Tổng Quan Nghiên Cứu Về Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Thời Gian Kiểm Toán Bctc


1.2 Tổng quan nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán BCTC

KTV thường phải đối mặt với áp lực về quỹ thời gian hạn hẹp, mà trong nhiều trường hợp sự hạn hẹp này cũng xuất phát từ những áp lực về cạnh tranh và quá trình đấu thầu hợp đồng kiểm toán. Thời gian kiểm toán là một vấn đề quan trọng để ước tính và kiểm soát chi phí của một cuộc kiểm toán cho bất kỳ hãng kiểm toán nào. Theo khoản 1 Điều 44 của Luật Kiểm toán độc lập (2011) quy định các căn cứ để xác định phí dịch vụ kiểm toán bao gồm: “a) Nội dung, khối lượng và tính chất công việc; b) Thời gian và điều kiện làm việc của KTV hành nghề, KTV sử dụng để thực hiện dịch vụ;...d) Mức độ trách nhiệm và thời hạn mà việc thực hiện dịch vụ đòi hỏi”. Cũng trong khoản 2 Điều 44 cũng quy định giờ làm việc của KTV hành nghề, KTV là một trong ba phương thức để xác định phí dịch vụ kiểm toán. Thông thường, các hãng kiểm toán quốc tế cũng thường xác định giá phí kiểm toán dựa trên thời gian kiểm toán dự kiến thực hiện. Đối với các hãng kiểm toán quốc tế, điển hình là nhóm các DNKT thuộc nhóm bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới (Big4, bao gồm các hãng sau đây: Deloitte, PwC, E&Y và KPMG), thời gian kiểm toán cũng được sử dụng để thúc đẩy nhân viên trong nhóm kiểm toán đạt được mục tiêu với tính hiệu quả cao và để đánh giá kết quả làm việc của nhân viên kiểm toán (Marxen 1990; McDaniel 1990; Rasch và Harrell 1990; McNair 1991) và cũng là một trong các phương thức quan trọng được sử dụng bởi các DNKT để đánh giá và kiểm soát chất lượng, chi phí của cuộc kiểm toán (Kiger và Scheiner, 1997).

Cơ quan Quản lý Kế toán và DN Singapore (ACRA – Accounting and Corporate Regulatory Authority) đã tiến hành điều tra các công việc được thực hiện bởi KTV từ năm 2004 đến năm 2012 thông qua Chương trình Giám sát hành nghề (Practice Monitoring Programme – PMP). Từ các điều tra này, ACRA quan sát thấy chất lượng kiểm toán nghèo nàn thường bị gây nên bởi hai nguyên nhân chính, trong đó nguyên nhân gốc rễ đầu tiên là thiếu sự giám sát và soát xét bởi các thành viên có kinh nghiệm trong nhóm kiểm toán (từ KTV cao cấp trở lên). Việc thiếu thời gian thực hiện bởi các chủ nhiệm kiểm toán (CNKT) và thành viên Ban Giám đốc phụ trách cuộc kiểm toán (TVBGĐ) thường phát sinh những vấn đề lớn. Trong một số trường hợp, điều này gây ra bởi cấu trúc và chiến lược của công ty kiểm toán để duy trì số lượng chủ nhiệm và giám đốc kiểm toán quá ít so với các nhân viên cấp dưới (trợ lý kiểm toán), điều này được gọi là đòn bảy nhân viên. Với sự tìm hiểu nguyên nhân này, ACRA đã thiết lập và lựa chọn tám chỉ số chất lượng kiểm toán (AQIs). Tám chỉ số này được phát triển với sự tư vấn của các công ty kiểm toán và các ủy ban kiểm toán công ty niêm yết tại Singapore, trong đó nhân tố về số giờ kiểm toán được đưa vào như một chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng kiểm toán cho các hãng kiểm toán tại Singapore. Lập kế hoạch về


thời gian kiểm toán cũng được sử dụng để thúc đẩy các nhân viên kiểm toán làm việc có hiệu quả và hiệu năng và cũng một phần đánh giá kết quả hoạt động của đội ngũ KTV (Marxen 1990; McDaniel 1990; Rasch và Harrell 1990; McNair 1991). Tuy nhiên, nếu lên kế hoạch về thời gian kiểm toán quá ít, có thể dẫn đến những hành vi rối loạn chức năng như ký tắt hoàn thành công việc quá sớm dẫn đến chất lượng của hợp đồng kiểm toán không được đảm bảo (Jan Svanberg & Peter Ohman, 2013),...

1.2.1 Tổng quan các công trình nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán BCTC tại Việt Nam

Điều 45 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định quy trình cuộc kiểm toán gồm các bước: “a) Chấp nhận, duy trì khách hàng và lập kế hoạch kiểm toán; b) Thực hiện kiểm toán; c) Kết thúc kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán và xử lý sau kiểm toán”. Vì vậy, việc xác định thời gian kiểm toán có thể đo lường bằng số giờ được xác định từ khâu lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán cho đến khi kết thúc cuộc kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán. Cho đến thời điểm thực hiện luận án này, những nghiên cứu về thời gian kiểm toán là không nhiều, chủ yếu là các công trình do các nhà nghiên cứu nước ngoài thực hiện trong bối cảnh của các quốc gia trên thế giới, còn tại Việt Nam hầu như chưa đề cập đến. Các nghiên cứu của Việt Nam chủ yếu đề cập đến kiểm toán BCTC nói chung và những công trình có liên quan đến chất lượng kiểm toán, kiểm soát nội bộ,...

Liên quan đến nội dung kiểm toán BCTC, luận án tiến sĩ (LATS) của Đoàn Thị Ngọc Trai (2003) “Hoàn thiện tổ chức kiểm toán BCTC doanh nghiệp ở Việt Nam” nghiên cứu về tổ chức kiểm toán BCTC doanh nghiệp về các nội dung: tổ chức bộ máy kiểm toán, quy trình kiểm toán, xây dựng hệ thống chuẩn mực kiểm toán, đồng thời nghiên cứu thực nghiệm tại một số hãng kiểm toán lớn và tại Kiểm toán nhà nước, từ đó đánh giá thực trạng để đưa ra giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán BCTC do kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước thực hiện tại Việt Nam. LATS của Bùi Thị Thủy, 2014 “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán BCTC các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” xây dựng khung nghiên cứu, kết hợp với phân tích thực trạng tại Việt Nam đã hệ thống hóa thành 16 nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán BCTC của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến năm 2012, được chia thành ba nhóm: Nhóm nhân tố bên ngoài, nhóm nhân tố về KTV và nhóm nhân tố công ty kiểm toán. Trong số đó, tác giả đã phát triển 12 tiêu chí đo lường 3 nhân tố thuộc nhóm bên ngoài bao gồm môi trường pháp lý, kiểm soát bên ngoài, doanh nghiệp niêm yết,... Tác giả đã lượng hóa mức độ ảnh hưởng của 14 nhân tố thuộc ba nhóm như sau: 6 nhân tố thuộc nhóm KTV có mức độ ảnh hưởng giảm dần, gồm: kinh nghiệm chuyên sâu, ý thức, tính chuyên


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

nghiệp, áp lực, độc lập và trình độ bằng cấp; 3 nhân tố thuộc nhóm bên ngoài có mức độ ảnh hưởng giảm dần gồm công ty niêm yết, môi trường pháp lý và kiểm soát bên ngoài; 5 nhân tố thuộc về doanh nghiệp kiểm toán có mức độ ảnh hưởng giảm dần, gồm hệ thống kiểm soát chất lượng, điều kiện làm việc, phí kiểm toán/thời gian kiểm toán, danh tiếng và quy mô hãng kiểm toán. Thông qua kết quả khảo sát, phỏng vấn sâu, tác giả luận án đã đề xuất các nhóm giải pháp cần tập trung nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thị Lê Thanh, 2017 “Kiểm toán ước tính kế toán trong kiểm toán BCTC doanh nghiệp do các doanh nghiệp kiểm toán ở Việt Nam thực hiện” cho thấy tính chất phức tạp của khoản mục có tác động đến chất lượng kiểm toán, tác giả đã phỏng vấn, tìm hiểu thực trạng kiểm toán của khoản mục và đưa ra các giải pháp để hoàn thiện và nâng cao chất lượng kiểm toán đối với các ước tính kế toán tại Việt Nam. Luận văn thạc sỹ của Trần Thị Kim Liên, ĐH Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh năm 2016 “Nghiên cứu thực nghiệm về áp lực thời gian kiểm toán với phản ứng của KTV tại các công ty kiểm toán Việt Nam” có đề cập đến những nghiên cứu về áp lực thời gian kiểm toán. Luận văn đã phân tích sự tác động của áp lực thời gian kiểm toán đến các hành vi không đúng theo chức năng của KTV. Từ đó, tác giả xem xét một cách sâu sắc hơn liệu KTV độc lập tại Việt Nam có chịu áp lực về thời gian hoàn thành công việc kiểm toán hay không và các phản ứng của họ trước áp lực về quỹ thời gian kiểm toán bị hạn chế. Ngoài ra, tác giả đã đánh giá liệu có sự khác biệt giữa nhóm các công ty Big4 và không phải Big4 hoặc giữa các cấp bậc chức vụ chuyên môn về áp lực thời gian kiểm toán hay về cách mà họ phản ứng trước áp lực về quỹ thời gian kiểm toán để giúp cho các công ty kiểm toán, những người sử dụng BCTC được kiểm toán có cái nhìn tổng thể hơn về áp lực mà KTV phải chịu trong suốt quá trình thực hiện kiểm toán và cách thức phản ứng từ đó đưa ra các khuyến nghị về việc lập kế hoạch kiểm toán nói chung cũng như thời gian kiểm toán nói riêng có phù hợp với từng hãng kiểm toán có quy mô, cách thức hoạt động khác nhau hay giữa KTV giữ các chức vụ khác nhau nhằm giảm thiểu các phản ứng không phù hợp với chức năng của các KTV.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành cũng đề cập đến kiểm toán BCTC theo chủ thể kiểm toán. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của GS.TS Vương Đình Huệ (2001), “Các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập ở Việt Nam”, đề tài cấp Bộ của TS. Hà Thị Ngọc Hà cùng nhóm nghiên cứu (2011), “Các giải pháp hoàn thiện, tăng cường kiểm soát chất lượng công tác kiểm toán BCTC các đơn vị có lợi ích công chúng”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của GS.TS Đoàn Xuân Tiên (2008), “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kiểm toán ở Việt Nam

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện tại Việt Nam - 3


hiện nay”. Trong các nghiên cứu này chủ yếu đề cập đến thực trạng và các giải pháp đưa ra đối với các loại hình kiểm toán được đề cập, có nêu đến những nguyên nhân của thực trạng và gợi mở những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán BCTC, tuy nhiên vẫn chưa nghiên cứu đến yếu tố về thời gian kiểm toán và những nhân tố ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán.

1.2.2 Tổng quan các công trình nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán BCTC trên thế giới

Một số nghiên cứu hiện có trong những năm gần đây trên thế giới đã chỉ ra rằng thời gian KTV sử dụng để thực hiện cuộc kiểm toán phụ thuộc vào số lượng khách hàng và bởi chính KTV. Các nghiên cứu về những nhân tố ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán đã tập trung vào các vấn đề rủi ro kiểm toán, rủi ro kinh doanh có liên quan đến KTV, kinh nghiệm của kiểm toán viên, xét đoán chuyên môn của KTV. Trên thế giới cũng đã một số tác giả, nhưng số lượng không nhiều đưa ra gợi ý phân tích về các yếu tố tác động đến thời gian kiểm toán, nhưng các công trình mới chỉ dừng lại ở phân tích tác động của một khía cạnh, một yếu tố nào đó ảnh hưởng. Ví dụ như phân tích tác động của áp lực về phí kiểm toán và rủi ro khách hàng đến quyết định dự toán thời gian kiểm toán của những nhân sự kiểm toán cao cấp (Richard W. Houston, 1999), tác giả đề cập đến việc KTV sẽ phải luôn nỗ lực cân bằng giữa kiểm soát chi phí và tính hữu hiệu của cuộc kiểm toán trong một môi trường kiểm toán đầy cạnh tranh và chứa nhiều rủi ro kiện tụng. Tác giả có đưa ra những gợi ý rằng nếu rủi ro khách hàng tăng lên thì KTV sẽ lập kế hoạch về thời gian kiểm toán nhiều lên, chứ không liên quan trực tiếp đến áp lực về giá phí kiểm toán. Kết quả của nghiên cứu này đã đưa ra dự kiến rằng KTV sẽ báo cáo thời gian kiểm toán nhiều hơn đáng kể so với thời gian kiểm toán dự toán bởi áp lực của phí kiểm toán, và thời gian kiểm toán thực tế cũng cao hơn so với thời gian kiểm toán báo cáo; kết quả cơ bản của nghiên cứu cũng gợi ý rằng dự toán thời gian kiểm toán của nhân sự kiểm toán cao cấp ít phản ứng hơn đối với rủi ro khách hàng khi có sự hiện diện của áp lực phí kiểm toán, phù hợp với việc thực hiện kiểm soát chi phí của họ. Tuy nhiên, chính các tác giả cũng chỉ ra rằng nghiên cứu của họ là đánh giá tác động đến thời gian kiểm toán dự toán, thời gian kiểm toán thực tế thì có thể sẽ có những khác biệt. Mặc dù thời gian kiểm toán dự toán cũng là tín hiệu để phản ánh kế hoạch về nỗ lực kiểm toán; nhưng không phải là nhân tố cần thiết để chỉ ra những thủ tục kiểm toán được lập kế hoạch hay số giờ kiểm toán thực tế. Cụ thể, Hay những nghiên cứu liên quan đến tác động của chất lượng của các khoản dồn tích đến số giờ kiểm toán và phí kiểm toán (Myojung Cho và cộng sự, 2017). Nhiều công trình đưa ra những nghiên cứu về thời gian kiểm toán như một thước đo để đánh giá về nỗ lực kiểm toán,... Trong tổng


quan nghiên cứu về thời gian kiểm toán, Luận án cố gắng tìm kiếm các câu trả lời cho những câu hỏi có liên quan đến thời gian kiểm toán thực tế và các nhân tố ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán.

Xác định thời gian kiểm toán được quy định rõ ràng trong các bộ chỉ số chất lượng kiểm toán của một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Singapore,...trong đó có hướng dẫn chi tiết việc xác định số giờ kiểm toán như thế nào,...như một tiêu chí để những người quan tâm làm cơ sở định lượng để đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán.

Việc lên kế hoạch về thời gian kiểm toán cũng như thời gian kiểm toán thực tế có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố có thể kiểm soát được, có yếu tố không kiểm soát được. Việc thiết lập số giờ kiểm toán có thể bị ảnh hưởng bởi số giờ kiểm toán được thực hiện năm trước, những thay đổi dự tính của cuộc kiểm toán tiếp theo, việc sử dụng thời gian kiểm toán để thúc đẩy nhân viên và giá phí kiểm toán. Số giờ kiểm toán chính thức được quyết định bởi các nhân sự cao cấp là Thành viên Ban giám đốc phụ trách phụ trách hợp đồng kiểm toán (TVBGĐ) và chủ nhiệm cuộc kiểm toán (CNKT), những người sẽ xem xét chính sách của hãng kiểm toán trong việc thiết lập số giờ kiểm toán. Việc tồn tại những nhân tố không thể kiểm soát được có thể dẫn đến những vấn đề không lường trước được mà ảnh hưởng đến số giờ kiểm toán thực tế để hoàn thành cuộc kiểm toán. Mặc dù KTV cố gắng để dự báo những vấn đề này, nhưng họ không thể lượng trước được tất cả một cách đầy đủ.

Những nhân tố ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán có thể được phân loại thành bốn yếu tố: khách hàng, hãng kiểm toán, môi trường, và thành viên tham gia cuộc kiểm toán gọi chung là KTV (mặc dù có thể có một số biến bị trùng lặp giữa các loại).

Nhân tố khách hàng có thể bao gồm các biến như quy mô, tính phức tạp và rủi ro của khách hàng (Davidson và Gist, 1996; O’Keefe và cộng sự, 1994); mức độ phối hợp làm việc của nhân viên của khách hàng, khách hàng mới hay tiếp tục (Simon và Francis, 1998; Turpen, 1990); ngành nghề lĩnh vực của khách hàng (Stein và cộng sự, 1994); sự tồn tại của KTV nội bộ (Abdelkhalik và cộng sự, 1994; Wallace, 1984; Palmrose, 1986)... Quy mô, tính phức tạp và rủi ro của khách hàng đã được các nhà nghiên cứu trên thế giới nhận thấy là một nhân tố có ảnh hưởng chính đến số giờ kiểm toán, với những khách hàng lớn, phức tạp và rủi ro hơn yêu cầu nhiều thời gian hơn (Davidson và Gist, 1996; O’Keefe và cộng sự, 1994). Những khách hàng mới có thể sẽ khó khăn hơn trong việc ước tính thời gian kiểm toán chính xác bởi vì mất thời gian để tìm hiểu về hệ thống của khách hàng. Kiểm toán nội bộ có thể ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán bởi ảnh hưởng đến rủi ro kiểm soát và bởi khả năng của họ để thực hiện các thủ tục kiểm toán nhất định.


Nhân tố về hãng kiểm toán có thể bao gồm quy mô của hãng (Francis, 1984), loại hình và mức độ kỹ thuật được áp dụng (McDaniel, 1990; Gist, 1994), kết hợp các dịch vụ cung cấp (Beck và cộng sự, 1988; Davis và cộng sự, 1993), nhân tố về thăng tiến được sử dụng tại hãng kiểm toán (McNair, 1991), loại hình soát xét (Kelly và Margheim, 1990), đào tạo (Marxen, 1990), mức độ xã hội hóa (McNair, 1990),vv...Quy mô của hãng kiểm toán ảnh hưởng đến loại hình khách hàng mà hãng có khả năng kiểm toán và có thể dẫn đến tính kinh tế theo quy mô, điều có thể được xây dựng nên kế hoạch kiểm toán. Loại hình và mức độ áp dụng công nghệ kiểm toán có thể ảnh hưởng tương đối đến thời gian kiểm toán thông qua sự thay đổi cấu trúc chương trình kiểm toán. Việc kết hợp các dịch vụ cung cấp cho khách hàng có thể ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán vì “sự mở rộng hiểu biết”.

Nhân tố môi trường có thể bao gồm tình trạng của nền kinh tế, lãi suất,... (Kaplan, 1985), cạnh tranh (Marxen, 1990; Maher và cộng sự, 1992), các vấn đề về chính trị và pháp luật (Watts và Zimmerman, 1978),... Nhân tố môi trường ảnh hưởng đến rủi ro tiềm tàng, và ảnh hưởng đến số giờ kiểm toán được thực hiện bởi các trợ lý (assistant) và kiểm toán viên (senior) cho các thủ tục kiểm tra chi tiết.

Nhân tố thuộc về cá nhân KTV có thể bao gồm sự khác nhau trong cả việc KTV thực hiện cuộc kiểm toán và trách nhiệm của các phó tổng giám đốc phụ trách kiểm toán và chủ nhiệm kiểm toán. Những nhân tố này có thể bao gồm kinh nghiệm và chuyên môn (Bedard, 1999), mức độ kỹ năng, tính cách (Kelly và Margheim, 1990; Davidson và Dalby, 1993), mức độ căng thẳng (Collins và Killough, 1992), thái độ đối với rủi ro, mức độ suy luận đạo đức (Ponemon, 1992),...Nhân tố thuộc về cá nhân KTV có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các cá nhân và thái độ đối với tầm quan trọng đối với việc đạt được kế hoạch về thời gian kiểm toán. Những nhân tố này có thể xem như có liên quan đến cả những người giám sát (CNKT và TVBGĐ) và nhân viên kiểm toán (staff). Những người giám sát trong các hãng kiểm toán có thể được kỳ vọng thay đổi như cách họ sử dụng kế hoạch về thời gian để cân bằng giữa tính hiệu quả và hiệu năng.

Việc thiết lập kế hoạch thời gian kiểm toán là một quá trình có sự liên quan. Đối với khách hàng liên tục, senior sẽ chuẩn bị dự toán về thời gian sơ bộ sau khi họp với CNKT và TVBGĐ (Houston 1997). Dự toán thời gian kiểm toán dựa trên ngân sách về thời gian kiểm toán năm trước đã được chỉnh sửa thông qua việc xem xét thời gian thực tế đã báo cáo cho cuộc kiểm toán năm trước và những kỳ vọng về các sự kiện và điều kiện cụ thể có khả năng tồn tại tại thời điểm cuộc kiểm toán tiếp theo (Wright, 1988). Do đó, việc thiết lập kế hoạch về thời gian kiểm toán dựa trên các sự kiện và điều kiện hiện tại và quá khứ cũng như các điều kiện và sự kiện dự kiến được dự toán tại thời điểm


của cuộc kiểm toán tiếp theo. Việc đạt được kế hoạch này phụ thuộc mức độ gần giống với các sự kiện và điều kiện thực tế tồn tại trong lần kiểm toán tiếp theo mà những sự kiện này đã được dự kiến sẽ xảy ra tại thời điểm lập kế hoạch. Có thể lập luận rằng việc dự đoán những thay đổi trong các sự kiện và điều kiện với bất kỳ mức độ chính xác nào có thể khó khăn hơn đối với các khách hàng kiểm toán có rủi ro và độ phức tạp cao hơn do khả năng xảy ra các vấn đề không lường trước cao hơn. Ngoài ra, quy mô khách hàng có thể là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi kiểm tra sự thay đổi của thời gian kiểm toán do mối quan hệ của nó với quy mô của ngân sách. Độ phức tạp cao hơn có thể có mối liên hệ với cuộc kiểm toán lớn hơn và do đó thời gian kiểm toán có thể khó kiểm soát hơn khi quy mô khách hàng tăng lên. Ảnh hưởng của quy mô của khách hàng, nếu không được kiểm soát hoặc đo lường, có thể dẫn đến một vấn đề thay đổi bị bỏ qua. Hơn nữa, dự toán thời gian sẽ phản ánh tính kinh tế theo quy mô tích lũy cho các hãng kiểm toán lớn mà kiểm toán khách hàng lớn hơn. Mức độ mà trong đó dự toán thời gian không kết hợp chính xác tính kinh tế theo quy mô có thể dẫn đến những thay đổi. O'Keefe et al. (1994) và Davidson và Gist (1996) đều báo cáo rằng quy mô, độ phức tạp và các yếu tố rủi ro giải thích khoảng 80% sự thay đổi trong số giờ kiểm toán thực tế thực hiện.

Cách tiếp cận được sử dụng trong Luận án này là giao thoa, xem xét ảnh hưởng của các yếu tố thuộc về khách hàng, môi trường kiểm toán và các yếu tố thuộc về hãng kiểm toán, cá nhân KTV

1.2.3 Khoảng trống nghiên cứu

Thông qua những nghiên cứu ở trên cho thấy việc nghiên cứu về thời gian kiểm toán và cụ thể các nhân tố ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán cho đến thời điểm này vẫn là một khoảng trống cần khám phá trong lý luận về kiểm toán BCTC do DNKT thực hiện tại Việt Nam. Việc nghiên cứu về thời gian kiểm toán trong kiểm toán BCTC do các doanh nghiệp kiểm toán thực hiện là một nội dung có ý nghĩa khoa học và thực tiễn đây là nội dung rất có ý nghĩa cho các công ty kiểm toán trong bài toán cân bằng giữa chi phí và việc đạt được các mục tiêu kiểm toán từ đó vừa đảm bảo chất lượng kiểm toán vừa đảm bảo được yếu tố cạnh tranh trong một thị trường kiểm toán chứa nhiều yếu tố liên quan đến rủi ro kiện tụng cho KTV. Tuy nhiên như phân tích ở trên, tại Việt Nam cho đến thời điểm thực hiện đề tài này và theo tìm hiểu của NCS thì chưa có đề tài nào nghiên cứu về các nhân tố tác động đến thời gian kiểm toán. Đây thực sự là một “khoảng trống nghiên cứu thú vị”.


1.2.4 Mục tiêu nghiên cứu

Thông qua việc tổng hợp và phân tích các công trình nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời kết hợp với quá trình phỏng vấn, thảo luận, trao đổi với các chuyên gia quản lý, các KTV thuộc các loại hình doanh nghiệp kiểm toán, luận án rút ra được những “khoảng trống” nghiên cứu chưa được giải quyết, từ đó hình thành nên mục tiêu nghiên cứu tổng quát là khám phá và xác định và đánh giá mức độ tác động của các nhân tố đến thời gian kiểm toán báo cáo tài chính do KTĐL thực hiện tại Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm giúp các hãng kiểm toán quản lý hiệu quả cuộc kiểm toán trong bài toán cân bằng chi phí và đạt được mục tiêu kiểm toán một cách hợp lý nhất, đồng thời gia tăng chất lượng kiểm toán cho các công ty kiểm toán đang hoạt động tại Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu trên, các mục tiêu cụ thể bao gồm:

Thứ nhất, làm rõ cách thức xác định thời gian kiểm toán BCTC hiện nay của các công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam và những tiêu chí được sử dụng để đánh giá thời gian kiểm toán.

Thứ hai, xác định các nhân tố tác động đến thời gian kiểm toán.

Thứ ba, xác định mức độ tác động của các nhân tố đến thời gian kiểm toán.

Thứ tư, đưa ra các khuyến nghị nhằm giúp cho các đơn vị kiểm toán thực hiện tốt việc xác định, theo dõi và quản lý số giờ kiểm toán hiệu quả từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC do các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam thực hiện.

1.2.5 Câu hỏi nghiên cứu

Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu ở trên, các câu hỏi nghiên cứu sau giúp xác lập quy trình nghiên cứu của luận án:

1. Thời gian kiểm toán được xác định như thế nào?

2. Những nhân tố nào tác động tới thời gian kiểm toán trong kiểm toán BCTC do KTĐL thực hiện tại Việt Nam?

3. Mức độ tác động của các nhân tố đến thời gian kiểm toán?

4. Những hàm ý gì rút ra từ kết quả nghiên cứu về các nhân tố tác động đến thời gian kiểm toán?

1.2.6 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: từ mục tiêu nghiên cứu trên, đối tượng nghiên cứu của luận án này là các nhân tố ảnh hưởng đến thời gian kiểm toán BCTC do kiểm toán độc lập thực hiện tại Việt Nam.

Xem tất cả 216 trang.

Ngày đăng: 24/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí