này sẽ giáo dục tư tưởng, ý thức của mỗi cá nhân, khi thụ hưởng bất kỳ quyền lợi nào thì cũng cần phải suy xét mình đã thực hiện Nghĩa vụ gì. Trong hiến pháp một số quốc gia, nguyên tắc này được quy định một cách rõ ràng như:
− Quyền công dân không tách rời Nghĩa vụ công dân (Citizens’ rights are inseparable from citizens’ obligations)50.
− Hiến pháp và pháp luật sẽ quy định những Quyền cho công dân thụ hưởng, đồng thời cũng quy định những Nghĩa vụ cho công dân thực thi. (Every citizen enjoys the rights prescribed by the Constitution and other laws and at the same time must perform the duties prescribed by the Constitution and other laws)51.
− Mỗi công dân sẽ được hưởng các Quyền và phải tuân theo các Nghĩa vụ được quy định trong Hiến pháp này (Every citizen shall enjoy the rights and be subject to the duties enshrined in this Constitution)52.
− Các Quyền và tự do cơ bản bao gồm Nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội, gia đình và các cá nhân khác (The fundamental rights and freedoms also comprise the duties and responsibilities of the individual to the society, his/her family, and other individuals)53.
− Việc thụ hưởng các Quyền và tự do không thể tách rời việc thực thi Nghĩa vụ, bổn phận (The exercise and enjoyment of rights and freedoms is inseparable from the performance of duties, and obligations)54.
Quyền con người không tách rời Nghĩa vụ con ngườilà một nguyên tắc tiến bộ trong một bản hiến pháp tiến bộ. Nghĩa là hiến pháp phải quy định rõ ràng về các Quyền mà con người được thụ hưởng và các Nghĩa vụ mà con người phải thực thi. Việc quy định như vậy giúp cho người dân hiểu rõ được các Quyền và Nghĩa vụ của mình cũng như thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt công bằng của nhà nước.
Ở Hiến pháp một số quốc gia, Quyền được quy định rất nhiều trong khi Nghĩa vụ được đề cập rất ít hoặc thậm chí không được nhắc đến. Việc quy định nhiều Quyền hơn Nghĩa vụ trong Hiến pháp là một chính sách tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, vì dân dễ có cảm tình với người cho họ nhiều Quyền hơn là bắt họ có trách nhiệm. Trên thực tế, Hiến pháp không đề cập đến Nghĩa vụ nhưng trong các văn bản Luật thì
Có thể bạn quan tâm!
- Nhận Xét Về Tình Hình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Đề Tài Luận Án
- Mục Đích, Ý Nghĩa Của Việc Quy Định Nghĩa Vụ Con Người Trong Pháp Luật
- Bản Chất Nghĩa Vụ Con Người Và Mối Tương Quan Giữa Nghĩa Vụ Con Người Với Quyền Con Người Trong Pháp Luật
- Những Tính Chất Của Mối Tương Quan Giữa Quyền Con Người Và Nghĩa Vụ Con Người
- Nghĩa Vụ Con Người Trong Pháp Luật Quốc Tế Và Pháp Luật Quốc Gia
- Cơ Chế Bảo Đảm Thực Thi Nghĩa Vụ Con Người Trong Pháp Luật
Xem toàn bộ 320 trang tài liệu này.
50 Điều 15, Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
51 Điều 33, Hiến pháp Trung Quốc năm 1982. 52 Điều 12, Hiến pháp Bồ Đào Nha năm 1976. 53 Điều 12, Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ năm 1982. 54 Điều 41, Hiến pháp Ghana năm 1992.
Nghĩa vụ lại được quy định rất nhiều. Chẳng hạn như Hiến pháp Mỹ không hề nhắc đến Nghĩa vụ nộp thuế nhưng Luật Thuế của họ thì quy định Nghĩa vụ này rất chi tiết chặt chẽ kèm theo các biện pháp chế tài rất mạnh.
Như vậy, từ lý luận và thực tiễn cho đến sự ghi nhận của pháp luật, Quyền con người không tồn tại độc lập, riêng lẻ, mà luôn đặt trong mối tương quan chặt chẽ với Nghĩa vụ con người. Nơi nào có Quyền, chắc chắn ở phía sau phải có Nghĩa vụ được thực thi, hoặc do chính người hưởng Quyền thực thi, hoặc do người khác thực thi (từ một động cơ Nhân tình, Nhân đạo, Nhân nghĩa, hay hợp đồng dân sự, hay do pháp luật bắt buộc). Dù là Nghĩa vụ của ai thì mỗi người khi thụ hưởng các Quyền và lợi ích nhất định của mình cũng đều phải có những Nghĩa vụ tương xứng để bù đắp lại cho Quyền được thụ hưởng, bù đắp lại cho nguồn lực đã tiêu hao.
iii. Về ba phương thức cung cấp Lợi ích hợp pháp khác bên cạnh Nhân quyền
Nguyên tắc Quyền không tách rời Nghĩa vụ còn được hiểu là: nếu ai không thực thi Nghĩa vụ thì đương nhiên không được hưởng Quyền hợp pháp (Nhân quyền). Điều cần nhấn mạnh là trong xã hội luôn tồn tại những người lười biếng, thiếu thiện chí. Họ hoàn toàn có khả năng (sức khỏe, nhận thức, kiến thức, kỹ năng…) để thực thi Nghĩa vụ nhưng chỉ thích thụ hưởng phúc lợi, trợ cấp mà không chịu làm việc hoặc chỉ làm việc hời hợt. Sự đóng góp của họ là hoàn toàn không tương xứng với Quyền được thụ hưởng. Đối với những người kém thiện chí này, nguyên tắc pháp lý “Quyền và Nghĩa vụ đi đôi” cần phải được áp dụng nghiêm khắc để buộc họ phải có một cuộc sống công bằng hơn.
Trong những tình huống ngược lại, có những đối tượng mặc dù không phải lười biếng, nhưng vì một số lý do chính đáng nên không có điều kiện để đóng góp cho xã hội (thực thi Nghĩa vụ) như trẻ em, người già yếu, người khuyết tật… Nếu vin vào lý do vì họ không thực thi Nghĩa vụ nên không được hưởng Quyền, thì tất cả những người trên sẽ rơi vào tình trạng bế tắc, đói kém, tuyệt vọng. Tính nhân đạo của loài người không cho phép xảy ra điều đó. Ai cũng phải được sống, được có niềm vui trong cuộc sống, được cơ hội để cống hiến dù rất ít ỏi. Lúc này, bên cạnh phương thức Nhân quyền, con người sẽ dùng ba phương thức cung cấp lợi ích khác là Nhân đạo (từ thiện xã hội), Nhân nghĩa (lòng biết ơn của cộng đồng) và Nhân tình (tình yêu thương gia đình) để bảo đảm cuộc sống an toàn, ấm no cho những đối tượng kém may mắn đó. Cụ thể là:
- Nhân tình (Human Love): bản năng tự nhiên của con người là khi yêu thương ai, ta sẽ chăm lo cho người đó. Người ta yêu thương có thể là người cùng huyết thống hoặc ngoài huyết thống. Vì yêu thương mà chăm sóc cho nhau, ta gọi đó là phương
thức Nhân tình (theo định nghĩa của luận án này) bổ sung cho phương thức Nhân quyền. Ví dụ, quyền lợi mà trẻ em được thụ hưởng từ sự nuôi dưỡng của cha mẹ là Nhân tình chứ không phải là Nhân quyền. Dù trẻ em chưa thể thực thi được Nghĩa vụ, nhưng vẫn được cha mẹ nuôi dạy cho đến khi đủ khả năng tự lo cho mình. Vì chưa thể làm việc cống hiến, trẻ em được xem là đối tượng “vay mượn” quyền lợi để sống và phát triển. Tuy vậy, trẻ cũng nên được hướng dẫn thực hiện một số bổn phận phù hợp với thể chất và nhận thức của mình, như hiếu kính cha mẹ, ngoan ngoãn, vâng lời để không gây thêm sự ức chế về tâm lý cho cha mẹ. Ngoài ra, trẻ cần được dạy dỗ dần dần về tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng để sau này lớn lên có đủ nhận thức, đạo đức và kỹ năng để cống hiến bù đắp lại khoản quyền lợi mà trẻ được hưởng lúc còn nhỏ.
- Nhân nghĩa (Human Gratitude): là phương thức cung cấp Lợi ích hợp pháp cho con người xuất phát từ lòng biết ơn của xã hội đối với người đã có nhiều công lao, cống hiến cho đời khi họ còn khỏe mạnh. Họ là người già yếu, người về hưu55, thương binh, bệnh binh… Dù họ không còn khả năng cống hiến nên không nhận được lợi ích thông qua phương thức Nhân quyền, tuy nhiên, họ sẽ nhận sự đãi ngộ, chăm sóc từ sự nhớ ơn của cộng đồng, đây được gọi là phương thức Nhân nghĩa.
Tuy già yếu, bệnh ốm, không làm việc được nhiều, nhưng họ cũng nên có trách nhiệm đối với cộng đồng như gương mẫu về đạo đức, chấp hành pháp luật, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho đời sau… để phẩm giá của họ vẫn không bị suy giảm.
- Nhân đạo (Human Compassion): là phương thức cung cấp Lợi ích hợp pháp cho con người xuất phát từ lòng thiện nguyện giữa con người với nhau. Phương thức Nhân đạo này sẽ thay thế cho phương thức Nhân quyền để cung cấp lợi ích cho những người không còn khả năng thực thi Nghĩa vụ theo pháp lý. Ví dụ, người khuyết tật không thể tự lo cho mình được, cũng không thể thực thi Nghĩa vụ đối với cộng đồng. Theo nguyên tắc pháp lý, họ không được thụ hưởng những lợi ích thông qua phương thức Nhân quyền. Họ là đối tượng kém ưu thế rõ rệt trong xã hội. Dù Quyền con người của người khuyết tật có được quy định bởi pháp luật, nó cũng chỉ mang tính hình thức. Ít ai cảm thấy có động cơ và sự ràng buộc phải cung cấp lợi ích cho họ. Trong trường hợp đó, quyền lợi của người khuyết tật phụ thuộc vào sự đối xử Nhân đạo của xã hội, nghĩa là từ lòng trắc ẩn của mọi người.
55 Lương hưu được hiểu như sau: khi đang còn làm việc, ta đang trích tiền lương của ta vào quỹ bảo hiểm. Số tiền này không phải để dành cho ta, mà ta đang đóng góp để trả tiền lương hưu cho ai đó. Sau này, khi ta nghỉ hưu, những người đang còn làm việc cũng đóng quỹ bảo hiểm, và quỹ này sẽ biến thành lương hưu của ta. Tương tự như vậy với quỹ bảo hiểm y tế. Khi ta đóng quỹ bảo hiểm y tế là không phải để dành cho chính ta, mà ta đóng cho người nào đó đang cần chi phí chữa bệnh. Sau này, khi ta bị bệnh, tiền bảo hiểm y tế của người khác đang đóng sẽ hỗ trợ cho ta.
Xã hội nào có tính Nhân đạo cao thì người khuyết tật đỡ vất vả. Trong ý nghĩa tích cực, cộng đồng cố gắng không để người khuyết tật trở thành vô ích hoàn toàn. Nhà nước và xã hội giúp đỡ cho người khuyết tật, đồng thời cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho họ cống hiến với khả năng ít ỏi của mình, để họ vẫn còn có phẩm giá giữa cuộc đời.
Một số đối tượng kém ưu thế khác như trẻ mồ côi, người khốn khó do sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh… mặc dù không phải là già yếu, tật nguyền, nhưng lâm vào hoàn cảnh tạm thời ngặt nghèo, cũng đáng được hưởng sự đối xử Nhân đạo của xã hội. Khi đang được hưởng sự đối xử Nhân đạo của xã hội, những người kém ưu thế cũng nên san sẻ những lợi ích của mình (dù rất ít ỏi) cho người kém ưu thế khác, để cùng nhau vượt qua khăn khó. Khi hoàn cảnh tốt trở lại, tất cả phải cố gắng cống hiến để bù đắp lại nguồn lực cho xã hội.
Trường hợp như đối với những người dân mất việc làm, họ không còn khả năng trả tiền mua nhà hàng tháng và bị ngân hàng tịch thu mất nhà ở (tình trạng chung của các nước phương Tây), họ trở thành homeless dắt díu gia đình ra ở ngoài đường, cũng có thể được coi là người kém ưu thế. Trong trường hợp này, sự sòng phẳng của pháp luật đã không đảm bảo được Quyền sống, Quyền cư trú cho con người. Lúc này họ rất cần nhận được những lợi ích thông qua các phương thức Nhân tình, Nhân nghĩa, Nhân đạo để đảm bảo những điều kiện sống tối thiểu của con người. Khi hoàn cảnh tốt trở lại, họ phải cố gắng cống hiến để bù đắp lại nguồn lực cho xã hội.
Nếu chỉ cần thông qua phương thức Nhân quyền để cung cấp lợi ích cho con người thì chỉ cần các cơ quan thực thi pháp luật về Quyền con người là đủ. Nhưng thực tế là nhà nước và xã hội đã lập ra nhiều tổ chức khác để đảm bảo Quyền và Lợi ích hợp pháp cho công dân, đó là các ủy ban quốc gia về người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em... các hội đoàn như Hội Người cao tuổi, Hội Người khuyết tật, Hội Chữ thập đỏ, các hội từ thiện xã hội… Các tổ chức này có trách nhiệm sử dụng phương thức Nhân đạo, Nhân nghĩa, Nhân tình để cung cấp lợi ích cho các trường hợp mà pháp luật về Nhân quyền không đủ chức năng cung cấp.
Qua việc làm sáng tỏ bốn phương thức cung cấp Lợi ích hợp pháp cho con người, ta có thể thấy rằng, Nhân quyền không phải là nguồn duy nhất. Từ lâu, những nhà hoạt động Nhân quyền đã nhầm lẫn tai hại, đã gom cả bốn phương thức về lại thành một phương thức Nhân quyền, khiến cho lý luận về pháp luật bị sơ hở.
Tóm lại, Quyền và Nghĩa vụ luôn đi đôi với nhau. Theo đó, chỉ người nào thực thi Nghĩa vụ mới được nhận Quyền hợp pháp tương ứng. Tuy nhiên, bên cạnh Quyền pháp lý (Nhân quyền), nhân loại với trí tuệ và đạo đức còn tạo ra ba phương thức cung cấp Lợi
ích hợp pháp khác là Nhân tình, Nhân nghĩa và Nhân đạo để bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho những đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhưng dù cho được thụ hưởng những lợi ích từ ba phương thức trên thì những người yếu thế cũng nên ít nhiều thực thi nghĩa vụ trong khả năng hạn hẹp của chính mình để nâng cao phẩm giá và đóng góp cho cộng đồng.
Hình 2 - Sơ đồ thực thi Nghĩa vụ
Figure 2 - The process of the fulfillment of responsibilities
2.2.2.2. Nghĩa vụ con người là nền tảng của Quyền con người
Cho đến ngày nay, vấn đề Quyền con người là nền tảng của Nghĩa vụ con người hay Nghĩa vụ là nền tảng của Quyền luôn là một đề tài tranh luận sôi nổi của các học giả trên thế giới. Có nhiều học giả quan niệm rằng Quyền là nền tảng vì nó mang lại hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, cũng không ít học giả phản bác luận điểm này và cho rằng Nghĩa vụ mới là nền tảng của Quyền vì Nghĩa vụ là nguồn lực đảm bảo cho Quyền được thụ hưởng.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 29 UDHR, “Mọi người đều có bổn phận đối với cộng đồng, chỉ trong cộng đồng đó con người mới có thể có sự phát triển tự do và đầy đủ về nhân cách của mình”. Qua tuyên bố này, UDHR đã khẳng định rằng, ai cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng, vì không ai có thể sống riêng biệt mà phải là một phần của cộng đồng, phụ thuộc vào cộng đồng để tồn tại và phát triển. Việc quá đề cao quyền và lợi ích cá nhân mà bỏ qua các Nghĩa vụ đó sẽ dẫn đến sự mất cân bằng mà TS. Eric. R. Boot đã nói rằng: “Nếu sự mất cân bằng giữa Quyền và Nghĩa vụ, giữa tự do và trách nhiệm, (giữa hưởng thụ và cống hiến) cứ được tiếp tục duy trì, chủ nghĩa cá nhân sẽ được hình thành một cách không được kiềm chế. Điều này sẽ dẫn xã hội đến xung đột và bất hòa”56. Việc quy định Nghĩa vụ trong UDHR sẽ khuyến khích mỗi cá nhân thực thi những Nghĩa vụ và trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc, tạo thành nguồn lực dồi dào cho xã hội phát triển, tạo tiền đề cho Quyền con người được bảo đảm. Ta có thể khẳng định, Nghĩa vụ chính là nền tảng của Quyền. Tại khoản 2, Điều 29 UDHR quy định rằng, Quyền tự do cá nhân của mỗi người phải chịu sự giới hạn để đảm bảo Quyền tự do của người khác, đồng thời không được trái với các đạo đức xã hội và phúc lợi chung của cộng đồng. Nghĩa là, trong khi được thụ hưởng Quyền tự do cá nhân, con người phải có Nghĩa vụ kiềm chế để không xung đột với các lợi ích của người khác, không đi ngược lại với các chuẩn mực đạo đức của xã hội, và không gây tổn hại cho phúc lợi của cộng đồng.
Chính việc thực thi những Nghĩa vụ này sẽ đảm bảo cho Quyền con người được thụ hưởng trong một xã hội sung túc và công bằng. Hay nói cách khác, Quyền con người chính là kết quả của việc mỗi cá nhân thực thi Nghĩa vụ. Nếu ai cũng khăng khăng đòi Quyền mà không chịu thực thi Nghĩa vụ, không tôn trọng các lợi ích của cộng đồng, xã hội sẽ bị suy thoái và hỗn loạn. Ta nhận thấy rất rõ rằng, tuy UDHR là lời tuyên bố hùng hồn về Quyền con người, cũng đã không thể bỏ qua vai trò của
56 TS. Eric Robert Boot (2015), tlđd, tr. 17.
Nghĩa vụ bởi vì chính Nghĩa vụ mới là nền tảng, tạo nguồn lực cho con người được thụ hưởng những quyền lợi chính đáng của họ.
Trong giai đoạn quân chủ chuyên chế độc tài, con người đã bị ràng buộc bởi quá nhiều Nghĩa vụ mà không có các Quyền tương xứng. Thân phận con người khi đó rất khốn cùng, khổ sở. Việc tôn vinh Quyền con người chính là một cuộc cách mạng lớn trong lịch sử nhân loại nhằm giải phóng thân phận con người khỏi những áp bức vô lý. Tuy nhiên, trong xã hội dân chủ văn minh như hiện nay, Quyền con người được tôn vinh quá đáng đã gây mất cân đối so với Nghĩa vụ, gây nên nhiều sự bất an đổ vỡ trong đạo đức của cá nhân, trong đời sống của gia đình và trong trật tự của xã hội. Triết gia Giuseppe Mazzini đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này: “Tôi chỉ đơn thuần nói rằng các quyền đó chỉ có thể tồn tại như một hệ quả của những Nghĩa vụ đã thực thi, chúng ta phải bắt đầu bằng việc hoàn thành Nghĩa vụ trước rồi mới có Quyền để thụ hưởng. Do đó, nếu có ai đó rao giảng về sự cần thiết của một cuộc chuyển biến xã hội và bảo rằng chỉ có thể đạt được điều đó bằng cách đòi hỏi các quyền lợi cho bạn, hãy biết ơn vì ý tốt đó nhưng đừng tin vào kết quả của nó”57.
Quan điểm phải thực thi Nghĩa vụ trước rồi mới có Quyền để thụ hưởng là một điều hợp lý. Trong thực tế cuộc sống, người có Quyền là người được phép thụ hưởng những lợi ích do người khác phục vụ, chăm sóc; được thỏa mãn các nhu cầu cá nhân, được làm điều mình muốn mà không bị ngăn cản. Còn người có Nghĩa vụ là người phục vụ cho người khác, không ngăn chặn việc thụ hưởng Quyền của người khác. Như vậy, Quyền con người chính là sự thụ hưởng và Nghĩa vụ con người chính là sự cống hiến.
Chúng ta thường ở vào một trong hai trạng thái, hoặc là đang thụ hưởng hoặc là đang cống hiến. Lúc lao động, làm việc, phục vụ người khác chính là lúc con người đang cống hiến. Ngược lại, lúc ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí là lúc con người đang thụ hưởng. Chúng ta cũng có thể ở vào tình trạng vừa thụ hưởng vừa cống hiến. Hai trạng thái này đan xen nhau và thay đổi qua lại. Trong thời điểm này họ đang thụ hưởng nhưng trong thời điểm khác họ đang cống hiến. Hầu như không ai chỉ có cống hiến mà không thụ hưởng và cũng không ai chỉ có thụ hưởng mà không cống hiến. Có người cống hiến thì mới có người thụ hưởng. Hoặc người nào đã từng có cống hiến thì người đó mới xứng đáng được thụ hưởng. Cống hiến đích thực là nguồn lực cho sự thụ hưởng. TS. Mumba Malila đã viết trong luận án tiến sĩ luật học: “Việc hoàn thành Nghĩa vụ của từng người trong xã hội chính là điều kiện tiên quyết tạo nên quyền lợi cho tất cả mọi người (The
57 Samuel Moyn (2016), tlđd.
fulfilment of duty by each individual is a prerequisite to the rights of all)58. Từ những nhận định trên, chúng tôi cho rằng Nghĩa vụ là nền tảng, là gốc của Quyền.
Quan trọng hơn, con người không phải là một cá nhân đơn lẻ lạc loài giữa xã hội mà chính là từng thành tố để xây dựng nên cả một cộng đồng nhân loại. Việc con người lựa chọn Quyền là nền tảng hay Nghĩa vụ là nền tảng còn có ý nghĩa quyết định tương lai của nhân loại. Sự đề cao quá đáng về Quyền đã dẫn đến việc thụ hưởng quá nhiều của con người mà sự thụ hưởng đó đang làm cạn kiệt tài nguyên của Trái đất.
Đã đến lúc Nghĩa vụ phải được xem là nền tảng của Quyền để con người biết hạn chế sự thụ hưởng cá nhân, biết cùng chung tay xây dựng lại nguồn tài nguyên vô giá của Địa cầu cho những thế hệ sau. Việc thực thi Nghĩa vụ đã tạo điều kiện cho Quyền con người được thụ hưởng, đóng vai trò là nền tảng của Quyền, tồn tại song hành với Quyền, không thể tách rời. Khi Nghĩa vụ con người được thực thi song song Quyền con người được thụ hưởng sẽ đúng với nguyên tắc Quyền và Nghĩa vụ phải đi đôi với nhau theo lý luận của pháp luật, luân lý của xã hội và lương tâm của con người.
Thay vì hỏi “Quyền của tôi là gì?” thì trước hết con người nên hỏi rằng “Tôi nên làm gì?”59. Hiểu được như thế, chúng ta đang làm cân bằng lại mối quan hệ giữa Quyền con người và Nghĩa vụ con người. Chúng tôi cũng tìm được sự đồng tình khi Mia Giacomazzi nói rằng: “Trong một thế giới mà mọi người đòi hỏi quyền lợi nhưng không chấp nhận Trách nhiệm sẽ là một thế giới bất bình đẳng, thậm chí là nguy hiểm và bất hòa”60.
Trong lá thư gửi cho Huxley, Gandhi có lời kêu gọi về việc dành ưu tiên đối với Nghĩa vụ như sau: “Yêu thích thực thi Nghĩa vụ chính là một phẩm chất cốt lõi của một công dân toàn cầu trong tương lai”61. Khi nhân loại tiến đến một nền văn minh cao hơn sẽ rất ít người đòi hỏi về Quyền, mà ngược lại ai cũng yêu thích thực thi Nghĩa vụ để chung tay xây dựng một thế giới thanh bình, một cõi yêu thương. Theo Auguste Comte, nhân loại trong một thế giới văn minh và đạo đức nên nhận thức rằng: “Con người chỉ có duy nhất một Quyền, đó là Quyền được thực thi Nghĩa vụ”62. Tuy nhiên, nếu mỗi người chỉ thực thi những Nghĩa vụ pháp lý thì chưa đủ, mà cần phải hướng đến những Nghĩa vụ cộng thêm. Nghĩa vụ cộng thêm là những Nghĩa vụ không mang tính bắt buộc và có tính đạo đức cao hơn, do lương tâm đạo đức nội tại
58 TS. Mumba Malila (2017), tlđd, tr. 97.
59 Xem TS. Eric Robert Boot (2015), tlđd, tr. 215.
60 Mia Giacomazzi (2005), Human Rights and Human Responsibilities: A Necessary Balance?, Santa Clara Journal of International Law, tập 3, số 2, tr. 6-7.
61 Samuel Moyn (2016), tlđd.
62 Samuel Moyn (2016), tlđd.