Có được chứng nhận tiêu chuẩn môi trường, khẳng định được thương hiệu của sản phẩm trên thị trường đồng nghĩa với việc người tiêu dùng tin tưởng và sẵn sàng trả giá cho sản phẩm hơn. Một sản phẩm khi đã khẳng định được vị trí của mình chắc chắn sẽ tạo được tâm lý an tâm cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm đó. Trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay, có rất nhiều sự lựa chọn cho khách hàng vì vậy một chiến lược marketing hợp lý sẽ giúp đẩy nhanh quyết định mua của khách hàng. Và chất lượng sản phẩm sẽ giúp giữ lại khách hàng cho doanh nghiệp.
3. Xu hướng “marketing xanh” (green marketing) trên thế giới
3.1. Khái niệm “marketing xanh”
Khái niệm marketing xanh (green marketing) trở nên phổ biến trên thế giới từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, tuy nhiên nó đã được các nhà hoạch định chiến lược marketing đề cập đến từ trước đó rất lâu. Hiệp hội marketing Mỹ (AMA) tổ chức hội thảo đầu tiên về “marketing sinh thái” (Ecological Marketing) vào năm 1975. Từ hội nghị này, năm 1976, cuốn sách về marketing xanh đầu tiên trên thế giới của đồng tác giả Henion và Kinnear được xuất bản với tựa đề “Ecological Marketing”. [22]
Rất nhiều người cho rằng, marketing xanh chỉ là việc xúc tiến bán hàng và các chương trình quảng cáo về các đặc điểm môi trường của sản phẩm. Người tiêu dùng thường liên hệ marketing xanh với các vấn đề như nguyên liệu có thể tái sử dụng, sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây ảnh hưởng tới tầng ozon. Đây cũng là những vấn đề marketing xanh đề cập đến tuy nhiên khái niệm về marketing xanh rộng hơn thế rất nhiều, nó có thể bao gồm các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp và thậm chí là các loại hình dịch vụ.
Hội thảo của AMA đã chỉ ra cho các nhà nghiên cứu, xây dựng chiến lược marketing thấy được tác động của marketing tới môi trường tự nhiên. Tại hội thảo đó, marketing xanh được định nghĩa là “việc nghiên cứu những tác
động tích cực và tiêu cực của hoạt động marketing đối với vấn đề ô nhiễm, cạn kiệt các nguồn tài nguyên và năng lượng”. Như vậy khái niệm này bao gồm ba nội dung chính: nó là một phần của toàn bộ hoạt động marketing; nó nghiên cứu về cả hoạt động tích cực và tiêu cực; nghiên cứu một số khía cạnh của vấn đề môi trường.
Sau đó khái niệm về marketing xanh được mở rộng để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. “Marketing xanh hay marketing môi trường bao gồm toàn bộ các hoạt động được thiết lập để tạo ra những trao đổi thuận lợi nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người mà gây tác hại tối thiểu tới môi trường tự nhiên”. [22]
Có thể bạn quan tâm!
- Môi trường trong vấn đề Marketing của một số doanh nghiệp tại Việt Nam - 1
- Môi trường trong vấn đề Marketing của một số doanh nghiệp tại Việt Nam - 2
- Khái Quát Chung Về Môi Trường Trong Vấn Đề Marketing Của Doanh Nghiệp
- Một Số Công Cụ Marketing Các Doanh Nghiệp Việt Nam Hay Sử Dụng
- Môi Trường Trong Vấn Đề Marketing Của Công Ty Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Thủy Sản An Giang (Agifish)
- Quy Trình Sản Xuất Đảm Bảo Chất Lượng Môi Trường Của Agifish
Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.
Khái niệm này không chỉ bao hàm những nội dung của khái niệm trước đó mà còn bao gồm cả vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên thông qua nỗ lực hạn chế tới mức tối đa tác động của việc sản xuất tới môi trường. Điểm bổ sung này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nguyên nhân dẫn đến môi trường bị phá hủy chính là do sự tiêu dùng của con người. Marketing xanh hướng tới giảm thiểu tới mức thấp nhất tác hại tới môi trường chú không nhất thiết là xóa bỏ hẳn những tác động tiêu cực đó. Bởi vậy với mỗi sản phẩm của marketing xanh nên được tuyên bố “ít gây hại cho môi trường” hơn là “thân thiện với môi trường”.
3.2. Sự cần thiết khách quan áp dụng marketing xanh trong các doanh nghiệp
Câu hỏi tại sao marketing xanh ngày càng quan trọng được giải thích một cách đơn giản theo định nghĩa cơ bản về kinh tế: “Kinh tế là phương thức làm thế nào con người sử dụng các nguồn lực hữu hạn để thỏa mãn những nhu cầu vô hạn.”
Trong thị trường nơi người tiêu dùng được tự do chọn lựa, người ta chấp nhận việc các cá nhân hoặc tổ chức có quyền cố gắng để thỏa mãn mong muốn của họ. Khi các doanh nghiệp phải đối mặt với các nguồn lực hữu hạn trong tự nhiên, họ phải đổi mới hoặc thay thế phương pháp để thỏa mãn
những nhu cầu vô hạn. Và markting xanh đưa ra giải pháp cho các hoạt động marketing để sử dụng những nguồn lực hữu hạn đó đáp ứng yêu cầu của cả khách hàng cá nhân cũng như các tổ chức đồng thời đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguyên nhân chính, các doanh nghiệp sử dụng chiến lược marketing xanh có thể tóm lược trong các nguyên nhân dưới đây:
3.2.1. Marketing xanh mang lại cho doanh nghiệp cơ hội đạt được mục tiêu kinh doanh của mình
Trước hết là vì tất cả các khách hàng, cả cá nhân và các tổ chức ngày càng quan tâm và nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề môi trường. Theo một cuộc khảo sát từ năm 1992 tiến hành tại 16 quốc gia, có trên 50% người tiêu dùng tại mỗi quốc gia, mà đặc biệt là tại Singapore trả lời họ thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường liên quan tới sản phẩm họ tiêu dùng. Một cuộc khảo sát năm 1994 tại Australia đã chỉ ra rằng có 84,6% người tiêu dùng thực sự quan tâm tới môi trường và hơn 80% trong số này trả lời họ quyết định các hành vi của mình, bao gồm cả hành vi tiêu dùng thông qua các lý do về môi trường [22]. Khi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, rất nhiều các doanh nghiệp đã nhận thấy sự thay đổi đó là cơ hội cho chiến lược kinh doanh của mình. Điều đó có nghĩa những doanh nghiệp thực hiện chiến lược marketing sản phẩm thông qua các đặc điểm môi trường sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp không quan tâm tới vấn đề môi trường trong chiến lược marketing.
3.2.2. Áp lực từ phía chính phủ
Các chính phủ muốn bảo vệ người tiêu dùng và xã hội và chính điều này đã đẩy mạnh việc thực hiện marketing xanh. Các quy định của chính phủ liên quan đến marketing xanh được đưa ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng qua một số biện pháp như: hạn chế những sản phẩm có hại, liệt kê danh sách các sản phẩm có hại khi người tiêu dùng hoặc tổ chức sử dụng hoặc tiêu thụ, đảm
bảo tất cả các khách hàng đều có quyền đánh giá thành phần môi trường của sản phẩm… Đồng thời, chính phủ các nước đề ra các quy định để kiểm soát số lượng rác thải nguy hiểm của các doanh nghiệp. Rất nhiều các sản phẩm của doanh nghiệp phải chịu sự kiểm soát của các loại chứng nhận môi trường.
3.2.3. Áp lực cạnh tranh
Một nguyên nhân quan trọng buộc các doanh nghiệp phải đẩy mạnh chiến lược marketing xanh là vì họ muốn duy trì lợi thế cạnh tranh. Rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp quan sát các chiến lược môi trường của đối thủ cạnh tranh và đem áp dụng cho doanh nghiệp mình. Có thể nói chính áp lực cạnh tranh đã buộc toàn bộ nền kinh tế phải đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
3.2.4. Chi phí và lợi nhuận
Các doanh nghiệp áp dụng chiến lược marketing xanh nhằm giảm thiểu chi phí xử lý rác thải. Trong quá trình giảm bớt lượng chất thải, các doanh nghiệp đồng thời xem xét lại quá trình sản xuất của mình. Nếu tiến quy trình sản xuất hợp lý thì không những doanh nghiệp giảm thiểu được lượng chất thải mà còn tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp đã tiết kiệm chi phí gấp đôi. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp nỗ lực đưa ra các giải pháp xử lý toàn bộ chất thải chứ không chỉ giảm thiểu lượng chất thải. Khi đó, phế thải của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của một doanh nghiệp khác. Như vậy, doanh nghiệp còn thu được khoản lợi nhuận từ việc xử lý chất thải của mình.
Có thể thấy rõ tác dụng của môi trường xanh trong hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong điều kiện môi trường đang là vấn đề cả thế giới quan tâm như hiện nay.
III. ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG TRONG VẤN ĐỀ MARKETING ĐẾN DOANH NGHIỆP
1. Giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng
Mục tiêu chính của hoạt động marketing của doanh nghiệp là đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Khi nhu cầu đó thay đổi thì doanh nghiệp cần phải có chiến lược marketing phù hợp để bắt kịp các thay đổi đó. Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao vì vậy người tiêu dùng giờ đây không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm tới chất lượng môi trường của sản phẩm đó cũng như quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường. Khi thu nhập gia tăng, mỗi người dân bình thường đều sẵn lòng chấp nhận các hàng hóa có chất lượng môi trường cao. Việc doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn và quy định về môi trường trong quá trình sản xuất, sẽ cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm xanh và sạch.
2. Nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường
Trong bối cảnh các vấn đề môi trường toàn cầu đang có nguy cơ ngày càng gia tăng, nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng cao thì việc áp dụng các quy định và tiêu chuẩn về môi trường ở các nước ngày càng trở nên phổ biến và bắt buộc. Trước tình hình đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường dễ được chấp nhận hơn so với các sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu nói trên. Thực tế cho thấy các công ty áp dụng các biện pháp quản lý môi trường tốt như ISO 14000, HACCP… dễ được khách hàng tiếp nhận hơn.
Mặc dù việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy định về môi trường trong nhiều trường hợp làm tăng chi phí sản xuất, do đó, trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt như hiện nay thì việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về môi trường lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng vay vốn
để mở rộng sản xuất và góp phần nâng cao uy tín và vị thế của doanh nghiệp trên trường quốc tế, tăng khả năng thâm nhập thị trường.
3. Tạo ra cơ cấu sản xuất phù hợp và khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động bền vững
Việc áp dụng các quy định và tiêu chuẩn về môi trường sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện đáng kể tình trạng quản lý chung của doanh nghiệp, nâng cao hình ảnh, uy tín, mối thiện cảm của các nhà chức trách và người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp.
Áp dụng các quy định và tiêu chuẩn về môi trường giúp các doanh nghiệp tạo ra một cơ cấu sản xuất phù hợp nhằm sử dụng hợp lý các nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào và hạn chế các chất thải. Để áp dụng được các tiêu chuẩn và quy định về môi trường, các doanh nghiệp cần có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cũng như một cơ chế quản lý môi trường. Có thể nhận thấy điều này ở các doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 14000. Bộ tiêu chuẩn này thích ứng với yêu cầu giải quyết các vấn đề môi trường với mục đích là cải thiện việc quản lý môi trường, bảo vệ môi trường, chú trọng đến ảnh hưởng xấu của quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến môi trường. Như vậy, để được cấp chứng nhận ISO 14000 các doanh nghiệp buộc phải tạo lập một cơ chế quản lý, một quy trình sản xuất phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn. Và chính điều này đã điều chỉnh cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp một cách hợp lý. Việc áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn môi trường quốc tế không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà có ảnh hưởng lâu dài tới hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa việc áp dụng các quy định và tiêu chuẩn về môi trường còn tạo ra một môi trường làm việc trong lành trong doanh nghiệp. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao điều kiện làm việc, sản xuất tại doanh nghiệp mà còn nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường và trong đánh giá của xã hội.
4. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài
Trong điều kiện nền kinh tế thế giới hội nhập sâu và rộng như hiện nay, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, có thể coi các quy định về môi trường như một rào cản thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp cảu các nước kém phát triển vào thị trường các nước phát triển. Do trình độ khoa học công nghệ tại các nước này còn lạc hậu nên việc đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn môi trường cho hàng xuất khẩu còn thấp. Do đó để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề môi trường trong chiến lược marketing của mình. Các doanh nghiệp không những cần phải xây dựng quy trình sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường mà doanh nghiệp còn cần đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường riêng biệt. Có thể thấy điều này khi nói về các nhãn hiệu sinh thái đối với các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường EU. Chúng ta phải phân biệt rõ nhãn hiệu sinh thái của một nước, chương trình nhãn hiệu sinh thái của EU và các nhãn hiệu môi trường cụ thể của sản phẩm. Các nhãn hiệu sinh thái của EU và mỗi quốc gia dựa trên một sự đánh giá đầy đủ vòng đời sản phẩm và áp dụng cho hàng loạt các sản phẩm trong khi nhãn hiệu cụ thể của sản phẩm có thể có phạm vi hạn chế hơn và chỉ áp dụng với một nhóm sản phẩm hay một quá trình sản xuất riêng lẻ nào đó. Như vậy, để có thể cạnh tranh với các sản phẩm của các quốc gia khác, các doanh nghiệp nói chung phải nghiên cứu thật chi tiết quy định về môi trường đối với từng mặt hàng để có thể thâm nhập vào các thị trường trên thế giới.
Tóm lại, môi trường có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Môi trường trong vấn đề marketing đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh lâu dài và bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó môi trường trong vấn đề marketing cũng tạo ra những thách thức đối với doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp là phải có sự kết hợp hài hòa các yếu tố môi trường trong chiến lược marketing để thực hiện mục tiêu
của doanh nghiệp cũng như củng cố và khẳng định vị trí, hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường.