12/2003/NĐ-CP lại không quy định rõ "cặp vợ chồng vô sinh" phải là vợ chồng hợp pháp theo quy định của pháp luật hay chỉ cần họ là những người thực hiện việc sinh con theo phương pháp khoa học.
Một vấn đề nữa là Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sinh con theo phương pháp khoa học tại Điều 6 nghiêm cấm hành vi mang thai hộ. Tuy nhiên, thực tiễn việc mang thai thuê, mang thai hộ vẫn tồn tại trên thực tế. Tranh chấp về con cái giữa người mang thai thuê (trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng thuê mang thai được cấy vào cơ thể của người mang thai thuê này) với cặp vợ, chồng thuê mang thai xảy ra khi người mang thai thuê sau khi sinh con thuê lại nảy sinh tình mẫu tử với đứa trẻ và không muốn giao con cho người thuê. Trường hợp này pháp luật xác định cha mẹ cho đứa trẻ dưới góc độ pháp lý trên nguyên tắc suy đoán như quy định tại Điều 63 Luật HNGĐ hay Điều 20 Nghị định 12/2003/NĐ-CP hay dưới góc độ khoa học sử dụng phương pháp khoa học là kiểm tra ADN để xác định cha mẹ cho đứa trẻ. Thiết nghĩ đây là những vấn đề mang tính thiết thực ảnh hưởng đến quyền thừa kế theo pháp luật giữa cha, mẹ và con cái, các nhà lập pháp cần nghiên cứu để đưa vào sửa đổi, bổ sung ở BLDS trong một vài năm tới để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hiện nay. Diện thừa kế theo quan hệ huyết thống mà BLDS năm 2005 có quy định đó là thừa kế theo pháp luật giữa các cụ và các chắt. Theo quy định của Bộ luật cụ nội, cụ ngoại thuộc diện thừa kế của chắt và các chắt được hưởng thừa kế theo pháp luật của các cụ. Quy định này góp phần gắn kết giữa các thế hệ có cùng huyết thống trực hệ trong một đại gia đình với nhau, củng cố truyền thống tốt đẹp bao đời của người dân Việt.
Điều 676 BLDS năm 2005 quy định ông bà thuộc diện thừa kế theo pháp luật của các cháu và ngược lại các cháu cũng thuộc diện thừa kế của ông bà mình. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tế Điều 47 Luật HNGĐ
năm 2000 quy định rõ: “Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 48 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
Cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại” [24].
Ngoài ra, Điều 59 Luật HNGĐ năm 2000 còn quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của ông bà đối với cháu và nghĩa vụ cấp dưỡng của cháu đối với ông bà. Chính vì những quy định như vậy của Luật HNGĐ thì không thể có lí do gì để quy định ông bà có quyền thừa kế di sản của cháu khi cháu chết mà lại không quy định cháu được hưởng thừa kế của ông bà khi ông bà qua đời. BLDS năm 1995 đã không quy định vấn đề cháu được hưởng thừa kế của ông bà nên nó đã không đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Diện thừa kế theo quan hệ huyết thống luôn luôn là căn cứ quan trọng để xác định diện thừa kế theo pháp luật. Nó là sợi dây gắn kết giữa những người có mối quan hệ huyết thống thân thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam, nơi luôn lưu giữ những kỷ niêm của mỗi thành viên và là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người. Gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới phồn vinh, giầu mạnh.
2.1.2. Diện thừa kế dựa trên quan hệ hôn nhân
Quan hệ hôn nhân là quan hệ vợ chồng được pháp luật thừa nhận trên cơ sở của việc kết hôn, theo quy định của Luật HNGD 2000 thì kết hôn là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và những trường hợp cấm kết hôn. Cũng theo quy định của Luật HNGĐ năm 2000 tại Điều 31 thì: “vợ chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về quyền thừa kế” [24].
Trong thời kỳ phong kiến địa vị của người vợ bị xem nhẹ, họ không thuộc diện thừa kế của người chồng. Bộ Hoàng Việt luật lệ phản ánh rõ nét sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng. Theo quy định của Bộ luật này thì sau khi kết hôn người chồng là chủ sở hữu toàn bộ khối tài sản giữa vợ và chồng kể cả những tài sản do người vợ đem về nhà chồng (còn gọi là của hồi môn). Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân thuộc diện thừa kế theo pháp luật phải là quan hệ hôn nhân hợp pháp tức là nếu vào thời điểm mở thừa kế giữa họ có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Pháp luật Việt Nam thừa nhận hôn nhân hợp pháp trong từng giai đoạn khác nhau nên phải xác định quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng theo quy định của Luật HNGĐ hiện hành vào thời điểm giải quyết việc thừa kế.
Có thể bạn quan tâm!
- Diện và hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 - 3
- Diện Và Hàng Thừa Kế Theo Quy Định Của Một Số Nước Trên Thế Giới
- Diện Thừa Kế Theo Quy Định Của Pháp Luật Việt Nam Hiện Hành
- Hàng Thừa Kế Theo Quy Định Của Pháp Luật Việt Nam Hiện Hành
- Những Trường Hợp Không Được Hưởng Thừa Kế Theo Quy Định Của Pháp Luật Việt Nam Hiện Hành
- Thực Trạng Giải Quyết Tại Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành Phố Đà Nẵng
Xem toàn bộ 98 trang tài liệu này.
Theo quy định của Luật HNGĐ hiện hành thì nam, nữ khi kết hôn phải tuân thủ điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 9 Luật HNGĐ và không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn được quy định tại Điều 10 của luật này. Đó là:
- Nam phải từ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn phải do nam nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
- Việc kết hôn không thuộc một trong những trường hợp cấm kết hôn được quy định tại Điều 10 bao gồm:
+ Cấm kết hôn giữa những người đang có vợ hoặc đang có chồng;
+ Người mất năng lực hành vi dân sự;
+ Giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời;
+ Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
+ Giữa những người có cùng giới tính.
Để được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp còn phải đăng ký kết hôn theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà Luật HNGĐ quy định. Theo quy định của Luật HNGĐ năm 2000 cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ kết hôn. Trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với nhau ở nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Trong trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương (gọi là Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh) nơi thường trú của công dân Việt Nam. Ngoài ra, nam, nữ kết hôn phải tuân thủ nghi thức kết hôn theo pháp luật quy định. Sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định thì họ sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Giấy đăng ký kết hôn chính là một sự đảm bảo về mặt pháp lý cho quan hệ vợ chồng giữa họ, nó cũng là cơ sở pháp lý để xác định diện thừa kế theo quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, trong thực tiễn nước ta còn có nhiều trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng mà không có giấy đăng ký kết hôn theo quy định do nhiều nguyên nhân khác nhau trước khi Luật HNGĐ năm 2000 có hiệu lực, những trường hợp này nhà nước ta đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phấn Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HNGĐ 1986 ngày 20/12/1988. Năm 2000, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2000/QH-10 ngày 09/6/2000, Đến năm 2001, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ra đời hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH-10. Những văn bản nêu trên đã góp phần giải quyết triệt để tình trạng hôn nhân không có giấy đăng ký kết hôn tồn tại trước đây mà còn gọi là tình trạng hôn nhân thực tế. Những văn bản này đã khẳng định rõ việc thiết lập quan hệ vợ chồng theo từng giai đoạn như sau:
- Nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày luật HNGĐ 1986 có hiệu lực) mà không đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân của họ vẫn được coi là hợp pháp, nhà nước chỉ khuyến khích họ đi đăng ký kết hôn chứ không bắt buộc. Họ được coi là vợ chồng hợp pháp từ thời điểm mà họ về chung sống với nhau như vợ chồng.
- Nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 có đủ điều kiện kết hôn mà chưa đăng ký kết hôn thì phải có nghĩa vụ đi đăng ký kết hôn (pháp luật gia hạn thêm cho họ 2 năm kể từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003 để đi đăng ký kết hôn), nếu họ không đi đăng ký kết hôn thì họ không còn là vợ chồng của nhau nữa. Nghị quyết số 01/2003/NQ- HĐTP ngày 06/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC quy định nếu nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 mà đến ngày 01/01/2003 chưa đăng ký kết hôn lại có một bên chết trước thì bên vợ hoặc chồng còn sống được hưởng di sản của bên chết để lại. Như vậy, theo quy định của Nghị quyết 01 họ vẫn được coi là vợ chồng hợp pháp từ thời gian họ chung sống với nhau như vợ chồng đến trước ngày 01/01/2003. Tuy nhiên, Nghị quyết 01 lại có quy định chưa thực sự khoa học và phù hợp đối với trường hợp sau ngày 01/01/2003. Theo quy định của Nghị quyết 01 thì sau ngày 01/01/2003 nếu nam, nữ chưa đăng ký kết hôn mà có một bên vợ hoặc chồng chết trước và có tranh chấp về thừa kế khi chưa có quy định mới của cơ quan có thẩm quyền, tùy từng trường hợp mà Tòa án xử lý như sau:
+ Nếu chưa thụ lý vụ án thì không thụ lý;
+ Nếu đã thụ lý vụ án và đang giải quyết thì ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Tại sao phải chờ hướng dẫn trong khi trường hợp này cần được giải quyết triệt để và cần chỉ rõ rằng hết thời hạn đăng ký kết hôn mà không đăng ký thì không phải là vợ chồng và tất nhiên bên còn lại sẽ không được hưởng thừa kế di sản của một bên chết trước.
- Nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 đến nay bắt buộc phải đăng ký kết hôn, quan hệ hôn nhân của họ chỉ được xác lập từ thời điểm họ đăng ký kết hôn.
Việc công nhận hôn nhân thực tế của nhà nước ta trong các văn bản pháp luật nêu trên là giải pháp để khắc phục những hậu quả để lại trước đây. Hiện nay Điều 11 Luật HNGĐ 2000 quy định: “Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”. Điều này khẳng định từ ngày Luật HNGĐ 2000 có hiệu lực nếu như nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì sẽ không được công nhận là vợ chồng và họ sẽ không thuộc diện thừa kế di sản của nhau.
Ngoài ra, Luật HNGĐ hiện hành quy định một nguyên tắc cơ bản đó là nguyên tắc một vợ, một chồng. Pháp luật cấm những trường hợp đang có vợ, có chồng mà kết hôn với nhau hoặc với người khác. Tuy nhiên, ngay lập tức chúng ta không thể loại bỏ ngay những tàn dư của chế độ cũ cũng như không thể phủ nhận ngay lập tức chế độ đa thê của chế độ cũ.
- Đối với việc thiết lập quan hệ hôn nhân nhiều vợ ở các tỉnh miền Bắc trước ngày 13/01/1960.
Ngày 29/4/1960 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 690- DS hướng dẫn xử lý việc ly hôn và các vấn đề có liên quan đến việc ly hôn vì chế độ đa thê. Trước đó, ngày 13/01/1960, Sắc lệnh số 02-SL của Chủ tịch nước công bố Luật HNGĐ 1959 chính thức có hiệu lực. Như vậy, những trường hợp có nhiều vợ sau ngày Luật HNGĐ 1959 có hiệu lực thì bị coi là trái pháp luật, không được coi là hôn nhân hợp pháp. Theo đó, những trường hợp có nhiều vợ trước ngày 13/01/1960 sẽ được coi là hợp pháp, khi người chồng chết trước những người vợ còn sống sẽ được hưởng thừa kế di sản mà người chồng để lại theo quan hệ hôn nhân giữa họ.
- Đối với việc thiết lập quan hệ hôn nhân nhiều vợ ở các tỉnh miền Nam trước ngày 25/03/1977.
Ngày 25/03/1977, Nghị quyết số 76/CP được ban hành quy định danh mục văn bản được áp dụng thống nhất trong toàn quốc trong đó có Luật HNGĐ 1959. Theo đó, quan hệ hôn nhân được thiết lập sau ngày 25/03/1977 không tuân thủ quy định của Luật HNGĐ 1959 về nguyên tắc một vợ, một chồng thì sẽ không được coi là hợp pháp, những quan hệ hôn nhân được thiết lập trước thời điểm Nghị quyết 76/CP được ban hành vẫn được công nhận là hợp pháp nếu việc kết hôn sau không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực của Tòa án thì tất cả những người vợ đều được coi là người thừa kế theo pháp luật của người chồng và ngược lại.
Một trường hợp nữa đó là trường hợp cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc mà lại kết hôn với người khác. Thông tư 60/TANDTC ngày 22/02/1978 hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Nam ra Bắc tập kết lấy vợ, lấy chồng khác. Theo quy định của Thông tư nếu người vợ hoặc người chồng ở miền Nam vẫn chưa có quan hệ hôn nhân mới và vẫn muốn duy trì quan hệ hôn nhân trước đây thì công nhận cả hôn nhân trước đây và hôn nhân mới là hôn nhân hợp pháp. Thông tư 60 quy định hướng giải quyết cụ thể cho từng loại quan hệ hôn nhân và chỉ được coi là hợp pháp đối với những quan hệ hôn nhân được xác lập trong thời gian từ sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ 20/7/1954 đến ngày 25/3/1977 Luật HNGĐ 1959 áp dụng chung cho cả nước. Chính vì công nhận việc cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc có nhiều vợ, nhiều chồng nên để bảo vệ quyền thừa kế cho những người vợ lẽ Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/7/1981 đã xác định người vợ lẽ cũng thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người chồng khi người chồng chết.
Thực tế BLDS năm 2005 còn quy định những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm khi nghiên cứu về diện thừa kế theo qun hệ hôn nhân đó là trường hợp vợ chồng đã chi tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác.
Đối với trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
mà sau đó một bên chết trước nhưng quan hệ hôn nhân giữa họ vẫn còn tồn tại vào thời điểm một bên chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản của người chết. Vấn đề này được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 680 BLDS năm 2005.
Đối với trường hợp vợ chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật (Khoản 2 Điều 680 BLDS năm 2005). Khác với BLDS năm1995, BLDS năm 2005 đã thêm cụm từ “hoặc đã được” vào quy định tại Khoản 2 Điều 680 là hoàn toàn hợp lý quy định này bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người vợ, người chồng và làm cho điều luật chặt chẽ hơn.
Đối với trường hợp người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết sau đó lại kết hôn với người khác thì vẫn được hưởng thừa kế mà người đã chết đó để lại (Khoản 3 Điều 680 BLDS năm 2005).
Quan hệ hôn nhân là quan hệ bắt nguồn cho việc tạo dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc chính vì lẽ đó việc đặt quan hệ hôn nhân vào diện thừa kế theo pháp luật là một vấn đề thiết yếu, nó góp phần vun đắp tình đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm giữa vợ và chồng góp phần tạo nên một xã hội giàu mạnh.
2.1.3. Diện thừa kế dựa trên quan hệ nuôi dưỡng
Quan hệ nuôi dưỡng không chỉ phát sinh trong việc nhận nuôi con nuôi mà còn là quan hệ nuôi dưỡng giữa cha kế, mẹ kế với con riêng của vợ hoặc chồng. BLDS năm 2005 quy định con nuôi thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cha nuôi, mẹ nuôi và ngược lại cha nuôi, mẹ nuôi cũng thuộc diện thừa kế theo pháp luật của con nuôi. Trường hợp giữa cha kế, mẹ kế với con riêng của vợ hoặc chồng thì trong một số trường hợp cha kế, mẹ kế cũng thuộc diện thừa kế của con riêng của vợ hoặc chồng mình và ngược lại những người con riêng của vợ hoặc chồng cũng có thể thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cha kế, mẹ kế. Căn cứ vào quan hệ nuôi dưỡng mà các nhà làm luật xác định