đây là bảng thống kê cho biết số vụ phá sản ở thành phố Hà Nội từ năm 1993 đến năm 2006 (bảng 2).
Bảng 2 : Số vụ phá sản tại TP. Hà Nội từ 1/1/1993 đến 31/12/2006
Số vụ thụ lý | Số vụ giải quyết | |
1993-2004 | 3 | 3 |
2005 | 3 | 3 |
2006 | 8 | 8 |
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Cần Thiết Phải Ban Hành Luật Phá Sản Năm 2004
- Thủ Tục Tiến Hành Một Vụ Phá Sản Thông Thường
- Phạm Vi Chủ Thể Có Quyền Nộp Đơn Yêu Cầu Tuyên Bố Phá Sản Còn Quá Hẹp
- Thiếu Sự Ràng Buộc Trách Nhiệm Của Chấp Hành Viên Và Tổ Quản Lý, Thanh Lý Tài Sản Trong Quá Trình Hoạt Động
- Sửa Đổi Các Quy Định Về Việc Nộp Đơn, Thụ Lý Đơn Yêu Cầu Mở Thủ Tục Phá Sản Và Việc Mở Hoặc Không Mở Thủ Tục Phá Sản
- Luật phá sản Việt Nam năm 2004 - thực tiễn áp dụng tại thành phố Hà Nội và phương hướng hoàn thiện - 10
Xem toàn bộ 94 trang tài liệu này.
Nguồn: Theo Toà án nhân dân TP. Hà Nội
Theo báo cáo của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, từ năm 1994 đến cuối năm 2004, số vụ phá sản doanh nghiệp mà Toà phải thụ lý và giải quyết là 03 vụ. Trong năm 2005, thụ lý giải quyết: 03 vụ, từ đầu năm 2006 đến tháng 11/2006 thụ lý và giải quyết 08 vụ. Như vậy, từ ngày Luật Phá sản năm 2004 có hiệu lực đến tháng 11/2006, tổng số vụ phá sản mà Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý và phải giải quyết là 11 vụ. Tăng gần 36,6% so với 10 năm áp dụng LPSDN 1993.
Số vụ phá sản ít không chứng minh được hầu hết các doanh nghiệp ở Hà Nội đều làm ăn hiệu quả mà con số này cho thấy LPS 2004 còn chưa đi vào thực tế cuộc sống của doanh nghiệp. Nhiều trường hợp làm ăn thua lỗ đã lâu nhưng không chịu làm đơn mở thủ tục phá sản chỉ đến khi bị “ép” phá sản thì mới gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Người viết sẽ phân tích hai trường hợp phá sản: một là của công ty nhà nước và một là của công ty tư nhân để minh chứng cho điều kết luận trên.
Vụ phá sản của Công ty Phát triển nông lâm ngư nghiệp và dịch vụ Sóc Sơn:
Công ty Phát triển nông lâm ngư và dịch vụ Sóc Sơn là một công ty nhà nước nhưng làm ăn không hiệu quả. Tháng 11/2001 Công ty bị khởi tố về vụ chiếm đoạt 7 tỷ đồng cùng với Công ty TNHH chế biến tinh dầu (Hà Tĩnh) tiền hoàn thuế. Giám đốc và kế toán của hai công ty này đã kí khống các giấy tờ nhằm chiếm đoạt hàng tỷ đồng của Nhà nước. Khi vụ việc bị vỡ lở, Giám đốc Nguyễn Văn Phương,
Trưởng phòng Kế hoạch Nguyễn Thái Hoà, kế toán trưởng Đàm Quang Khánh đã ra tự thú, khai nhận toàn bộ sự việc và nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận của Nguyễn Viết Thìn (Giám đốc Công ty TNHH chế biến tinh dầu).
Đây là một vụ chiếm đoạt hoàn thuế VAT đầu tiên với số tiền lớn. Và sau vụ việc này việc làm ăn của Công ty Phát triển nông lâm ngư nghiệp và dịch vụ Sóc Sơn càng đi vào bế tắc. Đến tháng 8/2003 TP. Hà Nội đã đưa Công ty Phát triển nông lâm ngư và dịch vụ Sóc Sơn ra Hội đồng giải thể nhưng không rõ vì lý do gì Công ty vẫn chưa được giải thể. Và mãi đến 25/4/2007 Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội đã mở thủ tục phá sản đối với công ty này do chính sách cơ cấu lại một số công ty Nhà nước của Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội.
Như vậy việc làm ăn thua lỗ ở Công ty Phát triển nông lâm ngư và dịch vụ Sóc Sơn đã kéo dài tới 5 năm mới được tuyên bố phá sản. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự chậm trễ và thiếu thống nhất của các cơ quan chức năng có liên quan đến việc làm thủ tục xin phá sản. Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để xoá bỏ sự chậm trễ này?
Vụ phá sản của Công ty TNHH Đèn hình Orion-Hanel:
Tháng 2/2003 Công ty TNHH Đèn hình Orion-Hanel được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy đăng kí kinh doanh. Công ty Orion-Hanel là công ty liên doanh giữa Công ty điện tử Hanel và Công ty Orion của Hàn Quốc với số vốn đầu tư lên đến trên 178 triệu USD chuyên sản xuất đèn hình và phụ kiện cho tivi và máy tính.
Sau 11 năm hoạt động và dẫn đầu trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội, ngày 16/10/2004, Công ty Orion Hanel đã khánh thành nhà máy sản xuất đèn hình màu thứ hai tại Khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội). Nhưng hoạt động của cơ sở hai này không đem lại hiệu quả. Cùng thời điểm đó, thị trường ti vi đã xuất hiện sự thoái trào của công nghệ sản xuất đèn hình màu, với sự thay thế của dòng LCD và Plasma, khiến khó khăn của Orion Hanel tăng thêm bội phần. Tiêu cực khách quan cùng với những khó khăn nội tại đã buộc Công ty phải ngừng sản xuất từ tháng 9/2007.
Đến tháng 1/2008, Công ty đã hoạt động trở lại một dây chuyền. Nhưng hoạt động nhỏ lẻ này chỉ cầm cự được tiếp 3 tháng và đến tháng 4/2008, toàn bộ hoạt động sản xuất bị dừng lại, công nhân tại nhà máy đều được nghỉ vô thời hạn. Điều này có nghĩa là gần 2500 nhân công bị thất nghiệp, trong đó còn có nhiều lao động chưa được nhận lương.
Đến tháng 12/2008, Công ty còn 822 hợp đồng lao động dài hạn, nhưng trong đó chỉ có hơn 30 người ở vị trí chủ chốt tiếp tục làm việc và được nhận lương. Và cuối tháng 12 Công ty Điện tử Hanel đã đệ đơn xin phá sản tới Toà án Nhân dân TP. Hà Nội.
Thực tế, tình trạng sa sút của Công ty đã rõ nét từ năm 2006 khi doanh thu của Công ty giảm sút mạnh nhiều lao động trình độ cao đã bỏ về nước. Tình trạng này kéo dài và trở nên nghiêm trọng khi tháng 9/2007 Công ty phải đóng cửa sản xuất nhưng mãi đến tháng 12/2008 Công ty mới đệ đơn xin phá sản.
Từ vụ việc của Công ty Orion Hanel ta thấy nguyên nhân của sự kéo dài ngày trình đơn phá sản là do các thành viên trong công ty đã cố gắng khắc phục sai lầm và duy trì sản xuất nhưng không thành công bởi lý do đơn giản là công nghệ sản xuất bong đèn đã trở nên lỗi thời. Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì sản xuất đi đôi với đổi mới công nghệ? Và vấn đề giải quyết hậu quả về tình trạng lao động thất nghiệp khi doanh nghiệp đó phá sản?
Nhìn tổng thể, tính đến hết tháng 12 năm 2008, Hà Nội có 74.029 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ các doanh nghiệp trong tình trạng phá sản còn có thể cao hơn nữa trong thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay. Vậy vấn đề đặt ra là tại sao nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ lại không yêu cầu mở thủ tục phá sản mà lại chọn con đường khác như giải thể hoặc bỏ không. Đó là do những quy định của LPS 2004 vẫn còn tỏ ra bất cập, khó thực thi. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp không chọn con đường phá sản khi doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng vỡ nợ.
2. Thực tiễn thực hiện quy trình và thủ tục phá sản và những vấn đề đặt ra
2.1. Vướng mắc trong trường hợp không xác định được địa chỉ của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp (con nợ) khi nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập tại TP. Hà Nội nhưng hoạt động được một thời gian thì “mất tích”, nghĩa là theo địa chỉ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp không còn hoạt động vì đã chuyển trụ sở đi nơi khác mà không để lại địa chỉ mới. Đây là một hiện tượng thường thấy ở các doanh nghiệp đi thuê trụ sở trên địa bàn TP. Hà Nội. Do vậy, khi có chủ nợ làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó thì Toà án không xác định được trụ sở doanh nghiệp. Mặt khác, việc xác minh nơi cư trú hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của các thành viên công ty đều không thực hiện được. Trong những trường hợp như vậy, vừa rất khó xác định thẩm quyền giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản của Toà án nhân dân và vừa không đủ điều kiện để Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Khi giải quyết các vụ phá sản, sự vắng mặt của chủ doanh nghiệp đã gây cho các cấp Tòa án không ít khó khăn đó là trường hợp người lao động hoặc chủ nợ đưa đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo các Điều 13 và Điều 14 LPS 2004 nhưng không xác định được địa chỉ của chủ doanh nghiệp, không biết chủ doanh nghiệp ở đâu dù đã xác minh tại trụ sở của doanh nghiệp, tại địa bàn nơi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hoặc tại nơi đăng ký hộ khẩu trường trú. Có trường hợp chủ doanh nghiệp là người nước ngoài sau khi kinh doanh thua lỗ bỏ về nước, khi nhận được giấy của Tòa án nhưng cũng không đến Việt Nam để giải quyết hoặc đặt điều kiện chỉ đến Việt Nam khi phía Việt Nam bảo đảm cho họ được rời Việt Nam bất cứ lúc nào họ muốn. Không ai giám bảo đảm và Tòa án thường rất lúng túng khi gặp tình huống này với sức ép của người lao động và của các chủ nợ đòi hỏi Tòa án mở thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi của họ nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.
2.2. Chưa có tiêu chí cụ thể về điều kiện thụ lý đơn và ra quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản
Quy định tại Điều 3 của LPS 2004: doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi có chủ nợ yêu cầu thì bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Nhưng trên thực tế chưa có một tiêu chí hướng dẫn cụ thể nào điều khoản này nên dẫn đến việc số doanh nghiệp khi căn cứ vào điều luật này đã “lạm dụng” quyền nộp đơn nhằm gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của công ty. Bởi vì, trong hoạt động kinh doanh các công ty thường xuyên có những khoản nợ đến hạn, nhưng do nhiều lý do khác nhau họ chưa trả nợ ngay mà bị các chủ nợ quy kết là “lâm vào tình trạng phá sản”. Trên thực tế, Toà kinh tế thành phố Hà Nội đã nhận được một số đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ở dạng tương tự như trên. Có chủ nợ nộp đơn yêu cầu phá sản đối với doanh nghiệp khi số nợ chỉ là vài chục triệu đồng (rất nhỏ so với tổng số vốn của doanh nghiệp đó). Nhưng theo quy định, Toà án Hà Nội vẫn phải thụ lý đơn yêu cầu này.
2.3. Những quy định về Thẩm phán phụ trách việc giải quyết phá sản còn tỏ ra không sát với thực tế.
2.3.1. Tổ Thẩm phán làm việc quá tải
Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có hướng dẫn các trường hợp cần phải do Tổ Thẩm phán gồm 3 người tiến hành thủ tục phá sản, trong đó có các trường hợp sau: Cần giải quyết tranh chấp về khoản nợ; Tuyên bố giao dịch là vô hiệu; Giải quyết tiếp vụ án mà doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản là đương sự trong vụ án đó; Doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có bất động sản, có nhiều chủ nợ hoặc người mắc nợ tại nhiều tỉnh khác nhau hoặc ở nước ngoài.
Thông thường vụ phá sản nào cũng có tranh chấp về khoản nợ có thể là nợ phải trả cho chủ nợ có thể là nợ phải thu từ người mắc nợ. Mỗi vụ phá sản đều có nhiều người tham gia và vì vậy, chắc chắn sẽ có những chủ nợ hoặc người mắc nợ ở nhiều tỉnh khác. Nếu áp dụng đúng quy định của Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán
thì hầu như vụ phá sản nào cũng phải do Tổ Thẩm phán gồm ba người tiến hành, quy định này đòi hỏi các Toà án địa phương, nhất là nơi có những vụ phá sản phức tạp như trên phải có nhiều Thẩm phán.
Ở Toà kinh tế TP. Hà Nội chỉ có 6 thẩm phán và nếu thành lập thì được 02 Tổ, trong khi số vụ phá sản mà Toà kinh tế TP Hà Nội thụ lý từ ngày LPS 2004 có hiệu lực đến cho đến hết năm 2006 là 11 vụ. Thực hiện quy định này thì mỗi Thẩm phán phải tham gia giải quyết hơn 6 vụ, nhưng thực tiễn các vụ giải quyết phá sản tại TP. Hà Nội cho đến nay chỉ có 01 Thẩm phán tiến hành, kể cả những vụ phá sản có những dấu hiệu như quy định tại Nghị quyết 03.
2.3.2. Luật quy định chưa rõ về thẩm quyền của Thẩm phán trong việc ra quyết định bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý
Điều 8 LPS 2004 khi xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản không quy định thẩm phán có quyền ra quyết định bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý, nhưng theo điểm h khoản 1 điều 10 LPS 2004 thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản có nhiệm vụ, quyền hạn “thi hành quyết định bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý”. Trên thực tế, ở Hà Nội đã có những vụ phá sản không thực hiện được vấn đề này do cơ quan bán đấu giá không thực hiện việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản với lý do chưa có quyết định của thẩm phán về bán đấu giá tài sản nhưng khi đề cập đến vấn đề này, thẩm phán cũng cho rằng không có đủ căn cứ pháp lý để ra quyết định bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý vì tại Điều 8 Luật Phá sản không quy định trực tiếp cho thẩm phán, mặt khác Quyết định số 01 ngày 27/4/2005 của Toà án nhân dân tối cao về Quy chế làm việc của Tổ thẩm phán cũng không đề cập đến vấn đề này.
2.4. Những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản
LPS 2004 đã quy định một số nghĩa vụ, quyền hạn cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản, song thực tế cho thấy Tổ quản lý, thanh lý tài sản gần như chỉ có chức năng giúp việc cho Thẩm phán (hầu hết các hành vi định đoạt tài sản phá sản đều do Thẩm phán quyết định). Tổ quản lý, thanh lý tài sản không có quyền điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không có quyền trực tiếp quản lý các tài sản của doanh nghiệp. Mặt khác, do một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ và cụ thể, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ đều là nguyên nhân dẫn đến hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản trên thực tế còn kém hiệu quả. Cụ thể là:
2.4.1. Chậm trễ trong việc thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản
Theo quy định của LPS 2004, đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Toà án ra ngay quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Tại khoản 1 Điều 16 Nghị 67 quy định cụ thể hơn việc thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Thẩm phán, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản”. Nhưng thực tế, việc phối hợp giữa Toà án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thường bị chậm trễ do không cử người tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Tình trạng này đã dẫn đến việc không kịp thời thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản nên đã tạo “kẽ hở” cho doanh nghiệp tẩu tán tài sản. Việc chậm thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản còn dẫn đến tình trạng sau khi các chủ nợ biết được thông tin doanh nghiệp đã bị Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản nên đã đến doanh nghiệp thực hiện việc siết nợ, thu tài sản của doanh nghiệp trái pháp luật mà chủ doanh nghiệp bị phá sản không thể ngăn chặn được.
2.4.2. Chất lượng Tổ quản lý, thanh lý tài sản chưa đáp ứng yêu cầu
Tổ quản lý, thanh lý tài sản được thành lập với thành phần bao gồm: 01 Chấp hành viên làm tổ trưởng, 01 cán bộ Tòa án, 01 đại diện chủ nợ, 01 đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản, trường hợp cần thiết phải
có 01 đại diện của công đoàn, người lao động và các cơ quan chuyên môn. Cơ cấu thành phần là vậy, nhưng trong thực tế thực hiện thì hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản phụ thuộc chủ yếu vào Chấp hành viên.
Thực tế cũng cho thấy hoạt động của các thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản chưa thật đều tay. Trước đây, theo LPSDN 1993, Tổ trưởng Tổ quản lý tài sản là cán bộ Toà án, là thư ký giúp việc cho Thẩm phán phụ trách việc thực hiện phá sản thì toàn bộ công việc như mời con nợ, chủ nợ lên đối chiếu công nợ, lập danh sách chủ nợ, người mắc nợ do Thẩm phán thực hiện. Thư ký Toà án được chỉ định làm Tổ trưởng Tổ quản lý tài sản được Thẩm phán hướng dẫn trực tiếp, đôn đốc nhắc nhở nên công việc thực hiện nhanh và khá hiệu qủa. Nay LPS 2004 quy định những nhiệm vụ này do Chấp hành viên là Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện. Việc chọn Chấp hành viên của cơ quan Thi hành án làm Tổ trưởng được thực hiện bằng quy định phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Tòa án với các cơ quan liên quan. Do đó, việc giao cho Chấp hành viên của cơ quan Thi hành án làm Tổ trưởng là phù hợp, bảo đảm tính chuyên nghiệp trong hoạt động này và không làm tăng biên chế trong tổ chức, bộ máy của các cơ quan Nhà nước”11.
Tuy nhiên, trên thực tế sự điều chỉnh này phát sinh nhiều bất cập dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ này không dễ dàng vì Chấp hành viên Cơ quan Thi hành án dân sự chỉ với kiến thức chuyên sâu về pháp luật nhưng lại phải đảm nhiệm cả những công việc nằm ngoài khả năng chuyên môn của mình. Mặt khác, do Chấp hành viên không có điều kiện, cơ sở để xác định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xác định những khoản thu chi nào của doanh nghiệp là hợp pháp, hợp lệ và chuẩn mực để xác định việc “có lợi hơn cho doanh nghiệp, hợp tác xã ” cũng thật sự khó thực hiện. Chẳng hạn, trong thực tế những tình trạng sau đây thường xảy ra:
Về nguyên tắc Chấp hành viên phải chủ động lên kế hoạch thực hiện nhưng Chấp hành viên chưa thực hiện được điều này dẫn đến hậu qủa là công việc thực hiện thụ động, chậm trễ và không thống nhất cách làm.
11 PSG.TS. Dương Đăng Huệ (2004), “Một số ý kiến về dự thảo luật phá sản sửa đổi”, Tạp chí Toà án nhân dân, số 01, tr 18-24.