Hoạt động marketing của thư viện James Hardiman Đại học quốc gia Irland, Galway và khả năng áp dụng tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội - 2

PHẦN MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong thời đại kinh tế thị trường, trước sự phát triển như vũ bão về cả số lượng lẫn chất lượng của các công ty, doanh nghiệp, cùng sự đa dạng về các sản phẩm và dịch vụ, hoạt động marketing ngày càng chứng tỏ được tầm quan trọng của mình. Việc khẳng định được vị thế, chỗ đứng của mình trên thị trường và trong lòng khách hàng có ý nghĩa sống còn đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Làm thế nào để khách hàng biết đến sự tồn tại của mình cùng những sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp là một câu hỏi lớn luôn được đặt ra. Marketing được xem như một công cụ hữu hiệu được tất cả các tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn.

Trong lĩnh vực thông tin – thư viện, vấn đề marketing không còn xa lạ trên thế giới và đã được Melvi Dewey, SR Ranganathan... đề cập đến từ những năm 1870. Việc vận dụng các nguyên lý của marketing ngày càng phát triển và trở nên phổ biến trong cộng đồng thư viện thế giới. Các thư viện hàng đầu trên thế giới đều sử dụng nó như một công cụ hữu hiệu để quảng bá hình ảnh, rút ngắn khoảng cách của bạn đọc với thư viện.

Ở Việt Nam, sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày càng có vai trò vị trí quan trọng, nó được coi là nhân tố quyết định sự phát triển của quốc gia, đặc biệt là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là một trong những trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, ĐHQGHN đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc thực hiện sứ mệnh của Đảng và Nhà nước giao cho, đặc biệt là khẳng định thế mạnh về khoa học cơ bản và một số ngành khoa học công nghiệp mũi nhọn. Đạt được thành tựu như vậy có sự đóng góp không nhỏ của Trung tâm Thông tin

– Thư viện ĐHQGHN. Hiểu được tầm nhiệm vụ của mình trong sự phát triển sự nghiệp giáo dục, Trung tâm luôn cố gắng trong việc phát triển và hoàn thiện các

sản phẩm, dịch vụ của mình để phục vụ bạn đọc. Tuy nhiên, những sản phẩm, dịch vụ đó vẫn chưa được khai thác hết giá trị thực sự của nó. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong số đó là việc bạn đọc chưa thực sự hiểu được thư viện, hiểu được các sản phẩm, dịch vụ và cách thức sử dụng nó cũng như những lợi ích mà nó mang lại.

Chính vì lý do trên, việc học hỏi, nghiên cứu và đẩy mạnh hoạt động marketing trong hoạt động của Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN là một việc làm rất cần thiết. Trong khi đó, kinh nghiệm hoạt động marketing tại các thư viện đại học ở Việt Nam còn thiếu. Do vậy, việc nghiên cứu và áp dụng một mô hình marketing của một thư viện đại học nước ngoài là rất cần thiết.

Tôi đã chọn Thư viện James Hardiman – ĐHQG Ireland Galway để tìm hiểu và nghiên cứu khả năng áp dụng các kinh nghiệm marketing của họ vào Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN vì sự tương đồng về quy mô, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là do mô hình marketing hiệu quả của Thư viện.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.

Với những lý do như trên, tôi chọn đề tài “Hoạt động marketing của Thư viện James Hardiman – Đại học Quốc gia Ireland Galway và khả năng áp dụng tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội” làm đề tài luận văn tốt nghiệp của mình.

2. Mục tiêu nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu Mục tiêu nghiên cứu

Hoạt động marketing của thư viện James Hardiman Đại học quốc gia Irland, Galway và khả năng áp dụng tại Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội - 2

Trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu về hoạt động marketing của Thư viện James Hardiman – ĐHQG Ireland Galway và thực trạng hoạt động marketing tại Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN, luận văn đánh giá hoạt động marketing tại hai Thư viện, nhìn nhận khả năng áp dụng kinh nghiệm mới của Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN. Từ đó, đưa ra các giải pháp và cách thức triển khai hoạt động marketing hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn

của Trung tâm Thông tin - Thư viện ĐHQGHN dựa trên mô hình hoạt động của Thư viện James Hardiman – ĐHQG Ireland Galway.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Với mục tiêu nghiên cứu trên, luận văn tập trung vào việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau:

- Nghiên cứu những vấn đề lý luận về marketing trong hoạt động thông tin - thư viện trường đại học.

- Tìm hiểu hoạt động marketing của Thư viện James Hardiman – ĐHQG Ireland Galway.

- Nghiên cứu hoạt động marketing của Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN và khả năng áp dụng các kinh nghiệm mới.

- Đưa ra các giải pháp và cách thức triển khai hoạt động marketing có hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn của Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN.

3. Tình hình nghiên cứu

Công tác marketing trong hoạt động thông tin – thư viện từ lâu đã được biết đến như một phương thức hữu hiệu để quảng bá và phát triển hình ảnh đến với công chúng. Nó ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển của thư viện. Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về công tác này.

Về lý thuyết chung marketing trong hoạt động thư viện, đã có nhiều tài liệu đề cập tới. Ví dụ, cuốn sách “Marketing thư viện đại học ngày nay” (2009) của Brian Mathews; “Khái niệm marketing trong thư viện và dịch vụ thông tin” (2002) của De Saez E. E. … hay các công trình: “Marketing và quảng bá các dịch vụ thư viện” (1998) của Julie Nicholas; “Marketing các dịch vụ tham khảo và dịch vụ thông tin trong thư viện” của Sophia Kaane; tập hợp các công trình trong kỷ yếu “Marketing thư viện và dịch vụ thông tin” (1995) của Đại học Illinois, Mỹ; “Lập kế hoạch, chuẩn bị, thúc đẩy marketing thư viện” (2004) của

Laura Saunders… Các công trình này hầu hết chỉ tập trung đề cập tới phần lý thuyết chung về marketing như hệ thống khái niệm, quy trình marketing và cách thức, phương thức thực hiện… trên phương diện coi marketing là một hoạt động quan trọng đối với thư viện ngày nay.

Bên cạnh đó, đã có những công trình nghiên cứu về tình hình thực tiễn triển khai hoạt động marketing tại các thư viện hoặc nhóm thư viện cụ thể. Như “Tiếp cận marketing trong các thư viện đặc biệt và thư viện hàn lâm của Srilanca: Khảo sát tập trung vào các dịch vụ cung cấp cho khách hàng” (2005) của Jagath Jinadas Garusing Arachchige; “Marketing sản phẩm và dịch vụ thông tin tại các thư viện đại học của ở Ấn Độ” (2005) của Joseph Jestin K.J. và B. Parameswari; “Marketing các dịch vụ thư viện: một nghiên cứu trường hợp của các thư viện đại học được chọn ở Kenya” (2004) của Kavulya J. M.; “Những thách thức và cơ hội của marketing thư viện đại học Mỹ - kinh nghiệm của các thư viện đại học Mỹ với việc ứng dụng toàn cầu” (2006) của Spalding H. H. và Wang J. … Tuy nhiên, các công trình này mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu thực trạng hoạt động marketing và tập trung chủ yếu vào marketing sản phẩm và dịch vụ thông tin. Từ việc nghiên cứu, phân tích đó xem xét khả năng ứng dụng các kinh nghiệm marketing đối với các thư viện khác rất ít được nhắc đến, và đặc biệt, việc ứng dụng tại Việt Nam nói chung và một thư viện cụ thể tại Việt Nam nói riêng hầu như chưa được đề cập.

Tại Việt Nam, tầm quan trọng của hoạt động marketing cũng đã được các thư viện nhận thức rõ ràng và nhận được nhiều sự quan tâm. Cuốn “Quản lý Thư viện và trung tâm thông tin” (2002) của tác giả Nguyễn Tiến Hiển và Nguyễn Thị Lan Thanh đã sớm đề cập đến vấn đề marketing trong sự gắn bó chặt chẽ với tổ chức và quản lý hoạt động của thư viện. Nhiều nhà nghiên cứu đã có những công trình viết về vấn đề này, được đăng tải trên các tạp chí: Tạp chí Thông tin và Tư liệu, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Tạp chí Thư viện Việt Nam... Ví dụ: “Marketing trong quản lý thư viện và trung tâm thông tin” (2002), “Xây

dựng chiến lược marketing trong thư viện và cơ quan thông tin” (2013), “Chiến lược marketing trong thư viện và cơ quan thông tin” (2013), “Vai trò của văn hóa trong hoạt động marketing tại các tổ chức văn hóa nghệ thuật” (2014)… của tác giả Nguyễn Thị Lan Thanh; Tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa với bài viết “Tiếp thị thư viện qua mạng internet” (2007), “Tiếp thị thư viện thời chấm com” (2010); “Sản phẩm thông tin từ góc độ marketing” (2007) của Trần Mạnh Tuấn; “Chiến lược marketing đối với hoạt động thông tin, thư viện” của Phan Thị Thu Nga... Nội dung xoay quanh các vấn đề: Các xu thế, quan điểm, chiến lược, khả năng ứng dụng marketing trong hoạt động thông tin thư viện. Tuy nhiên, mỗi bài viết chỉ đề cập đến một/một số vấn đề nêu trên.

Trong những năm gần đây đã có một số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ nghiên cứu về hoạt động marketing trong hoạt động thư viện: hai luận văn được bảo vệ tại Đại học Văn hóa Hà Nội “Nghiên cứu và triển khai thử nghiệm chiến lược marketing Trung tâm Học liệu – Đại học Cần Thơ” của Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương bảo vệ năm 2007; “Nghiên cứu ứng dụng Marketing trong một số cơ quan thông tin lớn ở Hà Nội hiện nay” của Nguyễn Hồng Anh bảo vệ năm 2005; Luận án “Nghiên cứu ứng dụng marketing hỗn hợp trong hoạt động thông tin – thư viện ở các trường đại học Việt Nam” của Bùi Thanh Thủy bảo vệ năm 2012. Các luận văn, luận án trên đã nghiên cứu tình hình marketing và việc ứng dụng marketing vào hoạt động thông tin – thư viện tại một/một nhóm các thư viện, cơ quan thông tin khác nhau ở Việt Nam. Do vậy, hoạt động marketing tại Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN chưa được nghiên cứu một cách chi tiết, cụ thể, mà mới chỉ được xem như là một phần nhỏ của nghiên cứu.

Đặc biệt đã có tài liệu nghiên cứu về hoạt động marketing của thư viện trên thế giới và khả năng áp dụng vào các thư viện ở Việt Nam. Niên luận “Các hình thức quảng bá hoạt động thông tin – thư viện trên Internet tại Thư viện Đại học Queensland và khả năng áp dụng tại Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN” của Nguyễn Thị Phương Lê năm 2009. Nghiên cứu khả năng áp

dụng vào Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN nhưng dựa trên mô hình hoạt động marketing của Thư viện Queen’s Land và chỉ nghiên cứu về các hình thức quảng bá trên Internet. Luận văn “Hoạt động marketing của Thư viện Trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore và khả năng áp dụng cho Thư viện Tạ Quang Bửu – Đại học Bách khoa Hà Nội” của Vũ Quỳnh Nhung, bảo vệ năm 2010 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Nghiên cứu này đã xem xét thực trạng hoạt động theo các bước triển khai của hoạt động marketing và khả năng áp dụng tại Thư viện Tạ Quang Bửu.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có công trình nào nghiên cứu, tìm hiểu về khả năng áp dụng vào hoạt động marketing tại Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN dựa trên kinh nghiệm của Thư viện James Hardiman – ĐHQG Ireland Galway, một thư viện tương đồng về mô hình và các điều kiện marketing. Vì thế, có thể khẳng định đây là một đề tài mới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu

Hoạt động marketing của Thư viện James Hardiman – ĐHQG Ireland Galway.

Hoạt động marketing của Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN.

Phạm vi nghiên cứu

Luận văn tìm hiểu hoạt động marketing của Thư viện James Hardiman – ĐHQG Ireland Galway và Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN.

5. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp luận

Luận văn sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, quan điểm và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác sách báo nói chung và công tác thông tin thư viện nói riêng.

Phương pháp cụ thể

Đề tài được thực hiện bởi các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau:

- Phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu

- Phương pháp thống kê số liệu

- Phương pháp so sánh

- Phương pháp trao đổi, phỏng vấn

6. Giả thuyết nghiên cứu

Giả sử hoạt động marketing của Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN còn yếu, trong khi mô hình hoạt động marketing của Thư viện James Hardiman – ĐHQG Ireland Galway lại phát huy được hiệu quả. Do tính tương đồng của hai đơn vị, nếu Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN áp dụng các kinh nghiệm của Thư viện James Hardiman vào hoạt động của mình thì sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động marketing.

7. Ý nghĩa của đề tài Ý nghĩa lý luận

Luận văn góp phần làm rõ hơn những vấn đề lý luận về marketing trong hoạt động thông tin - thư viện.

Ý nghĩa thực tiễn

Đưa ra các khả năng áp dụng kinh nghiệm hoạt động marketing của thư viện nước ngoài trên cơ sở phù hợp với quy mô, điều kiện của một thư viện đại học cụ thể.

Những kết quả nghiên cứu, các giải pháp và khuyến nghị của luận văn có thể được xem xét và ứng dụng trong hoạt động marketing tại Trung tâm Thông tin - Thư viện ĐHQGHN, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, quảng bá hình ảnh của thư viện, đưa thư viện đến gần hơn với bạn đọc, người dùng tin.

8. Bố cục

Ngoài phần mở đầu, mục lục, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn được chia làm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của marketing trong hoạt động thông tin thư viện trường đại học

Chương 2: Thực trạng hoạt động marketing của Thư viện James Hardiman, Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội và khả năng áp dụng kinh nghiệm hoạt động marketing

Chương 3: Giải pháp phát triển công tác marketing tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội trên cơ sở áp dụng mô hình marketing của Thư viện James Hardiman

Xem tất cả 169 trang.

Ngày đăng: 27/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí