Hà Nội là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lữ hành vì là trung tâm của cả nước. Có nhiều doanh nghiệp đã tiến hành hoạt động xúc tiến và đã đạt được những hiệu quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang lúng túng trong hoạt động này. Trước sự cạnh tranh gay gắt với các đối thủ, để có thể phát triển bền vững trong giai đoạn khó khăn trước mắt và hướng tới mục tiêu xa hơn trong tương lai, các công ty lữ hành cần triển khai các hoạt động xúc tiến để thu hút khách du lịch luôn tin tưởng và lựa chọn dịch vụ của mình.
Trên địa bàn Hà Nội hiện tại có nhiều công ty lữ hành đang hoạt động. Tác giả đã lựa chọn nghiên cứu hoạt động xúc tiến du lịch tại 03 công ty lữ hành là Công ty lữ hành Hanoitourist, Công ty TNHH (trách nhiệm hữu hạn) Du lịch Việt Đan, Công ty TNHH Du lịch và truyền thông Giải pháp cho Giới trẻ - PYS Travel. Sở dĩ tác giả lựa chọn các công ty này là vì Công ty lữ hành Hanoitourist là công ty Nhà nước đã hoạt đông lâu năm, có bề dày thành tích trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành, có uy tín trên thị trường và đã được bình chọn là 1 trong 10 hãng lữ hành top ten Việt Nam. Đối với Công ty TNHH Du lịch Việt Đan tuy là công ty non trẻ nhưng đã và đang dần khẳng định vị trí của mình trên thị trường thông qua việc ngày càng được nhiều khách du lịch trong nước, đặc biệt là khách nước ngoài biết đến và tin tưởng sử dụng dịch vụ của Công ty. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Du lịch và truyền thông Giải pháp cho Giới trẻ - PYS Travel cũng được tác giả lựa chọn bởi vì Công ty cũng tuy mới được thành lập nhưng với đội ngũ cán bộ, nhân viên trẻ tuổi, năng động, đã và đang hoạt động rất hiệu quả đối với mảng thu hút khách du lịch nội địa, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi có mức thu nhập trung bình khá. Cả 3 công ty này đều đăng ký kinh doanh và hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Trên cơ sở nghiên nghiên cứu hoạt động xúc tiến của 3 công ty, tác giả sẽ tổng kết những thành công, hạn chế và rút ra một số bài học chung cho các công ty lữ hành trên địa bàn Hà Nội.
2. Lịch sử nghiên cứu
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có nhiều nghiên cứu về hoạt động xúc tiến du lịch.
Thế giới đã có những công trình nghiên cứu lý thuyết về xúc tiến du lịch, tiêu biểu như: Simon Hudson (2008) “Tourism and Hospitality Maketing”; Steven Pike (2008) “Destination Maketing”; Philip Kotler, Jonh Bowen, Jemes Makens - Maketing of Hospitality and tourism - Second Edition; Francois Vellas and Lionel Brerel - The international Maketing of trevel and tourism, (1999) Middleton, Victor. With clarke jackie R. - Marketing in Travel and tourism - Butterwoth Heinemann, 2000. Các nghiên cứu cơ bản cho rằng xúc tiến du lịch là những hoạt động hay nỗ lực nhằm kích thích nhu cầu, thuyết phục khách hàng tiềm năng về một sản phẩm, dịch vụ hay một điểm đến cụ thể. Thưc tiễn nghiên cứu đã áp dụng ở Việt Nam và đã được nhiều doanh nghiệp sử dụng.
Ở Việt Nam hiện nay có thể kể đến một số công trình nghiên cứu cũng như những tài liệu nghiên cứu liên quan đến hoạt động xúc tiến du lịch, cụ thể:
Năm 2015, tác giả Nguyễn Thị Hạnh đã nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài “Hoạt động xúc tiến trong marketing điện tử tại Công ty du lịch Vietravel”. Luận văn đã nêu ra một số khái niệm về hoạt động xúc tiến trong marketing điện tử tại doanh nghiệp lữ hành; thực trạng hoạt hoạt động xúc tiến trong marketing điện tử tại Công ty du lịch Vietravel và đề xuất giải pháp trong marketing điện tử tại Công ty này.
Năm 1995, tác giả Đinh Tiến Thăng với công trình nghiên cứu “Cơ sở khoa học thực tiễn của hoạt động thông tin tuyên truyền quảng cáo du lịch và một số sản phẩm thông tin tuyên truyền quảng cáo thể nghiệm” đã nêu bật vai trò, ý nghĩa của hoạt động thông tin tuyên truyền quảng cáo du lịch trong sự nghiệp phát triển du lịch; phân tích thực trạng công tác thông tin tuyên truyền
quảng cáo du lịch Việt Nam; xác định những luận cứ khoa học thực tế nhằm xác lập hoạt động, nội dung, loại hình thông tin tuyên truyền quảng cáo du lịch. Năm 2009, tác giả Trịnh Xuân Dũng đã viết cuốn sách “Tuyên truyền, quảng cáo, xúc tiến trong du lịch”. Cuốn sách đã giới thiệu những vấn đề cơ bản về tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến du lịch từ những khái niệm, nguyên tắc, các phương tiện quảng cáo, cách thức tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến
Có thể bạn quan tâm!
- Hoạt động xúc tiến của một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội - 1
- Tổng Quan Về Doanh Nghiệp Du Lịch Và Doanh Nghiệp Lữ Hành
- Đặc Điểm Của Hoạt Động Xúc Tiến Của Doanh Nghiệp Lữ Hành
- Thực Trạng Hoạt Động Xúc Tiến Tại Một Số Doanh Nghiệp Lữ Hành Trên Địa Bàn Hà Nội
Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.
và những quy định của pháp luật để hoạt động này đạt hiệu
Năm 2011, tác giả Hà Văn Siêu đã có bài tham luận tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với tiêu đề “Xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015”. Tác giả đã đánh giá vai trò, ý nghĩa của thương hiệu và việc hình thành thương hiệu du lịch Việt Nam, từ đó nêu ra các bước xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam giai đoạn từ 2011 đến 2015.
Các công trình nghiên cứu này đã đặt cơ sở lý luận về hoạt động xúc tiến nói chung và hoạt động xúc tiến tại doanh nghiệp du lịch. Thông qua một số nghiên cứu có thể nhận thấy đặc điểm ở địa bàn Hà Nội hoạt động đa dạng, quy mô khác nhau. Những tổng kết đó chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt hoạt động xúc tiến lại luôn thay đổi theo thời gian, cần cập nhật và tiếp tục nghiên cứu.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài có mục tiêu nghiên cứu là đánh giá hiện trạng, những thành công, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại các doanh nghiệp lữ hành.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Hệ thống hoá một số vấn đề lý luận về hoạt động xúc tiến của doanh nghiệp lữ hành.
- Khảo sát tại các trường hợp nghiên cứu đã lựa chọn.
- Đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại các doanh nghiệp lữ hành.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Các cơ sở lý luận về xúc tiến, hoạt động xúc tiến nói chung và hoạt động xúc tiến trong các công ty lữ hành.
- Thực trạng hoạt động xúc tiến tại công ty lữ hành Công ty lữ hành Hanoitourist, Công ty TNHH Du lịch Việt Đan, Công ty TNHH Du lịch và truyền thông Giải pháp cho Giới trẻ - PYS Travel trên địa bàn Hà Nội. Từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến lữ hành.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu cụ thể của đề tài là 03 công ty du lịch đã đăng ký và hoặt động trên đại bàn Hà Nội: Công ty lữ hành Hanoitourist, Công ty TNHH Du lịch Việt Đan, Công ty TNHH Du lịch và truyền thông Giải pháp cho Giới trẻ - PYS Travel.
- Thời gian nghiên cứu: các dữ liệu thu thập trong phạm vi từ năm 2013 đến năm 2015.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài nói trên, luận văn sẽ sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:
Phương pháp phỏng vấn
Phương pháp phỏng vấn được thực hiện nhằm tìm hiểu hoạt động xúc tiến du lịch đang được tiến hành như thế nào? Những thuận lợi khó khăn của công tác này và các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch.
Tác giả sẽ tiến hành phỏng vấn một số cán bộ, nhân viên của 03 công ty trên để tìm hiểu thực trạng hoạt động xúc tiến tại công ty.
Phương pháp phân tích tài liệu
Tác giả đã tiến hành phân tích các tài liệu có liên quan đến hoạt động xúc tiến du lịch của nhà nước cũng như của các doanh nghiệp lữ hành. Các phân tích đó sẽ tạo tiền đề lý thuyết và thực tế cho tác giả nghiên cứu về hoạt động xúc tiến du lịch của một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội.
Phương pháp thống kê
Tác giả đã thống kê tổng số lượng khách, tổng số doanh thu của 03 công ty trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2015.
Phương pháp phân tích - tổng hợp
Phương pháp phân tích tổng hợp nhằm xử lý tài liệu dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập được.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Thực hiện đề tài này, tác giả đã hệ thống hoá và phân tích một số vấn đề lý thuyết về xúc tiến du lịch. Đó chính là đóng góp về mặt lý luận của đề tài.
Trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động xúc tiến của một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội, tác giả đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến tại các doanh nghiệp lữ hành. Kết quả của luận văn sẽ là một trong những cơ sở để doanh nghiệp có thể tham khảo để có những điều chỉnh thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến tại doanh nghiệp.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục, phụ lục, tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu thành 3 chương, cụ thể như sau:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về hoạt động xúc tiến của doanh nghiệp lữ hành.
Chương 2: Thực trạng hoạt động xúc tiến tại một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội.
Chương 3: Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại các doanh nghiệp lữ hành.
Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN CỦA DOANH NGHIỆP LỮ HÀNH
1.1. Tổng quan về hoạt động xúc tiến du lịch
Hoạt động xúc tiến là một chiến lược chủ yếu trong chiến lược marketing hỗn hợp mà các tổ chức và doanh nghiệp du lịch cần phải sử dụng để tác động vào thị trường mục tiêu của mình.
1.1.1. Khái niệm
- Xúc tiến du lịch
Xúc tiến du lịch bắt nguồn từ thuật ngữ tiếng Anh “Tourism promotion”. Xúc tiến du lịch là một trong bốn chiến lược chủ yếu của marketing - mix. Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về xúc tiến du lịch.
Theo Simon Hudson: “Xúc tiến du lịch là một thành phần trong marketing du lịch hỗn hợp, nó có vai trò thuyết phục khách hàng tiềm năng về những lợi ích của việc hoặc sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ của một tổ chức nào đó” [35, tr. 255].
Theo Lawton và Weaver: “Xúc tiến du lịch là cố gắng làm gia tăng nhu cầu bằng truyền tải một hình ảnh tích cực về một sản phẩm tới các khách hàng tiềm năng thông qua những đòi hỏi, nhu cầu, thị hiếu, giá trị và thái độ đã biết của thị trường hoặc phân đoạn một thị trường mục tiêu nào đó” [34, tr. 14].
Khoản 17, điều 4 của Luật Du lịch khẳng định: “Xúc tiến du lịch là hoạt động tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm thúc đẩy cơ hội phát triển du lịch” [20, tr. 8].
Có quan điểm khác lại cho rằng: “Xúc tiến du lịch là việc thu hút khách hàng trả tiền bằng cách thuyết phục họ rằng điểm đến với các dịch vụ hiện hữu, các điểm du lịch hấp dẫn và các lợi ích tương ứng phù hợp với những gì họ mong muốn hơn so với tất cả các điểm đến khác” [10, tr.12].
Bản chất hoạt động xúc tiến du lịch
Mục đích cuối cùng của việc sản xuất ra bất kỳ sản phẩm nào là đưa đến tay người sử dụng cuối cùng, bao gồm cả thị trường mục tiêu và thị trường tiềm năng. Tuy nhiên sản phẩm không thể tự nhiên sinh ra rồi đến với những thị trường mà doanh nghiệp đó mong muốn mà sau quá trình sản xuất nó cần có những chiến dịch tuyên truyền, quảng cáo để tạo sự thu hút, chú ý và dẫn tới hành động mua của khách hàng. Nhiệm vụ của quá trình đó chính là bản chất của xúc tiến du lịch.
“Bản chất của xúc tiến chính là quá trình truyền tin để cung cấp thông tin về sản phẩm và về doanh nghiệp với khách hàng để thuyết phục họ mua sản phẩm của doanh nghiệp mình” [14, tr. 304].
Nói một cách chi tiết hơn, xúc tiến du lịch hay truyền thông marketing là tập hợp của các công cụ: quảng cáo, quan hệ công chúng, marketing trực tiếp, xúc tiến bán, bán hàng trực tiếp, internet mà các doanh nghiệp sử dụng để truyền đi các thông điệp của sản phẩm và doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu đã định.
- Phân biệt hoạt động xúc tiến với quảng bá du lịch
Trong ngành du lịch, quảng bá du lịch như là một hoạt động thông tin giới thiệu về hình ảnh, sản phẩm của doanh nghiệp, hình ảnh về điểm đến của các địa phương, của một vùng hay hình ảnh của một quốc gia nhằm kích thích nhu cầu ham muốn đi du lịch của khách du lịch tại thị trường tiềm năng.
Quảng bá chính là hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm khuếch trương rộng khắp các ưu thế vốn có và sẽ có nhằm khai thác tối đa tiềm năng của ngành du lịch để đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất theo mục tiêu chiến lược đã đề ra.
- Phân biệt với hoạt động xúc tiến của cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp
Đứng trên tầm vĩ mô, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược, kế
hoạch, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia; chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài; điều phối các hoạt động xúc tiến du lịch liên vùng, liên địa phương.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương thiết lập các văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài tại các thị trường du lịch trọng điểm để đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch theo quy định của Chính phủ.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương thành lập cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia và tổ chức thông tin du lịch tại các cửa khẩu quốc tế.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch của địa phương; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch tại địa phương; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và ở địa phương khác trong hoạt động xúc tiến du lịch.
Đối với các doanh nghiệp du lịch, để thực hiện được hoạt động xúc tiến thì các doanh nghiệp đều phải tự xây dựng chương trình xúc tiến hướng tới thị trường mục tiêu với một nhóm khách hàng cụ thể, từ đó đưa ra cách thức và công cụ thực hiện hoạt động xúc tiến cũng khác nhau.
1.1.2. Nội dung cơ bản của hoạt động xúc tiến
Mục tiêu của hoạt động xúc tiến của doanh nghiệp nhằm mục đích cung cấp thông tin liên quan đến khả năng, uy tín của doanh nghiệp và sản phẩm du lịch của chính doanh nghiệp nhằm thu hút khách mua sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra.
Nội dung hoạt động xúc tiến của doanh nghiệp không chỉ cung cấp thông tin điểm đến mà còn cung cấp thông tin liên quan đến bản thân doanh nghiệp.
1.1.3. Công cụ của hoạt động xúc tiến
Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về công cụ xúc tiến hỗn hợp.