Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: trường hợp nghiên cứu cụ thể ở công ty gang thép Thái Nguyên - 2


DANH MỤC BIỂU ĐỒ


Biểu đồ 1: Sản lượng thép xây dựng các năm của Tisco 27


Biểu đồ 2: Sơ đồ tổ chức của Tisco 29


Biểu đồ 3: Thị phần của các doanh nghiệp thép lớn năm 2006 46


LỜI MỞ ĐẦU

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.


I. Tính cấp thiết

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: trường hợp nghiên cứu cụ thể ở công ty gang thép Thái Nguyên - 2

Sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập WTO đã đánh dấu bước hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế quốc tế. Trong một thị trường mở có sự cạnh tranh bình đẳng quyết liệt từ những đối thủ lớn trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đã bộc lộ không ít những yếu kém của mình. Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép của Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Như chúng ta biết, ngành thép là một ngành công nghiệp nặng then chốt trong nền kinh tế quốc dân, là đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, là ngành không thể thiếu trong tiến trình công nghiệp, hóa hiện đại hóa của đất nước. Do vậy, ngành thép thể hiện sức mạnh tổng hợp của một quốc gia. Tuy nhiên các doanh nghiệp thép Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại: chủng loại sản phẩm chưa phong phú, năng suất sản xuất thấp, mất cân đối giữa việc sản xuất phôi thép và cán thép dẫn tới tình trạng phụ thuộc vào giá cả phôi thép trên thế giới... Đó chính là nguyên nhân khiến ngành thép có nhiều bất ổn trong thời gian qua. Để tồn tại và phát triển trước những đối thủ cạnh tranh lớn, các doanh nghiệp thép không thể dựa vào sự bảo hộ của Nhà nước nữa, mà phải tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. Đây là một nhu cầu cấp thiết không chỉ đối với các doanh nghiệp thép mà còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Là một công ty sản xuất thép chủ lực của Tổng công ty Thép Việt Nam, với truyền thống lâu đời, công ty Gang Thép Thái Nguyên có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành thép. Trong bối cảnh hiện nay, công ty đang phải đối mặt với những khó khăn chung của toàn ngành. Do vậy, công ty đã coi nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ chiến lược. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty Gang Thép Thái Nguyên không chỉ có ý nghĩa quyết định đối với riêng công ty, mà ít nhiều còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thép Việt Nam.

Xuất phát từ những lý do trên, em đã mạnh dạn lựa chọn vấn đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

kinh tế quốc tế: Trường hợp nghiên cứu cụ thể ở công ty Gang Thép Thái Nguyên” làm đề tài khóa luận tốt nghiệp của mình.

II. Mục đích nghiên cứu

- Khóa luận làm rõ một số vấn đề lý luận về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phân tích, đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của công ty Gang Thép Thái Nguyên, thông qua đó để hiểu về thực trạng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thép Việt Nam.

- Trên cơ sở thực trạng đã nghiên cứu, khóa luận đưa ra một số giải pháp chủ yếu ở tầm vi mô và vĩ mô nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty Gang Thép Thái Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Khóa luận chỉ tập trung nghiên cứu năng lực cạnh tranh của công ty Gang Thép Thái Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Phạm vi nghiên cứu: Khóa luận nghiên cứu lý luận cơ bản về năng lực cạnh tranh, thực trạng năng lực cạnh tranh của công ty Gang Thép Thái Nguyên và một số biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty. Do thời gian nghiên cứu có hạn nên khóa luận không đi sâu phân tích cụ thể từng đơn vị trực thuộc công ty Gang Thép Thái Nguyên mà chỉ tập trung vào thực trạng năng lực cạnh tranh của cả công ty trong giai đoạn từ 2000 đến nay.

IV. Phương pháp nghiên cứu

Khóa luận sử dụng chủ yếu các phương pháp nghiên cứu cơ bản như: thu thập, thống kê, tổng hợp, phân tích, so sánh, đánh giá…

V. Kết cấu

Ngoài lời mở đầu, kết luận, nội dung chính của khóa luận gồm ba chương:

Chương I: Cơ sở lý luận về năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Chương II: Thực trạng năng lực cạnh tranh của công ty Gang Thép Thái Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Chương III: Một số giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty Gang Thép Thái Nguyên.‌‌


CHƯƠNG I

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ


Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Muốn vậy, mỗi doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn về bản chất của năng lực cạnh tranh. Vì lý do đó, trong khóa luận này, chương I sẽ trình bày khái quát về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh cùng với những nét cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời chương I cũng trình bày phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh theo quan điểm tổng hợp. Những lý thuyết trình bày trong chương này sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của công ty Gang Thép Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay.

I. KHÁI NIỆM NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Khái niệm năng lực cạnh tranh xuất hiện khi các nhà kinh tế học tiến hành nghiên cứu về cạnh tranh. Chính vì vậy, để hiểu rõ về năng lực cạnh tranh thì chúng ta nên hiểu khái quát về cạnh tranh.

1. Cạnh tranh

Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, trong khóa luận này thuật ngữ “cạnh tranh” được tiếp cận dưới góc độ lĩnh vực kinh tế. Cạnh tranh chỉ có thể xuất hiện, tồn tại trong nền kinh tế thị trường, nơi cung - cầu, giá cả là nhân tố cơ bản của thị trường, là đặc trưng cơ bản của thị trường. Trước đây khi nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản, C. Mác đã đề cập tới vấn đề cạnh tranh của các nhà tư bản. Theo C. Mác: “Cạnh tranh là sự ganh đua, sự đấu tranh gay gắt giữa các nhà tư bản để giành giật những điều kiện thuận lợi trong

sản xuất và tiêu thụ hàng hóa để thu được lợi nhuận siêu ngạch”.1 Có thể thấy ở đây, C.Mác đã đề cập tới vấn đề cạnh tranh trong xã hội tư bản chủ nghĩa, mà đặc trưng của chế độ này là chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nên theo quan niệm này thì cạnh tranh có nguồn gốc từ góc độ tiêu cực. Ngày nay hầu hết các nước trên thế giới đều thừa nhận cạnh tranh và coi cạnh tranh vừa là môi trường vừa là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội. Có rất nhiều định nghĩa về cạnh tranh đã xuất hiện:

Theo từ điển rút gọn về kinh doanh: “Cạnh tranh là sự ganh đua kình địch giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm giành cùng một loại tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình”. 2

Còn theo Diễn đàn cao cấp về cạnh tranh công nghiệp của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD): “Cạnh tranh là khái niệm của doanh nghiệp, quốc gia và vùng trong việc tạo việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế”.3

Theo Từ điển Kinh tế kinh doanh Anh – Việt thì: “Cạnh tranh là sự đối địch giữa các hãng kinh doanh trên cùng một thị trường để giành được nhiều khách hàng, do đó nhiều lợi nhuận hơn cho bản thân, thường là bằng cách bán theo giá thấp nhất hay cung cấp một chất lượng hàng hoá tốt nhất”.4

Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “Cạnh tranh trong kinh doanh là hoạt động ganh đua giữa những người sản xuất hàng hoá, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, bị chi phối bởi quan hệ cung – cầu, nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ, thị trường có lợi nhất”. 5

Ở Việt Nam, đề cập đến cạnh tranh một số nhà khoa học cho rằng, cạnh tranh là vấn đề giành lợi thế về giá cả hàng hoá, dịch vụ và đó là phương thức để giành lợi nhuận cao cho các chủ thể kinh tế. Nói khác đi, mục đích trực tiếp của hoạt động cạnh tranh là giành lợi thế để hạ thấp giá các yếu tố đầu vào của chu trình sản xuất, kinh doanh và nâng cao giá của đầu ra sao cho mức chi phí là thấp nhất.


1 C.Mác (1978), Các Mác – AngGhen toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội.

2 Adam J.H (1993), Longman dictionary of business English, Longman York Press.

3 Bộ khoa học và đào tạo-Viện chiến lược phát triển, Tổ chức phát triển công nghệ liên hiệp quốc (1999),

Tổng quan về cạnh tranh công nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4 Nguyễn Đức Dỵ (2000), Từ điển kinh doanh Anh – Việt, Nxb Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.

5 Hội đồng biên soạn quốc gia (2005), Từ điển Bách Khoa Việt Nam - tập 1, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

Như vậy trên quy mô toàn xã hội, cạnh tranh là phương thức phân bố nguồn lực một cách tối ưu và do đó nó trở thành động lực bên trong thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Mặt khác, đồng thời với tối đa hóa lợi nhuận của các chủ thể kinh doanh, cạnh tranh cũng là quá trình thúc đẩy tích luỹ và tập trung tư bản không đồng đều ở các doanh nghiệp. Từ đó, cạnh tranh còn là môi trường phát triển mạnh mẽ cho các chủ thể kinh doanh thích nghi được với các điều kiện thị trường, dẫn đến quá trình tập trung hoá trong từng ngành, quốc gia,...

Ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau thì quan niệm và nhận thức về cạnh tranh cũng như phạm vi và cấp độ là khác nhau. Song nhìn chung các khái niệm đều có nét tương đồng về nội dung:

Thứ nhất, cạnh tranh là quan hệ kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa các chủ thể của nền kinh tế thị trường cùng theo đuổi một mục đích tối đa. Đối với các doanh nghiệp, đó là lợi nhuận tối đa; đối với người tiêu dùng, đó là tối đa hoá mức độ thoả mãn hay sự tiện lợi khi tiêu dùng sản phẩm

Thứ hai, cạnh tranh diễn ra trong một môi trường cụ thể, trong đó các bên tham gia đều phải tuân thủ những ràng buộc chung như: đặc điểm sản phẩm, thị trường, các điều kiện pháp lí, các thông lệ kinh doanh...

Thứ ba, phương pháp cạnh tranh rất đa dạng: cạnh tranh bằng đặc tính và chất lượng sản phẩm, cạnh tranh bằng giá bán sản phẩm, cạnh tranh bằng nghệ thuật tiêu thụ sản phẩm....

Xét theo hướng tiếp cận của đề tài này, khóa luận lựa chọn khái niệm cạnh tranh như sau: “Cạnh tranh là quan hệ kinh tế mà ở đó các chủ thể kinh tế ganh đua nhau tìm mọi biện pháp, cả nghệ thuật lẫn thủ đoạn để đạt mục tiêu kinh tế của mình, thông thường là chiếm lĩnh thị trường, giành lấy khách hàng cũng như các điều kiện sản xuất, thị trường có lợi nhất. Mục đích cuối cùng của các chủ thể kinh tế trong quan hệ cạnh tranh là tối đa hóa lợi ích. Đối với người sản xuất kinh doanh là lợi nhuận, đối với người tiêu dùng là lợi ích tiêu dùng và sự tiện lợi”.6


6 Chu Văn Cấp (2003), Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Việc phân loại cạnh tranh cũng không đơn giản, đứng ở góc độ nghiên cứu khác nhau ta lại có những loại cạnh tranh khác nhau:

- Xét theo quy mô có cạnh tranh sản phẩm, cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh quốc gia.

- Xét theo tính chất của các phương thức cạnh tranh ta có cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh.

- Xét về hình thái có cạnh tranh hoàn hảo và cạnh tranh không hoàn hảo.

- Xét theo các công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh hàng hoá có cạnh tranh trước khi bán hàng, cạnh tranh trong quá trình bán hàng, cạnh tranh sau khi bán hàng.

- Xét theo mục tiêu kinh tế của các chủ thể trong cạnh tranh thì có cạnh tranh nội bộ ngành, cạnh tranh giữa các ngành.

- Xét theo lãnh thổ thì có cạnh tranh trong nước và cạnh tranh quốc tế.

Ngoài các loại hình cạnh tranh đã nêu trên, người ta còn xét theo một số tiêu chí khác: điều kiện không gian, lợi thế tài nguyên nhân lực, đặc điểm tập quán sản xuất...

Cạnh tranh là một hiện tượng kinh tế xã hội rất phức tạp, do cách tiếp cận khác nhau nên có những quan điểm cạnh tranh khác nhau. Nhưng dù đứng ở góc độ nào thì các nhà kinh tế học đều phải thừa nhận cạnh tranh chỉ xuất hiện trong nền kinh tế thị trường, hay nói cách khác nền kinh tế thị trường chính là động lực của cạnh tranh. Nhưng chúng ta phải thấy rằng, cạnh tranh cũng có mặt trái: Cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới nhiều hậu quả tiêu cực gây rối loạn thị trường, thiệt hại cho người tiêu dùng và những doanh nghiệp sản xuất chính đáng; cạnh tranh cũng có thể dẫn đến xu hướng độc quyền, làm gia tăng sự phân hoá giàu nghèo và những bất công trong xã hội…

Vấn đề đặt ra là phải đảm bảo cơ chế cạnh tranh vận hành hiệu quả, phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của cạnh tranh. Điều đó cần đến sự điều tiết hợp lý của Nhà nước trong chính sách cạnh tranh và đó cũng là trách nhiệm của tất cả các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

2. Năng lực cạnh tranh

2.1 Khái niệm

Trong quá trình các chủ thể cạnh tranh với nhau, để giành lợi thế về phía mình, các chủ thể phải áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp nhằm duy trì và phát triển vị thế của mình trên thị trường. Các biện pháp này thể hiện một sức mạnh nào đó, một khả năng nào đó hoặc một năng lực nào đó của chủ thể, được gọi là năng lực cạnh tranh. Bên cạnh khái niệm năng lực cạnh tranh, người ta còn sử dụng các khái niệm sức cạnh tranh, tính cạnh tranh hoặc khả năng cạnh tranh. Mặc dù các thuật ngữ này có thể mang sắc thái khác nhau và không đồng nhất trong những trường hợp cụ thể nào đó, nhưng các thuật ngữ đó đều được dịch ra từ một thuật ngữ tiếng Anh là “competitiveness“.

Hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về năng lực canh tranh, có thể dẫn ra một số quan điểm như sau:

Hội đồng sức cạnh tranh của Mỹ đề nghị định nghĩa: Sức cạnh tranh là năng lực kinh tế về hàng hóa và dịch vụ của một nền sản xuất có thể vượt qua thử thách trên thị trường thế giới trong khi mức sống của dân chúng có thể được nâng cao một cách vững chắc và lâu dài.7

Trong từ điển thuật ngữ chính sách thương mại: “Sức cạnh tranh là năng lực của một doanh nghiệp, hoặc một ngành, một quốc gia không bị doanh nghiệp khác, ngành khác, quốc gia khác đánh bại về năng lực kinh tế”. 8

Diễn đàn cấp cao về cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế đã chọn định nghĩa về năng lực cạnh tranh cố gắng kết hợp cả doanh nghiệp, ngành và quốc gia: “Năng lực cạnh tranh là sức sản xuất ra thu nhập tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương, các quốc gia và khu vực phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế“.9


7 Trần Sửu (2003), Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện toàn cầu hóa, Nxb Lao động, Hà Nội.

8 Goode. W. (1997), Dictionary of trade policy, University of Adelaide.

9 Bạch Thụ Cường (2002), Bàn về cạnh tranh toàn cầu, Nxb Thông tấn, Hà Nội.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/05/2022