Giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và vấn đề vô hiệu của hợp đồng - 8

BMBH có nhận được sự quảng bá sản phẩm, tư vấn bán hàng từ đại lý bảo hiểm tuy nhiên quyền quyết định tham gia bảo hiểm là thuộc về BMBH và/ hoặc NĐBH hoặc người đại diện hợp pháp của NĐBH – trong trường hợp BMBH mua bảo hiểm cho người khác.

+ Giấy yêu cầu bảo hiểm:

BMBH đề nghị giao kết hợp đồng BHNT bằng cách kê khai đầy đủ và Giấy yêu cầu bảo hiểm và nộp phí bảo hiểm ước tính. Giấy yêu cầu bảo hiểm là mẫu văn bản do DNBH thiết kế, in sẵn, đảm bảo thu thập được đầy đủ thông tin để DNBH có thể dựa vào đó để đánh giá rủi ro, đảm bảo sự logic, ngắn gọn nhất có thể và chặt chẽ về mặt pháp lý, y học… Mẫu Giấy yêu cầu bảo hiểm thường bao gồm các phần

(i) Thông tin nhân thân về NĐBH; (ii) Thông tin nhân thân về BMBH; (iii) Điều kiện bảo hiểm (tên sản phẩm bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, lựa chọn quy đầu tư đối với sản phẩm liên kết chung và liên kết đơn vị); (iv) thông tin nhân thân cụ thể của những Người thụ hưởng, tỷ lệ thụ hưởng; (v) thông tin về sức khỏe của BMBH và NĐBH bao gồm hàng chục các câu hỏi liên quan đến sức khỏe; (vi) thông tin về các hợp đồng bảo hiểm khác đã tham gia và (vii) cam kết về tính đầy đủ và chân thực của các thông tin cung cấp cho DNBH và ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho DNBH; (viii) phần chữ ký của BMBH và NĐBH hoặc đại diện theo pháp luật của NĐBH; (ix) phần ghi của DNBH về quyết định đánh giá rủi ro, chấp nhận bảo hiểm.

+ Nghĩa vụ thông báo tuổi chính xác

Một trong các yếu tố đặc biệt cần chính xác khi kê khai Giấy yêu cầu bảo hiểm là yêu tố tuổi của NĐBH. Yếu tố tuổi của NĐBH có vai trò quan trọng đối với việc giao kết hợp đồng BHNT. Dựa trên yếu tố tuổi, sức khỏe, nghề nghiệp, thói quen …của NĐBH, DNBH ra quyết định đánh giá rủi ro (chấp nhận bảo hiểm, trì hoãn chấp nhận bảo hiểm hoặc từ chối chấp nhận bảo hiểm). Nếu chấp nhận bảo hiểm thì yếu tố tuổi của NĐBH còn là cơ sở để xác định mức phí bảo hiểm được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, dựa trên nguyên tắc trung thực tuyệt đối, DNBH hoàn toàn tin tưởng và căn cứ vào các thông tin mà BMBH cung

cấp, trong đó có thông tin về tuổi của NĐBH để giao kết và thực hiện hợp đồng. Chính bởi vì các lý do và cơ sở nêu trên mà BMBH phải có trách nhiệm kê khai chính xác về tuổi của NĐBH tại thời điểm tham gia hợp đồng.

Khoản 2, Điều 34 LKDBH 2000 quy định: “Trong trường hợp BMBH thông báo sai tuổi của NĐBH, nhưng tuổi đúng của NĐBH không thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì DNBH có quyền huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm và hoàn trả số phí bảo hiểm đã đóng cho BMBH sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực từ hai năm trở lên thì DNBH phải trả cho BMBH giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm”.

LKDBH nói chung của Việt Nam và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành chưa đưa ra khái niệm “giá trị hoàn lại” nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Theo các điều khoản BHNT mà các DNBH tại Việt Nam thì “giá trị hoàn lại” (còn gọi là “giá trị giải ước”) là số tiền BMBH được nhận khi BMBH yêu cầu hủy hợp đồng hoặc khi hợp đồng chấm dứt hiệu lực theo điều khoản và các điều kiện của hợp đồng.

Mỗi doanh nghiệp có một cách tính giá trị giải ước khác nhau nhưng đều dựa trên cơ sở dự phòng phí bảo hiểm (số tiền mà DNBH phải trích ra từ phí bảo hiểm và lãi đầu tư thu được nhằm đảm bảo thanh toán đối với các trách nhiệm bảo hiểm đã cam kết trong tương lai). Giá trị giải ước được tính bằng dự phòng phí trừ đi phí giải ước. Việc khấu trừ phí giải ước nhằm đảm bảo cho DNBH thu đủ các chi phí đã bỏ ra liên quan đến hợp đồng đồng thời có thể bao gồm một khoản “tiền phạt” đối với BMBH vì đã có lỗi trong việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Với cách tính như trên, giá trị giải ước không đồng nhất với số phí bảo hiểm đã nộp sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan. Trong một số trường hợp, giá trị giải ước có thể nhỏ hơn số phí bảo hiểm đã nộp, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan và ngược lại. Giá trị giải ước vào ngày kỷ niệm hợp đồng là số tiền cụ thể đã được xác định tại phụ lục hợp đồng bảo hiểm và thường nhỏ hơn số phí bảo hiểm đã nộp (khi hợp đồng sắp đến kỳ đáo hạn thì giá trị này có thể bằng hoặc cao hơn số phí bảo hiểm đã nộp). Tại cùng một thời điểm, giá trị giải ước và tổng phí đã đóng là

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

khác nhau theo mỗi sản phẩm, độ tuổi, giới tính, thời hạn bảo hiểm, phương thức đóng phí và cũng có sản phẩm bảo hiểm không có giá trị giải ước, ví dụ như bảo hiểm tử kỳ.

Theo quy định nói trên của LKDBH 2000, hậu quả pháp lý của việc BMBH thông báo sai tuổi của NĐBH là:

Giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và vấn đề vô hiệu của hợp đồng - 8

(i) Nếu hợp đồng có hiệu lực từ dưới 02 năm: BMBH nhận lại số phí bảo hiểm đã nộp sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan (chi phí kiểm tra sức khỏe, chi phí phát hành và quản lý hợp đồng, chi phí hoa hồng trả cho đại lý, …)

(ii) Nếu hợp đồng có hiệu lực từ 02 năm trở lên: BMBH nhận giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm.

Trong khi đó, Điều 419/ Bộ luật Dân sự năm 1995; Điều 425/ Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2005 quy định “1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. … 3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ, thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. 4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị huỷ bỏ phải bồi thường thiệt hại”.

Như vậy, hậu quả pháp lý của hợp đồng bị hủy bỏ cũng giống như hợp đồng vô hiệu. Nghĩa là hợp đồng coi như chưa được giao kết, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên (đối với hợp đồng bảo hiểm, DNBH không phải bồi thường thiệt hại hay trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, khách hàng không có nghĩa vụ phải đóng phí bảo hiểm) và các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu như khi chưa có hợp đồng. Trong trường hợp này, do BMBH là bên có lỗi nên họ phải bồi thường cho DNBH những chi phí hợp lý có liên quan mà DNBH phải bỏ ra trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.

Vì vậy, nếu BMBH thông báo sai tuổi của NĐBH thì phải chịu hậu quả pháp lý – nhận giá trị giải ước nếu hợp đồng có hiệu lực từ hai năm trở lên (Khoản 2, Điều 34 Luật KDBH) là không đúng với bản chất của hợp đồng bị huỷ bỏ được quy định tại Bộ luật Dân sự. Bởi vì, quy định việc hoàn trả giá trị giải ước nghĩa là đồng

thời công nhận hợp đồng bảo hiểm đó vẫn có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết đến khi bị hủy. Và như vậy, nếu rủi ro của khách hàng xảy ra trước thời điểm hợp đồng bị hủy DNBH vẫn phải bồi thường thiệt hại hoặc trả tiền bảo hiểm.

Bên cạnh đó, không phải hợp đồng bảo hiểm con người nào cũng có giá trị giải ước khi hợp đồng có hiệu lực từ hai năm trở lên. Do đó, quy định tại “Khoản 2, Điều 34 LKDBH 2000 sẽ dẫn đến việc khách hàng thắc mắc, khiếu nại DNBH khi mua các sản phẩm bảo hiểm không có giá trị giải ước.

Hơn nữa, Khoản 2, Điều 34 LKDBH 2000 chỉ quy định việc BMBH thông báo sai tuổi của NĐBH mà không đề cập đến yếu tố lỗi (cố ý hay vô ý) của hành vi đó. Vấn đề đặt ra là, giả sử BMBH cố ý cung cấp thông tin sai sự thật về tuổi của NĐBH thì lúc đó sẽ áp dụng (i) chế tài hủy bỏ hợp đồng theo Khoản 2, Điều 34/ LKDBH 2000 hay (ii) đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí đến thời điểm đình chỉ theo khoản 2 Điều 19/ LKDBH 2000 hay (iii) xử lý hợp đồng vô hiệu theo điểm d, Khoản 1, Điều 22 Luật KDBH 2000.

Như vậy có thể thấy Khoản 2, Điều 34 Luật KDBH là chưa đầy đủ, rõ ràng và không phù hợp với tinh thần của Bộ luật Dân sự. Điều đó đã dẫn tới sai lệch trong nhận thức về sản phẩm BHNT của khách hàng; bất cập trong việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm của DNBH và gây lúng túng cho Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng BHNT tại Việt Nam.

+ Nghĩa vụ kê khai trung thực: như đã đề cập tại phần nguyên tắc giao kết hợp đồng BHNT, nghĩa vụ kê khai trung thực là bổn phận khai báo đầy đủ và chính xác tất cả các yếu tố quan trọng, dù được yêu cầu hay không yêu cầu khai báo. Do việc kê khai của BMBH và NĐBH hoặc người đại diện hợp pháp của NĐBH có tính chất quyết định đến việc DNBH có chấp nhận bảo hiểm hay không, một hợp đồng BHNT có được giao kết hay không nên nguyên tắc trung thực tuyệt đối là một yêu cầu cơ bản của nghiệp vụ bảo hiểm nói chung, trong đó có BHNT. Bên cạnh nghĩa vụ kê khai trung thực được đặt ra cho BMBH và NĐBH hoặc người đại diện hợp pháp của NĐBH, các DNBH phải công khai những thông tin liên quan đến phạm vi hoạt động, điều khoản sản phẩm và khả năng tài chính của mình.

Điều 19 LKDBH năm 2001 quy định như sau về trách nhiệm cung cấp thông tin: 1. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, DNBH có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho BMBH; BMBH có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho DNBH. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó. DNBH có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do BMBH cung cấp. 2. DNBH có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi BMBH có một trong những hành vi sau đây: a) Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường; b) Không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho DNBH theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Luật này. 3. Trong trường hợp DNBH cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì BMBH có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; DNBH phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho BMBH do việc cung cấp thông tin sai sự thật.

Nghĩa vụ này cũng được các DNBH nhấn mạnh trong Giấy yêu cầu bảo hiểm bằng cách ghi nhận nội dung cam kết về tính chân thực, đầy đủ của BMBH và NĐBH hoặc người đại diện hợp pháp của NĐBH. Bên cạnh đó, hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ kê khai trung thực được không những được pháp luật quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 19 LKDBH 2001 mà còn được các DNBH ghi nhận trong Điều khoản hợp đồng bảo hiểm mẫu. Ví dụ Điều 4 Điều khoản bảo hiểm hỗn hợp trả tiền định kỳ An Gia Tài Lộc của Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ quy định như sau về nghĩa vụ cung cấp thông tin: 4.1.1. Người tham gia bảo hiểm, NĐBH, Người được hưởng quyền lợi bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp tất cả những chi tiết có liên quan đến Hợp đồng theo yêu cầu của Bảo Việt một cách đầy đủ và trung thực. Việc Bảo Việt tiến hành kiểm tra sức khoẻ của NĐBH (nếu có) không thay thế cho nghĩa vụ này. 4.1.2. Nếu Người tham gia bảo hiểm, NĐBH, Người được hưởng quyền lợi bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ qui định tại Điểm 4.1.1., Bảo Việt có quyền đình chỉ việc thực hiện Hợp đồng. Trong trường hợp này, Bảo Việt không hoàn lại

phí bảo hiểm đã nộp tính đến ngày đình chỉ thực hiện Hợp đồng cho Người tham gia bảo hiểm và không chịu trách nhiệm về những rủi ro đã phát sinh.

+ Sự đồng ý của NĐBH:

Như đã đề cập tại phần nguyên tắc giao kết hợp đồng BHNT, sự đồng ý bằng văn bản của NĐBH là một trong những nguyên tắc giao kết hợp đồng đã được ghi nhận tại Điều 570/ Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 38/ LKDBH năm 2000. Quy định này không chỉ nhằm đảm bảo sự thống nhất ý chí mà còn là kết quả của công tác đánh giá rủi ro đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong các biện pháp hữu hiệu để phòng tránh các trường hợp trục lợi bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm trên sinh mạng của những người không hoặc chưa có khả năng nhận thức đầy đủ cũng như tự bảo vệ mình. Ngay khi lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, BMBH và NĐBH hoặc người đại diện hợp pháp của NĐBH (trong trường hợp BMBH mua BHNT cho cuộc sống của người khác) phải ký và ghi rõ họ tên đầy đủ vào Giấy yêu cầu bảo hiểm và các tài liệu kèm theo hợp đồng, thể hiện sự đồng ý của họ về việc tham gia hợp đồng. Khi đánh giá rủi ro, DNBH sẽ xem xét cả việc hợp đồng có đầy đủ chữ ký của BMBH và NĐBH hoặc người đại diện hợp pháp của NĐBH hay không.

+ Phí bảo hiểm ước tính: Bên cạnh việc kê khai Giấy yêu cầu bảo hiểm, BMBH còn phải nộp phí bảo hiểm ước tính cùng với việc gửi Giấy yêu cầu bảo hiểm cho DNBH. Đại diện của DNBH sẽ gửi BMBH Biên lai thu phí bảo hiểm tạm thời – bằng chứng cho việc đã nhận khoản phí bảo hiểm ước tính này.

Sau khi yêu cầu bảo hiểm được DNBH đánh giá, mức phí bảo hiểm thực tế có thể bằng, hoặc cao hơn phí bảo hiểm ước tính. Khi đó, BMBH có thể được hoàn lại hoặc nộp thêm tùy từng trường hợp. Mức phí bảo hiểm được quy định dựa trên nhiều yếu tố phức tạp như (i) chi phí; (ii) giá trị của quyền lợi bảo hiểm và (iii) lợi nhuận từ đầu tư của DNBH. Đây là một phạm trù thuộc về các chuyên gia tính toán, tác giả không có ý định đề cập nhiều đến nội dung này tuy nhiên mức phí bảo hiểm của các DNBH cần như thế nào để vừa phải đảm bảo cạnh tranh mang tính thương mại, vừa phải đủ để trích lập dự phòng nghiệp vụ và thu xếp tái bảo hiểm. Mức phí

bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm phải phù hợp với mức trách nhiệm, điều kiện, phạm vi bảo hiểm, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng bảo hiểm và an toàn tài chính cho DNBH nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung. Những vấn đề này chưa được quy định trong hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và pháp luật về cạnh tranh.

Thông thường, đối với mọi DNBH, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm bao gồm các giấy tờ sau: Giấy yêu cầu bảo hiểm, Bản photo chứng minh nhân dân, giấy khia sinh của BMBH và NĐBH, Biên lai thu phí bảo hiểm tạm thời có chữ ký xác nhận của kế toán, Báo cáo tư vấn viên, Bản dự thảo hợp đồng, các giấy tờ bổ sung khác khi có phát sinh như Bản thỏa thuận trong trường hợp BMBH không phải bố mẹ của trẻ em dưới 18 tuổi hoặc BMBH là tổ chức tham gia bảo hiểm cho các thành viên trong tập thể, Bản trả lời bổ sung sức khỏe và các giấy tờ y tế cần thiết khác trong trường hợp khách hàng có bệnh hoặc đã phẫu thuật.

- Đánh giá rủi ro:

Đây là công việc chuyên môn của nội bộ DNBH, có ý nghĩa quan trọng trong việc giao kết hợp đồng bảo hiểm – xem xét đề nghị giao kết hợp đồng của BMBH và quyết định có phát hành hợp đồng bảo hiểm hay không.

+ Các yếu tố rủi ro được xem xét khi đánh giá rủi ro:

Để ra quyết định đánh giá rủi ro, các chuyên viên đánh giá rủi ro của DNBH phải xem xét các yếu tố rủi ro liên quan đến NĐBH, đưa về từng loại rủi ro tương ứng với từng mức độ rủi ro NĐBH thể hiện. Các DNBH thường quy định có 4 mức rủi ro chung là “ưu tiên” (preferred), “tiêu chuẩn” (standard), “không đủ tiêu chuẩn” (substandard) và “từ chối” (declined). Để ra quyết định chấp nhận bảo hiểm hay không và nếu chấp nhận bảo hiểm thì mức phí cụ thể được áp dụng là bao nhiêu thì chuyên viên đánh giá rủi ro cần xem xét tổng thể 3 loại yếu tố rủi ro: rủi ro về sức khỏe, rủi ro về nhân thân và rủi ro về tài chính.

Các yếu tố rủi ro về sức khỏe bao gồm:

(i) Tầm vóc cơ thể của NĐBH: Mối liên hệ giữa chiều cao, cân nặng và sự phân bổ trọng lượng cơ thể. Những người có quá nặng cân so với tỷ lệ chiều cao

thường có rủi ro tử vong cao hơn so với người bình thường. Sự thay đổi bất thường về cân nặng cũng thể hiện sự suy yếu về sức khỏe đặc biệt đối với những người cao tuổi;

(ii) Tiền sử sức khỏe cá nhân của NĐBH: Tiền sử sức khỏe của NĐBH là một chỉ dẫn quan trọng để đánh giá rủi ro. Ví dụ như, một phụ nữ 55 tuổi đã từng bị đau tim khi 52 tuổi có thể sẽ nhanh tử vong hơn những phụ nữ 55 tuổi khác chưa có tiền sử nói trên. Các bệnh lý sau đây làm tăng rủi ro tử vong của NĐBH: bệnh cao huyết áp, bệnh thận, bệnh tim, bệnh phổi, bệnh ung thư, bệnh tiểu đường và HIV. Ngoài ra, các yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến quyết định chấp nhận bảo hiểm của DNBH.

(iii) Tiền sử sức khỏe của gia đình NĐBH: Việc một thành viên trong gia đình của NĐBH tử vong do bệnh tim hoặc bất kỳ bệnh di truyền nào hoặc một bệnh lý khác có thể là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá khả năng suy yếu về sức khỏe của NĐBH.

(iv) Việc sử dụng thuốc lá của NĐBH: rủi ro tử vong đối với người sử dụng thuốc lá cao hơn so với người không có thói quen này. Tất cả các DNBH đều chia Bảng tỷ lệ tử vong và cấu trức tỷ lệ phí riêng cho người sử dụng thuốc lá và người không sử dụng thuốc lá; thậm chí có một số sản phẩm chỉ bán cho người không sử dụng thuốc lá.

(v) Việc nghiện rượu hoặc các chất kích thích khác của NĐBH: lạm dụng rượu hoặc thuốc có thể làm tăng khả năng tử vong của con người vì thế các chuyên viên đánh giá rủi ro thường nỗ lực có được thông tin về việc NĐBH có nghiện rượu hoặc chất kích thích nào khác không. Nếu có thì quyết định đánh giá rủi ro thông thường là từ chối bảo hiểm.

Yếu tố rủi ro về nhân thân:

(i) Nghề nghiệp và nơi làm việc của NĐBH: Nói chung, nơi làm việc hiện nay đã dần dần nâng cao mức độ an toàn nhưng sự may rủi vẫn còn tồn tại ở một số ngành công nghiệp ví dụ như những ngành công nghiệp có khả năng xảy ra tai nạn như khai thác mỏ…

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/12/2023