[Lễ cưới V.T.N, ngày 21-06-2010, Minh Phụng, quận 11, NKĐD]
Những biến đổi trong nghi lễ là hệ quả tất yếu của những thay đổi về quan niệm sống trong cộng đồng. Xã hội truyền thống người Hoa theo chế độ phụ hệ, cư trú bên nhà chồng, con theo họ cha ngày nay cũng có những thay đổi tùy theo hoàn cảnh.
Đối với thế hệ ông bà (những người hiện nay trên 70 tuổi), trong gia đình có sự phân biệt giới rất rõ đối với việc phân công công việc, trách nhiệm, vai trò và vị thế của con trai-con gái, vợ-chồng, không gian sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay cả vợ và chồng đều tham dự công việc xã hội, nên cả hai vợ chồng đều cùng chia sẻ công việc nhà:
Lúc trước cưới vợ về, tôi lo ra ngoài làm kiếm tiền. Còn bây giờ đời sống khó khăn, một người không kiếm đủ nuôi hai người, cả hai vợ chồng đều phải đi làm, nên về nhà người chồng cũng phụ công việc nhà với vợ. Lúc trước tôi đi làm, bếp núc hoàn toàn giao cho vợ tôi, nên nhà bếp là thế giới của phụ nữ, đàn ông không được đụng vô. Bộ đồ tôi mặc cũng do bà ấy giặt. Nhưng đến con trai tôi, hai vợ chồng nó cùng đi làm, con dâu về tới nhà thì 6, 7 giờ rồi, nên vợ tôi phải nấu cơm cho vợ chồng nó ăn. Ngày xưa con dâu nấu cơm cho mẹ chồng ăn nhưng bây giờ thì ngược lại.
[H.C (nam, 60 tuổi), đường Nguyễn Trãi, quận 5, ngày 29-10-2011, NKĐD]
TIỂU KẾT CHƯƠNG 4
Trong chương 4 tác giả đề cập đến các yếu tố có ảnh hưởng đến nội dung, hình thức nghi lễ, về sự chuyển đổi của người thụ lễ và những người có liên quan trong một nghi lễ như giới, tuổi, mạng lưới xã hội, điều kiện kinh tế, hệ giá trị, bối cảnh xã hội, sự tiếp biến văn hóa và tín ngưỡng-tôn giáo.
Như van Gennep từng khẳng định các nghi lễ chuyển đổi của các dân tộc trên thế giới rất giống nhau về trình tự và ý nghĩa tồn tại nhưng khác nhau về cách thức thực hiện. Sự khác nhau đó do các yếu tố về giới, tuổi tác, mạng lưới xã hội, điều kiện kinh tế, niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của từng cá nhân và hệ giá trị và bối cảnh xã hội của cộng đồng quy định. Điều này làm cho những hình thức nghi lễ của từng cá nhân trong cùng cộng đồng có nhiều điểm khác nhau.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghi Lễ Chuyển Đổi Của Người Hoa Quảng Đông Ở Thành Phố Hồ Chí Minh Hiện Nay - 23
- Nghi Thức Lễ Tang Của Người Hoa Quảng Đông
- Sự Biến Đổi Của Nghi Lễ Chuyển Đổi Đầu Thế Kỷ Và Hiện Nay
- Nghi Lễ Chuyển Đổi Của Người Hoa Quảng Đông Ở Thành Phố Hồ Chí Minh Hiện Nay - 27
- Nghi Lễ Chuyển Đổi Của Người Hoa Quảng Đông Ở Thành Phố Hồ Chí Minh Hiện Nay - 28
Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.
Trong xã hội phụ quyền của người Hoa Quảng Đông, các nghi lễ của một đứa bé trai, một người đàn ông trưởng thành thường được tổ chức tỉ mỉ, quy mô lớn hơn nghi lễ của bé gái hay một phụ nữ. Mặt khác, cộng đồng cũng có chủ đích cho người ngoài phân biệt một nghi lễ của giới nam hay giới nữ bằng một số dấu chỉ nào đó qua lễ vật, nghi thức, pháp khí. Cùng trải qua một nghi lễ giống nhau nhưng sự chuyển đổi về vai trò, vị thế, nghĩa vụ, trách nhiệm, tư cách của người nam và người nữ không giống nhau, nhất là trong lễ cưới. Sau lễ cưới đời sống của cô gái thay đổi nhiều hơn so với đàn ông.
Về yếu tố tuổi cũng được phản ánh rõ nét trong lễ cưới và lễ tang, hai nghi lễ quan trọng nhất của một đời người. Lễ cưới của một người đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định nên cha mẹ bận tâm nhiều như lễ cưới của một người tuổi còn quá trẻ, chưa có sự nghiệp riêng. Lễ tang của người hưởng thọ không khiến cho những người đến viếng cảm giác buồn, bùi ngùi như lễ tang của một người trẻ.
Bản thân người thụ lễ hay gia đình của người đó có mạng lưới xã hội càng rộng, và địa vị kinh tế càng cao thì nghi lễ càng được tổ chức tỉ mỉ với nhiều nghi thức và thời gian kéo dài hơn vì con người thời đại nào cũng muốn khuếch trương và chứng minh thân thế mình thông qua lễ thức (không riêng nghi lễ chuyển đổi)..
Người có địa vị càng cao, những sự kiện trong cuộc đời của họ (nghi lễ chuyển đổi ở từng giai đoạn) sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của cộng đồng.
Trong 5 nghi lễ chuyển đổi, tang thức là nghi thức mang dấu ấn tín ngưỡng – tôn giáo của cá nhân và gia đình người quá cố vì cái chết của người thân khiến những thành viên trong gia đình lo sợ, rơi vào một trạng thái ngưỡng mất kiểm soát, nên họ tìm đến tôn giáo để thoát khỏi tình trạng khó khăn này. Đối với người Hoa Quảng Đông, Đạo giáo và Nho giáo quyện vào nhau, tạo ra những thể thức trong tang lễ, truyền từ đời này sang đời khác. Những yếu tố tôn giáo khác: Phật giáo, Công giáo đều được khúc xạ qua Nho giáo, Đạo giáo. Lễ tang của người Hoa Quảng Đông phần lớn được tiến hành theo nghi thức dân gian (bao gồm những quy định về lễ tang của Nho giáo và yếu tố sa man của Đạo giáo), chỉ có số ít người Hoa theo Phật giáo và Công giáo, nghi thức tang ma sẽ là nghi lễ kép, các nghi thức chính được chủ sự (hòa thượng hay linh mục) tiến hành theo nghi thức chung của tôn giáo nhưng gia đình vẫn giữ những tập quán dân gian cổ truyền. Yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo trong lễ tang sẽ được thể hiện qua chủ sự tang lễ, các nghi thức, hành vi ứng xử của người sống đối với cái chết, những lời kinh, bàn thờ đặt trước quan tài.
Quá trình tiếp biến văn hóa của cộng đồng tác động đến nghi lễ chuyển đổi nên không còn nghi lễ nào còn giữ nguyên cách thức tổ chức cổ truyền. Mỗi nghi lễ chuyển đổi, dù ít nhiều đều có sự đan xen những yếu tố văn hóa người Việt, văn hóa phương Tây hay văn hóa của nhóm ngôn ngữ khác (Phúc Kiến, Triều Châu), trong đó rõ nét nhất là lễ cưới. Một lễ cưới thường có phần nghi thức truyền thống Quảng Đông được thực hiện tại gia đình và phần nghi thức theo lối hiện đại là bữa tiệc cưới ở nhà hàng.
Những biến đổi trong nghi lễ chuyển đổi thể hiện qua nội dung, hình thức nghi lễ, người tổ chức nghi lễ, thái độ, hành vi ứng xử của người thụ lễ và những người có liên quan, không gian diễn ra nghi lễ. Nghi lễ chuyển đổi được biến đổi theo xu hướng ngày càng đơn giản và thực hiện theo các nghi thức mang tính phổ quát. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên một bức tranh nghi lễ chuyển đổi của cộng
đồng người Hoa Quảng Đông giống nhau về trình tự và ý nghĩa nhưng khác nhau về mặt chi tiết trong từng nghi lễ của mỗi cá nhân.
KẾT LUẬN
Người Hoa Quảng Đông – chủ thể nghiên cứu của luận án là cộng đồng nhóm ngôn ngữ Quảng Đông đến từ nhiều địa phương khác nhau của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Họ định cư ở vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn từ cuối thế kỷ XVIII, sống tụ cư ở những khu vực sầm uất thuận lợi cho việc kinh doanh và hiện nay có mặt ở hầu hết các quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tương đối tập trung ở các quận 5, 6 và 11. Trong quá trình cộng cư cùng với các tộc người khác ở quê hương thứ hai, người Hoa Quảng Đông đã tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa của các tộc người khác góp phần làm phong phú thêm văn hóa tộc người. Trong các thành tố văn hóa, nghi lễ chuyển đổi - nghi lễ đánh dấu sự chuyển đổi của cá nhân trong suốt vòng đời – là nghi lễ gia đình còn lưu giữ những đặc trưng văn hóa tộc người.
Những nghi lễ chuyển đổi của người Hoa Quảng Đông không hoàn toàn trùng khớp với những nghi lễ chuyển đổi của người Hán ở Trung Hoa. Quan lễ - nghi lễ trưởng thành – một nghi lễ rất quan trọng của người Hán ở Trung Quốc không được người Hoa Quảng Đông quan tâm. Những nghi lễ chuyển đổi của người Hoa Quảng Đông hiện nay là lễ đầy tháng, lễ khai học, lễ cưới, lễ mừng thọ và lễ tang gắn với từng sự kiện quan trọng của một đời người: sinh ra, đi học, kết hôn, lên lão và chết đi.
Với lễ đầy tháng, người mẹ và đứa bé kết thúc thời gian ở cữ. Lễ khai học đánh dấu sự bắt đầu con đường học tập của đời người. Lễ cưới kết thúc giai đoạn sống độc thân, bắt đầu cuộc sống có đôi. Lễ mừng thọ ghi dấu thành tựu của một đời người về sự nghiệp nuôi dạy con cái trưởng thành và lao động tạo ra của cải vật chất. Lễ tang kết thúc một đời người, gia đình mất đi một người thân.
Mỗi nghi lễ chuyển đổi ứng với một sự kiện quan trọng của đời người, có hình thức và nội dung khác nhau nhưng tất cả đều giống nhau ở ba chức năng: chức năng tâm lý, chức năng xã hội và chức năng văn hóa-giáo dục.
Tại những thời điểm quan trọng của cuộc đời: mới sinh con, bắt đầu đi học, chuẩn bị cuộc sống độc lập, mất đi người thân, con người thường lo lắng, bồn chồn,
hoang mang, rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, chính nghi lễ mang đến cho con người bối cảnh để các thành viên khác có thể chia sẻ được những cảm giác đó. Nghi lễ chuyển đổi cung cấp cách thức giúp cá nhân vượt qua giai đoạn ngưỡng “đầy nguy hiểm”, mang đến cảm giác an tâm. Nghi lễ chuyển đổi tạo nên bối cảnh thừa nhận sự chuyển đổi về vai trò, vị thế của cá nhân. Nghi lễ là dịp để các thành viên trong cộng đồng sum họp nên có thể nói nghi lễ chuyển đổi có chức năng cố kết cộng đồng. Nghi lễ phân công vai trò của từng thành viên trong gia đình. Nghi lễ xác lập mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, tạo nên những tập quán sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác kiểm soát những hành vi của cá nhân. Thông qua nghi lễ chuyển đổi sẽ hiểu được hệ giá trị đạo đức, cấu trúc xã hội của cộng đồng.
Thông qua nghi lễ, những giá trị truyền thống của cộng đồng được truyền thụ đến cá nhân, cá nhân điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với những chuẩn tắc của xã hội. Nói cách khác nghi lễ góp phần kiến tạo nên các định chế xã hội, hướng dẫn con người hành động, xác lập vị thế của cá nhân gia đình và cộng đồng. Nghi lễ tạo nên không gian và thời gian thiêng làm cho cá nhân dễ dàng tiếp nhận những giá trị của cộng đồng, nhằm gia cố các định chế gia đình và cộng đồng.
Do mỗi tôn giáo có nhân sinh quan, thế giới quan và hệ thống giáo lý khác nhau nên các nghi thức tang lễ của những người theo tôn giáo khác nhau chỉ giống nhau về trình tự nghi lễ nhưng khác nhau về các chi tiết trong từng nghi thức cụ thể: các động tác thực hiện của chuyên gia thực hành tôn giáo, nội dung kinh cầu nguyện, hình thức cúng bái, nhận thức, hành vi và thái độ của thân nhân đối với người chết.
Hệ giá trị đạo đức Nho giáo vẫn còn được bảo lưu trong cộng đồng người Hoa Quảng Đông, điều này được biểu thị qua những biểu tượng trong nghi lễ. Cho đến hiện nay, người Hoa vẫn đề cao những giá trị gia đình truyền thống: sự hiếu để của con cái đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ chồng yêu thương, gắn bó thủy chung, anh em hòa thuận, người đàn ông mạnh mẽ có thể gánh vác gia đình, người vợ nhu mì, tận tụy. Quan hệ họ hàng, thân tộc, thông gia được chú trọng. Xã hội
người Hoa Quảng Đông là xã hội phụ quyền, đề cao vai trò người đàn ông. Tôn trọng các mối quan hệ trên-dưới, nội – ngoại, thân-sơ, trọng tình nghĩa hơn tiền bạc và lễ vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng.
Quá trình tiếp biến văn hóa đã tác động đến quan niệm của cộng đồng về việc tổ chức nghi lễ. Người Hoa sẵn sàng tiếp nhận yếu tố văn hóa của tộc người khác, của nhóm cộng đồng khác. Trong một lễ cưới của người Hoa Quảng Đông vừa có những yếu tố văn hóa Quảng Đông truyền thống, vừa có yếu tố văn hóa Việt, văn hóa của nhóm người Hoa ngôn ngữ khác (Triều Châu, Phúc Kiến) và văn hóa phương Tây. Điều đó càng làm phong phú văn hóa của cộng đồng.
Chúng ta có thể thấy rõ những yếu tố tín ngưỡng-tôn giáo trong lễ tang, và hệ giá trị đạo đức qua hệ thống biểu tượng trong lễ cưới. Các yếu tố giới, tuổi, vị thế của cá nhân, điều kiện kinh tế, mạng lưới xã hội của gia đình chỉ có ảnh hưởng đến lễ cưới, lễ mừng thọ và lễ tang, nhưng không ảnh hưởng đến lễ đầy tháng và lễ khai học. Có thể xếp năm nghi lễ chuyển đổi, theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng là lễ cưới, lễ tang, lễ đầy tháng, lễ mừng thọ và lễ khai học. Trong năm nghi lễ này lễ đầy tháng ít có những thay đổi, kế đến là lễ tang, lễ cưới là nghi lễ có nhiều biến đổi nhất. Lễ khai học không còn phổ biến, chỉ còn vài gia đình thực hiện. Phần đông người Hoa Quảng Đông muốn tổ chức lễ cưới vừa truyền thống vừa hiện đại.
So với cộng đồng người Hoa Triều Châu [xem Nguyễn Công Hoan 2011], những nghi lễ của người Hoa Quảng Đông ít hơn và đơn giản hơn về các nghi thức. Người Hoa Triều Châu có lễ trưởng thành Xuất hoa viên, người Hoa Quảng Đông nhập nghi lễ này vào lễ cưới bằng nghi thức chải đầu. Lễ tang của người Hoa Triều Châu có tục nuôi cơm, nghi thức qua cầu Nại Hà vốn không có trong lễ tang người Hoa Quảng Đông. Cộng đồng người Hoa Quảng Đông dễ dàng tiếp thu và hội nhập văn hóa của tộc người khác hơn cộng đồng người Hoa Triều Châu. Tuy nhiên, những khác nhau giữa hai cộng đồng Triều Châu và Quảng Đông chỉ ở mức độ chi tiết, còn nhìn chung vì hai cộng đồng ngôn ngữ đều là người Hoa, cùng là văn hóa Hán lâu đời, ảnh hưởng Nho giáo sâu sắc nên cả hai cộng đồng đều có những điểm chung: coi trọng việc xem ngày giờ khi tổ chức lễ cưới, thực hiện các nghi thức
liệm, an vị, động quan, hạ huyệt (trừ trường hợp hỏa táng, thời gian thiêu do nhà thiêu xếp giờ) trong lễ tang để đảm bảo không xảy ra những điều không hay, mong muốn trường thọ (người Quảng Đông thích số 9 (cửu), người Triều Châu thích số 4 (đời). Và cả hai nhóm ngôn ngữ này đều rất coi trọng nghi lễ chuyển đổi dù hình thức tổ chức hiện nay có nhiều biến đổi theo xu hướng đơn giản hóa.
Cuộc sống ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại hóa và toàn cầu hóa, nên các nghi lễ cũng được cộng đồng thực hiện theo xu hướng hiện đại và đơn giản hóa nhưng vẫn giữ được những yếu tố truyền thống trong các nghi lễ. Điều này thấy rõ qua lễ cưới, được tổ chức theo nghi thức truyền thống tại gia đình, và nghi thức hiện đại mang tính phổ quát tại nhà hàng. Và lễ tang phần lớn được tổ chức tại nhà tang lễ, chùa.
Những lý thuyết nghiên cứu (nghi lễ chuyển đổi, thuyết chức năng và biểu tượng trong nghi lễ) của những nhà Nhân học phương Tây đã rất có ý nghĩa trong đề tài luận án này, giúp tác giả nhận diện được các nghi lễ chuyển đổi, tìm ra những chức năng của nghi lễ đối với cá nhân và cộng đồng. Thông qua nghi lễ khái quát được hệ giá trị đạo đức và cấu trúc xã hội của cộng đồng. Tuy nhiên, cấu trúc, nội dung và ý nghĩa của nghi lễ chuyển đổi ở người Hoa Quảng Đông khác với những nghi lễ mà van Gennep đã đề cập. Không phải nghi lễ chuyển đổi nào cũng có đầy đủ những dấu hiệu có thể phân biệt rạch ròi các giai đoạn: trước ngưỡng, trong ngưỡng và sau ngưỡng như Arnold van Gennep đưa ra. Các biểu tượng trong những nghi lễ của người Hoa Quảng Đông không có biểu tượng “đinh” như “cây sữa” như Victor Turner mô tả trong lễ thành đinh của người Ndembu, mà người Hoa dùng rất nhiều biểu tượng khác nhau (từ đồng âm trong ngôn ngữ, hình thái bên ngoài có thể quan sát được của lễ vật, điệu bộ, cử chỉ của đối tượng thụ lễ) để thể hiện hệ giá trị đạo đức của cộng đồng.
Những thông tin thu thập từ các cuộc phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm tập trung được chúng tôi kiểm định kết quả khảo sát bằng bản hỏi, và nhận thấy hai nguồn thông tin không chênh lệch đáng kể. Điều này chứng minh các giả thuyết nghiên cứu của chúng tôi là phù hợp: Nghi lễ chuyển đổi của người Hoa Quảng