Hiện Trạng Bảo Tồn Các Điểm Công Trình Kiến Trúc Và Nghệ Thuật


3.1.2. Hiện trạng bảo tồn các điểm công trình kiến trúc và nghệ thuật

* Chợ Thủ Dầu Một

Do bản chất là cơ sở vật chất kỹ thuật nên Chợ Thủ Dầu Một không ngừng phát triển nhằm phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh nói chung và du lịch nói riêng. Sau gần 2 thế kỉ hoạt động, Chợ Thủ Dầu Một vẫn giữ được những nét kiến trúc Đông – Tây độc đáo như xưa. Nhìn chung giá trị về vật chất còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, song giá trị về văn hóa thì ít nhiều bị mai một. Hoạt động buôn bán còn nhiều bất cập của chợ đã làm cho quan cảnh về “trái tim của Bình Dương” nhạt dần trong lòng du khách. Đó là tình trạng bề bộn, tạp nhạp, ô nhiễm môi trường...

Những hè phố và cả đường phố Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng, Đoàn Trần Nghiệp, Nguyễn Thái Học, Trừ Văn Thố... bày bán tràn lan các loại hàng hóa từ nhà ra đường, chiếm hết những lối đi, hàng hóa niêm yết giá không đúng theo quy định, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là khu vực nhà vòm ở bên cạnh khu ăn uống. Vấn đề xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh nơi bán hàng, thiết bị bảo quản thực phẩm vẫn chưa đạt yêu cầu...

Trước những vấn đề nêu trên, các ban ngành có liên quan Sở Thương mại - Du lịch, Uỷ ban nhân dân Thành phố Thủ dầu một, Uỷ ban nhân dân phường Phú Cường, Hội Liên hiệp phụ nữ... đã và đang tập trung quyết liệt giải quyết nhằm lập lại văn minh thương mại - xây dựng Chợ Thủ Dầu Một thành một chợ kiểu mẫu, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Song song với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhằm bảo tồn nét văn hóa của Chợ Thủ Dầu Một, hiện nay, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Bình Dương đang tiến hành lập hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, xin xếp hạng di tích lịch sử theo Luật Di sản văn hóa cho công trình Chợ Thủ Dầu Một.

* Nhà cổ họ Trần

Từ khi được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia đến nay, 2 ngôi nhà cổ được Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Bình Dương quản lý, con cháu của gia chủ cũng vẫn thường xuyên trông coi nên ngôi nhà hầu như vẫn còn nguyên vẹn.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.

Thực tiễn công tác bảo quản nhà cổ Trần Văn Hổ và Bác sĩ Trần Công Vàng luôn được tiến hành thường xuyên như lau chùi quét dọn, che chắn, chống đỡ tạm thời, diệt cây xanh mọc trên di tích, diệt nấm mốc mối mọt... Bảo quản bằng phương pháp truyền thống và phương pháp hóa chất. Các cổ vật trong nhà được bảo quản cẩn thận, ý nghĩa của các bức hoành phi, câu đối, đồ trang trí… được gia chủ ghi chép cẩn thận. Nhìn chung, các giá trị vật chất và văn hóa của 2 ngôi nhà cổ được giữ gìn khá nguyên vẹn.

Năm 1996, di tích nhà Trần Văn Hổ sửa chữa nhỏ là đảo ngói chống dột, thay một số cây mè, thay 3 khung cửa sổ. Năm 1999, gia cố và thay một số kèo, mè, đòn tay, thay ngói bể và thay 3 bộ cửa chính bên ngoài. Năm 2002, căn nhà dài bên ngôi nhà (dùng làm phòng trưng bày và phòng đọc sách) được phá dỡ để tạo khuôn viên sân vườn, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, hàng rào hai bên di tích, chỉnh sửa hòn non bộ, hệ thống chiếu sáng trong sân vườn khang trang xanh, đẹp.

Định hướng bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn ở tỉnh Bình Dương phục vụ du lịch - 13

Cuối năm 2005 và đầu năm 2006, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, sở Văn hóa - Thông tin đã nâng cấp công trình nền nhà Trần Công Vàng cao 0,4m và chỉnh sửa, tu bổ một số cột nhà và vệ sinh đánh bóng bảo quản toàn bộ các mảng chạm khắc hoa văn trang trí của ngôi nhà. Tháng 8 đến tháng 10 năm 2006, Ban Quản lý di tích đã thực hiện việc vệ sinh đánh bóng toàn bộ hệ thống cột kèo, các mảng chạm khắc hoa văn trang trí, liễn đối nhà cổ Trần Văn Hổ. Công tác bảo quản này sẽ giúp cho 2 di tích nhà cổ bảo đảm duy trì được độ bền và nét chạm khắc thủ công nghề mộc Bình Dương xưa lưu tồn đến mai sau.

Từ năm 2008 đến nay, ngành du lịch kết hợp với Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh đã tiến hành cải tạo, trùng tu, đầu tư hệ thống nhà vệ sinh nhằm tạo quang cảnh đẹp phục vụ du khách. Theo đại diện ngành du lịch cho biết, hiện nay, con đường vào nhà cổ đang được tráng nhựa và bố trí tiểu thương buôn bán trật tự. Sau khi hoàn chỉnh thiết kế hạ tầng bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi phục vụ cho các đoàn khách du lịch, sẽ tiếp tục thiết kế dịch vụ giải trí, vui chơi như ca múa nhạc dân tộc, phục vụ ẩm thực Nam bộ, bố trí các gian hàng bán quà lưu niệm... phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi của du khách.


Trong đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2020”, Chùa núi Châu Thới là một trong những di tích cấp quốc gia được đầu tư kinh phí lớn để trùng tu và tôn tạo.

3.1.3. Hiện trạng bảo tồn các điểm tôn giáo, lễ hội

* Chùa Hội Khánh

Về giá trị vật chất, kiến trúc, tuy đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương.

Giảng đường và Đông lang được sửa chữa năm 1917, Tây lang được xây lại năm 1984. Từ năm 1990 đến năm 1992, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa.

Năm 2002, chùa đã tôn trí một Phật đài Thích Ca lộ thiên bằng đá cao 5,1m, trong đó, tượng đức Phật cao 2,5m, ngang gối 1,8m.

Năm 2007 chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27 mét và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”, gồm có: Vườn Lâm Tì Ni (nơi Phật ra đời), Bồ Đề Đại Tràng (nơi Phật hành đạo), Vườn Lộc Uyển (nơi Phật thuyết đầu tiên), Ta La Song Thọ (đức Phật nhập niết bàn) có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp.

Năm 2008, Phật đài quy mô lớn, cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64m, chiều ngang 23m dùng làm Trường Phật học, Thư viện … Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đây là bức tượng phật nằm dài nhất Việt Nam và là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được khánh thành trọng thể vào ngày Rằm tháng Hai năm Canh Dần (30-3-2010) mừng 1.000 năm Thăng Long

- Hà Nội.

Theo đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2020”, Chùa Hội Khánh là di tích


được đầu tư tôn tạo hàng đầu cùng với Địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát và chùa Núi Châu Thới.

Về giá trị văn hóa, chùa Hội Khánh luôn giữ được bản sắc của một ngôi chùa hành phước, từ bi hỉ xả, dang tay với những phận đời bất hạnh. Hàng năm, chùa đều làm công tác từ hiện hàng trăm triệu đồng, đặc biệt là các hoạt động từ thiện hết sức ấn tượng nhân dịp chào mừng Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011 được tổ chức tại Bình Dương. Chùa đã kết hợp với toàn thể chư Tăng, Ni thị xã vận động xây dựng 100 căn nhà tình thương, tặng 1000 chiếc xe đạp cho trẻ em nghèo của tỉnh. Song song đó, chùa còn thuyết pháp, giảng đạo vào các ngày lễ cho khách tham quan để giáo dục về đưa giáo lý nhà phật vào đời sống hằng ngày, kêu gọi con người sống có tâm, tích đức…

* Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà do người Hoa ở đất Bình Dương xây dựng, quản lý và tổ chức lễ hội. Do vậy, việc trùng tu tôn tạo chủ yếu do Ban quản lý của chùa tiến hành, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Bình Dương chỉ có vai trò chỉ đạo, theo dõi, chứ không trực tiếp quản lý. Từ khi xây dựng đến nay, chùa Bà không ngừng được tiến hành từ tiền công đức của khách hành hương hàng năm. Đến nay, các pho tượng, cột chạm trổ, mái ngói... vẫn còn khá nguyên vẹn và giữ gìn được kiến trúc như ban đầu.

Trước ý nghĩa tốt đẹp, to lớn của văn hóa lễ chùa tại Bình Dương, cũng như mục đích phát huy, bảo tồn, tài nguyên du lịch nhân văn, công ty Becamex, cùng Ủy ban nhân dân tỉnh và cộng đồng người Hoa tại Bình Dương đã lên kế hoạch mở rộng chùa Bà. Chùa Bà được xây dựng mới ở Thành phố Thủ dầu một với diện tích

4.000 m2, gấp ba lần chùa Bà tại phường Phú Cường. Tháng 2 năm 2011, chùa Bà

Thiên Hậu Thánh Mẫu đã được khởi công xây dựng, với số tiền trên 10 tỷ đồng. Cuối năm 2011, công trình đã hoàn thành kịp thời phục vụ cho lễ hội rằm tháng giêng năm sau. Công trình đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài tỉnh, việc tổ chức các lễ hội hằng năm song song với chùa Bà tại phường


Phú Cường đã góp phần đáng kể trong việc phát huy và bảo tồn giá trị nhân văn vốn có của lễ hội chùa Bà từ xưa đến nay.

Về giá trị văn hóa, từ trước đến nay lễ hội chùa Bà được xem là một nét đẹp văn hóa của con người và vùng đất Bình Dương. Người dân đến viếng miếu Bà, thành tâm kính bái, lạy Bà xin phù hộ, xin lộc Bà cầu mong sự hanh thông, sáng sủa và danh giá cùng may mắn, sức khỏe cho gia đình, mua may, bán đắt, phát tài, phát lộc trong năm mới.

Ngoài ý nghĩa tinh thần đó, trong và sau Lễ hội chùa Bà, hàng loạt hoạt động từ thiện còn được tổ chức nhằm đóng góp cho các địa chỉ đỏ, các gia đình, cá nhân còn gặp nhiều khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Hàng năm, Ban tổ chức lễ hội đều dành một khoản tiền lớn để xây nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, đóng góp Quỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ khuyến học... Mỗi chiếc lồng đèn có một tên riêng như Thuận buồm xuôi gió, Kim ngọc mãn đường, Tài nguyên quảy tấn, Tứ quý hưng long, Ngũ phước lâm môn … Tên của mỗi lồng đèn đều mang một ý nghĩa rất quan trọng, thiêng liêng và tốt đẹp. Năm 2011, một trong những chiếc lồng đèn được đấu giá, có tên Thuận buồm xuôi gió được bán với số tiền 579 triệu đồng. Chiếc lồng đèn có giá trị cao hơn so với vật liệu làm nên nó nhưng những người tham gia đấu giá lồng đèn tin rằng, ai được lồng đèn mang về, năm đó sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống; nhất là đối với giới doanh nghiệp thì họ tin chắc sẽ có một năm làm ăn tốt đẹp và thăng tiến

Sau lễ hội, tiền cúng đường của bá tánh ngoài việc dùng để trùng tu, sửa chữa chùa còn được dùng vào mục đích từ thiện. Năm 2010, Ban quản trị chùa Bà đã trích hơn 1 tỷ đồng để góp vào quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa cũng như hàng trăm triệu đồng hỗ trợ cho các trường học tại địa phương.

Bên cạnh những nét đẹp đó, do lượng khách đông, việc quản lý còn nhiều khó khăn, lễ hội chùa Bà vẫn còn những vấn đề còn tồn tại, làm ảnh hưởng đến không khi trang nghiêm, lành mạnh nơi cổng chùa.


Vấn đề nhức nhối nhất trong lễ hội chùa Bà hiện nay đó là đảm bảo an ninh trật tự trước và trong lễ hội. Cụ thể là tình trạng ăn xin, móc túi, trộm cắp vẫn còn tái diễn dù lực lượng an ninh luôn chuẩn bị công tác quản lý, đối phó từ trước. Song song đó, lợi dụng tâm lý xin lộc của khách hành hương, một số kẻ lừa đảo dùng chiêu phát lộc cho du khách để “vòi” tiền lì xì. Họ bỏ tiền mua vàng miếng 9999 bằng giấy rồi cho vào bao lì xì hòa vào đội quân phát lộc để chèo kéo, ép khách lấy lộc rồi buộc họ phải trả từ 10.000 đến 20.000 đồng. Thậm chí, có khách bị buộc chi trả cho miếng vàng giả đến 100.000 đồng.

Về dịch vụ gửi xe, giá gửi xe trong những ngày lễ luôn tăng đột biến, nhất là giá giữ ô tô thường ở mức “trên trời” từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi chiếc. Xe máy thường khó tìm được chỗ gởi gần chùa, du khách hải đi bộ một đoạn xa và chịu chặt chém với giá 10.000 - 20.000 đồng/xe. Theo Tổ Quản lý trật tự phường Phú Cường, nơi có lễ hội chùa Bà, dù đã có nhiều biện pháp kiểm tra, lập biên bản các điểm giữ xe vượt giá quy định, nhưng lực lượng chức năng cũng chỉ có thể xử phạt chứ không thể dẹp được.

Về dịch vụ nhà nghỉ, vào ngày bình thường chỉ 50.000 - 80.000 đồng/phòng qua đêm nhưng vào dịp lễ các chủ dịch vụ đã “đôn” lên 100.000-300.000 đồng. Nhang đèn, đồ ăn chay, mâm lễ … cũng đua nhau tăng giá khoảng 40%.

Về vấn đề vệ sinh môi trường, trong các ngày của lễ hội, nhang đèn, đồ cúng… được bày bán khắp nơi, cùng với các dịch vụ ăn uống nở rộ do phục vụ lượng khách tham quan đông nên lực lượng vệ sinh không thể dọn sạch sẽ và kịp thời. Quang cảnh xung quanh và trong khu vực chùa Bà có phần nhếch nhác, kém thẩm mỹ.

3.1.4. Hiện trạng bảo tồn các làng nghề truyền thống

Trong quá trình khai thác phục vụ du lịch từ năm 2000 - 2011, ba làng nghề tiêu biểu của Bình Dương là sơn mài, điêu khắc gỗ, gốm sứ, vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình. Hoạt động du lịch còn yếu ớt, nhỏ lẻ nên không ảnh hưởng nhiều đến các giá trị vật chất và văn hóa tại các làng nghề. Các sản phẩm của làng nghề vẫn giữ được nét truyền thống, chưa bị lai căn bởi sự phát triển nhanh chóng


của xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra một hệ lụy không nhỏ, tinh hoa của làng nghề vẫn chưa “thấm” sâu vào du khách, chưa lan rộng đến mọi tầng lớp để có thể được bảo tồn một cách vững chắc.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc khôi phục, bảo tồn, phát triển các làng nghề đối với phát triển du lịch; trong thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh đã có những định hướng đúng đắn trong việc gìn giữ, bảo tồn và khai thác các làng nghề truyền thống lâu đời.

Để thực hiện vai trò là cầu nối, góp phần gìn giữ và phát huy thế mạnh nghề truyền thống, khai thác tiềm năng du lịch của các làng nghề sơn mài và điêu khắc gỗ Bình Dương, Hiệp hội Sơn mài– Điêu khắc ra đời ngày 29/8/2006, theo Quyết định số 3838/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Không nằm ngoài việc bảo tồn và phát huy nghề sơn mài truyền thống, nhất là bảo vệ nghệ nhân và làng nghề, ngày 5/12/2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 3855/QĐ-UBND công nhận làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đạt tiêu chuẩn là làng nghề truyền thống. Đây là cơ hội thuận lợi trong việc hưởng các chính sách ưu đãi, mở ra hướng đi mới về đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu hút lao động và tìm kiếm thị trường, phát triển nghề kết hợp với du lịch.

Song song đó, Bình Dương đã và đang hướng tới phát triển du lịch làng nghề gốm sứ bằng cách tổ chức tuần lễ du lịch, sự kiện văn hoá... nhằm thu hút khách du lịch. Từ ngày 2 - 8/9/2010, Bình Dương đã tổ chức Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương với quy mô tầm vóc quốc gia. Đây là lễ hội gốm sứ lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Festival có sự tham gia của 19 làng nghề và 50 doanh nghiệp gốm sứ trong cả nước, quy tụ được sự góp mặt khá đầy đủ của những làng nghề nổi tiếng và lâu đời của ngành gốm sứ Việt Nam trên khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Sự kiện này đã thu hút được khoảng 400.000 du khách đến tham quan mua sắm và trên 90% sản phẩm của các làng gốm đã được bán hết trong những ngày diễn ra lễ hội. Các gian hàng thủ công mỹ nghệ có doanh thu từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Sự kết thúc của lễ hội này đã mở ra một cái nhìn mới cho các làng nghề trong việc khai thác tiềm năng du lịch vốn tiềm ẩn lâu nay.


3.1.5. Hiện trạng bảo tồn các điểm danh lam thắng cảnh

* Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến

Về giá trị vật chất: từ khi được đưa vào khai thác du lịch từ năm 2008 đến nay, khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến đã không ngừng được tôn tạo. Kiến trúc của các công trình mới luôn đi theo nền chung của toàn khu du lịch đó là hướng về truyền thống dựng nước và giữ nước của Việt Nam qua các thời kì lịch sử. Với việc quy hoạch bài bản, đồng bộ, khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến đã và đang xây dựng hình tượng của một đất nước Việt Nam thu nhỏ với các giá trị lớn lao qua nghìn năm văn hiến. Trong tương lai, khu du lịch này sẽ còn được đầu tư thêm kinh phí để hoàn thiện và xây dựng thêm các công trình mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc.

Về giá trị văn hóa: có thể nói trong lòng khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, chứa nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu cho đất nước và con người Việt Nam. Với điểm nhấn là đền Đại Nam Văn Hiến, khu du lịch này đã mang đến cho du khách một cái nhìn khái quát về lịch sử Việt Nam, về công cuộc dựng nước và giữ nước cùng tinh thần đoàn kết của dân tộc ta. Tính tới thời điểm này, đây là ngôi đền lớn nhất Việt Nam và là nơi tôn vinh văn hóa, lịch sử của đất nước. Hầu hết du khách đến đây đều có cảm nhận như trở về nguồn cội, qua đó làm tăng thêm tình cảm đối với quê hương đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn ấy, khu du lịch này vẫn còn một số vấn đề làm ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa Việt Nam. Theo các chuyên gia về kiến trúc, việc bố trí, xây dựng các hạng mục có phần rối rắm chưa làm nổi bật được chủ đề chính của khu du lịch là khu vui chơi hay công trình văn hóa. Theo các chuyên gia về văn hóa, cách chạm trổ họa tiết trên cửa, tường, mái chùa... còn lẫn lộn giữa Việt Nam và Trung Quốc; cách thờ tự trong Kim Điện cũng chưa đúng; văn, thơ, câu đối khắc trên các vách đá, cổng chào... cũng còn hạn chế nhiều về cách gieo vần, nội dung...

Xem tất cả 158 trang.

Ngày đăng: 03/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí