Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay - 2


2. Tổng quan nghiên cứu


Vấn đề chính sách phát triển GDĐH đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đề cập đến. Có thể khái quát trên một số vấn đề chính sau đây:


Thứ nhất, các nhà kinh tế học hiện đại quan niệm, sản phẩm giáo dục là một loại dịch vụ, trong nền kinh tế thị trường cần đặt nó trong môi trường cạnh tranh để lựa chọn được những dịch vụ tốt. Về vấn đề này có lẽ Milton Friedman (1912-2006), giáo sư Trường Đại học Chicago (Mỹ), là nhà kinh tế học đầu tiên nêu lên. Theo ông, giống như mọi hàng hóa mang tính dịch vụ khác, sản phẩm giáo dục cần được đặt trong môi trường cạnh tranh để đào thải những sản phẩm xấu và phát triển những dịch vụ tốt. Tính chất công của giáo dục, theo ông, nên đặt trong sự quản lý của chính phủ bằng việc phân phối ngân sách, quy định các khuôn khổ pháp lý, cung cấp phiếu giáo dục…. Các trường, học viện sẽ là đơn vị cung cấp sản phẩm như chương trình, môi trường học…để người tiêu dùng (phụ huynh và người học) đưa ra quyết định cuối cùng. Tư tưởng của M. Friedman ngay lập tức được GDĐH tiếp cận và thể hiện trong chính sách phát triển của nó với hai lý do chính:


- Ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra ý nghĩa quan trọng của nguồn lực con người trong phát triển kinh tế, trên cơ sở đó khẳng định đầu tư cho giáo dục-đào tạo là đầu tư vào nguồn vốn con người, đầu tư cho phát triển và đầu tư cho tương lai. Gary S. Becker-nhà kinh tế học người Mỹ được giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1992, Schultz (1961), Denison (1962), B.F. Kiker (1972), Gareth William (1984), George Psacharopoulos và Maureen Woodhall (1985), Jacques Hallak (1990), Bruce E. Kaufman và Julie L Hotchkis (2000)..., trước đó


nữa là Ricardo, Adam Smith đều thống nhất đầu tư cho giáo dục-đào tạo và việc nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, bao gồm cả việc giải quyết vấn đề dinh dưỡng và kế hoạch hoá gia đình, được xem như quá trình đầu tư cơ bản. G.S. Becker cho rằng, việc đến trường học một khoá máy tính hay việc chi tiêu cho việc chăm sóc y tế cũng là thể hiện của hoạt động đầu tư vì việc cải thiện tình trạng sức khoẻ sẽ dẫn đến việc nâng cao thu nhập là yếu tố theo đuổi suốt cuộc đời của mỗi con người. Như thế, nó hoàn toàn đúng với quan niệm và định nghĩa truyền thống của hoạt động đầu tư. Vì vậy, chi tiêu cho giáo dục, đào tạo hay cho hoạt động chăm sóc y tế đều có thể nói đó là chi đầu tư cơ bản. Các báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho chiều hướng này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 251 trang tài liệu này.

Hiệp định thương mại chung GATS của WTO đã xếp GDĐH vào lĩnh vực dịch vụ. Một nghiên cứu gần đây của Jane Kninght (Trung tâm Phát triển Giáo dục Quốc tế, Viện Ontarino về nghiên cứu giáo dục thuộc Trường Đại học Toronto, Canada) đã cho rằng, hoạt động GDĐH đã di chuyển qua biên giới giữa các quốc gia trong nhiều năm thông qua hợp tác phát triển, trao đổi tri thức và bây giờ là các mục tiêu thương mại. Đó là một thực tế mà GDĐH cần đối mặt và hành động.

Do vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia và ưu thế trong tìm kiếm việc làm của những người có bằng cấp học vị cao, GDĐH trên thế giới những năm qua đã có những phát triển vượt bậc. Một trong những ghi nhận của sự phát triển là quá trình mở rộng quy mô của GDĐH. Số liệu thống kê qua các năm cho biết, tỷ lệ tăng quy mô sinh viên đại học hàng năm bình quân của các nước Tây Âu khoảng 10% trong suốt thời kỳ những năm 1960 và đã tăng lên gấp đôi trong thập kỷ 70. Ở hầu hết các nước đang phát triển, tỷ lệ

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay - 2


tăng trưởng quy mô sinh viên hàng năm cũng rất cao. Đối với các nước có mức thu nhập bình quân đầu người thấp và trung bình, tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6.2%/năm; các nước có mức thu nhập cao, tỷ lệ này là 7.3%/năm. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), tổng quy mô sinh viên của bậc đại học trên toàn thế giới là 13 triệu vào năm 1960; 28 triệu vào năm 1970; 46 triệu vào năm 1980 và 65 triệu vào năm 1991. Chỉ tính các nước đang phát triển, năm 1960 tổng quy mô sinh viên là 3 triệu, đã tăng lên 7 triệu vào năm 1970, rồi 16 triệu vào năm 1980 và đạt 30 triệu vào năm 1991.

Thứ hai, sự gia tăng quy mô trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp đã làm cho chất lượng giáo dục đại học bị đe doạ, đặt các chính phủ phải tự tìm ra phương hướng và giải pháp(chính sách) riêng cho quốc gia của họ. Theo tổng kết của World Bank, tựu trung các phương hướng và giải pháp của các quốc gia gồm những khía cạnh sau:

- Tăng cường đa dạng hoá của cơ sở đào tạo đại học, mà chủ yếu là thay đổi các nhiệm vụ của nhà trường đại học và phát triển các cơ sở đào tạo đại học mới phi chuẩn.

- Đa phương hoá việc tài trợ cho các cơ sở của giáo dục đại học và xác định vai trò nhà nước đối với giáo dục đại học thông qua chính sách tài chính để can thiệp trực tiếp vào kết quả đào tạo của các nhà trường đại học. Việc đa phương hoá được thực hiện theo 3 nội dung: huy động tối đa nguồn tài chính tư nhân; thu hồi chi phí đào tạo thông qua hỗ trợ tài chính cho các sinh viên (cho vay sinh viên) và nâng cao hiệu quả của việc cấp phát, sử dụng các nguồn lực của giáo dục đại học.


- Tập trung vào các khía cạnh chất lượng, sự thích ứng và tính công bằng trong giáo dục đại học.

Theo Bikas C.Sanyal (1995), những bài học về xây dựng chính sách phát triển GDĐH trên thế giới trong những năm qua có thể khái quát trong 6 điểm: i). Hợp nhất các trường đại học nhỏ để thành lập đại học lớn hơn, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực (xảy ra ở Trung quốc, Australia, Hà Lan và Anh....); ii). cải tổ về quản lý trường đại học (xảy ra ở hầu hết các nước); iii). đa dạng hoá các loại hình đào tạo đại học (chủ yếu diễn ra ở các nước đang phát triển; các nước Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ); iv). đa phương hoá nguồn lực (được áp dụng ở tất cả các nước trên thế giới nhưng chủ yếu là nhóm nước có thu nhập thấp); v). xác định lại vai trò nhà nước trong phát triển giáo dục đại học và vi). tập trung chủ yếu vào những vấn đề chất lượng và hiệu quả.


Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986. Cho đến nay, số lượng các công trình nghiên cứu về những vấn đề đặt ra đối với chính sách phát triển GDĐH còn rất khiêm tốn với những quan điểm trái ngược nhau. Một số người cho rằng thị trường GDĐH tồn tại trong nền KTTT định hướng XHCN có tính tất yếu như Giáo sư Trần Phương, Giáo sư Phạm Phụ, Giáo sư Lê Thành Khôi (UNESCO Paris), Tiến sỹ Vũ Quang Việt (Chuyên gia cao cấp Cơ quan Thống kê của Liên hợp quốc...); ngược lại một số khác phủ nhân sự tồn tại này như Giáo sư Phạm Minh Hạc, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Bùi Trọng Liễu (Đại học Paris).... Các quan điểm phần lớn được thể hiện thông qua các bài đăng tải trên các báo, tạp chí chuyên ngành và một số sách chuyên khảo nên cả về dung lượng, phạm vi, nội dung và phương pháp tiếp cận còn rất hạn chế. Hầu như các bài viết chỉ dừng lại ở góc độ tranh luận, nêu quan điểm hay khai thác


thông tin nên chưa góp phần hệ thống hóa thành cơ sở lý luận đặt nền móng cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển GDĐH trong môi trường mới.


3. Mục tiêu của luận án


- Làm rõ những vấn đề cơ bản về chính sách phát triển giáo dục đại học trong điều kiện kinh tế thị trường;


- Đánh giá thực trạng chính sách phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam những năm đổi mới vừa qua, chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân hạn chế của chính sách phát triển giáo dục đại học.


- Đề xuất quan điểm, phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học ở nước ta những năm tới.


4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


Đối tượng nghiên cứu của luận án này là chính sách phát triển GDĐH dưới góc độ kinh tế-chính trị, bao gồm các khía cạnh: Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, nội dung, phương pháp và các điều kiện bảo đảm cho quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách phát triển giáo dục đại học ở nước ta.


Chính sách phát triển giáo dục đại học có phạm vi rộng. Luận án này tiếp cận chính sách phát triển giáo dục với các nội dung cơ bản là chính sách tăng trưởng, chính sách chất lượng và chính sách cơ cấu trong phát triển giáo dục đại học.


Về thời gian, luận án chủ yếu đề cập tới thực trạng chính sách phát triển giáo dục đại học từ khi đổi mới đến nay và khuyến nghị cho những năm tới.


5. Phương pháp nghiên cứu


- Nghiên cứu chính sách phát triển GDĐH nằm trong phạm vi của lĩnh vực khoa học liên ngành, bao gồm kinh tế học, chính trị học, quản trị học, xã hội học, giáo dục học, khoa học lịch sử và các khoa học khác....


- Sử dụng cách tiếp cận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, với công cụ trừu tượng hóa, kết hợp giữa phân tích và tổng hợp, logic và lịch sử, đối chiếu, so sánh để phân tích làm rõ những kết quả nghiên cứu của luận án.

- Thu thập thông tin, số liệu thống kê, tư liệu, kế thừa các kết quả nghiên cứu của các cuộc điều tra, khảo sát đã được công bố, các thông tin từ kỷ yếu hội nghị hội thảo quốc tế, khu vực và trong nước để đưa ra các kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thực trạng chính sách phát triển GDĐH ở Việt nam hiện nay, làm căn cứ cho các kiến nghị về phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển GDĐH những năm tới.

6. Những đóng góp mới của đề tài nghiên cứu

1. Về khía cạnh lý thuyết, luận án xây dựng khung lý thuyết phân tích và đánh giá chính sách phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, nhằm thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế thành công.


2. Về khía cạnh thực tiễn, luận án chỉ ra các bất cập của những chính sách phát triển giáo dục đại học liên quan đến các vấn đề tăng trưởng, cơ cấu và chất


lượng, đặc biệt là bất cập về quy trình và năng lực đội ngũ cán bộ làm chính sách. Luận án đề xuất những quan điểm, phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học ở nước ta những năm tới với những nội dung sau:


i). Nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam vào quản lý và quản trị đại học.


ii). Bảo đảm tính đồng bộ giữa các bộ phận cấu thành của thể chế giáo dục đại học; giữa các yếu tố thị trường và các mục tiêu phúc lợi xã hội của giáo dục đại học; giữa thể chế giáo dục đại học với thể chế chính trị, xã hội; giữa nhà nước, thị trường, xã hội và giáo dục đại học; giữa chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội trong giáo dục đại học thông qua việc hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện mô hình “giả thị trường” giáo dục đại học.


iii). Ðổi mới, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý giáo dục đại học của Nhà nước, chuyển từ nhà nước quản lý sang nhà nước giám sát giáo dục đại học phù hợp với những yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập giáo dục đại học quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Vận dụng và phát huy mặt tích cực, hạn chế, ngăn ngừa mặt trái của cơ chế thị trường trong lĩnh vực giáo dục đại học.

iv). Đổi mới tổ chức thiết kế và thực thi chính sách phát triển giáo dục đại học; nâng cao vai trò của các chủ thể trong bộ máy nhà nước và ngoài bộ máy nhà nước, bao gồm các tổ chức dân cử, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và đặc biệt các trường đại học trong xây dựng chính sách giáo


dục đại học. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các chủ thể ngoài bộ máy nhà nước tham gia có hiệu quả vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát thực hiện chính sách phát triển giáo dục đại học.


7. Bố cục của luận án


Luận án bao gồm phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và 3 chương:


Chương 1: Những vấn đề cơ bản về chính sách phát triển giáo dục đại học trong điều kiện kinh tế thị trường.


Chương 2: . Thực trạng chính sách phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam.


Chương 3: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam những năm tới.


CHƯƠNG 1

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2022