Bản Chất Nghĩa Vụ Con Người Và Mối Tương Quan Giữa Nghĩa Vụ Con Người Với Quyền Con Người Trong Pháp Luật


2.2. Bản chất Nghĩa vụ con người và mối tương quan giữa Nghĩa vụ con người với Quyền con người trong pháp luật

2.2.1. Bản chất Nghĩa vụ con người

Bằng việc quan niệm Nghĩa vụ con người là “cách xử sự (việc, công việc, hành

vi) mà con người buộc phải thực hiện, nhằm đem lại lợi ích, hạnh phúc, đạo đức cho người khác và cộng đồng”, có thể thấy bản chất của Nghĩa vụ con người chính là sự cống hiến (mang tính vị tha) của con người đối với cộng đồng, xã hội. Sự cống hiến này có thể là việc đóng góp công sức, thời gian, năng lực, trí tuệ… của mình cho cộng đồng (Nghĩa vụ chủ động) hoặc cũng có thể là việc tự hạn chế những hành động, ý muốn, lợi ích của bản thân mình để không làm tổn hại đến lợi ích của người khác, lợi ích của cộng đồng (Nghĩa vụ thụ động). Tuy nhiên, dù là việc đóng góp hay tự hạn chế bản thân, thì bản chất của Nghĩa vụ con người vẫn luôn thể hiện rõ khuynh hướng vị tha (altruistic tendency). Sự đóng góp của con người khi thực thi Nghĩa vụ sẽ giúp bù đắp lại những lợi ích mà con người đã thụ hưởng từ xã hội, đồng thời cũng là nguồn lực cốt yếu giúp xã hội được tồn tại và phát triển. Còn việc tự hạn chế bản thân nhằm giúp cho xã hội giữ được trật tự, ổn định.

Bên cạnh đó, khuynh hướng vị tha trong bản chất của Nghĩa vụ con người cũng được thể hiện khi phân tích Nghĩa vụ con người dưới góc độ lịch sử và góc độ các động lực hình thành. Xét từ nguồn gốc lịch sử, vào thời hoang sơ, khi xã hội chưa có tổ chức, con người sống theo bản năng. Lúc đó, trong khi bươn chải để tìm lương thực cho sự sống giữa rừng hoang mênh mông, con người được tự do chiếm hữu mọi thứ của thiên nhiên không giới hạn. Họ luôn muốn tranh giành mọi thứ về cho mình, từ thực phẩm cho đến những lợi ích khác. Họ cũng tự nhiên biết chăm sóc, bảo bọc gia đình ruột thịt của mình. Đây chính là khởi nguồn tự nhiên của Quyền và Nghĩa vụ (xem mục 3.1.1). Quyền là sự thụ hưởng lợi ích cho bản thân nên có tính vị kỷ, còn Nghĩa vụ là tinh thần chăm lo cho người khác nên mang ý nghĩa của lòng vị tha. Khi cộng đồng phát triển lớn dần, dân số đông hơn, sự khai thác chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên đã bắt đầu có xung đột cạnh tranh. Lúc đó con người cần luật pháp để điều chỉnh sự tự do chiếm hữu cho hợp lý lại. Quyền con người đã bắt đầu được pháp luật điều chỉnh. Cũng vì cộng đồng đã phát triển lớn hơn, nhưng tinh thần trách nhiệm của con người vẫn chỉ lẩn quẩn trong gia đình của mình, nên những thủ lĩnh của bộ tộc đã ra quy định buộc con người phải mở rộng tinh thần trách nhiệm của mình với cộng đồng. Nghĩa vụ con người đã bắt đầu được pháp luật điều chỉnh. Pháp luật đã thu

hẹp Quyền con người và mở rộng Nghĩa vụ con người cho cân đối lại với nhau.


Ngày nay khi xã hội đã vô cùng đông đúc phức tạp, nếu ta xem Quyền con người là tự nhiên như thời hoang sơ để áp vào thời đại ngày hôm nay sẽ là một sự áp đặt khập khiễng bất hợp lý. Cũng vậy, nếu ta để mặc cho trách nhiệm con người chỉ lẩn quẩn trong gia đình cũng sẽ là một sự thiếu sót trầm trọng.

Xét trên góc độ các động lực hình thành nên Nghĩa vụ, chúng ta thấy: ban đầu, Nghĩa vụ được hình thành do bản năng thương yêu gia đình của mỗi người, nghĩa là con người có trách nhiệm chăm sóc cho gia đình của mình trước hết. Khi yêu thương nhau người ta sẽ chăm sóc cho nhau, đó là quy luật tâm lý rất tự nhiên của con người. Những tình cảm như tình mẫu tử, tình anh em, tình thương vợ chồng… luôn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy con người phải hành động vì lợi ích của người kia (thực thi Nghĩa vụ)37. Kế theo, khi cộng đồng phát triển lớn hơn, người có đạo đức cũng phát triển tình thương của mình lớn như thế, nên cũng có trách nhiệm với cộng đồng. Nghĩa vụ với cộng đồng đã bắt đầu được hình thành từ đạo đức vị tha thật sự. Đến khi cộng đồng phát triển quá lớn, thành vùng lãnh thổ hay quốc gia, người dù có đạo đức cũng không còn cơ hội được tiếp xúc với người ở xa mình, nên tình thương không phát triển theo kịp với cộng đồng, và họ cảm thấy không cần phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, nơi cộng đồng lớn lao đó mà ta gọi là xã hội, con người vẫn có sự tương tác vô hình với nhau, có chia sẻ lợi ích với nhau, nên buộc phải có trách nhiệm với nhau dù ta không ý thức về trách nhiệm đó. Lúc này, pháp luật phải xuất hiện để điều chỉnh, buộc con người phải có trách nhiệm lớn hơn cả nhận thức và đạo đức của mình. Trách nhiệm đối với xã hội này, ta gọi là Nghĩa vụ được quy định bởi pháp luật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 320 trang tài liệu này.

Như vậy, ta có các nguồn của Nghĩa vụ như sau:

- Nghĩa vụ do bản năng tình thương yêu gia đình.

Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam - 7

- Nghĩa vụ do đạo đức đối với cộng đồng.

- Nghĩa vụ do pháp luật quy định.

Ngoài ra, trong trường hợp một người chưa đủ đạo đức với cộng đồng, nhưng không muốn bị cộng đồng xung quanh phê phán nên phải ứng xử có trách nhiệm. Trong trường hợp này, động lực để làm nên Nghĩa vụ là do luân lý xã hội đòi hỏi. Vì thế, ta có thể chia Nghĩa vụ đối với cộng đồng thành hai loại: một là do luân lý xã hội đòi hỏi, hai là do lương tâm đạo đức nội tại thúc đẩy.


37 Xem Nguyễn Quang Uẩn (2007), Giáo trình tâm lý học đại cương, Nxb Đại học Sư Phạm, tr. 162.


Nếu Nghĩa vụ đó là do lương tâm đạo đức thúc đẩy, thì khuynh hướng vị tha sẽ được thể hiện rất rõ ràng. Từ đạo đức như thế, con người sẽ thực thi Nghĩa vụ một cách tự giác, chu toàn, thậm chí vượt hơn bổn phận của mình để mang lại lợi ích cho tha nhân. Nếu Nghĩa vụ đó là do luân lý xã hội đòi hỏi (sợ bị phê phán), thì việc thực thi Nghĩa vụ cũng sẽ giúp hài hòa các mối quan hệ giữa người với người, tạo thành nề

nếp kỷ cương, sự ổn định trong xã hội.

Nếu Nghĩa vụ đó được quy định bởi pháp luật, thì việc thực thi Nghĩa vụ sẽ có tính phổ quát, chi tiết, mạnh mẽ để bảo vệ những lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, và cả thế giới38.

Tuy nhiên, trong lịch sử, nhất là ở thời đại quân chủ chuyên chế, rất nhiều Nghĩa vụ trong pháp luật được dùng để phục vụ giai cấp thống trị. Con người đã phải phụng sự rất nhiều cho lợi ích của vua quan. Khi xã hội tiến tới nền văn minh dân chủ, thì Nghĩa vụ trong pháp luật không phải dùng để phục vụ giai cấp thống trị mà được dùng để tạo nên nguồn lực phục vụ cho lợi ích của con người. Lúc đó, nhà nước đóng vai trò điều phối giữa quyền lợi và Nghĩa vụ của người dân.

Đặc biệt, trong thời đại hôm nay, ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề có tính toàn cầu như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tư tưởng cực đoan, khủng bố, chiến tranh… con người lại càng bị yêu cầu cao hơn về tinh thần trách nhiệm. Vì thế, pháp luật phải được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện để nâng Nghĩa vụ con người lên cao hơn, đồng thời, nhận thức và đạo đức của con người cũng phải được nâng tầm một cách phù hợp.

Điều này đòi hỏi pháp luật và đạo đức về Nghĩa vụ con người phải được hoàn thiện hơn, không chỉ nhằm đạt được lợi ích của riêng một cộng đồng, hay quốc gia nào mà phải hướng tới toàn thế giới. Các nhà nước phải quy định các Nghĩa vụ con người phù hợp với khuynh hướng toàn cầu này, và chính mỗi cá nhân cũng phải xây dựng tinh thần Nghĩa vụ toàn cầu để tạo nên một thế giới đại đồng bình yên hạnh phúc.

2.2.2. Mối tương quan giữa Nghĩa vụ con người và Quyền con người trong pháp luật

2.2.2.1. Quyền con người không tách rời với Nghĩa vụ con người

Có một hệ thống quan điểm cho rằng Quyền con người là tự nhiên, bẩm sinh, vốn có, không phụ thuộc vào ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, cộng đồng hay nhà nước nào39. Tuy nhiên, nhiều học giả trên thế giới đã nhận ra sự bất hợp lý của Quyền tự nhiên


38 Xem Đại học Luật Hà Nội (2016), Giáo trình lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư Pháp, Hà Nội, tr. 257. 39 Xem Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 39.


và lên tiếng phủ nhận. Nổi bật trong số đó, Jeremy Bentham - triết gia, luật gia người Anh, đã cho rằng Quyền tự nhiên là “ngôn ngữ khủng bố” (terrorist language)40.

Quan điểm của luận án cho rằng, tuỳ theo góc nhìn mà ta nói rằng Quyền con người là tự nhiên hay là do quy định của pháp luật. Quan điểm Quyền tự nhiên xuất phát từ tiềm thức từ thời hồng hoang, khi mà dân số còn thưa thớt, tài nguyên còn dồi dào, rừng hoang còn mênh mông, con người được tự do chiếm hữu các lợi ích từ thiên nhiên mà vẫn không xung đột nhau. Đến khi cộng đồng xã hội phát triển, dân số đông lên, con người không còn muốn lấy gì thì lấy, muốn làm gì thì làm theo ý riêng của mình nữa, mà phải theo quy định chung (pháp luật) để tránh xung đột với nhau. Lúc này, khái niệm Quyền con người phải là do quy định của pháp luật chứ không còn là tự nhiên như ngày xưa nữa.

Hơn nữa, theo tinh thần khoa học, không có gì xuất hiện một cách tự nhiên cả. Như để có được một thảo nguyên xanh tươi bát ngát, ta cần phải hội đủ các điều kiện: đất, nước, độ ẩm, hạt mầm chìm trong đất, khí hậu thích hợp. Cũng vậy, Quyền con người sẽ được hình thành tùy theo hoàn cảnh xã hội là thời sơ khai thưa thớt hay là thời xã hội văn minh đông đúc. Nếu là thời văn minh đông đúc thì Quyền con người cần những điều kiện để thực thi, đó là Nghĩa vụ con người và hệ thống pháp luật vững chắc. Tư duy về luật pháp của con người là đủ chín chắn tiến bộ khi cho rằng Quyền và Nghĩa vụ con người là không tách rời nhau.

i. Quyền người này là Nghĩa vụ người khác

Con người luôn có sự tương tác nhất định với cộng đồng và mọi người xung quanh. Sự tương tác này tạo thành mối tương quan giữa Quyền của người này là Nghĩa vụ người khác. Nếu một người được thụ hưởng tiện nghi sung sướng, thì một người khác phải vất vả làm việc, chăm sóc, phục vụ. Nếu một công dân có quyền thụ hưởng cuộc sống hạnh phúc, ấm no thì các lực lượng chức năng, công an, cảnh sát, quân đội... phải vất vả ngày đêm canh gác, bảo vệ. Do đó, để Quyền con người được thụ hưởng thì Nghĩa vụ con người phải được thực thi.

Để cho nhân dân có Quyền con người thì nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho nhân dân, có trách nhiệm điều phối Quyền và Nghĩa vụ cho người dân, và chính người dân cũng phải thực thi Nghĩa vụ một cách đầy đủ. Mỗi cá nhân khi đòi hỏi


40 Xem George H.Smith, Jeremy Bentham’s attack on natural rights, website: https://www.libertarianism.org/publications/essays/excursions/jeremy-benthams-attack-natural- rights#:~:text=Natural%20rights,%20according%20to%20Bentham,to%20laws,%20and%20revolution%20a gainst, truy cập ngày 27/01/2021.


Quyền con người của mình thì đồng thời lúc đó cũng đã buộc những người nào khác, một tổ chức hay nhà nước phải thực hiện Nghĩa vụ nhiều hơn, thậm chí là những sự đánh đổi, hy sinh tính mạng để đáp ứng Quyền con người cho mình. Do đó phải hết sức dè dặt trước sự thụ hưởng của mình, thay vì đòi hỏi quá nhiều về Quyền thì mỗi người nên có ý thức thực thi Nghĩa vụ để giảm gánh nặng cho xã hội, quốc gia vì “các Quyền con người cũng đòi hỏi phải có Nghĩa vụ kèm theo đối với mỗi cá nhân, nếu không Nhà nước sẽ không có cơ sở để đảm bảo các Quyền này được thực hiện”41.

ii. Người hưởng Quyền gì phải có Nghĩa vụ tương xứng với Quyền đó

Theo lý luận cơ bản của pháp luật, Quyền con người và Nghĩa vụ con người là hai mặt của một vấn đề. Mỗi cá nhân đều được hưởng những Quyền và Lợi ích nhất định, đồng thời chính họ cũng phải thực thi những Nghĩa vụ tương xứng. Việc thực thi Nghĩa vụ này là điều kiện tiên quyết để đảm bảo Quyền được thụ hưởng. Có thể nói, “Con người, công dân muốn được đảm bảo các Quyền thì phải thực hiện các Nghĩa vụ... quyền lợi và Nghĩa vụ luôn phải đi đôi với nhau”42. Thực sự:“Việc đòi hỏi Quyền mà không thực hiện các Nghĩa vụ tương xứng là một sự gian trá khó có thể chấp nhận”43. Chính Nghĩa vụ con người đã tạo ra Quyền con người, bởi vì đã tạo ra nguồn lực cho xã hội. Nhờ vào nguồn lực đó, con người được thụ hưởng những lợi ích (Quyền). Lãnh tụ Mahatma Gandhi đã từng khẳng định: “nếu ai cũng khăng khăng đòi hỏi quyền lợi, trong khi không ai nghĩ về Nghĩa vụ thì đó là một điều thật khôi hài”44.

Trong cuộc sống, không ai có thể tồn tại độc lập, riêng lẻ mà phải luôn sống trong một xã hội nhất định, được cộng đồng che chở, cưu mang. Do đó, ngoài việc thực thi Nghĩa vụ để đáp ứng cho nhu cầu hưởng Quyền của mình thì mỗi cá nhân còn phải có những Nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng. Người hưởng Quyền gì phải có Nghĩa vụ tương xứng với Quyền đó. Chẳng hạn, con người có Quyền sống trong một xã hội sung túc như mong muốn thì cũng có Nghĩa vụ siêng năng làm việc; con người có Quyền sống trong môi trường trong lành thì cũng có Nghĩa vụ cùng nhau bảo vệ môi trường, con người có Quyền tự do thì cũng có Nghĩa vụ của sự tự do.

Quyền tự do là một trong những Quyền quan trọng nhất của con người. Tự do nghĩa là được làm được nói những gì mình muốn. Khi được làm được nói những gì mình


41 Gerhard Ernst và Jan - Christoph Heilinger (2012), The Philosophy of Human Rights - Contemporary Controversies, Walter de Gruyter GmbH & Co. KG, Berlin/Boston, Đức, tr. 75.

42 Đại học Luật Hà Nội (2016), Giáo trình Luật hiến pháp Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, tr. 257-258.

43 Onora O'Neill (2005), The Dark Side of Human Rights, Tạp chí International Affairs, tập 81, số 2.

44 Samuel Moyn (2016), Rights vs. Duties: Reclaiming Civic Balance, Boston Review, website: http://bostonreview.net/books-ideas/samuel-moyn-rights-duties, truy cập ngày 13/01/2021.


muốn, con người cảm thấy hạnh phúc. Bởi vì Quyền tự do là một yếu tố tạo nên hạnh phúc, nên nó phải được bảo đảm bằng pháp luật (quốc tế cũng như quốc gia). Chẳng hạn, Quyền tự do được quy định trang trọng trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ, Điều 1 Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp, hay Điều 1 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948…

Quyền tự do mang lại nhiều ý nghĩa tích cực như cho phép con người được tự do mưu sinh nuôi sống bản thân mình, tự do theo đuổi những sở thích cá nhân chính đáng, tự do tìm tòi sáng tạo, và tự do làm điều thiện cống hiến cho xã hội (nếu như họ có thiện chí). Nhưng ngược lại, Quyền tự do cũng có mặt trái của nó. Đó là trong khi tự do hành động theo ý muốn, con người cũng có thể gây tạo tội lỗi, làm tổn hại cho cộng đồng. Thực tế, một số người đã nhân danh Quyền tự do để vi phạm pháp luật.

Như đã đề cập ở trên, Quyền con người không tách rời Nghĩa vụ con người. Nhưng hiện nay, nhân loại đã ca ngợi quá nhiều về Quyền tự do mà ít chú trọng về Nghĩa vụ của con người khi thụ hưởng những Quyền tự do đó. Điều này là không công bằng và đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Con người không thể thiếu Quyền tự do để được sống hạnh phúc, nhưng con người cũng cần có Nghĩa vụ của sự tự do để ngăn chặn sự nguy hiểm đến từ mặt trái của nó.

Vì con người có Quyền tự do, có thể làm những điều mình muốn, thế nên con người cũng có Nghĩa vụ kiểm soát ý muốn của mình sao cho chỉ muốn làm những điều tốt đẹp, đúng pháp luật, đúng luân lý xã hội, đúng với lương tâm đạo đức, để không gây tổn hại cho người khác, không gây tổn hại cho cộng đồng, không gây tổn hại cho đất nước, không gây tổn hại cho nhân loại. Chẳng hạn, trẻ em trong gia đình phải được cha mẹ dạy dỗ uốn nắn kỹ lưỡng, chứ không phải được tự do hoàn toàn theo ý muốn. Con người sống trong khu phố phải tuân theo các quy ước trong khu phố đó, chứ không phải hoàn toàn được tự do theo ý mình. Còn người có đạo đức cao thì tự mình kiểm soát được ý muốn của bản thân một cách sâu sắc để không làm điều tội lỗi mà chỉ làm những điều tốt đẹp cho người khác.


Hình 1 - Sơ đồ Quyền tự do

Quyền con người không thể là vô hạn mà phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật, của luân lý xã hội (social ethics) và đạo đức nội tại (moral conscience)45. Quyền con người phải dừng lại ở vị trí nhường chỗ cho Nghĩa vụ tôn trọng Quyền - Lợi ích hợp pháp của người khác “nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa các Quyền cá nhân và các Quyền của tập thể (cộng đồng, quốc gia, dân tộc), cũng như giữa các cá nhân với nhau46. Nếu ai cũng đòi hỏi Quyền mà không thực thi Nghĩa vụ tôn trọng Quyền của người khác thì sẽ dẫn đến sự xung đột lợi ích giữa các cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể. Để tránh sự xung đột đó cũng như nhằm đảm bảo Quyền con người được thụ hưởng thì Quyền của mỗi cá nhân phải được đặt trong sự giới hạn và có mối tương quan với Nghĩa vụ tôn trọng Quyền - Lợi ích hợp pháp của người khác.

Sự giới hạn Quyền này được đảm bảo bằng nhiều phương thức như: quy định của pháp luật (legal provisions), hoặc trong các công cụ điều chỉnh khác như đạo đức, tín điều tôn giáo (religious beliefs), kỷ luật của tổ chức, hương ước của cộng đồng dân cư. Việc mỗi cá nhân tuân thủ chấp hành sự giới hạn này cũng đồng nghĩa với việc thực thi Nghĩa vụ nhằm đảm bảo cho Quyền con người được thụ hưởng.


45 Xem khoản 2, 3 Điều 29, UDHR.

46 GS.TS. Tạ Ngọc Tấn (chỉ đạo nội dung), Phạm Văn Ba, TS. Nguyễn Thị Báo, TS. Vũ Công Giao (đồng chủ biên) (2015), Quyền con người, Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp Việt Nam, Nxb Văn phòng thường trực về nhân Quyền và Học viện Chính trị Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 53.


Ngoài ra, Quyền con người và Nghĩa vụ con người còn có mối tương quan lẫn nhau khi mức độ hưởng Quyền của một người phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và đạo đức của người đó. Trong thực tế cuộc sống, khái niệm "Con người" rất phức tạp. Cùng là con người nhưng có rất nhiều hạng người khác nhau cùng tồn tại, có người nghèo - người giàu, người tài - người bất tài, người đạo đức - người ác độc, người có năng lực hành vi dân sự - người mất năng lực hành vi dân sự, người tận tụy cống hiến - người lười biếng, thụ động… Và theo lẽ công bằng, người có công phải được khen thưởng, người có tội phải bị trừng phạt, còn người không làm gì sẽ bị quên lãng. Những kẻ xấu ác, ích kỷ, tham lam, lười biếng, không có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng xã hội thì không thể được hưởng Quyền ngang bằng với một người cống hiến cả đời. Một kẻ sát nhân không thể được hưởng Quyền con người ngang bằng với người có đạo đức. Nói cho cùng, “khái niệm tự do phải xoay quanh Nghĩa vụ và bổn phận…”47, sự thụ hưởng Quyền phải dựa trên những tiêu chí đạo đức căn bản và tinh thần trách nhiệm.

Hơn nữa, “nếu mọi người thực thi Nghĩa vụ thì sẽ tạo ra một môi trường mà Quyền của họ ít có khả năng bị vi phạm”48. Quyền con người sẽ không có cơ sở, nguồn lực, điều kiện để thực hiện nếu con người không thực thi những Nghĩa vụ tương xứng. Ví dụ nếu tất cả công dân chấp hành pháp luật, thực thi Nghĩa vụ của mình một cách nghiêm túc, tận tụy dựng xây cống hiến để góp phần tạo nên nguồn lực dồi dào thì chính họ sẽ được sống trong một đất nước hùng mạnh sung túc an toàn. Không chỉ riêng bản thân họ mà cả anh em họ hàng và cộng đồng này cũng được thụ hưởng điều đó.

Quyền con người không phải tự nhiên sinh ra là đã có mà phải cần có điều kiện. Điều này chứng tỏ rằng “Quyền con người sẽ được bảo đảm tốt hơn khi mọi người đảm nhận Nghĩa vụ của mình đối với người khác, đối với cộng đồng, đối với quốc gia và đối với cả thế giới”49. Trên thực tế, nguyên tắc Quyền con người không tách rời Nghĩa vụ con người là một nguyên tắc quan trọng trong Hiến pháp và pháp luật các quốc gia nhằm định hướng cho hoạt động pháp luật, đồng thời xây dựng tinh thần trách nhiệm cho con người, công dân khi thụ hưởng các Quyền của mình. Với sự quy định rõ ràng, cụ thể nguyên tắc Quyền con người không tách rời Nghĩa vụ con người



47 TS. T.S.N. Sastry (2011), tlđd, tr. 4, 25.

48 Sue L.T. McGregor (2013), Human Responsibility Movement Initiatives: A Comparative Analysis, Journal of peace education and social justice, tập 7, số 1, tr. 1-2.

49 Sue L.T. McGregor (2013), tlđd, tr. 1-2.

Xem tất cả 320 trang.

Ngày đăng: 22/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí