần 3, lần 4 với mục đích tìm hiểu thực trạng chất lượng thiết kế và chất lượng thực hiện chương trình du lịch bao gồm chất lượng dịch vụ hướng dẫn, chất lượng dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú, các dịch vụ bổ sung và chất lượng dịch vụ tại 5 điểm di tích đã lựa chọn. Đóng vai là khách du lịch để quan sát, tìm hiểu các hoạt động và các dịch vụ cung cấp có trong chương trình du lịch.

- Đợt khảo sát lần 5 với mục đích điều tra, tìm hiểu những đánh giá, cảm nhận của du khách nội địa, khách quốc tế và hướng dẫn viên du lịch đối với chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị và những đóng góp của họ nhằm nâng cao chất lượng chương trình du lịch vùng quân sự ở Quảng Trị.

5.2. Điều tra xã hội học

Phương pháp điều tra xã hội học được thực hiện thông qua việc thu thập số liệu sơ cấp bằng phiếu khảo sát. Đối tượng điều tra bao gồm khách du lịch và hướng dẫn viên thực hiện chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị.

Khách du lịch trong nghiên cứu bao gồm khách du lịch nội địa và quốc tế tham quan và sử dụng các dịch vụ có trong chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị và hướng dẫn viên du lịch cho chương trình du lịch vùng phi quân sự để lấy ý kiến đánh giá chung, cũng như tìm ra sự khác biệt trong cách đánh giá với mục đích tìm ra nguyên nhân và các giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị cho các đối tượng khách.


Các di tích lịch sử văn hóa trong nghiên cứu bao gồm: Thành cổ Quảng Trị, Bảo tàng Tà Cơn, làng Vây, cầu Hiền Lương – sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc.

Phiếu khảo sát bao gồm các câu hỏi mở và câu hỏi đóng. Thang điểm đánh giá là từ 1 đến 5 điểm, trong đó điểm 1 thể hiện mức độ đánh giá thấp nhất và điểm 5 thể hiện mức độ cao nhất.

Nghiên cứu đánh giá chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị chủ yếu dựa vào nghiên cứu định lượng (khảo sát 100 khách du lịch nội địa, 50 khách quốc tế và 50 hướng dẫn viên du lịch).

5.3. Phỏng vấn

Để bổ sung cho phần nghiên cứu định lượng, tác giả cũng thực hiện nghiên cứu định tính (sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu) một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, khách du lịch, ban quản lý di tích và các chuyên gia du lịch. Thời gian phỏng vấn được tiến hành nhiều lần vào cuối năm 2014.

5.4. Phương pháp phân tích số liệu

Sử dụng phần mềm phân tích thống kê trong nghiên cứu khoa học xã hội phiên bản 15 (SPSS16.0). Các bước tiến hành để đảm bảo tính chính xác của việc thu thập, phân tích số liệu, lộ trình thực hiện được tiến hành như sau:

Bước 1: Dựa trên bảng hỏi dùng để điều tra, tiến hành xác lập bảng nhập số liệu trên SPSS.

Bước 2: Chạy thử các chức năng phân tích số liệu sẽ dùng dựa trên số liệu điều tra thử, từ đó điều chỉnh cả bảng hỏi và bảng nhập số liệu cho phù hợp.

Bước 3: Chạy số liệu thu được sau điều tra chính thức và phát hiện những sai số. Bước 4: Dùng các chức năng phân tích số liệu và đọc kết quả

- Cách thức tiến hành

Bước 1: Thu thập thông tin thứ cấp Bước 2: Điều tra bằng bảng hỏi

Bước 3: Tổ chức phỏng vấn sâu bằng nghiên cứu trường hợp


Bước 4: Tổ chức thảo luận nhóm về kết quả thu được về chương trình DMZ, nguyên nhân và giải pháp

Bước 5: Cập nhật và hoàn thiện báo cáo.

(Chi tiết quy trình nghiên cứu được đề cập ở mục 2.3.1. chương 2 của luận văn)


6. Những đóng góp mới của đề tài

Kết quả của đề tài sẽ đóng góp cho việc phát triển chương trình du lịch DMZ tại Quảng Trị đúng như giá trị lịch sử - văn hóa – du lịch vốn có của nó thông qua việc đánh giá và cung cấp dữ liệu về thực trạng chất lượng chương trình du lịch DMZ hiện nay và các giải pháp để cải thiện và phát triển chương trình. Đấy là cơ sở dữ liệu cho các nhà quản lý, nghiên cứu và điều hành du lịch nói chung và DMZ nói riêng.

7. Nội dung của đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, nội dung chính của đề tài bao gồm 3 chương: Chương 1. Cơ sở lý luận về chất lượng chương trình du lịch; Chương 2. Thực trạng chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị; Chương 3: Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng chương trình du lịch vùng phi quân sự ở Quảng Trị

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/09/2022