cây và tán cây ngắn. Bề rộng của khu vực được bảo vệ có thể lên đến 20 lần chiều cao của tán rừng nếu luồng gió thổi vuông góc với đai rừng và rộng khoảng 5 lần luồng gió thổi song song với đai rừng. Nếu đai rừng bị suy thoái hoặc mất đi thì khả năng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay sẽ bị mất hoặc giảm đi (Takle et al., 2006) [138].
Các kết quả nghiên cứu đều khẳng định vai trò to lớn của các đai rừng để phòng hộ và cải thiện điều kiện canh tác. Đai rừng có chiều rộng 100m hàng năm có khả năng cố định được 104 - 233m3 cát. Ở thành phố Zhanjiang có 20.000ha các đụn cát di động và bán di động đã được cố định bởi các đai rừng và hàng ngàn ha đất nông nghiệp được phục hồi sau các đai rừng đó (Haishui, 1996) [111]. Ở khoảng cách 5 - 25H (H là chiều cao đai rừng) vận tốc gió giảm 25 - 40%, vùng có hiệu quả nhất trong phạm vi 5H, ở đó vận tốc gió giảm 46 - 69%. Hiệu quả chắn gió giảm khi khoảng cách giữa các đai rừng càng xa nhau. Nhiệt độ không khí trong đai rừng tăng 0,3 - 1,5 0C vào mùa Đông và giảm 1 - 2 0C vào mùa hè (Midgley et al., 1983) [126].
Các đai rừng Phi lao trồng trên đất cát có tác dụng chống nhiệt độ lên quá cao vào ban ngày khi trời nắng gắt, hạn chế nhiệt độ xuống quá thấp vào ban đêm, đặc biệt vào mùa đông, giữ được nước ngầm không giảm xuống quá sâu, đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng. Nhiệt độ không khí trong đai rừng cao hơn 0,3 - 1,50C vào mùa đông, thấp hơn 1 - 20C vào mùa hè và lượng bốc hơi trong đai rừng giảm 10 - 30% so với nơi trống. Tác dụng chắn gió của các đai rừng liên quan chặt chẽ với khoảng cách giữa các đai rừng và tăng lên khi có thêm các đai rừng được bố trí đủ khoảng cách. Tuy nhiên, nếu khoảng cách giữa các đai rừng nhỏ hơn 7 lần chiều cao của đai rừng thì tác dụng chắn gió sẽ giảm (Kejie Zhan et al., 2017) [117]. Hệ thống gồm vành đai thực vật cố định cát và một khu đất canh tác có tác dụng giảm 70% vận tốc gió và 96% vận tốc vận chuyển cát khi qua hệ thống đai rừng đến khu vực canh tác nông nghiệp. Đối với vùng chuyển tiếp giữa ốc đảo và sa mạc Gobi, vành đai bảo tồn thảm thực vật sa mạc, vành đai chắn gió, vành đai hỗn hợp kết hợp rừng sản xuất và trồng cỏ chăn nuôi gia súc và khu đất canh tác có tác dụng giảm vận tốc gió và giảm vận tốc vận chuyển cát với tỷ lệ lần lượt là 70% và 80% (Zhao et al., 2008) [154].
Chức năng chắn gió và cố định cát của một nebkhas đơn lẻ bị giảm theo thứ tự: kích hoạt > phát triển > ổn định > giai đoạn phôi thai. Chức năng chắn gió trên một đơn vị diện tích mặt cắt thẳng đứng ở các giai đoạn phát triển khác nhau giảm dần từ cao xuống thấp theo thứ tự: kích hoạt > phát triển > ổn định > phôi thai; trong khi đó, chắc năng chắn gió và chắn cát trên một đơn vị diện tích tại mặt cắt dọc trong các giai đoạn phát triển khác nhau bị suy giảm từ cao xuống thấp theo tứ tự: ổn định > kích hoạt > phá
triển > giai đoạn phôi thai (Sun et al., 2019) [137].
* Tiêu chuẩn đai rừng chắn gió, chắn cát
Mặc dù cộng đồng quốc tế đã thừa nhận về vai trò chắn gió bão, chắn cát to lớn của các đai RPH ven biển, nhưng vẫn còn những khác biệt đáng kể về tiêu chuẩn của RPH vùng cát ven biển để phát huy tối đa hiệu quả chắn gió bão, chắn cát bay. Các tác giả chủ yếu nói đến yêu cầu về bề rộng của các đai rừng ven biển, mà ít đề cập hơn đến cấu trúc, và phân bố của chúng. Vấn đề bố trí thiết kế các đai rừng nhằm phát huy tối đa hiệu quả chắn gió, chắn cát được nhiều tác giả quan tâm như Nhikitin P. D; Machiakin G. I; Bo đrôp V. A; … dẫn theo (Ngô Quang Đê & Nguyễn Hữu Vĩnh, 1997) [32]. Kết cấu đai rừng là đặc trưng về hình dạng và cấu tạo bên trong của đai rừng, nó quyết định đến đặc điểm và mức độ lọt gió cũng như vận tốc gió của đai rừng đó. Có ba loại kết cấu đai rừng: (i) Kết cấu đai kín - đai rừng có nhiều tầng tán gồm cây bụi, cây nhỡ và cây cao; đai rừng có nhiều hàng cây, mặt cắt thẳng đứng của đai rừng có rất ít lỗ hổng lọt gió (độ hổng < 5%), gió nhẹ cấp 1 - 2 không thể lọt qua mà chủ yếu vượt qua tán rừng, hệ số lọt gió (k) < 0,3; (ii) Kết cấu đai thưa - đai rừng chỉ có một tầng, tầng tán lá kín (k < 0,3), phía dưới tán trống (hệ số lọt gió đến 0,7), hệ số lọt gió trung bình từ 0,5 - 0,7; và (iii) Kết cấu đai hơi kín - đai rừng có 2 - 3 tầng tán, nhưng tầng nào cũng thưa, các lỗ hổng phân bố đều trên mặt thẳng đứng của đai rừng, hệ số lọt gió từ 0,3 - 0,5.
Trên thực tế, ngoài bề rộng đai rừng thì cấu trúc và phân bố của đai rừng cũng ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả phòng hộ của đai rừng ven biển. Về kỹ thuật, việc lựa chọn bề rộng đai RPH ven biển cần phải tính toán đến các vấn đề: (i) Giá trị hiện tại hoặc tiềm năng của tài nguyên cần được bảo vệ; (ii) Các đặc điểm về điều kiện lập địa; (iii) Hiệu quả sử dụng đất ở vùng tiếp giáp như sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, và các công trình dân sinh; và (iv) Các chức năng môi trường và sinh cảnh cụ thể mong muốn đạt được (USDA, 1997) dẫn theo (Lê Sỹ Doanh, 2017) [25]. Trong thực tiễn không có một bề rộng lý tưởng nào của đai RPH được áp dụng cho tất cả các trường hợp. Tuy nhiên, các nhà khoa học trong lĩnh vực này đã chỉ ra rằng dải rừng ven biển có bề rộng 30 - 150m là thích hợp cho hầu hết các trường hợp để bảo vệ vùng bờ, chắn sóng, chống xói mòn, chắn cát, chắn gió (Palone & Todd, 1998) [128].
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu bổ sung cơ sở khoa học về kỹ thuật trồng rừng phòng hộ trên các dạng lập địa chính vùng cát ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị - 1
- Nghiên cứu bổ sung cơ sở khoa học về kỹ thuật trồng rừng phòng hộ trên các dạng lập địa chính vùng cát ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị - 2
- Cơ Sở Khoa Học Và Các Tiêu Chí Phân Chia Lập Địa Vùng Cát Ven Biển
- Cơ Sở Khoa Học Của Việc Đánh Giá Hiệu Quả Phòng Hộ Của Các Đai Rừng Chắn Gió, Chắn Cát Bay
- Quan Điểm, Cách Tiếp Cận Và Phương Pháp Luận Nghiên Cứu
- Đai Rừng Phi Lao Ven Biển Bị Sóng Biển Đánh Bật Gốc (Trái) Và Thí Nghiệm Trồng Hàng Dứa Dại Kết Hợp Trồng Bổ Sung Cây Phi Lao (Phải)
Xem toàn bộ 207 trang tài liệu này.
Tiêu chuẩn về cấu trúc RPH ven biển có ý nghĩa quan trọng quyết định khả năng phát huy tác dụng phòng hộ của rừng và tính bền vững của nó theo thời gian. Cấu trúc cơ bản của RPH ven biển bao gồm: cấu trúc hình thái như mật độ, tầng thứ, mạng hình phân bố và tổ thành loài cây. Một số tác giả đã quan tâm tới cấu trúc của RPH ven biển, gồm
cấu trúc mật độ và cấu trúc tầng thứ. Cấu trúc mật độ phản ánh số cây trên một đơn vị diện tích. Cấu trúc tầng thứ chỉ sự phân bố theo không gian của các loài thực vật theo chiều thẳng đứng. Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, RPH ven biển 1 tầng có tác dụng phòng hộ thấp hơn nhiều rừng có nhiều tầng tán (Cochard et al., 2008) [102].
Như vậy, các đai rừng có vai trò to lớn trong việc phòng hộ, cải thiện môi trường canh tác vùng đất cát ven biển. Đai rừng có tác dụng làm giảm vận tốc gió, tăng nhiệt độ không khí trong đai rừng vào mùa đông, giảm vào mùa hè. Đai rừng còn có tác dụng cố định cát và cải tạo đất. Nhưng các tác dụng này còn phụ thuộc vào hệ thống đai, bề rộng, chiều cao, kết cấu đai rừng và mùa gió cũng như hướng gió thổi so với đai rừng. Các kết quả nghiên cứu chủ yếu phản ảnh hiệu quả chắn gió, chắn cát của các đai rừng. Những liên hệ chủ yếu là mức giảm vận tốc gió và sự di động cát theo chiều rộng, cấu trúc và phân bố của các đai rừng. Đây là cơ sở khoa học để thiết lập các đai RPH có hiệu quả chắn gió, chắn cát bay ven biển và phù hợp với điều kiện cụ thể tại mỗi địa phương.
1.2. Ở trong nước
1.2.1. Cơ sở khoa học và các tiêu chí phân chia lập địa vùng cát ven biển
Ở trong nước, những nghiên cứu về lập địa, phân chia lập địa trồng rừng nói chung và trồng rừng vùng cát ven biển nói riêng, đã được nghiên cứu bởi nhiều tác giả, từ phân loại đất chung (Tôn Thất Chiểu, 1992; Hội Khoa học Đất Việt Nam, 2000; Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, 2005; Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, 2008) [22], [43], [98], [99]; phân chia lập địa trồng rừng nói chung (Hoàng Kim Ngũ & Phùng Ngọc Lan, 2005) [65], phân loại đất rừng bị suy thoái (Phạm Văn Điển et al., 2011) [33]; phân chia đất cát theo đặc điểm địa hình địa mạo, tính chất (Lê Thanh Bồn, 1998; Nguyễn Ngọc Bình, 1996; Tôn Thất Chiểu & Lê Thái Bạt, 1998; Đào Công Khanh & Đặng Văn Thuyết, 1997; Phan Liêu, 1981; Đặng Văn Thuyết, 2004) [2], [4], [24], [49], [52], [93]; phân chia lập địa theo mức độ hoang mạc hóa (Ngô Đình Quế, 2010) [73]; phân chia lập địa kết hợp với đối tượng trồng rừng (Hoàng Xuân Tý, 1994; Đặng Văn Thuyết, 2004; Đặng Văn Thuyết & Nguyễn Xuân Quát, 2002) [84], [93], [94]; đến điều tra xây dựng bản đồ lập địa vùng cát ven biển (Lê Thái Bạt, 1995; Bộ KH&CN, 2012; Dương Tiến Đức, 2012) [3], [8], [34]; ... Cụ thể:
Có 7 nhóm đất cát khác nhau dọc bờ biển Việt Nam như: cát trắng, cát vàng, cát đỏ, cát màu xám, cát vàng da cam, cát nâu...; phổ biến nhất là cát vàng - phân bố ở vùng sát bờ và xa bờ, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với diện tích lớn. Cát trắng chỉ tập trung ở vùng Bình Trị Thiên và vùng Nha Trang. Cát đỏ chỉ phân bố thành những khối lớn tại Phan Thiết, Phan Rang. Ngoài màu sắc 3 nhóm cát này có sự khác nhau về thành phần hóa
học rõ rệt. Trong cát trắng tỷ lệ thạch anh (SiO2) chiếm 98 - 99,7%, còn ở cát đỏ tỷ lệ này thấp hơn, khoảng 85 - 89%, cát vàng ở khoảng giữa. Các nhóm cát màu xám, cát vàng da cam, cát nâu... có diện tích nhỏ (Phan Liêu, 1981) [52].
Đất cát biển được chia thành 6 loại phụ, gồm: (i) cát bờ biển, (ii) cồn cát biển (di động và cố định), (iii) đất cát biển điển hình, (iv) đất cát biển ngập nước, (v) đất cát biển xen phù sa và (vi) đất cát biển có sò, hến, điệp (Phan Liêu, 1981) [52]. Các loại đất cát vùng ven biển sử dụng chủ yếu trong ngành lâm nghiệp có 2 loại chính, là cồn cát ven biển và đất cát ven biển (Nguyễn Ngọc Bình, 1996) [4]. Ứng dụng phương pháp định lượng của FAO-UNESCO (Tôn Thất Chiểu & Đỗ Đình Thuận, 1996) [23] đã phân loại nhóm đất cát biển thành 5 loại chính: (a) đất cồn cát trắng vàng; (b) đất cồn cát đỏ; (c) đất cát biển; (d) đất cát mới biến đổi; và (e) đất cát glay.
Trên quan điểm sử dụng đất (Đào Công Khanh & Đặng Văn Thuyết, 1997)
[49] đã phân chia đất cát ven biển tỉnh Quảng Bình thành 9 loại: (1) đụn, bãi cát ven biển mới hình thành; (2) đụn cát vùng giữa di động mạnh; (3) cồn cát vàng; (4) cồn cát xám: (5) bãi cát vàng cao, mức nước ngầm sâu; (6) bãi cát trắng xám cao, mực nước ngầm sâu; (7) bãi cát trắng xám, bán ngập; (8) bãi cát xám đen, cỏ rười và (9) bãi cát trắng, xám, ẩm quanh năm.
Dựa trên các tính chất của đất kết hợp với các yếu tố tự nhiên như địa mạo, khả năng thoát nước, mức độ di động của cát... (Đỗ Đình Sâm & Nguyễn Ngọc Bình, 2001)
[79] đã đề xuất 4 tiêu chí chủ yếu để đánh giá tiềm năng sản xuất của đất cát biển là các loại phụ đất cát, mức độ di động, khả năng thoát nước, và mức độ gần hay xa biển. Trên cơ sở đó đã đánh giá mức độ thích hợp trong sử dụng đất cát ven biển trong lâm nghiệp của 3 loại đất là: (i) đất cát và cồn cát đỏ; (ii) đất cát và cồn cát vàng; và (iii) đất cát và cồn cát trắng. Dựa vào điều kiện hình thành, đặc trưng hình thái, và kết quả phân tích một số tính chất lý hóa tính của đất cát, vùng cát ven biển BTB được phân chia thành 11 loại đất chính: (1) cát trắng vàng di động, sát biển; (2) cát trắng di động, vùng giữa; (3) vát vàng cố định; (4) cát trắng xám cố định; (5) cát vàng bãi cố định: (6) cát trắng xám, bãi cố định; (7) cát xám trắng, chua, bãi cố định; (8) cát trắng xám, chua, bãi cố định; (9) cát xám trắng, ít chua, bãi cố định; (10) cát trắng xám, gần trung tính, bãi cố định; và
(11) cát trắng xám ít chua đến trung tính, bàu, hồ (Đặng Văn Thuyết, 2004) [93]. Dựa trên đặc điểm hình thái cồn cát tồn tại trên bờ biển, có thể phân loại thành: các cồn (đụn) cát áp bờ; các cồn (đụn, bar) cát chắn bờ; đuôi sam cát và mũi cát ven biển; bãi cát hay cồn cát nối đảo; các cồn cát chắn cửa sông, đầm phá (Nguyễn Tiến Hải & Nguyễn Văn Bách, 1997; Nguyễn Đình Kỳ, 2004; Uông Đình Khanh, 2004) [35], [47], [50].
Trên cơ sở các dạng lập địa kết hợp với đặc điểm đối tượng cần bảo vệ vùng cát ven biển được phân chia theo 5 cấp phòng hộ theo mức độ xung yếu: vùng cát di động mới hình thành sát biển, vùng cát di động mạnh ở vùng giữa, bãi cồn cát cố định, khu làng mạc dọc biển, bãi cồn cát cố định phía trong giáp đồng và bãi cồn cát thấp, cố định phủ đan xen (Nguyễn Xuân Quát & Đặng Văn Thuyết, 2005; Đặng Văn Thuyết, 2004) [70], [93]. Căn cứ vào 4 tiêu chí gồm địa hình địa mạo, chế độ nước, loại đất và thực vật chỉ thị có thể phân chia lập địa vùng cát ven biển BTB thành 3 nhóm với 21 dạng lập địa (Nguyễn Xuân Quát & Đặng Văn Thuyết, 2005; Đặng Văn Thuyết, 2004) [70], [93]. Trong một khu vực nhất định việc phân chia điều kiện lập địa nên căn cứ vào nhiều nhân tố, trong đó nhân tố địa hình và đất là nhân tố chủ đạo, lấy nhân tố thực bì để tham khảo, lấy tình hình sinh trưởng của cây trồng rừng để nghiệm chứng (dẫn theo (Hoàng Kim Ngũ & Phùng Ngọc Lan, 2005) [65].
Bên cạnh đó, việc phân chia lập địa gắn liền với sinh trưởng của cây trồng rừng cũng đã được quan tâm nghiên cứu. Trên mỗi nhóm đất cát đều có những lập địa tại đó Phi lao sinh trưởng rất nhanh còn những lập địa khác không phù hợp với cây Phi lao. Tại Quảng Nam, Đà Nẵng có tới 55% diện tích rừng Phi lao sinh trưởng xấu do lập địa không thích hợp (Hoàng Xuân Tý, 1994) [84]. Năm nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng Phi lao được sử dụng để phân chia lập địa vùng đất cát, gồm: (a) khoảng cách so với bờ biền;
(b) mức độ ổn định của cát (cát di động hay đã cố định); (c) địa hình; (d) khả năng thoát nước và mức glay; và (e) mực nước ngầm (Hoàng Xuân Tý, 1994) [84].
Để xác định mức độ hoang mạc hóa (hoang mạc cát, hoang mạc cồn cát) vùng duyên hải miền Trung được phân chia thành 3 cấp (mạnh, trung bình và nhẹ) trên cơ sở 5 tiêu chí: lượng mưa, số tháng khô hạn, diện tích, đặc điểm thoát nước, và đặc điểm thực vật tự nhiên (Ngô Đình Quế, 2010) [73]. Đánh giá tiềm năng sản xuất của đất cát biển và xây dựng bản đồ lập địa cấp 2 (cấp tỉnh) được căn cứ vào 4 tiêu chí gồm loại đất, độ cao tuyệt đối, lượng mưa và trạng thái thực vật để phân chia 3 nhóm dạng lập địa C1 (nhóm dạng lập địa trên đất cát có tiềm năng cao – trồng thâm canh các loài Keo và nông lâm kết hợp), C2 (nhóm dạng lập địa trên đất cát có tiềm năng trung bình – trồng Phi lao, Keo lưỡi liềm, Keo lá tràm) và C3 (nhóm dạng lập địa trên đất cát có tiềm năng thấp – trồng Phi lao, Keo lưỡi liềm) (Dương Tiến Đức, 2012) [34].
1.2.2. Trồng rừng phòng hộ vùng cát và ảnh hưởng của các biện pháp kỹ thuật đến sinh trưởng phát triển của rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay
Hiệu quả trong công tác trồng rừng nói chung cũng như phát huy tối đa khả năng phòng hộ chắn gió, chắn cát của các đai RPH ven biển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong
đó yếu tố giống cây trồng thích hợp và các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp là những nhân tố quyết định. Các nghiên cứu về kỹ thuật trồng RPH chắn gió, chắn cát ven biển trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, như lựa chọn cơ cấu cây trồng rừng (Lâm Công Định, 1977; Nguyễn Ngọc Bình, 2004; Đặng Thái Dương, 2004; Trịnh Văn Hạnh et al., 2011; Lê Đình Khả, 1997; Nguyễn Thị Liệu, 2006; Vũ Văn Mễ, 1990; Nicolas Witman et al., 2019; Phan Thanh Ngọ, 2003; Đỗ Đình Sâm & Nguyễn Ngọc Bình, 2001; Hoàng Xuân Tý, 1999; Đặng Văn Thuyết, 2004; Đặng Văn Thuyết et al., 2005); xác định tiêu chuẩn cây con đem trồng (Nguyễn Ngọc Bình, 2006; Bộ NN&PTNT, 2013b; Đặng Thái Dương, 2004; Nguyễn Thị Liệu, 2018); xác định thời vụ trồng, mật độ trồng rừng (Đặng Thái Dương, 2015; Nguyễn Ngọc Bình, 2006; Đặng Thái Dương, 2006; Nguyễn Thị Liệu, 2006); các biện pháp kỹ thuật trồng rừng (Đặng Thái Dương, 2015; Lâm Công Định, 1977; Nguyễn Ngọc Bình, 2006; Đặng Thái Dương, 2006, 2010; Trịnh Văn Hạnh, 2012; Võ Văn Hưng, 2018; Nguyễn Thị Liệu, 2006, 2010, 2015, 2018; Vũ Văn Mễ, 1990; Đỗ Đình Sâm & Ngô Đình Quế, 1999; Giang Văn Thắng, 2004; Lê Đức Thắng et al., 2015; Đặng Văn Thuyết, 2004); ... đến chăm sóc, quản lý bảo vệ và phát triển rừng sau trồng, đặc biệt là trồng phục hồi rừng bằng các loài cây bản địa vùng cát (Nicolas Witman et al., 2019). Cụ thể như sau:
* Cơ cấu cây trồng rừng vùng cát ven biển
Phi lao được trồng ở Việt Nam từ những năm 1986, sinh trưởng tốt nơi đất cát biển có xen lẫn phù sa, xấu nhất trên đất cát và cồn cát trắng. Những nơi xung yếu cát di động mạnh Phi lao có trạng thái biến đổi, mọc lòa xòa sát mặt đất (Vũ Văn Mễ, 1990) [59]. Xác định được cơ cấu cây trồng phù hợp với lập địa vùng cát (Đỗ Đình Sâm & Ngô Đình Quế, 1999) [78]. Xoan ấn độ có thể sinh trưởng tốt ở vùng cát ven biển khô hạn Tuy Phong, Bình Thuận (Lâm Công Định, 1977) [31]. Các loài Keo chịu hạn (A. difficilis, A. torulosa) có thể sinh trưởng tốt trên vùng cát ven biển miền Trung (Lê Đình Khả, 1997; Đặng Văn Thuyết et al., 2005) [48], [95].
Phi lao địa phương và hai dòng Phi lao 601 và 701 xuất xứ Trung Quốc ưu trội mọc nhanh, kháng bệnh, chịu hạn và có thể phát triển trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt trên đất cát biển Nam Trung bộ. Ngoài ra, kết hợp với một số loài cây nhằm tăng thu nhập cho người dân như: Điều, Bạch đàn, Keo lai và Keo chịu hạn (Phan Thanh Ngọ, 2003) [64]. Cỏ hương bài cũng là một loài cây trồng có tác dụng trong việc ổn định các đụn cát, chống cát bay, cát chảy (Tran Van Tan et al., 2002) [145].
Các loài cây ưu tiên trồng RPH chắn gió, chắn cát bay ven biển như: Keo dây, Keo lá liềm, Keo lá tràm, Keo tumida, Phi lao, Xoan chịu hạn, Bạch đàn trắng Caman, Bạch
đàn trắng têrê, Dừa, Muồng đen, Keo dậu,… (Nguyễn Ngọc Bình, 2004) [5]. Một số yêu cầu và kỹ thuật trồng rừng Sở trên vùng đất cát ven biển Bình Trị Thiên, bao gồm: đất cát vàng cố định, trắng xám hoặc trắng vàng cố định; thời vụ trồng tháng 11; trồng theo phương thức NLKH và có thể trồng xen rú cát và dưới tán Keo lá tràm, Phi lao; sử dụng phân chuồng hoai 5kg hoặc 0,2 kg NPK (16:16:8) Bông lúa - Huế hoặc 1,5 kg phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh/gốc (Đặng Thái Dương, 2004) [27].
Phần lớn các lập địa đất cát đều có thể trồng Phi lao, tuy nhiên ở các lập địa thấp, ẩm có mực nước ngầm nông trồng Phi lao cần lên líp. Keo lá liềm và Keo lá tràm trồng trên các lập địa bãi cát cố định không ngập, đất cát trắng xám, cỏ chịu hạn hoặc bãi cát ẩm ướt mùa mưa, cát trắng xám, chua cũng cần lên líp. Keo chịu hạn trồng tốt trên các bãi cát không ngập, cát trắng xám, cỏ chịu hạn (Đặng Văn Thuyết, 2004) [93]. Các loài cây Phi lao hạt, Phi lao hom trung quốc, các loài Keo chịu hạn có thể trồng rừng thành công trên các đối tượng bãi cát sát biển, cát cố định và bán cố định (Đặng Văn Thuyết et al., 2005) [95].
Keo lá liềm là loài cây trồng chính được lựa chọn để trồng rừng vùng cát ven biển Quảng Nam và Phú Yên. Keo lá liềm có tỷ lệ sống cao và khả năng phát triển tốt; có tác dụng chống cát bay, phòng hộ tốt; Phi lao được trồng bổ sung cho cây Keo. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương nên cây Điều (Anacadium occidentale) cũng được đưa vào trồng xen tại những lập địa có thể trồng. Neem (Melia azadirachta) cũng được khuyến khích để trồng bởi loài cây này có khả năng thích nghi với vùng cát (Bộ NN&PTNT, 2002) [12]. Các loài cây Phi lao, Xoan chịu hạn, Xương rồng, Dứa dại, Muống biển, Từ bi được lựa chọn trồng rừng chắn gió, chống cát bay, cát chảy, ổn định cồn cát tại xã Mỹ An, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định. Sau 3 tháng trồng tỷ lệ sống đạt trên 75% (Trịnh Văn Hạnh, 2012) [39].
Hệ thực vật vùng cát ven biển Nam Quảng Bình phân bố theo 9 kiểu thảm thực vật khác nhau trên các cồn cát, đụn cát di động, cố định và cát ẩm như: (i) trảng cỏ trên cát di động ven biển; (ii) trảng cỏ xen lẫn ít cây bụi trên bãi cát di động: (iii) rừng nhiệt đới thường xanh lá cứng trên cát vàng nội đồng; (iv) rừng nhiệt đới thường xanh trên cát bồi tụ ven trằm nước bị tác động mạnh; (v) trảng cây bụi nhiệt đới thường xanh lá cứng trên cát khô; (vi) trảng cỏ trên cát khô; (vii) trảng cây bụi nhiệt đới thường xanh cây lá rộng trên cát ẩm bán ngập nước; (viii) trảng cỏ trên cát ẩm và (ix) thảm thực vật thủy sinh. Đây là cơ sở xây dựng và phát triển các đai RPH ven biển bằng các loài cây bản địa, đặc biệt trên các lập địa khác nhau vùng cát ven biển các tỉnh miền Trung (Lê Đức Thắng & Nguyễn Thành Tây, 2014) [87]. Ba dòng Keo lá liềm ưu tú trồng trên
vùng đất cát nội đồng là A.Cr.S.6; A.Cr.N.84; A.Cr.N.34 có sinh khối vượt trội so với đối chứng là 21% và 1 dòng Keo lá liềm ưu tú là A.Cr.N.147 có sinh khối vượt trội 22% trồng trên vùng đất cát ven biển BTB (Đặng Thái Dương, 2015) [30]. Các loài cây bản địa được sử dụng trồng phục hồi rừng ở vùng cát ven biển 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế như Sở (Camelia sasanqua), Nuốt cò ke (Casearia grewiaefolia), Dẻ vùng cát (Lithocarpus concentricus), Bời lời (Litsea glutinosa), Chai lá cong (Shorea falcata), Gụ lau (Sindora tokinensis), Táu duyên hải (Vatica mangachapoi subsp. obustifolia) (Nicolas Witman et al., 2019) [62].
Nhìn chung, hệ sinh thái vùng cát ven biển, đặc biệt là cồn cát ven biển các tỉnh miền Trung có một số đặc điểm đặc trưng như: thảm thực vật nghèo nàn, mức độ đa dạng loài thấp, kết cấu đơn giản, thực vật tồn tại chủ yếu là các cây bụi tự nhiên (Muống biển, Từ bi, Dứa dại, Dứa bà, Xương rồng, …); cỏ dại và một số loài cây thân gỗ (Phi lao, Bạch đàn, Keo tai tượng, Keo lá tràm, …) có khả năng chống chịu với các điều kiện khắc nghiệt ở vùng cồn cát. Các loài cây bản địa trong công tác phục hồi làm giàu rừng trên các rú cát ven biển với phương thức trồng theo cụm cũng được thử nghiệm bước đầu. RPH chắn gió, chắn cát bay cần áp dụng biện pháp trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; được trồng bổ sung tại những nơi chưa đủ tiêu chí thành rừng (Luật Lâm nghiệp, 2017) [75].
* Tiêu chuẩn cây con trồng rừng
Vùng đất cát và cồn cát ven biển Việt Nam được hình thành cách đây khoảng
600.000 năm và cho tới hiện nay, chúng vẫn đang tiếp tục được hình thành (Phan Liêu, 1981) [52]. Vì vậy, tiêu chuẩn cây con đem trồng để thiết lập các đai RPH trên đất cát ven biển phải dựa trên cơ sở các loại đất cát và đặc điểm của chúng. Theo đó, (a) trồng các dải rừng phòng hộ xung yếu sát bờ biển, trên đất cát mới bồi ven biển, cây Phi lao trồng bằng cây con rễ trần, 8 tháng tuổi, cây có chiều cao từ 70 - 80cm; (b) trồng rừng Phi lao cố định các cồn cát di động và bán di động, trồng bằng cây con rễ trần 12 tháng tuổi, chiều cao cây 90 - 100cm; (c) mô hình NLKH chống cát bay, phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất cát, tiêu chuẩn cây con đem trồng (Phi lao 8 tháng tuổi, cao cây 70 - 80cm; Keo lá tràm, Keo chịu hạn 4 tháng tuổi, chiều cao 35 - 40cm). Ngoài ra, trên các cồn cát di động ở vùng nhiệt đới bán khô hạn (Nam Trung bộ), khi trồng Phi lao cần đảm bảo, cây con đủ 12 tháng tuổi hoặc hơn, chiều cao cây 120 - 150cm, cây đã mộc hóa đều, cứng thân cứng ngọn, hệ rễ phát triển bình thường, rễ cọc mọc thẳng (không bị uốn cong) và có nốt sần cộng sinh (Nguyễn Ngọc Bình, 2006) [6].