Giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam - 2


MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

Trong những năm qua thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm hàng năm của thị trường đạt mức trung bình gần 20%, sản phẩm trên thị trường ngày một đa dạng, phong phú về chủng loại và chất lượng. Thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng chuyên nghiệp có sự kết nối với các thị trường tín dụng, chứng khoán trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Bên cạnh những xu hướng thuận lợi cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng, không thể phủ nhận những vấn đề sẽ còn tiếp tục đe dọa sự an toàn của thị trường như: khả năng tài chính của các DNBH trên thị trường chưa đủ lớn, quản trị doanh nghiệp chưa tốt, hành vi trục lợi ngày càng tinh vi hơn và phát triển từ tự phát đến hành vi có tổ chức, hoạt động rửa tiền, cạnh tranh diễn ra ngày càng phức tạp,... Công tác giám sát thị trường bảo hiểm đòi hỏi phải có sự chuyển biến, phù hợp với mức độ phức tạp và đa dạng của thị trường nhằm định hướng thị trường phát triển an toàn, bền vững và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Xuất phát từ lý do đó, với góc độ của một người công tác trong cơ quan quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài “Giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam” để làm đề tài nghiên cứu luận án.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Ở Việt Nam hiện nay, đã có một số công trình nghiên cứu về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ và phạm vi nghiên cứu của các đề tài đề cập ở các khía cạnh khác nhau, góc độ và cách thức nghiên cứu khác nhau, cụ thể như sau:

Luận án tiến sĩ“Các giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ở Việt Nam” của tác giả Hoàng Mạnh Cừ (2006), Học viện Tài chính. Luận án tập trung đi sâu vào nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam. Trong đó cũng có giải pháp liên quan đến các qui định pháp luật về cơ chế tài chính, là các qui định làm cơ sở cho công tác giám sát tài chính của cơ quan Nhà nước đối với thị trường. Tuy nhiên, các giải pháp đó đề xuất cho giai đoạn phát triển thị trường đến năm 2010.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.


Luận án tiến sĩ “Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của các DNBH Nhà nước ở Việt Nam trong điều kiện mở cửa và hội nhập” của tác giả Đoàn Minh Phụng (2007), Học viện Tài chính. Luận án đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với các DNBH Nhà nước, tuy nhiên thời điểm đề xuất giải pháp đã cách đây 7 năm.

Giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam - 2

Luận án tiến sĩ “Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam” của tác giả Trần Hùng Dũng (2009), Đại học Kinh tế quốc dân. Luận án tập trung vào nghiên cứu về mặt lý luận, thực trạng và hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm của một số DNBH phi nhân thọ có thị phần lớn ở Việt Nam, chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2003-2007.

Luận án tiến sĩ “Giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam” của tác giả Trịnh Xuân Dung (2011), Đại học Kinh tế quốc dân đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, đưa ra các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, trong có có đề cập đến giải pháp đẩy mạnh công tác giám sát thị trường nhưng luận án không đi vào nghiên cứu một cách có hệ thống cơ sở lý luận và thực trạng hoạt động giám sát.

Luận án tiến sĩ “Phương pháp đánh giá năng lực tài chính các DNBH phi nhân thọ tại Việt Nam” của tác giả Trịnh Hữu Hạnh (2012), Học viện Tài chính. Luận án đã nghiên cứu khía cạnh đánh giá năng lực tài chính của các DNBH thông qua đánh giá đúng khả năng thanh toán của DNBH. Mục tiêu nghiên cứu chính của luận án tập trung xác định mức độ đầy đủ vốn được xác định thông qua phương pháp tính vốn trên cơ sở rủi ro theo cách tính của DNBH.

Luận án tiến sĩ “Hiệu quả hoạt động đầu tư của các DNBH phi nhân thọ Việt Nam” của tác giả Trịnh Chi Mai (2013), Đại học Kinh tế quốc dân. Luận án đi sâu vào nghiên cứu hoạt động đầu tư và hiệu quả hoạt động đầu tư trên giác độ của DNBH.

Luận án tiến sĩ “Phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế” của tác giả Đinh Công Hiệp (2014), Học viện Tài chính. Luận án đã nghiên cứu và đưa ra các giải phát phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập.

Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Hệ thống giám sát tài chính quốc gia”, mã số KX 01.19/06-10 do PGS.TS. Tô Ngọc Hưng làm chủ nhiệm. Đề tài đã trình bày những



luận cứ và thực tiễn về hệ thống giám sát tài chính quốc gia, thực trạng hệ thống giám sát tài chính Việt Nam và những định hướng, giải pháp hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính Việt Nam trong đó có phần đề cập đến cơ quan giám sát bảo hiểm. Tuy nhiên, đề tài được nghiên cứu trên tổng thể thị trường tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và tập trung vào mô hình cơ quan giám sát của thị trường tài chính. Chưa đi vào phân tích hoạt động giám sát, nội dung giám sát.

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện tài chính (2011), “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của nhà nước đối với thị trường bảo hiểm ở Việt Nam” do PGS.TS. Hoàng Trần Hậu và TS. Hoàng Mạnh Cừ làm chủ nhiệm. Đề tài nghiên cứu các tác động quản lý, giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường bảo hiểm kể từ khi Nhà nước có chủ trương mở cửa thị trường bảo hiểm theo hướng đa dạng và hội nhập. Đề tài không nghiên cứu tách bạch riêng hoạt động giám sát và hoạt động quản lý. Đối tượng nghiên cứu là cả thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Đề tài không đề cập đến hoạt động, phương thức giám sát của cơ quan giám sát.

Nhìn chung mỗi công trình nghiên cứu mới chỉ khai thác một khía cạnh trong hoạt động của mỗi DNBH như chi phí, đầu tư, vốn,… không đề cập và nghiên cứu tổng thể đến hoạt động của một DNBH cả về hoạt động nghiệp vụ và hoạt động tài chính; Mới chỉ nghiên cứu đến một loại hình doanh nghiệp như DNBH Nhà nước. Thời gian đề cập cách đây đã lâu, không còn phù hợp hoặc giảm tính thời sự đối với sự biến động và phát triển của thị trường hiện nay. Điều quan trọng là các công trình đều nghiên cứu về lý luận, thực trạng và đưa ra các giải pháp từ góc độ của các DNBH. Chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống đối với hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ từ góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước như phương thức, qui trình, nội dung giám sát của cơ quan giám sát đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ; chưa có công trình nghiên cứu nào đề xuất các giải pháp cho hoạt động của cơ quan giám sát thị trường trong điều kiện và trình độ phát triển của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện nay.

Nhận thức về những mặt đã được đề cập và chưa được đề cập của các đề tài đã nghiên cứu, luận án tập trung vào giải quyết những vấn đề còn trống chưa được các đề tài đó nghiên cứu, đó là hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trên các giác độ: Phương thức giám sát, nội dung giám sát, qui trình giám sát, thực trạng hoạt



động giám sát,... từ phương diện của cơ quan quản lý Nhà nước; Đánh giá hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2013; Đưa ra các giải pháp hoàn thiện hoạt động giám sát thị trường phù hợp với trình độ thị trường, xu hướng phát triển của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Vì vậy, luận án có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn trong hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

3. Mục đích nghiên cứu của luận án

Nghiên cứu và làm rõ những vấn đề mang tính lý luận về bảo hiểm, thị trường bảo hiểm và hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm nói chung, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng. Luận án tập trung phân tích và đánh giá hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong giai đoạn 2008- 2013, những tác động của hoạt động giám sát đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong giai đoạn đó; Phân tích những nội dung cần phải đổi mới trong hoạt động giám sát thị trường cho phù hợp với sự chuyển biến của thị trường, môi trường phát triển trong nước cũng như xu hướng toàn cầu; Từ đó đề xuất các giải pháp để hoàn thiện hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong giai đoạn tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

Luận án giới hạn chỉ nghiên cứu những vấn đề được xem là căn bản có liên quan

đến mục tiêu nghiên cứu, cụ thể:

Đối tượng nghiên cứu:

Những vấn đề lý luận về giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ; kinh nghiệm giám sát thị trường bảo hiểm của các nước; thực tiễn giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu:

- Nghiên cứu hoạt động giám sát của cơ quan Nhà nước đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trên các giác độ giám sát nghiệp vụ và giám sát tài chính của DNBH phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm; có đề cập đến hoạt động giám sát đối với các trung gian trên thị trường, giám sát bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giám sát sản phẩm trên thị trường thông qua giám sát đối với DNBH phi nhân thọ; Không đi vào nghiên cứu hoạt động tự giám sát của từng DNBH và giám sát của người tiêu dùng, bên thứ ba (các tổ chức độc lập) đối với DNBH.



- Nghiên cứu thực tiễn hoạt động giám sát của cơ quan giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và các tác động từ hoạt động giám sát đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt nam;

- Ngày 11/01/2007 Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Đến nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới (là thành viên của ASEAN, tham gia sáng lập ASEM, gia nhập APEC,…). Đến hết năm 2007, hệ thống văn bản pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm tương đối đầy đủ kể từ Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với các cam kết WTO về mở cửa thị trường bảo hiểm. Do đó từ năm 2008 đến 2013 là khoảng thời gian thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đã có môi trường pháp lý đầy đủ, trong bối cảnh hội nhập. Với khoảng thời gian này đủ để thị trường cũng như hoạt động giám sát thị trường thể hiện những mặt được và bộc lộ những điểm còn yếu kém. Do vậy, thời gian nghiên cứu của luận án tập trung vào giai đoạn 2008 - 2013.

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận án đã sử dụng phương pháp luận xuyên suốt là chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau trong quá trình nghiên cứu của luận án:

- Phương pháp nghiên cứu tổng hợp: Luận án vận dụng các phương pháp đánh giá tổng hợp để hệ thống hoá về mặt lý luận các phương thức giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, đánh giá đầy đủ hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam.

- Phương pháp so sánh đối chiếu: Đối chiếu giữa lý luận và thực tiễn để tìm ra những khó khăn, thách thức trong hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam, so sánh thực tiễn của Việt Nam với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Ngoài ra, luận án còn vận dụng phương pháp thống kê, phân tích số liệu, định tính để làm rõ những nội dung liên quan.

6. Những đóng góp của luận án

- Hệ thống hóa và làm rõ thêm những vấn đề lý luận về hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ;

- Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới về giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ để rút ra bài học cho Việt Nam;



- Phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2013;

- Đề xuất các giải pháp hoàn thiện hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

7. Kết cấu luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình công bố của tác giả liên quan đến luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, kết cấu của luận án gồm 3 chương (146 trang):

Chương 1: Những lý luận cơ bản về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (47 trang)

Chương 2: Thực trạng giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam giai

đoạn 2008 - 2013 (54 trang)

Chương 3: Giải pháp hoàn thiện hoạt động giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam (45 trang)


Chương 1

NHỮNG LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG

BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ VÀ GIÁM SÁT THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ

1.1. NHỮNG LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ

1.1.1. Khái niệm thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

1.1.1.1. Khái niệm về bảo hiểm và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

Trong đời sống sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, dù muốn hay không muốn đều có thể xảy ra những rủi ro, nguy hiểm đe doạ đến tính mạng và tài sản của mỗi người. Lúc nào con người cũng phải tìm cách để bảo vệ chính bản thân và tài sản của mình trước những rủi ro phát sinh trong cuộc sống. Để đối phó với các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, con người đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như: chấp nhận rủi ro, né tránh rủi ro, kiểm soát rủi ro và chia sẻ rủi ro. Bảo hiểm chính là một trong những cách tìm kiếm phòng vệ đó bằng cách chia sẻ những rủi ro nguy hiểm cho bên thứ ba. Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về bảo hiểm, xét trên từng khía cạnh và góc nhìn thì bảo hiểm được hiểu như sau:

Theo các chuyên gia bảo hiểm, một định nghĩa đầy đủ và thích hợp cho bảo hiểm phải bao gồm việc hình thành một quỹ tiền tệ, sự chuyển giao rủi ro và kết hợp số đông các đơn vị, đối tượng riêng lẻ và độc lập, chịu cùng rủi ro như nhau thành một nhóm tương tác.

Theo Tiến sỹ David Bland, trong cuốn Nguyên tắc và thực hành bảo hiểm: “Bảo hiểm là một hợp đồng theo đó một bên, (gọi là Doanh nghiệp bảo hiểm - DNBH), bằng việc thu một khoản tiền (gọi là phí bảo hiểm), cam kết thanh toán cho bên kia (gọi là người được bảo hiểm - NĐBH) một khoản tiền, hoặc hiện vật tương đương với khoản tiền đó khi xảy ra một sự cố đi ngược lại quyền lợi của NĐBH" [6].

Theo Từ điển bảo hiểm Pháp - Việt, Nhà xuất bản Thống kê 1996: “Bảo hiểm là một nghiệp vụ mà theo đó, một bên là NĐBH chấp nhận trả một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm hay khoản đóng góp cho chính mình hoặc cho một người thứ ba khác để trong trường hợp rủi ro xảy ra, sẽ được trả một khoản bồi thường từ một bên khác là người bảo hiểm, người chịu trách nhiệm đối với toàn bộ rủi ro, đền bù những thiệt hại theo luật số lớn” [26].



Sự khác nhau trong các quan niệm xuất phát từ việc nhìn nhận bảo hiểm ở các góc độ và cách thức tiếp cận khác nhau. Bảo hiểm là một lĩnh vực rộng và phức tạp hàm chứa yếu tố kinh doanh, pháp lý và kỹ thuật nghiệp vụ đặc trưng nên rất khó tìm được một định nghĩa hoàn hảo thể hiện được tất cả những khía cạnh đó. Điều có thể chấp nhận được là xây dựng một khái niệm từ góc độ và cách thức tiếp cận hữu ích cho mục đích nghiên cứu. Theo cách hiểu chung nhất, Bảo hiểm là một phương thức chia sẻ, phân tán rủi ro trên cơ sở quy luật số đông, theo đó một bên (người tham gia bảo hiểm) nộp một khoản tiền nhất định (được gọi là phí bảo hiểm) cho bên kia (DNBH) để đổi lấy cam kết rằng khi rủi ro/sự kiện BH xảy ra, DNBH sẽ bồi thường hoặc trả tiền BH cho NĐBH hoặc người thụ hưởng BH cho rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm.

Căn cứ vào kỹ thuật bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm mà người ta phân chia bảo hiểm thương mại thành các nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau để quản lý đó là bảo hiểm nhân thọ (life insurance) và bảo hiểm phi nhân thọ (non-life insurance hay general insurance). Bảo hiểm nhân thọ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết. Các sản phẩm của Bảo hiểm nhân thọ có thời gian bảo hiểm dài, vừa mang tính rủi ro vừa mang tính tiết kiệm, các nghiệp vụ được quản lý theo kỹ thuật tồn tích. Bảo hiểm phi nhân thọ là nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm phi nhân thọ chỉ mang tính rủi ro, các nghiệp vụ được quản lý chủ yếu theo kỹ thuật phân chia. Trong phạm vi của đề tài này, luận án chỉ tập trung đi vào phân tích các vấn đề liên quan về bảo hiểm phi nhân thọ theo mục tiêu của đề tài.

Thị trường là một phạm trù kinh tế gắn liền với nền sản xuất hàng hóa. Hành vi cơ bản của thị trường là hành vi mua, bán mà qua đó người mua tìm mua được cái mình cần và người bán bán được cái mình có với giá thỏa thuận. Hành vi đó được diễn ra trong một thời gian và không gian nhất định. Theo Phillips Kotler, một nhà kinh tế học đã định nghĩa “Thị trường bao gồm toàn bộ các hoạt động trao đổi hàng hóa được diễn ra trong sự thống nhất hữu cơ với các mối quan hệ do chúng phát sinh gắn liền với một không gian nhất định” [19], hay cung và cầu gặp được nhau trong không gian và thời gian nhất định.

Cùng với sự phát triển của xã hội, khi nền kinh tế đạt tới một trình độ nhất định, con người đầu tư nhiều hơn để hình thành các tài sản có giá trị cao. Rủi ro xảy ra sẽ gây ra tổn thất lớn về tài sản. Khi đó con người không chỉ đối phó với các rủi ro bằng hình

Xem tất cả 202 trang.

Ngày đăng: 25/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí