Dược lý học - 24

Bệnh nang sán: người lớn uống 800mg/ngày chia 3 lần, trong 28 ngày (dùng 2

- 5 đợt), cách nhau 14 ngày. Trẻ em > 6 tuổi uống 10 - 15 mg/kg/ngày, trong 28 ngày (có thể lặp lại nếu cần).

Ấu trùng sán lợn ở não: người lớn uống 15mg/kg/ngày chia 3 lần, trong 30 ngày, lặp lại sau 3 tuần.

Giun lươn và sán dây : người lớn uống 400mg/lần/ngày trong 3 ngày Viên nén: 200mg, 400mg

Lọ 10ml hỗn dịch 20mg/ml và 40mg/ml.


1.3. Thiabendazol

BD : Mintezol

Tác dụng

+ Tác dụng với nhiều loại giun: giun đũa, giun kim, giun tóc, giun mỏ, giun lươn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 405 trang tài liệu này.

+ Tác dụng với ấu trùng di chuyển trong da và mô.

+ Ức chế sự phát triển của trứng giun.

Dược lý học - 24

Dược động học: hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa. Đạt nồng độ tối đa trong máu sau uống 1 - 2 giờ, thải qua nước tiểu trong 48 giờ, t/2 là 1 - 2giờ.

Tác dụng không mong muốn

+ Thường nhẹ và thoáng qua như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng.

+ Ngứa, phát ban, tiêu chảy, ngủ gà, chậm nhịp tim (hiếm gặp)

Áp dụng điều trị

+ Chỉ định: nhiễm giun lươn, giun xoắn, ấu trùng di chuyển trong da.

+ Chống chỉ định: quá mẫn, bệnh gan - thận nặng

+ Cách dùng và liều lượng (hay dùng tẩy giun lươn và ấu trùng di chuyển trong da)

Uống 25mg/kg/ngày chia 2 lần, trong 3 ngày (tối đa 1,5g), nên uống xa bữa ăn để giảm tác dụng không mong muốn

Viên nén: 500mg

Dung dich uống: 1ml = 500mg


1.4. Pyrantel pamoat

BD : Cobantril, combantrin, helmex, helmitox

Tác dụng

+ Hiệu lực cao với giun đũa, giun kim

+ Tác dụng vừa phải với giun móc, giun mỏ.

+ Không tác dụng trên giun tóc, giun lươn.

+ Tác dụng trên cả giai đoạn trưởng thành và chưa trưởng thành của giun,

nhưng không tác dụng với ấu trùng di chuyển trong mô

Cơ chế tác dụng: phong bế thần kinh - cơ của giun, làm cơ giun co cứng, giun bất động và bị tống ra ngoài qua tiêu hoá của vật chủ.

Dược động học: thuốc ít hấp thu qua tiêu hóa. Thải chính qua phân và một phần qua nước tiểu

Tác dụng không mong muốn:

Thường nhẹ như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu Một vài người thấy mất ngủ, chóng mặt, sốt, phát ban...

Áp dụng điều trị

+ Chỉ định: dùng cho người lớn và trẻ em nhiễm một hay nhiều loại giun như giun kim, giun đũa, giun móc, giun mỏ.

+ Thận trọng: người giảm chức năng năng gan

+ Chống chỉ định : chưa rõ

+ Cách dùng và liều lượng

Nhiễm giun đũa, giun kim,giun móc : uống liều duy nhất 10mg/kg (dạng base), với giun kim dùng nhắc lại sau 2 tuần.

Nhiễm giun móc liều duy nhất 20mg/kg/ngày trong 2 ngày hay 10mg/kg trong 3 ngày. Nhiễm giun đũa đơn thuần: liều duy nhất 5mg/kg

Viên nén: 125mg (trẻ em), 250mg (người lớn) Hỗn dịch uống: 50mg/ml


1.5. Piperazin

BD : Antepar, vermitox, pripsen

Tác dụng : tốt với giun đũa, giun kim

Cơ chế: thuốc làm giun bị liệt mềm, mất khả năng bám vào thành ruột nên bị nhu động ruột tống ra ngoài (do làm tăng phân cực cơ giun, làm giun không đáp ứng với Acetylcholin).

Dược động học: hấp thu dễ qua niêm mạc tiêu hóa, sau 2 – 4 giờ đạt nồng độ tối đa trong máu, 25% được chuyển hóa ở gan. Phần lớn thải qua nước tiểu ở dạng chưa chuyển hóa trong 24 giờ.

Tác dụng không mong muốn: rối loạn tiêu hóa, 1 số người bệnh có nhức đầu, chóng mặt

Áp dụng điều trị

+ Chỉ định: nhiễm giun đũa, giun kim

+ Chống chỉ định: tiền sử động kinh, bệnh thần kinh, suy thận, suy gan nặng

+ Thận trọng : Phụ nữ có thai, cho con bú

+ Cách dùng và liều lượng : (uống 1 lần một ngày trước ăn sáng hay chia 2- 3

lần trước ăn)

Nhiễm giun đũa: người lớn và trẻ > 12 tuổi uống 75mg/kg/ngày, tối đa 3,5g/ngày, trong 2 - 3 ngày . Trẻ 2 - 12 tuổi uống 75mg/kg/ngày, tối đa 2,5g/ngày. Trẻ < 2 tuổi uống 50mg/kg/ngày (dưới sự giám sát của bác sỹ)

Tẩy giun kim: trẻ em và người lớn uống 50mg/kg/ngày x 7 ngày, sau 2 - 4 tuần dùng đợt nữa

Viên nén: 200, 300, 500mg Siro: 500mg/5ml, 750mg/5ml, Dung dịch uống: 600mg/5ml


1.6. Levamisol (ergamisol, solaskil, ketrax)

Hiệu quả cao với giun đũa, song gây một số tác dụng không mong muốn trên thần kinh trung ương: rối loạn tâm thần, nói ngọng, động tác bất thường, nặng có thể tử vong nên nay không dùng.


1.7. Diethylcarbamazin (DEC)

BD: Banocid, hetrazan, loxuran, notezin Thuốc đặc hiệu điều trị giun chỉ.

Tác dụng

+ Hiệu lực cao với giun chỉ (dạng trưởng thành và ấu trùng).

+ Diệt được ấu trùng giun chỉ ở da và máu.

+ Không tác dụng với ấu trùng ở các hạch nhỏ, ở thuỷ tinh dịch.

Cơ chế tác dụng

+ Gây liệt cơ giun làm giun rời khỏi vị trí cư trú và bị tống ra ngoài.

+ Làm thay đổi cấu trúc bề mặt của ấu trùng, làm lộ bề mặt phôi, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống đề kháng của cơ thể vật chủ tiêu diệt.

Dược động học

+ Hấp thu nhanh qua niêm mạc tiêu hoá. Phân phối đều ở mọi tổ chức kể cả thuỷ tinh dịch.

+ Thải chủ yếu qua thận, t/2 phụ thuộc vào pH nước tiểu: nếu pH nước tiểu acid t/2 là 2 - 3 giờ, pH nước tiểu base t/2 là 10 – 12 giờ, do đó cần giảm liều ở người suy thận và có nước tiểu base.

Tác dụng không mong muốn

+ Phản ứng do thuốc: gây nhức đầu, chán ăn, mệt mỏi, đau khớp, nôn, chóng mặt.

+ Phản ứng do protein lạ được giải phóng ra khi ký sinh trùng chết: gây sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho, đau ngực, đau cơ - khớp, rối loạn tiêu hoá, tăng bạch cầu ưa acid, protein niệu…

Áp dụng điều trị

+ Chỉ định

Nhiễm giun chỉ bạch huyết, giun chỉ Loa loa

Bệnh ấu trùng giun chỉ Onchocerca (khi không có Ivermectin)

+ Chống chỉ định : bệnh cấp tính, sốt, có thai, cho con bú, trẻ < 24 tháng, dị ứng với thuốc, người > 70 tuổi, bệnh hen, suy tim, bệnh gan, thận mạn.

+ Cách dùng và liều lượng : uống sau bữa ăn.

Thuốc diệt nhanh ấu trùng. Với giun trưởng thành tác dụng chậm hơn. Thuốc có hiệu lực cao đối với Loa loa trưởng thành. Mức độ diệt Wuchereria bancrofti Brugia malayi trưởng thành chưa được biết rõ.

Có thể dùng thuốc kháng histamin trong 4 - 5 ngày đầu để giảm các phản ứng dị ứng. Nếu các phản ứng nặng xảy ra, cần tiêm corticosterorid và giảm liều tạm thời.

Phải xét nghiệm ấu trùng trong máu trong nhiều tuần sau khi kết thúc đợt điều trị. Có thể tiến hành đợt điều trị tiếp, sau 3 - 4 tuần. Việc chữa bệnh có thể đòi hỏi nhiều đợt điều trị liên tiếp, kéo dài trên 1 - 2 năm.

Các liều dùng sau đây được tính theo diethylcarbamazin base:

• Ðiều trị nhiễm Loa loa ở người lớn: Ngày thứ nhất: 1 mg/kg, 1 lần duy nhất. Ngày thứ hai: 2 mg/kg, 1 lần duy nhất. Ngày thứ ba: 4 mg/kg, 1 lần duy nhất.

Ngày thứ 4 - 18: 2 - 3 mg/kg, 3 lần mỗi ngày.

• Phòng bệnh cho người lớn: 300 mg / tuần một lần cho đến khi không còn tiếp xúc với môi trường có thể nhiễm giun.

• Ðiều trị nhiễm Wuchereria bancrofti:

Ðiều trị cá nhân: ngày 6 mg/kg, liên tiếp 12 ngày chia nhiều lần trong ngày, uống sau bữa ăn.

Ðiều trị cho cộng đồng: 6 mg/kg liều duy nhất, mỗi tuần hoặc mỗi tháng hoặc một năm 1 lần

• Ðiều trị nhiễm Brugia malayi Brugia timori:

Ðiều trị cá nhân: 3 - 6 mg/kg/ngày, dùng liên tiếp 6 - 12 ngày, chia nhiều lần trong ngày, uống sau bữa ăn.

Ðiều trị cho cộng đồng: uống 3 - 6 mg/kg, mỗi tuần hoặc mỗi tháng uống 1 lần

• Ðiều trị nhiễm Onchocerca volvulus ở người lớn: Ngày 1: 0,5 mg/kg.

Ngày 2: 0,5 mg/kg/lần, ngày 2 lần.

Ngày 3: 1 mg/kg/lần, ngày 2 lần.

Ngày 4 - 9: 4 - 5 mg/kg, chia làm 2 lần trong ngày.

• Ðiều trị nhiễm Onchocerca volvulus ở trẻ em:

Khởi đầu: 1 mg/kg/ngày, dùng 2 ngày liền. Sau tăng tới 2mg/kg/ngày rồi tới 4 mg/kg/ngày, tùy theo khả năng dung nạp thuốc và tác dụng phụ phải thuyên giảm mới dùng tiếp liều sau. Thường phải trong vòng 7 - 14 ngày mới đạt tới liều 4 mg/kg/ngày. Sau đó phải dùng tiếp trong 2 tuần nữa. Ở cả người lớn và trẻ em, cho phối hợp suramin trong 5 tuần để diệt giun trưởng thành.

Viên nén: 50mg, 100mg

Siro hay dung dịch uống: 10mg/ml, 24mg/ml

Thường dùng diethylcarbamazin citrat 100mg tương đương 51 mg diethylcarbamazin base.

+ Phòng bệnh: chống muỗi đốt, điều trị cho toàn dân vùng có tỷ lệ ấu trùng giun chỉ trong bạch huyết > 1% trở lên và điều trị cho những ca bệnh rải rác.


1.8. Ivermectin

Tác dụng

+ Tác dụng trên nhiều loại giun tròn (giun đũa, kim, lươn, tóc, móc, chỉ). Không tác dụng trên sán lá gan và sán dây.

+ Được chọn là thuốc điều trị giun chỉ Onchocerca volvulus và là thuốc diệt ấu trùng giun chỉ rất mạnh. Không tác dụng trên giun chỉ trưởng thành

+ Tác dụng kéo dài 12 tháng. Thuốc làm ấu trùng ở tử cung giun chỉ trưởng thành bị thoái hóa và tiêu đi sau 1 tháng dùng thuốc, tác dụng này kéo dài giúp ngăn chặn lây lan bệnh.

Cơ chế tác dụng

+ Thuốc trực tiếp làm bất động và thải trừ ấu trùng qua đường bạch huyết.

+ Tăng cường giải phóng GABA ở sau sinap của khớp thần kinh cơ làm cho giun bị liệt.

Dược động học: hấp thu nhanh qua tiêu hoá, phân phối vào nhiều tổ chức. Thải qua phân, t/2 là 12 giờ.

Tác dụng không mong muốn : là do phản ứng của cơ thể đối với ấu trùng bị chết,

xảy ra trong 3 ngày đầu điều trị và phụ thuộc vào mật độ ấu trùng trong da.

Áp dụng điều trị

+ Chỉ định: thuốc lựa chọn dùng điều trị bệnh giun chỉ Onchocerca. (mặc dù thuốc có tác dụng với nhiều loại giun)

+ Chống chỉ định: mẫn cảm, tổn thương ở hàng rào máu não, phụ nữ có thai, trẻ

< 5 tuổi.

+ Cách dùng và liều lượng: uống trước ăn sáng; viên nén 6mg

Điều trị ấu trùng giun chỉ Onchocerca người lớn và trẻ > 5 tuổi uống 1 liều duy nhất 0,15mg/kg, sau 1 năm dùng lặp lại.

Nhiễm giun chỉ Onchocerca, liều theo cân nặng: 15 – 25kg uống liều duy nhất 3mg.

20 – 44kg uống liều duy nhất 6mg 45 – 64kg uống liều duy nhất 9mg 65 – 84kg uống liều duy nhất 12mg

≥ 84kg uống liều duy nhất 0,15mg/kg

2. Thuốc chống sán

2.1. Niclosamid

BD : Cestocida, yomesan, tredemine, niclocide

Tác dụng: sán bò, sán lợn, sán cá, sán dây ruột (sán lùn - Hymenolepis nana).

Không tác dụng trên ấu trùng sán lợn.

Cơ chế tác dụng : chưa được biết rõ, song có nhiều giả thuyết cho rằng:

+ Thuốc có tác dụng tại chỗ, khi tiếp xúc với thuốc đầu sán bị “giết” ngay vì niclosamid ức chế sự oxy hóa.

+ Thuốc can thiệp vào sự chuyển hóa năng lượng của sán, do ức chế sự tạo ATP ở ty lạp thể.

+ Thuốc ức chế sự nhập glucose

+ Kết quả đầu sán và những đốt liền kề bị chết, sán bị tống ra ngoài theo phân thành các đoạn nhỏ hay cả con.

Dược động học: thuốc hầu như không hấp thu qua tiêu hoá. Thấm vào thân sán qua tổn thương mà niclosamid tạo ở vỏ sán làm sán bị diệt ngay ở ruột của vật chủ.

Tác dụng không mong muốn: dung nạp tốt, ít gây tác dụng không mong muốn. Có thể gặp rối loạn tiêu hoá, đau đầu, hoa mắt, ban đỏ và ngứa…

Áp dụng điều trị

+ Chỉ định: nhiễm sán bò, sán cá, sán lợn và sán lùn (dùng praziquantel khi nhiễm ấu trùng sán lợn)

+ Cách dùng và liều lượng

Viên thuốc nên nhai rồi nuốt với một ít nước sau bữa ăn sáng. Ðối với trẻ nhỏ, nên nghiền viên thuốc ra, trộn với một ít nước rồi cho uống.

• Trường hợp nhiễm sán bò, sán cá, sán lợn: Người lớn: 2 g vào buổi sáng.

Trẻ em 11 - 34 kg: 1 g vào buổi sáng. Trẻ em trên 34 kg: 1,5 g vào buổi sáng.

• Trường hợp nhiễm H. Nana (sán dây ruột) Người lớn: ngày 1 lần 2 g, trong 7 ngày liên tiếp.

Trẻ em 11 - 34 kg: ngày thứ nhất dùng 1 lần 1 g. Sau đó mỗi ngày dùng 1 lần 0,5 g, trong 6 ngày.

Trẻ em trên 34 kg: ngày thứ nhất dùng 1 lần 1,5 g. Sau đó mỗi ngày dùng 1 lần 1 g, trong 6 ngày.

Khi bị nhiễm sán, thường có rất nhiều niêm dịch ruột, nên lúc dùng thuốc, cần uống nhiều dịch quả chua để hoà loãng và loại bỏ niêm dịch, tạo điều kiện cho thuốc tiếp xúc nhiều hơn với sán. Viên nén: 500mg

Tương tác: rượu làm tăng hấp thu thuốc qua tiêu hoá và gây độc, nên không uống rượu khi điều trị


2.2. Praziquantel

BD : Biltricid, cisticid, droncit, cesol

Thuốc tổng hợp được lựa chọn điều trị các bệnh sán lá, sán dây

Tác dụng

+ Hiệu quả cao với giai đoạn trưởng thành và ấu trùng của các loại sán lá (sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán lá ruột) và sán dây (sán cá, sán chó, sán mèo, sán bò, sán lợn).

+ Không diệt được trứng sán, không phòng được bệnh nang sán.

Cơ chế tác dụng

+ Thuốc làm tăng tính thấm của màng tế bào sán với ion calci, làm mất calci nội bào của sán, sán bị co cứng nhanh chóng.

+ Khi tiếp xúc với thuốc, vỏ sán xuất hiện các mụn nước, sau đó vỡ tung ra và phân huỷ. Cuối cùng sán chết và bị tống ra ngoài.

Dược động học: hấp thu nhanh khi uống, nồng độ trong dịch não tuỷ là 15 – 20% so với huyết tương, t/2 là 1 – 1,5 giờ. Thải chủ yếu qua nước tiểu ở dạng đã chuyển hoá.


Tác dụng không mong muốn

+ Chóng mặt, đau đầu, choáng váng, buồn nôn, nôn, đau bụng, ngứa, mề đay, sốt nhẹ, đau cơ - khớp, tăng nhẹ enzym gan.

+ Các biểu hiện sốt nhẹ, ngứa, phát ban thường đi cùng với tăng bạch cầu ưa acid (do protein lạ giải phóng ra từ sán chết).

Áp dụng điều trị

+ Chỉ định

Nhiễm các loại sán gây bệnh ở người: sán máng, sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán dây…

Bệnh do ấu trùng sán lợn (bệnh sán gạo) ở não.

+ Chống chỉ định

Bệnh gạo sán trong mắt, tuỷ sống

Thận trọng ở người suy gan, phụ nữ có thai, cho con bú

Không được lái xe, điều khiển máy khi dùng thuốc vì gây chóng mặt, choáng váng.

+ Cách dùng và liều lượng: tùy theo loại sán:

Nhiễm sán máng: người lớn và trẻ em > 4 tuổi uống 60mg/kg/ngày chia 3 lần cách 4 – 6 giờ.

Nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán lá ruột: người lớn và trẻ em uống 75mg/kg/ngày chia 3 lần, trong 1 – 2 ngày.

Nhiễm các sán lá khác (sán dây lợn, bò, chó) người lớn và trẻ em uống liều duy nhất 10mg/kg.

Nhiễm ấu trùng sán lợn ở não: uống 50mg/kg/ngày chia 3 lần trong 14 – 15 ngày ( có thể đến 21 ngày). Viên nén: 600mg

Thuốc uống sau ăn, nuốt nguyên viên, không nhai, do có vị khó chịu gây buồn nôn.


2.3. Metrifonat (bilarcil)

Thuốc tác dụng với nhiều loại giun, song nay chủ yếu dùng diệt san máng Schistoma haematobium - gây tổn thương ở bàng quang.

Tác dụng

+ Diệt sán máng gây bệnh ở bàng quang cả giai đoạn trưởng thành và ấu trùng.

+ Không có hiệu lực với trứng sán, do đó trứng vẫn còn trong nước tiểu vài tháng sau khi sán trưởng thành đã bị diệt

Cơ chế tác dụng: do chất chuyển hóa của thuốc có tác dụng kháng cholinesterase của sán máng (cholinesterase của người ít nhạy cảm)

Dược động học: hấp thu nhanh qua niêm mạc tiêu hoá, t/2 là 1,5 giờ. Phân phối vào nhiều tổ chức. Thải qua nước tiểu trong 24 – 48 giờ dạng chất chuyển hoá còn hoạt tính.

Tác dụng không mong muốn: gây buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, co thắt thanh quản, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi (do cường cholinergic nhẹ )

Áp dụng điều trị

+ Chỉ định

Nhiễm sán máng gây tổn thương ở bàng quang

Phòng bệnh cho trẻ em ở những vùng có tỷ lệ bệnh cao

+ Chống chỉ định: phụ nữ có thai, không dùng thuốc giãn cơ trong 48 giờ sau khi uống metrifonat (thuốc hiệp đồng với tác dụng giãn cơ của succinylcholin)

+ Cách dùng và liều lượng: người lớn và trẻ em uống một liều đơn độc 10mg

/lần, sau đó thỉnh thoảng nhắc lại sau 3 tháng, 6 tháng và 1 năm..

Viên nén: 100mg


2.4. Oxamniquin (mansil, vansil)

Tác dụng với hầu hết các loại sán máng schistosoma. mansoni gây tổn thương ruột, thuốc không diệt được ấu trùng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/01/2024