Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế - 15



mục đích đó, sự tham gia của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC, WTO và tham gia của Du lịch Việt Nam vào UNWTO, PATA, ASEANTA cần phải được đẩy mạnh. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khai thác những cơ hội và thuận lợi khi Việt Nam gia nhập WTO. Trước mắt, Tổng cục Du lịch chủ động phối hợp với địa phương tổ chức tốt Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC vào tháng 10 năm nay tại Hội An để tạo dấu ấn và tranh thủ cơ hội này quảng bá hiệu quả hình ảnh Du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế vì Hội nghị này và Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ thu hút nhiều phương tiện truyền thông nổi tiếng thế giới như CNN, BBC, TV5,...tới đưa tin về Hội nghị.

3.2.8. Hiệp hội Du lịch tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển: Tăng cường vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh quốc tế và khu vực. Hiệp hội phải trở thành một kênh cung cấp thông tin về thị trường du lịch quốc tế cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội thảo du lịch quốc tế tại những thị trường trọng điểm, tiếp cận và xâm nhập thị trường du lịch mới và tiềm năng. Đẩy mạnh hợp tác với Hiệp hội du lịch các nước để tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp du lịch hai bên nhằm thiết lập các mối quan hệ bạn hàng, đối tác tin

cậy lẫn nhau.


Tóm tắt chương III

Chương III tập trung nghiên cứu, phân tích một cách khái quát xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng phát triển du lịch quốc tế trên cơ sở số liệu và dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới về triển vọng phát triển du lịch toàn cầu và khu vực và một số xu hướng du lịch mới hiện nay.

Chương III đã tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu, đề xuất tám nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh cho Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đây là một hệ thống giải pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, được đề xuất trên cơ sở những vấn đề lý luận ở chương I và thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam ở chương II. Các nhóm giải pháp này đều nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra tại chương II, nhất là những vấn đề còn tồn tại, yếu kém, hạn chế năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam hiện nay. Đây là những giải pháp đồng bộ, nếu


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.


được thực hiện tốt sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam sắp gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế - 15


MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ


Để thực hiện tốt các giải pháp trên nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế, tôi xin khuyến nghị:

1. Đối với Chính phủ: Tiếp tục đẩy nhanh công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực, tạo môi trường vĩ mô ổn định, ban hành cơ chế, chính sách về du lịch phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp du lịch kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Trước mắt, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng Luật đầu tư về du lịch để trình Quốc hội ban hành, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, khu du lịch, khu vui chơi giải trí quy mô lớn, chất lượng cao và đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch.

2. Đối với Tổng cục Du lịch:

Nâng cao vai trò nghiên cứu, hoạch định chính sách về du lịch phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Có kế hoạch và biện pháp cụ thể thực hiện những giải pháp liên quan đến ngành Du lịch đề cập trong mục 3.2, chương III, trước mắt là tập trung xây dựng chiến lược cạnh tranh và chiến lược marketing du lịch quốc gia theo hướng huy động chuyên gia marketing từ lĩnh vực tư nhân, hỗ trợ và khích lệ sáng kiến của lĩnh vực tư nhân đối với phát triển du lịch.

3. Đối với các Bộ, ngành liên quan:

- Hàng không Việt Nam nghiên cứu, mở đường bay trực tiếp tới những nước là thị trường trọng điểm và tiềm năng của Du lịch Việt Nam như đã đề cập ở tiểu mục 3.2.2.5, nhóm tiểu mục 3.2.2, mục 3.2, chương III. Thực hiện chính sách mở cửa bầu trời, tạo điều kiện cho các hãng hàng không nước ngoài mở đường bay tới Việt Nam;

- Bộ Ngoại giao: Chủ trì nghiên cứu, xây dựng lộ trình miễn thị thực cho công dân các nước là thị trường trọng điểm và tiềm năng của Du lịch Việt Nam để



thực hiện giải pháp nêu trong tiểu mục 3.2.1.2, nhóm tiểu mục 3.2.1, mục 3.2, chương III. Thông qua mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, hỗ trợ ngành Du lịch nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư du lịch, thiết lập văn phòng đại diện, quảng bá du lịch, hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, công nghệ và trình độ quản lý của các nước phát triển du lịch;

- Bộ Công an: Có biện pháp cụ thể thực hiện những giải pháp liên quan đến Bộ đề cập trong tiểu mục 3.2.1.2, nhóm tiểu mục 3.2.1, mục 3.2, chương III. Hạn chế kiểm tra cơ sở lưu trú vào ban đêm. Nâng cao thái độ phục vụ của cảnh sát giao thông theo hướng tăng cường hướng dẫn giao thông, chỉ đường, hỗ trợ cung cấp thông tin về luật lệ giao thông, đường xá ở Việt Nam, bảo vệ an toàn cho khách du lịch, xây dựng hình ảnh đẹp về người cảnh sát giao thông Việt Nam trong con mắt khách du lịch;

- Bộ Quốc phòng: Có biện pháp cụ thể để thực hiện những giải pháp liên quan đến Bộ đã đề cập trong tiểu mục 3.2.1.2, nhóm tiểu mục 3.2.1, mục 3.2, chương III. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch trong định hướng phát triển du lịch ở những khu vực gắn với quốc phòng như biên giới, hải đảo,…để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa giữ vững quốc phòng, an ninh cho đất nước;

- Bộ Tài chính: tăng cường hiện đại hoá ngành Hải quan để giải quyết nhanh chóng thủ tục hải quan; nghiên cứu đề xuất ban hành các chính sách về tài chính đã đề cập trong tiểu mục 3.2.1.4, nhóm tiểu mục 3.2.1, mục 3.2, chương III;

- Bộ Giao thông vận tải: Sớm lập quy hoạch xây dựng hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại các đô thị và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường vào các điểm du lịch, xây dựng các điểm dừng chân cho khách du lịch và có biện pháp cụ thể để thực hiện những giải pháp liên quan đến Bộ đã đề cập trong tiểu mục 3.2.1.3, nhóm tiểu mục 3.2.1, mục 3.2, chương III;

- Bộ Thương mại: Phối hợp cùng ngành Du lịch đề ra kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện những giải pháp liên quan đến Bộ đã đề cập trong tiểu mục 3.2.4.3, nhóm tiểu mục 3.2.4, mục 3.2, chương III;

- Bộ Văn hoá -Thông tin: Tập trung quy hoạch, đầu tư, nâng cấp, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, vật thể và phi vật thể để khai thác cho phát triển du lịch. Lựa chọn các lễ hội dân gian độc đáo, đặc sắc, các làng nghề để phối hợp cùng ngành Du lịch tổ chức thành những sự kiện và những điểm du lịch văn hoá hấp dẫn;



- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khi nghiên cứu ban hành các chính sách quản lý tài nguyên, môi trường cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của đất nước. Phối hợp cùng ngành Du lịch có kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện các giải pháp về môi trường được nêu ở nhóm tiểu mục 3.2.6, mục 3.2, chương III;

- Bộ Khoa học và Công nghệ: có biện pháp hỗ trợ ngành Du lịch triển khai giải pháp đề cập ở tiểu mục 3.2.4, mục 3.2, chương III, cụ thể là đẩy nhanh ứng dụng những tiến bộ công nghệ vào phát triển du lịch, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển phần mềm trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch cũng như khai thác, thu thập thông tin, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam trên internet;

- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với ngành Du lịch xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch, có kế hoạch và biện pháp cụ thể triển khai thực hiện các giải pháp liên quan đến Bộ được đề cập trong tiểu mục 3.2.5, mục 3.2, chương III;

- Các bộ ngành khác: phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch để giải quyết tốt các vấn đề có tính liên ngành theo hướng tạo điều kiện cho du lịch phát triển, hạn chế và tiến tới xoá bỏ các rào cản ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển du lịch;

- Các cấp chính quyền địa phương: chỉ đạo triển khai tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch tại địa phương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong xét duyệt các dự án đầu tư du lịch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn, chỉ đạo tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch và bảo vệ môi trường;

- Đối với các Sở Du lịch, Sở Thương mại Du lịch: triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách và pháp luật về du lịch tại địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, công tác quản lý và phát triển các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch ở địa phương; Có các biện pháp cụ thể nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của địa phương, chú ý tới yếu tố liên kết vùng trong phát triển du lịch; Phối hợp với các ngành và địa phương liên quan tổ chức tốt các lễ hội dân gian, giảm thiểu việc hành chính hoá lễ hội; Tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch, đặc biệt là đào tạo nghề cho nhân viên tại các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch và khu điểm du lịch ở địa phương; Tổ chức các chương trình giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức về du lịch và bảo vệ môi trường;



- Đối với các Doanh nghiệp du lịch: chủ động, sáng tạo, nhạy bén, thường xuyên đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong hoạt động kinh doanh du lịch, xây dựng chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp để chủ động hội nhập, tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Doanh nghiệp du lịch cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây khi xây dựng chiến lược cạnh tranh để cạnh tranh thành công trên thị trường du lịch quốc tế: coi khách du lịch là thượng đế, coi trọng hàng đầu tới chất lượng, đổi mới liên tục và tăng cường vị thế chiến lược của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của ngành./.


KẾT LUẬN


Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch Việt Nam là vấn đề có tính thời sự của ngành Du lịch và đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế và trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn tất những bước đi cuối cùng để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nắm bắt được yêu cầu bức thiết của ngành, tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài này. Sau một thời gian nghiên cứu, được sự hướng dẫn tận tình của thầy hướng dẫn và các thầy cô trong Khoa Kinh tế, tôi đã hoàn thành luận văn này. Luận văn đã giải quyết được những vấn đề được nêu ở phần Mở đầu, đã có những đóng góp nhất định trong việc khái quát hoá những vấn đề lý luận và thực tiễn về năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách toàn diện về thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam và đề ra được 8 nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch nước nhà trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trước thềm Việt Nam gia nhập WTO.

Cụ thể, về mặt lý luận, luận văn đã nêu ra một số quan điểm lý luận và các khái niệm về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh nói chung và năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch nói riêng. Bằng việc nghiên cứu kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của một số nước như Malaysia, Thái Lan và Tây Ban Nha, luận văn đã rút ra 7 bài học hữu ích, có thể tham khảo trong việc đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.

Vận dụng những nghiên cứu về lý luận trên, trên cơ sở khái quát thực trạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, khái quát quá trình hình thành và phát triển của Du lịch Việt Nam, luận văn đã tập trung phân tích các nguồn lực của Du lịch Việt Nam, chủ trương, chính sách phát triển du lịch, công tác tổ chức quản lý điểm đến và kết quả đạt được của Du lịch Việt Nam thời gian qua. Thông qua kết quả xếp hạng và đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới và qua mô hình SWOT, luận văn đã đánh giá một cách hệ thống và tương đối toàn diện về thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, nêu bật được những mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức của Du lịch Việt Nam hiện nay. Từ bức tranh toàn cảnh đó, trên cơ sở phân tích xu hướng hợp tác



kinh tế quốc tế nói chung và phát triển du lịch quốc tế nói riêng, luận văn đã tập trung đề xuất bảy nhóm giải pháp chính sách và một nhóm giải pháp của Hiệp hội Du lịch khá đồng bộ, có cơ sở khoa học và thực tiễn để nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao. Để phát triển du lịch, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và hưởng ứng của doanh nghiệp. Vì vậy, để thực hiện được các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho Du lịch Việt Nam, luận văn mạnh dạn đưa ra một số khuyến nghị khá cụ thể đối với Chính phủ, Tổng cục Du lịch, các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và doanh nghiệp.

Trên đây là một số đóng góp của luận văn mà người nghiên cứu thực hiện luận văn hy vọng có được.

*

* *

Vì đây là một đề tài khó nhưng có tính thời sự cao đối với ngành Du lịch nên tôi mạnh dạn nghiên cứu với hy vọng bước đầu phân tích, đánh giá, đưa ra một bức tranh toàn cảnh về thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp tối ưu cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vì thời gian nghiên cứu có hạn nên chắc chắn luận văn còn nhiều điểm thiếu sót. Nhiều vấn đề nêu ra trong luận văn vẫn còn có tính chất gợi mở, chưa đi sâu phân tích, đánh giá kỹ càng. Nhiều nhân tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch vẫn chưa được đề cập, đồng thời, chưa tổ chức điều tra để có cơ sở thực tế vững chắc củng cố cho những đánh giá, nhận định đã nêu trong luận văn. Vì vậy, tôi mong muốn được tiếp tục giành thời gian nghiên cứu, phát triển luận văn này thành luận án tiến sĩ để có thể giải quyết một cách triệt để những vấn đề đã nêu trong luận văn cũng như phát hiện thêm những điều mới mẻ từ nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của trường, của khoa, của các thầy cô, của Tổng cục Du lịch và các bạn đồng nghiệp để mong muốn của tôi trở



thành hiện thực, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển du lịch của đất nước./.


PHẦN PHỤ LỤC

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 19/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí