Nghi Lễ Phản Ánh Bản Chất Của Gia Đình Và Cấu Trúc Xã Hội Của Cộng Đồng


87-88). Bên cạnh việc kế thừa các định chế (chúng có sẵn ở đó trước khi chúng ta ra đời), chúng ta còn luôn luôn củng cố chúng [34]. Alfred R. Radcliffe- Brown cho rằng nghi lễ gìn giữ “một hệ thống tình cảm nào đó mà nhờ đó hành vi ứng xử của cá nhân được điều chỉnh phù hợp với những nhu cầu của xã hội” [83: 233-234] “những nghi lễ điều chỉnh và cải thiện những cảm xúc của con người” [82: 146]. Nói cách khác, nghi lễ cung cấp cả những “củ cà rốt” và những “cây gậy” để đem lại sự phân công thích hợp cho cá nhân [68: 75]. Cùng với luật pháp, quy tắc xã hội, nghi lễ, duy trì cơ cấu sự hợp tác xã hội và ngăn chặn khuynh hướng mà những cá nhân có thể phải rời bỏ khỏi khế ước xã hội khi làm những điều phục vụ những quyền lợi có tính cơ hội chủ nghĩa của chính họ [68: 75]. Mỗi tộc người có đặc trưng văn hóa chung, mà mỗi thành viên của cộng đồng đều cố gắng tuân theo. Đối với nghi lễ chuyển đổi của người Hoa, lễ vật chính trong từng nghi lễ thể hiện mục đích của nghi lễ đó. Trứng gà luộc nhuộm đỏ trong lễ đầy tháng là lời thông báo với gia đình, họ hàng thân thuộc, láng giềng rằng gia đình có thêm thành viên mới. Bánh long phụng biểu trưng cho lễ cưới, mỳ thọ và bánh “đại phát” là biểu hiện của lễ mừng thọ. Những người Hoa Quảng Đông dù ở Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc đều dễ dàng nhận ra nhau nhờ những lễ vật trong những nghi lễ chuyển đổi. Không nhằm lẫn giữa những người Hoa nhóm ngôn ngữ Quảng Đông với người Hoa nhóm ngôn ngữ Triều Châu qua trứng gà luộc nhuộm đỏ trong lễ đầy tháng, lễ vật nhà trai mang sang nhà gái, tục chặn cửa trong lễ đón dâu. Trong lễ cưới, cô dâu và chú rể là đối tượng thụ hưởng chính, cũng chính là đối tượng cần được xã hội “trói buộc”. Lễ cưới giúp đôi trẻ và gia đình họ cảm nhận sự hạnh phúc của hôn nhân. Lễ cưới làm cho cô dâu, chú rể ý thức vai trò mới của mình trong xã hội và hành xử theo cách những người đã kết hôn và trưởng thành. Những nghi thức linh thiêng trong lễ cưới khiến những cặp vợ chồng mới cưới xác định vai trò mới của mình và có được thông tin phải hành động như thế nào trong vai trò mới. Thông qua lễ cưới, mối quan hệ của đôi nam-nữ được xã hội tán đồng [77: 582-594]. Với nghi thức dâng trà cúng thần linh, tổ tiên, ông bà tại các bàn thờ, mối quan vợ chồng của người nam và người nữ được thừa nhận về mặt tâm linh. Nghi thức dâng trà là việc


người nhỏ: cô dâu-chú rể biết phép tắc, rót trà chào ra mắt người lớn. Người lớn đáp lại cử chỉ ấy bằng việc tặng quà, giúp đôi vợ chồng trẻ số vốn nhỏ, hay lì xì cầu chúc đôi vợ chồng trẻ có cuộc sống hạnh phúc và sung túc. Qua nghi thức dâng trà, đôi vợ chồng biết được vị trí, vai trò của mình trong đại gia đình. Thông qua nghi thức này, các thành viên trong đại gia đình biểu đạt sự tán đồng đối với cuộc hôn nhân đôi nam-nữ:

Nghi thức dâng trà trong lễ cưới của B.C.T (chung cư Ngô Gia Tự, phường 2, quận

10) và N.T.D (quận 6) gồm hai phần chính. Dâng trà cho thần linh, người quá cố, và ông bà, cha mẹ, họ hàng, anh em theo trình tự: cô dâu, chú rể dâng trà (rót trà và mời bánh) các vị thần ở bàn thờ trước nhà, đến những vị thần ở bàn thờ chính trong nhà (Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát, Bà Mẹ Thai Sinh), Thần Táo quân, Thổ Thần, tổ tiên. Tiếp đó là dâng trà cho bà nội, chú-thím, cô-dượng, cậu- mợ, dì-dượng cùng anh em ruột, anh em họ.

[Lễ cưới B.C.T, chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, ngày 11-9-2011, NKĐD]

Cá nhân hoàn toàn đơn độc, cách ly khi phải đối diện với các sự kiện sinh học (ra đời, sinh con, chết đi), nhưng các nghi lễ chuyển đổi giúp cá nhân ý thức mình là thành viên của cộng đồng, hành động tuân theo những chuẩn mực, quy tắc do cộng đồng quy định và cảm nhận cuộc sống đầy ý nghĩa. Ở khía cạnh này, nghi lễ chuyển đổi biến những thay đổi về mặt sinh học (sinh ra, kết hôn, lên lão và chết đi) của cá nhân thành những sự kiện mang tính xã hội. Lễ đầy tháng của một đứa trẻ không chỉ có các thành viên trong gia đình dự mà đây là dịp bố, mẹ của đứa bé sẽ mời bạn bè, người thân trong dòng họ đến dự để củng cố các mối quan hệ. Lễ mừng thọ là dịp cá nhân khẳng định những thành tựu của đời mình về tuổi tác, sự nghiệp, kinh nghiệm, tri thức và gia đình. Lễ cưới tăng cường mối quan hệ giữa hai gia đình, hai dòng họ (88% người được phỏng vấn trả lời đồng ý với chức năng này). Thành phần tham dự lễ cưới, lễ tang ngoài người thân, họ hàng còn có láng giềng, bạn bè gần xa kể cả những người ở cách xa nhau về mặt địa lý ít có điều kiện gặp nhau thì đây là dịp để mọi người sum họp.

Xã hội phương Đông nói chung, xã hội Trung Hoa và những nước chịu ảnh hưởng văn hóa Nho giáo nói riêng, vai trò cá nhân mờ nhạt trước vai trò của gia


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

đình, dòng họ và cộng đồng. Nên các nghi lễ chuyển đổi – nghi lễ trực tiếp liên quan đến cá nhân – đều nhằm mục đích trói buộc cá nhân vào gia đình, dòng họ, cộng đồng. Cá nhân sẽ không được thừa nhận, đứng ngoài cộng đồng nếu không tổ chức các nghi lễ theo tập quán của cộng đồng.

Không chỉ cột chặt cá nhân vào xã hội, nghi lễ còn tăng cường các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ thông gia, quan hệ láng giềng, quan hệ bạn bè và quan hệ đồng nghiệp. Như Yuan Tongkai viết “Nghi lễ này (lễ tang), nhìn ở khía cạnh nào đó đã củng cố mối quan hệ xã hội truyền thống giữa các cá nhân và củng cố cấu trúc xã hội của cộng đồng. Trong một số trường hợp, những người hàng xóm không chỉ tham dự với ý nghĩa thông thường, mà đôi khi sự tham dự của họ còn mang tính biểu trưng, thể hiện địa vị của người sống. Điều đó biểu lộ một mạng lưới quan hệ xã hội của bà/ông ta, và sự kiểm soát của họ về quyền lực chính trị, kinh tế và đạo đức đối với dân làng.” [51: 54]

Nghi Lễ Chuyển Đổi Của Người Hoa Quảng Đông Ở Thành Phố Hồ Chí Minh Hiện Nay - 16

Lễ tang của người Hoa Quảng Đông còn là dịp củng cố mối quan hệ thông gia. Khi bố (mẹ) chồng qua đời, bố mẹ đẻ của con dâu sẽ gởi sang cúng bố (mẹ) chồng hai tấm vải đậy quan tài màu trắng, giữa hai tấm có may một dải vải đỏ. Khi đậy nắp quan tài những miếng vải này được lần lượt đậy quan tài trước khi đóng nắp quan tài, sau đó người ta sẽ cắt lại miếng vải đỏ trả lại cho người đi cúng với ý nghĩa mang lại sự may mắn cho người này. Khi bố (mẹ) vợ qua đời, người con rể sẽ cúng heo quay (trên lưng heo có cắm con dao), nhìn vào số heo quay được cúng có thể biết được người quá cố có bao nhiêu con rể.

[N.H.T (nữ, 54 tuổi), đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, ngày 26-6-2010, NKĐD]

Lễ tang nhắc nhở cộng động người Hoa Quảng Đông về mối quan hệ của tất cả những người có liên quan tới gia đình đó bằng sự ràng buộc về huyết thống, hôn nhân, hàng xóm, các mối quan hệ về chính trị và kinh tế theo cách này hay cách khác. “Đây là một quá trình hàn gắn sự lộn xộn và sắp xếp lại các mối quan hệ xã hội” [51: 55] bị gãy vỡ do cái chết của một thành viên trong gia đình gây nên. Như Malinowski viết “Nghi lễ tang ma, là mối ràng buộc người sống về thể xác và thôi thúc họ tới nơi người chết, thôi thúc niềm tin về sự tồn tại của linh hồn; về sự tác


động đến lợi ích hoặc gây hại của linh hồn ấy; về những bổn phận của thực hành nghi lễ cúng bái hay tưởng niệm, trong hình thức tôn giáo này bao hàm cả nỗi sợ hãi, giảm ý chí, mất tinh thần và mang nặng ý nghĩa của việc tái hòa nhập và tái thiết lập đạo đức của nhóm xã hội” [57:33]

Theo Geoffrey P. Miller “nghi lễ mang đến cho con người những cảnh giới lý tưởng con người khao khát đạt đến. Nghi lễ mô tả những điều con người nên làm và cung cấp cho con người khung đạo đức hướng dẫn con người hiểu về cuộc sống của họ và nhìn thế giới qua cái nhìn đạo đức” [68: 12].

Thông qua tiến trình nghi lễ con người biết được vai trò chính xác, công bằng và thích hợp của mình và của những người khác. Nghi lễ cung cấp cách cư xử theo tập quán cho việc biểu lộ cảm xúc” [68: 12]. Nghi lễ thuyết phục con người hành động theo cách mà xã hội cho rằng lành mạnh và ngăn cản con người hành động theo cách mà xã hội cho rằng có hại. Những lợi ích có ý nghĩa của nghi lễ đạt được thông qua sự phân công những vai trò của xã hội đối với các cá nhân. Nhiều vai trò được xác định bằng nghi lễ. Lễ khai học mang đến cho đứa trẻ vai trò của một học sinh. Lễ cưới tạo nên vai trò người chồng, người vợ cho người mới thành hôn. Lễ mừng thọ tạo nên vai trò của người “trưởng lão” cho người mới được mừng thọ. Nghi lễ quy định những hành vi phù hợp với vai trò và lợi ích đối với xã hội hoặc đối với nhóm người tạo nên nghi lễ đó. Một học sinh mong muốn học giỏi. Một người phụ nữ trưởng thành mong muốn được thể hiện khả năng của mình ở những nhiệm vụ của người vợ, người mẹ. Một người đã kết hôn mong đợi có được một cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc với những đứa con ngoan. Một người làm cha, mẹ mong muốn làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cái. Một người lên lão mong muốn nhìn con cái thành đạt, hạnh phúc, có sức khỏe và sống thọ. Những vai trò được xác định bởi nghi lễ là lý tưởng, không thể đạt được hoàn toàn trong thực tế cuộc sống, nhưng đó là mục tiêu phấn đấu của mỗi cá nhân.

Cộng đồng kiến tạo nên những nghi lễ chuyển đổi để mỗi thành viên trong cộng đồng đều phải trải qua một nghi lễ ở từng giai đoạn nhất định của cuộc đời. Và cũng chính cộng đồng sẽ thúc đẩy hay cản trở cá nhân trải qua nghi lễ đó. Như


Emily A Schultz nhận định “Một cá nhân yêu một cá nhân khác, nhưng họ sẽ không bao giờ trở thành cặp vợ chồng nếu không biết xử sự trong khuôn khổ các mô hình văn hóa vốn định hình cho xã hội của họ. Họ cũng không thể kết hôn với nhau nếu không có sự can thiệp tích cực của các nhóm xã hội rộng lớn hơn mà họ là thành phần – đặt biệt là gia đình họ” [16: 306]. Đối với người Hoa, điều này thể hiện rõ nhất trong lễ cưới. Bố mẹ thường can dự rất sâu vào sự lựa chọn người bạn đời của con cái, hôn lễ sẽ không thể diễn ra nếu không được sự đồng thuận của bố mẹ. Đôi khi, thầy bói cũng có phần quan trọng trong việc quyết định kết hôn của những cặp đôi quá tin vào những lời của thầy bói. Khi thầy bói cho rằng cặp đôi này không hợp “số” họ sẽ quyết định chia tay nhau, lễ cưới không diễn ra.

Quan trọng nhất là nghi lễ chuyển đổi thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Trải qua lễ cưới, đôi nam, nữ vốn là những người còn lệ thuộc gia đình trở thành người trưởng thành, độc lập, tức thúc đẩy xã hội tiến bộ. Như theo lập luận của Henri Maine “Sự vận động của các xã hội tiến bộ” (…) là “quá trình giải thể tiệm tiến của tình trạng phụ thuộc vào gia đình và thay vào đó là quá trình gia tăng nghĩa vụ cá nhân [individual obligation]” [20: 1]. Mỗi cặp đôi nam-nữ sau lễ cưới sẽ trở nên chín chắn hơn, tạo lập một gia đình mới, họ luôn hướng tới những chuẩn mực đạo đức mà xã hội mong đợi. Từng gia đình lớn sản sinh ra những gia đình nhỏ, cứ như thế xã hội ngày càng phát triển về chất lẫn về lượng. Điều này được chứng minh qua tình trạng “già cỏi” ở những nước phát triển có tỷ lệ người độc thân cao, không hình thành nên các gia đình mới, nên xã hội dù rất phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ “bất ổn” về mặt xã hội.

3.2.3. Nghi lễ phản ánh bản chất của gia đình và cấu trúc xã hội của cộng đồng

Các nghi lễ chuyển đổi của cá nhân được xếp vào nghi lễ gia đình (đối trọng với nghi lễ cộng đồng: lễ hội cầu mùa, lễ cúng thần Thành hoàng, lễ hội nghề nghiệp…) nên củng cố và phát triển “căn cước gia đình” [family identity]. Tức là thông qua nghi lễ xã hội phân định được gia đình đó giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, thuộc tầng lớp có thế lực hay yếu thế, cách tân hay bảo thủ. Nhà nghèo thường tổ


chức nghi lễ đơn giản, nhà giàu thích phô trương thanh thế, tổ chức nghi thức long trọng, nhất là lễ cưới bởi “đám cưới không phải là chỗ người ta thể hiện sự khiêm tốn” [85: 39]. Và nhìn vào cách gia đình tổ chức nghi lễ cho một thành viên trong gia đình chúng ta có thể đánh giá mức độ đoàn kết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Những gia đình có người lớn tuổi, hiểu biết phong tục tập quán thường muốn tổ chức nghi lễ theo truyền thống. Căn cước gia đình được phác họa và trao truyền cho hậu thế thông qua nghi lễ gia đình. Mặt khác các thành viên trong gia đình ý thức về cội nguồn, sự phát triển cũng như viễn cảnh tương lai của gia đình, dòng họ.

Ô.D. P là họa sĩ, thông thạo cả Hán học và Tây học, người có tư tưởng cách tân, thích đơn giản không câu nệ lễ nghi phức tạp - nhưng khi tổ chức lễ cưới cho con ông vẫn thích tổ chức nghi thức ra mắt tổ tiên theo truyền thống, vì theo ông đó là nét đẹp văn hóa được gia đình truyền từ đời này sang đời khác. Và theo ông có tổ chức lễ nghi ấy – lễ cưới mới có ý nghĩa và đáng nhớ.

[Ô.D.P (nam, 72 tuổi), đường Hòa Hảo, quận 10, ngày 31-3-2010, NKĐD]

Khi gia đình có lễ tang, họ hàng, láng giềng, bạn bè sẽ đến viếng chia buồn cùng với quà phúng điếu có thể là tiền, tràng hoa hay những bức trướng (nội dung cầu chúc cho người quá cố trở về với thế giới Tây phương cực lạc). Số lượng và nguồn gốc xã hội của những bức trướng trong lễ tang phản ánh vị thế xã hội của gia đình đó (bao gồm địa vị của người quá cố và của những thành viên khác trong gia đình), đó là niềm tự hào của gia đình – vì nó cho mọi người biết sự yêu mến của người sống đối với người quá cố, cho biết vị trí, vai trò của người quá cố trong gia đình và xã hội. Nếu người mất và gia đình của người đó không “được lòng” láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp thì lễ tang ít người tham dự và ngược lại sẽ là lễ tang có nhiều người tham dự.

Cùng nhau tiến hành nghi lễ, biểu lộ đạo đức và những giá trị xã hội khác có thể được xem là cách trực tiếp tăng cường sự đoàn kết nhóm. Toàn bộ hệ thống thứ bậc xã hội có thể biểu lộ trong suốt nghi lễ thông qua sự phân công vai trò của từng trong nghi lễ. Vì vậy tình trạng thân tộc, đẳng cấp, giai tầng xã hội, và hệ thống thứ bậc xã hội được củng cố bằng sự thể hiện đầy ấn tượng của chúng.


Thông qua nghi lễ, những sự kiện cá nhân trở thành việc chung của cộng đồng theo từng nhóm quan hệ: gia đình, dòng tộc, láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp tạo thành mạng lưới xã hội có quan hệ khá bền chặt. Chẳng hạn: Nghi lễ tang ma “có sức mạnh đối với sự thống nhất tộc người” [91: 109] bởi để thực hiện nghi lễ tiễn đưa và giúp người quá cố được siêu thoát các thành viên có liên quan phải tập hợp lại, cùng thống nhất một số quy ước, dẫn đến giữa họ có sự liên kết chặt chẽ cùng “phải sửa tấm vải xã hội cho nó tiếp tục chuyển động” [91: 109] cho dù có một thành viên vừa rời vị trí của mình.

Nghi lễ chuyển đổi tạo bối cảnh thể hiện và củng cố cấu trúc xã hội của cộng đồng. Đó là xã hội theo hệ thống thứ bậc tôn ti, được quy về các cặp phạm trù lớn – nhỏ, già-trẻ; có sự phân biệt rạch ròi trai - gái, nội-ngoại, giàu-nghèo, truyền thống- hiện đại.

“Người cha sẽ là chủ hôn cho đám cưới con mình và là người đứng tên thiệp mời khách đến dự lễ cưới. Khi mời người vai trên (cô, cậu, chú bác) cả vợ và chồng chủ hôn phải đích thân đi đến tận nhà mời, thiệp mời cả nhà của cô, cậu, chú bác ấy”. [V.Q (nam, 63 tuổi), ngày 29-10-2011, NKĐD]

Trong lễ đón dâu, ba mẹ chú rể không đi đón dâu và ba mẹ cô dâu cũng không đưa dâu. Trong đoàn đón dâu chỉ có họ hàng đại diện nhà trai, nhà gái và bạn bè của cô dâu, chú rể bởi người Hoa quan niệm bậc tiền bối không đi đón hậu sinh. Theo trật tự thứ bậc, anh chị sẽ kết hôn trước các em, nếu xảy ra trường hợp ngược lại, những người em kết hôn trước phải bước qua chiếc quần của anh chị mình treo trước cửa phòng.

Hành vi mang tính biểu tượng là khi người em kết hôn trước anh, chị thì phải chui qua cái quần của anh, chị treo trước cửa phòng. Bởi theo trật tự thứ bậc em phải kết hôn sau anh chị. “Tục này với ý nhằm gìn giữ nếp gia phong, tôn ti trật tự trong gia đình để người em không dám lấn mặt, lấn quyền anh mình” [2: 104].

Trong ngày cưới nhìn vào vị trí treo chiếc mền có thể đoán được vai vế của người tặng, và biết đó là lễ cưới của người con trai (đám cưới con gái không ai tặng mền). Chiếc mền treo ở vị trí trung tâm là chiếc mền của cậu chú rể tặng. Đối với


mối quan hệ bên họ mẹ, người cậu có vai trò quan trọng đối với cháu. Việc tặng mền của họ hàng biểu thị sự cầu chúc có đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc (luôn dùng chung chăn). Cấp bậc vai vế trong gia đình còn thể hiện rất rõ trong trật tự mà cô dâu chú rể mời trà (nghi thức dâng trà): ông bà bên nội trước đến bên ngoại, bố trước mẹ sau, anh trai trước chị gái. Thứ tự các thành viên trong gia đình được cô dâu, chú rể dâng trà phản ánh mối dây liên hệ thân thuộc trong đại gia đình người Hoa Quảng Đông. Những mối tương quan trong họ tộc: bậc bề trên – kẻ dưới, quan hệ huyết thống hay quan hệ hôn nhân, chi phối hành vi ứng xử của từng cá nhân và giá trị quà tặng của người đó cho cô dâu, chú rể trong ngày cưới.

Với lễ tang nhìn vào thứ tự và tang phục những người đứng trước quan tài có thể biết được ngôi thứ của các thành viên trong gia đình và quan hệ của từng người đối với người quá cố.

Trong tang lễ của bà T.T.N, lễ cúng trước khi động quan, các con xếp theo hàng dọc: Đầu tiên là con trai lớn nhất –> con trai kế -> cháu đích tôn (con trai đầu lòng của con trai cả) -> con dâu cả -> con dâu kế -> chị gái lớn nhất -> các chị gái kế tiếp -> các cháu.

[Lễ tang bà T.T.N, nhà tang lễ Quảng Đông, ngày 28-6-2010, NKĐD]

Qua tang phục có thể biết được mối quan hệ của từng thành viên đối với người quá cố.

Con ruột mặc quần áo tang phục nguyên bộ bằng vải xô màu trắng, con trai mặc thêm áo gai, đội mũ cuốn tròn bằng vải xô trắng, con gái trùm khăn trên đầu. Đối với con gái đã có chồng mặc đồ tang nguyên bộ màu trắng. Con dâu mặc quần áo tang giống con gái chưa chồng. Con rể mặc quần tang trắng và đội khăn trắng. Cháu đích tôn thường mặc tang phục giống cha mình (bộ đồ tang trắng bên trong, bên ngoài mặc thêm bộ đồ bằng vải gai). Cháu nội trai: cột khăn và dán giấy đỏ trước trán. Cháu nội gái chỉ đội khăn tang màu trắng chít trên đầu và chỉ cuốn xung quanh đầu, không được buộc, giữa trán cũng có chấm đỏ. Cháu ngoại trai và gái: không mặc tang phục, cột khăn nhưng dán giấy chấm màu xanh trước trán. Chắt: thường không để tang.

[Lễ tang bà T.T.N, 27-6-2010, nhà tang lễ Quảng Đông, NKĐD]

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/11/2022