Vấn Đề Quản Lý, Tổ Chức Hướng Dẫn/ Phục Vụ Khách Tham Quan


trong thời gian gần đây: Năm 1999, tu tạo nâng cấp toàn bộ công trình hết khoảng 120 triệu đồng; năm 2006 tu sửa toà tiền tế 05 gian ngoài trị giá khoảng 150 triệu đồng. Đền Quan Lớn Thống cũng đã được tu sửa nhiều lần. Năm 2010 mới được tu sửa gian ngoài. Hiện nay, về cơ bản, đền đã hoàn chỉnh, không cần tu sửa thêm.

Chùa Phấn Vũbị xuống cấp trầm trọng nhất. Hệ thống móng, hệ thống tường gạch bị mọt hỏng gần như hoàn toàn; trụ cột, vì kèo bị mối mọt, mục nát, ngói bị vỡ, bị lệch nhiều có nguy cơ đổ sập vào mùa mưa bão. Qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn chưa hoàn thiện, đến ngày 19/10/2012, Ban Quản lý di tích đã tiến hành hội nghị gồm các cụ cao niên trong làng; các thành viên trong Ban Quản lý di tích; các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư; các đồng chí Trưởng thôn Minh Vũ, Phấn Vũ Nam, Vũ Đông, Xuân Bàng và các đại diện cho nhân dân làng Phấn Vũ cùng với sự chứng kiến của Đại diện Ủy ban Nhân dân xã để họp bàn tu sửa chùa. Hội nghị đã nhất trí cao, đưa đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền tiến hành tu bổ, tôn tạo chùa Phấn Vũ. Đến nay, chùa đã được tu sửa lại, khuôn viên được mở rộng, nhà khách được xây dựng thêm. Có thể nói, trong cụm di tích, chùa Phấn Vũ tuy đã phải sửa chữa, nâng cấp nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu, còn đền Mẫu và đền Quan Lớn Thống đã ít nhiều thay đổi do những người đảm nhận nhiệm vụ trùng tu, sửa chữa chưa tuân thủ nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng.

Từ trước đến nay, nhân dân làng Phấn Vũ rất tích cực đóng góp công sức và tiền của để tu sửa cụm di tích. Đặc biệt, năm 2012 toàn bộ số tiền tu sửa, nâng cấp lên đến 700 triệu đồng, nhưng vẫn chưa đủ để tu sửa, hoàn thiện cụm di tích. Bộ cánh cửa phía trước của đền Quan Lớn Thống đang cần được thay; khuôn viên cũng cần được chú ý chăm chút hơn nữa,... Ba di tích thì chỉ có chùa Phấn Vũ có nhà khách nhưng diện tích rất nhỏ hẹp, vào những


ngày lễ hội không đủ chỗ để khách lưu trú lại; quy mô của lễ hội cũng đang dần bị thu nhỏ, nhiều trò chơi bị mai một, giản lược do thiếu kinh phí tổ chức. Vì thế, nhân dân đang kiến nghị với các cấp chính quyền để mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư kinh phí từ Sở, của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đặc biệt, hiện nay cụm di tích đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh, rất cần được đầu tư kinh phí để tu sửa, tôn tạo, chống xuống cấp để phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo cư dân địa phương và khách tham quan. Tất nhiên, vẫn rất cần sự đóng góp cả về kinh tế, cả về công sức và trí tuệ của người dân địa phương và những nhà hảo tâm.

3.2.2. Vấn đề khách tham quan

Vào những ngày mùng một, ngày Rằm, ngày lễ Phật Đản, người dân đi vãn cảnh tại chùa Phấn Vũ, cầu phúc - lộc - may mắn. Đặc biệt vào dịp lễ hội Rằm tháng 7, cả ba di tích hấp dẫn du khách bởi sự hòa quyện giữa nghi thức tôn giáo truyền thống và các hoạt động văn nghệ dân gian, sinh hoạt văn hóa hiện đại. Những nghi thức tôn giáo và những hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian tại cụm di tích phản ánh rõ nét đời sống tâm linh, văn hóa và những ước vọng của cư dân sông nước. Ngày mùng Một, hôm Rằm tại chùa Phấn Vũ đều có lễ Phật, có sự tham gia của 260 người trong Hội Phật giáo, thu hút được đông đảo người dân tham gia. Ngày 20/2, tại đền Quan Lớn Thống còn diễn ra Lễ cầu vạn - cầu thời tiết thuận hòa, tôm cá được mùa, thu hút đông đảo nhân dân tham dự [3, tr.16] từ người dân trong làng, trong xã, trong huyện như: Thụy Trường, Thụy Hải, Diêm Điền, Thái Hưng; người dân trong tỉnh như Tiền Hải, Hưng Hà, Vũ Thư đến người dân từ các tỉnh thành khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và những người con làm ăn xa xứ trở về để dâng lễ, cầu bình an. Tuy nhiên, khách tham quan cụm di tích chưa nhiều, những ngày thường đền chùa rất vắng bóng. Phần vì ít


người ở nơi khác biết đến cụm di tích, phần vì cơ sở lưu trú chưa đáp ứng nhu cầu khách tham quan.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.

Nhận xét về cụm di tích, ông Lê Bá Kiểm (65 tuổi, cán bộ hưu trí) - một người dân của làng Phấn Vũ cho biết: "Cụm di tích chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là nơi để người dân đến đây cầu bình an, cầu cho thuyền bè thuận lợi mà còn là nơi minh chứng cho lịch sử hào hùng của làng quê. Tuy nhiên, không phải người dân Phấn Vũ nào cũng hiểu về giá trị cụm di tích này hoặc có người hiểu nhưng rất mơ hồ và chưa hiểu hết". Chị Lê Thị Hiền (23 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình) không giấu nổi sự xúc động: "Mình là một người con của Phấn Vũ nhưng cũng chưa hiểu nhiều về cụm di tích này, có thể do thế hệ của mình còn quá trẻ. Nhưng mình thực sự vui sướng và tự hào khi cụm di tích được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh". Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng ban khánh tiết cho biết: "Từ khi xóa bỏ bao cấp, đời sống tâm linh của người dân ngày càng nâng cao, người dân chú trọng hơn đến việc đầu tư để sửa chữa, trùng tu di tích". Ông cũng thể hiện mong muốn: "Tôi mong sao cụm di tích không chỉ dừng lại ở Di tích cấp Tỉnh mà sẽ trở thành Di tích cấp Quốc gia trong thời gian tới. Đó không chỉ là mong muốn của riêng tôi mà còn của cả người dân Thụy Xuân nói chung".

Chị Lê Thị Hòa (25 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội) về tham quan đã nhận xét: “Lần đầu tiên tôi đến tham quan cụm di tích. Đến đây, tôi càng hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa, đời sống của những con người miền quê biển. Thật tiếc là giờ tôi mới biết làng Phấn Vũ có cụm di tích này. Tôi rất muốn biết nhiều hơn về cụm di tích nhưng người dân ở đây dường như cũng không am hiểu nhiều lắm về các di tich này”. Anh Nguyễn Quang Hoàng (25 tuổi, nhân viên Tư vấn bán xe ô tô, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) thích thú cho biết: “Tôi vô

Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - 10


cùng ngạc nhiên khi được tận mắt ngắm nhìn cụm di tích. Đó là nét đặc sắc kết tinh văn hóa lâu đời của một làng quê có bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú. Tôi hy vọng nơi đây sẽ được sự quan tâm đầu tư hơn nữa để tôi và các bạn được học hỏi và hiểu biết nhiều hơn”.

Ý kiến nhận xét của người dân Phấn Vũ và khách tham quan là những đóng góp quý báu để đặt ra giải pháp nhằm thu hút hơn nữa du khách đến tham quan. Đồng thời cũng cho thấy một thực trạng đáng buồn là người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ ít nắm được nguồn gốc giá trị của cụm di tích, không biết về lịch sử di tích, về đối tượng thờ tự mà chỉ đến thắp hương, đến cầu nguyện, đến theo phong trào. Ngay chính người dân ở đây còn không rõ về di tích thì cũng rất khó để nói cho du khách biết, để đáp ứng nhu cầu muốn tìm hiểu, khám phá về đền, chùa Phấn Vũ như trường hợp của chị Lê Thị Hòa ở trên.

3.2.3. Vấn đề quản lý, tổ chức hướng dẫn/ phục vụ khách tham quan

Khi chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh thì cụm di tích trực thuộc sự quản lý của Ủy ban nhân dân xã Thụy Xuân và Ban Quản lý di tích do dân bầu ra gồm 17 thành viên. Đến khi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh theo Quyết định số 2415/QĐ - UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ngày 10/10/2012, Ủy ban nhân dân xã Thụy Xuân đã ra hai Quyết định: Ngày 26/11/2012, Ủy ban nhân dân xã Thụy Xuân ra Quyết định thành lập Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền, chùa làng Phấn Vũ. Ban quản lý gồm 15 thành viên, trong đó ông Lê Xuân Hưng là trưởng ban. Đến ngày 27/11/2012, Ủy ban nhân dân xã Thụy Xuân ra Quyết định thành lập Ban khánh tiết di tích lịch sử văn hóa đền, chùa làng Phấn Vũ. Ban khánh tiết gồm 20 thành viên, trong đó ông Nguyễn Văn Sang là trưởng ban. Ban Khánh tiết có nhiệm vụ quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động cụm di tích dưới sự điều hành của Ban Quản lý di tích làng Phấn Vũ. Ban Quản lý cụm di


tích có nhiệm vụ quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động cụm di tích dưới sự điều hành của Ủy ban nhân dân xã Thụy Xuân. Dưới sự điều hành của Ban Quản lý, trực tiếp là đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân nhưng đại đa số các thành viên của Ban Quản lý và Ban Khánh tiết di tích đều là các cụ cao niên trong làng được bầu ra. Tuy nhiên các cụ mới chỉ làm việc theo tấm lòng nhiệt tình, tính tự giác còn về phương pháp khoa học quản lý chưa được đào tạo bài bản, chưa nắm vững quy định của quản lý Nhà nước trong điều hành hoạt động của di tích, hướng dẫn chi tiết theo Luật Di sản Văn hóa.

Di tích có hai người trông coi là Cụ Trịnh Văn Hoẹt và bà Trịnh Thị Thoa. Ông Hoẹt có trách nhiệm trông coi đền Quan Lớn Thống; bà Thoa có trách nhiệm trông coi đền Mẫu và chùa Phấn Vũ. Đây cũng là 2 người cao tuổi nhưng chưa được đào tạo về chuyên môn, còn hiểu biết ít về cụm di tích. Khi được hỏi về các giá trị, về lễ hội hay kiến trúc của cụm di tích thì họ trả lời được rất ít hoặc đề nghị đến gặp ông Nguyễn Văn Sang để tìm hiểu thêm. Vì thế, cụm di tích cần tổ chức đào tạo thêm người hướng dẫn, xây dựng tổ hướng dẫn khách tham quan, thuyết minh phục vụ khách tại đền, chùa hoặc có nhiều bảng, biển chỉ dẫn, giới thiệu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan không chỉ trong ngày hội mà cả những ngày thường.

Vào ngày lễ hội, khách đến tham quan rất đông, nhu cầu nghỉ lại của du khách nhiều nhưng trong ba di tích mới chỉ có chùa Phấn Vũ có nhà khách, được xây dựng năm 2012, nhưng diện tích còn hẹp, chỉ có một phòng và một giường. Chị Vũ Quỳnh Nga (27 tuổi, giáo viên, đến từ thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã dừng chân rất lâu bên khuôn viên chùa Phấn Vũ cho biết: "Rất ít di tích trong xã Thụy Xuân có được một diện tích và thiên nhiên đẹp như ở đây. Đây là nơi lý tưởng để tìm hiểu về bản sắc văn hóa làng Phấn Vũ. Tiếc là nhà khách còn nhỏ hẹp không đủ để tôi và các bạn trú lại". Nhà nghỉ, khách sạn ở xã Thụy Xuân không có, khách phương xa muốn


lưu trú lại lâu phải lên thị trấn Diêm Điền (cách Thụy Xuân 7km). Vì thế, làng Phấn Vũ nói riêng, xã Thụy Xuân nói chung cần xây dựng thêm cơ sở lưu trú để đáp ứng vấn đề chỗ ăn nghỉ cho du khách. Với điều kiện hiện nay của xã nên xây dựng từ 1 đến 2 nhà nghỉ theo TCVN 7799: 2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 228 "Du lịch và các dịch vụ có liên quan" biên soạn trên cơ sở dự thảo đề nghị của Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

3.2.4. Vấn đề tổ chức lễ hội

Lễ hội - cầu nối quá khứ với hiện tại, bao đời nay đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Lễ hội di tích đền, chùa làng Phấn Vũ được tổ chức từ mùng 10 đến 15/7 Âm lịch, nhưng chủ yếu tập trung vào phần lễ, phần hội còn đơn giản, ít trò chơi. Nhiều trò chơi đã bị mai một như bơi chải, vật, phần vì do chiến tranh làm gián đoạn, nhiều năm không được tổ chức, mãi đến năm 1990 mới được khôi phục lại, phần vì bãi biển bị phù sa bồi lấp, không còn rạch sông như xưa để tổ chức bơi chải, một trò chơi đặc trưng của cư dân miền biển.

Lễ hội là của nhân dân, từ nhân dân mà ra và tồn tại phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi một lễ hội sẽ có một đặc trưng riêng, thể hiện sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tại địa phương đó. Vì thế, Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền, chùa làng Phấn Vũ cần tổ chức lễ hội phù hợp với đặc trưng và yếu tố văn hóa, lịch sử cũng như tâm linh vốn có trong lễ hội. Phần hội cần có sự đa dạng, phong phú. Ban quản lý cần có kế hoạch khôi phục lại trò vật, còn trò bơi chải rất khó có thể khôi phục lại do hiện nay xã Thụy Xuân không còn sông ngòi. Tuy có biển, nhưng khúc gần bờ rất cạn, không thể tổ chức bơi chải được. Bên cạnh các trò chơi đã được tổ chức như cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, có


thể tổ chức thêm các trò chơi như: Bắt chạch trong chum, trói cua, thi đan lưới, thi gánh cá, nặn tò he, kéo co, thổi cơm thi, chọi gà,... Để lễ hội mang nhiều sắc thái, vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống làng quê vừa kết hợp với các loại hình văn hóa hiện đại, cần tổ chức thêm các chương trình ca múa nhạc kết hợp với các làn điệu hò chèo thuyền, hò đối đáp nam nữ, hát chèo, hát tuồng,... các chương trình giao lưu, chương trình văn nghệ thiếu nhi,... đáp ứng nhu cầu giải trí cho cư dân sau một năm lao động vất vả. Lễ hội có tổ chức quy mô và đa dạng như vậy mới thu hút đông đảo du khách tham gia.

3.2.5. Hoạt động mê tín dị đoan tại cụm di tích

Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo dựa trên cơ sở quan trọng nhất là niềm tin về đối tượng thờ phụng. Tuy nhiên, do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo có tính lan truyền cảm xúc cao trong cộng đồng nên cũng là điểm yếu dễ bị kích động và lợi dụng theo những mục đích khác nhau của một hay nhiều nhóm người, đặc biệt là những nhóm người hành nghề mê tín dị đoan.

Chùa Phấn Vũ là điểm có khá nhiều người hành nghề bói toán. Vào đầu năm hay dịp lễ hội, khu vực ngã tư cách chùa khoảng 600m tụ tập gần chục "thầy" bói để giải quẻ thẻ kiêm xem bói: xem bói bài tây, lá trầu, hay lòng bàn tay, xem vận hạn cả năm,… cho khách. Rồi những người bán lá số tử vi, bán các loại sách mê tín dị đoan tiên đoán vận mệnh tràn lan, chào mời xô bồ. Người bán hàng ngụy trang dưới rất nhiều hình thức: Mở sạp bán hàng tạp hóa, bánh kẹo; cho sách vào thùng xốp. Sách có bìa hình bát quái, ngũ hành với đủ loại nhan đề như “Bói toàn thư, “Đoán mộng, giải mộng”, “Tử vi tướng pháp trọn đời”. Thậm chí, nhiều sách còn núp bóng “khoa học” với những cái tên rất “kêu” như: “Tử vi dưới ánh sáng khoa học”, “Tử vi lý học”, “Khoa học về đường chỉ tay”, “Khoa học về tướng số”,... Hầu hết đều là sách photocopy hoặc in màu sơ sài, không có tên tác giả và nơi xuất bản, hình vẽ mờ, nhiều chỗ còn viết sai chính tả,… nhưng vẫn được rất nhiều người mua.


Hiện nay, mặt hàng bán chạy nhất là những tờ tử vi nói trước vận hạn trong năm theo từng tuổi, với giá 2.000 – 5.000 đồng/tờ. Những quầy bán sách này làm cho nhiều người bước vào cổng chùa hoa mắt. Chị Thanh Loan (xã Thụy Lương) vào chùa cầu bình an, may mắn, được đội bán sách chào mời nhiệt tình. Dù đã từ chối mãi nhưng vẫn bị bám theo, chị đành phải bỏ ra 20 ngàn đồng để mua “một chút bình yên”.

Việc hành nghề bói toán và bán sách mê tín dị đoan diễn ra ở đền, chùa không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây nhiều khó chịu cho du khách, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, thành kính nơi cửa Phật và gây tác hại xấu cho nhiều du khách nhẹ dạ, cả tin. Em Tuấn Anh (18 tuổi, thôn Bình An) học lớp 12, đang chuẩn bị dự thi vào Cao đẳng, trong một lần đi lễ tại chùa Phấn Vũ cùng bạn bè, em đã gieo quẻ và nghe lời thầy phán “có quý nhân phù trợ đường công danh, cầu được ước thấy, thi đâu đỗ đó, con đường tương lai vô cùng sáng rạng”. Mừng như bắt được vàng, Tuấn Anh về nhà thoải mái đăng ký thi vào trường chuẩn, những khi đến trường em ung dung trốn học đi chơi bi-a; khi về nhà em thoải mái đóng cửa phòng luyện chơi game. Vì vậy mà kết quả học tập của Tuấn Anh ngày càng kém, khi thi không đủ điểm sàn,… Năm nay Tuấn Anh tiếp tục ôn để thi lại, trong khi nhiều bạn bè của em đã là sinh viên đại học.

Bên cạnh đó, người đến cúng bái tại đền, chùa Phấn Vũ đốt nhang từng bó lớn, với ý nghĩ đốt nhang càng nhiều thì lời cầu nguyện càng thiêng, khấn vái ở đủ mọi nơi, mọi chỗ, từ hòn đá đến gốc cây, cắm nhang la liệt, khói bốc mù mịt rồi nhét tiền lẻ vào tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng hộ pháp… Vào lễ dịp lễ hội, những ngày đầu năm hay ngày Rằm, mùng một hàng tháng tiền giấy, vàng mã đốt nghi ngút, bập bùng suốt ngày. Những năm gần đây, việc đốt vàng mã trở nên phức tạp với nhiều đồ ma được mô phỏng theo các vật

Xem tất cả 144 trang.

Ngày đăng: 28/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí