Sự Ra Đời Của Khu Du Lịch Đồng Sen Tại Xã Mỹ Hòa.


Sen cũng xuất hiện trong kiến trúc Công Giáo, một điển hình tại nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, hình tượng hoa sen được điêu khắc trên kèo nhà và Thập Tự Giá được trang trí bao quanh là hình tượng hoa sen [hình 1.6]

Hình tượng hoa sen trong văn hóa nghệ thuật

Hình tượng hoa sen được thể hiện trong các nghệ thuật múa, trang phục sen mặc hàng ngày, trang phục múa, vật phẩm văn hóa nghệ thuật, mỹ thuật, điêu khắc, hội họa, nghệ thuật nhiếp ảnh, sản phẩm trang trí, sen trong sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm, gốm, sứ, chén, đĩa, bình, ngói, đèn, mang đậm nét văn hóa.

Hình tượng hoa sen được trang trí trong các đền thờ tự, các phù điêu bệ tượng Phật.

Hoa sen còn là hoa rất đặc biệt, được làm quà tặng thích hợp trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng được nhận.

Hình tượng hoa sen trong tuyên truyền, truyền thông và quảng cáo

Với ý nghĩa tốt đẹp của hoa sen, hình tượng hoa sen được thể hiện trong các biểu tượng (logo) của các cơ quan chính quyền như Ủy ban mật trận tổ quốc, hoa sen cũng là biểu tượng TP. HCM, biểu tượng của tỉnh Đồng Tháp, và trong các ngành văn hóa thể hiện trong các băng rôn tuyên truyền, hoa sen cũng luôn có mặt trong quốc huy, trong hình ảnh của Bác. Trong các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp hoa sen luôn xuất hiện trong các áp phích tuyên truyền vận động bầu cử, hoa sen mang thông điệp thanh khiết, sáng suốt, cao thượng và hướng đến tương lai.

Trong ngoại giao, trang phục áo dài với hình ảnh và hoa văn hoa sen cũng luôn được trình bày, thể hiện. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Barack Obama - Tổng thống Hoa Kỳ, cô gái Việt Nam trong áo chiếc áo dài màu hồng hoa sen đã trao tặng đóa hoa sen cho ngài với ý nghĩa cao quý nhất. Cũng trong chuyến thăm này, ngài cũng được Tổng Bí Thư Đảng tặng bức tranh hình Chùa Một Cột và hoa văn sen.

Hình tượng hoa sen trong nhận diện thương hiệu, du lịch

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 170 trang tài liệu này.


Hình tượng hoa sen được thể hiện trong hằng ngàn doanh nghiệp khắp nơi trong Việt Nam. Tiêu biểu được nhiều người biết đến là biểu tượng du lịch Việt Nam [hình 1.1], và Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. [Hình 1.2]

Du lịch sinh thái Đồng Sen tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - 6

Hình tượng hoa sen trở thành biểu tượng của tình Đồng Tháp [hình 1.3] và ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp [hình 1.4] thể hiện qua các logo của các doanh nghiệp, cơ quan.

Hoa sen là tính cách, lối sống, văn hóa và tâm hồn người Việt. Hiện hoa sen chưa được công nhận chính thức là Quốc hoa của Việt Nam, nhưng trong tâm thức mọi người Việt đều cho rằng hoa sen là Quốc hoa của Việt Nam. Ngày 12 tháng 06 năm 2011, tại công viên 23/ 09 TP. HCM, hoa sen đã được chính thức bình chọn là quốc hoa Việt Nam. Hiện đang chờ Thủ tướng chính phủ phê duyệt, trong tương lai hoa sen sẽ trở thành quốc hoa của Việt Nam.

Tiểu kết chương I

Trong quá trình học tập, tiếp cận các tài liệu, học viên đã trình bày các khái niệm liên quan đến đề tài nghiên cứu như: khái niệm du lịch, khái niệm tài nguyên du lịch, khái niệm sản phẩm du lịch, khái niệm du lịch sinh thái, khái niệm tài nguyên du lịch sinh thái, khái niệm cộng đồng, khái niệm cộng đồng địa phương, khái niệm du lịch cộng đồng.

Trình bày tổng quan các lịch sử, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội văn hóa, tài nguyên du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng của địa bàn nghiên cứu, để làm cơ sở nghiên cứu thực hiện đề tài.

Ngoài ra, tác giả còn tìm hiểu các đặc tính sinh học và môi trường sống của cây sen, các giá trị vật chất, thành phần dinh dưỡng của hạt sen, củ sen, giá trị y học của cây sen, các giá trị hình tượng hoa sen trong văn hóa Việt, trong du lịch và nhận diện thương hiệu.

Xã Mỹ Hòa nói riêng và huyện Tháp Mười có vị trí trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, nằm liền kề nơi diễn ra hai Lễ hội Gò Tháp, đã thu hút trăm ngàn lượt khách viếng thăm, cơ sở hạ tầng giao thông bộ tương đối, giao thông đường thủy đều thuận lợi, kết hợp khí hậu, môi trường, đất đai, cảnh quan sinh thái Đồng Sen,


và dân cư địa phương hiền hòa hiếu khách, đó là điều kiện rất thuận lợi và thích hợp để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Qua cơ sở thực tiễn địa bàn nghiên cứu, tác giả nhận thấy khu du lịch sinh thái Đồng Sen có đầy đủ các yếu tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”, để phát triển du lịch trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Việc nghiên cứu thực trạng tài nguyên du lịch để phát triển du lịch tại xã Mỹ Hòa là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.


CHƯƠNG II

HIỆN TRẠNG DU LỊCH SINH THÁI ĐỒNG SEN TẠI XÃ MỸ HÒA, HUYỆN THÁP MƯỜI, TỈNH ĐỒNG THÁP


2.1. Sự ra đời của khu du lịch Đồng Sen tại xã Mỹ Hòa.

Khu du lịch sinh thái Đồng Sen, nằm ven đê bao kênh Vành đai Gò Tháp, thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, liền kề với khu di tích Gò Tháp. Nơi đây nguyên là vùng đất của Vương quốc Phù Nam mà dấu vết còn lại là khu di tích gồm quần thể di tích Gò Tháp, vùng đất này được lớp cư dân Việt từ Đàng ngoài cùng cư dân Ngũ Quảng vào khai hoang lập nghiệp theo chủ trương mở cõi từ những năm cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18.

Vùng đất này hiện vẫn còn nhiều vùng đất trũng ngập nước quanh năm. Cây sen đã có mặt ở khắp nơi vùng đất trũng ngập nước trong tự nhiên này từ xa xưa đến nay.

Theo lời của Ông Lê Tấn Phong, có bốn thế hệ sinh sống tại Đồng Tháp Mười cho biết:

Cây sen đã có mặt cả trăm năm trước đây, mọc hoang tự nhiên khắp nơi trên các vùng đất trũng ngập nước, trên kênh rạch nhỏ, không biết ai giống sen xưa từ đâu có, ai là người đầu tiên trồng sen trên mảnh đất này, ngạc nhiên hơn từ ngày xưa và bây giờ Tháp Mười chỉ có sen hồng. Cây sen ngày xưa cho bông nhỏ, bông màu hồng đậm rất đẹp, gương nhỏ ít hạt nhưng hạt sen ăn rất thơm và bùi. Còn cây sen bây giờ là giống được nhập từ Đài Loan, hạt ăn không ngon bằng sen của mình.

Ông Lê Tấn Phong cũng cho biết thêm, theo lời kể ba của anh:

Trước đây, Đồng Tháp Mười thưa thớt người, hoang vắng, đất hoang khắp nơi không ai canh tác. Mỗi năm mùa nước lũ về cũng là mùa sen, nước lũ đến đâu sen vươn đến đó, người ta chống xuồng ra hái bông sen để chưng cúng bàn thờ, hái gương sen để ăn chơi, nấu chè, lấy tim sen làm thuốc ngủ, hoặc hái làm quà biếu cho người phương xa đến chơi, không ai trồng sen để bán cả, mà bán cũng chẳng ai


mua, ai hái cũng được. Lúc bấy giờ cây sen được xem như thứ cỏ hoang, chỉ để làm đẹp, làm cảnh ngắm chơi, chẳng có lợi ích kinh tế gì”.

Mãi đến những những năm 1980, Đồng Tháp Mười phát triển, nhiều người đến lập nghiệp sinh sống. Vì cây sen không có lợi ích kinh tế, dần dần cây sen nhường chỗ cho cây lúa phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nền kinh tế nước ta mở cửa, nhiều thương nhân đến Việt Nam làm ăn và lập gia đình sinh sống cùng với người Việt. Vào khoảng đầu năm 1998, các thương gia người Đài Loan đã đem giống sen hồng từ Đài Loan đến Tháp Mười trồng thử nghiệm, không ngờ cây sen thích hợp phát triển tốt tại vùng đất này, cho bông to, gương to nhiều hạt, hạt tròn, ít lép hạt, tinh bột nhiều, sắc hoa đẹp, cho năng suất vượt trội hơn những cây sen đang có ở Tháp Mười. Từ kết quả vượt trội đó, các doanh nhân Đài Loan đã ký hợp đồng với bà con nơi đây trồng sen, bao tiêu thu mua hạt sen để xuất đi Đài Loan, Hongkong và Singapore.

Hạt sen lần đầu tiên được “xuất ngoại” sau hằng ngàn năm “định cư” tại Tháp Mười. Lúc bấy giờ, bà con nông dân rất phấn khởi, nhiều hộ gia đình khá lên nhờ lợi nhuận trồng sen gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa.

Sau năm 2000, vì lợi ích kinh tế, bà con nông dân tại huyện Tháp Mười, mở rộng diện tích trồng sen trên các cánh đồng trồng lúa. Sen được trồng diện rộng, vào mùa hè bông sen nở rộ, tạo nên cánh đồng màu hồng mênh mông bát ngát với hương thơm nhẹ nhàng trong không gian yên tĩnh, đã làm say đắm, quyến rũ lòng người. Vào những ngày cuối tuần, nhiều sinh viên, học sinh, công nhân viên trẻ, du khách đến tham quan Lễ hội Gò Tháp, miếu Bà Chúa Xứ, đã phải ngẩn ngơ trước vẻ đẹp nơi đây, họ đã dừng chân chụp hình, thưởng ngoạn phong cảnh đẹp của các hoa sen hồng khoe sắc. Những tấm hình đẹp ấy ngày càng lan tỏa, thu hút mọi người đến đồng sen chụp hình, ngắm cảnh, trong đó có nhiều bạn trẻ đến từ TP. HCM bị “hút hồn” trước cảnh đẹp đồng sen bao la bát ngát.

Theo Ông Bùi Văn Kiệt Bảy Kiệt (còn gọi là Bảy Kiệt), chủ hộ Khu du lịch Sen Hồng Tháp Mười cho biết sự ra đời của hoạt động du lịch sinh thái Đồng Sen tại xã Mỹ Hòa:


Ông Lương Văn Hà, Công ty Sự kiện Truyền thông Say Cheese và nhóm bạn trẻ từ TP. HCM trong lần tình cờ đến tham dự Lễ hội Gò Tháp, chiêm ngưỡng cảnh đẹp đồng sen đầy sắc hồng của hoa sen trong nền xanh của lá sen. Ông Hà, cùng nhiều du khách thỏa thích chụp lại những tấm hình đẹp nhất. Ông nắm bắt được nhu cầu, nhìn thấy được tiềm năng và tương lai của đồng sen sẽ thu hút du khách, nên đã nẩy sinh ra ý định thành lập khu du lịch mang đậm dấu ấn của sen, mong muốn xây dựng cây sen trở thành thông điệp chính để thu hút phát triển du lịch Đồng Tháp.

Với tấm lòng yêu quê hương và quyết tâm của tuổi trẻ “nói là làm”, Say Cheese đã thuê mảnh đất diện tích 6ha đang canh tác trồng sen của Ông Bảy Kiệt tại xã Mỹ Hòa để thành lập khu du lịch. Tháng 09 năm 2013, Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười chính thức ra đời, hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái với các dịch vụ như cho thuê xuồng dạo trên cánh đồng sen, cho thuê tắc ráng dạo kênh Vành Đai Gò Tháp, cho thuê trang phục sen để chụp hình, nhà hàng ăn uống phục vụ các món đặc sản Nam bộ, tum (chòi, lều) để ngắm cảnh, bắt cầu dạo trên đồng sen để phục vụ cho du khách.

Với lợi thế là công ty chuyên nghiệp về sự kiện và truyền thông có nhiều kinh nghiệm, đã áp dụng công nghệ truyền thông thông tin điện tử, các công cụ quảng cáo, trực tiếp tham gia các hội chợ thương mại và du lịch. Trong thời gian rất ngắn, Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười được nhiều người biết đến, đã thu hút hàng ngàn lượt du khách khắp nơi đến đây ăn uống, nghỉ ngơi, tham quan.

Lần lượt các chủ hộ đồng sen tại xã Mỹ Hòa trồng sen thương phẩm bắt đầu tham gia hoạt động du lịch phục vụ du khách theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”, với các tên gọi như Khu du lịch Tám Sen, Khu du lịch Hai Lúa, Khu du lịch Thân Thương, Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, (nay đã đổi tên Khu du lịch Sen Hồng Tháp Mười), Khu du lịch Đồng Sen Gò Tháp và Khu du lịch Nam Đồng Sen Tháp Mười.

Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười được hình thành bằng tâm huyết của một nhóm bạn trẻ công ty Say Cheese, đã khơi dậy tiềm năng du lịch sinh thái và hình ảnh Đồng Tháp. Rất tiếc, bước ngoặt đầu tiên thành lập khu du lịch Đồng Sen Tháp


Mười của Say Cheese chỉ tồn tại thời gian ngắn, đã phải chia tay, nhường lại cho cộng đồng dân cư địa phương hoạt động ổn định và phát triển đến nay.

Theo lời Ông Bảy Kiệt (chủ thửa đồng sen cho Say Cheese thuê) cho chúng tôi biết hoạt động của Say Cheese do kém hiệu quả từ hai nguyên nhân chính:

Việc quản lý ngày càng lỏng lẻo, thái độ của nhân viên phục vụ khách hàng thiếu nhiệt tình, chậm chạp. Món ăn nấu càng ngày càng dở. Nội bộ quản lý và lao động lủng củng, chuyện cãi vã, không đồng thuận, đổ thừa, tỵ nạnh công việc cho nhau thường xuyên xảy ra. Giá cả dịch vụ bất hợp lý như giữ xe giá 5.000 đồng cho xe gắn máy, 50.000 đồng cho xe ô tô, giá 20.000 đồng cho chụp hình, giá 20.000 đồng cho một lần đi đò, giá cả ẩm thực luôn cao hơn các hộ xung quanh từ 30% trở lên. Trong khi các hộ liền kề hoàn toàn miễn phí gửi xe, qua kênh, chụp hình, khi ăn uống hay mua bất kỳ sản phẩm sen nào ở đây.

Các chủ hộ liền kề Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười bắt đầu tham gia hoạt động với mô hình tương tự, với ưu thế “cây nhà, lá vườn”, mọi thứ đều của nhà như đất trồng sen, người quản lý, người phục vụ, xuồng, gỗ tràm dựng nhà hàng, tum đều là của nhà. Nên họ không ngần ngại đưa mức giá xuống thấp, miễn phí các dịch vụ nhỏ lẻ.

Hoạt động này cũng đã tạo điểm khởi đầu quan trọng trong phát triển du lịch Đồng Tháp, mang lại những hiệu quả nhất định, quảng bá hình ảnh quê hương Tháp Mười đến với du khách, tạo công việc ổn định, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương từ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, sẽ là cơ sở để các cấp chính quyền địa phương quy hoạch đầu tư phát triển.

2.2. Hoạt động du lịch sinh thái Đồng Sen tại Mỹ Hòa

* Vị trí của Đồng Sen tại xã Mỹ Hòa

Đường Vành Đai Gò Tháp bằng bê tông chiều rộng 4m đi vào khu du lịch sinh thái Đồng Sen, cũng là đường cửa ngõ vào khu di tích Gò Tháp. Đồng Sen cách đường Quốc lộ QL845 khoảng 1,5km, cách khu di tích Gò Tháp khoảng 1,5km, cách trung tâm thị trấn Mỹ An khoảng 11Km, cách thành phố Cao Lãnh khoảng 39km, cách Vườn Quốc gia Tràm Chim khoảng 36km, cách khu sinh thái


Gáo Giồng 25km, cách Châu Đốc tỉnh An Giang khoảng 95km, cách TP. HCM khoảng 160km, theo đường Quốc lộ N2.

Với vị trí trung tâm của tỉnh Đồng Tháp, tiếp giáp với tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, giao thông đường nhựa tương đối tốt, nên thời gian di chuyển từ Đồng Sen đến các điểm du lịch trong tỉnh tương đối ngắn, dễ dàng đi lại với các địa phương trong huyện và kết nối với các địa phương của các tỉnh lân cận, cũng như thu hút du khách từ Campuchia.

Qua khảo sát thực tế của tác giả từ 50 du khách đến tham quan Đồng Sen, cho kết quả đến 78% du khách từ các nơi khác đến tham quan, du khách từ huyện Tháp Mười chỉ chiếm 22%.

Khu du lịch Đồng Sen nằm bên kênh Vành Đai Gò Tháp, bờ đê còn lại là đường Vành Đai Gò Tháp, kênh Vành Đai Gò Tháp kết nối với kênh An Phong, kênh Thanh Niên, kênh Trường Xuân và các kênh khác thông ra sông Tiền, sông Vàm Cỏ. Giao thông đường thủy rất thuận tiện đến Đồng Sen, do thừa hưởng hệ thống kênh rạch chằn chịt của Đồng Tháp Mười.

* Cảnh quan sinh thái Đồng Sen tại xã Mỹ Hòa

Tài nguyên du lịch là yếu tố hấp dẫn du khách đến tham quan. Điểm hấp dẫn của khu du lịch sinh thái Đồng Sen là tổng hợp được tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, và môi trường sinh thái.

Đồng Sen có vẻ đẹp mộc mạc thôn quê, môi trường sinh thái hoang sơ của vùng Đồng Tháp Mười, du khách đến đây sẽ được tận hưởng trọn vẹn trong bầu không khí trong lành, thuần khiết với sắc hồng của hoa sen, màu xanh của lá, hương thơm của hoa sen trong không gian bao la bát ngát kết hợp với các giá trị văn hóa lễ hội tâm linh, người dân thật hiền hòa chất phác, mến khách.

Vào mùa nước nổi, cảnh quan Đồng Sen không chỉ dừng lại cảnh đẹp mà càng hấp dẫn hơn, là nơi đẹp nhất của vùng Đồng Tháp Mười. Du khách sẽ thỏa thích trải nghiệm cuộc sống nông thôn, đắm chìm trong vùng sông nước bát ngàn hoa sen, bơi xuồng hái gương sen, câu cá, thưởng thức đặc sản ẩm thực vùng quê như canh chua cá linh bông điên điển, cá lóc nướng trui cuốn lá sen, rắn hầm sả ớt,

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/04/2023