Biện Pháp Giáo Dục Pháp Luật Cho Học Sinh Trung Học Phổ Thông

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

1.1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu

1.1.1. Các nghiên cứu ở nước ngoài

Trong giai đoạn hiện nay GDPL được xem là một nội dung có tầm quan trọng đặc biệt vì thế hầu hết các Quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách và ý thức pháp luật. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này: Chuyên đề “Tại sao thanh niên đi theo bạo lực” của tác giả Kadij Imogal, Panline Van Deth và Aymeric Beau Chene (Pháp) đăng trên tạp chí “Notes et etsudes documentaires” số 5152; Luận án Phó tiến sỹ của bà Khaxanova X.A “Giáo dục pháp luật cho học sinh lớp lớn của hệ phổ thông” (2007); Luận án Phó tiến sỹ của tác giả Matvienco L.M với đề tài “Hoạt động giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông” (2004). Cuốn sách “Giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông” của Đại học tổng hợp Kalininggrad (2001); Cuốn sách “Vấn đề giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông” của tác giả N.Kixileva, Maxcowva (2004); Cuốn sách “Giáo dục đạo đức và pháp luật cho học sinh phổ thông” của tác giả E.D Xarkixova và A.F.Trenichenko, Minsk (1993)... đều nghiên cứu GDPL trong trường phổ thông.

Nghiên cứu các tài liệu ngoài nước liên quan đến vấn đề GDPL đã cho phép tôi rút ra một số nhận xét như sau:

- Nội dung giáo dục pháp luật của các nước dành cho học sinh rất phong phú, không né tránh những vấn đề của người lớn. Các nước đã quan tâm giáo dục học sinh những vấn đề lớn lao của đất nước, những “vấn nạn‟ đã được cảnh báo từ khi con người còn ngồi trên ghế nhà trường

- Phương thức giáo dục rất hiệu quả, huy động mọi nguồn lực và sáng tạo nhiều mô hình giáo dục thông minh và coi trọng năng lực thực hành cho học sinh.

1.1.2. Các nghiên cứu ở Việt Nam

Trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát huy quyền dân chủ trong điều kiện hội nhập và phát triển bền vững, giáo dục pháp luật (GDPL) trở thành hoạt động mang tính chiến lược. Nhằm xây dựng cơ sở lý luận, định hướng hoạt động thực tiễn đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến GDPL: Cuốn sách “Bàn về giáo dục pháp luật” của PTS Trần Ngọc Đường và Dương Thị Thanh Mai, 1995; Bài viết: “Chất lượng giáo dục pháp luật và những tiêu chí đánh giá” của tác giả Nguyễn Thu Thủy, 2006); “Giáo dục pháp luật nhằm góp phần nâng cao ý thức và nghĩa vụ tuân thủ pháp luật” của tác giả Tống Đức Thảo, 2006.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Các công trình nghiên cứu về GDPL trong nhà trường: Cụ thể có cuốn sách “Giáo dục pháp luật trong nhà trường” của TS Nguyễn Đình Đặng Lục, 2004; Cuốn sách “Sống và làm việc theo pháp luật” do GS.TS Đặng Cảnh Khanh làm chủ biên, 2008; Luận văn thạc sỹ: “Thực trạng và một số biện pháp ngăn ngừa giáo dục trẻ em phạm pháp ở huyện Long Thành - tỉnh Đồng Nai” của tác giả Lê Minh Hoàng; Tác giả Lê Quý Đình: Giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông ở nước ta hiện nay (1991), đề tài “Đổi mới giáo dục pháp luật trong hệ thống các trường chính trị ở nước ta hiện nay” (1999) của Khoa Nhà nước và pháp luật - Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh do PGS. PTS Trần Ngọc Đường làm chủ nhiệm.

Ngoài ra có rất nhiều các công trình nghiên cứu về GDPL cho các đối tượng cụ thể. Nổi bật có luận án tiến sỹ của tác giả Nguyễn Quốc Sửu (2010) “Giáo dục pháp luật cho cán bộ công chức hành chính trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Đề cập đến GDPL cho các đối tượng trong doanh nghiệp nhà nước có luận án tiến sỹ của tác giả Vũ Thị Hoài Phương (2009) “Giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam”.

Giáo dục pháp luật cho học sinh các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Tỉnh Thái Nguyên - 3

Nghiên cứu tổng quan vấn đề từ việc khảo sát các đề tài liên quan ở trong nước cho thấy:

Hầu hết các đề tài tập trung giải quyết nhiệm vụ phân tích thực trạng trước tính cấp bách của vấn đề, chưa tập trung giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu lý luận một cách có hệ thống. Một số đề tài đã đề cập đến những hình thức tổ chức GDPL cụ thể nhưng chưa đầy đủ và thiếu kết quả thực nghiệm để rút ra các kết luận cần thiết.

1.2. Một số khái niệm công cụ

1.2.1. Khái niệm giáo dục

Giáo dục theo nghĩa rộng là:

Quá trình toàn vẹn hình thành nhân cách, được tổ chức một cách có mục đích và có kế hoạch, thông qua các hoạt động và quan hệ giữa người giáo dục và người được giáo dục, nhằm truyền đạt và chiếm lĩnh những kinh nghiệm xã hội của loài người.

Giáo dục theo nghĩa hẹp là

Một bộ phận của quá trình sư phạm, quá trình giáo dục theo nghĩa hẹp - Là quá trình hình thành niềm tin lý tưởng, động cơ, tình cảm, thái độ, những nét tính cách của nhân cách XHCN, những hành vi, thói quen cư xử đúng đắn trong xã hội, thuộc các lĩnh vực đạo đức, lao động, tư tưởng chính trị, thẩm mỹ, vệ sinh… Chức năng trội của giáo dục (theo nghĩa hẹp) là hình thành phẩm chất đạo đức của con người [16].

Theo tài liệu của tác giả Phạm Viết Vượng, Đặng Vũ Hoạt “Giáo dục theo nghĩa hẹp là quá trình hai mặt, mặt tác động của nhà sư phạm và mặt tiếp nhận của người được giáo dục. Giáo dục là sự tác động và sự chuyển hoá những yêu cầu từ bên ngoài thành những phẩm chất bên trong của cá nhân”. „Về bản chất, giáo dục là quá trình tổ chức cuộc sống, hoạt động và giao lưu cho học sinh, nhằm giúp họ nhận thức đúng, tạo lập tình cảm và thái độ đúng, hình thành những thói quen, hành vi văn minh trong cuộc sống, phù hợp với chuẩn mực xã hội.

1.2.2. Khái niệm pháp luật

Khái niệm pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau:

- Theo Khổng Tử: Pháp luật theo ông không chỉ là luật hình mà chủ yếu là hình phạt được đặt ra, áp dụng cho những người không hiểu và không theo được lễ, theo tinh thần “Lễ nghi không tới thứ dân, hình phạt không tới trượng phu” [9].

- Montesquieu cho rằng: “Luật, theo nghĩa rộng nhất, là những quan hệ tất yếu từ bản chất của sự vật. Với nghĩa này thì mọi vật đều có luật của nó. Thế giới thần linh, thế giới vật chất, những trí tuệ siêu việt, cho đến các loài vật và loài người đều có luật của mình” [15].

- Theo từ điển tiếng Việt: “Pháp luật là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc do nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế” [22].

- Theo từ điển luật học:

1. Nghĩa rộng: Pháp luật là những quy định do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt ra để hướng dẫn cách xử sự bắt buộc mọi người, mọi tập thể, tổ chức và là căn cứ để xử lý những xử sự không đúng với các quy định ấy.

2. Nghĩa hẹp: Pháp luật là những quy phạm do Quốc hội ban hành theo hình thức hiến pháp, luật (đạo luật, bộ luật), nghị quyết và do ủy ban thường vụ quốc hội ban hành dưới hình thức pháp lệnh, nghị quyết. Những quy định của các cơ quan khác gọi là pháp quy [23].

Theo học thuyết Mác-Lê Nin nhà nước và pháp luật là hai hiện tượng lịch sử có quá trình phát sinh, phát triển và tiêu vong, do đó những nguyên nhân làm xuất hiện nhà nước cũng chính là nguyên nhân làm xuất hiện pháp luật.

Trong xã hội cộng sản nguyên thủy không có nhà nước bởi thế không có pháp luật, nhưng xã hội cộng sản nguyên thủy cần đến quy tắc để điều chỉnh hành vi con người duy trì trật tự xã hội đó, đã xuất hiện các quy tắc xã hội bao gồm tập quán, tín điều, tôn giáo.

Tập quán này được mọi người thi hành một cách tự nguyện theo thói quen không cần cưỡng chế của nhà nước.

Khi chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất ra đời, xã hội phân chia thành những giai cấp đối kháng, nhà nước xuất hiện cùng với nó là pháp luật cũng hình thành để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước.

Nhà nước và xã hội là sản phẩm của xã hội có giai cấp. Pháp luật đầu tiên của xã hội loài người là là pháp luật của nhà nước chủ nô.

Có thể nhận thấy rằng pháp luật hình thành từ hai con đường: Một là, Nhà nước thừa nhận những quy tắc vốn tồn tại trong xã hội và cải tạo những quy tắc đó cho phù hợp với lợi ích của nhà nước. Hai là, thông qua con đường hoạt động xã hội, Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới nảy sinh trong thực tế mà trước đó không có.

Từ những phân tích trên có thể hiểu pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự, là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội do Nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và được thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội đều có một kiểu Nhà nước và một kiểu pháp luật tương ứng. Lịch sử xã hội loài người đã có các kiểu pháp luật chủ nô, pháp luật phong kiến, pháp luật tư sản và pháp luật xã hội chủ nghĩa. Pháp luật hoàn toàn không phải là sản phẩm thuần túy của lý tính hay bản tính tự nhiên phi giai cấp của con người như học thuyết pháp luật tự nhiên quan niệm.

Pháp luật, như Mác - Ăng - ghen phân tích, chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp, có Nhà nước; bản chất của pháp luật thể hiện ở tính giai cấp của Nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật cũng mang tính xã hội, bởi vì ở mức độ nhất định, nó phải thể hiện và bảo đảm những yêu cầu chung của xã hội về văn hóa, phúc lợi, môi trường sống… Về mặt này, pháp luật xã hội chủ

nghĩa có sự thống nhất giữa tính giai cấp và tính xã hội. Pháp luật còn là một bộ phận quan trọng của cấu trúc thượng tầng xã hội. Nó do cơ sở hạ tầng quyết định, nhưng có tác động trở lại đối với cơ sở hạ tầng. Nếu pháp luật phản ánh đúng đắn các quy luật vận động và phát triển của xã hội, nhất là các quy luật kinh tế thì pháp luật sẽ có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, pháp luật sẽ kìm hãm sự phát triển đó. Theo Lênin, “Một đạo luật là một biện pháp chính trị”. Trong lịch sử, bất cứ giai cấp cầm quyền nào cũng dựa vào pháp luật để thể hiện và thực hiện chính trị của giai cấp mình. Pháp luật trở thành hình thức thể hiện tập trung, trực tiếp chính trị của giai cấp cầm quyền, là một công cụ sắc bén thể hiện quyền lực của Nhà nước thực hiện những yêu cầu, mục đích, nội dung chính trị của nó. Do đó, Nhà nước nào, pháp luật ấy. Những thuộc tính cơ bản của pháp luật là tính quy phạm, tính cưỡng chế, tính khách quan, tính Nhà nước, tính hệ thống và tương đối ổn định [24].

1.2.3. Khái niệm giáo dục pháp luật

Khái niệm giáo dục pháp luật cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau:

Trong khoa học pháp lý, giáo dục pháp luật được xem là hoạt động có tính định hướng của các cơ quan Đảng, Nhà nước với các tổ chức xã hội, trong đó người giáo dục và người được giáo dục luôn tác động qua lại lẫn nhau, thiết lập những hành vi xử sự phù hợp các quy phạm pháp luật. Hoạt động của giáo dục pháp luật nhằm hình thành ở con người thói quen xử sự phù hợp với đòi hỏi của pháp luật.

Giáo dục pháp luật là quá trình tác động có tính liên tục, lâu dài, thường xuyên. Vì thế, giáo dục pháp luật phải thông qua nhiều cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, trong đó Hội đồng phối hợp phổ biến GDPL giữ vai trò quan trọng, nhưng cần phải có sự kết hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan nhằm mục

đích hướng dẫn hành vi của con người xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các phương tiện thông tin đại chúng, các trường học, mỗi một cá nhân có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật. Người giáo dục pháp luật thực sự phải là tấm gương sáng trong việc chấp hành pháp luật, có như vậy mới tạo được niềm tin và tính thuyết phục trực tiếp đối với người được giáo dục.

Có quan điểm cho rằng: GDPL không phải là một bộ phận độc lập trong hệ thống giáo dục ở trường phổ thông. Nó là một nội dung, một bộ phận giáo dục chính trị, tư tưởng và giáo dục đạo đức.

Quan điểm đồng nhất GDPL với việc tuyên truyền, phổ biến giải thích pháp luật, đó là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách, các phương tiện thông tin đại chúng và cả bộ máy tuyên truyền.

Có quan điểm ngược lại quan điểm nêu trên khi cho rằng GDPL đồng nghĩa với dạy và học pháp luật ở các nhà trường. Còn việc tuyên truyền, phổ biến về pháp luật ở ngoài xã hội thì không phải là GDPL.

Ngoài ra, có quan điểm cho rằng không có khái niệm GDPL. Bởi PL là những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, mỗi người phải có nghĩa vụ tuân thủ. Do đó không cần đặt vấn đề GDPL mà chỉ cần phổ biến pháp luật để mỗi người tự tìm hiểu để có cách xử sự cho đúng.

Trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu về khái niệm GDPL được sử dụng phổ biến hiện nay. Luận văn đã mở rộng nội hàm khái niệm GDPL theo hướng phát huy năng lực hoạt động thực tiễn của đối tượng giáo dục. Theo đó, GDPL là hoạt động thực tiễn xã hội thực hiện sự tác động một cách thường xuyên, hệ thống lên đối tượng giáo dục nhằm trang bị kiến thức xây dựng thái độ, niềm tin pháp luật một cách đúng đắn, đồng thời giáo dục kỹ năng thích

ứng cũng như xử lý các tình huống trong cuộc sống theo pháp luật, thúc đẩy mọi công dân tự giác và chủ động thực hiện nghiêm minh pháp luật.

Từ sự phân tích cơ sở lý luận về giáo dục và giáo dục pháp luật cho học sinh trong trường trung học phổ thông (THPT), luận văn đưa ra kết luận: GDPL cho học sinh trong trường THPT là quá trình tác động một cách có mục đích, có kế hoạch đến học sinh thông qua hệ thống phương pháp sư phạm của nhà giáo, tập thể sư phạm, các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường nhằm trang bị tri thức pháp luật, xây dựng ý thức và tình cảm pháp luật đúng đắn, rèn luyện cho các em thói quen, kỹ năng thực hiện hành vi theo những chuẩn mực pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

1.2.4. Biện pháp giáo dục pháp luật cho học sinh Trung học phổ thông

Là những cách thức cụ thể mà các lực lượng giáo dục sử dụng để tác động đến học sinh nhằm hình thành ở các em ý thức, thái độ, hành vi pháp luật đúng đắn, tạo ra nếp sống, thói quen, hành vi chấp hành pháp luật từ những yêu cầu cụ thể đến những nội dung các luật trong một thể chế, đích cuối cùng là hình thành một nhân cách có văn hoá pháp luật trong xã hội văn minh.

Vì thế, vấn đề đặt ra là người giáo dục phải hiểu biết sâu về kiến thức pháp luật và phải nắm vững tri thức pháp luật, biết cách truyền tải và là tấm gương, là hình mẫu trong việc tuân thủ pháp luật.

1.3. Giáo dục pháp luật cho học sinh trung học phổ thông

1.3.1. Mục đích, vai trò của giáo dục pháp luật cho học sinh THPT

1.3.1.1. Mục đích của GDPL cho học sinh trong trường THPT

Mục đích của công tác GDPL cho học sinh trong trường trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho các em. Sự hiểu biết là cơ sở, là nền tảng giúp học sinh biết cách hành động phù hợp với các chuẩn mực đặt ra.

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 19/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí