Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa 1945 - 1946 - 2


Lê Mậu Hãn, Hồ Chí Minh kiến lập nhà nước pháp quyền Việt Nam, Tạp chí Lịch sử Đảng, 05/2005; GS. Trần Xuân Trường, Đảng cầm quyền và nhà nước của dân, do dân, vì dân; PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, 60 năm xây dựng nhà nước cách mạng của dân, do dân, vì dân, Tạp chí Lý luận chính trị, số 9 năm 2005; GS.VS Nguyễn Duy Quý, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thành tựu và những vấn đề cần giải quyết, Tạp chí Thông tin công tác tư tưởng lý luận, 07/2006; GS. TSKH Đào Trí Úc, Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Báo Nhân dân số ra ngày 08/08/2006; …

Nội dung còn chung chung đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân, hoặc mới chỉ nghiên cứu ở phạm vị tư tưởng.

Nhóm thứ ba: Một số Luận văn, Luận án đề cập đến vấn đề này như: Vận dụng tư tưởng và phương pháp dân chủ của Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Luận án Tiến sĩ Triết học, năm 2003) của Phạm Văn Bính; Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Luận án Tiến sĩ, năm 2001) của Phạm Viết Mỹ; Sự biến đổi chính trị ở Việt Nam từ 1958 đến 1945 (Luận án Tiến sĩ Chính trị học, năm 2012) của Trần Thị Thu Hoài; … Phong phú, đa dạng về nội dung, phạm vi nghiên cứu, đều nhằm tìm phương hướng cho sự nghiệp xây dựng nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Các công trình trên đây đã nghiên cứu ngày một rõ về vai trò và những sáng tạo của Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam, trong đó có đề cập đến giai đoạn (1945 - 1946). Tuy nhiên do mục đích và yêu cầu đặt ra khác nhau, nên cách tiếp cận của mỗi công trình khác nhau, phần lớn các tác giả nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở tiếp thu những thành quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, nhận thấy việc nghiên cứu vai trò của Hồ Chí Minh trong “xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa” với mối liên hệ của bối cảnh lịch sử Việt Nam những năm 1945 - 1946 là cần thiết. Vì vậy, tôi chọn đề tài: “Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa (1945 - 1946)” làm đề tài Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.


3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích:

Nghiên cứu quá trình Hồ Chí Minh khảo cứu, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam giai đoạn (1945 - 1946).

Luận văn góp phần khẳng định sự đúng đắn và sáng tạo của Hồ Chí Minh trong xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam. Qua đó rút ra những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, vận dụng vào sự nghiệp giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 150 trang tài liệu này.

Nhiệm vụ:

Hệ thống hóa quá trình tìm tòi, khảo cứu, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa 1945 - 1946 - 2

Đánh giá, nhận xét khách quan những thành tựu đạt được khi xây dựng đất nước theo thể chế dân chủ cộng hòa giai đoạn (1945 - 1946).

Rút ra những bài học, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu về nội dung của Luận văn là: Xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1946, chủ yếu thông qua quá trình khảo cứu và thực hiện của Hồ Chí Minh.

Phạm vi nghiên cứu của Luận văn:

- Về nội dung: Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa.

- Về không gian:Việt Nam.

- Về thời gian: Từ năm 1945 đến năm 1946.

5. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu chính

Luận văn được tiến hành trên cơ sở những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước.

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chính trong Luận văn là phương pháp lịch sử, phương pháp lô-gích, và một số phương pháp khác như: phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp…


Nguồn tư liệu chủ yếu được sử dụng là: các bài viết, bài nói, sắc lệnh, chỉ thị của Hồ Chí Minh; các văn kiện của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng Nhà nước; các văn bản, tài liệu của Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; báo cáo của các cấp chính quyền; các sách tham khảo, tạp chí có liên quan, …

6. Đóng góp của Luận văn

Luận văn trình bày hệ thống cả về lý luận và thực tiễn quá trình Hồ Chí Minh khảo cứu, chỉ đạo, xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hòa ở Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1946.

Luận văn rút ra một số bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu lịch sử dân tộc cũng như hoạt động chính trị thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.

Luận văn đóng góp vào nguồn tài liệu tham khảo, phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy.

7. Bố cục

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, phần Nội dung của luận văn được bố cục thành 3 chương:

Chương 1: Hồ Chí Minh khảo cứu và xây dựng mô hình Nhà nước dân chủ cộng hòa ở Việt Nam

Chương 2: Hồ Chí Minh với việc xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa ở Việt Nam (1945 - 1946)

Chương 3: Một số nhận xét và kinh nghiệm


Chương 1

HỒ CHÍ MINH KHẢO CỨU VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ CỘNG HÒA Ở VIỆT NAM

1.1. Quá trình Nguyễn Ái Quốc tìm con đường giải phóng dân tộc và mô hình nhà nước kiểu mới cho Việt Nam

1.1.1. Hoàn cảnh lịch sử đầu thế kỷ XX

Tình hình thế giới: Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc ngày càng gay gắt, dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Sau Chiến tranh, phe Trục gồm Đức - Áo - Hung - Thổ Nhĩ Kỳ - Bungari thất bại, phe Đồng minh đứng đầu là Mỹ - Anh - Pháp chiến thắng. Mặc dù là nước thắng trận, nhưng bị thiệt hại nặng nề về kinh tế, Pháp trở thành một con nợ lớn, vì vậy để khôi phục nền kinh tế, thực dân Pháp một mặt thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, mặt khác tăng cường đầu tư ra nước ngoài, đẩy mạnh khai thác thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Nước Nga tham gia chiến tranh ngay từ đầu nhưng bị thiệt hại nặng nề, nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I. Lênin đã giương cao ngọn cờ đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và chống chủ nghĩa sô vanh; nêu hai khẩu hiệu: “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến” và “Làm cho chính phủ mình thất bại trong chiến tranh đế quốc”. Năm 1917, ở nước Nga đã diễn ra cuộc Cách mạng dân chủ tư sản Tháng Hai, sau đó là cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử loài người. Năm 1919, Quốc tế Cộng sản được thành lập, tạo điều kiện cho sự ra đời hàng loạt đảng cộng sản ở các nước: Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Từ khi ra đời cho đến khi giải thể (1943), Quốc tế Cộng sản đã chỉ đạo hoạt động của hầu hết các đảng cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1922, Liên Xô ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu trong đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và công cuộc xây dựng chủ


nghĩa xã hội. Liên Xô trở thành trung tâm cách mạng của thế giới, là lực lượng chủ yếu đấu tranh chống các thế lực phản động quốc tế hiếu chiến, có công đầu về tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945).

Sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Ở Trung Quốc, năm 1911, Cách mạng Tân Hợi thành công, xóa bỏ chế độ phong kiến, lập ra chính phủ tư sản dân tộc dưới sự lãnh đạo của Quốc dân Đảng do Tôn Trung Sơn đứng đầu. Tuy nhiên, sau đó chính quyền lại rơi vào tay các thế lực quân phiệt do Viên Thế Khải cầm đầu. Năm 1925, Tưởng Giới Thạch đứng đầu Quốc dân Đảng, thi hành chính sách chống cộng, gây nội chiến ở Trung Quốc, đến năm 1949 mới bị Đảng Cộng sản đánh bại.

Tình hình thế giới đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam.

Tình hình Việt Nam: Giai đoạn này, Việt Nam nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn nhu nhược, ươn hèn cam tâm làm tay sai cho đế quốc, mất hết thực quyền. Từ năm 1919 - 1929, thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa Đông Dương, tăng cường vơ vét tài nguyên khoáng sản, bóc lột nhân dân ta. Khác với đợt khai thác thuộc địa lần trước, (1897 - 1914), Pháp mở rộng đầu tư khai thác nhiều lĩnh vực, tốc độ chậm chạp, kéo dài, lần này Pháp tiến hành đầu tư ồ ạt, tốc độ nhanh hơn và quy mô rộng lớn hơn nhiều. Nếu lần trước nguồn vốn chủ yếu đầu tư vào các ngành khai mỏ và giao thông vận tải thì lần này tập trung vào nông nghiệp và khai thác khoáng sản. Chính nhân tố này làm biến đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế Việt Nam.

Do chính sách mở rộng nông nghiệp, các nhà tư sản Pháp chiếm đất ruộng của nông dân lập đồn điền để trồng lúa, cây công nghiệp (chè, cà phê, cao su…). Chúng giao ruộng đất cho nông dân theo kiểu phát canh thu tô mà không đầu tư các biện pháp kỹ thuật nên năng suất lúa ở Việt Nam rất thấp. Khi giá cao su tăng cao, Pháp đẩy mạnh kinh doanh mặt hàng này, diện tích trồng cao su tăng vọt. Mặc dù vậy, tốc độ phát triển nông nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước châu Á khác.


Các ngành công nghiệp như khai thác than được mở rộng. Nhiều công ty than được thành lập ở Quảng Ninh, sản lượng than khai thác tăng dần. Ngoài than đá, các cơ sở khai thác mỏ thiếc, kẽm, sắt đều được bổ sung thêm vốn, công nhân và đẩy nhanh tiến độ khai thác. Bên cạnh đó, một số cơ sở chế biến quặng, đúc kẽm, thiếc cũng ra đời. Các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến như nhà máy xi măng ở Hải Phòng, nhà máy tơ, sợi và dệt ở Hà Nội, Nam Định, Sài Gòn; các nhà máy xay xát gạo, chế biến rượu, làm đường ở Hải Dương, Hà Nội, Chợ Lớn… đều phát triển nhanh chóng. Nhưng ngành công nghiệp nặng theo đúng nghĩa vẫn chưa ra đời. Công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là công nghiệp dịch vụ và phục vụ, phụ thuộc vào thực dân Pháp và thị trường nước ngoài.

Để đáp ứng yêu cầu khai thác thuộc địa thời kỳ này, ngành giao thông vận tải tiếp tục được tăng cường đầu tư vốn và các trang thiết bị kỹ thuật. Các đường sắt nối Vinh - Đông Hà, Đồng Đăng - Na Sầm được xây thêm; mở nhiều đường quốc lộ và đường liên tỉnh; mở rộng và xây thêm một số hải cảng, mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy.

Ngành thương nghiệp phát triển vượt bậc so với thời kỳ trước chiến tranh. Hàng hóa xuất siêu khá lớn, các đối tác nước ngoài được mở rộng. Hàng hóa xuất khẩu là khoáng sản, lúa gạo, cao su, chè, hạt tiêu… Hàng nhập khẩu (chủ yếu từ Pháp) bao gồm: vải, bông, sợi, giày dép, rượu, thuốc lá… Các hoạt động thương mại lớn đều nằm trong tay người Pháp hoặc người Hoa.

Đặc điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ này là sự phát triển không cân đối. Nền nông nghiệp nặng nề, lạc hậu; nền công nghiệp phụ thuộc, phân tán, quy mô nhỏ, nặng về khai khoáng; các ngành sản xuất luyện kim, cơ khí, năng lượng hầu như không được chú ý phát triển. Kinh tế miền Bắc và miền Nam phát triển hơn nhiều so với miền Trung, các vùng miền núi vẫn nghèo đói, lạc hậu, cuộc sống người dân vẫn phổ biến là du canh du cư.

Với thân phận nô lệ, nhân dân “một cổ hai tròng”, chịu cảnh sưu cao thuế nặng, cuộc sống lầm than, khổ cực. Thể chế chính trị thời kỳ này là thể chế thực dân nửa phong kiến. Thực dân Pháp nắm quyền thống trị đất nước ta, chúng chia Việt


Nam thành ba kỳ nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và dễ bề cai trị. Triều đình nhà Nguyễn mất hết thực quyền, chỉ là công cụ, tay sai của Pháp. Như vậy, ở Việt Nam lúc này đang tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn dân tộc - giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Pháp, và mâu thuẫn giai cấp - giữa nông dân với địa chủ, giữa công nhân với tư sản (chủ yếu là tư sản Pháp).

Vấn đề đặt ra lúc này cho những người Việt Nam yêu nước là phải làm thế nào giải quyết đồng thời được hai mâu thuẫn trên, nghĩa là vừa đánh đuổi được quân xâm lược, giành lại độc lập dân tộc; vừa mang lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Trong phong trào yêu nước đã xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng và các cuộc vận động cách mạng. Phong trào yêu nước thời kỳ này đều hướng vào mục đích đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, nhưng lại khác nhau ở phương pháp và đường lối cách mạng, mà trong đó quan trọng nhất là xác định một mô hình thể chế chính trị cho Việt Nam sau khi đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến.

Xu hướng tiếp tục khôi phục lại thể chế quân chủ phong kiến độc lập là sự lựa chọn của các sĩ phu lãnh đạo phong trào Cần Vương (1885 - 1896), Hoàng Hoa Thám… Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, phong trào đã bị đàn áp và thất bại. Mô hình thể chế chính trị phong kiến đã trở nên lỗi thời, lạc hậu với trào lưu chung trên thế giới mà hiện thân là triều Nguyễn lúc bấy giờ - đã không thể tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Sự thất bại của phong trào Cần Vương báo hiệu kiểu nhà nước phong kiến đã hết vai trò lịch sử ở Việt Nam.

Thời kỳ này, sự thức tỉnh châu Á cùng với phong trào cách mạng dân chủ tư sản ở châu Âu đã ít nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam, làm xuất hiện những trào lưu tư tưởng mới và nảy sinh các phong trào yêu nước, cách mạng mang màu sắc mới, tiêu biểu là phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân… Một trong những đại biểu xuất sắc của trào lưu này là Phan Bội Châu. Ông chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp, xây dựng ở Việt Nam một thể chế quân chủ lập hiến theo kiểu Nhật Bản (thời kỳ đầu), hoặc một thể chế cộng hòa dân chủ theo kiểu Tây Âu (thời kỳ sau). Còn Phan Chu Trinh phê phán gay gắt thể chế quân chủ chuyên chế, coi đó là nguyên nhân làm suy yếu dân tộc. Theo ông cần phải nâng cao dân trí, mở rộng dân


quyền, hướng tới nền dân chủ theo kiểu phương Tây, trước hết là dựa vào Pháp. Mặc dù khuynh hướng dân chủ tư sản có nhiều tiến bộ, nhưng chưa phù hợp với thực tiễn lịch sử Việt Nam nên không thể thành công.

Vào cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Việt Nam Quốc dân Đảng - một chính đảng của giai cấp tư sản Việt Nam ra đời. Đảng này chủ trương đánh Pháp, xây dựng một thể chế chính trị cộng hòa theo kiểu tư bản chủ nghĩa. Nhưng do giai cấp tư sản Việt Nam còn nhỏ yếu, không có cơ sở trong quần chúng nhân dân, thiếu tổ chức chặt chẽ nên cuộc đấu tranh chống ngoại xâm do họ phát động đã thất bại. Điều đó cũng chứng tỏ rằng, nhà nước tư sản và nền dân chủ tư sản không phải là mục tiêu của cách mạng Việt Nam, mô hình thể chế chính trị tư sản không phù hợp với nước ta. Yêu cầu cấp bách nhất lúc này là giải phóng kiếp người nô lệ và đem lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho đại đa số nhân dân lao động. Nhân dân Việt Nam không muốn quay trở lại xã hội phong kiến đang suy tàn; cũng rất căm ghét chế độ bóc lột vô nhân tính, bất công của chủ nghĩa tư bản. Cả hai loại thể chế đó đều chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người, còn đại đa số nhân dân vẫn chịu cảnh áp bức, bóc lột, không có tự do, hạnh phúc.

Tóm lại, thời kỳ này khủng hoảng về đường lối chính trị, chưa có một mô hình thể chế chính trị nào định hình và đứng vững trong phong trào yêu nước Việt Nam.

1.1.2. Quá trình Nguyễn Ái Quốc tìm một con đường giải phóng dân tộc gắn với tìm kiếm kiểu nhà nước cho Việt Nam

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị xâm lược, nhân dân bị nô dịch, mất tự do, Nguyễn Tất Thành đã cảm nhận và thấu hiểu bi kịch của dân tộc. Tuy rất khâm phục những nhà yêu nước đương thời, nhưng Người không đồng tình với con đường cứu nước, với mô hình thể chế chính trị mà họ lựa chọn. Chính vì vậy, Người đã xuất dương để tìm con đường giải phóng dân tộc.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc vừa lao động, vừa quan sát, tập trung nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn các cuộc cách mạng điển hình. Đặc biệt, Người đã quan tâm nghiên cứu nhiều kiểu nhà nước đang tồn tại trên thế giới đó là kiểu nhà nước tư sản ở thuộc địa, kiểu nhà

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/05/2023