Tiền Tệ Và Chính Sách Tiền Tệ


CHƯƠNG 5: TIỀN TỆ VÀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Khi đi ăn ở nhà hàng, bạn nhận được một giá trị nào đó, chẳng hạn no bụng. Để thanh toán cho dịch vụ này, bạn phải trả cho chủ nhà hàng một số tờ giấy bạc được trang trí những hoa văn kỳ lạ, hoặc bạn có thể trả cho chủ nhà hàng tờ giấy trên đó có tên một ngân hàng và chữ ký của bạn. Như vậy dù bạn trả bằng tiền mặt hay séc thì nhà hàng vẫn sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu ẩm thực của bạn để đổi lại những tờ giấy mà bản thân nó không có giá trị chút nào.

Đối với bất kỳ người nào sống trong nền kinh tế hiện đại, tập quán xã hội này đều không có gì xa lạ. Mặc dù những tờ tiền giấy không có giá trị cố hữu, nhưng người chủ nhà hàng tin rằng trong tương lai sẽ có người thứ ba chấp nhận nó để đổi lấy cái gì đó mà anh ta cho là có giá trị. Và người thứ ba cũng tin rằng người thứ tư nào đó sẽ chấp nhận những đồng tiền này với niềm tin rằng người thứ năm sẽ chấp nhận nó là tiền,… Đối với chủ nhà hàng và những người khác trong xã hội chúng ta, tiền mặt hoặc séc của bạn đại diện cho quyền được hưởng hàng hóa, dịch vụ trong tương lai.

Tập quán sử dụng tiền trong các giao dịch của xã hội cực kỳ hữu ích trong xã hội lớn và phức tạp. Hãy dừng lại đôi chút để tưởng tượng ra rằng trong nền kinh tế không có cái gì được chấp nhận rộng rãi trong hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Khi đó mọi người sẽ dựa vào phương thức trao đổi hiện vật – hàng đổi hàng. Để có bữa ăn ở nhà hàng, bạn phải trả bằng một thứ gì đó có giá trị tương đương như rửa bát, rửa ôtô hay bí quyết gia truyền về một món ăn. Nền kinh tế dựa vào trao đổi hiện vật sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ nguồn lực khan hiếm một cách có hiệu quả. Trong nền kinh tế như vậy, các giao dịch chỉ có thể thực hiện khi có sự trung khớp nhu cầu – điều khó có khả năng xảy ra, vì hiếm khi trong hai người muốn tham gia trao đổi, người này có hàng hóa hoặc dịch vụ mà người kia cần và ngược lại.

Sự tồn tại của tiền giúp cho quá trình trao đổi được thực hiện dễ dàng hơn. Chủ nhà hàng không cần quan tâm đến việc bạn có sản xuất cho họ một hàng hóa hoặc dịch vụ có giá trị không. Quy ước như vậy cho phép trao đổi diễn ra ở khắp mọi nơi. Chủ nhà hàng sẵn sàng chấp nhận tiền của bạn vì biết rằng người khác cũng hành động như vậy. Ông ta nhận tiền của bạn và sử dụng số tiền đó để trả lương cho đầu bếp của mình; người đầu bếp này lại dùng tiền lương của mình để trả cho nhà trẻ về việc chăm sóc cho con của họ; nhà trẻ này lại dùng học phí để trả lương cho giáo viên; và giáo viên lại dùng tiền lương nhận được để đi ăn ở nhà hàng. Khi tiền được chuyển từ người này sang người khác trong nền kinh tế, nó tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất và trao đổi, qua đó cho phép mọi người chuyên môn hóa vào công việc mà họ có thể làm tốt nhất, qua đó nâng cao mức sống của họ.


5.1. TIỀN VÀ CÁC CHỨC NĂNG CỦA TIỀN

5.1.1. Quan điểm về tiền

Ngay từ nhỏ, chúng ta đã biết sử dụng tiền để mua những đồ vật mà mình ưa thích, còn các cửa hàng thì dùng tiền để niêm yết giá các mặt hàng họ bán. Ngoài ra, mọi người, ít nhiều, đều cất trữ tiền nhằm làm tăng của cải của mình. Mặc dù vậy, liệu đã khi nào chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi vì sao chúng ta cầm trong tay những tờ giấy không có giá trị thực, nhưng dễ dàng vào cửa hàng đổi chúng lấy hàng hóa có giá trị thực? Hơn nữa, trong nền kinh tế hiện đại, ngoài việc sử dụng tiền mặt, người ta còn sử dụng séc hay thẻ tín dụng trong thanh toán. Vậy séc hay thẻ tín dụng có phải là tiền hay không? Để có câu trả lời, chúng ta cần hiểu tiền là gì? Hiểu rò khái niệm tiền là việc làm quan trọng để nắm bắt các nguyên lý kinh tế vĩ mô, nhưng đó không phải là nhiệm vụ đơn giản.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

Một cách chung nhất, tiền được định nghĩa là “bất cứ cái gì được chấp nhận chung trong việc thanh toán để lấy hàng hóa, dịch vụ hoặc trong việc hoàn trả các món nợ”

5.1.2. Các chức năng của tiền

Kinh tế học vĩ mô - 15

Để được chấp nhận chung trong việc thanh toán, tiền phải có những chức năng đặc biệt của nó. Nhìn chung, các lý thuyết tiền tệ hiện đại đều nhấn mạnh ba chức năng căn bản của tiền: phương tiện trao đổi, đơn vị hạch toán, và cất trữ giá trị. Ba chức năng này làm cho tiền khác với các tài sản khác, như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tác phẩm nghệ thuật .... Sau đây chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng chức năng của tiền:

Phương tiện trao đổi là một vật được mọi người chấp nhận để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ. Tiền là một phương tiện trao đổi. Khi bạn mua một hàng hóa bất kỳ, chẳng hạn áo sơ mi, chủ cửa hàng trao cho bạn áo sơ mi, còn bạn thì trao cho ông ta tiền. Nhờ có việc chuyển tiền từ người mua cho người bán mà giao dịch được thực hiện. Nếu không có tiền, việc trao đổi hàng hóa trở nên phức tạp và tốn kém hơn nhiều. Chúng ta hãy tưởng tượng trong nền kinh tế không có tiền, một giáo sư kinh tế học muốn uống bia, nhưng chỉ có thể đổi lấy bia bằng bài giảng của mình thì liệu giáo sư này có thỏa mãn được mong muốn đó hay không? Tuy nhiên, trong nền kinh tế tiền tệ ông giáo sư có thể yên tâm giảng dạy kinh tế học và muốn uống bia lúc nào cũng được, vì sẽ nhận được thù lao bằng tiền và có thể sử dụng tiền để mua đồ uống và các thứ khác mà giáo sư có nhu cầu. Quán bia sẽ chấp nhận những tờ giấy đươc quy định là tiền bởi vì họ tin vào những người khác cũng chấp nhận chúng. Như vậy tiền có giá trị bởi vì dân cư nghĩ rằng nó có giá trị.


Phương tiện cất trữ giá trị: việc tiền đóng vai trò là phương tiện trao đổi đi liền với tư cách là một phương tiện cất trữ giá trị. Dân chúng sẽ chỉ giữ tiền một khi họ tin rằng nó sẽ tiếp tục có giá trị trong tương lai, do vậy tiền có thể hoạt động với tư cách là phương tiện trao đổi chỉ khi nó cũng đóng vai trò là phương tiện bảo tồn và cất giữ giá trị. Nếu hôm nay bạn làm việc và thu được 1.000.000đ, bạn có thể giữ số tiền đó và chi tiêu vào ngày mai, tuần sau hay tháng sau. Dĩ nhiên, tiền không phải là phương tiện hoàn hảo để bảo tồn giá trị: khi giá cả tăng, giá trị thực tế của tiền giảm xuống. Với chức năng này dân chúng có thể lựa chọn giữ một số của cải trực tiếp bằng tiền. Tất nhiên, tiền không phải là phương tiện cất giữ giá trị duy nhất trong nền kinh tế, bởi vì một người có thể chuyển sức mua từ hiện tại đến tương lai bằng cách nắm giữ các tái sản khác. Thuật ngữ “ tài sản” được dùng để chỉ những phương tiện cất trữ giá trị, trong đó có tiền và các tài sản không phải tiền. Tuy nhiên, trong điều kiện có lạm phát, giá trị của tiền giảm theo thời gian. Điều này làm cho tiền trở thành một phương tiện cất trữ giá trị yếu thế hơn so với các tài sản khác.

Đơn vị hạch toán: ngoài hai chức năng trên, tiền trở thành một đơn vị hạch toán rất tiện lợi và hiệu quả vì nó được chấp nhận rộng rãi trong mọi giao dịch. Mọi người sử dụng một đơn vị tiền tệ chung như “đồng” của Việt Nam hay “USD” của Mỹ để niêm yết giá và ghi các khoản nợ. Khi đi mua hàng, bạn có thể nhìn thấy giá một chiếc sơ mi là 300.000 đồng và bát phở giá 20.000 đồng. Mặc dù có thể nói chính xác rằng giá của chiếc áo bằng 15 bát phở và giá của bát phở bằng 1/15 chiếc áo, nhưng giá không bao giờ được ghi theo cách này. Tương tự, nến bạn vay tiền của ngân hàng, thì số tiền bạn phải hoàn trả trong tương lai sẽ được tính bằng đồng hay USD, chứ không phải bằng lượng hàng hóa và dịch vụ. Khi muốn tính toán và ghi chép giá trị kinh tế, chúng ta sử dụng tiền với tư cách là đơn vị hạch toán.

5.1.3. Các loại tiền

Trong lịch sử, nhiều thứ đã đóng vai trò của tiền, trong đó có vỏ sò, thuốc lá, các kim loại quý, cũng như tiền giấy và tiền chuyển khoản qua các ngân hàng.

Có thể chia lịch sử tiền tệ thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu tiên, loài người sử dụng tiền cơ bản hay tiền nguyên thủy. Đó là: muối, vỏ sò, kim loại quý hay các hàng hóa cơ bản khác. Khi tồn tại dưới hình thức một hàng hóa có giá trị cố hữu, tiền được gọi là tiền hàng hóa. Thuật ngữ giá trị cố hữu hàm ý rằng hàng hóa đó có giá trị ngay cả khi nó không được sử dụng làm tiền. Một ví dụ về tiền hàng hóa là vàng. Vàng có giá trị cố hữu vì nó được sử dụng trong công nghiệp và chế tác đồ trang sức.

Ở giai đoạn thứ hai, các Chính phủ và ngân hàng trở thành những nhân tố chính trong việc cung ứng tiền tệ. Nhưng ở giai đoạn này, một số hàng hóa cơ bản vẫn được


dùng để định lượng sự trao đổi lấy tiền. Do đó, đây là giai đoạn tiền bản vị mà chủ yếu là bản vị vàng hay bản vị bạc. Trong chế độ bản vị vàng, Chính phủ của mỗi nước cố định giá vàng tính bằng đồng tiền trong nước của họ. Chính phủ luôn sẵn sàng mua bán vàng đúng lượng mà dân cư muốn giao dịch tại mức giá cố định này. Khi đó, khả năng của Chính phủ trong việc cung ứng tiền bị hạn chế nghiêm ngặt bởi yêu cầu là Chính phủ phải nắm giữ một lượng vàng tương đương trong kho bạc.

Ở giai đoạn thứ ba và là giai đoạn cuối cùng, bản vị kim loại quý biến mất, tiền trở thành một sang tạo của các ngân hàng và Chính phủ. Tiền không có giá trị thực, như đồng Việt Nam, được gọi là tiền pháp định. Khái niệm pháp định đề cập đến quyết định mang tính pháp lý của Nhà nước và tiền pháp định là loại tiền được tạo ra nhờ một pháp lệnh của Chính phủ. Tại sao bạn có thể sử dụng những tờ giấy bạc do Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam phát hành để thanh toán cho hóa đơn của bạn? Câu trả lời chính là Chính phủ Việt Nam đã quy định bằng một pháp lệnh rằng những tờ giấy bạc đó là tiền hợp lệ. Mặc dù Chính phủ là cơ quan đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập và điều hành hệ thống tiền pháp định, nhưng để hệ thống tiền tệ hoạt động thành công, cũng cần có các nhân tố khác nữa. Nói rộng hơn, sự chấp nhận tiền pháp định phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng và tập quán xã hội cũng như một pháp lệnh của Chính phủ.

* Đo lượng tiền cung ứng

Theo ba chức năng của tiền và cùng với sự phát triển của các tài sản tài chính, việc xác định loại tài sản nào là tiền ngày càng trở nên phức tap. Phải chăng tiền chỉ gồm tiền giấy, tiền xu hay còn gì nữa? Hiện nay, trong các sách giáo khoa và trong thực tiễn, có 3 cách đo lường khối lượng tiền tệ chủ yếu là tiền mặt (M0), tiền giao dịch (M1), và tiền rộng (M2). Mặc dù vậy, cơ cấu các thành phần tạo nên M1 hay M2 cũng không đồng nhất giữa các quốc gia. Có sự khác biệt này chủ yếu là do trình độ phát triển khác nhau của các hệ thống tài chính ở những nước này. Mặc dù có sự khác nhau như vậy, nhưng các thành phần cấu thành M1 hay M2 phải đáp ứng được những chức năng của tiền như đã nêu. Trong phạm vi tập bài giảng này, chúng ta hiểu khái niệm tiền M0, M1, M2, M3, M4 như sau:

- M0 hay tiền mặt: Bao gồm tiền giấy và tiền xu đang lưu hành.

- M1: Bao gồm tiền mặt, các tài khoản tiền gửi có thể rút theo nhu cầu (tài khoản tiền gửi không kỳ hạn).

- M2: Bao gồm M1 và các tài khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn.

- M3 bao gồm M2 và các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài.

- M4 bao gồm M3 và chứng khoán kho bạc ngắn hạn, thương phiếu được ngân hàng chấp nhận.


Người ta chia tiền thành M0, M1 và M2, M3, M4 dựa trên khả năng thanh khoản của các thành phần tạo nên chúng, mà độ thanh khoản của các tài sản tài chính phụ thuộc vào đặc điểm và mức độ phát triển của hệ thống tài chính. Khả năng thanh toán hay tính hoán đổi của một tài sản đề cập đến mức độ dễ dàng để chuyển tái sản đó thành phương tiện trao đổi của nền kinh tế.

Lần lượt xem xét tại sao M0, M1 và M2 được coi là thước đo chủ yếu của khối lượng tiền trong nền kinh tế. Nhìn chung, tiền mặt có thể được sử dụng trực tiếp, ngay lập tức và không hạn chế cho việc thanh toán. Do đó, tiền mặt được biết đến như là một loại tài sản có độ thanh khoản cao nhất. Các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn cũng được coi là tiền. Tại sao? Trước tiên, làm quen với hai công cụ (tài sản) tài chính cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp đến việc đo lường khối lượng tiền tệ: tài khoản tiền gửi không kỳ hạn (gọi tắt là tài khoản không kỳ hạn), tài khoản tiền gửi có kỳ hạn (gọi tắt là tài khoản có kỳ hạn). Với tài khoản không kỳ hạn có thể “rút tiền” bất kỳ lúc nào mà không phải chịu bất kỳ chi phí nào. Ngoài ra với tài khoản không kỳ hạn, có thể viết séc và sử dụng nó để thanh toán cho các khoản chi tiêu của mình. Đối với tài khoản có kỳ hạn, về nguyên tắc chỉ có thể rút tiền mặt khi đến kỳ hạn, hoặc phải thông báo trước và phải chịu phạt lãi suất. Trước đây, chỉ có tài khoản có kỳ hạn là được hưởng lãi suất. Tuy nhiên, hiện nay, các tài khoản không kỳ hạn cũng được hưởng lãi suất nhưng với mức thấp hơn so với tài khoản có kỳ hạn.

* Khả năng thanh khoản: mức độ dễ dàng chuyển tài sản đó thành phương tiện trao đổi của nền kinh tế.

5.2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

5.2.1. Cầu tiền (MD)

5.2.1.1.Lý thuyết về số lượng tiền tệ

a. Giao dịch và phương trình số lượng

Cầu về tiền là lượng tiền mà các tác nhân trong nền kinh tế muốn nắm giữ. Khi số lượng giao dịch tăng, cầu về tiền để trao đổi tăng. Do đó, cầu về tiền tệ trong nền kinh tế có quan hệ mật thiết với số lượng tiền trao đổi trong giao dịch.

Cung tiền là lượng tiền được sử dụng cho giao dịch trong một thời kỳ nhất định (phụ thuộc vào khối lượng tiền và vòng quay của tiền).

Mối liên hệ giữa giao dịch và tiền tệ có thể biểu thị bằng một phương trình gọi là phương trình số lượng như sau:

Khối lượng tiền tệ x Tốc độ lưu thông = Giá cả x Số lượng giao dịch M x V = P x T


Vế phải của phương trình số lượng cho ta biết rằng số lượng giao dịch T biểu thị tổng số giao dịch trong một thời kỳ nhất định, chẳng hạn 1 năm. Nói cách khác, T là số lượng hàng hóa, dịch vụ được đổi lấy tiền trong năm. P là giá cả của một lần giao dịch, tức số tiền được trao đổi. Tích của giá một lần giao dịch và số lượng giao dịch PT bằng số tiền được trao đổi trong năm.

Vế trái của phương trình cho ta biết khối lượng tiền được dùng để tiến hành các giao dịch. M là khối lượng tiền tệ và V là tốc độ giao dịch (hay lưu thông) của tiền và được tính bằng số vòng quay của tiền trong nền kinh tế. Nói cách khác, tốc độ lưu thông cho ta biết số lần một đồng được trao tay trong một thời kỳ nhất định.

Ví dụ: giả sử có 60 chiếc bánh mỳ được bán ra trong 1 năm với giá 1000đ/chiếc. Khi đó T = 60 chiếc/năm và P = 1000đ/chiếc. Tổng số tiền được trao đổi trong năm là:

PT = 60*1000 = 60.000đ/năm.

Vế phải của phương trình bằng 60.000đ/năm, đó chính là giá trị của tất cả các giao dịch tính bằng đồng.

Tiếp theo, giả sử khối lượng tiền trong nền kinh tế hiện có là 10.000đ. Khi đó, tính được tốc độ lưu thông là:

V = PT/M = 60.000/10.000 = 6 lần/năm.

Điều đó có nghĩa là, để thực hiện giá trị giao dịch là 60.000đ/năm với số tiền bằng 10.000đ, mỗi đồng phải được trao tay 6 lần/năm.

Phương trình số lượng là một đồng nhất thức, những định nghĩa về 4 biến số làm cho phương trình đó đúng. Phương trình này hữu ích vì nó cho thấy nếu một trong các biến số thay đổi thì một hay nhiều biến số khác cũng phải thay đổi theo để duy trì sự bằng nhau. Ví dụ nếu khối lượng tiền tệ tăng và tốc độ lưu thông của tiền không thay đổi thì giá cả hoặc số lượng giao dịch phải tăng.

b. Từ giao dịch đến thu nhập

Khó khăn gắn với phương trình trên là khó tính toán số lượng giao dịch. Để giải quyết vấn đề này, số lượng giao dịch T được thay thế bằng tổng sản lượng của nền kinh tế Y.

Số lượng giao dịch và sản lượng liên quan chặt chẽ với nhau bởi vì nền kinh tế sản xuất càng nhiều, thì càng có nhiều hàng hóa được mua và bán. Tuy nhiên, chúng không hoàn toàn như nhau. Chẳng hạn, khi một người bán chiếc ôtô đã sử dụng chi người khác, họ dùng tiền để giao dịch, mặc dù chiếc xe đã sử dụng không phải là bộ phận của sản lượng hiện tại. Song giá trị bằng tiền của các giao dịch gần như tỷ lệ thuận với sản lượng tính bằng tiền.


Nếu Y biểu thị tổng sản lượng và P biểu thị giá cả của một đơn vị sản lượng, thì giá trị sản lượng tính bằng tiền là PY. Chúng ta đã gặp chỉ tiêu phản ánh những biến số này khi xem xét phần thu nhập quốc dân. Y chính là GDP.

Khối lượng tiền tệ x Tốc độ lưu thông = Giá cả x Sản lượng M x V = P x Y

Vì Y cũng là tổng thu nhập nên V trong trường hợp này được gọi là tốc độ lưu thông thu nhập của tiền tệ. Tốc độ lưu thông thu nhập của tiền tệ cho ta biết số lần một đồng được chuyển thành thu nhập của một người nào đó trong một thời kỳ nhất định. Dạng này của phương trình số lượng là dạng phổ biến nhất và thường hay được sử dụng.

c. Hàm cầu về tiền tệ (MD)

Có lẽ mong muốn có nhiều tiền lương hơn, có nhiều tiền gửi tiết kiệm hơn là không giới hạn, nhưng mong muốn giữ tiền là có giới hạn. Tại sao người ta giữ tiền? Có ba động cơ cho việc giữ tiền:

- Động cơ giao dịch: mọi người giữ tiền để thực hiện các khoản thanh toán thường xuyên. Động cơ này bắt nguồn từ chức năng tiền là phương tiện trao đổi.

MD = f(Y)

- Động cơ dự phòng: mọi người quyết định giữ tiền để đáp ứng cho những giao dịch không dự đoán trước được. Động cơ này cũng bắt nguồn từ chức năng tiền là phương tiện trao đổi.

MD = f(Y)

- Động cơ đầu cơ: mọi người giữ tiền với tư cách là một bộ phận trong danh mục đầu tư tối ưu của họ bởi vì ngoài các tài sản khác, tiền tạo ra một kết hợp khác giữa rủi ro và lợi tức. Cụ thể, tiền tạo ra lợi tức danh nghĩa an toàn, trong khi giá cổ phiếu, trái phiếu có thể tăng hoặc giảm. Động cơ này bắt nguồn từ chức năng của tiền là phương tiện cất giữ giá trị. Chi phí cơ hội của việc giữ tiền chính là lãi suất, nghĩa là khi nắm giữ tiền thì họ đã mất phần lãi mà lẽ ra họ có thể kiếm được khi giữ tài sản dưới dạng các tài sản tài chính sinh lãi. Khi lãi suất tăng, chi phí của việc giữ tiền tăng.

MD = f(i)

Mặc dù chúng ta nghiên cứu cầu về tiền dựa trên cơ sở các động cơ giữ tiền nhưng thực ra chúng ta không thể phân chia số tiền mà mỗi cá nhân nắm giữ, ví dụ 600 nghìn đồng thành 3 loại như 300 nghìn đồng, 200 nghìn đồng, 100 nghìn đồng cho các động cơ khác nhau. Tiền nắm giữ để thỏa mãn động cơ này cũng có thể đáp ứng cho các động cơ khác.


Vì tiền là một loại tài sản không sinh lãi, mọi người không có động cơ nắm giữ nó quá lâu. Các cá nhân hành động hợp lý luôn có động cơ đổi tiền lấy hàng hóa hoặc tài sản sinh lãi như tiền gửi ngân hàng có thời hạn, trái phiếu, cổ phiếu. Lý do quan trọng nhất của việc giữ tiền là sự tiện lợi của nó. Bạn có thể mua thực phẩm bằng tiền chứ không phải bằng sổ tiết kiệm, trái phiếu hay cổ phiếu trừ khi bạn phải chuyển chúng thành tiền và điều này lại phát sinh chi phí.

Như vậy, cầu về tiền phụ thuộc vào thu nhập và lãi suất. Dưới dạng tuyến tính, cầu về tiền thường được viết như sau:

MD/P = + kY – hi (5.1)

MD/P: mức cầu thực tế về tiền

: cầu tự định về tiền (cầu tiền độc lập với thu nhập và lãi suất)

k, h: hệ số phản ánh độ nhạy cảm của mức cầu tiền đối với thu nhập và lãi suất Y: thu nhập

i: lãi suất

Trên đồ thị, đường cầu về tiền thường được vẽ ứng với một mức thu nhập cho trước. Khi đó cầu về tiền chỉ còn phụ thuộc tỷ lệ nghịch với lãi suất. Do vậy, đường cầu về tiền là đường dốc xuống về phía phải.

Y tăng

MD1

i


i1



MD2



M

Hình 5.1: Đường cầu về tiền khi thu nhập tăng lên


5.2.2. Cung tiền (MS)

5.2.2.1. Xác định mức cung tiền

Nếu bỏ quả sự khác biệt giữa các loại tiền gửi và coi chỉ có một loại tiền gửi thống nhất được ký hiệu là D thì lượng tiền cung ứng hay viết gọn là cung tiền (MS) bao gồm tiền mặt ngoài hệ thống ngân hàng (U) cộng với tiền gửi (D).

MS = U + D (5.2)

MS: mức cung tiền D: tiền gửi

Bây giờ chúng ta xem xét mối quan hệ giữa cung tiền và tiền cơ sở (H). Ta có:

Xem tất cả 216 trang.

Ngày đăng: 03/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí