Cơ Sở Vật Chất Kỹ Thuật Phục Vụ Du Lịch 78289

KVA. Một số thôn, bản sát chân núi còn có nguồn thuỷ điện nhỏ do các hộ gia đình tự đầu tư cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt.

- Hệ thống thông tin và truyền thông

Hệ thống hạ tầng bưu chính, viễn thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân và khách du lịch. Đến nay 100% các xã có điểm bưu điện văn hoá, điểm cung cấp dịch vụ internet, phủ sóng điện thoại, đến hết năm 2008, bình quân có 15 máy điện thoại trên 100 người dân, hầu hết các công sở trên địa bàn, các cơ sở lưu trú đều có điểm truy cập mạng internet, các cơ sở kinh doanh du lịch đều thiết lập được website … Dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn khá hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại, chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn.

- Hệ thống cấp, thoát nước

+ Thực trạng hệ thống thủy lợi: Nước cho nông nghiệp được lấy từ 2 nguồn: nước mưa và nước từ hệ thống sông, suối trên địa bàn Huyện. Nguồn nước mặt của Tam Đảo khá phong phú với sông Phó Đáy và các sông nhỏ như: Vực Chuông, Đình Cả. Đặc biệt là hệ thống hồ chứa nước lớn như: Xạ Hương dung tích 12,78 triệu m3, Làng Hà 2,3 triệu m3, Hồ Vĩnh Thành 2,7 triệu m3, Bản Long 2,5 triệu m3 và hàng loạt các hồ chứa nước nhỏ (25 hồ).

Hệ thống hồ, đập (38 cái) không chỉ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn phục vụ cho sân gôn, nhà máy Z95, nuôi trồng thủy sản và tạo nguồn nước ngầm cho các giếng của dân cư trong Huyện.

Trên địa bàn huyện Tam Đảo có Trung tâm khai thác các công trình thủy lợi, với năng lực tưới 5.523 ha. Hiện tại, hệ thống công trình của Công ty đã phục vụ tưới cho 3.271 ha đất nông nghiệp của Huyên, số còn lại phục vụ cho các huyện khác thuộc vùng quản lý của Công ty.

Hiện trên địa bàn Huyện còn 136 ha không có khả năng tưới do địa hình phức tạp, không thể xây dựng được các công trình thủy nông. Hệ thống kênh cấp 2 đã được cứng hóa, nhưng 380 km kênh đất thuộc kênh nội đồng đã xuống cấp cần nâng cấp, cải tạo. Các hồ chứa nước tuy hiện đang cung cấp đủ nước, nhưng một vài đập bị dò rỉ (đập hồ Làng Hà) hoặc đang tạm ngừng cấp nước để cải tạo, mở rộng dung tích.

+ Thực trạng cấp nước sinh hoạt: tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh của huyện Tam Đảo chiếm 93%. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt trong huyện có ba nguồn: nước mưa, nước mặt và nước ngầm.

Tại khu nghỉ mát Tam Đảo, nguồn nước hiện đang được khai thác từ ba nguồn chính: khe Mãng Chì, Hồ Xanh và nguồn nước mưa bổ trợ. Hiện nay, ở khu vực này đã được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước, đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sử dụng của toàn bộ khu nghỉ mát. Theo đánh giá của các nhà khoa học thì nguồn nước mặt của Tam Đảo có trữ lượng cao, đáp ứng đủ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và là nguồn cung cấp nước chủ yếu hiện tại cũng như lâu dài.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

+ Thực trạng thoát nước: Về thoát nước, trên địa bàn Huyện chỉ có khu vực thị trấn Tam Đảo và khu vực sân gôn đã xây dựng hệ thống thoát nước thải. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước vẫn rất đơn giản, chủ yếu là công trình nổi, lộ thiên và chưa qua xử lý. Còn ở các khu vực khác, nước thải sinh hoạt ở mỗi hộ dân, nước mưa chủ yếu được thoát xuống các ruộng trũng, ao hồ, mương rãnh hiện có sau đó chảy ra hệ thống các mương tiêu chính rồi cuối cùng đổ ra sông. Tình trạng trên gây ô nhiễm cho môi trường chung và cần phải được xem xét xử lý trong thời gian tới.

2.2.3.2 Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên cho mục đích phát triển bền vững du lịch huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - 9

- Cơ sở lưu trú

Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng từng bước được nâng cấp, đầu tư mới. Toàn huyện có 104 cơ sở lưu trú trong đó 1 khu nghỉ dưỡng Resort, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 8 khách sạn 2 sao và 8 khách sạn 1 sao, còn lại đủ tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch, với tổng số 1.827 phòng nghỉ. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở lưu trú đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú của du khách. Hiện có 15 cơ sở lưu trú, nhà hàng đã có dịch vụ thanh toán bằng thẻ và 9 cơ sở lưu trú thực hiện đặt phòng qua mạng internet [20].

Nhìn chung, chất lượng các cơ sở lưu trú không cao nên không đáp ứng được nhu cầu của du khách. Do vậy công suất sử dụng buồng phòng trung bình chỉ đạt 60%. Riêng khu vực núi Tam Đảo trong mùa du lịch có thể đạt mức 70% - 80% công suất sử dụng.

Theo quy hoạch du lịch của huyện, dự kiến những năm tới, với công suất sử dụng phòng theo mức trung bình như hiện nay (65% - 70%) và thời gian lưu trú là 3 ngày đối với khách quốc tế và 2,5 ngày đối với khách nội địa thì đến năm 2020 huyện Tam Đảo sẽ cần 250 khách sạn, nhà nghỉ với khoảng 7.000 phòng để đáp ứng

nhu cầu lưu trú cho du khách (UBND TD, 2015) [20].

- Cơ sở ăn uống

Hiện tại Tam Đảo có khoảng 34 nhà hàng thuộc các cơ sở lưu trú, phục vụ các món ăn khác nhau đáp ứng nhu cầu của du khách. Các cơ sở ăn uống bên ngoài khách sạn, tại các điểm tham quan có quy mô nhỏ hơn. Các nhà hàng, quán ăn phát triển mạnh do các khu vực này là nơi thu hút được lượng lớn du khách tới thăm quan.

- Dịch vụ vận tải: Dịch vụ vận tải được cải thiện về chất lượng phục vụ, số lượng các loại phương tiện gia tăng, mạng lưới các phương tiện giao thông công cộng được đầu tư nâng cấp: Trên địa bàn huyện có 01 tuyến xe buýt Vĩnh Yên đi Cầu Chang (Tam Đảo) với 09 xe loại 36 - 45 chỗ, tần suất 60 chuyến/ngày. Có 01 bến xe đặt tại trung tâm huyện lỵ, tổng số phương tiện vận tải có 145 xe, trong đó xe khách có 15 xe, xe tải có 130 xe, có 5 -6 hãng taxi hoạt động thường xuyên và trên 60 xe điện hoạt động tại sân golf và Tây Thiên, tuyến cáp treo với 49 cabin, sức chứa 8 người/cabin, thời gian đi chuyển từ đền Cậu đến đền Thượng 8 phút/lượt. Nhìn chung, dịch vụ vận tải bước đầu đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay.

- Các cơ sở thể thao, vui chơi giải trí và các cơ sở phục vụ du lịch khác

Việc phát triển các cơ sở thể thao, vui chơi giải trí tại các khách sạn cũng như các hoạt động tiêu khiển khác ở Tam Đảo hiện còn rất hạn chế, hầu như mới chỉ dừng ở các hoạt động karaoke, massage, bơi lội, phòng tập thể hình và sân tennis. Riêng tại các khu resort ở Tam Đảo được xây dựng theo mô hình tổ hợp vui chơi giải trí cao cấp kết hợp với sân golf tiêu chuẩn quốc tế. Khu nghỉ dưỡng và sân golf đầu tiên của Việt Nam ở Tam Đảo được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Sức chứa tối đa của 3 sân golf này là 200 khách/lượt. Đây chính là điểm nhấn quan trọng và là lợi thế cạnh tranh của du lịch Tam Đảo đối với các địa phương lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với cả nước.

2.3 Hiện trạng phát triển du lịch

2.3.1 Tài nguyên du lịch tự nhiên

Với những điều kiện địa lý đặc trưng nổi bật chủ yếu tập trung ở vùng Tam Đảo và Tây Thiên, tài nguyên du lịch tự nhiên tiêu biểu là các cảnh quan thiên nhiên của vùng rừng núi, khí hậu ôn hòa, đa dạng sinh học của của các hệ sinh thái

động, thực vật tại VQG Tam Đảo, các dạng địa hình hồ trên núi (hồ Xạ Hương, hồ Bản Long trên núi Tam Đảo), hang Dơi trên núi Ngọc Thanh…

2.3.1.1 Tài nguyên khí hậu

Vườn quốc gia Tam Đảo trên địa phận tỉnh Vĩnh Phúc có độ cao trung bình 900 m so với mực nước biển. Từ những năm đầu của thế kỷ XX, người Pháp đã khám phá và xây dựng Tam Đảo thành khu nghỉ trên núi với hơn 140 ngôi biệt thự nhưng đến nay đã không còn lưu giữ được. Tam Đảo là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm mang sắc thái của khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình 18oC - 19oC, độ ẩm cao, quanh năm có sương mù che phủ. Tháng lạnh nhất nhiệt độ xuống dưới 11oC. Tuy nhiên ở Tam Đảo quanh năm không có tháng nào nhiệt độ trung bình vượt quá 25oC và nhiệt độ tối cao tuyệt đối không vượt quá 35oC. Do vậy, Tam Đảo là nơi có khí hậu thuận lợi nhất cho hoạt động du lịch, phù hợp với sức khoẻ con người, thuận tiện cho các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí và chữa bệnh.

Đây cũng là nơi có nhiều cảnh quan đẹp như Thác Bạc, Cổng Trời, Bãi Đá, cùng với những cánh rừng bạt ngàn ẩn hiện trong mây. Đây cũng là nơi có thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng, đa dạng về loài, về quần xã sinh học với nhiều loài thực vật đặc hữu và quý hiếm. Cảnh quan thiên nhiên và các giá trị đa dạng sinh học của VQG Tam Đảo là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

2.3.1.2 Hệ thống các hồ, thác nước

Một số hồ, thác nước đã tạo nên cảnh quan đẹp có giá trị phục vụ cho du lịch như: hồ Xạ Hương, thác Bay,…

Hồ Xạ Hương nằm trong thung lũng núi Con Trâu. Xạ Hương là hồ nước nhân tạo, được đào vét từ năm 1984, có diện tích tầm 83 ha và có thể chứa hơn 12 triệu m3 nước. Hồ Xạ Hương có những mùa ngập nước và những mùa nước vơi, thế nhưng mùa nào nước hồ cũng sạch, trong và xanh đến lạ kỳ. Cảnh sắc thiên nhiên đổi thay qua các mùa càng góp phần tô điểm vẻ đẹp trữ tình, nên thơ và lãng mạn.

2.3.1.3 Đa dạng sinh học

- Thảm thực vật của VQG Tam Đảo thể hiện rõ trong nền cảnh của rừng nhiệt đới gió mùa với quần hệ thực vật có 1.436 loài, thuộc 741 chi trong 219 họ của 6 ngành thực vật, phân bố trên các kiểu rừng khác nhau như [3, 4, 30]:

+ Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới: bao phủ phần lớn dãy núi Tam Đảo và phân bố ở độ cao dưới 800 m, với nhiều tầng tán và những loài cây có giá trị kinh tế như: chò chỉ (Shorea chinensis), giổi (Michelia SP), re (Cinamomum Ital), trường mật (Pavviesia annamensis)…

+ Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp: phân bố từ độ cao 800 m trở lên. Thực vật ở đây gồm các loài trong họ re (Lauraceae), họ dẻ (Fagaceae), họ chè (Theaceae), họ mộc lan (Magroliaceae), họ sau sau (Hamamelidocene)… Từ độ cao 1.000 m trở lên xuất hiện một số loài thuộc ngành hạt trần như: thông nàng (Dacrycarpus imbrricatus), pơ mu (Fokieria hodginsii), thông tre (Podocarpus neriifolicy), kim giao (Nageia fleuryi)… Dưới tán kiểu rừng này thường có các loài như: vầu đắng, sặt gai, các loài cây bụi thuộc họ cà phê (Rubiaceae), đơn nem (Myrsiraceae), họ thầu dầu (Euphorbiaceae)…

+ Rừng lùn trên đỉnh núi: là kiểu phụ đặc thù của rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp. Thực vật chủ yếu là các loài cây thuộc họ đỗ quyên (Ercaceae), họ re (Lauraceae), họ dẻ (Fagaceae), họ hồi (Illiciaceae), họ thích (Aceraceae)…

+ Rừng tre nứa: ở VQG Tam Đảo rừng tre nứa không có nhiều (chỉ có 884 ha) và thường phân bố ở độ cao trên 800 m, có các loài tiêu biểu là: vầu, sặt gai ở độ cao 500 m - 800 m là cây giang và dưới 500 m là nứa.

+ Rừng phục hồi sau nương rẫy, sau khai thác: thảm thực vật thường có với các loài cây: dung (Symplocos SP), màng tang (Litsea cubeba), dền (Xylopia vielana), ba soi (Macarauga denticulata)...

+ Rừng trồng: loài cây chủ yếu là thông đuôi ngựa (Pinus Massoniana), lim xanh (Erythropholenm fordii), bạch đàn, keo, thông Caribee và một số loài cây bản địa có nguồn gốc tại Tam Đảo.

+ Trảng cây bụi: thường xuất hiện ở nơi đất chưa có rừng, khô hạn, nhiều ánh sáng, điển hình là: thẩu tấu (Aporosa dioica), thổ mật (Bridelia tomentosa), thao kén (Helicteres SP), me rừng (Phyllanthus embrica)…

+ Trảng cỏ: được hình thành trên các kiểu rừng đã bị khai thác, đất bị thoái hoá mạnh và được phân ra thành 2 loại hình: trảng cỏ cao, có chiều cao khoảng 2 m và mọc thành từng bụi như: lách (Saccharum spontaneum), cỏ chít (Thysamolema

maxima), cỏ lào (Chromolaena odorata)…; Trảng cỏ thấp, gồm các loài cỏ thấp dưới 2 m, mọc thành thảm cỏ dày đặc hoặc rải rác, điển hình là cỏ tranh (Imperata cylindrica), cỏ đắng (Paspalum scrobiculatum), cỏ sâu róm (Setaria viridis)…

Nhìn chung hệ thực vật Tam Đảo khá phong phú, phân bố trên nhiều sinh cảnh khác nhau và được chia thành các nhóm có giá trị như: nhóm cây lấy gỗ 379 loài, nhóm cây cho quả 25 loài, nhóm cây cho sợi 20 loài, nhóm cây làm thuốc 311 loài, nhóm cây cho tinh dầu 32 loài, nhóm cây làm rau ăn 30 loài, nhóm cây làm cảnh 102 loài và nhóm cây cho tinh bột 5 loài. Trong đó có 68 loài đặc hữu và 58 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như: hoàng thảo Tam Đảo (Dendrobium daoensis), trà hoa đài (Camellia longicaudata), trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia petelotii), hoa tiên (Asarum petelotii), chùy hoa leo (Molas tamdaoensis), trọng lâu kim tiền (Paris delavayi), pơ mu (Fokieria hodginsii), thông tre (Podocarpus neriifolicy), kim giao (Nageia fleuryi)...

- Hệ động vật cũng rất phong phú về thành phần loài (bao gồm các lớp: lưỡng cư, bò sát, chim, thú, động vật có xương sống, côn trùng) với khoảng 1.458 loài thuộc 223 họ của 66 bộ, trong đó có 32 loài đặc hữu, gồm:

+ Những loài đặc hữu hẹp chỉ có ở VQG Tam Đảo gồm 11 loài: rắn sãi angen (Amphiesma angeli); rắn dáo thái dương (Boiga multitempolaris); cá cóc Tam Đảo (Paramerotriton deloustali) và 8 loài côn trùng.

+ Những loài đặc hữu của miền Bắc Việt Nam có ở VQG Tam Đảo: 22 loài và phân loài, trong đó: chim 9 loài; bò sát 4 loài; ếch nhái 3 loài; côn trùng 6 loài.

+ Những loài đặc hữu của Việt Nam có ở VQG Tam Đảo: 6 loài, trong đó chim 5 loài; ếch nhái 1 loài.

Trong số các loài nói trên có 126 loài có giá trị khoa học cần bảo tồn, 32 loài đặc hữu, 18 loài có tên trong sách đỏ thế giới và 8 loài cấm buôn bán. Nhiều loài quí hiếm vừa phục vụ cho nghiên cứu khoa học vừa có giá trị kinh tế cao như voọc đen má trắng, cheo cheo, cá cóc Tam Đảo, gà lôi trắng, gà tiền...

2.3.2 Tài nguyên du lịch nhân văn

2.3.2.1 Thành phần các dân tộc

Trên địa bàn huyện Tam Đảo có các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Lào, Mường, Hoa, Mông, Dao, Khơ me, trong đó hai dân tộc Kinh và Sán Dìu chiếm phần lớn dân số của huyện, các dân tộc khác (Lào, Mường, Hoa) chiếm một phần rất nhỏ.

Mỗi dân tộc có những điều kiện sinh sống, phong tục tập quán mang những sắc thái riêng tạo nên sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học là các tập tục lạ về cư trú, tổ chức xã hội, thói quen ăn uống, sinh hoạt, kiến trúc, trang phục, ca múa nhạc…

2.3.2.2 Các di tích lịch sử, văn hóa

Huyện Tam Đảo có 119 di tích lịch sử văn hoá với 35 đình, 29 đền, 39 chùa, 8 miếu, 5 di tích cách mạng và 02 Thiền viện. Có 15 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh và 01 di tích xếp hạng Quốc gia. Một số di tích nổi tiếng như Đền thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, Đền Bà chúa Thượng, Đền Thạch Kiếm, Đền thờ Đức Thánh Trần, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đền chân Suối... (Thiền viện trúc lâm Tây Thiên nằm trong quần thể danh thắng Tây Thiên, Trúc lâm Thiền viện như một đóa sen hồng giữa đại ngàn thông biếc, trúc xanh. Một công trình kiến trúc đẹp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, tọa lạc trên nền chùa cổ Thiên Ân xưa với diện tích rộng khoảng 4,5 ha. Xung quanh là rừng ngoại vi rộng 50 ha ở độ cao 300 m so với mực nước biển. Từ chánh điện, nhà tổ, nhà khách, nhà trưng bày, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống... đến khu nội viện gồm: tăng đường, thiền đường, trai đường và các thất chuyên tu được xây dựng rất kỳ công và độc đáo mang đậm dấu ấn của kiến trúc Á Đông. Thư viện hình bát giác nằm trên đồi và một tượng phật cao 35 m, tất cả các tranh tượng, phù điêu trên vách tháp chuông, tháp trống trong và ngoài chánh điện đều ẩn chứa những tích xưa thiền sử hấp dẫn du khách) [67].

Bên cạnh đó Tam Đảo còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng quan trọng của cả nước như: Nơi Bác Hồ về làm việc, sở chỉ huy chiến dịch Trần Hưng Đạo ở thị trấn Tam Đảo, nơi tổ chức các hội nghị quan trọng chỉ huy cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân - 1968, địa điểm bắn rơi may bay Mỹ bằng súng bộ binh của dân quân dân tộc Sán Dìu ở xã Đạo Trù…

Các dấu ấn lịch sử và văn hóa mà người dân nơi đây đã tạo dựng qua trường kỳ lịch sử được gìn giữ và phát huy, thể hiện ở hệ thống di sản văn hóa vật thể; hệ thống di tích thờ Thần, thờ Phật phong phú và đa dạng, phân bổ ở hầu khắp các địa phương.

Trên địa bàn huyện Tam Đảo có 44 lễ hội lớn, nhỏ ở các xã, thôn được tổ chức tại các đình, đền, chùa trong huyện; một số lễ hội tiêu biểu có sức thu hút khách du lịch như Lễ hội Tây Thiên, Hội Vật Làng Hà. Các lễ hội được tổ chức hàng năm gắn với các di tích lịch sử văn hóa, thu hút một lượng lớn khách du lịch hành hương về với Tam Đảo.

Hiện nay Tam Đảo còn lưu giữ được một làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Sán Dìu, đó là hát Soọng Cô. Bên cạnh hát Soọng Cô, khu vực xã Đạo Trù còn có “Chợ tình”, do thời gian và sự phát triển của kinh tế - xã hội, chợ tình Đạo Trù hiện nay đã mai một, nhưng có thể khôi phục lại. Lễ cấp sắc, hát trầu văn, trang phục truyền thống, các loại bánh và món ăn ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc…

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 13/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí