Những Định Hướng Nhằm Bảo Tồn Và Phát Triển Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Nhóm 3


3.1.3.3. Những định hướng nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn nhóm 3

Nhóm này gồm: khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Dìn Ký, Phương Nam, Green eye. Các tài nguyên này mới được đưa vào khai thác, có hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường - chính trị trung bình đến cao. Tình trạng bảo tồn ở mức cao (bền vững trung bình đến cao). Đã và đang được đầu tư, tôn tạo với kinh phí lớn.

Với những đặc điểm như trên định hướng bảo tồn và phát triển cho nhóm này là:

Thứ nhất: giữ gìn và phát huy bản sắc Việt Nam trong khai thác và xây dựng các hạng mục.

Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Dìn Ký, Phương Nam, Green eye là các tài nguyên nhân văn mới được hình thành và khai thác trong những năm gần đây. Các khu du lịch, vui chơi, giải trí này được đầu tư nguồn vốn khá lớn với phong cách gần gũi với thiên nhiên, mang đậm dấu ấn làng quê Việt Nam.

Hầu hết các công trình, hạng mục nhân tạo tại các địa điểm này đều xây dựng theo hướng gắn liền với văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn như Đại Nam Quốc tự của khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến; quang cảnh thiên nhiên và ẩm thực đồng quê tại Dìn Ký, Phương Nam; khách sạn, hội trường theo kiến trúc nhà ở của các dân tộc Việt Nam ở Green eye. Chính điều này đã tạo nên điểm nhấn và tạo nên sức hút mới đối với loại hình du lịch cuối tuần, du lịch MICE trong những năm gần đây.

Để thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh, cũng như bảo tồn và phát triển các giá trị nhân văn đã và đang có, các địa điểm này phải luôn chú ý đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc Việt Nam trong khai thác và xây dựng các hạng mục. Điều này đòi hỏi sự quy hoạch đồng bộ và nhất quán của các chủ đầu tư trong chiều dài xây dựng và phát triển thương hiệu của khu du lịch. Song song đó, Sở VHTT&DL Bình Dương cũng cần quan tâm chỉ đạo để hướng các khu du lịch này cùng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên tài nguyên nhân văn phong phú đã và đang tạo ra.

Thứ hai: tạo sự liên kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương trong khai thác lợi ích chung từ du lịch.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.

Thực tế cho thấy, khi các khu du lịch này đi vào hoạt động đã tạo tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương. Tác động này thể hiện rõ rệt qua các khía cạnh như: tạo thêm nhiều việc làm thông qua sử dụng lao động ở mọi trình độ; cải thiện thu nhập cho người dân thông qua việc tạo cơ hội kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ như lưu trú, ăn uống, bán lẻ hàng hóa; nâng cao chất lượng hạ tầng xung quanh khu du lịch, tạo sự thuận lợi trong sinh hoạt và làm việc của người dân…Ngược lại, cộng đồng địa phương cũng tạo điều kiện cho các khu du lịch phát triển thông qua việc cung ứng nguồn nhân lực, hàng hóa phục vụ du lịch…

Trong tương lai, để khai thác du lịch ngày càng có hiệu quả, các khu du lịch này cần liên kết chặt chẽ hơn nữa với cộng đồng địa phương. Thông qua cộng đồng địa phương để xây dựng ngày càng đa dạng dịch vụ hỗ trợ du lịch, thỏa mãn mọi nhu cầu của tất cả các tầng lớp khách du lịch, từ đó xây dựng vững chắc những thành công đã và đang có. Sự liên kết chặt chẽ này cũng giúp cho Sở VHTT&DL Bình Dương quản lý, thống kê hiệu quả kinh doanh du lịch dễ dàng hơn, qua đó đề ra những quy hoạch phù hợp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cả các khu du lịch và cộng đồng địa phương.

Định hướng bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương phục vụ du lịch - 16

Thứ ba: đảm bảo vấn đề về môi trường

Các khu du lịch này thường sử dụng một lượng lớn nguồn nước để tạo vẻ đẹp cảnh quan và phục vụ ẩm thực nên khó tránh khỏi việc xả nước thải ra môi trường bên ngoài. Lượng khách du lịch lớn, tiêu thụ nhiều sản phẩm cũng đặt ra vấn đề về rác thải. Bên cạnh đó, sự tập trung hoạt động của các phương tiện giao thông của khách du lịch ở khu vực xung quanh khu du lịch cũng làm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường không khí. Tất cả những điều này đặt ra cho các khu du lịch một bài toán về phát triển bền vững.

Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, Dìn Ký, Phương Nam, Green eye là các khu du lịch hướng về thiên nhiên, văn hóa làng quê Việt Nam, do vậy trong quá trình bảo tồn và phát triển phải luôn chú ý đến vấn đề về môi trường. Để thực hiện định hướng này, các khu du lịch phải chú ý kĩ càng từ khâu quy hoạch, xây dựng


đến khâu quản lý hoạt động, qua đó kịp thời đưa ra những biện pháp khắc phục, đảm bảo phát triển bền vững cả du lịch và môi trường sinh thái.

3.1.3.4. Những định hướng nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn nhóm 4

Nhóm này gồm: chùa Thới Sơn, chùa núi Châu Thới, chùa Hội Khánh, chùa Bà, nhà cổ họ Trần, nhà tù Phú Lợi, chợ Thủ Dầu Một. Các tài nguyên này đã đưa vào khai thác khá lâu nhưng do không thu phí nên hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa được tương xứng với tiềm năng. Hiệu quả kinh tế trung bình, hiệu quả xã hội trung bình đến cao, hiệu quả môi trường thấp, hiệu quả chính trị cao. Tình trạng bảo tồn từ trung bình đến cao (bền vững trung bình đến cao). Đã và đang được trùng tu, tôn tạo với kinh phí trung bình đến lớn.

Với những đặc điểm như trên định hướng bảo tồn và phát triển cho nhóm này là:

Thứ nhất: đảm bảo giữ nguyên bản gốc trong trùng tu, tôn tạo

Tương tự như các tài nguyên của nhóm 1, các tài nguyên của nhóm này chủ yếu là các di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo. Do vậy, muốn khai thác các tài nguyên này vào du lịch có hiệu quả trước hết phải quan tâm đến vấn đề bảo tồn và tôn tạo. Trong quá trình quy hoạch trùng tu, tôn tạo phải đặc biệt chú ý đến vấn đề giữ nguyên bản gốc, tránh làm méo mó, sai lệch các giá trị nhân văn quý báu ẩn chứa trong các tài nguyên.

Hiện nay, nhà tù Phú Lợi đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo với quy mô và kinh phí rất lớn, chùa Hội Khánh và nhà cổ Họ Trần cũng là các di tích cấp quốc gia được quan tâm hàng đầu. Việc đầu tư kinh phí lớn cho các di tích này là tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên nhân văn phục vụ du lịch, song cũng đặt trách nhiệm nặng nề lên Sở VHTT&DL và các cơ quan chức năng của Bình Dương trong việc quản lý, giám sát.

Thứ hai: đảm bảo giữ gìn và phát huy các giá trị nhân văn trong quá trình khai thác phục vụ du lịch

Hầu hết các tài nguyên này đều có lịch sử hàng trăm năm tuổi, lưu giữ những dấu tích lịch sử quan trọng và đặc trưng văn hóa của đất và người Bình Dương.


Hiện tại hiệu quả khai thác du lịch còn hạn chế, nhưng trong tương lai, khi được đầu tư, quy hoạch xứng tầm, những tài nguyên này hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả to lớn tương xứng với tiềm năng vốn có.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững, trong quá trình khai thác phục vụ du lịch phải đảm bảo giữ gìn và phát huy các giá trị nhân văn. Du lịch phải là công cụ để đưa các giá trị nhân văn và bản sắc Bình Dương đến gần với công chúng, qua đó bảo tồn chúng một cách bền vững theo thời gian. Tuyệt đối không để tình trạng du lịch càng phát triển càng làm phai nhạt, móp méo các giá trị nhân văn vốn có. Bên cạnh đó, cần nhận thức sâu sắc rằng, một khi các giá trị nhân văn còn tồn tại thì hoạt động du lịch mới có thể tồn tại và phát triển.

Để đảm bảo định hướng này được thực hiện xuyên suốt trong quá trình khai thác phục vụ du lịch, Ban quản lý các tài nguyên, Sở VHTT&DL Bình Dương và các ban ngành có liên quan phải luôn quan tâm và chỉ đạo kịp thời, phối hợp nhịp nhàng trong công tác quản lý.

Thứ ba: đảm bảo vấn đề về môi trường

Hầu hết các tài nguyên trong nhóm này đều có lượng khách tham quan lớn và theo thời vụ. Sự tập trung quá đông khách tham quan trong một khoảng thời gian ngắn thường gây tác động xấu đến môi trường. Tại các chùa, vào dịp tết, lễ tình trạng vệ sinh môi trường lại khiến các nhà chức trách ngán ngẩm. Tại nhà tù Phú Lợi, nhà cổ họ Trần các công trình vệ sinh vẫn còn là điều băn khoăn đối với các nhà quản lý. Dẫu rằng việc khai thác tài nguyên du lịch nhân văn không tác động tiêu cực đến môi trường nhiều như tài nguyên du lịch tự nhiên. Song để phát triển bền vững thì mục tiêu bảo vệ môi trường là không thể không đạt được.

Trong tương lai, để khai thác các tài nguyên này phục vụ du lịch thật sự có hiệu quả theo hướng bền vững, Sở VHTT&DL Bình Dương phải chỉ đạo, hỗ trợ Ban quản lý ở các điểm du lịch thực hiện mục tiêu về môi trường ngay từ đầu. Nếu cần thiết có thể áp dụng các biện pháp hành chính đối với cả du khách và các hộ kinh doanh, phục vụ sai phạm.


3.3. Giải pháp‌

Từ những định hướng trên, việc lựa chọn các giải pháp phải bám sát định hướng đã đề ra, đảm bảo thực hiện được mục tiêu bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ du lịch. Các giải pháp được xây dựng trên góc độ tổng hợp, liên ngành, liên cấp quản lý, nên dù không đi vào từng nhóm tài nguyên cụ thể vẫn thực hiện có hiệu quả các định hướng đã đề ra.

3.3.1. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước

Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc quản lý đảm bảo cho hoạt động du lịch diễn ra an toàn, ổn định mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường cao. Để tài nguyên nhân văn được khai thác phục vụ du lịch có hiệu quả, việc thực hiện giải pháp về nâng cao vai trò quản lý nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Giải pháp nâng cao vai trò quản lý nhà nước thể hiện cụ thể qua các công tác như:

- Tổ chức hội nghị triển khai văn bản quy phạm pháp luật cho các đơn vị kinh doanh du lịch hiện tại cũng nhứ các đơn vị phát sinh mới trên địa bàn toàn: Luật Du lịch, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ tiêu chuẩn Quốc gia về phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch... để đảm bảo cho các đơn vị này kinh doanh du lịch theo đúng yêu cầu của pháp luật.

- Phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin các huyện , thị xã tổ chức điều tra, đánh giá lại các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương để có kế hoạch tổ chức và quản lý cho phù hợp.

- Nâng cao hoạt động quản lý chất lượng dịch vụ, giá cả dịch vụ du lịch tại một số điểm du lịch trong thời kì cao điểm; các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng.

- Thắt chặt công tác thanh, kiểm tra các điểm tham quan du lịch để hạn chế thấp nhất tai nạn du lịch, tình trạng chèo kéo, lừa đảo, ép khách du lịch tại một số điểm du lịch.


3.3.2. Tăng cường phối kết hợp giữa ngành du lịch với các ngành khác và với chính quyền các cấp

Muốn bảo tồn và phát triển các tài nguyên nhân văn phục vụ du lịch, cần phải tăng cường liên kết, phối hợp hoạt động du lịch với các ngành kinh tế khác. Cụ thể là sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp của các ngành thương mại, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển; nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng dịch vụ du lịch cao và đồng đều tại các điểm du lịch, giá cả hợp lí, phù hợp với thu nhập của mọi đối tượng khách du lịch.

Bên cạnh đó, để hoạt động du lịch phát triển theo đúng định hướng chung về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cần có thêm sự phối hợp giữa ngành du lịch với chính quyền các cấp. Sự phối hợp này thể hiện qua sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng đối với hoạt động du lịch và tác động ngược lại của du lịch đối với việc đề ra các kế hoạch, dự án đối với các ngành kinh tế khác của các cấp chính quyền. Để làm được điều này, các ban ngành có liên quan như Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Cục thống kê, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở tài nguyên

– Môi trường… phải nắm các thông tin và số liệu thống kê về du lịch để kịp thời đưa ra những chiến lược phát triển, quy hoạch hợp lí đảm bảo cho sự phát triển của du lịch. Ngược lại, ngành du lịch cần quan tâm đến các văn bản chỉ đạo, quy hoạch của các cơ quan này để xây dựng phương hướng phát triển cụ thể, đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa đối với các ngành kinh tế khác.

3.3.3. Về cơ chế, chính sách

Cơ chế, chính sách là một trong những điều kiện tạo điều kiện cho việc khai thác tài nguyên phục vụ du lịch phát sinh và phát triển. Nhất là với việc khai thác tài nguyên du lịch nhân văn vốn còn bỏ ngõ. Cơ chế, chính sách có thông thoáng, dễ dàng thì mới tạo sức hấp dẫn để nhà đầu tư tham gia đầu tư phục vụ phát triển du lịch.

Giải pháp về cơ chế, chính sách phải được xây dựng và thực hiện đồng bộ, thể hiện qua các công tác như:


- Rà soát, điều chịnh, bổ sung và hoàn chỉnh những nội dung quy định của Luật du lịch và các luật có liên quan qua đó hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định về du lịch tại tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.

- Tạo môi trường pháp lý, đầu tư thông thoáng, hỗ trợ về thủ tục hành chính nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch.

- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các địa bàn trọng điểm du lịch (điển hình như Thành phố Thủ dầu một) qua đó tạo sức bật cho du lịch nhân văn nói riêng và ngành du lịch tỉnh nói chung.

- Xây dựng và thực thi cơ chế khuyến khích chất lượng và hiệu quả du lịch thông qua hệ thống đánh giá, thừa nhận và tôn vinh thương hiệu, danh hiệu, địa danh du lịch và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho sự phát triển du lịch nhân văn của tỉnh.

- Có chính sách đãi ngộ, ưu tiên đối với chế độ làm việc và nghỉ ngơi của bộ phận lao động làm việc tại các địa điểm du lịch nhân văn, qua đó thu hút nhân lực đối với mảng du lịch này.

3.3.4. Giải pháp về các nguồn vốn đầu tư

Theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020 khoảng 11.700 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015 là 5.400 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 6.300 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 8.300 tỷ đồng. Tổng nhu cầu quỹ đất dành cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 1.400 ha.

Để có được nguồn vốn này, giải pháp hiệu quả nhất là:

- Lập quy hoạch chi tiết các tài nguyên có tiềm năng khai thác cao (điển hình là các di tích cấp quốc gia) để xin hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nguồn vốn này được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất - kĩ thuật du lịch, từ đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh vào khai thác du lịch nhân văn.


- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch, kêu gọi sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước. Theo đó, cơ cấu nguồn vốn đầu tư đến năm 2020 từ ngân sách Nhà nước chiếm tỉ lệ 15 - 20%, các nguồn vốn khác chiếm tỉ lệ 80 - 85%.

3.3.5. Giải pháp về xúc tiến quảng bá

Việc bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ du lịch của Bình Dương còn hạn chế trong giai đoạn 2000 - 2011, một phần là do những hạn chế trong công tác xúc tiến quảng bá. Việc xúc tiến quảng bá du lịch có tốt thì khách du lịch mới biết và có nhu cầu đến tham quan, nghiên cứu, học tập… từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch.

Trong thời gian tới, để tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh thật sự được khai thác có hiệu quả, thu hút ngày càng đông khách du lịch, phải tiến hành các giải pháp xúc tiến quảng bá sau:

- Chuyên nghiệp hóa, tập trung có quy mô lớn cho hoạt động xúc tiến quảng bá như: tổ chức đoàn Famtrip tiến hành khảo sát, giới thiệu về các điểm đến của du lịch Bình Dương; trên cơ sở thành công của chương trình Festival gốm sứ năm 2010, tiếp tục thực hiện chương trình này trong những năm tới để quảng bá sản phẩm nghề thủ công truyền thống của Bình Dương …

- Khai thác tối đa các thông tin như báo chí, truyền hình, website... để giới thiệu sâu rộng hình ảnh du lịch của Bình Dương đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, Bình Dương đã đã xây dựng xong website của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đây chính là một trong những kênh xúc tiến quảng bá du lịch có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kêu gọi các điểm du lịch xây dựng các trang web cá nhân để thuận tiện trong công việc giới thiệu hình ảnh của mình đến với du khách.

- Đầu tư ứng dụng công nghệ cao cho hoạt động xúc tiến quảng bá, khai thác tối ưu công nghệ thông tin, truyền thông và phối hợp tốt với đối tác quốc tế trong xúc tiến quảng bá du lịch.

Xem tất cả 158 trang.

Ngày đăng: 03/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí