Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay - 22


trường đại học và toàn hệ thống phát triển theo hướng linh hoạt và cởi mở hơn, tạo tiền đề cho sự hình thành nền GDĐH tiên tiến và sự phát triển của mô hình trường đại học hiện đại; tạo ra các mối liên hệ mật thiết và trực tiếp hơn giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các trường với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, mở rộng phạm vi hợp tác và tăng cường hội nhập với các nền đại học trong khu vực và trên thế giới. GDĐH Việt Nam đang tiến gần đến cách tiếp cận thị trường dịch vụ GDĐH, thông qua việc tìm kiếm các nguồn lực tài chính để tồn tại trong nền KTTT. Công tác phát triển đội ngũ giảng viên, cơ chế tài trợ, hệ thống quản lý, hình thức khoá học và tuyển sinh, cũng như đưa sinh viên tốt nghiệp đến thế giới việc làm đã có những thay đổi lớn lao.


Tuy nhiên, GDĐH Việt Nam cũng đang phải đương đầu với những khó khăn trong quá trình mở rộng hệ thống và cải thiện chất lượng đào tạo do điều kiện ngân sách hạn hẹp; nhiều vấn đề của nền kinh tế chuyển đổi, những thách thức phát sinh từ tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng trưởng kinh tế, biến đổi xã hội do chuyển đổi kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang KTTT, quá trình quốc tế hoá, toàn cầu hoá và những yêu cầu phát sinh từ bên trong của hệ thống GDĐH chưa được thể chế hoá. So với yêu cầu, chất lượng giáo dục đại học vẫn đang còn là một thách thức rất lớn. Một bộ phận không nhỏ giảng viên đại học không có điều kiện hoặc ngại học tập nên không thường xuyên cập nhật tri thức mới, ngại đổi mới phương pháp giảng dạy. Cơ sở vật chất cho việc giảng dạy và học tập tại các cơ sở GDĐH chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo. Các điều kiện về tài chính, trang thiết bị phục vụ dạy và học, nhất là ở các trường đào tạo các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học cơ bản (tự nhiên, xã hội) và chăm sóc sức


khỏe còn thiếu. Lương và các khoản phụ cấp theo lương của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn rất thấp; việc đầu tư cho giáo dục còn dàn trải, thiếu sự thống nhất và phối hợp giữa các nguồn đầu tư và các nhà đầu tư.


Từ nội dung nghiên cứu của Chương này cho thấy, mặc dù chính sách phát triển GDĐH nước ta đã có nhiều thay đổi trong hơn 20 năm qua, nhưng những thay đổi diễn ra chậm chạp, cẩn trọng nên một số trường đại học vẫn được bao cấp về tuyển sinh và ngân sách chi tiêu thông qua hệ thống pháp lý. Có thể nói, cải cách GDĐH Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Mối quan hệ giữa các trường đại học và chính phủ vẫn chưa được xác lập một cách rõ ràng. Chính sách trong nhiều lĩnh vực vẫn chưa được thực hiện.


CHƯƠNG 3

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 251 trang tài liệu này.


PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM NHỮNG NĂM TỚI

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay - 22


3.1. QUAN ĐIỂM HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM NHỮNG NĂM TỚI


3.1.1. Bối cảnh và xu thế phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI


GDĐH Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ 21 phát triển trong bối cảnh và xu thế sau đây:


- Đất nước “đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tập trung xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng quan trọng với công nghệ cao, sản xuất tư liệu sản xuất cần thiết để trang bị và trang bị lại kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu an ninh quốc phòng, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển và xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Chất lượng đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng lên một mức đáng kể. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được định hình về cơ bản. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Vị thế trong quan hệ quốc tế được củng cố và nâng cao”[45]. Đến năm 2020, đất nước đạt tiêu chí của một nước công nghiệp hoá, đủ sức hội nhập vào quỹ đạo phát triển chung của thế giới hiện đại và khẳng định được vị thế xứng đáng trong khu vực, không


bị lệ thuộc và tăng cường hợp tác với các nước trên cơ sở phân công lao động quốc tế và nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia; xã hội hiện đại, phát triển hài hoà, toàn diện trên tất cả các mặt: Kinh tế, khoa học, văn hóa, chính trị, đạo đức và môi trường với các điều kiện về kết cấu hạ tầng; khung thể chế; đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước; hoạt động KH&CN. Năm 2020 chỉ số HĐH sẽ ở bậc 80-85/174 nước trong bảng xếp hạng của LHQ, đạt được trình độ phát triển trung bình của thế giới. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng GDP công nghiệp và xây dựng trong tổng GDP của cả nước đạt 42% (năm 2010) và trên 45% (năm 2020). Tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao đạt khoảng 40 - 50%. Tốc độ đổi mới công nghệ ngành công nghiệp đạt trung bình 12 - 15%/năm [125]..


- Sự phát triển tăng tốc của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (TT). CNTT và TT đang mang lại những thay đổi lớn lao trong cách thức truyền thông, lưu giữ và tái tạo tri thức. Nếu trước đây thư viện là nơi chứa sách và tạp chí thì ngày nay internet là nơi cung cấp các phương tiện và công cụ cho mọi đối tượng có nhu cầu tiếp cận với hệ thống các cơ sở dữ liệu một cách dễ dàng và thuận lợi. Các nhà khoa học dùng internet để thực hiện việc nghiên cứu, phân tích và phổ biến kết quả nghiên cứu. Các cơ sở đào tạo sử dụng CNTT và TT để thực hiện việc dạy trực tuyến nhiều chương trình cấp bằng cho sinh viên bên ngoài nhà trường, thậm chí bên ngoài biên giới quốc gia. Kết quả là giáo dục từ xa tăng trưởng rất nhanh cả ở phạm vi quốc gia và quốc tế. CNTT và TT cũng đang ảnh hưởng đến phương pháp dạy và học, cũng như việc quản lý GDĐH và quản trị trường trường đại học. Với ưu điểm của tốc độ truyền thông nhanh, dễ dàng, bảo đảm độ tin cậy và tính chính xác,


CNTT và TT cho phép liên kết các trường đại học và viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Nó còn cho phép các trường đại học, cơ sở nghiên cứu và các cơ sở đào tạo tạo lập hoặc đẩy mạnh những hoạt động hợp tác quốc tế; xây dựng các chương trình đào tạo đa quốc gia một cách thuận lợi. Vì thế, mở rộng việc ứng dụng những thành quả đạt được của CNTT và TT đang từng bước trở thành tâm điểm của môi trường học thuật toàn cầu trong thế kỷ XXI. Ngoài phát triển CNTT và TT, nhiều lĩnh vực công nghệ khác như hạt nhân và điện tử, hay các khoa học tự nhiên, thiên văn học, các nghiên cứu về môi trường, sinh học, v.v. đã đạt được các thành tựu to lớn và đang phát triển với tốc độ ngày càng nhanh. Làm thế nào GDĐH Việt Nam thích ứng với sự phát triển mới của khoa học và công nghệ và làm thế nào GDĐH Việt Nam có thể đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng ngày càng cao hơn và tốt hơn phải trở thành mối quan tâm chung của tất cả các nhà hoạch định chính sách phát triển GDĐH ở cả cấp hệ thống và cấp trường đại học.


- Toàn cầu hóa và quốc tế hoá đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược trong cuộc sống xã hội hiện đại. Thực hiện tốt quá trình quốc tế hoá và toàn cầu hóa GDĐH có thể sẽ mang lại ý nghĩa quyết định cho những thành công về giáo dục của đất nước. Tuy nhiên, vị thế GDĐH nước ta trong thế giới của toàn cầu hoá và quốc tế hóa không có nhiều lợi thế. Điều này có nghĩa là GDĐH Việt Nam có thể sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn vào các siêu cường học thuật nếu không có những giải pháp hợp lý. Trong nước, các trường đại học mạnh luôn giữ vai trò chủ đạo trong việc hình thành và phân phối kiến thức, trong khi các cơ sở và các hệ thống yếu hơn với nguồn lực ít ỏi và các chuẩn mực học thuật thấp hơn đành phải chấp nhận sự phụ thuộc. Về nguyên tắc, tham gia vào quá trình toàn cầu hoá


và quốc tế hóa sẽ mở ra sự tiếp cận và tạo thuận lợi cho sinh viên và các học giả trong việc nghiên cứu và làm việc ở các khu vực khác nhau bên ngoài biên giới quốc gia. Song trên nhiều bình diện, thực hiện quá trình này không có nghĩa là xóa đi ngay được các bất bình đẳng hiện đang tồn tại và các rào cản mới đang được dựng lên. Để đối phó với môi trường toàn cầu hóa và quốc tế hóa, các trường đại học và các trường cao đẳng cần hiện thực hóa các mục tiêu về đổi mới cấu trúc chương trình và phương pháp giáo dục.


- GDĐH thế giới đã bước vào một giai đoạn thay đổi nhanh và thậm chí mang tính cách mạng. Hệ thống này đang trở nên cạnh tranh nhiều hơn. Các nhà hoạch định chính sách đang đưa ra các lập luận ủng hộ cho sự ít phụ thuộc hơn vào các quy định, sử dụng nhiểu hơn các nguồn lực thị trường cũng như khả năng hạch toán. Bản thể của việc dạy và học ngày càng biến đổi do công nghệ số. Các nhà cung cấp dịch vụ GDĐH mới - dưới dạng các cơ sở ảo - đang mở rộng sự lựa chọn cho sinh viên. Tất cả các cơ sở GDĐH trên thế giới – công cộng hoặc tư nhân - đều chịu áp lực phải tìm kiếm các nguồn tài trợ khác và thiết lập các dòng thu nhập mới. Một số các cơ sở tự coi mình là các tổ hợp đào tạo có tính toàn cầu thông qua việc thiết lập các chi nhánh trên toàn thế giới và mở rộng đối tác toàn cầu. Các thay đổi này hợp lại tạo nên một hệ thống trong đó khả năng cạnh tranh của các cơ sở đào tạo trong thị trường dịch vụ GDĐH vừa có tính đáp ứng, vừa có tính kinh doanh và linh hoạt. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định đến sự sống còn của mỗi trường đại học. Tác động của cuộc cạnh tranh này, cùng với việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ số và sự thay đổi những yếu tố xã hội có thể sẽ đưa lại nhiều hứa hẹn, nếu các nhà hoạch định


chính sách và các nhà lãnh đạo, quản lý GDĐH Việt Nam không chỉ đáp ứng, mà còn kịp thời tận dụng được các cơ hội.


- Yêu cầu cải cách và đổi mới xã hội vẫn tiếp tục tăng lên trong môi trường xung đột chính trị thế giới cả ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Từ cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh, sự phân chia quyền lực trên thế giới đã có những thay đổi đáng kể, nhưng thế giới vẫn chưa ra khỏi tình trạng mất ổn định và đối đầu. Hơn nữa, việc dịch chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường ở trong nước đã dẫn đến các thay đổi trong quản lý, tuyển sinh, học bổng của sinh viên và chương trình giảng dạy. Đồng thời các xung đột về văn hoá Việt Nam với các nền văn hoá phương Tây và các nước khác cũng là những thách thức cần phải vượt qua trong hình thành chính sách phát triển GDĐH. Các trường đại học và cao đẳng là những cơ sở văn hoá, phải có trách nhiệm trong việc quyết định tiếp nhận cái gì, vay mượn cái gì và từ bỏ cái gì của văn hoá Phương Tây và nước khác. Thông qua đó, các trường đại học và cao đẳng lựa chọn các yếu tố ưu việt từ kho tàng di sản văn hoá quốc tế để làm giàu văn hoá Việt Nam. Một thách thức khác nằm ngay trong sự va chạm giữa văn hoá Việt Nam truyền thống và hiện đại. Việt Nam là nước với lịch sử hàng nghìn năm và có nền tảng văn hoá rực rỡ. Như một di sản của quá khứ, nền văn hoá Việt Nam chắc chắn sẽ vừa tinh tuý vừa thiếu hụt. Do đó, hệ thống GDĐH Việt Nam sẽ phải góp phần tạo ra một nền văn hoá mới trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa những giá trị đích thực của nền văn hoá truyền thống, dân tộc và những giá trị văn hóa thời đại du nhập từ các nước khác.


3.1.2. Quan điểm hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam những năm tới


Sau hơn hai thập niên đổi mới cùng với đất nước và sau gần 8 năm thực hiện Chiến lược phát triển Giáo dục 2001-2010, nền giáo dục nói chung và GDĐH nước ta nói riêng đã đạt được một số thành tựu, nhưng cũng còn rất nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ mới. Với việc là thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam sẽ hội nhập một cách toàn diện và ngày càng sâu, rộng vào các quá trình phát triển của thế giới. Điều đó đặt ra những yêu cầu mới đối với chính sách phát triển GDĐH trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Chính sách phát triển GDĐH phải tạo ra một sự thay đổi căn bản để khắc phục những yếu kém bất cập; thể hiện hệ tư duy đổi mới, xoá bỏ thói quen bao cấp đối với GDĐH, chuyển hướng GDĐH từ sự nghiệp công ích thuần túy sang cơ chế dịch vụ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng một nền GDĐH tiên tiến, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp CNH, HĐH và nâng cao dân trí; tác động đến sự phát triển của KH và CN, làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo tồn và phát huy những tinh hoa của dân tộc, góp phần tạo nên sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước trong một thế giới hội nhập. Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, chính sách phát triển GDĐH phải đạt được những mục tiêu sau đây:


Thứ nhất, đa dạng hóa mô hình hệ thống GDĐH. Theo đó, chuyển hệ thống GDĐH từ chỗ chỉ đào tạo hàn lâm hoặc chủ yếu hàn lâm sang hoạt động theo mô hình vừa đào tạo hàn lâm, vừa kết hợp với mô hình doanh nghiệp. Chính sách phát triển GDĐH phải hướng đến việc đào tạo con người Việt Nam có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức; có năng lực tự học, tự đào tạo, năng động, chủ động và sáng tạo; có tri thức và có

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2022