Dịch vụ phân phối và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO - 2

CHƯƠNG 1: DỊCH VỤ PHÂN PHỐI VÀ QUY ĐỊNH CỦA WTO VỀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN‌


I. Tổng quan về dịch vụ phân phối


Lĩnh vực phân phối chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện đại ngày nay. Nó là sự liên kết mang tính sống còn giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng và đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành giá cả. Hoạt động của lĩnh vực này sẽ có những tác động mạnh mẽ tới lợi ích của người tiêu dùng. Đồng thời nó cũng cung cấp cho nhà sản xuất nhiều thông tin cần thiết để họ có thể điều chỉnh các quyết định của mình theo nhu cầu của người tiêu dùng nhằm giảm tối thiểu chi phí và nâng cao lợi nhuận. Một lĩnh vực phân phối hiệu quả sẽ hạn chế được một loạt các loại chi phí khác nhau và tạo cơ hội cho người tiêu dùng có được một sự lựa chọn hàng hoá đa dạng với giá cả cạnh tranh. Một sự hoạt động không hiệu quả của lĩnh vực phân phối có thể dẫn tới những sai lệch lớn trong việc phân bổ nguồn lực và thiệt hại về kinh tế như đã từng xảy ra ở nhiều nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung.

1. Khái niệm


1.1. Dịch vụ và đặc điểm của dịch vụ


Dịch vụ phân phối trước hết là một trong nhiều loại hình dịch vụ nên nó sẽ mang những đặc điểm của dịch vụ. Chính vì vậy, điều đầu tiên là cần phải tìm hiểu về dịch vụ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Để đưa ra được một định nghĩa chính xác nhất về dịch vụ không phải là một điều dễ dàng. Hiện nay chưa có một định nghĩa nào về dịch vụ được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân là bởi chính những đặc điểm về tính vô hình, khó nhận biết, nắm bắt cũng như sự đa dạng và phức tạp của các loại hình dịch vụ khác nhau đã làm cho việc định nghĩa dịch vụ trở nên khó khăn. Ngoài ra, sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước cũng sẽ dẫn tới những cách hiểu khác nhau về dịch vụ.

Trong kinh tế học, dịch vụ được hiểu là những thứ tương tự như hàng hoá nhưng là phi vật chất. Do vậy, dịch vụ có thể được định nghĩa “là hoạt động của con người được kết tinh thành các loại sản phẩm vô hình, được thực hiện nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống của chính con người”1

Dịch vụ phân phối và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO - 2

Từ định nghĩa này có thể rút ra một số đặc điểm nổi bật của dịch vụ. Đầu tiên, đặc điểm cơ bản nhất của dịch vụ đó là tính vô hình. Khác với sản phẩm vật chất mang tính hữu hình, dễ lượng hoá, dễ xác định và kiểm soát được chất lượng và có khả năng dự trữ thì sản phẩm dịch vụ thường là vô hình, khó lượng hoá, khó xác định được chất lượng và cũng khó và thường là không dự trữ được sản phẩm dịch vụ…Đặc điểm thứ hai đó là quá trình sản xuất hay cung ứng dịch vụ và tiêu dùng dịch vụ xảy ra đồng thời. Bởi cung cấp dịch vụ chính là “quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm dịch vụ thông qua hoạt động tiếp xúc giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ đó”2. Chính vì việc sản xuất và tiêu dùng dịch vụ diễn ra đồng thời và không thể tách rời như vậy nên dịch vụ rất khó dự trữ được. Chỉ khi có khách hàng yêu cầu dịch vụ thì người cung cấp dịch vụ mới tiến hành sản xuất. Trọng tâm của quá trình cung ứng dịch vụ là hoạt động, trong khi trọng tâm của quá trình sản xuất vật chất là sự biến đổi của vật chất.

Dựa vào các tiêu chí khác nhau hoặc theo những quan điểm khác nhau về dịch vụ thì chúng ta cũng có những sự phân loại dịch vụ khác nhau:

- Dựa vào mục đích là kinh doanh, thu lợi nhuận thì dịch vụ có thể phân loại thành dịch vụ mang tính thương mại và dịch vụ không mang tính thương mại. Dịch vụ mang tính chất thương mại là những dịch vụ được thực hiện, được cung ứng nhằm mục đích kinh doanh để thu lợi nhuận (như dịch vụ quảng cáo để bán hàng, dịch vụ môi giới…) còn dịch vụ không mang tính chất thương mại (hay dịch vụ phi thương mại) là những dịch vụ được cung ứng không nhằm mục đích kinh doanh, không vì mục đích thu lợi nhuận (như dịch vụ công cộng thường do các đoàn thể,


1 Nguyễn Thị Mơ (2005), Lựa chọn bước đi và giải pháp để Việt Nam mở cửa về dịch vụ thương mại, NXB Lý luận Chính trị.

2 Bài giảng môn quản trị sản xuất và dịch vụ - Bộ môn quản trị doanh nghiệp, Khoa quản trị kinh doanh -

trường ĐH Ngoại Thương

các tổ chức xã hội phi lợi nhuận cung ứng hoặc do các cơ quan nhà nước cung ứng khi các cơ quan này thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình).

- Dịch vụ cũng có thể phân loại thành dịch vụ về hàng hoá và dịch vụ về tiêu dùng dựa vào mục tiêu của dịch vụ1. Theo đó, dịch vụ về hàng hoá bao gồm dịch vụ phân phối (bao gồm vận chuyển, lưu kho, bán buôn, bán lẻ, quảng cáo, môi giới…) và dịch vụ sản xuất (bao gồm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, các dịch vụ về kỹ sư và kiến trúc công trình, dịch vụ kế toán kiểm toán, dịch vụ pháp lý…) do những dịch vụ này gắn kết chặt chẽ với việc sản xuất, trao đổi và buôn bán các loại sản phẩm – hàng hoá từ ngành nông – công nghiệp như phục vụ cho việc cung cấp đầu vào cho sản xuất hay phục vụ cho việc phân phối và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Các dịch vụ này còn được gọi là dịch vụ trung gian. Dịch vụ về tiêu dùng gồm dịch vụ xã hội (bao gồm dịch vụ sức khoẻ, y tế, giáo dục, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ bưu điện, viễn thông, các dịch vụ nghe nhìn và các dịch vụ xã hội khác…) và dịch vụ cá nhân (gồm dịch vụ sửa chữa, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ giải trí, dịch vụ văn hoá, du lịch…) do các dịch vụ này được tiêu dùng trực tiếp bởi các cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu xã hội và thường không liên quan đến thương mại hàng hoá nhưng vẫn mang tính thương mại. Các dịch vụ này còn được gọi là dịch vụ cuối cùng.

- Còn trong thương mại quốc tế, theo sự phân loại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì dịch vụ được phân chia thành 12 ngành dịch vụ và 155 phân ngành. Đó là: 1. Các dịch vụ kinh doanh, 2. Các dịch vụ thông tin, 3. Các dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật liên quan, 4. Dịch vụ phân phối, 5. Dịch vụ giáo dục, 6. Dịch vụ môi trường, 7. Dịch vụ tài chính, 8. Dịch vụ y tế và xã hội, 9. Dịch vụ du lịch và và dịch vụ liên quan, 10. Dịch vụ giải trí, văn hoá và thể thao, 11. Dịch vụ vận tải, 12. Các dịch vụ khác2.


1 Nguyễn Thị Mơ (2005), Lựa chọn bước đi và giải pháp để Việt Nam mở cửa về dịch vụ thương mại, NXB Lý luận Chính trị.

2 Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Giải thích về biểu cam kết cụ thể trong thương mại dịch vụ

của Việt Nam, http://www.nciec.gov.vn/index.nciec?1562.

1.2. Khái niệm về dịch vụ phân phối


Khi hàng hoá được sản xuất ra để đến được với những người tiêu dùng thì phải trải qua một chuỗi các hoạt động mua và bán. Dịch vụ phân phối là thuật ngữ mô tả toàn bộ quá trình lưu thông tiêu thụ hàng hoá đó trên thị trường. Chúng là những dòng chuyển quyền sở hữu các hàng hoá qua các doanh nghiệp và tổ chức khác nhau để tới người mua cuối cùng. Quan niệm về DVPP có thể được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau.

Đối với người sản xuất thì DVPP là những cách thức và sự tổ chức hệ thống bên ngoài doanh nghiệp để quản lý các hoạt động phân phối phối giúp họ thực hiện được mục tiêu kinh doanh. Người sản xuất (hay người nhập khẩu) phải tìm ra các trung gian thương mại nào thích hợp để đưa sản phẩm của họ đến các khách hàng cuối cùng nếu như họ không muốn tự mình trực tiếp bán hàng hoá cho người tiêu dùng nhỏ lẻ. Nhà sản xuất có thể thông qua các trung gian như những người bán buôn rồi từ đó tới những người bán lẻ đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, có thể nói DVPP là các hình thức lưu thông sản phẩm qua các trung gian khác nhau. Khi một doanh nghiệp soạn thảo một chính sách phân phối sản phẩm sản xuất ra cũng có nghĩa là doanh nghiệp đó đang lựa chọn những phương thức phân phối phù hợp nhất cho việc bán một hàng hoá hoặc dịch vụ.

Đối với người tiêu dùng, dịch vụ phân phối được hiểu là những hoạt động thực hiện chủ yếu tại các cửa hàng bán lẻ-mắt xích cuối cùng của quá trình biến đổi, vận chuyển, dự trữ và đưa hàng hoá, dịch vụ tới tay người tiêu dùng. Còn đối với bản thân những nhà phân phối, DVPP là một lĩnh vực kinh tế riêng biệt có chức năng trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Từ những quan niệm trên có thể thấy DVPP là hệ thống các quan hệ của một tập hợp các doanh nghiệp và cá nhân độc lập và phụ thuộc lẫn nhau cùng tham gia vào quá trình đưa hàng hoá từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Nó là một chuỗi các mối quan hệ giữa các tổ chức liên quan trong quá trình mua và bán hàng hoá. Mỗi doanh nghiệp trong kinh doanh chắc chắn có sự tham gia vào một hoặc một số DVPP nhất định. Ví dụ, đối với một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, DVPP của họ bao gồm: hệ thống thu mua nông sản từ những người nông dân và một hệ thống

xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài...Như vậy, DVPP trở thành đối tượng để tổ chức, quản lý như một công cụ kinh doanh trọng yếu của các doanh nghiệp trên thị trường.

Trên bình diện vĩ mô, các DVPP của vô số doanh nghiệp tạo nên một hệ thống thương mại, hệ thống phân phối hàng hoá chung cho toàn bộ nền kinh tế. Đây là hệ thống lưu thông, tiêu thụ hàng hoá của các doanh nghiệp trên thị trường, theo nhiều chiều, nhiều hướng khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. DVPP vĩ mô của mỗi quốc gia có chức năng là tạo ra sự phù hợp giữa cung cầu hàng hoá trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế. DVPP vĩ mô bao gồm tất cả các dòng chảy hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế từ người sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng (cả tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng cho sản xuất) nhằm đảm bảo hàng hoá được lưu thông, cung cầu phù hợp và đạt các mục tiêu xã hội. Do đó toàn bộ DVPP vĩ mô là đối tượng nghiên cứu để hoạch định các chính sách tổ chức và quản lý lưu thông phân phối của nhà nước.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong danh mục phân loại ngành dịch vụ CPC (Provisional Central Product Classification) thì dịch vụ phân phối được phân thành bốn nhóm dịch vụ chính. Đó là: dịch vụ đại lý hoa hồng (Commission Agent’s Services), dịch vụ bán buôn (Wholesale Trade Services), dịch vụ bán lẻ (Retailing Services) và nhượng quyền thương mại (Franchising).

2. Vai trò của dịch vụ phân phối trong nền kinh tế quốc dân


Là một trong những loại hình dịch vụ, làm cầu nối giữa nhà sản xuất và tiêu dùng, bên cạnh đó còn là cách thức để quá trình lưu thông hàng hoá diễn ra hiệu quả, do vậy DVPP ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

2.1. Dịch vụ phân phối một chiếm tý trọng đáng kể trong thu nhập quốc dân.


Có thể thấy, vai trò đầu tiên của dịch vụ phân phối là việc đóng góp một phần quan trọng trong tổng thu nhập GDP của nền kinh tế. Dịch vụ phân phối chịu trách nhiệm về lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế, từ đó có tác dụng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng phát triển, đồng thời là một yếu tố có tác động lớn tới định hướng phát triển của sản xuất. Sự tăng trưởng của ngành DVPP góp phần tạo nên động lực

phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế. Trong tất cả các quốc gia có đầy đủ dữ liệu, lĩnh vực phân phối (bán buôn và bán lẻ cộng lại) chiếm một phần đáng kể trong các hoạt động kinh tế. Phần đóng góp của lĩnh vực phân phối trong tổng GDP nằm trong khoảng từ 8% ở Đức, Ailen đến trên 20% ở Hồng Kông, Trung Quốc và Panama1. Tại nhiều nền kinh tế, lĩnh vực này chỉ đứng thứ hai sau lĩnh vực chế tạo về mức đóng góp GDP và vượt trên các lĩnh vực khác như nông nghiệp, khai khoáng, vận tải, viễn thông và dịch vụ tài chính. Ở Việt Nam, lĩnh vực DVPP cũng đang ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chung của nền kinh tế trong những năm gần đây. Từ năm 2000 trở lại đây, DVPP đã chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 trong tổng mức GDP, khoảng 13-15%, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến (20%) và nông nghiệp (18%).

2.2. Dịch vụ phân phối thu hút đông đảo lao động, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.


Dịch vụ phân phối đang là một trong những lĩnh vực kinh tế thu hút nhiều lao động nhất trong nền kinh tế quốc dân. Luôn song hành với dịch vụ phân phối là hàng loạt các hoạt động phụ trợ khác như marketing, dịch vụ tài chính, khuyến mãi, chăm sóc khách hàng…do đó mà số lao động hoạt động trong lĩnh vực phân phối lại chiếm một tỷ lệ đáng kể. Thường thì DVPP tạo ra tới 15% tổng số việc làm. Chẳng hạn tính toán tới số lao động hoạt động trong ngành bán lẻ, mà cụ thể là trong các siêu thị có thể thấy rõ điều đó. Chúng ta có thể thấy được ở một siêu thị cần rất nhiều nhân viên như nhân viên kho, nhân viên thanh toán, nhân viên giám sát bán hàng…cùng với việc nhân với số ca làm việc và số siêu thị hoạt động thì sẽ nhận thấy số lao động nhiều thế nào. Đóng góp của lĩnh vực này trong việc tạo công ăn việc làm thường còn lớn hơn đóng góp vào GDP. Chỉ số thể hiện tầm quan trọng của lĩnh vực phân phối trong các hoạt động kinh doanh chính là tỷ lệ số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối trong tổng số các doanh nghiệp của một nền kinh tế: tỷ lệ này nằm trong khoảng từ ít hơn 20% tại Hoa Kỳ, Đan Mạch,….lên tới 40% tại Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Tại Việt Nam, DVPP phát triển cũng đã góp


1 Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Tổng quan các vấn đề về tự do hoá thương mại dịch vụ, NXB Chính trị 2005.

phần gia tăng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, với khoảng 54.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (chiếm 40% tổng số doanh nghiệp thuộc thành phần này) và không dưới 3.000 doanh nghiệp nhà nước tham gia kinh doanh. Một điều quan trọng nữa là lĩnh vực này đang tạo ra công ăn việc làm đáng kể cho những người lao động có tay nghề thấp. Điều này tạo ra một ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội khi nó làm giảm sức ép của nghèo đói, góp phần ổn định xã hội.

2.3. Ngành dịch vụ phân phối góp phần tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Đúng như định nghĩa đã nêu, vai trò của dịch vụ phân phối là sự kết nối sống còn của nhà sản xuất với người tiêu dùng đặc biệt đặt trong nền kinh tế thị trường hiện đại, khi phân công lao động phát triển ở trình độ cao. Một nền kinh tế có hệ thống phân phối hiệu quả sẽ làm tăng lợi ích cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Trong nền kinh tế vốn tồn tại nhiều mâu thuẫn cơ bản như là mâu thuẫn giữa sản xuất khối lượng lớn, chuyên môn hoá của các doanh nghiệp để đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô, chi phí sản xuất đơn vị sản phẩm thấp với nhu cầu tiêu dùng theo khối lượng nhỏ và ngày càng đặc biệt và đa dạng theo sự phát triển của xã hội, thu nhập của dân cư càng tăng lên. Hay là sự khác biệt về không gian giữa sản xuất và tiêu dùng do sản xuất tập trung tại một điểm còn tiêu dùng rộng khắp hoặc ngược lại. Hoặc cũng có thể là sự khác biệt về thời gian do sản xuất và thời gian tiêu dùng không trùng khớp, có thể sản xuất có tính thời vụ còn tiêu dùng quanh năm hoặc ngược lại, do đó người sản xuất phải dự trữ hàng hoá. Quá trình phân phối hàng hoá sẽ giải quyết được những mâu thuẫn này. Trong quá trình lưu thông hàng hoá gắn liền với nhu cầu thực tế của thị trường cả về sản phẩm, thời gian và không gian nên có thể chuyển tải những thông tin cần thiết về nhu cầu thị trường cho những người sản xuất và cung ứng hàng hoá để điều chỉnh theo những điều kiện của thị trường, tạo ra sự ăn khớp về không gian, thời gian giữa sản xuất và tiêu dùng. Vì thế tạo lập những cầu nối để dẫn dắt người sản xuất định hướng vào nhu cầu thị trường, thúc đẩy phương thức kinh doanh theo nhu cầu của nền kinh tế thị trường, trên cơ sở đó mà tăng cường thương mại hoá và phát triển thị trường cho các ngành kinh tế sản

phẩm có lợi thế, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho nền kinh tế đất nước.

2.4. Vai trò của dịch vụ phân phối trong chuỗi giá trị


Chuỗi giá trị là một hệ thống các hoạt động trao đổi được tổ chức chặt chẽ từ khâu thiết kế, sản xuất, bán hàng, giao hàng và hỗ trợ sản phẩm của doanh nghiệp nhằm mục đích tạo ra giá trị và tính cạnh tranh cao hơn. Chuỗi giá trị là liên kết cho người tiêu dùng. Theo tổ chức OECD thì quá trình phân phối hàng hoá tạo ra từ 10% cho đến 50% giá của một loại hàng hoá tiêu dùng1. Hay tại Việt Nam, theo một

khảo sát của trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong chuỗi giá trị hình thành sản phẩm thì khâu nghiên cứu sản xuất chiếm 30%, khâu sản xuất chiếm 30% trong khi đó khâu phân phối chiếm tới 40%2. Một hoạt động có hiệu quả của dịch vụ phân phối sẽ dẫn tới việc giảm giá, giảm sự méo mó trong cơ cấu giá, tạo điều kiện cho người tiêu dùng hưởng lợi, tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

2.5. Vai trò của dịch vụ phân phối trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế


Một số doanh nghiệp có tiềm lực sẽ mở rộng hệ thống dịch vụ phân phối ra nước ngoài thông qua liên doanh, liên kết với các tập đoàn phân phối nước ngoài hoặc thông qua các trung tâm giới thiệu sản phẩm, trung tâm thương mại của họ ở nước ngoài để đưa sản phẩm của mình hoặc xuất khẩu sản phẩm trong nước tới những người tiêu dùng nước ngoài hay một số doanh nghiệp trong nước lại tiến hành nhập khẩu những hàng hoá từ thị trường nước ngoài để tiêu dùng trong nước thì lúc đó trên bình diện vĩ mô DVPP còn có vai trò liên kết thị trường của một nước với các thị trường còn lại trên thế giới. Điều này thật sự có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển bởi họ luôn tìm kiếm cơ hội tham gia vào kênh phân phối toàn cầu như một công cụ cho sự hội nhập có hiệu quả vào nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế.

1 Regulation and Performance in the Distribution Sector, OECD Economics Department Working Paper No. 180, OECD/GD (97)145, OECD, Paris. Pilat, D. (1997),

2 Đặng Lê Anh, Thị trường bán lẻ Việt Nam: Nguy cơ thua ngay trên sân nhà, Tạp chí Kinh tế đối ngoại số 23/2007.

Xem tất cả 108 trang.

Ngày đăng: 01/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí